Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Cây Lúa Nước & Văn Minh Việt Cổ






 















Cây Lúa Nước & Văn Minh Việt Cổ










Những năm 1970 đến nay, vấn đề nghiên cứu nguồn gốc tộc Việt và nền văn minh Việt cổ đã ngày càng sáng tỏ cội rễ người Việt Nam với cây lúa nước.
Nhiều nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ, văn hoá, ngôn ngữ, văn chương, y học…Việt Nam và thế giới khẳng định tiến trình Văn hoá Việt cổ trên đất nước Việt Nam là sự hội tụ của cư dân nông nghiệp lúa nước, sáng tạo Nền Văn minh lúa nước.
Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh nghiên cứu những tài liệu lịch sử và khảo cổ Việt Nam, Trung Hoa, Pháp, Hoa Kỳ, Nga… đưa ra luận điểm xác đáng về “Việt Nam- Trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới”.
Năm 1932. Tại Đại hội nghị Quốc tế các nhà sử học Viễn Đông đã xác nhận nền Văn hoá Hoà Bình của Việt Nam được coi là Trung tâm văn minh Tiền sử đầu tiên của nhân loại về nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá.
Nền văn hoá Hoà Bình (cách đây trên 16.000 năm) có mặt trên toàn thế giới. Nền Văn hoá Hoà Bình được tìm thấy sớm nhất trong một ngôi làng nhỏ ở Hoà Bình- Việt Nam. Chính người Việt cổ tại Hoà Bình- Việt Nam đã sáng tạo nền Văn hoá Hoà Bình. Các nhà khảo cổ học thế giới đã chứng minh và xác định người Hoà Bình trên đất Việt Nam đã có một thời văn minh cổ xưa nhất thế giới. Khảo cổ học thế giới đã lấy tên “Hoà Bình- Việt Nam” đặt tên nền văn hoá này gọi là Văn hoá Hoà Bình cho toàn thế giới.
Nền Văn hoá Hoà Bình là một trong những nền Văn hoá cổ xưa của Đông Nam Á và thế giới.
Văn hoá Hoà Bình- Văn hoá thời đại đá giữa được người Pháp phát hiện và khai quật ở vùng Hoà Bình nước ta những năm 1920. Đó là các di tích hang động Kim Bôi, Lương Sơn, Xóm Giỗ, Mường Động, Mường Chuông, hang Triềng Xến… vùng Nho Quan Ninh Bình, Sông Đà, Mai Châu, Sông Mã Thanh Hoá…
Đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới đạt nhiều thành tựu mới trong khai quật và nghiên cứu Văn hoá Hoà Bình và Người Việt Cổ.
Đó là dòng dõi Bách Việt cổ xưa, sinh tụ trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Từng tồn tại như là một trong những cái nôi rộng lớn của loài người. Ở đây, Tổ Tiên ta đã sáng tạo và phát triển một nền văn minh kỳ diệu với những Tinh hoa tiêu biểu như: Văn minh lúa nước, Thần Nông, Kinh dịch Phục Hy, Trống Đồng hàm súc những tiên tri, Hải thuyền và nếp sống thuỷ sinh trên sông nước, chinh phục biển Đông…
Nông nghiệp Bách Việt đã sáng tạo nếp sống, lễ nghĩa, ứng xử, cày cấy, nuôi trồng… riêng biệt. Đức Khổng Tử dạy học trò: “Người Bách Việt miền Nam (phía Nam sông Dương Tử) có lối sống, tiếng nói, luật lệ, phong tục, tập quán, tức ăn uống riêng…” “Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta, trồng kê và lúa mỳ. Học uống nước bằng thứ lá cây hái trong rừng gọi là trà”. “Dân Bách Việt thích ca múa, vừa làm việc vừa ca vè, hát đối, nói vận, ca dao, lấy lá cây mang vào người, trá hình múa hát”.
Các sách cổ của Trung Quốc: Giao Châu ký, Tam Đô Phủ, Ngõ Lục địa Lý Chí, Nam Phương Thảo Mộc Trạng đều chép: “Dân Lạc Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá trà mà uống, họ biết uống bằng lỗ mũi, nuôi tằm mà dệt vải”, “Họ dùng một khúc tre dài chừng một thước hơn, một đầu có trụ cao làm tay cầm, có dây buộc vào trụ nối lại đằng kia mà làm đàn gọi là độ huyền cầm”, “Họ đem tính tình các con vật mà so sánh với người, rồi truyền tụng, kể thành văn thơ, ca dao”, “Họ biết tìm hiểu các thức ăn nóng mát, biết lấy cây theo thuyết Âm- Dương để trị bệnh”, “Họ rất quí các loài chim, biết tập chim biết nói, nuôi nhiều chim trĩ sống trên núi cao rất đẹp (sau này người Trung Quốc gọi là chim Phụng Hoàng, vật tổ của Trung Hoa)”…
Các sách lịch sử, triết học, văn hoá, của Bách Việt người Tàu đã cướp về, đánh tráo, biến hoá thành của Trung Quốc, hoặc đốt hết để huỷ diệt văn hoá con người Việt, đồng hoá Việt thành Trung Quốc.
Trong những thời gian bị đô hộ, dân Việt bị cấm mọi sinh hoạt văn hoá và kỹ nghệ bản địa, nhưng nó vẫn sống mạnh mẽ trong mạch sống dân gian.
Người Trung Quốc lúc đầu không quan tâm đến những huyền thoại của người Việt. Sau này, họ hiểu ý nghĩa triết lý sâu sa, của những câu chuyện tưởng như hoang đường ấy lại là những thông điệp của Tổ Tiên Bách Việt về kinh nghiệm đánh giặc, giữ nước, sống an vui, làm ăn, trồng cấy lúa… truyền cho con cháu. Nó được truyền miệng, ăn sâu bám rễ trong lòng Việt tộc, đời này qua đời khác.
Trung Quốc đau xót khi nhận ra dòng văn học huyền thoại đó là sức sống của dân Bách Việt do Trời sinh, trên mảnh đất của Việt tộc từ Động Đình Hồ trở xuống miền Bắc và Trung Việt Nam cổ. Hán tộc không liên can gì đến sự nghiệp nhà nông của các vị Thần Nông Nghiệp như: Nữ Oa, Thần Nông, Phục Hy… mà nhận và biến thành của Trung Quốc.
Học giả Vũ Hữu San viết: “Hãy quên đi ý nghĩ nguồn gốc Việt từ Tàu phương Bắc. Ta không phải là Tàu. Có một ông Tàu, bà Tàu chính cống nào mà lại nhuộm răng đen, ăn cơm gạo tám, ăn trầu, đóng khố hay mặc váy, đi thuyền, tham dự hội nước, hát đối đáp giao duyên nam nữ, thổi cơm bằng ống tre, lấy vỏ cây làm vải, làm nghề chài lưới, hội hè trên sông biển…”
Chứng tích khảo cổ trên lãnh thổ Việt Nam chứng minh giống Việt là một chủng tộc rất cổ xưa, đồng thời cũng là chủng tộc tiên tiến trong nghề nông nghiệp và hàng hải chính bởi vùng địa lý phát tích của tộc Việt. Văn minh Hoà Bình khởi nguyên trên đất nước ta mười sáu nghìn năm trước đây. Đà tiến Văn minh lúa nước của dân Việt đã được phát triển liên tục, không ngưng nghỉ.
- Thời kỳ Đồ Đá cũ: văn hoá Sơn Vi (20.000- 12.000 năm TCN).
- Thời kỳ Đồ Đá giữa: Văn hoá Hoà Bình (12.000- 10.000 năm TCN).
- Thời kỳ Đồ Đá mới: Văn hoá Bắc Sơn (10.000- 8000 năm TCN), Văn hoá Quỳnh Văn, Đa Bút (6000- 5000 năm TCN).
- Thời kỳ Đồ Đồng- Văn hoá dựng nước Văn Lang đã phát triển qua bốn giai đoạn lớn: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.
Các học giả khắp thế giới và Việt Nam đã chứng minh về tính chất bản địa của những nền văn hoá tiền sử xưa nhất và phát triển nhất trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt là Văn hoá Hoà Bình với sự ra đời sớm nhất thế giới của nông nghiệp luá nước.
Học giả Sauer Hoa Kỳ viết trong quyển Đồng Quê: “Đúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn, mà giai đoạn đầu là giai đoạn của Văn hoá Hoà Bình (Việt Nam) lúa nước đã được trồng cùng một lúc với củ môn nước (khoai sọ).
Sauer cho rằng “Họ (Việt tộc) đã làm một bước đi quyết định cho loài người trên đường tiến bộ. Đó là việc thuần hoá cây cỏ đầu tiên, một phát triển sớm sủa nhất của nhân loại trong nông nghiệp”.
Bác sĩ Trần Đại Sỹ viết sách Việt Nam Đệ Ngũ Thiên Kỷ: “ Tộc Việt bao gồm trăm giống Việt sống rải rác từ phía Nam sông Trường Giang: Đông tới Biển, Tây tới Tứ Xuyên, Nam tới vịnh Thái Lan. Người Việt từ Ngô- Việt di cư xuống phương Nam. Người Mân Việt di cư xuống Giao Chỉ. Người Việt di cư từ Nam sông Trường Giang tránh lạnh xuống Bắc Việt đều đúng. Đó là những cuộc di cư của tộc Việt trong lãnh thổ của họ, chứ không phải là tộc khác di cư tới đất Việt”.
Ông W.G Solheim II bình luận : “Văn hoá Hoà Bình là Văn hoá bản địa tộc Việt, thuần hoá cây nông nghiệp và cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Sau này, một số cây đã truyền đến Ấn độ và Phi Châu.”
Trung Quốc thừa hưởng văn hoá nông nghiệp phát triển nhờ dân Bách Việt còn lại trên Hoa lục.
Chester Norman cho rằng Văn minh Hoà Bình được tạo dựng trong thời gian thềm lục địa Sunda (kể cả Hoàng Sa và Trường Sa) bị ngập nước. Người ta phải di chuyển đi khai phá đồng bằng. Yếu tố quan trọng nhất của đà phát triển là sự ra đời của các giống cây cho hạt. Những loại ngũ cốc thuần hoá sau này thích hợp cho ruộng lúa nước.
Văn hoá Hoà Bình trung tâm Văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới. Sau này ảnh hưởng toàn bộ Đông Nam Á, Trung Hoa và thế giới. Hoà Bình (Việt Nam) nơi sầm uất, giàu thịnh hơn đâu hết và đã có vị vua Viêm Đế (vua xứ nóng)- vua nông nghiệp tượng trưng cho trồng trọt tức là Thần Nông. Thần Nông- Người đã nghiên cứu dạy nghề nông và được tôn như một vị vua. Bà Nữ Oa “Đội đá vá Trời” là người nghiên cứu thời tiết, nắng mưa, trăng, gió, phù hợp mùa màng, các ngày lễ hội cùng sự nghỉ ngơi vui chơi của dân chúng sau mùa vàng thu hoạch.
Nông nghiệp Văn hoá Hoà Bình rực rỡ là chiều kích cho kỹ nghệ đồ đá phát triển. Thợ làm công cụ bằng đá sỏi đã chế tác chế tác dụng cụ rìu đá, búa đá, dao, cày đá… cho dân trồng lúa.
Các nhà khảo cổ rưng rưng trước nắm Gạo bị cháy dở hoá thạch đã tìm thấy ở Đồng Đậu- Vĩnh Phú có niên đại 5.500 năm trước CN (cách đây 7.500 năm). Nắm Gạo cháy dở của thời phát triển trồng lúa nước này nói với chúng ta rằng Tổ Tiên ta đã ăn Gạo để sống và xây nền Văn minh lúa nước từ rất lâu rồi. Nắm Gạo thuở Trời Đất hỗn mang linh thiêng nhắc cháu con nhớ Gạo trên cánh đồng lúa nước, nơi những dòng sông dồn tụ. Vậy giờ đây. Nếu chúng ta quên Gạo. Hỏi ta và con cháu ta sống bằng gì? Hỡi những người mang di truyền tộc Việt. Mình sống bằng Gạo. Chỉ có Gạo mà thôi! Muôn đời sau Việt tộc vẫn phải sống bằng Gạo, dù họ đang ở khắp hoàn cầu. Đó là di truyền nòi giống Thiên cổ. Không thể khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh: “Có thể vì nền Văn hoá Hoà Bình nằm vào thời điểm của trận Đại Hồng Thuỷ cách đây 17.000 năm. Cuộc Đại Hồng Thuỷ này bao gồm cả thế giới. Chắc nó trùng hợp với cuộc đại Hồng Thuỷ đã được diễn tả trong Cựu Kinh Ước của đạo Do Thái và Đạo Thiên Chúa. Vì vậy theo khoa học, rõ ràng trước và sau Đại Hồng Thuỷ, loài người đã có mặt thật lâu trên miền Đông Nam Á, mà quan trọng là tại Việt Nam.
Sau vụ Đại Hồng Thuỷ này, nơi nguy hại nhiều nhất thế giới, chính là Lục địa Đông Nam Á. Vì một phần lớn đất đai của miền này đã sụp xuống biển, mở rộng Thái Bình Dương.
Xét theo thềm lục địa Đông Nam Á, các nhà khảo cổ nhận thấy Đại Hồng Thuỷ lên và lui rất chậm chạp, vì thế không xảy ra tại nạn chết người tập thể. Do đó, vấn đề cấp thiết cho sự sinh sống của người Đông Nam Á, mà trong đó người Bách Việt cổ căn bản là đi tìm thức ăn. Người Bách Việt cổ đã di tản lên chốn cao nguyên tức là lục địa Bách Việt cổ mà nay là miền Nam Trung Hoa và đồng bằng Bắc Việt thẳng đến miền duyên hải Trung Việt. Tại đây, người Việt cổ đã phát triển nghề nông để tăng nhanh nguồn lương thực”.
Sang thời kỳ Hùng Vương (Thiên niên kỷ thứ hai Trước CN). Những công cụ bằng đá đã dần thay thế bằng những công cụ đồng thau và đồ sắt xuất hiện. Nông nghiệp trồng lúa nước thành vai trò chủ đạo trong xã hội.
Khảo cổ học phát hiện những chiếc rìu. Rìu đá và rìu đồng là một trong những loại hiện vật tìm thấy nhiều nhất trên đất nước Việt Nam. Những chiếc rìu dài và hẹp dùng trong sản xuất nông nghiệp.
Sau đó là những chiếc cuốc sắt, những lưỡi cày đồng.
Cùng với nông cụ sản xuất là những đồ đựng và đun nấu bằng gốm, dụng cụ đánh cá, săn bắn… minh chứng một nền kinh tế, kỹ thuật, văn minh của các cư dân nông nghiệp.
Các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Hùng Vương cũng mang đậm tư duy cuộc sống nông nghiệp. Hình ảnh Mặt Trời, tượng cóc, người giao hoan, tượng bò, gà… bằng đất nung. Hình ảnh bông lúa, người giã gạo trên Trống Đồng rực rỡ an sinh. Những cổ tích, huyền thoại vô cùng phong phú về thiên nhiên, khí hậu, cách làm ăn, yêu thương, ca múa, sinh sống của cư dân nông nghịêp…
Sách Giao Châu ngoại ký chép: “Đời xưa đất Giao Chỉ khi chưa chia thành quận huyện, ruộng đất gọi là Lạc Điền, nước lên xuống theo thuỷ triều, dân cư cày bừa trên ruộng đó mà sinh sống, gọi là Lạc dân”.
Phù hợp với truyền thuyết, địa bàn phân bố của các cư dân nông nghiệp đều là nhừng đồng đất thấp, men theo các con sông lớn và gấn các đầm hồ miền Trung du Bắc bộ, Trung bộ, thích hợp với trồng cấy lúa và thuần dưỡng cây trồng, súc vật.
Cây lúa thời Hùng Vương không phải là lúa hoang. Cây lúa đã được trồng cấy và là nguồn lương thực chủ yếu của cư dân (Truyện Bánh Chưng, Bánh Dày…) và ca dao tục ngữ phổ biến kỹ thuật trồng lúa theo mùa, khí hậu, con nước, Mặt Trăng tròn khuyết… Theo sách Quảng Chí đầu đời Tấn thì ở phương Nam có lúa hổ chưởng, lúa tử mang, lúa xích khoáng, lúa thiền minh, lúa cái hạ bạch, lúa thanh vu, lúa luỹ tử, lúa bạch mạc, lúa cánh…
Sách Vân Đài loại ngữ Lê Quý Đôn đã kê ra gần một trăm giống lúa và mô tả chi tiết đặc tính của các giống lúa, những kinh nghiệm gieo trồng và năng suất.
Lúa là một loại cây ưa nước, đòi hỏi nhiều sức chăm bón của con người và từng giống lúa thích hợp với những mảnh ruộng khác nhau. Cư dân Hùng Vương trồng lúa trên ba loại chân ruộng: ruộng phù sa ven sông, ruộng trũng quanh các đầm hồ, ruộng trên các gò đồi miền Trung du. Họ luôn hát bài ca giữ đất.
Thiên nhiên nhiệt đới gió mùa Việt Nam vô cùng phong phú, hợp bốn mùa cây trái. Nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Cuộc chinh phục đồng bằng của tộc Việt diễn ra quyết liệt, oai linh từ Văn hoá Hoà Bình đến Hùng Vương và tới nay không ngưng nghỉ. Đó là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ và ác liệt để khai phá đất hoang, rừng rậm, đắp đê, chống mưa nguồn, nước lũ, nắng hạn, gió bão, ngập lụt đe doạ tuần hoàn. Cuộc giành giật với thiên nhiên để sinh tồn thách thức tộc Việt phải quần tụ bên nhau, chung lưng gánh vác, tập hợp, tổ chức thành sức mạnh với những người thủ lĩnh tài năng, đức độ. Các truyền thuyết đều tập trung gửi thông điệp về công cuộc khai hoang, làm thuỷ lợi, để trồng lúa, để sinh tồn (Sơn Tinh Thuỷ Tinh…)
Việt Nam ở vào vị trí quan trọng của Đông Nam Á. Nằm trên ngã tư các đường giao thông Bắc- Nam, Đông- Tây, giữa đại lục và hải đảo. Vị trí tiếp xúc rộng, dân ta có điều kiện mở rộng giao lưu văn hoá. Nhưng luôn phải đương đầu với mối đe doạ ngoại xâm. Truyền thuyết kể nhiều cuộc chống giặc thời Hùng Vương. Chống nhiều thứ giặc: “Giặc mũi đỏ”, “Ân”, “Thạch linh thần tướng”… Toàn dân góp sức người, góp sắt đúc vũ khí, góp của cải, thóc gạo nuôi quân, tướng đánh giặc (Thánh Gióng). Số lượng vũ khí sản xuất tăng nhanh chóng (thời Phùng Nguyên 0,84%, thời Văn hoá Đông Sơn tăng 63, 29%). Càng về sau càng bị nguy cơ phương Bắc xâm lược. Cây cối, núi rừng, dòng sông, đất đá, lửa nước, kim loại, đồng, sắt, voi thú, sinh quyển, hồn thiêng … đều đánh giặc, giữ những cánh đồng lúa nước và sự tồn tại Việt tộc.
Nhưng không ai nghĩ rằng đã có cuộc diệt chủng trên đất nước Việt Nam. Đánh thắng giặc ngoại xâm, Việt tộc lại mở lòng hòa hiếu, cùng nhân loại xây đắp hoà bình. Những người đến sau đã hội nhập với Việt tộc để kiến tạo cuộc sống chung hoà bình, bác ái.
Mở từng trang sử, tìm hình bóng cha ông từ cổ đại, Lý, Trần, Lê đến nay… đã vượt rừng, xuyên biển, mở nước về phương Nam, xây nền Văn minh nông nghiệp lúa nước, độc đáo Việt Nam. Đó là hành trình của cây lúa nước. Lúa nước dẫn đường cho người Việt làm nên những đồng bằng. Từ đồng bằng sông Hồng, sông Mã đến đồng bằng sông Đồng Nai, sông Cửu Long thơm hương lúa.
Những cánh đồng lúa nước phì nhiêu. Những kênh rạch chằng chịt tạo ra chân trời lúa, chân trời nước, chạm đường mây thênh thang của đồng bằng Nam Bộ thật kỳ thú, mênh mang, mở lòng người rộng đến bao la, đến vô cùng. Miền đất này, ngàn năm trước đã từng có nền văn hóa Óc Eo rực rỡ, chẳng hiểu vì sao nó biến mất, để lại đất này “cây rừng rậm rạp, đầm lầy, dã thú và không thấy bóng người”. Vùng đất mới Nam Bộ với Sài Gòn- Gia Định chính thức xuất hiện trên bản đồ văn hóa Việt Nam cách đây trên ba thế kỷ. Năm 1988, chúng ta kỷ niệm ba trăm năm thành phố Sài Gòn, kể từ khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Phúc Cảnh được lệnh của Chúa Nguyễn Phúc Chu cử đi kinh lược phương Nam, tổ chức cai trị miền đất mới.
Thế kỷ XVII, người Việt tới đây, trước mắt là biển cả mù khơi, rừng thẳm bạt ngàn, chứa chất đầy hiểm nguy, bí ẩn. Họ thốt lên:
Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”.
Đất Nam Bộ hoang vu, thời tiết khắc nghiệt. Đồng Tháp Mười trước 1945, vẫn còn là nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. Trong vòng ba trăm năm, người Việt các thế hệ đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cùng nhau biến đồng đất hoang vu thành những đồng lúa mênh mông, những vườn cây hoa thơm, quả ngọt, khoe sắc dưới nắng vàng. Họ bảo nhau trồng lúa nước, chấp nhận hòa hơi thở của mình với những cánh đồng lúa nước và những dòng sông, cửa biển… Họ không đắp đê ngăn những cơn nước lụt dọc theo các triền sông Cửu Long mà dựa vào nguồn nước phù hợp với thủy lưu lên xuống của sông và biển để làm nên những cánh đồng vàng. Họ lập thôn ấp men theo kênh rạch, tạo nên những mái nhà bên đường nước thênh thang. Họ sống trên nước và chết cũng trôi theo dòng nước.
Người Việt biết sống hòa vào thiên nhiên Nam Bộ và còn biết sống hòa hợp cùng các dân tộc khác trên đất Nam Bộ: Khơ Me, người Xtiêng, người Mạ, người Mnông, các lái thương Trung Hoa… Thiên nhiên rộng lớn đất đai, sông nước, biển trời ấy đã hun đúc nên tính cách người Nam Bộ siêng năng trồng cấy, chăn nuôi, cần mẫn làm ra các hải sản cá, cua, tôm, mực, năng động làm nghề thủ công, buôn bán, giao thương, sống trọng nghĩa, kinh tài, khí chất hào sảng, mạnh mẽ, gần thiên nhiên, chịu học hỏi…
Kể từ tiền sử đến nay. Người Việt lúc nào cũng nâng niu hạt lúa.
Thế kỷ XX. Bom giặc cày nát ruộng đồng. Huỷ diệt con người. Cánh đồng lúa vẫn xanh màu con gái.
Mỗi người dân là một hạt lúa. Người người nâng niu hạt lúa. Nâng niu sự sống của chính mình.
Hình ảnh cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng mãi mãi in đậm Trên cánh đồng mơ ước, bởi cả cuộc đời, ông đã gieo từng hạt lúa, củ khoai, cây rau, hoa, quả… trên đồng đất Việt Nam bốn mùa mưa gió, bão giông, nóng rét nghiệt ngã, đậm “nét buồn đau thế kỷ này” (thơ Vũ Tuyên Hoàng).
Sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Thành, thân phụ là nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan, mẹ là nhà thơ Hằng Phương nổi tiếng, nhưng những năm du học ở Quảng Châu- Trung Quốc, Vũ Tuyên Hoàng lại học ngành Di truyền chọn giống cây lương thực, bởi sớm tìm được niềm vui làm việc hữu ích cho đời. Ông tâm sự: “Cả nhà đều làm các nghề ở “trên trời”- làm nhà văn, làm nhà thơ và làm họa sĩ, còn mình lại làm nghề “chân đất”, gắn bó với ruộng đồng là sở thích của mình.”
Khó có thể tưởng tượng được đôi chân thanh mảnh hào hoa của chàng trai Hà Thành đã lội xuống những cánh đồng lúa nước mà không sợ bọn đỉa đen ngòm, bơi loằng ngoằng trong nước bám vào. Tình yêu lúa, yêu người đã nâng bước chân Vũ Tuyên Hoàng lội đất bùn qua những tháng năm, giữa những “Cơn mưa trào giọt lệ” (thơ Vũ Tuyên Hoàng). Ông sang Liên Xô mê mải nghiên cứu khoa học về giống, cây trồng, bảo vệ luận án Tiến sĩ, được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp Liên bang Nga, và các nước thuộc thế giới thứ ba…Về nước, ông từng giữ nhiều chức vụ: Viện trưởng Viện cây lương thực, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp nông thôn, Đại biểu Quốc Hội… để rồi, ông sống hết mình với cái nghề “chân đất” mà ông đắm say dâng hiến một đời.
GS.VS Trần Đình Long chứng kiến những năm 60 thế kỷ trước, Vũ Tuyên Hoàng đã cho ra đời hàng loạt các giống lúa Đông- Xuân chịu rét, sau đó là các giống lúa chịu úng, và âu yếm gọi tên chúng là: U16, U17… các giống lúa chịu hạn như CH5, CH133. Và những năm gần đây, Vũ Tuyên Hoàng vẫn nâng niu hạt lúa, sản sinh ra các giống lúa có hàm lượng Prôtein cao như: P4, P6. Trong đó giống P6 hiện đang được gieo trồng hàng vạn ha ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung. Giống lúa này không chỉ có chất lượng dinh dưỡng cao mà còn cho cơm dẻo, hương vị đậm đà, đang được những đồng nghiệp và các thế hệ đi sau tiếp tục nhân rộng trong sản xuất.
“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Hôm nay, những đồng nghiệp và học trò của Vũ Tuyên Hoàng nâng bát cơm thơm mùi vị đậm đà của giống P6, rưng rưng nhớ thương ông. Người gieo hạt trên cánh đồng vàng. Và trong tiết Xuân mưa phùn gió bấc thấm lạnh tim gan, những cây lúa xanh mượt thì con gái rì rào hát Thánh ca, tạ ơn Vũ Tuyên Hoàng đã truyền sức sống ấm nóng cho giống lúa Đông- Xuân đủ sức vượt lên gió rét, mưa hàn, sương giá…
Không chỉ đem lại cho những cánh đồng, cho người nông dân và cho đời những giống lúa mới, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, nhà khoa học tài ba, giàu sáng tạo, còn đưa ra các ý tưởng và các sản phẩm mới về cây trồng, vật nuôi. Theo GS. VS Trần Đình Long giả thuyết về hai nhóm gen quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, làm cơ sở cho ngành Di truyền học và tạo giống cây trồng của Vũ Tuyên Hoàng, không chỉ có ý nghĩa đối với nước ta mà nhiều nhà khoa học trên thế giới đã ứng dụng thành công trong sự nghiệp của họ. Giống táo Má Đào do Vũ Tuyên Hoàng tạo ra vừa có mẫu mã đẹp, vừa có chất lượng tương tự hoặc cao hơn giống táo Thiện Phiến nổi tiếng của vùng Gia Lộc. Vũ Tuyên Hoàng cũng là người đầu tiên đưa khái niệm trồng khoai tây bằng hạt vào Việt Nam. Một nghiên cứu khác ít ai biết, trên cơ sở lý thuyết đồng dạng, ông đã tạo ra giống Vịt Anh Đào được bà con nông dân đánh giá cao…
PGS. TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm, ngưỡng mộ GS.VS Vũ Tuyên Hoàng có tầm nhìn xa: “Khi ở Viện, ngay sau khi giải phóng miền Nam, anh đã thành lập một trung tâm nghiên cứu rau và hoa ở Đà Lạt, một trung tâm nghiên cứu lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Những năm 1980, anh đã nghiên cứu các giống cây đặc sản, góp phần bảo tồn nguồn gen, chọn tạo nhiều giống lúa thâm canh, góp phần giải quyết vấn đề lương thực… Trong tám năm làm chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học Việt Nam, anh vẫn đau đáu quan tâm đến các đề tài nghiên cứu của Viện”.
Nỗi niềm đau đau về Hạt lúa hay chính là tình yêu thương lớn, lo đến sự đói, no, ấm, lạnh của con người, được thăng hoa trong các công trình nghiên cứu khoa học của Vũ Tuyên Hoàng thành cơm thơm, quả ngọt. Nó còn thăng hoa trong thế giới tinh thần cao cả của Vũ Tuyên Hoàng qua họa và thơ. Đôi bàn tay ông nâng niu Hạt lúa, hồn ông ru Hạt lúabằng nhịp điệu thơ ca, và sắc màu hội họa. GS.VS Trần Đình Long viết: “Anh không chỉ là một nhà khoa học tài ba, uyên bác, mà còn là một con người trong sáng, chân tình, vui vẻ, dí dỏm, hòa nhã, bình dị và thanh tao biết nhường nào. Anh là nhà thơ tâm huyết, là họa sĩ của cuộc đời. Mơ ước lớn nhất của cả đời Anh là tạo nên những cánh đồng vàng- cánh đồng lúa nặng trĩu bông vàng- mầu vàng của ấm no, mầu vàng của chính cái tên của Anh: GS.Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng.”
Còn tôi, người viết bài này, đôi ba lần được gặp ông trong dáng vẻ hào hoa, phong nhã, lặng lẽ, khiêm nhường. Bất ngờ trong mùa xuân tưởng niệm Vũ Tuyên Hoàng vào cõi vô hình một năm tròn, ngọn gió Long Thành đã đặt vào tay tôi tờ tạp chí có in bài thơ Hạt lúa của ông và những hồi ức của bạn bè về bước chân ông lội xuống bùn đất Việt Nam. Tôi kính trọng ông gấp nhiều lần khi biết ông đã yêu Hạt lúa đến tận cùng sự sống của mình. Và tôi gọi ông là “Người gieo giống trên đồng vắng” trong Kinh Thánh.
Bài thơ Hạt lúa của ông là hành khúc cuộc đời người dân Việt từ thủa hồng hoang đến mãi mãi mai sau:
“Những hạt lúa giữa lòng tay tôi
giống hạt bầu, giống hạt dài
Vỏ làm ánh nắng
Hạt gạo trắng làm cái nôi
Nôi ru em bé ngủ
Nôi ấm cho mọi người
Vì hạt lúa đêm khuya thao thức
Tôi đi theo trọn đời
Ôi những hạt lúa vàng
trăm ngàn bé nhỏ
những giọt mồ hôi
những giọt nước mắt
long lanh như sương
Sương điểm tóc ai đi trên đường
Bạc đầu bao thế hệ.
Chọn giống trên cánh đồng vui thế
Chim gọi nhau phơi phới chiều nay
Ruộng gặt xong đã sớm đường cày
Ngày mai lại tiếp tục những mùa gieo hạt
Lúa sẽ nổi sóng đồng dào dạt
Mùa trổ bông hoa thắm ru nôi.”
Giờ đây, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đang bay cùng mây thắm trời xanh. Linh hồn ông yêu thương Hạt lúa mà trở lại, nhắc chúng ta nâng niu Hạt lúa.
Nòi giống Việt Nam muôn đời sinh tồn nhờ Hạt lúa. Người Việt Nam hôm nay, có ai quên Hạt lúa không? Không ai quên. Nhìn những cánh đồng lúa xanh màu lá mạ, mượt mà, bình yên, hẹn mùa vàng ấm no, đang bị vùi lấp trước sự vần xoay chóng mặt của dựng xây công nghiệp, bê- tông hoá, mà lòng chúng ta quặn đau xa xót.
Kêu một tiếng. Lạnh Đất- Trời.
Thiên Chúa sau nạn Hồng Thuỷ thấy ông Nô-ê cùng vợ con, gia đình đổ mồ hôi, nước mắt, dọn đất bị lụt, chăm sóc muôn loài, cấy trồng, gieo hạt, nâng niu cây, hoa trái, đã tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như ta vừa làm!
Bao lâu đất này còn
thì mùa gieo mùa gặt
trời lạnh và trời nóng
tiết hạ và tiết đông
ban ngày và ban đêm
sẽ không ngừng đắp đổi”
 (Kinh Thánh)
Mỗi chúng ta sinh ra trên đất Việt Nam này đều là Hạt lúa. Hãy tỉnh thức trở lại! Cả dân tộc Rồng Tiên đồng lòng, quyết chí, cùng nhau gieoHạt lúa, làm nên những cánh đồng vàng “mùa gieo mùa gặt”. Đó chính là sự bình đẳng, ấm no, tự do, hòa bình, bác ái, yên ổn. Không tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa. Hạnh phúc, hoà bình bền lâu được gieo trên cánh đồng vàng của mỗi thôn làng Việt Nam mà mỗi người Nông Dân thực quyền làm chủ.Trái đất do Thượng đế sáng tạo luôn bao dung tha thứ và mừng vui trước hành động sám hối của Con Người. 

 http://newvietart.com/index4.1144.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét