Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (*)24-10-2010 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trong các cuốn sách của họ, họ thường dành một chương để đề cập đến sự kiện lịch sử này. Một vài tác giả viết hẳn một cuốn sách, như The Tet Offensive – Intelligence Failure in War (của James J. Wirtz, xuất bản tại New York năm 1991), After Tet – The Bloodiest Year in Vietnam (của Ronald H. Spector, xuất bản tại New York năm 1993)… và nhất là cuốn sách nổi tiếng của Don Oberdorfer với nhan đề ngắn gọn mà độc đáo: TET! (do nhà xuất bản Doubleday & Company tại New York ấn hành năm 1971, dày ngót 400 trang).
Hầu hết các nhà sử học nhất trí nhận định sự kiện này vừa là thất bại, vừa là thắng lợi của bên này hay bên kia:
“Có lẽ chỉ có trong cuộc tiến công Tết mà bên thua hoàn toàn xét về ý nghĩa chiến thuật lại có một thắng lợi trội hơn hẳn về mặt tâm lý và, vì thế, cả về mặt chính trị nữa” (Bernard Brodie) (4).
“Về mặt quân sự, Tết là một chiến thắng rõ ràng của Mỹ; về mặt tâm lý, đó lại là một sự đảo ngược có tính quyết định” (Michael Maclear) (5).
Tết là “một chiến thắng quân sự của Mỹ, biến thành một thất bại chính trị và tâm lý đối với Mỹ” (Phillip B. Davidson) (6).
“Một số người quan sát phương Tây cho rằng cuộc tiến công Tết là một thất bại [của Việt Cộng]… Một số người khác lại chỉ ra tác động tâm lý của cuộc tiến công đối với dư luận công chúng ở Mỹ và ảnh hưởng to lớn đối với chính sách của Mỹ, xem đó là một chỉ dẫn cho thấy cuộc tiến công là một thành công nổi bật [của Cộng sản]” (William J. Duiker) (7).
“Mặc dù xét về mặt kỹ thuật, cuộc tiến công Tết là một thất bại quân sự đối với Mặt trận dân tộc giải phóng, nhưng về mặt chính trị, nó được xem là một chiến thắng” (Marilyn B. Young, John J. Fitzgerald và A. Tom Grunfeld) (8).
Cộng sản “không hoàn thành các mục tiêu quân sự của họ trong cuộc tiến công Tết… nhưng đồng thời, nhiều nhà quan sát xem cuộc tiến công Tết như là một chiến thắng tâm lý xuất sắc đối với đối phương, một thắng lợi chính trị vẻ vang đối với họ tại nước Mỹ” (nhóm tác giả The Lessons of Vietnam War) (9).
“Cuộc tiến công Tết là một thảm họa về mặt chiến thuật đối với Cộng sản… Nhưng thảm họa về mặt chiến thuật không có nghĩa là thất bại về mặt chiến lược. Quả thật, Tết là một thắng lợi chiến lược áp đảo của Cộng sản” (James S. Olson và Randy Roberts) (10)…
Quốc huy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Tòa đại sứ Mỹ.
1. CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN LÀ MỘT THẤT BẠI QUÂN SỰ CỦA CỘNG SẢN
Theo Stanley Karnow, Cộng sản “tấn công vào các thành phố và thị xã với hi vọng rằng một bộ phận của chính quyền đô thị trong chế độ Miền Nam sẽ quay ra chống lại Mỹ. Và mưu toan của họ muốn phá vỡ những cố gắng bình định là nhằm lôi kéo các viên chức ở nông thôn về phía họ.
Họ cũng tin rằng Miền Nam Việt Nam đã chín muồi với cách mạng, và rằng những người lính mỏi mệt của chính phủ [Sài Gòn], những nông dân bị dời chỗ ở, những giáo phái thất vọng, những thanh niên cứng đầu và những phần tử bất hạnh khác trong dân chúng Miền Nam sẽ nổi dậy chống lại chính quyền Sài Gòn và người Mỹ…
Họ hi vọng lật đổ chế độ Sài Gòn và xúc tiến việc thành lập một chính phủ liên hiệp trung lập, do những người đại diện của Việt Cộng chi phối, chính phủ này sẽ đuổi Mỹ đi, đưa Việt Nam lên con đường tái thống nhất dưới sự kiểm soát của Cộng Sản”(11).
Vì vậy, vẫn theo Stanley Karnow, Cộng sản “lần đầu tiên đã chuyển chiến tranh từ môi trường nông thôn đến một đấu trường mới – đó là khu vực thành thị được cho là không thể đánh chiếm được ở Miền Nam Việt Nam”. Đây là “một loại hình chiến tranh rất khác… Họ đã chiến đấu một cách ngoan cường, đôi khi mù quáng, và thường bỏ rơi các chiến thuật linh hoạt của họ để giữ những vị trí không thể giữ được. Tại nhiều nơi, họ nhanh chóng bị đè bẹp bởi sức mạnh quân sự quá mạnh của Mỹ và Nam Việt Nam”(12).
Các nhà sử học phương Tây đều nhất trí nhận định: “Cuộc tổng tiến công thất bại với thương vong to lớn” (Phillip B. Davidson) (13). “Có người ước lượng số thương vong lên tới 40 000” (George C. Herring)(14) hay “45 000 người trong tổng số 84 000 người mà họ sử dụng trong các cuộc tiến công” (Phillip B. Davidson)(15) , tức khoảng 1/2 lực lượng tiến công (William J. Duiker)(16).
Không chỉ bộ đội hi sinh, mà ở thành thị “cán bộ lãnh đạo chính trị xuất đầu lộ diện trong các cuộc tiến công” cũng bị tổn thất (Phillip B. Davidson)(17), trong khi đó ở nông thôn “tổ chức chính trị của Cộng sản Miền Nam bị phá vỡ bởi chương trình Phượng Hoàng của CIA” (Stanley Karnow)(18).
“Họ không hoàn thành bất cứ mục tiêu lớn nào của họ” (James S. Olson và Randy Roberts)(19).
Một mặt, “họ không thể thiết lập những vị trí vững chắc trong vùng đô thị” (George C. Herring)(20), “cuối cùng bị đẩy ra khỏi các thành thị lớn” (Chester L. Cooper)(21), “chính phủ [Thiệu] nắm lại quyền kiểm soát đại đa số các thành phố và thị xã (nhóm tác giả The Lessons of Vietnam War)(22). Ở nông thôn cũng vậy, “trong vòng một năm, quân đội Việt Nam cộng hòa đã chiếm lại phần lớn những khu vực bị mất vào tay lực lượng nổi dậy và lại tiếp tục các cuộc hành quân bình định” (William J. Duiker)(23).
Mặt khác, “không chỉ cuộc tổng tiến công… gặp thất bại, mà cuộc tổng khởi nghĩa cũng không hề xảy ra” (Phillip B. Davidson)(24). “Người dân Miền Nam không chịu theo Việt Cộng, ngay tại những thành thị mà Việt Cộng tạm thời cai trị” (Phillip B. Davidson)(25). “Họ không nổi dậy [chống Mỹ – Thiệu] và không đón tiếp Việt Cộng như những người đến giải phóng họ” (James S. Olson và Randy Roberts)(26). Ngược lại, theo Phillip B. Davidson, “họ ủng hộ chính phủ Nam Việt Nam”(27).
“Quân đội Việt Nam cộng hòa không đầu hàng hay đào ngũ” (Phillip B. Davidson)(28), “chính phủ Nam Việt Nam không sụp đổ” (James S. Olson và Randy Roberts)(29).
“Các đơn vị quân sự Việt Cộng gồm phần lớn người dân bản xứ Miền Nam đã chịu gánh nặng chính của cuộc chiến đấu và bị thương vong nặng nề nhất” (Stanley Karnow)(30).
Do đó, “sau cuộc tiến công Tết, quân chính qui Miền Bắc Việt Nam đảm nhận một nhiệm vụ lớn hơn nhiều trong chiến đấu” (James S. Olson và Randy Roberts)(31). Vì vậy, “trong những năm sau đó, quân chính qui Miền Bắc Việt Nam ngày càng đông hơn ở nông thôn Miền Nam” (nhóm tác giả The Lessons of Vietnam War)(32).
Là một sĩ quan quân báo cao cấp của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam, Phillip B. Davidson lập luận: Thay vì phân tán lực lượng để tiến công hàng chục thành thị khắp Miền Nam, Cộng sản sẽ có nhiều cơ may chiến thắng nếu tập trung quân số khoảng 4 hay 5 sư đoàn để mở các cuộc tiến công chủ yếu vào hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, đồng thời mở các cuộc tiến công thứ yếu vào Tây Nguyên, các tỉnh ven biển Trung Bộ và vùng xung quanh Sài Gòn để kìm chân quân Đồng minh.
Theo Phillip B. Davidson, Quảng Trị và Thừa Thiên gần vĩ tuyến 17 nên công việc hậu cần và yểm trợ từ Miền Bắc và từ vùng giải phóng Lào sẽ dễ dàng hơn. Khi cần rút lui, quân Cộng sản cũng nhanh chóng rút về Miền Bắc hay sang Lào. Khe Sanh có nhiều đặc điểm giống Điện Biên Phủ. Nếu ngay từ đầu, Cộng sản dùng một lực lượng lớn tiến công thì có thể tràn ngập Khe Sanh một cách dễ dàng. Sau khi mở cuộc tiến công Tết, việc chiếm Khe Sanh trở nên khó khăn hơn.
Vẫn theo Phillip B. Davidson, Cộng sản không chọn cách đánh này, vì tuy có nhiều lợi điểm, nhưng chỉ có tiến công quân sự mà không có khởi nghĩa của quần chúng (33).
Johnson và McNamara lo lắng đối phó cuộc tổng tiến công.
2. CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN LÀ MỘT THẮNG LỢI TÂM LÍ VÀ CHÍNH TRỊ CỦA CỘNG SẢN
Mãi cho đến cuối năm 1967 – đầu năm 1968, các viên chức Mỹ ở Sài Gòn cũng như ở Washington đều đưa ra những lời tuyên bố lạc quan về tình hình Miền Nam Việt Nam. Tiêu biểu là tuyên bố của phó tổng thống Hubert H. Humphrey: “Chúng ta đang bắt đầu chiến thắng trong cuộc đấu tranh này. Chúng ta đang ở thế chủ động. Chúng ta đang giành được đất đai. Chúng ta đang tiến bộ vững chắc” (34).
Do đó, khi xảy ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhất là khi các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiến công Tòa đại sứ Mỹ, phía Mỹ vô cùng bàng hoàng.
Tướng David Richard Palmer cho biết: “Một sách giáo khoa về lịch sử quân sự in năm 1969 và được các học viên Học viện quân sự West Point [Mỹ] sử dụng trong việc nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, viết: Điều đầu tiên cần nói về cuộc tổng tiến công… là tình báo của Đồng minh đã thất bại ngang với trận Trân Châu cảng năm 1941 và trận tiến công Ardennes năm 1944. Bắc Việt Nam đã giành được sự bất ngờ hoàn toàn” (35).
Ban tư vấn về tình báo nước ngoài của tổng thống Mỹ (PFIAB) nhận định: “Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng [Mỹ] đã không lường trước được một cách đầy đủ tính cách mãnh liệt, sự phối hợp và thời điểm của cuộc tiến công của đối phương. Đại sứ Bunker và tướng Westmoreland thừa nhận điều đó”.
Theo PFIAB, “yếu tố quan trọng nhất là thời điểm: có ít viên chức Mỹ và Việt Nam [cộng hòa] tin rằng đối phương sẽ tiến công trong dịp Tết… Yếu tố bất ngờ lớn thứ hai là số lượng các cuộc tiến công được mở ra cùng một lúc… Quan trọng hơn là không đoán được tính chất của các mục tiêu [bị tiến công]” (36).
Người Mỹ đầu tiên bị bất ngờ là Ellsworth Bunker, vì chính tòa đại sứ của ông ta bị tiến công rất sớm. Ông tâm sự: “Những báo cáo của tướng Westmoreland gửi cho tôi đều viết: về mặt quân sự, Mỹ đang kiểm soát tình hình”. Vì vậy, khi các cuộc tiến công nổ ra, ông cảm thấy “kinh ngạc vì có nhiều người xâm nhập vào thành phố như vậy, kinh ngạc vì họ lọt được vào bên trong khuôn viên Tòa đại sứ” (37).
Khi tin tức bay về Washington, “cuộc tiến công Tết khiến Johnson sửng sốt. Cả tin vào phần lớn các báo cáo cho rằng Cộng sản đã bị làm suy yếu, ông ta không bao giờ tưởng tượng rằng họ lại có thể đột kích vào Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hay tiến công các thành thị ở Miền Nam” (38).
Báo chí – bao gồm báo viết, báo nói và nhất là báo hình – đã đưa chiến tranh Việt Nam đến tận nhà người dân Mỹ. George C. Herring nhận định: “Trong chừng mức Bắc Việt Nam có ý định tiến công Tết để gây ảnh hưởng đối với nước Mỹ thì họ đã thành công, vì cuộc tiến công đã tạo ra những làn sóng chấn động ngay lập tức trong toàn nước Mỹ. Những bài tường thuật trên truyền hình về các trận đánh đẫm máu ở Sài Gòn và Huế chế giễu các báo cáo đầy lạc quan của Johnson và Westmoreland hồi cuối năm [1967], làm tăng thêm sự thiếu niềm tin, và những nhà báo công khai nhạo báng điều mà Westmoreland tự cho là chiến thắng” (39).
Các tác giả cuốn The Lessons of Vietnam War cũng xác nhận “Tác động lớn nhất của Tết… được cảm nhận ở nước Mỹ. Tin tức về các trận đánh trên đài truyền hình đã vẽ nên một bức tranh khác xa những báo cáo tô màu hồng của các người phát ngôn của chính phủ.
Đa số người Mỹ không bao giờ nghĩ rằng những người Cộng sản ở Nam Việt Nam lại đủ mạnh và cả gan tiến công các thành thị hay đột kích Tòa đại sứ Mỹ” (40). “Tính chất dũng cảm táo bạo của cuộc tiến công Tết đã phủ nhận hình ảnh một đối phương kiệt sức và sắp bị đánh bại”(41) như chính quyền Johnson rêu rao, do đó “sau Tết, niềm tin của công chúng [Mỹ] đối với sự lãnh đạo của tổng thống Johnson bị xói mòn nghiêm trọng”(42).
Cho đến cuối năm 1967, lực lượng quân sự Đồng minh có 1 343 800 quân (gồm 485 600 quân Mỹ, 798 800 quân Nguyễn Văn Thiệu, 47 830 quân Hàn Quốc, 6 820 quân Australia, 2 200 quân Thái Lan, 2 020 quân Philippines và 530 quân New Zealand)(43), tất cả đều được trang bị với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Mỹ vẫn thường tuyên bố: cả chiến lược “tìm và diệt” lẫn chương trình bình định của họ đã và đang thành công.
Chester L. Cooper viết: Với cuộc tiến công Tết, “một điều hiện ra rõ ràng: bất chấp những chương trình bình định đầy tham vọng và những luận điệu lạc quan về sự tiến bộ, Cộng sản dường như vẫn kiểm soát được nông thôn Việt Nam nên có thể đi lại tùy theo ý muốn của họ. Rõ ràng là các nỗ lực [của Mỹ] trong 2 hay 3 năm qua nhằm củng cố vùng thôn quê chống lại Cộng sản tiến công hay xâm nhập trở thành vô ích”(44).
Nhận định của Chester L. Cooper tương tự với ý kiến của Ban tư vấn về tình báo nước ngoài của tổng thống Mỹ (PFIAB): “Tại sao 84 000 bộ đội Việt cộng và Bắc Việt Nam di chuyển ngang qua vùng nông thôn để áp sát các thành thị mà nông dân [Nam] Việt Nam không báo cho chính quyền Sài Gòn hay quân Đồng minh hay biết? Thế thì chương trình bình định nông thôn đã tranh thủ được con tim và khối óc của người dân đến đâu? Ở nông thôn, Việt Nam cộng hòa hay Việt Cộng kiểm soát nhiều đất đai hơn, tranh thủ được nhiều người dân hơn?”(45).
Chester L. Cooper viết tiếp: “Ngay cả đô thị, nơi mà cho đến nay vẫn được xem là nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền [Thiệu], vẫn có thể bị tấn công như thường”(46).
Báo chí Mỹ lúc đó phản ánh suy nghĩ của đa số người Mỹ về cuộc chiến tranh mà chính phủ của họ đang tiến hành ở Việt Nam:
“Nhân dân Mỹ sẽ phải sẵn sàng để thừa nhận viễn cảnh theo đó toàn bộ nỗ lực [của Mỹ] ở Việt Nam có thể sẽ thất bại” (Báo Wall Street Journal)(47).
“Chiến tranh [của Mỹ] ở Việt Nam là không thể thắng được. Chiến tranh ấy càng kéo dài thì người Mỹ càng chịu tổn thất và nhục nhã” (nhà báo Joseph Kraft)(48).
“Một chiến lược tiếp tục làm như cũ là điều không thể tha thứ được” (Tuần báo Newsweek)(49).
Các tác giả The Lessons of Vietnam War nhận định: “Tết đã làm thay đổi ý kiến của công chúng dứt khoát chống lại chiến tranh… Số người ủng hộ chiến tranh giảm mạnh từ 62% xuống còn 41%. Lần đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh, số người chủ hòa chiếm đa số, hầu như tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng (từ 23% lên 43%)”(50).
Nhiều người trước kia là “diều hâu”, nay biến thành “bồ câu”. Dean Rusk, bộ trưởng ngoại giao Mỹ trong hai chính phủ Kennedy và Johnson, nhìn nhận: “Sau cuộc tiến công Tết, có một điều rất rõ ràng là nhiều người dân bình thường [ở Mỹ] cuối cùng đi tới kết luận rằng: nếu chúng ta [tức chính phủ Mỹ] không thể nói cho họ biết lúc nào cuộc chiến tranh này kết thúc thì chúng ta nên vứt nó đi”(51).
Johnson với bản tuyên bố ngày 30/3/1968.
Tại hội nghị chọn ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử chức tổng thống (tổ chức tại New Hampshire tháng 3-1968), thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, một người chưa có tiếng tăm bao nhiêu, đã giành được 300 phiếu nhờ chủ trương đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Ngày càng có nhiều người [Mỹ] tin rằng gửi quân sang Việt Nam là một sai lầm… Nhiều người [Mỹ] yêu cầu chính quyền Johnson rút khỏi Việt Nam”(52). Nhà báo nổi tiếng của hãng CBS, Walter Cronkite, đề nghị: “Cách hợp lí duy nhất để thoát ra [khỏi chiến tranh Việt Nam] là thương thuyết, không phải với tư cách những người chiến thắng, mà như những người chính trực làm điều tốt nhất họ có thể làm”(53).
Tổng thống Johnson lâm vào cảnh bối rối khi phải đối phó cùng một lúc với diễn tiến quân sự ở Việt Nam và với tình hình chính trị ngay tại nước Mỹ trong năm bầu cử tổng thống.
Đầu tháng 2-1968, tướng Westmoreland đề nghị ông gửi thêm 206 000 quân sang Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Earl D. Wheeler, ủng hộ đề nghị này. Bản thân Johnson cũng thấy “bác bỏ yêu cầu này có thể là nguy cơ dẫn tới thất bại trên chiến trường”(54). Nhưng muốn đáp ứng nó, Johnson phải chấp nhận gọi quân dự bị nhập ngũ, tăng thêm thuế, cắt giảm nhiều chương trình phúc lợi xã hội cho người dân Mỹ…, nghĩa là chấp nhận sự thất cử của Đảng Dân chủ.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Johnson quyết định bác bỏ yêu cầu tăng quân của Westmoreland. Theo Chester L. Cooper, “đây là lần đầu tiên tổng thống dường như không còn tin rằng, về mặt quân sự, Mỹ đang đi đúng đường”(55). Ngày 31/3/1968, Johnson chính thức đề nghị với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành ngay cuộc đàm phán để thương thuyết việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Đáp ứng điều kiện tiên quyết do đối phương đặt ra, Johnson chấp nhận ngưng ném bom Miền Bắc trong hai bước: một phần (31/3/1968) và hoàn toàn (31/10/1968).
Các quyết định này mở đầu cho sự cáo chung của chiến lược “hai gọng kìm” (tìm – diệt và bình định) của chiến tranh cục bộ ở Nam Việt Nam. Đây là chiến thắng quan trọng nhất của cuộc tiến công Tết như William J. Duiker viết: “Tết dẫn tới một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược chiến tranh của Mỹ”(56). Ngoài sự “phá sản hiển nhiên” của chiến lược cũ và đi tìm chiến lược mới, Phillip B. Davidson còn nói tới sự kết thúc của chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở Miền Bắc và “sự gần như diệt vong của chương trình bình định”(57) như là những kết quả khác của cuộc tiến công Tết.
Đi đôi với sự thay đổi chiến lược là sự thay đổi nhân sự ở cấp cao. Tổng thống Johnson ký giấy cho bộ trưởng quốc phòng McNamara rời Lầu Năm Góc, cho tổng chỉ huy MACV Westmoreland rời “Lầu Năm Góc phương Đông” và sau đó tuyên bố rời Nhà Trắng khi mãn nhiệm kỳ tổng thống chứ không tìm kiếm sự tái tranh cử.
Trong những ngày đầu xuân cách nay tròn 40 năm, bằng xương máu của chính mình, quân và dân Việt Nam đã viết nên một trang sử vẻ vang mà ngay cả giới sử học phương Tây cũng phải thừa nhận là “một bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh Việt Nam”(58), “có tác động to lớn đối với nước Mỹ và dẫn tới một thời kỳ mới trong cuộc chiến tranh tưởng chừng như vô tận này”(59).
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2007
|
Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012
Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (*)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét