Kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao trong kháng
chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)
Th.S Trần
Thị Thanh Tâm
Khoa KHXH&NV – Đại học Duy Tân
Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định tầm quan trọng của đấu tranh quân sự
và sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao rằng: “Phải
trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là
cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”.
Bởi vậy, vận dụng vào thực tiễn đất nước ta trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp (1945 – 1954), chúng ta phải đương đầu với một thế
lực lớn mạnh hơn ta rất nhiều nên Đảng và Chính phủ ta chủ trương tiến
hành một cuộc kháng chiến có sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu
tranh ngoại giao.
- Thời kì từ 1945 đến trước 19/12/1946.
Sau
khi nhân dân ta Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong cả
nước, dựng lên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì theo những thỏa thuận
quốc tế trong phe Đồng minh chống phát xít, nhiều đạo quân xâm lược núp
dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp bọn phát xít đã tràn vào
nước ta: đó là 20 vạn quân Tưởng và sau lưng Tưởng là thế lực của Mỹ kéo
vào Bắc vĩ tuyến 16, 5 vạn quân Anh - Ấn kéo vào Nam vĩ tuyến 16, ngoài
ra còn 6 vạn quân Nhật còn đóng trên đất nước ta chờ được giải giáp về
nước; rồi quân Pháp núp sau bóng quân Anh đã trở lại xâm lược ở Nam Bộ
từ 23/9/1945. Từ đây, Nam Bộ thực sự bước vào cuộc kháng chiến chống
Pháp xâm lược. Ngay từ lúc này Đảng ta nhận định thực dân Pháp là kẻ thù
trước mắt, chủ yếu và nguy hiểm nhất, phải tập trung lực lượng đánh
Pháp để chặn bước chân xâm lược của chúng ở Nam Bộ. Vì vậy, ta chủ
trương hòa với Tưởng ở miền Bắc để chống Pháp ở miền Nam. Ta đã có những
nhượng bộ đối với Tưởng như: cung cấp cho chúng một số lương thực, thực
phẩm, nhường cho các tổ chức tay sai của Tưởng một số ghế trong Quốc
hội (không cần qua bầu cử) và một số ghế trong Chính phủ… Nhằm hạn chế
những hoạt động chống phá ta của quân Tưởng và bè lũ tay sai của chúng ở
miền Bắc, tập trung lực lượng đánh Pháp ở miền Nam. Và cuộc đấu tranh
của nhân dân ta ở Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến đã thu được
những thắng lợi nhất định: đêm 22 – rạng ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ
của quân Anh và Nhật, Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến
tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Các đơn vị bảo vệ trụ sở ủy ban nhân
dân, trụ sở tự vệ, nhà bưu điện… đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Những ngày cuối tháng 9, các trận đánh liên tiếp diễn ra ở khu Tân Định,
Cầu Muối, ngã ba Chú Lía, cầu chữ Y. Ngày 5 tháng 10, tổng chỉ huy
Leclerc cùng với viện binh Pháp đến Sài Gòn, nhờ đó địch cố sức bao vây,
chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Hóc Môn, Gò Vấp… Quân ta tiếp tục đánh địch
ở Khánh Hội, Phú Lâm, An Nhơn… tiêu biểu là trận đánh địch ở cầu Thị
Nghè (ngày 17/10/1945) được xem là trận đánh xuất sắc trong buổi đầu
kháng chiến chống Pháp.
Các
cuộc vây ráp, đánh địch ở Cầu Bông, Cầu Kiệu, Thị Nghè, An Bình, Phú
Nhuận… khiến quân địch lâm vào tình thế khó khăn. Tính đến tháng
12/1945, quân và dân Nam Bộ đã làm thất bại kế hoạch: lấy lại Nam kì
trong vòng 18 ngày của Leclerc. Sau 2 tháng chiến đấu, bộ chỉ huy Pháp
phải thừa nhận: có nhiều đơn vị, binh lính chết, bị thương… quân đội
Pháp đang đứng trước “một cuộc chiến tranh kì lạ”.
Miền
Nam đã được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thần đồng Tổ quốc”; Nhân dân ta đã
làm được điều như Bác Hồ đã nói: “Bọn thực dân Pháp phải biết rằng:
dân Việt Nam không muốn đổ máu, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình,
nhưng nếu cần hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải chiến đấu bao
nhiêu năm để giữ gìn độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi
kiếp nô lệ thì thế nào chúng ta cũng vẫn kiên quyết hy sinh. Vì dân
Việt Nam tin chắc rằng thế nào cuộc kháng chiến này cũng thành công”
[1,tr.47]. Với thắng lợi này của chúng ta, buộc địch phải nhờ Giê-xi
(quân Anh) làm trung gian xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Song
sau nhiều lần gặp gỡ không mang lại kết quả gì, bởi Pháp ngoan cố và có
nhiều đòi hỏi vô lí mà chúng ta không chấp nhận, cuộc đàm phán thất bại
vì chúng ta chưa có thắng lợi quân sự nào quyết định để buộc Pháp phải
thương lượng theo ý ta. Còn Pháp vẫn tiếp tục mở rộng xâm lược Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay lúc này Đảng ta nhận định rằng: trước sau gì rồi Tưởng
và Pháp cũng dàn xếp với nhau nếu mỗi bên nhường cho nhau quyền lợi nào
đó. Và đúng như dự kiến của chúng ta, ngày 28/2/1946 Hiệp định Pháp –
Hoa được kí kết với nội dung quan trọng nhất là: Pháp nhường cho Tưởng
đoạn đường sắt Hải Phòng – Côn Minh chạy trên đất Trung Quốc, ngược lại
Tưởng đồng ý rút quân về nước để cho Pháp ra miền Bắc thay thế quân
Tưởng, tước vũ khí quân Nhật. Ở miền Nam trước đó, quân Anh rút đi, để
cho quân Pháp ở lại.
Đảng
ta nhận định đó không chỉ là sự dàn xếp của Pháp với Tưởng mà là sự dàn
xếp giữa bọn đế quốc và phản động với nhau để phá hoại cách mạng Việt
Nam. Sau khi hòa ước được kí, quân Tưởng còn tính toán do dự, còn quân
Pháp lại rất nóng lòng đem quân ra miền Bắc, song chúng lo sợ là ra miền
Bắc thì sẽ vấp phải sức kháng chiến quyết liệt gấp bội phần với Nam Bộ,
do đó, Pháp muốn tìm một cớ sao cho có thể đưa quân ra Bắc một cách hợp
pháp.
Nắm
lấy cơ hội ấy, Đảng ta chủ trương tạm hòa với Pháp để đẩy 20 vạn quân
Tưởng về nước nhanh, cô lập quân Pháp là kẻ thù chính lúc đó. Đảng chỉ
rõ: “Vấn đề lúc này không phải là muốn đánh hay không muốn đánh. Vấn
đề là biết mình, biết người, nhận định một cách khách quan những điều
lợi hại trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng” [4,tr.45].
Chính vì vậy, ngày 6/3/1946 ta đã kí với Pháp Hiệp định sơ bộ, trong đó
có những điều khoản chính:
- Việt Nam đồng ý cho Pháp
mang 15.000 quân ra miền Bắc và sẽ rút dần trong vòng 5 năm, tôn trọng
một số quyền lợi kinh tế, văn hóa của Pháp ở miền Bắc.
- Pháp thừa nhận Việt Nam
là một quốc gia tự do trong lien hiệp Pháp có Quốc hội, Chính phủ, quân
đội và nền tài chính riêng.
- Hai bên sẽ tiến hành cuộc
đàm phán chính thức tại một nơi thuận lợi trên đất Pháp. Để tạo bầu
không khí đàm phán, hai bên sẽ đình chiến ở miền Nam.
Việc
đi đến kí kết Hiệp định sơ bộ với những điều khoản cơ bản trên đây,
chúng ta đã liên tục đấu tranh với Pháp, vấn đề khúc mắc nhất là hai chữ
“tự do”, ta lúc đầu nhất định ghi là “độc lập”, còn
Pháp nhất quyết ghi là “tự trị”. Cuộc đấu tranh gay go quyết
liệt có lúc tưởng chừng chấm dứt đàm phán, vẫn bởi lúc này ta chưa có ưu
thế quân sự, lực lượng ta còn non yếu chưa thể đối đầu bằng quân sự với
Pháp để giành được độc lập hoàn toàn, chúng ta gặp quá nhiều khó khăn
sau khi giành độc lập dân tộc, vừa phải chống giặc đói, giặc dốt và giặc
ngoại xâm, vì vậy, chúng ta cần có một khoảng thời gian nhất định để
chuẩn bị đối phó với Pháp – kẻ thù mà chúng ta biết trước sau gì không
tránh khỏi. Do đó, ta phải nhượng bộ Pháp hai chữ “độc lập” mà
đồng ý lấy hai chữ “tự do”.
Sau
khi kí Hiệp định sơ bộ ngày 6/31946, quân Pháp tiếp tục có những hành
động khiêu khích, vi phạm hiệp định và tiếp tục có lập trường ngoan cố
làm cho cuộc đàm phán tại Phongtennơblô thất bại. Một cuộc chiến tranh
sắp sửa bùng nổ, trước tình hình đó để tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị
cho cuộc kháng chiến, cũng như nêu cao chính nghĩa và thiện chí của ta,
ngày 14/9/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến kí với Pháp một bản Tạm
ước quy định hai bên đình chỉ chiến sự, định thời gian nối lại đàm phán
vào tháng 1/1947 và quy định một số quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai
nước.
Cuối
cùng cuộc đàm phán trù bị ở Đà Nẵng cũng như cuộc đàm phán chính thức
tại Phongtennơblô đều không đi đến kết quả, lí do cũng chỉ vì thế và lực
của ta còn non yếu, chưa có một thắng lợi nào trên chiến trường để
quyết định trên bàn đàm phán. Tuy nhiện, cuộc đấu tranh ngoại giao này
có ý nghĩa, tác dụng rất lớn đối với ta:
- Lần đầu tiên chính phủ
một cường quốc chính thức đàm phàn với chính phủ ta, do đó nâng cao uy
tín của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên trường quốc tế.
- Nó bóc trần âm mưu và dã
tâm xâm lược của thực dân Pháp.
- Tranh thủ được sự đồng
tình ủng hộ của dư luận nhân dân Pháp và thế giới đối với sự nghiệp đấu
tranh của nhân dân ta.
- Đây cũng là một chi viện
lớn về tinh thần và chính trị cho cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.
- Ta cũng gạt được một kẻ
thù to lớn và nguy hiểm là 20 vạn quân Tưởng ra khỏi nước ta, cô lập
triệt để kẻ thù chính là thực dân Pháp.
Đặc
biệt nhân dân ta tận dụng được khả năng và thời kì hòa hoãn quý báu do
Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946 đưa lại để tăng cường lực lượng
của ta, chuẩn bị đầy đủ hơn nữa cho cuộc chiến đấu sắp tới. Trong thời
gian hòa hoãn đó lực lượng mọi mặt của ta được tăng cường rõ rệt.
Tình
hình Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có những biến chuyển lớn: Ủy ban
kháng chiến hành chính được thành lập ở 1100/1230 xã ở Nam Bộ, xây dựng
được 5 đội vũ trang tuyên truyền trong nhân dân địa phương ở Tây Nguyên,
xây dựng được một số đơn vị bộ đội chủ lực và các chiến khu như Đồng
Tháp Mười, U Minh, chiến khu D ở Nam Bộ.
Từ
tháng 5/1946 đến tháng 10/1946, lực lượng chính trị và khối đại đoàn kết
dân tộc được tăng cường, cụ thể là ta xây dựng thành công Hội liên hiệp
quốc dân Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ta triệu tập được Đại
hội dân tộc thiểu số ở miền Nam và toàn quốc. Đặc biệt lực lượng vũ
trang của ta được tăng cường rõ rệt về số lượng và chất lượng do được
huấn luyện tốt hơn với 80.000 quân thường trực (so với ngay sau khởi
nghĩa toàn thắng mới có 5000) và hang triệu dân quân tự vệ, tự vệ chiến
đấu ở các huyện, tỉnh. Ở khu V đã thành lập trường trung học lục quân,
cả nước có trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Ngày 28/10/1946, Quốc hội họp kì
thứ II đã hoàn toàn nhất trí thông qua bản hiến pháp đầu tiên của nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Như
vậy, chỉ hơn một năm sau khi thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
(từ 2/9/1945 đến 19/12/1946), trong bối cảnh chính quyền, quân đội còn
non trẻ, chưa đủ sức, lực lượng để tiến hành những trận đánh lớn trên
chiến trường thì đấu tranh ngoại giao trở thành một mũi nhọn, là mặt
trận chính đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định đến việc giữ
vững chính quyền, giải quyết những khó khăn trong nước, bảo vệ vững chắc
nền độc lập dân tộc, tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng tiến lên
chống Pháp.
- Thời kì từ 19/12/1946 đến năm 1950
Từ đêm
19/12/1946 cả nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, với đường
lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì và tự lực cánh sinh, Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt việc kết hợp giữa các mặt
trận chống thực dân Pháp. Từ lúc bước vào cuộc kháng chiến, Đảng ta đã
đáng giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của kẻ thù: Pháp mạnh về vũ khí, tiềm
lực kinh tế, nhưng yếu vì tiến hành chiến tranh phi nghĩa, càng đánh
càng bọc lộ điểm yếu. Ta cũng biết được ý đồ của địch: trên mặt trận
quân sự Pháp muốn đánh nhanh thắng nhanh, trên mặt trận ngoại giao, Pháp
muốn cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nắm được ý đồ đó của
địch, Đảng và Hồ Chủ tịch đã chú trọng cả hai mặt trận. Về quân sự: sau
khi bảo toàn lực lượng rút về căn cứ địa cách mạng an toàn, ta chuẩn bị
lực lượng tiến lên thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng là “phải
phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp” lên Việt Bắc năm
1947. Trải qua 75 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân và dân ta đã biến
Việt Bắc thành mồ chôn giặc Pháp. Đặc biệt với chiến thắng này ta đã
đánh bại hoàn toàn chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch, buộc
chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta – đánh theo cách đánh sở
trường của ta và cũng là sở đoản của địch, lại thêm những khó khăn mới
trong bước đường xâm lược của thực dân Pháp.
Với
ta, thắng lợi Việt Bắc là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong năm đầu
kháng chiến toàn quốc, đánh dấu bước tiến mới về trình độ tác chiến của
bộ đội và dân quân du kích, góp thêm những bài học về chỉ đạo đấu tranh
quân sự và phối hợp chiến đấu trong cả nước. Với thắng lợi này, uy tín
của Đảng, Chính phủ càng được nâng cao, ý chí chiến đấu và niềm tin vào
tiền đồ cuộc kháng chiến của nhân dân ta được củng cố và tăng cường, thế
và lực của ta lớn lên một bước.
Trên
mặt trận ngoại giao, từ năm 1947 Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chủ trương
vượt biên giới phía Nam sông Mê Kông, lập đại diện của ta ở một số nước
Nam Á và Đông Âu…
Đấu
tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao đã làm phá sản kế hoạch đánh nhanh
thắng nhanh và thủ đoạn cô lập biên giới Việt Nam của thực dân Pháp.
Ngày
1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm chính thức Bắc Kinh,
rồi thăm Liên Xô. Bằng những hoạt động ngoại giao khôn khéo, Người đã
thiết lập được quan hệ chính thức với Trung Quốc và Liên Xô. Đến tháng
1/1950, Liên Xô, Trung Quốc, rồi các nước dân chủ nhân dân Đông Âu đã
đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chính thức công nhận nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa. Đây là một thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao, có
tác động hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh quân sự, từ đây cuốc kháng
chiến chính nghĩa của nhân dân ta không chỉ được nhiều nước biết đến mà
còn nhận được sự chi viện có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong một buổi làm việc ở Matxcơva cùng với Xtalin, có cả Mao Trạch
Đông, Bác đề nghị Liên Xô giúp trang bị cho 10 đại đoàn bộ binh và 1
trung đoàn pháo cao xạ. Xtalin nói: “Yêu cầu của Việt Nam không lớn.
Nên có sự phân công giữa Liên Xô và Trung Quốc. Liên Xô hiện đang phải
lo nhiều cho các nước Đông Âu. Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ
đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có thì hãy lấy trong số hàng Liên
Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam, và sẽ được Liên Xô
hoàn trả” [2,tr.14]. Mao Trạch Đông nói: “Việt Nam cần trang bị
10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn
có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ
khí trên đát Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của
Việt Nam” [2,tr.14]. Khi trở về Bắc Kinh, Bác còn đề nghị Trung
Quốc cử cố vấn sang giúp Việt Nam nay mai sẽ đi vào đánh lớn… Từ đây,
chúng ta nhận được nhiều sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc: không chỉ
vũ khí, trang bị, cố vấn quân sự, lương thực, thực phẩm, thuốc men mà
còn được giúp huấn luyện về chiến thuật. Cho đến hết năm 1950, ta đã
tiếp nhận của Trung Quốc 1020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang
quân dụng, 2634 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hang
quân giới, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô. Viện trợ của
Trung Quốc, Liên Xô và các nước là nguồn cung cấp quan trọng và có hiệu
quả cho kháng chiến, chính điều đó đã làm cơ sở cho ta mở và giành thắng
lợi cuộc tiến công biên giới thu đông 1950, chúng ta đã tiêu diệt và
bắt sống 8300 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn dài 750 km với 35
vạn dân. Với thất bại này thì hang loạt kế hoạch quân sự, chính trị của
Pháp bị phá sản: vòng vây biên giới Việt Trung bị bẽ gãy, hành lang Đông
– Tây bị chọc thủng, các xứ tự trị bị phá vỡ, kế hoạch Revers của Pháp
có sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ bị sụp đổ về cơ bản, ý chí xâm lược của bọn
đế quốc thực dân bị giáng một đòn nặng nề.
Đối
với ta, ý nghĩa của chiến thắng Biên giới thu đông 1950 hết sức trọng
đại: “Chiến thắng Biên giới đã mở ra một cục diện mới. Quyền chủ
động trên chiến trường chính đã về tay ta, biên giới được khai thông,
thế bị bao vây cả trong lẫn ngoài bị phá vỡ, căn cứ địa Việt Bắc được
củng cố và mở rộng, ta càng có điều kiện thuận lợi để phát triển lực
lượng về mọi mặt, đẩy mạnh kháng chiến tiến tới” [3,tr.60]. Chiến
dịch Biên giới là kết tinh thành quả của những nổ lực phi thường về đấu
tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao của quân và dân ta từ ngày đầu
kháng chiến toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Mở
rộng biên giới, nối liền cuộc kháng chiến của nhân dân ta với nhân dân
Trung Quốc, với phe xã hội chủ nghĩa, những thắng lợi trên cả hai mặt
trận quân sự và ngoại giao trong năm 1950 đã đưa cuộc kháng chiến của
nhân dân ta sang một giai đoạn mới: giai đoạn giành thế chủ động chiến
lược trên chiến trường chính. Khi thế và lực của ta đã phát triển mạnh,
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tiến hành nhiều chiến dịch
mới trong những năm 1951 – 1953.
(Còn nữa…)
TÀI
LIỆU
1. Bộ quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch
sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954, tập 1, Nxb
Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
2. Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ,
Nxb QĐND, Hà Nội, 2001.
3. Nguyễn Văn Hoa, Giáo trình lịch sử Việt Nam
1945 – 1954, ĐHSP Huế, Huế, 2003.
4. Huỳnh Kim Thành, Nguyễn Thị Đảm, Một số vấn đề
lí luận và thực tiễn trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam
(1930 – 1975), ĐHSP Huế, Huế, 1997.
- Thời kì 1951 – 1954
Với sự
giúp đỡ của các nước và sự nỗ lực của Việt Nam, bước sang những năm
1951 – 1952, chúng ta đã đẩy mạnh phát triển đấu tranh trên các mặt:
chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng bộ đội chủ
lực. Ngoài hai đại đoàn 308 và 304 có từ trước, ngày 25/12/1950 ta
thành lập them đại đoàn 312, rồi tiếp theo là các đại đoàn 320 (ngày
16/1/1951), đại đoàn 325 (ngày 11/3/1951), đại đoàn công binh – pháo
binh 351 (ngày 27/3/1951), đại đoàn 316 (ngày 1/5/1951)… Như vậy, đến
tháng 5/1951, bộ đội chủ lực của ta gồm có 6 đại đoàn bộ binh và 6 đại
đoàn này được giữ nguyên cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng
lợi. Về vũ khí trang bị, các nước bạn đã tích cực giúp ta được 20%, phần
lớn còn lại vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh do ta lấy được
của địch và nỗ lực sản xuất. Năm 1951, xưởng quân giới của ta sản xuất
được 30 súng và 2012 đạn bazooka, 176 súng và 4811 đạn SKZ, 28.548 đạn
sung cối, trên 200.000 quả lựu đạn và trên 40.000 quả mìn các loại
[4,tr.71].
Trên
cơ sở sự lớn mạnh của lực lượng bộ đội chủ lực và trên các mặt trận
khác, ta liên tiếp mở các chiến dịch tiến công nhằm giữ vững quyền chủ
động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Từ cuối 1950 đến 1953, chúng ta lần
lượt mở các chiến dịch lớn ở cả 3 miền. Ở Bắc Bộ, ngày 25/12/1950 mở
chiến dịch Trung du (Trần Hưng Đạo); ngày 20/3/1951 mở chiến dịch Đường
số 18 (Hoàng Hoa Thám); ngày 28/5/1951 mở chiến dịch Hà Nam Ninh (Quang
Trung). Ở Trung Bộ và Nam Bộ: ngày 12/2/1951 là trận tiến công của tiểu
đoàn 436 (trung đoàn 101) tiêu diệt hoàn toàn lô cốt An Gia trong hệ
thống phòng thủ Phú Ốc – Sịa của địch, lần đầu tiên ta tiêu diệt một vị
trí vững chắc được bố phòng theo hệ thống De Latuor của địch. Ngày
26/7/1951 quân dân Thừa Thiên thắng lợi trận Thanh Lam Bồ; ngày 6/8/1951
trung đoàn 108 tiến công và thắng lợi ở Kom Plông; từ ngày 12 đến
25/5/1951 ta mở chiến dịch Sóc Trăng, loại khỏi vòng chiến đấu 204 tên
địch. Qua đó có thể thấy rằng từ giữa năm 1951, với 3 chiến dịch lớn ở
Bắc Bộ và một số chiến dịch ở Trung và Nam Bộ, cuộc kháng chiến của ta
lại có thêm những bước tiến mới trên mặt trận quân sự.
Bên
cạnh chú trọng đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao trực tiếp với
kẻ thù thì Đảng và Chính phủ ta rất chú ý đến củng cố và tăng cường sức
mạnh của hậu phương kháng chiến trên cả nước. Bởi thắng lợi của sự
nghiệp kháng chiến chống Pháp nói chung và trên mặt trận quân sự nói
riêng đều bắt nguồn từ sức mạnh của hậu phương, căn cứ địa - nơi ngày
đêm dốc người, dốc của, dốc sức ra tiền tuyến đánh giặc. Cuộc kháng
chiến càng phát triển thì vai trò của hậu phương càng quan trọng, Đảng
và Chính phủ với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời trên
các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa đã góp phần củng cố
và tăng cường sức mạnh của hậu phương, từng bước đưa sự nghiệp kháng
chiến kiến quốc tiến lên phía trước. Và trên cơ sở này, ta tiếp tục
giành thắng lợi trong việc phá tan cuộc tấn công Hòa Bình của địch, tiêu
diệt sinh lực địch cao nhất (22.000 tên) và giải phóng được nhiều đất
đai, đẩy chúng vào thế bị động về chiến dịch, qua đó làm thay đổi tương
quan lực lượng giữa ta và địch theo hướng ngày càng có lợi cho ta trên
lĩnh vực quân sự. Phát triển thế tiến công, ta mở hai chiến dịch Tây Bắc
và Thượng Lào (1952 – 1953) và cũng giành được thắng lợi.
* Kết
hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao để kết thúc cuộc kháng
chiến chống Pháp (1954)
Qua 8
năm kể từ ngày nổ súng xâm lược lại nước ta đến mùa hè năm 1953, thực
dân Pháp đã tiêu phí 2130 tỷ France và mất 30 vạn binh lính, sĩ quan,
các kế hoạch chiến tranh từ D’Argenlieu, Leclerec đến Revers và De
Lattre de Tassigni đều thay nhau phá sản. Nhân dân Pháp ngày càng chống
đối gay gắt “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương. Chính
giới Pháp ngày càng lục đục, mâu thuẫn do hậu quả của cuộc chiến tranh
hao người tốn của mang lại.
Trong
khi đó nhân dân ta ngày càng giành được nhiều thắng lợi trên tất cả các
mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội và
đang tiến lên để giành thắng lợi hoàn toàn. Thế và lực của Việt Nam đã
có đủ khả năng để kết thúc chiến tranh khi có điều kiện thuận lợi.
Càng
kéo dài chiến tranh, thực dân Pháp càng tổn thất nặng nề. Chiến tranh
trở thành một gánh nặng về kinh tế và tâm lý đối với nước Pháp. Pháp
phải xin viện trợ Mỹ và do đó ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Nội bộ giới cầm
quyền chia làm 2 phe: phe chủ chiến và phe chủ hòa đấu tranh gay gắt
với nhau trong Chính phủ và Quốc hội, làm cho nội tình nước Pháp không
ổn định, phải thay đổi chính phủ nhiều lần.
Chính
phủ Lanien nghĩ đến một giải pháp chính trị thông qua thương lượng.
Trong khi đó, chính sách của Mỹ là lái phía Pháp tránh xa khỏi bàn hội
nghị trong khi chưa giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến
trường. Dalet nhiều lần nói với Bidon rằng: kết thúc cuộc chiến tranh
Đông Dương trong điều kiện thuận lợi cho cộng sản là một điều không nên.
Ông ta muốn người Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh vì Đông Dương là một
mắt xích quan trọng trong phòng tuyến ngăn chặn cộng sản trong khu vực. Ý
đồ thương lượng trên thế mạnh đã dẫn tới việc cả hai chính phủ Pháp, Mỹ
đồng tình với kế hoạch Navarre. Ngày 19/5/1953, Navarre đến Sài Gòn và
ngày hôm sau ra Hà Nội. Đến cuối tháng 6/1953 thì Navarre hoàn thành
việc xây dựng kế hoạch của mình. Hơn một tháng ở Đông Dương nắm bắt tình
hình, Navarre đã có được “một bản tổng kết ảm đạm” [4,tr.91]
rằng so với đối phương, lực lượng quân đội Pháp đang ở thế bất lợi, 9
phần 10 lực lượng bị giam chân vào nhiệm vụ chiếm đóng, khối chủ lực tác
chiến không đủ sức đương đầu với khối chủ lực của Việt Minh.
Trong
Đông Xuân 1953 – 1954 kế hoạch Navarre hoàn toàn bị đảo lộn do những
cuộc tiến công chủ động và kiên quyết của chủ lực ta trên những hướng
chiến lược quan trọng mà quân Pháp không thể bỏ. Navarre muốn tập trung
nhưng lại phải phân tán binh lực, muốn giành quyền chủ động nhưng lại
càng lung túng bị động đối phó, muốn tiến công nhưng phải kéo quân đỡ
đòn xuôi ngược khắp nơi.
Trong
biển lửa của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, khắp nơi quân đội Pháp
lâm vào tình trạng phân tán chiếm đóng “bất động”, tinh thần sa sút,
phải thực hiện một sự bố trí hoàn toàn phòng ngự và cần phải tăng viện
ngay. Nhưng khả năng tăng viện lúc đó của Pháp rất hạn chế. Cơ quan tình
báo Mỹ CIA cho rằng tình hình quân sự và chính trị của Pháp ở Đông
Dương rất tồi tệ. Nếu đà đó không được ngăn chặn thì sẽ đưa đến sự sụp
đổ của Pháp vào nửa sau của năm 1954. Còn theo đánh giá của tướng Ely
(tháng 5/1954) thì bản đồ chiến tranh của Pháp ở Đông Dương tồi tệ hơn
nhiều so với dự kiến trước đó. Ngày 7/5/1954, quân Pháp đã mất Điện Biên
Phủ - quả đấm tấn công. Nhiều tướng Pháp cho rằng Pháp không thể thắng,
Việt Minh không thể thua.
Thất
bại ở Điện Biên Phủ làm sụp đổ ý chí thực dân và làm tiêu tan hy vọng
giành thắng lợi bằng quân sự để kết thúc cuộc chiến tranh của thực dân
Pháp. Lanien và Bidon phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh.
Nội bộ giới cầm quyền Pháp càng thêm chia rẽ, đấu tranh gay gắt với
nhau. Sau khi chính phủ Lanien sụp đổ, chính phủ Mendet France lên thay
(tháng 6/1954) chủ trương giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng.
Mendet France hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp sẽ lập lại hòa bình ở
Đông Dương trong vòng một tháng. Thế là ý chí xâm lược của thực dân Pháp
đã bị đánh bại. Thái độ của giới cầm quyền Pháp buộc phải thay đổi, họ
phải tới đàm phán để kết thúc chiến tranh.
Cơ sở
của đấu tranh ngoại giao là thắng lợi quân sự. Chúng ta sẽ không thể
giành được thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi trên chiến
trường. Cuối năm 1946, khi khả năng hòa hoãn không còn nữa, Đảng ta và
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến toàn quốc với niềm tin “Địch
chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không sao chiếm được lòng nòng
nàn yêu nước của nhân dân ta” [6,tr.160]. Cuộc kháng chiến của nhân
dân Việt Nam từng bước thắng lợi, nhất là từ Thu Đông 1950, với thế
tiến công chiến lược ngày càng phát triển, lực lượng vũ trang ba thứ
quân trưởng thành, hậu phương kháng chiến được xây dựng và củng cố vững
mạnh, sự giúp đỡ quốc tế ngày càng cao, sự phối hợp với Đảng Cộng sản
Pháp, kết hợp với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới và phong trào phản
chiến ở Pháp. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 –
1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo lợi thế cho Việt
Nam trên bàn đàm phán.
Cựu sĩ
quan tình báo Mỹ L.A.Patti nhận xét: “Ngày 13/3, quân đội nhân dân
Việt Nam dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tướng Giáp khởi đầu cuộc tiến
công vào Điện Biên Phủ. Các pháo đài mới được tăng cường này đã có tầm
quan trọng về chính trị và tâm lí hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của
nó, vì hội nghị Genève sắp khai mạc. Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thấy
được một cách đúng đắn đây là một trận đánh có tính chất quyết định,
không phải chỉ nhằm giành được một chiến thắng vang dội mà sẽ làm cho họ
mạnh hẳn lên, họ chuẩn bị bao vây cứ điểm này.
Việt
Nam dân chủ cộng hòa cũng còn nhằm đánh cho quân liên hiệp Pháp một đòn
chí tử để gây tác động tâm lí đối với nước Pháp, làm cho nhân dân Pháp
và những người chống cộng ở Việt Nam mất ý chí tiếp tục cuộc đấu tranh” [5,tr.826-838].
Chủ
trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ ta trước sau như một là
nỗ lực vãn hồi hòa bình, chủ trương kết hợp giành thắng lợi về quân sự
với giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến. Ngày 26/11/1953,
trong bài trả lời điện phỏng vấn báo Expressen, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu
rõ nguyên nhân và tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tuyên bố lập
trường của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là sẵn sàng đàm phán với
chính phủ Pháp để kết thúc chiến tranh trên cơ sở: “Chính phủ Pháp
thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”
[2,tr.555].
Ngày
27/11/1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông tri nêu rõ: “Trong
lịch sử có nhiều cuộc chiến tranh do thương lượng hòa bình mà đi đến
đình chiến…nhân dân ta chiến đấu chống bọn đế quốc xâm lược là vì độc
lập dân tộc và cũng vì hòa bình thế giới... Ngọn cờ hòa bình phải do ta
nắm lấy và dương cao lên” [2, tr.555-556].
Đảng
ta chủ trương trong đàm phán hòa bình cần có sự nhân nhượng lẫn nhau: “Muốn
đàm phán có kết quả thì ta phải nhân nhượng, nhưng nhân nhượng có chừng
mực, trong nguyên tắc, và đối phương cũng phải nhân nhượng ta” [3,tr.181].
“Phải tránh tả khuynh, đặt yêu cầu quá cao cho cuộc đấu tranh ngoại
giao, làm cho cuộc đàm phán bị bế tắc. Nhưng cũng phải chống hữu
khuynh, nhượng bộ cho địch quá mức, làm cho nhân dân chán nản và kẻ địch
được đằng chân lân đằng đầu” [3,tr.185]. Thiện chí hòa bình của
Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã mở hướng đi tới để đàm phán để kết
thúc một cuộc chiến tranh.
Ngày
26/4/1954, Hội nghị Genève bắt đầu họp về vấn đề Triều Tiên, nhưng không
đi đến một giải pháp nào. Thời gian hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên
là lúc quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đang nguy kịch, sau khi
các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân Pháp ở Bản Kéo buộc phải
đầu hàng. Hàng loạt cứ điểm ở khu Đông Mường Thanh bị tiêu diệt từ cuối
tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 1954. Từ ngày 1/5/1954 khu trung tâm bắt
đầu bị tấn công dồn dập. Chiều 7/5/1954, bộ chỉ huy Pháp ở tập đoàn cứ
điểm Điện Biên Phủ ra hàng.
Thất
bại ở Điện Biên Phủ làm tan vỡ thương lượng trên thế mạnh của các thế
lực đế quốc hiếu chiến. Sáng ngày 8/5/1954, Thủ tướng Pháp Lanien công
bố trước Quốc hội sự thất thủ của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Buổi
chiều cùng ngày, Tổng thống Mỹ Aixenhao họp Hội đồng An ninh quốc gia để
thông báo kết cục bi thảm này. Tại Hội nghị Genève, Ngoại trưởng Bidon
của Pháp thông báo tin quân Pháp thất trận và đề nghị chấp nhận nguyên
tắc của một cuộc tổng ngưng chiến tại Đông Dương.
Ngày
8/5/1954, vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương
được đưa ra thảo luận. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa
do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn bước vào Hội nghị với tư thế
người chiến thắng.
Hội
nghị Genève về Đông Dương diễn ra trong bối cảnh khác trước: Cuộc kháng
chiến của ta đã giành được nhiều thắng lợi vang dội mà đỉnh cao là chiến
thắng Điện Biên Phủ. Mặt khác, trên bình diện ngoại giao, vấn đề Đông
Dương cũng được quốc tế hóa. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một bên
chủ yếu của chiến tranh, đã được mời đến dự Hội nghị Genève để bàn về
chính công việc của mình, chứ không phải là tham gia một cách chủ động
trong cuộc đàm phán song phương với đối thủ như tình hình năm 1946. Và
một sự khác trước nữa đó là những thành tựu ta giành được trong các văn
kiện của Hiệp định. Trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève nêu rõ:
Pháp cùng các nước lớn khác công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân
dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,
điều mà 9 năm trước, tại hiệp định Sơ Bộ (ngày 6/3/1946), Pháp không
chịu công nhận. Cuộc đàm phán lần này không chỉ tiến hành giữa hai đối
thủ trực tiếp là Việt Nam và Pháp như năm 1946 mà có sự tham gia của các
nước lớn. Với yếu tố quốc tế hóa như vậy, dấu ấn của các cường quốc là
không thể tránh khỏi. Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, theo
xu hướng giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng,
đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp nhận kí Hiệp định
Genève.
Ngày
20/7/1954, các nước tham dự Hội nghị đã ra tuyên bố cuối cùng và kí các
văn bản hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia, tạo nên
khung pháp lí của Hiệp định Genève về Đông Dương.
Cho
đến nay, vẫn còn có những đánh giá khác nhau về kết quả Hội nghị Genève,
nhưng đối với dân tộc Việt Nam, thì đây chỉ là kết thúc một chặng trên
con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập, tự do. Tại
phiên họp cuối cùng của Hội nghị, đoàn đại biểu nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa đã ra tuyên bố kêu gọi đồng bào của mình: “Nhân dân Việt
Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống
nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng
hòa bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng
bào hãy nhớ lấy lời Hồ Chủ tịch: “Cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng
cuối cùng chúng ta nhất định thắng”” [1,tr.80].
Cùng
với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève đã kết thúc cuộc kháng
chiến chống Pháp lâu dài và gian khổ của dân tộc Việt Nam. Giải phóng
hoàn toàn miền Bắc, xóa bỏ cơ đồ thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương, góp
phần thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, cổ vũ
mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mĩ
Latinh. Việt Nam – Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng và
niềm tin chiến thắng của các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do.
Như
vậy, chúng ta thấy rằng năm 1946 qua nhiều lần thương lượng, đàm phán,
thực dân Pháp vẫn ngoan cố không chịu thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản
của nước Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Khi kí bản
hiệp định Sơ Bộ ngày 6/3/1946, Pháp mới chỉ công nhận tính thống nhất
của Việt Nam là “một quốc gia tự do” nhưng không công nhận là độc lập và
họ quyết tâm xâm lược nước ta bằng một cuộc chiến tranh đẫm máu. Vì
vậy, trái với mong muốn hòa bình của ta, thực dân Pháp đã biến hiệp định
Sơ Bộ thành hiệp định đổ bộ đưa quân ra miền Bắc Việt Nam để gây chiến.
Tuy
nhiên, cùng với thắng lợi to lớn tại Điện Biên Phủ, tại Hội nghị Genève –
một hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã thừa nhận độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ - các quyền dân tộc cơ
bản của Việt Nam, Lào, Campuchia. Tạo cơ sở pháp lí cho Việt Nam tiếp
tục đấu tranh trong hai thập kỉ tiếp theo để giành độc lập, thống nhất
hoàn toàn.
Những
thắng lợi đạt được trên đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của
Đảng, Chính phủ ta qua việc kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh quân sự và
đấu tranh ngoại giao để có thể giành được thắng lợi trọn vẹn nhất.
KẾT
LUẬN
Trong
lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, trong các cuộc kháng chiến, ông
cha ta luôn biết kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại
giao, vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh, điều đó trở thành một
nghệ thuật quân sự của dân tộc như thời nhà Lê chống quân Minh xâm lược,
Lê Lợi đã mở hội thề Đông Quan để kết thúc chiến tranh một cách hòa
bình, đỡ tốn xương máu của nhân dân cả hai nước, mở đường cho quân giặc
rút về nước trong danh dự và làm cho chúng kính nể ta…Vận dụng và phát
huy một cách sáng tạo truyền thống đánh giặc đó, cũng như học tập kinh
nghiệm của hầu hết các cuộc chiến tranh trên thế giới luôn có sự kết hợp
đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao. Lấy đấu tranh quân sự làm cơ
sở để đấu tranh ngoại giao và đấu tranh ngoại giao để tạo những điều
kiện thuận lợi cho đấu tranh quân sự phát triển mạnh. Đặc biệt chúng ta
tranh thủ sự ủng hộ về tinh thần của nhân dân lao động tiến bộ trên thế
giới, sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của các nước trong phe xã hội
chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước láng giềng trong cuộc đấu tranh
chính nghĩa vì độc lập, tự do của dân tộc ta. Và một khi quân sự mạnh
lên, thế và lực vững vàng, sẽ tiến hành đấu tranh quân sự để giành một
thắng lợi quyết định buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán với ta.
Thắng
lợi Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được kí kết là hai sự kiện lớn thể
hiện sự kết hợp tuyệt vời giữa hai mặt trận quân sự và ngoại giao,
trong đó quân sự làm cơ sở để đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp,
kết thúc chiến tranh. Đây cũng là một nghệ thuật đấu tranh, một bài học
quý báu mà chúng ta tiếp tục vận dụng và phát huy trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước để giành thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang nhất.
TÀI
LIỆU
1. Bộ Ngoại giao, Những
bản tham luận của đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Hội nghị
Genève, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1954.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, tập 14 (1953), Nxb CTQG, Hà Nội, 2001.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nxb CTQG, Hà Nội, 2001.
4. Nguyễn Văn Hoa, Giáo
trình lịch sử Việt Nam 1945 – 1954, ĐHSP Huế, Huế, 2003.
5. L.A.Patti, Tại sao
Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2002.
6. Hồ Chí Minh, Biên niên
về những sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 1990.
Bài viết phân tích rất hay ạ
Trả lờiXóaTôi rất thích bài viết
Trả lờiXóamáy tính hà nội
màn hình máy tính
mua máy tính cũ
màn hình máy tính cũ