Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC LỊCH SỬ


CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC LỊCH SỬ
Dạy học là một quá trình lao động, có những đặc điểm khác với bất kì quá trình lao động nào. Việc tổ chức có khoa học quy trình khoa học công nghệ dạy học và giáo dục là yếu tố cơ bản nhất của lao động sư phạm. Việc dạy học ở trường phổ thông trải qua những khâu của quá trình lao động giáo dục. Vì vậy khi dạy học một bài, cả khóa trình một môn học, giáo viên đều phải nắm được quy trình công nghệ của lao động giáo dục, tức là phải nắm được phương pháp và nghệ thuật sư phạm.
Một bài giảng tốt là bài giảng mà trong đó người thầy sử dụng được những phương pháp dạy học một cách linh hoạt vừa phù hợp với nội dung bài học, đảm bảo những kiến thức cơ bản cần truyền đạt đến học sinh. Đồng thời, các phương pháp mà giáo viên sử dụng phải phù hợp với trình độ nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, sao cho việc truyền đạt những tri thức lịch sử đến học sinh một cách có hiệu quả không chỉ là những kiến thức vào khối óc học sinh mà cả vào trái tim các em. Điều này đã được các nhà giáo dục lịch sử khẳng định “không phải ai biết lịch sử thì có thể giảng dạy được lịch sử, cũng như không phải cứ biết nhạc là có thể dạy hát”. Qua đó, cho thấy việc vận dụng những phương pháp dạy học vào một bài giảng lịch sử là một nghệ thuật.
Chúng ta đã nhận thức vai trò, ý nghĩa của phương pháp dạy học đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn. Trong thực tế, việc đổi mới nội dung dạy học, việc trang bị các phương tiên dạy học, về cơ bản đã được các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà khoa học chuyên ngành và giáo dục học tìm hiểu, hướng dẫn thực hiện. Song, phương pháp dạy học được tiến hành cụ thể trong quá trình giáo dục ở trường phổ thông lại phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng của giáo viên và những điều kiện cụ thể của nhà trường và xã hội.
 Tôi xin vận dụng các phương pháp đó vào một bài giảng cụ thể ở chương trình bộ môn lịch sử ở trường phổ thông: Bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc 1953 – 1954, chương trình lớp 12 – Ban cơ bản.

PHẦN NỘI DUNG
1. VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT
1.1. Hệ thống các phương pháp dạy học lịch sử ở trường THPT
          Xuất phát từ những thành tựu của lý luận dạy học, đặc trưng của môn học và những căn cứ trong nhận thức lịch sử nêu trên, chúng ta có thể xác định các phương pháp dạy học lịch sử như sau:
          Nhóm phương pháp thông tin – tái hiện hình ảnh lịch sử là các phương pháp trình bày tài liệu mới, cung cấp nguồn sử liệu, giúp học sinh khôi phục lại bức tranh lịch sử đã qua. Sử dụng phương pháp này giáo viên trình bày các sự kiện một cách chính xác được qui định trong chương trình và sách giáo khoa nhằm giúp học sinh ghi nhớ sự kiện, quá trình lịch sử..... Học sinh nhận thức quá khứ xã hội loài người và dân tộc bắt đầu từ việc nắm vũng sự kiện lịch sử. Chức năng chủ yếu của nhóm các phương pháp thông tin – tái hiện lịch sử là cung cấp cho học sinh những kiến thức cấn thiết, trên cơ sở đó tạo biểu tượng lịch sử, tức là khôi phục lại hình ảnh của quá khứ như nó từng tồn tại. Nhóm các phương pháp thông tin – tái hiện gồm các phương pháp sau: phương pháp tường thuật, phương pháp miêu tả, phương pháp nêu đặc điểm của sự kiện, phương pháp giải thích sự kiện, phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan.
Nhóm phương pháp phát triển năng lực nhận thức gồm các phương pháp giúp học sinh đi sâu tìm hiểu những mối liên hệ bản chất của hiện thực quá khứ khách quan về xã hội loài người, đưa nhận thức của các em từ biết đến hiểu sâu sắc lịch sử trên cơ sở nắm vũng các sự kiện, hiệ tượng, quá trình lịch sử một cách cụ thể, sinh động. Chức năng cơ bản của nhóm các phương pháp nhận thức lịch sử nhằm giúp học sinh đi sâu vào bản chất sự kiện lịch sử, hình thành khái niệm, nêu quy luật lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại. Trong dạy học lịch sử ở trường THPT, nhóm phương pháp này có một vị trí vai trò quan trọng trong hệ thống các phương pháp dạy học, được sử dụng trong tất cả các khâu của hoạt động học tập của học sinh, đặc biệt là trong việc hình thành tri thức lịch sử cho học sinh. Nhóm phương pháp nhận thức lịch sử bao gồm các phương pháp sau: phương pháp sử dụng sách giáo khoa, phương pháp sử dụng tài liệu tham khảo (tài liệu lịch sử, tài liệu văn học...), phương pháp sử dụng tài liệu trên mạng internet, phương pháp sử dụng hệ thống câu hỏi trong dạy học lịch sử ở trường THPT, phương pháp trao đổi, đàm thoại trong dạy học lịch sử.
          Nhóm phương pháp tìm tòi nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ của học sinh trong việc biến kiến thức lịch sử đã học thành kiến thức của mình, chủ động sử dụng những tri thức có hiệu quả trong học tập và đời sống. Các phương pháp tìm tòi nghiên cứu được tiến hành thông qua các hình thức từ thấp đến cao của những công việc học tập, như sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để trả lời các câu hỏi, hoàn thành các bài tập, thực hành, rèn luyện việc tìm tòi tùng phần và bước đầu tập dợt nghiên cứu khoa học một số vấn đề lịch sử, phù hợp với trình độ và yêu cầu học tập của học sinh.... Nhóm phương pháp tìm tòi – nghiên cứu gồm các phương pháp sau: Dạy học liên môn, dạy học nêu vấn đề, thâm nhập thực tế xã hội, tổ chức việc tự học cho học sinh.....
1.2. Mối quan hệ giữa các phương pháp trong dạy học lịch sử ở trường THPT
          Các phương pháp dạy học lịch sử ở trường THPT kết hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh, hỗ trợ cho nhau. Trong quá trình dạy học, không thể sử dụng một phương pháp đơn nhất, song ở mỗi khâu của quá trình dạy học lại có một phương pháp trọng tâm kết hợp với các phương pháp khác. Ví dụ, khi trình bày bài mới, phương pháp thông tin tái hiện lịch sử cần giữ vai trò chủ yếu và kết hợp phương pháp nhận thức lịch sử, đồng thời tiến hành việc tiến hành nghiên cứu.
 Mặt khác, mỗi một nhóm phương pháp là tổng hợp của nhiều phương pháp khác nhau nhằm thực hiện chức năng của nó. Ví dụ, khi tiến hành việc thông tin tái hiện lịch sử phải dùng lời nói để trình bày sự kiện, kết hợp sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, các phương tiện dạy học để tạo biểu tượng cho học sinh.
Việc phân loại hệ thống phương pháp dạy học lịch sử dựa vào quy luật của sự nhận thức, lý luận dạy học và đặc điểm của bộ môn. Theo đó, việc nhận thức quá khứ lịch sử phải bắt đầu từ việc nắm vững các sự kiện cơ bản. Do đó, phương pháp thông tin – tái hiện lịch sử cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết để khôi phục lại bức tranh lịch sử, bằng việc tạo nên các biểu tượng cụ thể, có hình ảnh. Có thể xem phương pháp thông tin – tái hiện là phương pháp khởi đầu cho việc học tập lịch sử của học sinh. Trên cơ sở các kiến thức ấy khôi phục lại bức tranh quá khứ đúng như nó tồn tại, nhưng nó mới là biết sử, làm cơ sở cho việc hiểu lịch sử. Do vậy, tiếp sau phương pháp thông tin – tái hiện là phương pháp nhận thức lịch sử. Phương pháp này giúp học sinh đi sâu vào bản chất sự kiện, nhân vật lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử cho cuộc sống hiện tại, nó không chỉ dừng lại ở việc nhớ sự kiện mà phải phân tích đánh giá, nêu ra các kết luận khái quát.
Việc sử dụng, kết hợp chặt chẽ phương pháp thông tin – tái hiện lịch sử và nhận thức lịch sử đòi hỏi phải sử dụng phương pháp tìm tòi – nghiên cứu trong dạy học lịch sử. Bản thân việc học tập lịch sử của học sinh trường phổ thông cũng mang tính chất “phát hiện”, khám phá của việc nhận thức lịch sử. Dĩ nhiên, tính chất và mức độ của việc nghiên cứu sử học và học tập lịch sử cũng khác nhau. Cái mới đối với học sinh là cần tìm tòi, nghiên cứu trong học tập lịch sử chứ không phải chủ yếu là phát hiện điều chưa ai biết như trong nghiên cứu sử học. Ở đây học sinh phải nắm được những kiến thức cơ bản, chính xác, đã được khoa học lịch sử xác định, mà các em chưa biết và cần phải hiểu rõ theo trình độ và yêu cầu học tập của mình. Phương pháp tìm tòi – nghiên cứu được tiến hành trong mọi hoạt động nhận thức lịch sử của học sinh. Nó đan xen, hỗ trợ vào các phương pháp thông tin – tái hiện và nhận thức lịch sử.
Điều này càng khẳng định tính hệ thống của phương pháp dạy học lịch sử, mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng và việc sử dụng có kết quả các phương pháp này với những biện pháp sư phạm, tương ứng với mỗi loại phương pháp và cả hệ thống phương pháp dạy học lịch sử ở trường THPT.
2. PHÂN TÍCH MỐI QUAN HỆ CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC LỊCH SỬ ĐỂ DẠY HỌC BÀI 20: CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP KẾT THÚC (1953 -1954).
          Bài 20 trong chương trình Lịch sử lớp 12 gồm 2 tiết – đây là bài học nói về sự kết thúc cuộc chiến 9 năm của thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Vì nội dung của bài học quá nhiều nên trong bài này tôi xin phân tích mối quan hệ giữa các phương pháp dạy học Lịch sử trong mục I: Âm mưu mới của Pháp – Mĩ ở Đông Dương: Kế hoạch Nava và mục II – 2: Chiến dịch la Điện Biên Phủ.
          Mục I: Âm mưu của Pháp – Mĩ ở Đông Dương: Kế hoạch Nava.
1.     Kiến thức cơ bản:
- Trải qua 8 năm kháng chiến và kiến quốc, lực lượng kháng chiến của ta lớn mạnh đáng kể.
- Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, Pháp thiệt hại ngày càng to lớn: bị loại khỏi vòng chiến đấu 39 vạn quân, ngày càng lâm vào thế bị động trên chiến trường....
- ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, Pháp của tướng Nava sang làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Nava đề ra kế hoạch quân sự mới.
- Kế hoạch Nava được chia thành hai bước:
+ Bước thứ nhất, trong thu – đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tiến công chiến lược để bình định Trung bộ và Nam Đông Dương, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh.
+ Bước thứ hai, từ thu – đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố gắng giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điền kiện có lợi cho chúng.
2.     Phân tích mối quan hệ giữa các phương pháp dạy học khi giảng mục này:
Trên cơ sở nội dung kiến thức cơ bản, để truyền đạt đến học sinh những kiến thức đó, giáo viên phải lựa chọn những biện pháp sư phạm cụ thể để góp phần nâng hiệu quả bài học và phát huy được tính tích cực của học sinh.
Ví dụ, khi giảng về nội dung kế hoạch Nava, giáo viên không thể bỏ qua nhân vật lịch sử này. Có rất nhiều cách để giảng về nhân vật này nhưng cách tốt nhất là sử dụng tranh ảnh kết hợp với tài liệu thành văn để tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh. Tranh, ảnh lịch sử là loại đồ dùng dạy học có giá trị trực quan cao trong DHLS. Bởi vì, đối với học sinh, việc quan sát hình ảnh cụ thể sẽ mang lại nhận thức chính xác, sinh động về sự kiện, nhân vật; trên cơ sở đó tạo cho các em những cảm xúc lịch sử mạnh mẽ, sâu sắc. Đó chính là con đường có hiệu quả để tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, nêu quy luật và rút bài học lịch sử. Đồng thời, tài liệu thành văn và tranh ảnh được sử dụng để cụ thể hóa các sự kiện nhân vật lịch sử nhằm tạo cho các em các biểu tượng rõ ràng, cụ thể, có hình ảnh.
Dựa trên cơ sở lý luận trên, giáo viên có thể sử dụng đoạn tư liệu thành văn sau: “Nava sinh năm 1898, tướng bốn sao – nguyên tham mưu trưởng lục quân Pháp trong khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là một sĩ quan trẻ, có tài vượt cấp nhanh. Ông ta được ca ngợi là một vị tướng “văn võ kiện toàn”, “có nhãn quan chiến lược”, đầy tự tin và nghị lực, có khả năng chịu đựng những đòn dữ dội và bất ngờ, có những đức tính riêng biệt của người chỉ huy chính trị, không hề tha thứ cho bất cứ một trở lực nào để thực hiện ý định của mình”. [2]
Kết hợp với đoạn tư liệu trên, giáo viên sử dụng bức ảnh của Tướng Nava sẽ hình thành trong đầu học sinh biểu tượng về nhân vật Nava. Ông là một vị tướng rất tài giỏi, văn võ song toàn nhưng cũng là một con người rất nham hiểm mà cả Pháp và Mĩ đưa đến chiến trường Đông Dương nhằm tạo ra một chuyển biến quân sự có lợi cho chúng trên bàn ngoại giao.
Hay khi nói về mục đích của Pháp – Mĩ khi thực hiện Nava, giáo viên có thể sử dụng đồ dùng trực quan qui uớc kết hợp với câu hỏi nhận thức nhằm phát huy tính cực của học sinh.
Bởi vì, dạy học nêu vấn đề là xu hướng tất yếu nhằm đề cao vai trò tích cực của học sinh trong quá trình học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở để học sinh lĩnh hội kiến thức thông qua các thao tác tư duy độc lập như: phân tích, tổng hợp, so sánh,...
Trước khi nói về nội dung kế hoạch Nava giáo viên có thể đưa ra câu hỏi nhận thức như sau: Vì sao kế hoạch Nava ngay từ khi ra đời đã chứa đựng những mâu thuẩn và lúng túng? Để trả lời câu hỏi này, giáo viên phải đưa ra những câu hỏi gợi mở nhắc lại những kiến thức cũ phần lịch sử thế giới như: Phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây ở khu vực Đông Nam Á được qui định như thế nào trong Hội nghị Ianta? Tình hình nước Pháp lúc này như thế nào? Tình hình của Mĩ ra sao ở khu vực Đông Bắc Á?. Khi học sinh trả lời được những nội dung kiến thức trên thì các em có thể tiếp cận được mục đích của Pháp – Mĩ khi tiến hành kế hoạch Nava. Sau đó, giáo viên cung cấp sơ đồ về mục đích của Pháp – Mĩ đề ra kế hoạch Nava:
  




Như vậy, việc sử dụng sơ đồ trực quan qui ước kết hợp với câu hỏi nhận thức có vai trò quan trọng trong việc khắc sâu kiến thức cho học sinh, đồng thời buộc học sinh phải suy nghĩ và liên kết kiến thức giữa lịch sử thế giới và tình hình Pháp ở chiến trường Việt Nam để trả lời được câu hỏi nhận thức trên.
Sau khi có biểu tượng về nhân vật Nava và nhận thức được mục đích của Pháp – Mĩ khi đề ra kế hoạch Nava, giáo viên chỉ cần sử dụng sơ đồ về nội dung kế hoạch này học sinh sẽ hiểu rõ về nội dung mục I.
Mục II – 2: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)
1.     Kiến thức cơ bản
- Diễn biến: chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt:
+ Đợt 1, từ ngày 13 – 3 đến17 – 3 – 1954; quân ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.
+ Đợt 2, từ ngày 30 – 3 đến 26 – 4 – 1954; quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông khu Trung tâm như E1, D1, C1, A1, .... bao vây, chia cắt địch.
+ Đợt 3, từ ngày 1 – 5 đến ngày 7 – 5 – 1954; quân ta đồng loạt tiến công khu Trung tâm và phân khu Nam, chiều ngày 7 – 5 tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.
- Kết quả:
Ta loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, trong đó có thiếu tướng, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh.
          -Ý nghĩa: đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.
          2. Phân tích mối quan hệ giữa các phương pháp dạy học khi giảng mực này:
          Đây được xem là phân nội dung cơ bản của bài 20, vì với thắng lợi của chiến dịch lịch Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải kí hiệp định Giơ – ne – vơ công nhận độc lập, chủ quyền và nước ta có được một nửa nước được độc lập.
          Do đó, khi giảng mục II – 2: chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, giáo viên phải kết hợp nhiều phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh, đồng thời tạo ra được không khí sôi động trong lớp học vì đây là một mục nói về chiến thắng quân sự, nên việc sử dụng các phương pháp về trình bày miệng và đồ dùng trực quan qui ước (lược đồ chiến dịch Điên Biên Phủ) đóng vai trò chủ đạo.
          Ví dụ như khi nói về vị trí địa lí của Điện Biên Phủ, giáo viên có thể kết hợp đoạn tài liệu thành văn miêu tả vị trí địa lí của Điên Biên Phủ “Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, một thung lũng rộng lớn nằm ở phía tây, cách Hà Nội khoảng 300 km đường chim bay, cách Luông Pha Băng 190 km. Thung lũng Điện Biên (cánh đồng Mường Thanh) có chiều rộng từ 6 – 8 km, chiều dài gần 20 km, nằm gần biên giới Việt – Lào, một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng. Xung quanh thung lũng là một vùng rrừng núi trùng điệp bao bọc. Núi có độ cao trung bình 500m, có mỏm đột xuất cao 1.461 m. Thung lũng Điện Biên là cánh đồng phẳng, đồng ruộng khô ráo, thỉnh thoảng nổi lên những đồi cao hơn mặt ruộng 8 – 20 m, cá biệt có điểm cao tới 250m. Thung lũng có sông Nậm Rốn chảy theo hướng Bắc Nam đổ xuống sông Nậm Hu và có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1899”[1, tr. 19] và sử dụng lược đồ chiến dịch Điên Biên Phủ để tạo cho học sinh về biểu tượng địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử. Bởi vì, việc sử dụng tài liệu thành văn kết hợp đồ dùng trực quan qui ước có tác dụng rất lớn trong việc tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh, thông qua lời giảng của giáo viên cùng với đồ dùng trực quan học sinh quan sát thì khả năng khắc sâu kiến thức sẽ bền vững hơn.        
          Hay khi giảng về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, giáo viên phải sử dụng kết hợp đồ dùng trực quan qui ước (lược đồ chiến dịch Điên Biên Phủ) với phương pháp trình bày miệng. Muốn sử dụng đồ dùng trực quan qui ước đạt hiệu quả phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh, giáo viên phải kết hợp với phương pháp trình bày miệng (ở mục này là phương pháp tường thuật về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ)… Lời nói sinh động, có hình tượng làm cho học sinh thu nhận hình ảnh qua đồ dùng trực quan được sinh động, cụ thể hơn, hiểu khái niệm sâu sắc. Nhờ sự phối hợp đồng bộ phương pháp dùng lời của giáo viên với sử dụng đồ dùng trực quan qui ước mà giáo viên huy động tối đa khả năng làm việc của học sinh như óc phân tích, so sánh, tổng hợp…Cụ thể khi dạy mục II -2: chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ khi giảng bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 -1954), ngoài việc chuẩn bị sẵn đấy đủ nội dung lược đồ, hướng dẫn học sinh “đọc” lược đồ, giáo viên nên chuẩn bị một số tài liệu tham khảo có liên quan chặt chẽ với nội dung lược đồ để có thể tường thuật, miêu tả diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ:
          “Đợt 1 (từ 13 đến 17/3): sau khi tiêu diệt hai cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hang rào cụm cứ điểm Bản Kéo…
          Đúng 18h30, bộ đội ta bắt đầu mở cửa trung đoàn 141 sử dụng tiểu liên, đoàn 11 làm nhiệm vụ chủ công tiến công trên hướng Bắc tiêu diệt cứ điểm 132. Tiểu đoàn 428 làm nhiệm vụ trợ công, tiến công trên hướng Đông Bắc tiêu diệt cụm cứ điểm 101A…
          Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, nhất là trên hướng chủ yếu khi tiến công cứ điểm 102. Đây chính là cụm cứ điểm rắn chắc nhất của trung tâm Him Lam, đại đoàn phải tung lực lượng dự bị vào tham gia chiến đấu, đồng thời muốn có một mũi tên của tiểu đoàn 128 đánh từ 101A sang phối hợp mới đánh chiếm được cứ điểm cuối cùng này. Khoảng 23h30 phút trân đánh kết thúc, trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt, hơn 200 tên địch chết, 270 bị bắt sống, tiểu đoàn Lê Dương số 3 bị loại khỏi còng chiến đấu.
          Mất Him Lam, Bộ chỉ huy Pháp bàng hoàng và liên tục thúc giục Đờ cát tung quân ra phản kích chiếm lại. Nhưng trong suốt 14 ngày, Đờ cát không có cơ hội làm điều đó…
          Đúng 13h30 phút, đồng chí chỉ huy Trương hạ lệnh tấn công đồi Độc Lập. Một mũi thọc sâu đã tạo điều kiện cho trung đoàn nhanh chóng đánh sâu vào cứ điểm, diệt khu thông tin, uy hiếp sở chỉ huy. Trên hướng thứ yếu, trung đoàn 88 lúc đầu mở cửa chưa định hướng, phải định hướng lại, do đó vào chiến đấu bên trong chậm hơn… 6h30 phút ngày 15, ta làm chủ trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, tiêu diệt 438 tên, bắt sống 200 tên…
Đợt 2 (từ 30/3 đến 30/4/1954): đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông và sân bay Mường Thanh, xiết chặt vòng vây tạo thế trận cho tổng công kích.
Nhiệm vụ chủ yếu nhất của chúng ta trong đợt 2 chiến dịch là đánh chiếm khu vực then chốt trên các cứ điểm cao phía Động, mở cửa thọc sâu vào tập đoàn cứ điểm.
… Đợt 2 chiến dịch kéo dài gần một tháng. Các đơn vị của ta đều bị thương vong khá lớn. Thời tiết lúc này vào mùa mưa, bộ đội ta sống dưới chiến hào gặp nhiều khó khăn.
Đợt 3 (từ 1/5 đến 7/5/1954): đánh những cao điểm cuối cùng ở phía Đông, tiến hành tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Ngày 1/5/1954, cuộc tiến công thứ ba bắt đầu. Ngay từ trưa, pháo cỡ lớn của ta bắt đầu bắn mãnh liệt vào khu vực trận địa của địch. Trong đợt tấn công này, hỏa tiễn 122 của ta lần đầu tiên xuất hiện làm cho binh lính địch càng thêm hoảng sợ. Cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị tiêu diệt hoàn toàn, một kho pháo với trên 3000 viên đạn bị nổ tung, một kho lương thực, thực phẩm bốc cháy. Sau đợt pháo kích kéo dài, bộ đội ta đồng loạt tổ chức tiến đánh nhiều vị trí.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm”.
 Với biện pháp sử dụng phối hợp giữa đồ dừng trực quan qui ước (lược đồ) kết hợp với tường thuật sẽ giúp học sinh hiểu bài kĩ hơn và hứng thú hơn khi tiếp thu bài mới, hiểu rõ hơn diễn biến, kết quả của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngoài những biện pháp sử dụng phối hợp giữa các phương pháp trên trong mục này, giáo viên có thể sử dụng những đoạn tư liệu thành văn như đoạn thơ của Tố Hữu đề tạo biểu tượng về hình ảnh của các chiến sĩ Điện Biên dũng cảm, gian khổ như thế nào, những biểu tượng lịch sử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… đặc biệt là hình ảnh vị Tổng tư lệnh chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tóm lại, các yếu tố trong quá trình dạy học: Mục tiêu, Nội dung, Phương pháp, Kiểm tra - đánh giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục tiêu định hướng cho việc lựa chọn phương pháp và tổ chức dạy học, phù hợp với nội dung được xác định và chuẩn bị cho việc kiểm tra, đánh giá được tốt. Đồng thời phương pháp và tổ chức dạy học cũng không ngừng phát triển theo trình độ của con người, xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại của hai cuộc cách mạng: cách mạng khoa học – kỹ thuật và cách mạng xã hội. Những cuộc cách mạng này đang phát triển như vũ bão với nhịp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người, thúc đẩy tất cả các lĩnh vực và đang mở ra nhiều triển vọng lớn lao. Đòi hỏi người giáo viên có phương pháp dạy thích hợp để giúp học sinh tiếp thu được bài học trên lớp một cách tốt nhất và có khả năng tự học ở nhà. Mỗi phương pháp dạy học có những ưu thế riêng. Vì vậy, trong dạy học giáo viên không được tuyệt đối hoá hoặc tầm thường hoá bất cứ phương pháp nào, mà phải kết hợp nhiều phương pháp với nhau để chúng hỗ trợ cho nhau. Song ở mỗi nội dung lại có một phương pháp trọng tâm kết hợp với các phương pháp khác. Dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, người giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải tinh thông về nghề nghiệp. Chính vì vậy, nó đòi hỏi mỗi người giáo viên không chỉ luôn luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng các kỹ năng, kỹ xảo mà còn bồi dưỡng cho mình những kiến thức về lý luận dạy học bộ môn, đặc biệt là lý luận về hệ thống phương pháp dạy học để đáp ứng với yêu cầu của công cuộc đổi mới dạy học hiện nay.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét