Chiến dịch Xuân Lộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975 và những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo nghệ thuật quân sự Việt Nam
QĐND - Đại thắng mùa Xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với biết bao gian khổ, hy sinh. Trong những chiến công góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975 ngày ấy, chiến thắng Xuân Lộc trên Mặt trận hướng Đông giữ một vị trí có ý nghĩa quyết định, mở toang “cánh cửa thép” phía Đông cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Đầu tháng 4 năm 1975, sau hơn một tháng tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn: Tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, hai quân khu mạnh của địch (Quân khu - Quân đoàn 1, Quân khu - Quân đoàn 2), giải phóng hơn ½ diện tích và dân số toàn miền Nam, thu giữ một khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh, hình thành thế bao vây tiến công địch ở Sài Gòn - Gia Định. Đó là cơ sở để ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đã bắt đầu”(1). Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất (tháng 4-1975). Vào những ngày này, trên cả hai miền Nam, Bắc, cả dân tộc dồn sức cho trận đánh quyết chiến lịch sử nhằm kết thúc thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Về phía địch, sau khi mất hai quân khu, hai quân đoàn, chúng rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự giúp chính quyền Sài Gòn gấp rút tổ chức lại lực lượng, củng cố lại hệ thống phòng thủ nhằm giữ Sài Gòn - Gia Định và những vùng đất còn lại, chờ đến mùa mưa sẽ tổ chức phản công hòng giành lại những địa bàn đã mất. Trong toàn bộ hệ thống phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, tuyến phòng thủ phía Đông (trọng tâm là thị xã Xuân Lộc) được xây dựng mạnh nhất. Bởi đây là địa bàn án ngữ những trục giao thông quan trọng (như Quốc lộ số 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 15) rất thuận lợi cho ta cơ động lực lượng tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đây cũng là nơi được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mệnh danh là “phòng tuyến thép” và tuyên bố sẽ “tử thủ” Xuân Lộc bằng mọi giá, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Chính vì thế, Xuân Lộc nhanh chóng được xây dựng và tăng cường lực lượng trở thành một vị trí phòng thủ có ý nghĩa then chốt để bảo vệ Sài Gòn. Lực lượng địch ở Xuân Lộc gồm Sư đoàn 18 còn nguyên vẹn cùng một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Khi bị tiến công, địch còn tăng viện thêm cho Xuân Lộc nhiều đơn vị chủ lực mạnh cùng sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh của Quân đoàn 3 và của không quân từ hai sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất.
Về phía ta, để tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhiệm vụ trước mắt là phải đập tan hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch để tạo thế trận đứng chân vững chắc cho lực lượng tham gia tiến công. Trong tính toán của cơ quan chỉ đạo chiến lược, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu quan trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 4 phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân tỉnh Long Khánh mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, trước sức mạnh tiến công của ta, địch buộc phải rút khỏi Xuân Lộc. Thất bại tại Xuân Lộc đã đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn vào tình trạng hoang mang, dao động mạnh. Trên thực tế, sau khi Xuân Lộc được giải phóng, tối ngày hôm đó (21-4-1975), Nguyễn Văn Thiệu đành phải từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh khắp Sài Gòn đang ngày càng trở nên hoảng loạn bởi chiến dịch di tản của người Mỹ được xúc tiến với nhịp độ rất khẩn trương. Ngày hôm sau, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bên kia bờ đại dương, Tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho tuyên bố, cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt đối với nước Mỹ.*
Giờ đây, sau 37 năm nhìn lại, chúng ta có thêm điều kiện nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa của Chiến dịch Xuân Lộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Vì thế, tôi cho rằng cuộc Hội thảo này có ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt. Mục đích của cuộc Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc làm rõ và khẳng định thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà điều quan trọng là thắng lợi đó đã để lại những bài học kinh nghiệm quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong chỉ đạo nghệ thuật quân sự hiện nay.
Một là, bài học về quán triệt ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác. Theo dõi sát chiến trường, cơ quan chỉ đạo chiến lược phía ta đã đánh giá, phân tích, nhận định đúng diễn biến cơ bản của tình hình, hạ quyết tâm kịp thời và chính xác, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra cho trận quyết chiến chiến lược này là phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Để chuẩn bị cho đòn tiến công vào Sài Gòn, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam nhanh chóng đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng, tạo thế trận và bàn đạp cho các lực lượng chủ lực cơ động tiến công vào nội đô. Điện khẩn ngày 2 tháng 4 năm 1975 của Quân ủy Trung ương gửi Quân ủy Miền chỉ rõ: “Cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh, nhân lúc địch hoang mang, diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận Sư đoàn 18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa. Khống chế được sân bay Biên Hòa thì không quân (địch) mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to”(2).
Chiến thắng Xuân Lộc.*Ảnh tư liệu.
Quán triệt ý đồ chiến lược đó, Bộ tư lệnh Miền đã quyết định mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc trên Mặt trận hướng Đông. Việc lựa chọn lực lượng tại chỗ, hạ quyết tâm tiến công Xuân Lộc đó là một sự lựa chọn táo bạo, gây bất ngờ lớn đối với địch, nhất là trong thời điểm chúng đang lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Quyết định kịp thời, chính xác đưa đến thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Xuân Lộc đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ bảo vệ Sài Gòn của địch, gây tâm lý hoang mang tột độ trong chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa.
Hai là, bài học về tổ chức và sử dụng lực lượng tại chỗ, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Vào tháng 4 năm 1975, Xuân Lộc là vị trí có ý nghĩa chiến lược liên quan trực tiếp đến sự sống còn của chế độ Sài Gòn. Nơi đây, địch tập trung phần lớn lực lượng và phương tiện chiến tranh hòng “tử thủ” bằng mọi giá. Ta cũng chưa tạo được ưu thế hoàn toàn áp đảo về lực lượng, binh khí kỹ thuật và hỏa lực so với địch. Tuy nhiên, chúng ta đã biết tổ chức, sử dụng đúng lực lượng tại chỗ, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi, như sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng đảng bộ và quân dân thị xã Xuân Lộc trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 cùng một số đơn vị khác) đóng vai trò nòng cốt tiến công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, đập tan các cuộc phản kích của địch. Đảng bộ Xuân Lộc đã lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương làm chủ vùng ven thị xã, tạo bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến công; đóng góp hàng nghìn giạ lúa, thực phẩm, thuốc men, nước uống phục vụ chiến dịch. Nhiều đơn vị vũ trang và nhân dân địa phương làm liên lạc, dẫn đường cho đơn vị chủ lực tiến công các mục tiêu then chốt. Trong quá trình diễn biến chiến dịch, dù trải qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, gặp khó khăn, tổn thất và hy sinh to lớn, nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta luôn nêu cao quyết tâm chiến đấu, chấp hành mọi mệnh lệnh được giao. Nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng xuất hiện có sức cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao cho quân và dân ta tiếp tục chiến đấu quyết giành thắng lợi cuối cùng. Đó là hình ảnh những chiến sĩ dù bị thương nặng vẫn tình nguyện sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; những du kích gan dạ, những thanh niên xung phong miệt mài tải thương về tuyến sau và vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men ra trận địa...
Chiến thắng Xuân Lộc còn có sự đóng góp, hợp sức của các mặt trận trên toàn Miền, đặc biệt là lực lượng cánh quân Duyên hải (Quân đoàn 2). Việc cánh quân Duyên hải chọc thủng tuyến phòng thủ Phan Rang và đưa lực lượng áp sát Xuân Lộc đã góp phần tạo thế trận áp đảo của ta trên toàn chiến trường nói chung, ở mặt trận Xuân Lộc nói riêng, đập tan mọi hy vọng cuối cùng của địch nhằm giữ vững địa bàn chiến lược này.
Ba là, bài học về chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, nhạy bén, linh hoạt. Chiến dịch tiến công Xuân Lộc là một trong những thắng lợi điển hình cho sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, linh hoạt của chỉ huy các cấp từ chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.
Sau khi hạ quyết tâm tiến công Xuân Lộc, ngày 2-4-1975, Bộ tư lệnh Miền, trực tiếp là đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4. Chấp hành mệnh lệnh được giao, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn đã họp thông qua kế hoạch tác chiến. Theo đó, cách đánh chiến dịch được xác định là, tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh mở các đòn tiến công trực diện vào các vị trí phòng ngự kiên cố của địch; thực hành bao vây, chia cắt, diệt viện nhằm giải phóng khu vực thị xã.
Bước vào chiến đấu và trong ba ngày đầu chiến dịch (từ ngày 9 đến ngày 11-4), ta tổ chức lực lượng, tiến công các cứ điểm phòng ngự của địch theo kế hoạch tác chiến đã xác định. Tuy nhiên, diễn biến thực tế của chiến dịch cho thấy: Trong lúc ta chưa tạo được ưu thế về lực lượng, về binh khí - kỹ thuật, hỏa lực, lại phải chiến đấu trên địa hình bất lợi đánh vào khu vực công sự kiên cố thì cách đánh như vậy là chưa phù hợp. Sau đòn choáng váng ban đầu, địch tập trung lực lượng phản kích dữ dội. Hỏa lực không quân, pháo binh địch dồn dập dội xuống các vị trí tập kết và đội hình tiến công của ta, làm cho ta gặp nhiều khó khăn và tổn thất(3).
Từ đó, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng thay đổi cách đánh cho phù hợp. Qua nắm tình hình thực tế, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, đồng thời ra lệnh cho các đơn vị triển khai đội hình tiến công theo cách đánh mới. Từ ngày 15-4-1975, thực hiện bước chuyển hóa thế trận, bộ đội ta từ chỗ tập trung lực lượng tiến công những mục tiêu then chốt trong thị xã Xuân Lộc, chuyển sang tiến công những đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài (đặc biệt là khu vực ngã ba Dầu Giây), những vị trí chưa có công sự và thiếu sự hiệp đồng chặt chẽ với nhau; đồng thời dùng pháo tầm xa bắn phá và khống chế liên tục sân bay Biên Hòa không cho máy bay địch cất cánh, nhằm cô lập hoàn toàn Xuân Lộc với hậu phương duy nhất của chúng (Biên Hòa). Cùng với việc thay đổi cách đánh, trên các hướng chiến dịch, ở mỗi mũi tiến công, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đều theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời chỉ huy đơn vị và phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các đơn vị bạn trong quá trình chiến đấu.
Sự thay đổi cách đánh, thay đổi phong cách chỉ đạo, chỉ huy đã tạo ra bước chuyển quan trọng trong thế trận ở Xuân Lộc. Nhờ đó, bộ đội ta đã tổ chức tiến công tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bẻ gãy các đợt phản kích của chúng, đồng thời bao vây, chia cắt, khống chế mọi ngả đường chi viện, tiếp tế, khiến cho lực lượng địch ở Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, lực lượng còn lại của địch buộc phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc.
Như vậy là, Chiến dịch Xuân Lộc ở bước chuyển hóa thế trận chẳng những tạo ra và nhân lên sức mạnh tiến công của ta, chọc thủng được tuyến phòng thủ trọng yếu trên hướng Đông Sài Gòn của địch mà còn là sự kế thừa và phát triển những kinh nghiệm từ chiến dịch Biên giới vào Thu - Đông năm 1950(4) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bốn là, bài học về phát huy thế tiến công chiến lược, chớp thời cơ giành thắng lợi. Thắng lợi của đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng đã phá vỡ thế trận chiến lược của quân đội Sài Gòn, tạo ra bước đột biến “một ngày bằng hai mươi năm”, mở ra khả năng giành thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta. Trong bối cảnh đó, phát huy thế tiến công chiến lược chung trên toàn Miền, chớp thời cơ, Bộ tư lệnh Miền đã chủ động mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc nhằm tạo ra thế trận vững chắc cho đòn đánh quyết định, đập tan sự phản kháng cuối cùng của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.
Về phía địch, trong tuyệt vọng, chúng dồn sức, tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh còn lại chống trả hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta và trên thực tế, cuộc chiến tại Xuân Lộc đã diễn ra vô cùng ác liệt. Phát huy tư tưởng chiến lược tiến công, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, các lực lượng tham gia chiến dịch đã vượt qua những thử thách, hy sinh to lớn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu của chiến dịch. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở toang “cánh cửa thép”, tạo thế và tiếp tục tạo thời cơ lớn đưa lực lượng hướng Đông, cùng các hướng khác tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Có thể nói, việc phát huy thế tiến công chiến lược trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 nói chung, trong Chiến dịch Xuân Lộc nói riêng được thực hiện trên cơ sở nắm bắt diễn biến chiến trường, lường định và đánh giá đúng âm mưu và thủ đoạn của đối phương, chọn thời điểm tiến công và tổ chức lực lượng, thế trận phù hợp. Nói như vậy để thấy, khi thời cơ và thế tiến công chiến lược xuất hiện thì cần phải chớp lấy. Chiến dịch Xuân Lộc đã thể hiện rõ điều đó. Và, chính bởi vậy, Chiến thắng Xuân Lộc được gắn liền với thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
*
*** * **

Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, là kết tinh của sức lực và trí tuệ, kinh nghiệm và máu xương của biết bao đồng bào, chiến sĩ cả nước. Chiến thắng Xuân Lộc là một trong những điểm nhấn của mùa Xuân toàn thắng ấy. Đó là trận đánh cam go, ác liệt, nhưng cũng đầy mưu trí và sáng tạo. Bài học rút ra từ cuộc chiến năm xưa vẫn nguyên giá trị để nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam*XHCN hiện nay.
Thượng tướng*NGUYỄN THÀNH CUNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

----------------
(1)*Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 95.
(2)*Dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.267.
(3) Chỉ trong 3 ngày đầu chiến đấu, Sư đoàn 7 bị thương vong 300 cán bộ, chiến sĩ; Sư đoàn 341 bị thương vong 1.200 cán bộ, chiến sĩ; sáu xe tăng bị phá hủy; pháo 85mm và 57mm hỏng gần hết. Dẫn theo Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) - Tập VIII - Toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 384.
(4)*Trong chiến dịch Biên giới 1950, ta chọn cứ điểm Đông Khê, cách thị xã Cao Bằng 50km về phía nam để tiến công. Quân địch ở Cao Bằng bị bao vây, cắt đứt với hậu phương địch, cuối cùng, buộc chúng phải rút khỏi Cao Bằng





http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/301/301/185594/Default.aspx
Do Diễn đàn Quân đội nhân dân biên tập