Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

QUAN ĐIỂM CỦA C.MÁC, PH.ĂNG GHEN, V.I.LÊNIN, HỒ CHÍ MINH VỀ THỜI CƠ; SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975

QUAN ĐIỂM CỦA C.MÁC, PH.ĂNG GHEN, V.I.LÊNIN, HỒ CHÍ MINH VỀ THỜI CƠ; SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975 


Cách đây 35 năm, mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc Việt Namđã ghi thêm một chiến công vĩ đại làm nức lòng nhân dân cả nước và thế giới. Trong một trận quyết chiến lịch sử, thần tốc, với 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và đập tan ách thống trị thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Một trong những bài học đó là bài học về sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật nắm và vận dụng thời cơ cách mạng.
Thời cơ là hoàn cảnh thuận lợi để làm một việc nào đó có kết quả, thường đến và qua đi rất nhanh. Thời cơ là một yếu tố quan trọng trong mọi hoạt động của con người. Trong lĩnh vực chiến tranh, đấu tranh vũ trang, trong nghệ thuật tác chiến, thời cơ càng có ý nghĩa to lớn. Chính vì vậy, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, rất coi trọng việc tận dụng và nắm thời cơ cách mạng.
Ph.Ăngghen chỉ ra rằng “nếu trong buôn bán, thời gian là tiền bạc thì trong chiến tranh thời gian là thắng lợi”. Vì thế, “bỏ lỡ thời cơ thuận lợi, không lợi dụng cơ hội để tung vào chiến đấu với địch những lực lượng vượt trội thì có nghĩa là sai lầm lớn nhất mà người ta có thể mắc phải trong chiến tranh” 1 .
Năm 1917, phân tích đặc điểm, tình hình nước Nga, V.I.Lênin đã kêu gọi phải “lập tức chuyển sang khởi nghĩa”, vì thời cơ đã hoàn toàn chín muồi, “trì hoãn là  một tội ác” 2 . Và, “những người cách mạng sẽ phạm tội ác vô cùng lớn, nếu họ bỏ mất thời cơ” 3 . Nhờ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bôn-sê-vích đứng đầu là V.I.Lênin, giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động ở Nga đã đứng lên làm cuộc cách mạng vô sản thành công, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc ta cũng nêu một mẫu mực về nắm thời cơ trong khởi nghĩa. Mùa thu năm 1944, biết thời cơ chưa đến, Người đã kịp thời chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng, tránh cho cách mạng khỏi bị tổn thất. Tháng 10 năm 1944, Người dự đoán “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ  ở trong vòng một năm hoặc  năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!” 4 . Tháng 8 năm 1945, trước tình hình thế giới, trong nước chuyển biến dồn dập, Người khẳng định: lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh đến đâu, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” 5 .
Thời cơ là một hiện tượng khách quan. Nó là sản phẩm sự vận động tổng hợp của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan; nhưng động lực chủ yếu và trực tiếp làm nảy sinh thời cơ là nỗ lực chủ quan của con người trong quá trình hoạt động cải tạo sự vật, hiện tượng.
Thời cơ không phải là một yếu tố vật chất, nên tự nó không thể đem lại hiệu quả vật chất nào hết. Thời cơ chỉ là điều kiện, khả năng và điều quyết định là con người nhận biết và sử dụng điều kiện, khả năng ấy như thế nào để đạt tới mục đích của mình. Nếu nắm đúng thời cơ và hành động phù hợp với thời cơ thì sức mạnh được tăng lên gấp bội. Ngược lại, bỏ lỡ thời cơ thì hành động không đạt được kết quả mong muốn, thậm chí có thể rơi vào thế bị động suy thoái. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài học đánh cờ đã viết: “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí, gặp thời, một tốt cũng thành công”. Nguyễn Trãi, Người  anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài của dân tộc ta cũng đã tổng kết “thời cơ, thời cơ, chớ nên để lỡ”. Trong thực tiễn, Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi luôn chỉ đạo nghĩa quân Lam Sơn nắm đúng thời cơ, hành động đúng thời cơ.
Cũng như mọi sự vật, hiện tượng khác, thời cơ hình thành và phát triển theo quy luật từ những biến đổi về lượng chuyển hoá thành biến đổi về chất, từ sự phát triển tuần tự đến những bước nhảy vọt. Thời cơ là những điểm nút trong suốt tiến trình tác chiến và chiến tranh, là sản phẩm của sự tích tụ những điều kiện cần thiết cho sự nảy sinh cái mới. Tuy nhiên, khi đến những điểm nút ấy, sự biến đổi về chất hay bước nhảy vọt có diễn ra được hay không còn tuỳ thuộc vào hoạt động của con người. Thời cơ là lúc mâu thuẫn đã phát triển đến độ chín muồi cần giải quyết. Vì vậy, nghệ thuật vận dụng thời cơ giữ một vị trí quan trọng trong nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh, trong nghệ thuật tác chiến.
Một trong những nhân tố quan trọng làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong  80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ta là bài học về nắm và vận dụng thời cơ cách mạng. Đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những bài học thành công xuất sắc nhất.
Nhìn lại chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975 ta thấy, tiền đề dẫn đến sự xuất hiện thời cơ cho tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định là việcký Hiệp định Pari về Việt Nam, đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam. Việc này đã dẫn đến tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường có sự thay đổi có lợi cho ta, bất lợi cho địch.
Tháng 10 năm 1974, Hội nghị Bộ Chính trị phân tích, đánh giá tình hình đi đến nhận định: “Diễn biến cơ bản của tình hình trong gần 2 năm qua rõ ràng là ta đang ở thế thắng, thế đi lên; địch, từ những cố gắng ban đầu đã bị ngăn chặn, bị đẩy lùi, bị động, lúng túng, thế và lực bị suy yếu nhanh toàn diện và bị sụp đổ từng phần ở nông thôn” 6 . Về khả năng can thiệp trở lại của Mỹ vào miền Nam, Bộ Chính trị nhận định “Mỹ sẽ can thiệp ở mức độ tăng cường viện trợ quân sự, kinh tế cho nguỵ, tăng cường không quân và hải quân đánh phá ta ở miền Nam” 7 . “Khả năng Mỹ dùng lục quân và máy bay B.52 để can thiệp miền Nam và tấn công miền Bắc nay càng ít hơn nhưng ta vẫn phải cảnh giác” 8 . Bộ Chính trị kết luận: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”, ngoài thời cơ này ra không còn có thời cơ nào khác. Do đó   kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong vòng hai năm 1975 - 1976 đã được Bộ Chính trị thông qua.
Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Động viên nỗ lực lớn nhất của quân và dân ta ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã  toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà” 9 . Tây Nguyên được chọn làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, Buôn Ma Thuật được chọn là trận then chốt, việc này đã gây nên một sự bất ngờ lớn cho địch. Kết quả sau 2 ngày chiến đấu, Buôn Ma Thuật đã giành thắng lợi nhanh hơn dự kiến, từ đó quyết định chuyển từ kế hoạch hai năm sang kế hoạch giành thắng lợi ngay trong năm 1975. Quyết định này chứng tỏ Đảng ta, với nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh tài tình đã không dừng lại ở bước nắm thời cơ, mà khi thời cơ xuất hiện nhanh hơn dự kiến đã kịp thời tận dụng thời cơ và hành động kịp thời, giành thắng lợi lớn hơn, nhanh hơn.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuật, chiến dịch Huế - Đà Nẵng tiếp tục giành được thắng lợi. Lúc này, so sánh lực lượng trên chiến trường có sự chuyển biến vượt bậc có lợi cho ta. Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị  họp và đi đến kết luận “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở  tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn- Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu 10 . Vì vậy, Bộ Chính trị quyết định “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” 11 . Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc trọn vẹn.
Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng địch- ta, Đảng ta đã nhiều lần hạ quyết tâm chính xác: quyết tâm đánh quân  viễn chinh Mỹ, cuộc tấn công đồng loạt và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tấn công chiến lược năm 1972. Song, nổi bật nhất là việc nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược sắc bén, kịp thời trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975 là điển hình về bài học tạo thời cơ, tận dụng thời cơ cách mạng của Đảng ta.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang ra sức phát huy thành quả 35 năm chiến tranh giải phóng dân tộc vào sự nghiệp cách mạng mới, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức nhằm  mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp. Trước mắt, nhân dân ta có cả cơ hội lớn, lẫn thách thức lớn.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định để đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đến thắng lợi là phải phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tranh thủ nắm thời cơ, tạo ra thời cơ ngay cả từ trong nguy cơ, ra sức khắc phục nguy cơ để đẩy nhanh sự phát triển.
         Trong bối cảnh như vậy, bài học về sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nghệ thuật nắm và tận dụng thời cơ cách mạng của Đảng ta trong Đại thắng mùa xuân 1975 mãi mãi vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
                                                                   
Đại tá, TS Lê Văn Thanh - Trường Chính trị Lâm Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét