Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hồi giáo với Malaysia, phần 1


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
         
Malaysia là nước có nhiều tôn giáo, các tôn giáo ở Malaysia có ý nghĩa nhất định về giáo dục ý thức cộng đồng, đạo đức, phong cách, lối sống của một bộ phận nhân dân. Nhưng trong lịch sử, các tôn giáo cũng đã từng bị các thế lực thù địch, xâm lược, các tập đoàn chính trị phản động lợi dụng, sử dụng vào mưu đồ chính trị. Hồi giáo là một tôn giáo lớn do người Ả Rập sáng lập, được truyền bá vào đất nước Malaysia qua các con đường khác nhau và được tiếp nhận rất nồng nhiệt.
Hồi giáo là tôn giáo chính thức và chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội, đồng thời là tôn giáo của cộng đồng dân tộc Melayu – cộng đồng dân tộc bản địa lớn nhất, có nhiều đặc quyền, đặc lợi trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội của nước này. Số người theo đạo Hồi chiếm hơn 60% tổng số dân cả nước; còn lại là theo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên chúa giáo,… và các tín ngưỡng dân gian.
Trong bối cảnh đó, để xây dựng một quốc gia độc lập, phồn vinh với một nền văn hóa thống nhất, Malaysia đã phải giải quyết những vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo của mình. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Hồi giáo đang là vấn đề nổi cộm, phức tạp nhất của khu vực và thế giới, gắn với mọi mặt trong đời sống chính trị của các nước, mà Malaysia không phải là một ngoại lệ.
           Việc nghiên cứu đạo Hồi nói chung và đạo Hồi ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng dưới góc độ lịch sử, để góp phần hiểu rõ hơn về Hồi giáo và những ảnh hưởng của nó đến khu vực Đông Nam Á là một công việc có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn. Từ ý nghĩa đó, tôi chọn đề tài “Sự du nhập và ảnh hưởng của Hồi giáo ở Malaysia (thế kỷ XV – thế kỷ XX) làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp cho mình.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
          Từ trước đến nay, đề tài nghiên cứu về các nền văn minh trên thế giới đã thu hút không ít tổ chức và cá nhân nghiên cứu trên cả hai hướng lý thuyết và thực tiễn. Có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về vấn đề này, cụ thể là:
          +  Đại cương văn hóa phương Đông (Lương Duy Thứ chủ biên): trình bày tổng quan về các nền văn hóa lớn ở phương Đông, trong đó phần Ả Rập được giới thiệu một cách khái quát nhưng khá đầy đủ từ thời tiền Hồi giáo cho đến năm 2007. Tác giả chỉ thuật lại phần lịch sử một cách sơ lược nhưng vẫn làm nổi bật lên tầm quan trọng của tiến trình lịch sử khi xem lịch sử như một quá trình liên tục, như “sợi chỉ dài” xuyên suốt các giai đoạn lịch sử quyết định đến sự hình thành và phát triển của văn hóa Ả Rập.
          Trong tác phẩm này, tác giả trình bày dưới hình thức giới thiệu các thành tố của nền văn hóa: tôn giáo, văn hóa vật chất, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, khoa học – kỹ thuật, phong tục tập quán … Tác giả đã giới thiệu khá đầy đủ những nét nổi bật và truyền thống của nền văn hóa Ả Rập xưa và nay. Tuy nhiên, đúng như tên gọi của nó, quyển sách này chỉ giới thiệu chứ nó chưa đi sâu vào các vấn đề khoa học phức tạp.
           + Lịch sử văn minh Ả Rập (Will Durant): Tác giả đã khái quát nền văn minh Ả Rập từ thời kỳ tiền Muhammad cho đến lúc đế quốc Ả Rập Hồi giáo bị quân Mông Cổ tấn công và suy yếu.
           Durant đã trình bày rất kỹ về nền văn minh Hồi giáo qua các thời kỳ lịch sử và các vùng lãnh thổ - những nơi mà các đội quân Hồi giáo đã đặt chân đến. Tác giả làm rõ từ kinh Koran, phép tắc, tín ngưỡng cho tới chính quyền và cả kinh tế, xã hội và phong tục tập quán. Ông cũng trình bày khá rõ ràng về các thành tựu của nền văn minh Ả Rập tuy rằng chưa xác định thời gian của các thành tựu này. Đồng thời thời ông cũng nêu được nguồn gốc của việc hình thành các giá trị văn hóa đó và những ảnh hưởng của nó đến người dân Ả Rập, phương Đông, phương Tây và thế giới…
           + Lịch sử văn minh thế giới (Vũ Dương Ninh): Ả Rập và Hồi giáo chỉ là một phần nhỏ trong chương IV của cuốn sách, giới thiệu những thành tựu chủ yếu của văn minh Ả Rập thời cổ trung đại. Tất cả đều mang tính khái quát, sơ lược và căn bản. Tuy vậy, tác giả cũng thể hiện rõ sự khâm phục và ngưỡng mộ của mình về những thành tựu của nền văn minh Ả Rập thời kỳ này.
          + Islam ở Malaysia (Phạm Thị Vinh): Tác giả đã trình bày tổng quan về “Islam ở Malaysia” trên tất cả các lĩnh vực xã hội, văn hóa và chính trị Malaysia từ sau khi nước này giành độc lập đến nay. Bà đã trình bày kỹ về ảnh hưởng của Hồi giáo (bà gọi là “Islam”) ở Malaysia qua từng thời kỳ lịch sử, trong đời sống văn hóa xã hội và chính trị (giáo dục, luật pháp, vị trí của nó trong Hiến pháp Liên bang Malaysia…) qua các mốc thời gian cụ thể (1414, 1511, 1824, 1957).
             + Liên bang Malaysia, lịch sử văn hóa và những vấn đề hiện đại (Viện nghiên cứu Đông Nam Á): Hồi giáo và Hồi giáo ở Malaysia chỉ là một mục nhỏ (mục 7) ở phần II của cuốn sách, ở đây tác giả giới thiệu những nét cơ bản, toàn diện về Hồi giáo, quá trình Hồi giáo xâm nhập và tác động đến các mặt như văn hóa, xã hội, chính trị tuy rằng chưa đi sâu kỹ hơn vào mặt văn hóa, xã hội. Tuy vậy, tác giả cũng thể hiện được sự khâm phục, ngưỡng mộ của mình đối với những ảnh hưởng của Hồi giáo đến các mặt của Malaysia.
           Qua những công trình trên cho thấy vấn đề “sự du nhập và ảnh hưởng của Hồi giáo đến Malaysia” đã được nghiên cứu trên nhiều góc độ khác nhau (chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…), nhưng hầu như các công trình này còn mang tính riêng lẻ, chưa toàn diện, về lịch sử hình thành cũng như khuynh hướng phát triển, mức độ ảnh hưởng của Hồi giáo đến Malaysia trên các mặt của đất nước này. Trong thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển chung của thế giới nói chung và Malaysia nói riêng, Hồi giáo ngày càng biến đổi không ngừng và gia tăng ảnh hưởng của nó đến các nước trên thế giới. Song, quá trình biến đổi bản thân đạo Hồi như thế nào, mức độ ảnh hưởng của nó đến chính trị, văn hoá, xã hội… của Malaysia ra sao ? Đó là những vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, làm rõ.
       3. Đối tượng nghiên cứu
           Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là Hồi giáo và những ảnh hưởng của tôn giáo này đối với Malaysia.
       4. Phạm vi nghiên cứu
           Thời gian nghiên cứu được giới hạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX.
           Không gian nghiên cứu của đề tài được giới hạn trong phạm vi của Malaysia.
       5. Phương pháp nghiên cứu
            - Phương pháp lịch sử: phương pháp này giúp ta thấy được một cách tổng thể sự phát triển của Hồi giáo các giai đoạn lịch sử cụ thể cũng như khái quát được ảnh hưởng của nó đến Malaysia.
            - Phương pháp logic: để xem xét các sự kiện liên quan trong mối quan hệ biện chứng của quá trình phát triển, quá trình nhận thức lịch sử, từ đó tìm ra các vấn đề có tính mắt xích, quy luật của vấn đề nghiên cứu.
        6. Cấu trúc
           Nội dung của khóa luận gồm 2 chương:
           Chương 1:  Khái quát về Hồi giáo
           Chương 2: Sự du nhập và ảnh hưởng của Hồi giáo đối với nước Malaysia (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX) 
CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ HỒI GIÁO

1.1. Sự ra đời và phát triển của đạo Hồi
1.1.1. Muhammad và đạo Hồi
            Muhammad (nghĩa là “người được ca ngợi”) sinh vào tháng 4/571[1], trong một gia đình làm nghề buôn bán ở Mecca bên bờ Tây bán đảo Ảrập. Mồ côi từ nhỏ, ông được ông nội và bác đem về nuôi dưỡng. Lớn lên, ông theo bác đi dẫn đường cho các đoàn lái buôn qua sa mạc, và chính việc này đã giúp ông có vốn kiến thức uyên bác, đặc biệt là những hiểu biết về giáo lý độc thần giáo của Do Thái và Thiên Chúa giáo – hai tôn giáo có chung nguồn gốc – để sau này ông đưa vào tôn giáo của mình.
           Cho đến trước khi Hồi giáo ra đời, Ả rập là một bán đảo rộng lớn (3 triệu km2 ) gồm phần lớn là sa mạc khô cằn, hoang vắng, chỉ có một số ốc đảo ở phía Nam (vùng Yemen) là nhiều mưa, có ruộng vườn, gia súc đông đúc (ngựa, cừu, lạc đà). Trong khi đó, vùng Hejaz nằm ở phía Tây Nam bán đảo cũng rất phát triển. Vùng này từ xưa đã thành lập nhiều thành phố lớn như Mecca, Yathrib (sau đổi thành El Medina), Mokka nằm dọc con đường thương mại Đông – Tây. Cho tới đầu thế kỷ VII, cư dân ở các thành phố này còn sống thành từng thị tộc, bộ lạc. Tuy nhiên, trong các bộ lạc đó, sự phân hóa giai cấp ngày càng rõ rệt. Tầng lớp quý tộc thị tộc trở thành kẻ có nhiều đặc quyền và của cải. Một lần trong năm, các bộ tộc đều tạm dừng chiến tranh, xung đột để đến Mecca hành hương.
           Ngoài Hejaz và Yemen ra, ở các vùng đất còn lại, cư dân tiếp tục hành nghề chăn nuôi gia súc, nhiều nhất là dê và lạc đà. Tuy lạc hậu hơn hai vùng trên, nhưng đến đầu thế kỷ VII ở đây cũng diễn ra sự phân hóa giàu nghèo. Trong khi đó ở bên ngoài, do có vị trí quan trọng nên vùng đất này trở thành đối tượng tranh giành giữa Ba Tư và Byzantium. Sau nhiều năm chiến tranh, Ba Tư chiếm được vùng Yemen giàu có, do đó khống chế luôn con đường thương mại Đông – Tây khiến hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn. Như vậy, đến cuối thế kỷ VI – đầu thế kỷ VII, trên bán đảo Ả rập, có nơi thành lập nhà nước, có nơi còn đang trong chế độ công xã nguyên thủy. Do đó, nhu cầu thống nhất về mặt nhà nước đã trở nên cần thiết. Sự ra đời của Islam hay Hồi giáo[2] chính là sự đáp ứng cho nhu cầu phát triển thời đó.

            Đồng thời với nhu cầu thống nhất về mặt nhà nước là nhu cầu thống nhất về mặt tôn giáo. Trước khi Hồi giáo ra đời, trên bán đảo xuất hiện hình thức thờ vô số thần (ngẫu tượng), mỗi bộ tộc đều thờ một vị thần duy nhất[3]. Trung tâm của của các tín ngưỡng đó chính là thánh địa Mecca và đền Kaaba huyền bí. Nhận thức được điều đó, Muhammad đã sáng lập ra Hồi giáo để thống nhất các tín ngưỡng trên lại thành một, tôn thờ Allah là thánh tối cao và đồng thời thành lập ummah, cộng đồng dân cư được kết hợp bằng niềm tin tôn giáo thống nhất và cai trị bởi luật Hồi giáo. Sau đó, ông đại thắng quân Mecca, kéo quân đến đền Kaaba phá bỏ 360 ngẫu tượng, buộc dân Mecca , buộc dân Mecca cải sang đạo Hồi. Như vậy, chính trị và tôn giáo được thống nhất trong Hồi giáo: Là đấng tối cao, Allah có quyền truyền đạt ý muốn của mình qua trung gian Muhammad, còn ông trở thành nhà lãnh đạo chính trị thực hiện trung thành ý chí của Allah [18, 12].


Với sự thống nhất về chính trị, tôn giáo này, Ả rập chính thức thành lập nhà nước và về sau trở thành một đế quốc rộng lớn với đội quân hùng mạnh, sẵn sàng tử vì đạo với những ý đồ bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài của các Caliph – vua Ảrập.

1.1.2. Sự mở rộng lãnh địa Hồi giáo ra khỏi biên giới Ảrập
           Những người kế vị Muhammad tự xưng là Caliph, có nghĩa là “người nối nghiệp” nhà Tiên tri, quốc gia Hồi giáo của họ được gọi là Caliphate. Thực hiện di huấn của Muhammad “truyền bá lời dạy của Chúa tới chân trời góc bể”[22, 35], các tín đồ của ông đã “chỉ trong một thế kỷ đã thống trị cả một vùng đất rộng lớn từ Tây Ban Nha, Marốc ở phía tây trải dài cho tới tận Ấn Độ ở phía đông” [14].  Đây là việc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và truyền bá văn hóa Hồi giáo, biểu hiện của sự hưng thịnh là sự nổi lên của 3 đế chế Hồi giáo:
       Đế chế Umayyads (661 – 750): Chỉ trong vòng một thế kỷ chinh chiến, Umayyads đã dựng lên một đế quốc rộng lớn chưa từng thấy, trải dài suốt từ Ấn Độ đến bờ biển Đại Tây Dương, khiến cho Hồi giáo trở thành một tôn giáo của thế giới.
       Đế chế Abassids (750 – 1258): triều đại nổi lên ở Iraq với trung tâm là Baghdad, đã làm chúa tể thống trị cả một vùng rộng lớn bao gồm Sind, Afganistan, Ba Tư, Syria, Palestine, Ai Cập, Bắc Phi.
         Đế chế Andalusia (755-1492): đóng đô ở Cordoba (Tây Ban Nha).
       Bên cạnh các đế chế này còn có các đế chế khác như đế chế Fatimid (Ai Cập); Almoravid (Marốc), Safavid (Iran)…
Sở dĩ Hồi giáo bành trướng nhanh như vậy là có nhiều lý do. Về quân sự, họ học hỏi rất nhiều từ Ba Tư và Byzantium. Các bộ lạc phía bắc Ả rập có truyền thống đánh thuê cho các nước này, qua đó họ học rất nhiều về kỹ thuật quân sự, như cách đánh thành chẳng hạn. Về mặt tinh thần, họ tin rằng nếu chiến đấu vì Allah, tử vì đạo sẽ được lên thiên đường, không kể sau thẳng lợi họ được chia phần. Nếu định cư ở đâu thì dân không theo đạo Hồi sẽ đóng thuế nuôi họ.

1.2. Giáo lý đạo Hồi
1.2.1. Kinh Koran
           Kinh Koran (nghĩa là “đọc”) là bộ kinh điển tối thượng của người Hồi giáo. Theo giáo lý đạo Hồi, Koran là sự tiết lộ những lời mặc khải của Thượng đế  thông qua Thiên sứ Gabriel cho Muhammad. Tương truyền, trong 23 năm cuối đời mình, Muhammad đã đọc một vài thiên khải cho các tín đồ của ông ghi chép rải rác trên các miếng da thú, tảng đá, mảnh xương, lá kè rồi đọc cho đám đông nghe, sau cùng xếp chúng vào những cái hộp không theo trình tự hợp lý và thứ tự thời gian nào cả [12, 55 – 56]. Sau khi ông tạ thế, Caliph đầu tiên là Abu Bakr ra lệnh cho Zayd Ibn Thabit – người thư ký giỏi nhất của Tiên tri, tìm kiếm những đoạn chép tay, những gì còn lại trong trí nhớ của các tín đồ thân cận nhất của Muhammad, để tập hợp một cuốn kinh. Đến thời Uthman việc biên soạn kinh Koran được thực hiện do công sức của nhiều người [4].
           Kinh Koran chia thành 30 phần (Just), 114 chương (Suras), 6.236 câu (Ayat, nghĩa là “điều lành”, điều kỳ diệu”) [5] và 323.015 từ. Các chương đều khác nhau về khuôn khổ và không theo trình tự nội dung. Kinh Koran có hai phần: phần Mecca và phần Medina. Phần thứ nhất gọi là phần Mecca, có 85 chương, 4.780 câu, nội dung chủ yếu nói về Allah, vị thánh toàn năng, siêu việt và là người sáng tạo ra muôn loài. Các tín đồ nếu làm đúng theo lời dạy của Allah thì sẽ được lên thiên đường, còn ngược lại sẽ bị đày đọa ở địa ngục. Phần thứ hai là phần Medina, phần này có 29 chương, 1.456 câu, nội dung chủ yếu đề cập đến các giáo pháp của Hồi giáo như nghi lễ thờ phụng, trai giới, triều bái… Nghiên cứu kinh Koran, các nhà bác học nói chung không cho nó là một mớ nhảm nhí, bịa đặt. Nó chứa đựng những tư liệu dân tộc học dù là nghèo nàn về cuộc sống, văn hóa và phong tục tập quán của người Ảrập. Những tập quán cổ xưa, những giai thoại về cuộc đấu tranh chống đa thần giáo, chống những tàn dư của chế độ gia trưởng lỗi thời… được miêu tả trong quyển sách này là rất bổ ích. Từ văn bản của kinh này, một di sản văn học cổ, các nhà ngôn ngữ học đã khai thác được nhiều tư liệu bổ ích cho việc nghiên cứu thành phần từ vựng và ngữ pháp của tiếng Ảrập. Trong kinh Koran có nêu ra các nguyên tắc tôn giáo, nghĩa vụ tín đồ phải làm theo; chỉ dẫn về kinh doanh, quảng cáo, quy định về quan hệ hôn nhân, gia đình, các quy tắc đạo đức trong xã hội, nhưng chủ đề chính của no vẫn là khẳng định các nguyên tắc tôn giáo, các nghĩa vụ của tín đồ đối với đức thánh Allah [28, 380].
Hiện nay, kinh Koran không đơn thuần chỉ là bộ kinh của hơn 20 nước Ảrập mà còn là tác phẩm đồ sộ, kết tinh tài hoa, trí tuệ và ước mơ của người Ảrập cần cù và giàu nghị lực. Nói về bộ kinh này, đại thi hào Đức G.W.Goethe viết: “Kinh Coran là bộ sách đọc mãi không thấy chán. Cứ mỗi lần đọc lại cảm thấy như nó luôn luôn mới mẻ, cuốn hút con người, làm rung động lòng người, thúc giục con người… Do nội dung cũng như giáo lý đa dạng, lời văn nghiêm túc, lúc đường hoàng, lúc trang trọng… Bộ kinh này sẽ mãi mãi toát ra một sức mạnh vĩ đại” [42, 610].
 1.2.2. Luật Shari’ah
            Shari’ah, nghĩa là “con đường”, chỉ một hệ thống các nghĩa vụ hoàn chỉnh thông qua sự khải thị của Allah về tôn giáo, đạo đức, pháp luật cần phải tuân theo. Nó ra đời từ rất sớm, đồng thời với đạo Hồi.
          Trước khi đạo Hồi được thành lập, xã hội Ả rập đã tồn tại chế độ thị tộc bộ lạc và bị ràng buộc bởi các thói quen không thành văn. Khi có mâu thuẫn, các bộ lạc đã dùng vũ lực để giải quyết; với vấn đề về dân sự, bộ lạc sẽ cử người có đức cao vọng trong ra điều đình, giảng hòa các xung đột đó. Lâu dần, những điều phán xử không thành văn đã hình thành một tập quán (gọi là Sunnah) và được các bộ lạc sử dụng rất truyền thống. Nhận thức điều này, sau khi thành lập đạo Hồi, Muhammad đã thu thập, chỉnh lý các tập quán không thành văn đó lập thành bộ luật mới, gọi là Shari’ah, lấy danh nghĩa của thánh Allah để thi hành. Nội dung của bộ luật bao gồm các vấn đề về thừa kế tài sản, hôn nhân – gia đình, xét xử người phạm tội. Về thừa kế tài sản, luật cho phép  người phụ nữ được thừa kế tài sản, nhưng quy định người nam sẽ hưởng số tài sản gấp đôi người nữ. Về hôn nhân – gia đình, luật cho phép nam giới đa thê, hạn chế quyền bỏ vợ và con trai sẽ giao sính lễ cho gia đình vợ trong lễ cưới. Về tội ăn cắp, luật nghiêm cấm: phải chặt tay kẻ cắp để trừng phạt; nghiêm cấm phụ nữ ngoại tình: nếu phụ nữ ngoại tình thì sẽ bị ném đá cho đến chết.
           Sau khi Muhammad qua đời, các Caliph thừa kế ông đã dựa vào tình hình thực tế và định chế một số điều luật mới. Thời Umayyads, Muawiyyah đã từ bỏ chế độ tuyển cử và thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế. Ở thời kỳ này, Hồi giáo được tôn làm Quốc giáo và thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả trật tự thống trị Umayyads. Caliph Umayyads – người đại diện cho Hồi giáo đã trở thành một con người khác biệt với thế giới và họ được Hồi giáo tôn thờ như một vị thần và là người có thể trực tiếp nói chuyện với Allah [3, 351 – 352].
Sau Muawiyyah, các caliph kế tiếp đã mở nhiều cuộc chiến tranh xâm lược đến các vùng đất mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa ở đó. Sau khi tiếp thu các nền văn hóa khác ở các vùng bị chinh phục, các Caliph đã mời các học giả (ulama) từ khắp nơi về đế quốc để soạn và san định luật Hồi giáo. Mặc khác do có sự khác nhau về tư tưởng nên họ đã thành lập các giáo phái để thực hiện tư tưởng họ định ra từ trước, đồng thời định chế luật cho phù hợp với xã hội thời đó. Vào thời Umayyads, các nhà giáo pháp bị chia thành hai phái: phái “Ý kiến” (dùng ý kiến của mình giải thích pháp luật, đại diện là Omar); phái “Thánh huấn” (lấy kinh Koran, Thánh huấn[6] làm cơ sở lý luận và thực tiễn, đại diện là Malik). Đến thời Abassids, trên cơ sở của 2 phái Giáo pháp học thời kỳ đầu, dần dần hình thành bốn phái Giáo pháp học lớn lấy các nhà pháp học làm trung tâm, đó là bốn phái Hanéfi (do Hanifa sáng lập), Maliki (do Malik sáng lập), Shafi’i-yah (do Shafi’i sáng lập) và Hanabilah (do Hanbal sáng lập). Nhìn chung, bốn phái này chuyên dựa vào kinh KoranHadith để làm cơ sở lý luận nhưng mỗi bên sẽ vận dụng hai sách này theo nhiều hướng khác nhau. Phái Hanéfi chủ yếu dựa vào kinh Koran Hadith để suy luận, diễn đạt vấn đề theo cách riêng của mình, thịnh hành ở Iraq, Afganistan, Ai Cập, …  Phái Shafi’i-yah thì coi trọng suy luận trong 2 sách này thậm chí còn kết hợp hai cái đó lại với nhau… Phái này phát triển mạnh ở Iraq, Syria, Đông Nam Á (có Malaysia)…. Phái Maliki thì ngoài việc căn cứ vào hai sách trên còn dựa vào tập quán địa phương Medina làm căn cứ nên phái này có tên gọi là phái Sunnah, thịnh hành ở Maghrib, Lybia, Sudan,… Còn phái Hanabilah thì ngoài việc sử dụng hai sách ra, họ còn cho rằng có Imam (người lãnh đạo và nắm vương quyền, thần quyền). Sau khi Imam ẩn đi thì Mujtahid, người đại diện ông sẽ đứng ra giải thích kinh Koran, vận dụng suy luận, có những kiến giải cá nhân để giải quyết các vấn đề đặt ra trước mắt.
          Luật Shari’ah không giống như luật pháp thế tục khác, nó được xây dựng dựa trên kinh Koran, xuất hiện với hình thái là thể hiện ý chí của Allah để tập hợp các nghĩa vụ tôn giáo, quy phạm đạo đức thành một quy chế chung. Shari’ah xem mọi hành vi của con người có phù hợp với luân lý đạo đức không:
1.    Những hành vi mang tính nghĩa vụ tuyệt đối (Fard) mà người Hồi phải làm, như chăm sóc con cái, đóng thuế…
2.    Những hành vi tán thưởng (Mustahabb), không mang tính cưỡng chế, ai tuân theo sẽ được thưởng, còn chống lại cũng không bị tội, ví dụ thăm một người bạn bị ốm, giúp người nghèo khó …
3.    Những hành vi cho phép làm (Jaiz) về mặt pháp luật mà nói thì không nghiêm trọng lắm như tham dự các trò vui, tiêu khiển lành mạnh.
4.    Những hành vi bị khiển trách (Makruk), tuy bị khiển trách nhưng không bị tội như sai giờ hẹn, chậm trễ, nói lời không tế nhị…
5.    Những hành vi nghiêm cấm (Haram) như giết người, cướp của…[41, 610].
           Trong lich sử, luật Shari’ah đang dần được các nhà nước Hồi giáo củng cố và hoàn thiện rất nhiều. Sau khi giành được độc lập, một số nước hiện nay đã lấy kinh Koran, luật Hồi giáo làm hiến pháp và cơ sở lập pháp, vận dụng rất linh hoạt để tránh tương phản với luật tục truyền thống; số khác thì kết hợp luật phương Tây với luật Hồi giáo, hạn chế hoặc bãi bỏ  tòa án Hồi giáo. Mặc dù việc vận dụng Hồi giáo ở các nước là không giống nhau, nhưng sức mạnh truyền thống, đặc biệt là các quy định về thừa kế tài sản và hôn nhân gia đình…có liên quan mật thiết đến đời sống cá nhân người Hồi, trải qua sự tu chỉnh nào đó và còn sử dụng được đến ngày nay. Giai cấp thống trị tuy không hoàn toàn không đếm xỉa gì đến điều này, nhưng những ý kiến của các nhà lập pháp, giáo pháp Hồi giáo thì vẫn được coi trọng, nếu không thì sẽ làm bùng lên các cơn lốc chính trị rất nguy hiểm. Những năm gần đây, theo đà nổi lên của phong trào phục hưng Hồi giáo, đã khôi phục trở lại địa vị chí cao của Shari’ah và ngày càng tăng cường thúc đẩy Shari’ah thành cao trào. Ở một số nước như Iran, Pakistan, Malaysia, … đã sử dụng hàng loạt biện pháp tôn giáo, được sự ủng hộ vô cùng mạnh mẽ của thế giới Hồi giáo, thu hút sự quan tâm chú ý của nhân loại.
1.3. Năm cột trụ của Hồi giáo
           Một tín đồ Hồi giáo cần phải thực hiện năm bổn phận quan trọng thường được gọi là Năm trụ cột của đạo Hồi. Đó là Shahadah, Salat, Zakat, Sawn và Hajj.
           Shahadah – xác nhận đức tin: Các tín đồ Hồi giáo khi cầu nguyện đều phải tuyên xưng đức tin rằng Allah là thánh duy nhất, thánh toàn năng có thể nhìn thấy vạn vật trên thế gian. Kinh Koran có nêu 99 cái tên đẹp về Allah, như: “duy nhất”, “đầu tiên”, “vĩnh cửu”,…. Mặc khác, Hồi giáo cho rằng những thời kỳ khác nhau Allah đã từng cử các sứ giả (Thiên sứ) có năng lực siêu phàm để giáng trần truyền bá tôn giáo trong nhân dân. Kinh Koran nêu tên các sứ giả tới 28 vị, trong đó nổi tiếng nhất là Noah, Abraham, Moses, Jesus và Muhammad là người cuối cùng và vĩ đại nhất. Khi cầu nguyện trong thánh đường, nội tâm của tín đồ phải tĩnh lặng, miệng đọc liên tục sẽ làm cho các ý niệm Hồi giáo được thấm sâu.
           Salat là việc cầu nguyện (lễ bái). Đạo Hồi quy định các tín đồ cầu nguyện mỗi ngày năm lần: bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối. Tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu – tại trường học, nơi làm việc, tại nhà, trên giáo đường hay ngoài trời – nhưng phải theo quy định. Nếu phụ nữ tham gia cầu nguyện thì khi đến thánh đường, họ được tách riêng ra khỏi người đàn ông. Việc cầu nguyện tuân theo một quy trình khá nghiêm ngặt: trước khi cầu nguyện, các tín đồ sẽ phải tắm rửa thân thể thật sạch sẽ để cho con người phải ở trong một trạng thái tinh thần và thể xác thanh khiết mới cầu nguyện được. Đến thánh đường, các tín đồ sẽ thực hiện một loạt động tác như nghiêm, tán tụng, cong lưng… với nghi thức lễ bái và số lần bái (vái) nhất định. Hành lễ xong, họ sẽ được nghe các Imam giảng đạo…
           Zakat là bố thí cho người nghèo[7]. Hồi giáo quy định, các tín đồ sẽ trích một phần thu nhập của mình (khoảng 2,5% thu hoạch hằng năm; 10% lợi tức mùa màng) để bố thí cho người nghèo. Những ai cho nhiều hơn số lượng quy định được coi là sadagah, tức là người thiện tâm. Về sau trong nhiều thế kỷ tiếp theo, khoảng tiền này được nhà nước đưa vào dùng như khoảng chu cấp đặc biệt (gọi là wafq) cho các trường học và bệnh viện, để giúp người nghèo, để sửa chữa các thánh đường và để tài trợ cho các hoạt động từ thiện khác. Hiện nay, nhiều nhà nước Hồi giáo đã đưa khoảng tiền đó vào thuế nhà nước, trong khi đó một số nhà cải cách Hồi giáo biện minh rằng nguyên tắc bố thí người nghèo có liên quan đến chính sách phúc lợi xã hội, coi nó như một cách vận dụng lý tưởng đạo Hồi trong xã hội hiện đại.
           Sawm, hay nhịn ăn trong tháng chay Ramadan (tức tháng 9 theo lịch Hồi giáo). Hồi giáo quy định, tất cả các tín đồ nam – nữ, trừ người ốm và phụ nữ có thai, đều phải nhịn ăn từ lúc rạng sáng cho tới lúc mặt trời lặn mỗi ngày trong tháng này. Theo kinh Koran, Ramadan là dịp để các tín đồ sám hối về các việc làm của bản thân mình, cầu nguyện và phải kiêng kị các nhu cầu tự nhiên trong 30 ngày của tháng như ăn, uống hay bất cứ nhu cầu nào khác của họ. Ngoài ra, tháng chay này còn là dịp để các tín đồ làm bố thí. Theo kinh Koran, ai khấm khá hơn sẽ chia sẻ miếng an, nước uống, thậm chí là bẻ một nửa cho người đói. Người ngoài khi đến đây đã được tận mắt chứng kiến nét nhân văn: các tín đồ đã tổ chức nhiều điểm bố thí dọc đường hành hương. Người nghèo khi đến đây đã được ăn uống rất no nê mà không phải ngại ngùng hay không có tiền chi trả, bởi vì chính những người khấm khá hơn sẽ chi trả cho họ. Các gia đình ở Cairo trong suốt tháng này đã chuẩn bị sẵn hàng trăm suất cơm, nước uống và phân phát miễn phí cho người nghèo, khách thập phương dọc đường hành hương. Sau một ngày nhịn chay, khi chiều xuống họ bắt đầu họp gia đình và chuẩn bị bữa ăn tối (gọi là "iftah"), bắt đầu ăn khi nghe tiếng kinh Koran vang lên trong nhà thờ, và trong lúc ăn họ lẩm nhẩm kinh Koran và cầu nguyện về tôn giáo của mình, cho đến tận khuya [14, 63 – 64].
            Hajj, tức là hành hương về Mecca. Đạo Hồi quy định, các tín đồ thanh niên nam, nữ khỏe mạnh, đường đời xuôi thuận thì trong đời ít nhất phải đến Mecca một lần. Tín đồ hành hương về thánh địa Mecca vào tháng 12 theo lịch Hồi giáo, họ phải đến đền Kaaba là trung tâm của Hồi giáo, hôn hòn Đá Đen linh thiên và đi xung quanh đền này 7 lần, thăm đền thánh Abraham, giếng thần ZemZem, cắm trại ở thung lũng Mira, cầu kinh trên đồi Arafat [8], viếng mộ Muhammad. Đến ngày cuối cùng, họ sẽ giết một con cừu làm lễ hiến tế Allah. Những người Hồi giáo hành hương ở Mecca trở về thành công thì được gọi là Hajji (nghĩa là người đã hoàn thành bổn phận Hajji) và được người ta chào đón với những nghi lễ long trọng và được tôn kính đặc biệt [13, 50 – 51].


[1] Có nhiều tài liệu viết khác nhau về ngày tháng năm sinh của Muhammad:  sách Lịch sử Trung Cận Đông của Nguyễn Thị Thư, tr.73 viết ông sinh năm 571, trang http://en.wikipedia.org/wiki/Muhammad, mục Muhammad viết ông sinh ngày 26/4/570. Ở đây ghi theo khóa luận: Những thành tựu văn hóa tinh thần của Ả rập thời kỳ “Văn minh Hồi giáo” (VII – XV) của Đỗ Thị Minh Trang (ĐHSP Tp.Hồ Chí Minh), tr.13. Xin ghi lại đây tham khảo.

[2] Cụm từ  “Hồi giáo” (hay Islam), dịch nguyên nghĩa là: "vâng mệnh, quy phục Thượng đế". Chữ “slam” trong từ  Islam thì có liên quan đến từ Hebrew shalom nghĩa là “bắt đầu một tình trạng hòa bình yên ổn với Thượng đế qua sự trung thành và quy phục Người”. Từ  “Hồi giáo” xuất xứ  từ  người Hồi Hột (Trung Quốc) mà người ta hiểu theo nghĩa là đạo của người Hồi và lan truyền sang nước ta đến tận ngày nay.
[3] Ví dụ tiêu biểu: thần Abgal (thần đưa đường) của người Bedouin; thần Al – Qaum (thần chiến tranh) của người Nabatan; thần El, Taalia của người Do Thái; thần Taalab của người Sheba
[4] Năm 657, Uthman công bố cuốn kinh này, đặt tên là “"Mus’haf" có nghĩa là "Kinh Thánh chính thức của mọi người Hồi giáo". Ban biên tập của Zayd chép cuốn Kinh Thánh này thành 4 bản giống nhau để lưu trữ tại 4 thành phố: Medina, Basrah và Kufa (Iraq) và tại Damacus (Syria).
[5] Về số câu trong kinh Koran thì nhiều tài liệu viết khác nhau: sách Lịch sử văn minh thế giới của TS Nguyễn Đức Hòa (tr.49) viết là 6.211 câu, sách Tôn giáo học nhập môn của TS Đỗ Minh Hợp (tr.313) viết là trong khoảng từ 6.204 đến 6.236 câu; sách Hồi giáo lược khảo của Phan Thế Châu (tr.11) viết là 6.246 câu; trang web: http://vi.wikipedia.org/wiki/Qur'an, mục từ Qur’an viết là 6.235 câu, trang web tiếng Anh: http://en.wikipedia.org/wiki/Quran, mục từ Kinh Qur'an chép: “Số lượng thực tế của ayat đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa các học giả Hồi giáo kể từ khi thành lập của Hồi giáo, một số công nhận là 6.000, một số là 6.204, một số là 6.219, và một số là 6.236. Phiên bản phổ biến nhất của Kinh Qur'an ở Kufa chứa 6.236 ayat”. Xin ghi lại đây để tham khảo.
[6] Thánh huấn (Hadith); sách viết về những hành động, việc làm của Tiên tri Muhammad – người sáng lập đạo Hồi.
[7] Theo Hồi giáo, người nghèo có 8 loại:(http://clb3v.ucoz.com/forum/8-67-2)
1.        Người bần cùng, thiếu ăn, thiếu mặc 
2.        Người gặp hoàn cảnh khó khăn 
3.        Người được tập thể chỉ định đi thu góp của bố thí để phân phối lại 
4.        Người mới vào đạo 
5.        Các nô lệ muốn chuộc lại sự tự do 
6.        Người mắc nợ vì đạo 
7.        Người đi thánh chiến không lãnh lương 
8.        Khách vãng lai gặp khó khăn

[8] Arafat là ngọn đồi linh thiên của đạo Hồi. Arafat nằm về phía đông thành phố Mecca, người ta quen gọi là núi, thật sự đây là một ngọn đồi (đá granite) cao khoảng 70m. Trong tiếng Á rập, chữ ‘arafat’ còn có nghĩa là ‘nhận thức’. Theo truyền thuyết tôn giáo, núi Arafat là nơi mà ông Adam và bà Eva nhận thức được tội lỗi của mình, họ được Allah ban Hồng Ân và Tha Thứ, cho đoàn tụ bên nhau sau khi bị trục xuất khỏi khu Vuờn Eden. Theo trang: THÀNH PHỐ MAKAH,

http://www.haidang.fr/v3/index.php?option=com_content&view=article&id=2467%3Athanh-pho-makah.&catid=44%3Athanhduongdiadanh&Itemid=29.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét