Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN PHƯƠNG TÂY VÀ PHƯƠNG ĐÔNG



NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN
PHƯƠNG TÂY VÀ PHƯƠNG ĐÔNG[*]
                                                                    Võ Minh Tập
Về quá trình chuyển biến sang chế độ phong kiến.
Sự hình thành chế độ phong kiến, nhà nước phong kiến là cả một quá trình và có hai con đường:
+ Một là, có những nước là chế độ chiếm hữu nô lệ và trong lòng nó ở thời kì cuối đã có mầm mống quan hệ phong kiến, dần dần chuyển sang chế độ phong kiến, nhà nước chiếm hữu nô lệ chuyển sang nhà nước của giai cấp phong kiến như ở đế quốc Đông La Mã (By-giăng-xơ), Trung Quốc, Ấn Độ…
+ Hai là, những nước từ chế độc công xã nguyên thủy đang tan rã, bỏ qua chế độ chiếm hữu nô lệ tiến thẳng lên chế độ phong kiến và thiết lập nhà nước phong kiến. Bước nhảy vọt như vậy, trước hết là do yếu tố nội sinh bên trong (Sự phát triển của lực lượng sản xuất và kinh tế, mầm mống của giai cấp và nhà nước). Nhưng một yếu tố khác rất quan trọng là sự tiếp thu ảnh hưởng của chế độ phong kiến của các nước khác như các quốc gia Đông Âu, Triều Tiên, Việt Nam…Trong đó, những cuộc chiến tranh chinh phục giúp cho việc tiếp thu ảnh hưởng ấy một cách nhanh chóng như trường hợp bộ tộc người Giéc man chinh phục đế quốc Tây La Mã, Mông Cổ chinh phục Trung Quốc…
Giữa châu Á và châu Âu, sự hình thành chế độ phong kiến và nhà nước phong kiến có những điểm khác nhau rõ rệt:
Về thời gian.
Chế độ phong kiến hình thành sớm và tan rã muộn hơn phương Tây.
Ở châu Á, chế độ phong kiến hình thành sớm nhất ở Trung Quốc (thế kỉ III TCN). Ở châu Âu, nó được hình thành sớm nhất là thế kỉ V sau công nguyên (Ở Tây Âu). Tuy nhiên trong từng khu vực cũng có những nhà nước phong kiến ra đời muộn như Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kì, Lào… (thế kỉ XII), như ở Đông Âu (thế kỉ VII-X).
Về không gian.
Ở châu Âu, chính thể phong kiến ra đời trên cơ sở chế độ chiếm hữu nô lệ đã từng phát triển đến đỉnh cao, quan hệ nô lệ mang tính chất điển hình. Còn ở châu Á, chế độ phong kiến ra đời trên cơ sở chế độ nô lệ phát triển không đầy đủ, quan hệ nô lệ mang tính chất gia trưởng.
Ở Phương đông chế độ phong kiến ra đời sớm là do yêu cầu làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp, đoàn kết chông ngoại xâm nên đã hình thành những quốc gia lớn. Còn ở phương Tây, do công cuộc chinh phục của bộ tộc Giéc man đã thúc đẩy quá trình phong kiến hóa, hình thành những thế lực lãnh chúa cát cứ.
Đặc điểm này có ảnh hưởng rất lớn tới quán trình phát triển của chế độ phong kiến và nhà nước phong kiến.
Về cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội của nhà nước phong kiến.
Trong chế độ phong kiến có hai giai cấp cơ bản là địa chủ (ở châu Âu gọi là Lãnh chúa hoặc chúa đất) và nông dân (ở châu Âu là nông nô), có phương thức bóc lột đặc trưng là địa tô. Ngoài ra còn có tầng lớp thợ thủ công, tầng lớp thị dân.
Nhưng cũng tương tự như thời cổ đại, cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội của nhà nước phong kiến châu Á và châu Âu có một số điểm rất khác nhau:
Thứ nhất, ruộng đất là tư liệu sản xuất chính trong chế độ phong kiến.
Ở châu Âu, chế độ tư hữu ruộng đất đã phát triển triệt để từ thời cổ đại. Trong thời phong kiến, chế độ tư hữu ruộng đất không những vẫn như vậy, mà còn phát triển thành tư hữu rất lớn (các lãnh chúa). Hầu hết nông dân mất hết ruộng đất và trở thành nông nô.
Ở châu Á, chế độ ruộng đất không thuần nhất như ở châu Âu. Hiện tượng phổ biến về ruộng đất của chế độ phong kiến tồn tại quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước (của vua), đồng thời đối với ruộng đất tư nhân, vua cũng có quyền sở hữu tối cao. Tư hữu ruộng đất (hầu hết là của địa chủ, một phần nhỏ của nông dân) phát triển chậm.
Tóm lại, trong khi ở châu Âu, ruộng đất hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân (lãnh chúa) thì ở châu Á tồn tại song song sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân (chủ yếu là địa chủ phong kiến). Có thể nói, đặc điểm về chế độ sỡ hữu ruộng đất luôn luôn là chìa khóa để đi vào tìm hiểu những đặc điểm khác.
Thứ hai, về định tính và định hình giai cấp. Địa chủ phong kiến là những người có nhiều ruộng đất riêng của mình và bóc lột bằng địa tô.
Lãnh chúa phong kiến ở châu Âu là chủ sở hữu ruộng đất lớn, nguồn lợi thu hầu hết bằng địa tô. Vì vậy, hình ảnh của vị địa chủ phong kiến phương Tây rất nổi, hay nói cách khác, định tính và định hình của giai cấp địa chủ phong kiến ở phương Tây rất rõ ràng và đậm nét. Nông nô phương Tây hoàn toàn không có ruộng đất, phải hoàn toàn lĩnh canh ruộn đất của lãnh chúa và nộp địa tô cho chủ. Người nông nô đúng 100% là người tá điền, hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Ở phương Đông, ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước, một phần được phân phong cho quý tộc quan lại (thường ruộng đất loại này, người được phong không có quyền mua bán), một phần được cấp cho nông dân theo định kì cày cấy để nhà nước thu thuế, như chế độ quân điền ở Trung Quốc, Việt Nam, chế độ ban điền ở Nhật Bản…từ đó có hai hệ quả:
+ Địa chủ phong kiến không chỉ bóc lột bằng địa tô từ số ruộng đất tư của mình, mà còn bóc lột bằng thuế được hưởng từ ruộng đất được phân phong.
+ Người nông dân tuy phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ và nộp tô, nhưng cũng nhận được một phần ruộng đất của nhà nước và phải nộp thuế. Một số ít nông dân còn có ruộng đất riêng để cày cấy. Chính vì vậy, người nông dân phương Đông còn có quyền tự do thân thể hơn người nông nô phương Tây-người hoàn toàn bị lệ thuộc vào lãnh chúa.
Như vậy, định tính và định hình của giai cấp ở phương Đông không sắc nét như ở phương Tây.
Thứ ba, trong khi châu Âu cho đến thế kỉ XIV, văn hóa, giáo dục vẫn bị giáo hội lũng đoạn kìm hãm, cả xã hội sống trong vòng lạc hậu, tối tăm, thì ở phương Đông, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập là những trung tâm văn minh lớn của thế giới, với những thành tựu to lớn về văn học, triết học, nghệ thuật, khoa học tự nhiên…với những phát minh quan trọng của Trung Quốc (Giấy, in, thuốc súng, la bàn). Khác hẵn với phương Tây, tập đoàn vua chú phong kiến ở phương Đông thường là những nhà tri thức lớn trong xã hội. Trường hợp vua không biết chữ học ít học thức chỉ là cá biệt.
Trong dân gian cũng có không ít người có học thức. Từ rất sớm phong cách văn minh, lịch sử, tao nhã đã trở thành nếp sống bình thường của người người phương Đông. Chính người phương Tây đã học tập nếp sống văn minh đó từ những cuộc viễn chinh sang phương Đông  của thập tự chinh cuối thế kỉ XI-XIII.
Về tư tưởng,  nhìn chung cả phương Đông và phương Tây đều lấy tôn giáo làm  cơ sở lý luận cho chế độ thống trị. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt rõ rệt:
Ở Phương Đông, chế độ quân chủ chuyên chế rất mạnh và có nhiều tôn giáo trong cùng một nước. Các tôn giáo đều không có tổ chức giáo hội mang tính quốc tế. Mặc dù vậy nhưng gần như suốt trong quá trình tồn tại của chế độ phong kiến, nhà nước luôn sử dụng những giáo lý của tôn giáo để xây dựng và cũng cố một nhà nước quân chủ chuyên chế và bành trướng xâm lược ra bên ngoài như Nho giáo (Trung Quốc), Hồi giáo (Ấn Độ),…
Ở phương Tây, Đạo cơ đốc-Thiên chúa giáo ra đời đầu công nguyên, nhưng sang thời phong kiến, Thiên chúa giáo đã trở thành một thế lực rất mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho vương quyền phong kiến phương Tây, giáo lý-hệ tư tưởng của nó mà Tòa án giáo hội thật sự là công cụ tinh thần của tập đoàn phong kiến thế tục và nhà thờ để thống trị quần chúng, mặc khác, giáo hội Thiên chúa luôn luôn tìm cách can thiệp, chi phối chính quyền phong kiến để cũng cố địa vị và quyền lợi của giáo hội. Có thể nói, ở phương Tây, sự kết hợp giữa thần quyền và vương quyền đã tạo nên sức mạnh không phải là ở cấp số cộng mà là cấp số nhân của các thế lực áp bức và bóc lột trong xã hội.
Như vậy, Ở phương Đông nhìn chung tôn giáo chỉ là lực lượng hổ trợ cho giai cấp thống trị, chứ không trở thành lực lượng chi phối, can thiệp công khai, chặt chẽ được chính quyền nhà nước phong kiến rõ nét như ở phương Tây.
Nhìn chung, kinh tế tự cung tự cấp giữa vai trò chủ yếu trong chế độ phong kiến. Nhưng đến cuối thời kì phong kiến ở phương Tây kinh tế tư bản chủ nghĩa nảy sinh và phát triển, đưa phương Tây vượt lên hẳn phương Đông. Các nước phương Đông (trừ Nhật Bản) dần dần trở thành thuộc địa của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Về hình thức và chức năng của nhà nước.
Ở phương Tây, hình thức kết cấu của nhà nước phổ biến và bao trùm là phân quyền cát cứ với những biểu hiện và được quyết định bởi những nguyên nhân khác nhau. Có thể kể hai nguyên nhân chính sau đây:
+ Nguồn gốc xâu xa là đế quốc Frang  được dựng lên do kết quả của những cuộc chiến tranh xâm lược và được duy trì bằng bạo lực, không có cơ sở kinh tế, chỉ là một liên hiếp tạm thời không vững chắc. Trong phạm vi Tây Âu và trong phạm vi từng nước, các cộng đồng dân cư ở vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau. Do đó đều có khuynh hướng phát triển riêng, muốn tách ra khoie ràng buộc của chính quyền trung ương.
+ Nguyên nhân cơ bản, có tính quyết định là yếu tố kinh tế. Trong đó, trước hết phải nói đến chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất. Đó là sở hữu tư nhân rất lớn của phong kiến được hình thành (chế độ phân phong, thừa kế, bảo hộ ruộng đất…).
Hình thức chính thể quân chủ chuyên chế chỉ xuất hiện ở thời kì cuối-thời kì suy vong của chế độ phong kiến và chỉ ở một số nước như Pháp, Anh, Tây Ban Nha…còn ở một số nước như Đức, Ý, tình trạng cát cứ phong kiến tồn tại suốt cả chế độ phong kiến. Tính chuyên chế  không cao như ở phương Đông. Ngoài ra còn có hình thức chính quyền tự trị thành phố là chính quyền cục bộ, tồn tại trong những khoảng thời gian không lâu. Nó là chính quyền cộng hòa phong kiến, nằm trong phạm trù nhà nước phong kiến.
Ở phương Đông, hình thức, kết cấu của nhà nước phong kiến là trung ương tập quyền, phát triển thành hình thức chính thể quân chủ chuyên chế và mang tính chuyên chế cực đoan. Chính thể này tồn tại trong suốt thời kì chế độ phong kiến. Trong chính thể đó, vua có uy quyền tuyệt đối, là đấng tối cao vô thượng và được thần thánh hóa là thiên tử (con trời), thiên hoàng (vua nhà trời)…Chính thể quân chủ chuyên chế phương Đông hình thành và phát triển do những yếu tố sau:
+ Quyền sở hữu tối cao về ruộng đất thuộc nhà vua và sự tồn tại của các công xã nông thôn.
+ Do đòi hỏi của cuộc xâm lược bành trướng hoặc trong công cuộc chống chinh phục.
+ Do tập quán chính trị và tâm lý chính trị truyền thống. Nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến là sự kế thừa và phát triển chính thể quân chủ chuyên chế chủ nô.
+ Do truyền thống kết hợp chặc chẽ giữa vương quyền và thần quyền.
Cũng như trong thời kì chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến ở phương Đông còn có một chức năng đặc biệt và rất quan trọng, chức năng tổ chức công cuộc trị thủy và thủy lợi.
Dù phương Đông và phương Tây có những điểm khác nhau, nhưng bản chất của nhà nước phong kiến dù ở đâu cũng chỉ là một. Nhà nước phong kiến là công cụ của giai cấp phong kiến để đàn áp, bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến thống trị.
Tài liệu tham khảo
1. Lương Ninh (cb, 2003), Lịch sử thế giới trung đại, Nxb.GD.
2. Chiêm Tế (1977), Lịch sử thế giới trung đại, tập 1-2, Nxb.GD.
3. Cao Liên (2003), Phát thảo lịch sử thế giới, Nxb.Thanh niên.
4. Vũ Dương Ninh (cb, 2005), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb.GD.
5. Vũ Dương Ninh (cb, 2000), Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, Tập 1, Nxb.ĐHQG, H.
6. Phạm Điềm, Vũ Thị Nga (cb, 2007), Giáo trình Lịch sử nhà nước và Pháp luật thế giới, Nxb. CAND, HN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét