Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bài học lịch sử sinh động nhất của giới trẻ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bài học lịch sử sinh động nhất của giới trẻ

(ĐSPL) - Chưa bao giờ giới trẻ Việt Nam lại dành tình cảm đặc biệt cho một cá nhân như đã thể hiện trong thời gian qua với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ đã khóc trước sự ra đi của vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở tuổi 103 và xem ông là thần tượng hoàn hảo về tài năng, đức độ, tinh thần sống hết mình.
Nhiều người đã nhận định, Đại tướng là bài học lịch sử sinh động nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam nhưng họ tỏ ra băn khoăn vì sao Đại tướng lại chưa được đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông để giáo dục thế hệ trẻ. Trong khi đó, ở nước Pháp xa xôi, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có trong sách giáo khoa của họ. Vì sao lại như vậy?
Một biểu tượng hoàn hảo cần thiết cho thế hệ trẻ
Việc thế hệ trẻ biểu lộ tình cảm đặc biệt của mình đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian qua hết sức xúc động, thậm chí vượt xa sự tưởng tượng của thế hệ cha anh đi trước. Bàn về hiện tượng này, giáo sư, tiến sĩ  khoa học, Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đây là điều rất đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo giáo sư Vũ Minh Giang, chính hành động của thế hệ trẻ trong đám tang đã làm đảo lộn suy nghĩ của người lớn, làm họ ngạc nhiên đến vỡ oà trong hạnh phúc. Vị giáo sư này tự đặt câu hỏi, câu chuyện đằng sau đó  là cái gì? Và ông đã đi tìm lời giải cho mình. Bởi ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp đủ đầy những phẩm chất mà thế hệ trẻ Việt Nam cần. Người trẻ bây giờ luôn có trong mình hai tố chất. Tố chất thứ nhất, mang tính tự nhiên của giới, của lứa tuổi là hướng tới cái mới, cái hiện đại. Dường như, họ không thích nói nhiều  đến chuyện quá khứ, bởi trước mặt họ là tương lai. Nhưng chúng ta quên một điều, bất kỳ lứa tuổi nào, thế hệ nào, họ cũng mang trong mình truyền thống văn hoá của một dân tộc. Nó như một cái gen di truyền, vấn đề là cái gen ấy trong môi trường hoàn cảnh nào thì bộc lộ ra. Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi cho rằng đã làm cho cái gen ấy bất luận thế nào cũng bộc lộ ra.
Thế hệ trẻ Việt Nam đã dành tình cảm đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thực chất, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ tìm thấy chất tướng của một danh tướng muôn đời, mà còn tìm thấy một hình tượng tướng văn, tức là sự bao dung nhân ái. Đây là một sự kết hợp rất khó trong một con người. Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng: Đại tướng Giáp được chính đối thủ kính trọng vì nhiều lý do, trong đó có một câu chuyện liên quan đến cách đối xử với người Pháp. Người Pháp chưa bao giờ thấy những phụ nữ, trẻ em của nước họ bị bắt cóc làm vật để trao đổi điều kiện chính trị ở Việt Nam. Trong khi đó, việc này lại thường xuyên xảy ra ở các nước thuộc địa khác. Chính sự nhân ái, lòng bao dung của Tướng Giáp là điểm rất gần gũi với giới trẻ. Bởi cái tuổi trẻ cần đó là sự quan tâm, sự bao dung. Tuổi trẻ, họ không muốn bị áp dụng sự khắt khe mà cần sự bao dung, uy tín. Giới trẻ cảm nhận được sự bao dung của Đại tướng đối với mọi người, nhất là giới trẻ nên đã trở thành thần tượng của họ.
"Cái cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh đó chính là Tinh thần Võ Nguyên Giáp. Tinh thần đó đã thổi vào giới trẻ  ý chí mãnh liệt. Đây chính là cái kích thích đối với thế hệ trẻ khiến họ tràn đầy nhựa sống. Tôi cho đây là những cái cơ bản nhất để giải thích tại sao trong đám tang của một con người thọ 103 tuổi, một con người của thế hệ cũ đã kích thích giới trẻ để họ biểu lộ ra bên ngoài nhiều hành động và  tình cảm đặc biệt", giáo sư Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết: "Tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này. Tôi biết dư luận đang nói về việc này và cá nhân tôi cũng rất suy nghĩ về điều đó. Lúc sinh thời Đại tướng đã luôn nói, chiến công này là của nhân dân và thuộc về nhân dân, đứng đầu là Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Nhưng Đại tướng với chức trách và nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và quân đội giao phó, người đã hoàn thành xuất sắc xứ mệnh của mình. Non sông này, đất nước này và Tổ quốc này sẽ luôn luôn khắc ghi điều đó. Vậy việc đặt ra vấn đề mà dư luận đã nêu có hợp lý hợp tình hay không? Cần phải suy xét ở dưới góc độ nào? Theo tôi đã đến lúc cần đưa tên của Đại tướng vào trong sách giáo khoa lịch sử. Có nhiều điều để chúng ta suy xét, đồng thuận với ý kiến đó". Theo ông Hùng, nếu ai đó có đặt ra vấn đề cần phải đối sánh như thế nào, dung lượng ra làm sao về vai trò của cá nhân Đại tướng trong tiến trình lịch sử với những tấm gương đã được Tổ quốc vinh danh là anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Lê Lợi..., cá nhân tôi chưa thể trả lời ngay lúc này một cách cụ thể, chi tiết. Và, bộ GD&ĐT cũng cần phải có tiếng nói của mình trước vấn đề mà dư luận đang đặt ra.
"Tuy nhiên tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề cho rằng, sách giáo khoa lịch sử hiện nay còn khô cứng, không hấp dẫn với học sinh và cần đưa những nhân vật như Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào để cho môn học thú vị hơn. Thế hệ chúng tôi, rất nhiều người yêu thích đọc lịch sử, thậm chí quyển lịch sử thường được học sinh đọc hết từ đầu năm học trước khi cô giáo lên lớp dạy. Việc đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sách là cần thiết, tuy nhiên nó không liên quan đến việc cải thiện chất lượng sách lịch sử", ông Hùng phân tích.
Cũng liên quan đến hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trả lời phỏng vấn PV báo ĐS&PL, giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử đánh giá rằng: "Những gì tôi đã chứng kiến trong đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứng kiến những hàng dài người xếp hàng trong đó có rất đông thế hệ trẻ tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu vô cùng xúc động. Trong lòng thế hệ trẻ, Tướng Giáp là một thần tượng, và đó là thần tượng hoàn hảo".
Sẽ đóng góp ý kiến xây dựng hình tượng Đại tướng vào sách giáo khoa
Trong lúc giới trẻ rất quan tâm tới hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người cho rằng sách giáo khoa lịch sử phổ thông chưa đề cập đến hình ảnh của Đại tướng là một thiếu sót lớn. Trước sự việc này, theo giáo sư Phan Huy Lê, việc sách giáo khoa lịch sử phổ thông không nhắc đến hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây dĩ nhiên là một thiếu sót lớn không phải bàn cãi. Theo giáo sư, những người "làm sách" cần thiết phải xây dựng bổ sung.
Cũng liên quan đến vấn đề này, giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang cho rằng: "Việc Đại tướng chưa được đề cập trong sách giao khoa nó xuất phát từ quan điểm biên soạn sách giáo khoa của những người làm giáo dục. Và, tôi tin rằng trong tương lai hình ảnh của Tướng Giáp sau khi qua đời thì chắc chắn sẽ xuất hiện trong sách giáo khoa. Với tư cách Phó chủ tịch hội Khoa học Lịch sử tôi cũng sẽ bảo lưu quan điểm của mình trong việc này, vì đó là một lẽ công bằng của lịch sử. Bởi Tướng Giáp không phải là con người mang tính chất cá nhân mà là biểu tượng của một dân tộc".
Chiến công lừng lẫy của Đại tướng luôn song hành cùng dân tộc
Về việc, Tướng Giáp không có trong sách giáo khoa Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh (Bộ Công An) thẳng thắn nói: "Rất tiếc, đến giờ dư luận mới đặt ra vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để thực hiện điều đó sớm hơn. Bia đá có thể mòn nhưng chiến công lừng lẫy của Đại tướng luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Chúng ta cần đưa những thông tin về tài thao lược của Đại tướng cũng như lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh của ông để mọi thế hệ học sinh đều được học. Đó là tấm gương lớn mà thế hệ trẻ Việt Nam cần học và làm theo".
Tờ L’Humanite  á của Pháp dẫn:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vào SGK của Pháp trong mục “Nghệ thuật chiến tranh”
Trình Phúc - Thành Huế

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Đại tướng đánh thắng nhiều Đại tướng nhất

Đại tướng đánh thắng nhiều Đại tướng nhất

TPO - Trong cuộc đời cầm quân của mình, từ 1946 đến 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đánh bại 7 Đại tướng Pháp.
1. Đại tướng trẻ nhất
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, lúc đó ông 37 tuổi. Tiếp sau đó là các sắc lệnh phong Trung tướng Nguyễn Bình và các vị Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai và Trần Đại Nghĩa
Có một phóng viên phương Tây mới hỏi Bác Hồ rằng: Chúng tôi chưa thấy Việt Nam có trường quân sự cao cấp nào. Vậy Ngài Chủ tịch căn cứ vào đâu để phong nhiều cấp Tướng như vậy?
Bác Hồ cười rất đôn hậu và trả lời rằng: “Việt Nam chúng tôi đang đánh giặc theo kiểu du kích, nên cũng phong quân hàm theo lối du kích, nghĩa là ai đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá, ai đánh thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng, ai đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng, và có lẽ ông cũng đồng ý với tôi là phong như vậy vẫn còn là khiêm tốn phải không?”.
Người phóng viên phương Tây ấy hoàn toàn bị bất ngờ, vì vào thời điểm năm 1948 thì nước Pháp đã phải thay hai vị Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương vì bại trận, đó là các tướng Le Clerc (Lơ-cờ-lec), Valluy (Va-luy). Đây đều là các tướng 4 sao tài ba của nước Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào chiến trường miền Nam. Ảnh chụp ông đang ngồi tại suối La La nơi tiểu đội Bùi Ngọc Đủ . Một thắng 20
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào chiến trường miền Nam. Ảnh chụp ông đang ngồi tại suối La La.

2. Đại tướng giỏi nhất
Trong 30 năm làm Bí thư Quân uỷ Trung ương, Tổng tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Việt Nam (1946-1976), ông đã tổ chức chỉ huy quân và dân ta lần lượt đánh bại các đội quân xâm lược của phát xít Nhật, để cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau đó là đánh thắng đội quân viễn chinh của thực dân Pháp gần 20 vạn tên, và cuối cùng là đánh bại đội quân xâm lược của đế quốc Mỹ 54 vạn quân và 6 vạn quân đồng minh của Mỹ.
Chúng ta có thể tự hào về truyền thống thượng võ của dân tộc, từ Trần Hưng Đạo thế kỷ XIII đến Võ Nguyên Giáp - thế kỷ thứ XXI là gần 700 năm. Một người trong vòng 30 năm, ba lần thắng đế quốc to; một người cũng trong vòng 30 năm đánh thắng 3 đế quốc to. Một người được nhân dân vinh danh là Đức Thánh Trần, một người được tôn vinh là vị Tướng của nhân dân.
3. Đại tướng đánh thắng nhiều Đại tướng nhất
Trong cuộc đời cầm quân của mình, từ 1946 đến 1954, ông đã lần lượt đánh bại 7 Đại tướng Pháp.
Đầu tiên là tướng 4 sao Philippe leclerc nhậm chức tháng 8-1945, đến tháng 6-1946 bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.
Tướng 4 sao Etienne Valluy sang thay, đến tháng 5-1948 lại bị triệu hồi vì thất bại trong Thu Đông 1947.
Đến lượt tướng 4 sao C.Blaijat sang thay, nhưng được một năm, đến tháng 9-1949 lại phải thay vì không thực hiện được chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Vịêt”.
Tướng 4 sao M.Corgente sang thay lại bị một đòn đau trong chiến dịch Biên giới, tháng 12-1950 được thay bằng tướng Delattre De Tassigny, đây là vị tướng 5 sao, người tài nhất của nước Pháp, nhưng cũng chỉ được một năm vì bị thua trận ở khắp nơi, nhất là việc xây dựng hàng nghìn lô cốt boong ke để co về cố thủ.
Tướng Raul Salan sang thay, tướng 4 sao này trụ được từ tháng 12-1951 đến tháng 5-1953 lại bị thay vì thua trong chiến dịch Hoà bình và các mặt trận ở toàn Đông Dương.
Cuối cùng là tướng 4 sao Henri Navarre, ông này bị thua đậm nhất ở khắp các chiến trường Đông Dương mà đau nhất là ở Điện Biên Phủ, ông từng thách tướng Giáp đánh Điện Biên, nhưng cuối cùng phải dùng máy bay Mỹ trực tiếp ném bom xuống Điện Biên Phủ mà cũng không cứu vãn được.
Sau khi bị thua ở đây, tháng 6-1954, tướng 5 sao Ely sang thay. Ông này may mắn, vì một tháng sau Hiệp định Giơnevơ đã ký, nên Ely chỉ làm nhiệm vụ thu quân, cuốn cờ về nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân tại bờ biển Quảng Bình – nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thăm các ngư dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân tại bờ biển Quảng Bình.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1955 đến 1960, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, họ đã phải thay hai đại sứ Mỹ ở miền Nam. Từ 1961 đến 1964, bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ - tướng Hakin phải triệu hồi. Từ 1965 đến 1968, Mỹ lại tiếp tục thua trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Tổng tư lệnh Westmoreland bị cách chức.
Từ 1965 đến 1975, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, thời gian này, Tổng tư lệnh C.Abrams được thay bằng tướng F.C.Weyand, ông này là người cuốn cờ để rút quân về Mỹ. Như vậy, Mỹ phải 4 lần thay Tổng tư lệnh.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị chết 12 tướng, bị thương 8 tướng khác trong chiến tranh Việt Nam.
4. Đại tướng viết nhiều sách nhất
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tướng võ thường giỏi văn như Lý Thường Kiệt với bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, Trần Hưng Đạo với “Hịch tướng sĩ” văn, Quang Trung với lời dụ tướng sĩ. Tướng văn lại giỏi võ như Nguyễn Trãi, với chiến lược tâm công (đánh vào lòng người).
Võ Nguyên Giáp, cùng với sự nghiệp quân sự có một không hai, ông còn là tác giả của 64 đầu sách, trên 10 vạn trang in, đóng góp vào kho tàng lý luận về chiến tranh nhân dân, về học thuyết quân sự Việt Nam, vào kho tàng văn học và sử học của nước nhà.
5. Đại tướng có những quyết định đậm dấu ấn lịch sử
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình tại quê nhà – An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình tại quê nhà – An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình.

- Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã quyết đoán thay đổi phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ông tâm sự rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Bình luận về sự kiện này, Đại tướng nước Anh là Peter Macdonald viết: “Cách triển khai trận đánh Điện Biên Phủ và hậu quả của nó đã làm cho chiến trận này trở thành một cuộc chiến đấu mang tính quyết định nhất trong mọi thời đại và ghi tên Võ Nguyên Giáp vào các sử sách”.
- Trong trận quyết chiến chiến lược năm 1975, ông đã ra một mệnh lệnh lịch sử:
1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ.
Mệnh lệnh này trở thành một sức mạnh vật chất phi thường để rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam từ 2 năm, 1 năm và cuối cùng là 56 ngày.
- Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong một cuộc giao lưu tại Nhà hát lớn Hà Nội trong chương trình “Vang mãi khúc quân hành”, ông nói: “Thế hệ cha anh đã xoá được nỗi nhục mất nước, thế hệ trẻ cần phải xoá đi nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu”. Thắng thực dân Pháp, chúng ta có Điện Biên Phủ ở Tây Bắc, thắng đế quốc Mỹ, ta có một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội. Ông đau đáu một tâm sự “Phải có một Điện Biên Phủ trong khoa học và công nghệ”, để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
6. Đại tướng giàu tình cảm nhất
Ngày 28/5/1948, lễ thụ phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức ở xã Phú Bình, huyện Định Hoá, Thái Nguyên, do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ, tới dự có khá đủ các thành viên của Chính phủ.
Bác Hồ gọi Võ Nguyên Giáp lên trước Bàn thờ Tổ quốc, bằng một giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân…”, rồi bỗng nghẹn lời, Bác rút khăn lau nước mắt. Giây phút đó làm cho mọi người xúc động, lát sau, Bác nói tiếp: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà Quốc dân phó thác cho”.
“Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thoả mãn vong linh những người đã khuất”.
Hôm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khóc.
Ngày 3/4/1954, khi nghe trợ lý tác chiến báo cáo Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102 đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ chiến đấu rất dũng cảm, mà vẫn chưa dứt điểm được. Thương cán bộ chiến sĩ hy sinh nhiều, ông đã rơi nước mắt.
Năm 1989, Đại tướng về thăm an toàn khu huyện Định Hoá, Thái Nguyên, các mẹ, các chị từng nuôi và che chở cho Đại tướng trong những ngày đầu cách mạng còn khó khăn, cứ thế chạy lại ôm lấy Đại tướng mà hôn, mà khóc, ông cũng không cầm lòng được, cũng nước mắt lưng tròng, làm cho cuộc đón tiếp rất thân tình và xúc động.
Năm 1994, khi đọc tin Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu tiên, ông đã khóc, có lẽ ông nghĩ đến các bà mẹ đã trao những đứa con trai thông minh và khoẻ đẹp cho ông để đi đánh giặc, và các anh đã không trở về.
Năm 2005, trong cuộc hành quân “Tiếp lửa truyền thống vang mãi khúc quân hành”, khi tiễn 1000 cựu chiến binh trong cuộc hành quân vào Sài Gòn dự lễ kỷ niệm 30 năm Giải phóng, ông gặp gỡ các cựu chiến binh, thấy một người già yếu, mặc áo sờn vai, Đại tướng đã khóc, những người có mặt lúc đó đều hết sức xúc động.
Năm 2010, trong bộ phim về tướng Vũ Lăng, khi phát biểu về vị tướng này, ông cũng đã khóc, những giọt nước mắt của vị tướng đã 100 tuổi khóc thương một vị tướng tài - một người bạn chiến đấu của ông.
7. Đại tướng đức độ, suốt đời thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Dĩ công vi thượng"
Trong lịch sử nhân loại, cứ sau chiến tranh, những người tài giỏi trong cuộc thường bị đố kỵ. Phạm Lãi và Văn Chủng giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai ở Trung Quốc, Kutuzop (Ku Tu Giốp) giúp Nga Hoàng đánh bại Napoléon tại Nga, và ngay ở Việt Nam, Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đến thắng lợi, để ra được Bình Ngô Đại Cáo, Bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, đều khó tránh khỏi sự đố kỵ.
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, nhân dân thế giới - nhất là thế giới thứ ba tôn vinh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, mà họ tôn vinh là đúng. ở trong nước, Võ Nguyên Giáp là một trong những người được lòng dân nhất, được tôn vinh là vị Tướng của nhân dân. Có thời kỳ ông không được trọng dụng, có việc ông được giao rất khó khăn, nhưng ông đều làm tốt. Khi được phân công phụ trách khoa học kỹ thuật và cả giáo dục và đào tạo, Đại tướng muốn đề ra chính sách cụ thể, trong đó có các nội dung tích luỹ tiềm lực, xây dựng đội ngũ và tổ chức hoạt động. Nhưng nhiều lần đề xuất không được chấp nhận, ông kiên trì chờ đợi cho đến khi mọi người nhận thức được để thông qua, trở thành chính sách của Nhà nước. 
8. Đại tướng yêu hoà bình trong độc lập tự do
Tháng 4 năm 1946, Võ Nguyên Giáp là Phó trưởng đoàn trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà tới Đà Lạt dự cuộc đàm phán trù bị.
Trước khi ra đi, Bác Hồ đến bắt tay từng người và nhắc nhở: “Cần đặt vấn đề Nam Bộ và vấn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự”.
Võ  Nguyên Giáp nói với tướng Gioăng là Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp trên đường đi từ Nam Kinh về Pari, ghé thăm Hội nghị Đà Lạt: “Người Pháp phải thực hiện đình chiến ở Nam Bộ theo đúng tinh thần của bản hiệp định. Nếu không, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Tôi nói với ông điều này với tư cách là một người kháng chiến”.
Trong Hội nghị, ông khẳng định: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc chiến tranh giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hoà bình trong công bằng và danh dự… Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng".
Ngày 6/7/1956, trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước về cuộc đấu tranh chính trị hồi đó, Người viết: “Nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là: Kiên quyết tiếp tục đấu tranh thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc"
Ngày 9/7/1956, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội, hưởng ứng bức thư của Hồ Chủ Tịch, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chủ trương của chúng ta là thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, và chúng ta nhận định rằng trong điều kiện trong nước và thế giới hiện nay sự nghiệp thống nhất nước nhà của Việt Nam ta có khả năng hoàn thành bằng phương pháp hoà bình”(2).
Ông còn nói: “Chúng ta lại phải nhớ rằng, thế giới ngày nay chiến tranh có khả năng tránh khỏi, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn tồn tại, thì ở nước ta, do sự can thiệp của Chủ nghĩa đế quốc vào miền Nam, cho nên nguy cơ chiến tranh vẫn tồn tại ngay trên đất nước ta.
Vì vậy mà trong khi chủ trương dùng phương pháp hoà bình để thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác đề phòng, chăm lo đến khả năng phòng thủ của đất nước để kịp thời đánh tan mọi hành động khiêu khích, mọi âm mưu xâm lược, tuyệt đối không nên chủ quan, mất cảnh giác”(3). Hồi đó Bác Hồ đã trực tiếp giao cho Võ Nguyên Giáp khởi thảo Nghị quyết 15 của Trung ương. Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là: “Tiếp tục cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam để thực hiện thống nhất nước nhà”
Khi đế quốc Mỹ buộc dân tộc ta phải cầm súng, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị là Tổng tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ huy quân và dân ta làm nên điều thần kỳ của thế kỷ XX là đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Tiến sĩ sử học Na-uy Stein Tonnesson khẳng định “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đặc biệt yêu hoà bình. Đại tướng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình và sự cần thiết phải duy trì hoà bình cho Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Đó là điều mà tôi rất kính trọng và ấn tượng sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn
Nhà nghiên cứu tư tưởng Văn hoá quân sự

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một chữ… “Nhẫn”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một chữ… “Nhẫn”

NGỌC QUANG

(GDVN) - "Đại tướng chỉ vào bức ảnh mà ông chụp chung với Bác Hồ và nói: Bức ảnh kia là do những người Mỹ chụp cho chúng tôi. Các bạn trẻ Việt Nam và Mỹ phải viết tiếp những trang sử hòa bình, hợp tác, cùng phát triển”...

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường nhắc lại lời dạy của người thầy vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “Dĩ công vi thượng” – tất cả là vì dân. Cuộc đời ông vì thế còn được nhiều người biết tới với một chữ Nhẫn... Và ngày hôm nay, khi đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là thần tượng của giới trẻ. Họ học được ở ông bài học nhận thức về lẽ sống, về con người.

Nói về chữ Nhẫn của vị tướng huyền thoại, người ta hay nói về phương cách ứng xử của ông. Nên hiểu chữ Nhẫn như thế nào cho đúng với tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều hết sức quan trọng, vì chữ Nhẫn có thể nói về sự kiên nhẫn, sự nhẫn nhịn, thậm chí là sự nhẫn nhục...
Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận rằng, chữ Nhẫn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự trải nghiệm, nhìn thấy tính tất yếu của lịch sử để tạo được sự bình thản trước nhiều thách đố trong thực tiễn đời sống.

Thách thức trong chiến tranh cách mạng có thể vượt qua rất nhanh, nhưng thách thức trong đời thường thì lại là điều không dễ vượt qua, chính vì thế mà chúng ta thấy phẩm chất của ông càng sáng tỏ, càng thuyết phục . Ông là người có niềm tin tuyệt đối vào những điều đúng đắn, tin vào lẽ phải, vào sự nghiệp mà ông đã lựa chọn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học quý giá về lẽ sống, về con người.
Còn với giới trẻ ngày nay thì sao? Chữ Nhẫn đúng nghĩa chính là sự kiên trì, là lòng tin vào lẽ phải. Mà điều này có thể nhìn thấy từ bài học lịch sử trong những ngày đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khi chúng ta đã hết sức nỗ lực để gìn giữ hòa bình không được thì quyết tâm bước vào cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thị sát tình hình và có vấn đề đặt ra là nếu phải nổ súng thì chúng ta giữ được Thủ đô Hà Nội bao lâu?

Lúc ấy, Bác hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh: Liệu có giữ được hai tuần không? Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy đang là Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, trả lời: Sẽ quyết tâm giữ được 1 tháng.
Ngay lúc ấy, Bác Hồ có nói một câu rất hay: Quyết tâm chưa đủ, mà phải là tín tâm, tức là phải có niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Với tín tâm như vậy, vị Đại tướng anh hùng cùng với quân và dân Hà Nội đã giữ được Thủ đô suốt 2 tháng trời trước sự tấn công tàn bạo của kẻ thù, để có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Một vị tướng uy danh tạo nên những chiến thắng vang dội chấn động địa cầu ngày ấy cũng thật bình dị trong con mắt của hàng triệu chiến sĩ, nhân dân và các sử gia... Ông cũng có một tuổi thơ hồn nhiên, đáng yêu, như nhiều đứa trẻ khác ở khắp các làng quê Việt Nam.


Trong một cuốn sách nói về Đại tướng của chúng ta, Giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey đã viết: Cũng như bọn trẻ tinh nghịch trong làng, cậu bé Giáp rất ham chơi, đi chân đất chạy khắp làng để đánh đáo, đánh bi, chơi quay, đánh lộn nhau, đi theo đàn ngỗng, đàn vịt rồi lấy sỏi ném vào chúng cho chúng chạy tán loạn rồi reo ầm lên và cười ngặt nghẽo… Tuy đã già nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày đầu đến trường, ông hạ giọng nhẹ nhàng nói: “Đó là lần đầu tiên xa mẹ, cả hai mẹ con đều khóc".
Nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh ĐV)

Đại tướng luôn nói rằng, người mẹ chịu thương chịu khó luôn có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp, đến cuộc đời của ông. Đại tướng luôn thể hiện tính nhân văn trong từng ứng xử của mình. Một người đã luôn phải đối diện với những thách thức của chiến tranh, giữa chết chóc và đổ vỡ, nhưng vẫn luôn lạc quan hướng đến tương lai, ông truyền cảm hứng không chỉ cho quân và dân ta mà còn mở rộng tấm lòng với cả những người ở phía đối địch với mình.
Vì thế mà một Thượng nghị sĩ Mỹ đã viết trong hồi ức của mình rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người vô cùng tinh tế. Khi nói chuyện với người Mỹ, ông không dùng từ “thất bại” mà là “sai lầm” trong cuộc chiến tại Việt Nam. Bởi nếu là “sai lầm” thì còn có thể sửa chữa được.
Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng, có lần con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy sang Việt Nam và xin gặp Đại tướng. Chàng trai này khi đó 38 tuổi còn Đại tướng đã 88 tuổi. Anh ta muốn tìm hiểu về miền đất đã để lại những hệ lụy cho lịch sử Mỹ, trong đó có ông bố của mình. Anh ta đã hỏi Đại tướng một câu: Ông nghĩ gì về ông bố của tôi?

Đại tướng đã trả lời rất chân thực với các giá trị lịch sử, nhưng đồng thời cũng truyền vào đó những điều lạc quan hơn, tốt đẹp hơn: “Ông Kennedy là người đã để cho cuộc chiến tranh của Mỹ lún sâu ở Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng, lúc ông bắt đầu thấy mình sai lầm thì rất tiếc là ông bị ám sát”. Lúc ấy, người con trai của Kennedy hình như cũng cảm thấy nhẹ lòng.
Và điều quan trọng hơn, Đại tướng đã nói: “Các bạn còn trẻ, những người trẻ Việt Nam và những người trẻ của Mỹ chỉ biết đến một cuộc chiến tranh rất khác biệt giữa hai quốc gia chúng ta. Đại tướng chỉ vào bức ảnh mà ông chụp chung với Bác Hồ và nói: Bức ảnh kia là do những người Mỹ chụp cho chúng tôi. Trách nhiệm của các bạn là từ bài học chiến tranh phải tìm ra được bài học hòa bình. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào các bạn. Các bạn trẻ Việt Nam và Mỹ phải viết tiếp những trang sử hòa bình, hợp tác, cùng phát triển”.
Điều đó cho thấy, Đại tướng luôn nhìn vào quá khứ bằng đôi mắt của tương lai, từ bi kịch của quá khứ nhưng luôn hướng đến sự lạc quan. Bởi thế mà ngày hôm nay, khi đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là thần tượng của giới trẻ. Họ học được ở ông bài học nhận thức về lẽ sống, về con người. Khi đã đạt đến đỉnh cao của vinh quang, ông cũng không bao giờ quên những người đồng đội, đồng chí của mình.
Cả dân tộc Việt Nam, hôm nay và mãi mãi sau này không bao giờ quên ông – vị Đại tướng trong lòng dân

Ba chuyện đáng suy ngẫm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ba chuyện đáng suy ngẫm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(GD&TĐ) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài về quân sự, là một nhân cách lớn nên các học giả Việt Nam và thế giới đã viết hàng trăm pho sách về ông. Trong những ngày này, lại có hàng ngàn người nói về ông, viết về ông. Tôi chỉ xin nói về ba câu chuyện rất đáng suy ngẫm liên quan đến ông.
Chuyện thi trượt và quyết tâm học tập
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con của bà Nguyễn Thị Kiên và ông Võ Khắc Nghiêm, quê ở làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình. Đây là một gia đình nhà Nho; hai bên nội ngoại đều là những chí sĩ yêu nước, tham gia phong trào Cần Vương. Ông Võ Khắc Nghiêm được xem là người hiểu nhiều, biết rộng, hay chữ nhưng đi thi không đỗ đạt gì. Điều này được lý giải là ông không phục, không trọng chính quyền lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế, ông rất kỳ vọng vào người con là Võ Nguyên Giáp.
Ngay từ khi còn là cậu bé 4, 5 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã được cha cho học chữ Nho. Ông Nghiêm dùng kẹo để thưởng khi con học tập chăm chỉ, tiến bộ; dùng roi để phạt khi con chểnh mảng. Vốn là cậu bé thông minh nên Võ Nguyên Giáp được hưởng khá nhiều kẹo. Nhưng là đứa trẻ hiếu động nên cũng không ít lần Giáp bị phạt, thậm chí có lần chui xuống gầm bàn trốn roi và xin tha tội.
Là người hiểu rõ thời thế, ông Nghiêm nhanh chóng chuyển sang dạy chữ quốc ngữ cho các con và học trò. Cậu bé Giáp là người học giỏi nổi bật trong vùng, khi nào cũng đứng đầu lớp, nhất trường. Và khác với cha, Võ Nguyên Giáp thi đỗ đầu tỉnh ngay trong kỳ thi tốt nghiệp sơ học. Điều này không chỉ mang lại cho cậu bé Giáp sự nổi tiếng, mà khiến cả họ hàng, làng xóm được thơm lây.
Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 13 tuổi, Võ Nguyên Giáp thi vào Trường Quốc học Huế, nhưng trượt. Không gỡ thể diện bằng cách viện dẫn câu nói “học tài, thi phận”, mà ngay lập tức, Võ Nguyên Giáp vào Huế để học ôn. Năm sau (hè 1925) Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào Quốc học Huế, đứng thứ nhì. Người đỗ đầu năm đó là Nguyễn Thúc Hào (sau này là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, thầy của những người nổi tiếng như Văn Như Cương), kể: “Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm “major”, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai… Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi”. Nhà giáo trác việt Nguyễn Thúc Hào đã nói như vậy chứng tỏ ngày đó Võ Nguyên Giáp học tập vô cùng xuất sắc.
Qua chuyện này, có thể thấy, lần thi trượt vào Trường Quốc học Huế đã tác động rất sâu sắc tới Võ Nguyên Giáp, khiến ông quyết tâm hơn trong chuyện học tập. Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, có lẽ đây là lần duy nhất trong đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ quan. Ông đã rút được ra bài học quan trọng về tác hại của sự chủ quan, do đó khi cầm quân đánh giặc, không bao giờ ông chủ quan. Rất có thể điều này góp phần tạo nên một vị tướng huyền thoại.
Tổng tư lệnh không “ra lệnh” cho con
Những cái bắt tay thật chặt với đồng bào địa phương trong lần trở về Điện Biên cuối cùng của Đại tướng
Trong số những người con thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu quý Võ Hồng Anh hơn cả. Có ba lý do để Đại tướng làm điều này: 1. Võ Hồng Anh là con gái đầu; 2. Mẹ của Võ Hồng Anh là Nguyễn Thị Quang Thái, em gái Nguyễn Thị Minh Khai, tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, đã hi sinh trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi Võ Hồng Anh còn rất bé; 3. Võ Hồng Anh luôn luôn phải sống xa Đại tướng, ngay từ những năm năm mươi của thế kỷ XX, Võ Hồng Anh đã sang học tập ở Trung Quốc, Liên Xô.
Khi lớn lên, Võ Hồng Anh là một cô gái xinh đẹp và thông minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn gả con gái mình cho con một nhà cách mạng hoạt động cùng thời với mình. Nhưng Võ Hồng Anh lại yêu một người bạn học là Phan Long – con trai của Luật sư Phan Anh. Khi hai người từ Liên Xô về ra mắt và “báo cáo” Đại tướng, ông không vui, thậm chí là thất vọng vì “kế hoạch” của ông bị đổ vỡ. Tuy nhiên, ông không phản đối gay gắt, dần dần ông vui vẻ chấp nhận. Hơn nữa, Phan Long cũng là một chàng trai thông minh, lịch lãm, hiểu biết sâu rộng nhiều vấn đề.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nói vì sao ông xử sự như vậy. Nhưng căn cứ vào những gì đã xảy ra, có thể phán đoán. Thứ nhất, ông rất tôn trọng sự lựa chọn của con gái, mặc dù nó trái với mong muốn của ông. Thứ hai, ông soi vào chính bản thân mình và trung thành với ý niệm “Tình cảm là chuyện của con tim”: Thời trẻ ở quê, một gia đình giàu có muốn gả con gái cho ông; bố ông mong muốn điều này, còn mẹ ông thì để cho ông tự quyết định. Kết quả là ông không làm đám cưới với cô gái mà bố ông mong muốn trở thành con dâu của mình.
Điều đáng nói là lúc này ông là Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, mệnh lệnh của ông được hàng triệu người thừa hành răm rắp, nhưng ông đã không “ra lệnh” cho con gái làm theo ý mình. Đây là cách xử sự rạch ròi của một con người đầy tình thương, trách nhiệm, đầy tính nhân văn.
Tết Mậu Thân 1968 – Chuyện bây giờ mới kể
Đầu năm 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa ra nước ngoài chữa bệnh. Cụ thể là ông được đưa tới Hungary để nghỉ ngơi, an dưỡng. Vì không biết tiếng Hungary, mà bên ấy cũng không có người thân, bạn bè nên Đại tướng ngỏ ý muốn về Nga. Lãnh đạo Nhà nước Liên Xô lúc bấy giờ đáp ứng ngay nguyện vọng của Đại tướng.
Tuy không phải là khách mời chính thức, nhưng Chính phủ Liên Xô cũng bố trí để Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ ở khu biệt thự cao cấp trên đồi Lenin, gần Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Khung cảnh nơi đây vừa hoành tráng, vừa thơ mộng với những cánh rừng chạy dọc bờ sông Moskva. An ninh ở đây được bảo đảm tuyệt đối. Và điều tuyệt vời là Đại tướng có thể tiếp chuyện, đàm đạo với người thân, bạn bè ở nơi này.
Tuy là được tiếp khách thoải mái, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ mời tới đây những người thân tín nhất đang học tập và làm việc tại Moskva lúc bấy giờ. Gần đến Tết Nguyên đán của Việt Nam nên những câu chuyện, những con người càng trở nên gắn bó, thân thiết. Và sáng kiến cùng nhau đến Nhà Hát Lớn xem vở ba lê “Hồ Thiên Nga” vào đêm giao thừa được Đại tướng nồng nhiệt hưởng ứng. Tuy nhiên, khi đến gần Nhà Hát Lớn, Đại tướng nói với những người đi cùng: “Các cậu vào trước đi! Mình sẽ vào sau”.
Dẫu có chút băn khoăn, nhưng những người đi cùng Đại tướng thực hiện đúng yêu cầu của ông. Mãi đến khi đèn tắt được một lúc, Đại tướng mới xuất hiện. Ông thì thầm nói: “Mình là Đại tướng của một quân đội đang tham gia chiến đấu. Một chiến dịch lớn chuẩn bị mở màn, mà có một phóng viên hay một quan chức quân sự nào đấy thấy mình ở đây thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi vậy mình phải chờ đèn tắt rồi mới vào...”.
Đây là cách ứng xử tinh tế và đầy trách nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn chiến dịch Tết Mậu Xuân 1968 diễn ra như thế nào, cả thế giới biết rồi. Nhưng để phân tích, đánh giá cho đúng thì các nhà sử học, nhất là sử học quân sự còn tốn nhiều công sức. Chuyện nhỏ này về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể giúp cho họ đôi điều trong nghiên cứu. Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có thể viết rất nhiều nhưng trong giờ phút đau thương này, tôi chỉ chia sẻ thông tin và suy nghĩ của mình một cách ngắn gọn. Chắc chắn sẽ còn có dịp trở lại viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Biểu tượng đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Hồ Bất Khuất

Không thể 'ghép' Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Clausewitz Karl làm một






NangluongVietnam - 
T.Đéc-ben, tác giả cuốn sách “Giáp và Clau-giơ-vít” xuất bản năm 2006 có ý “ghép” Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà quân sự Đức Clau-giơ-vít (Clausewitz Karl) làm một. Nhưng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư duy một nhà sử học, tự trau dồi kiến thức về chiến tranh, nghệ thuật quân sự của dân tộc, cổ, kim, đông, tây, dưới ánh sáng của duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, của tư tưởng Hồ Chí Minh... không thể là “cái bóng” của ông ta…

TS NGUYỄN VĂN KHOAN
Hình vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bìa tạp chí Time ra ngày 15-5-1972.
“Từ điển Bách khoa quân sự Xô Viết” xuất bản năm 1983 do Nguyên soái Liên Xô N.V.Oóc-ga-kốp chủ biên cùng một ban biên tập gồm 12 nguyên soái, đại tướng, viện sĩ, giáo sư… và 15 cộng tác viên khoa học, trên trang 335 đã giới thiệu Clau-giơ-vít như sau: “Clau-giơ-vít (Clausewitz Karl 1780-1831), người Đức, nhà lý luận quân sự, nhà sử học, Thiếu tướng quân đội Phổ (1818), tham gia chiến đấu chống Pháp từ năm 1806 đến 1807, phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1812 đến 1815.
Từ năm 1818 đến 1830 là Hiệu trưởng Học viện Chiến tranh Béc-lin. Thừa kế triết học Hê-ghen, Kăng và Phi-xtơ, đã kết hợp tư tưởng (quân sự) tiến bộ tư sản với tinh thần quốc gia Phổ. Tác giả công trình “Bàn về chiến tranh”, đặt nền móng cho lập luận về chiến tranh như là một sự nối tiếp về chính trị. Tuy nhiên, lại cho rằng chiến tranh chỉ là sự nối tiếp của một chính sách đối ngoại mà không tính đến những yếu tố đối nội - được coi như là một biểu hiện quyền lợi của toàn thể xã hội”.
“Almanach những nền văn minh thế giới”, NXB Văn hóa - Thông tin, ấn hành năm 1995, Mục D “Những vị tướng nổi tiếng thế giới” trang 312, 313, 314 đã dành gần 1.500 từ về vị tướng này.
Ngoài những thông tin cơ bản, sách này còn cho biết: “Ông kết luận rằng: Chiến tranh là công cụ của chính trị, nó nhất định phải mang tính chất chính trị”… và “tiến hành chiến tranh trong khuôn khổ chủ yếu của nó là chính trị, thay bút bằng kiếm nhưng chẳng vì thế mà làm cho người ta hết suy nghĩ về những quy luật riêng của nó”. Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự tư sản, Clau-giơ-vít đã soạn thảo được những nguyên tắc cơ bản về tiến hành tác chiến, chiến cục và chiến tranh nói chung. Clau-giơ-vít chủ trương sử dụng hết mọi lực lượng, tập trung tối đa binh lực ở hướng đột kích chủ yếu, giáng cho đối phương những đòn bất ngờ. Ông đóng góp vào kho tàng lý luận quân sự về vai trò quan trọng của yếu tố tinh thần trong việc giành thắng lợi, cho rằng yếu tố tinh thần cơ bản là tài năng của người cầm quân, lòng dũng cảm của quân đội và tinh thần của nhân dân mà quân đội đó từ đó xuất thân. Các nhà quân sự tư sản đã cho ông là nhà quân sự cổ điển của mọi thời đại, phóng đại vai trò cá nhân và các yếu tố ngẫu nhiên trong chiến tranh, đặc biệt họ coi tư tưởng chiến tranh là tàn bạo không hạn chế với các dân tộc khác (chúng tôi nhấn mạnh). Và do đó tư tưởng phản động này đã được bọn Đức quốc xã lợi dụng. Tuy nhiên, Clau-giơ-vít vẫn là nhà lý luận quân sự có tiếng trên thế giới. Tác phẩm Bàn về chiến tranh của ông vẫn là một cuốn sách cho tất cả những người theo con đường binh nghiệp phải tìm đọc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông Mắc Na-ma-ra, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Hà Nội ngày 23-6-1997. Ảnh tư liệu
Khi nói về “mối liên quan” giữa Võ Nguyên Giáp và Clau-giơ-vít, tác giả T.Đéc-ben, ngoài 5 mục đầu (K.V Clau-giơ-vít nhà lý luận của chiến tranh nhân dân; Cuộc chiến chống Pháp của tướng Giáp; Cuộc chiến chống Mỹ của tướng Giáp; Sự hình thành binh nghiệp của tướng Giáp), từ mục 6 cho đến mục 9 là: “Mục 6: Câu chuyện về sự hội ngộ giữa Giáp và Clau-giơ-vít; mục 7: Giáp, lãnh tụ chiến tranh theo cách Clau-giơ-vít; mục 8: Giáp, nhà chiến lược Clau-giơ-vít; mục 9: Điện Biên Phủ, “Trận chiến quyết định” Clau-giơ-vít”.
Trong 4 mục này (6, 7, 8, 9) T. Đéc-ben cố gò cho được những quan điểm chiến tranh, nghệ thuật tác chiến của nhân dân ta, của Võ Nguyên Giáp đều “cơ bản có nguồn gốc từ Clau-giơ-vít”.
T. Đéc-ben viết: “Chính là sau khi đọc Clau-giơ-vít mà Giáp đề cập tới cuộc chiến ở Điện Biên Phủ. Chính Giáp đã đưa vấn đề của Đéc-ben trong sách Vom Krieze (Bàn về chiến tranh) trong chương “Phòng thủ rừng núi” vào Điện Biên Phủ… Điện Biên Phủ là kiểu “chiến trận lớn” Clau-giơ-vít…”.
Người am hiểu về lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói chung và riêng về Chiến dịch Điện Biên Phủ đều thấy rằng sự gán ghép của T.Đéc-ben là không có cơ sở: Điều thứ nhất là cho dù Clau-giơ-vít có viết tỉ mỉ đến đâu về “Phòng thủ rừng núi” thì “rừng núi của Clau-giơ-vít” cũng là rừng núi châu Âu, mà không phải là Việt Nam, là Tây Bắc, là Điện Biên. Và ngay cả những trận đánh lớn, “chiến trận lớn” từ thời La Mã, Ai Cập, Tam Quốc, đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thứ hai… cũng không hoàn toàn giống như “tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.
Vả lại, Võ Nguyên Giáp không phải chỉ có đọc một tác phẩm “Bàn về chiến tranh”. Chính T.Đéc-ben, trong mục 4, đã cho biết, nữ phóng viên Brai-gít-tơ Phu-ăng đã được một sĩ quan tham mưu Pháp trả lời rằng: “Ông ấy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chẳng học trường quân sự nào cả”. T.Đéc-ben viết (trang 35): “Kiến thức quân sự” của tướng Giáp có được là do tự học. Ông đã nghiên cứu các chiến dịch của các đế chế một cách rất sâu sắc. Năm 1938, trong những bài giảng về lịch sử tại một trường trung học ở Hà Nội, học trò của Giáp nhớ lại là: Ông đã vẽ trên bảng đen vị trí bố trí quân của Na-pô-lê-ông… Ông cũng đã tiếp cận cho học sinh của mình những cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Nhật ở Tàu. Chính trong thời gian này, ông đã đọc một cuốn sách theo cách mà T.E. Lau-ren-xơ cho rằng hiệu quả chiến lược tối đa có thể giành được với một tối thiểu phương tiện. Nguồn chính kiến thức quân sự của tướng Giáp là những luận điểm kinh điển của chủ nghĩa Mác (những bài viết của Ăng-ghen và Lê-nin về khởi nghĩa) và những tài liệu quân sự của Mao Trạch Đông, Chu Đức.
Từ năm 1935 đến 1940, Giáp viết trong báo Tiếng dân một chuyên mục về những hoạt động của Hồng quân Trung Hoa. Dưới bút danh Dương Hoài Nam, ông Giáp đã viết cuốn “Để hiểu tình hình quân sự ở Trung Quốc” với ý định giới thiệu với nhân dân Việt Nam học tập và áp dụng kinh nghiệm cuộc đấu tranh cách mạng của những người cộng sản Trung Hoa. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương chọn con đường đấu tranh vũ trang, Giáp đã đọc “Bàn về chiến tranh lâu dài” (Trì cửu chiến) của Mao Trạch Đông và cuốn “Về chiến tranh du kích chống Nhật” của Chu Đức (sách này do chính ông tự dịch để đọc). Những ấn phẩm quân sự này đã giúp Hồ Chí Minh viết “Cách đánh du kích” (1941), “Kinh nghiệm du kích Pháp”, “Kinh nghiệm du kích Tàu” (1945). Hồ Chí Minh cũng đã dịch “Binh pháp Tôn Tử” và những sách kinh điển quân sự khác của Trung Quốc”.
Trên các trang 40, 41,42, T. Đéc-ben viết tiếp: “Giáp có một hiểu biết hoàn hảo về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trước công nguyên cho đến hai lần chống quân Tống, ba lần chống quân Nguyên, chống quân Minh, quân Xiêm, quân Thanh… và tổ chức quân sự của Việt Minh (tác giả vẫn nhầm Việt Minh với Việt Nam-T.G) được kế thừa trực tiếp từ quá khứ này và người ta thấy lại tất cả trong tài chỉ huy của Giáp”.
Ở trang 44, T. Đéc-ben cho biết: “Di sản quân sự này cũng đã giúp Hồ Chí Minh viết chương “Khởi nghĩa nông dân” trong cuốn “Khởi nghĩa vũ trang”, một cuốn sách không chính thức của Quốc tế cộng sản, chương mà Hồ Chí Minh đã thu thập được rất nhiều kinh nghiệm trong Bát lộ quân và trong vùng Tây An cộng hòa Xô Viết”.
Như vậy, bạn đọc có thể thấy rõ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lao động tự học, “gộp” lại cho mình những kiến thức quân sự cổ, kim, đông, tây của các chế độ, của nhiều dân tộc, nhiều “chủ nghĩa”, với truyền thống, lý luận quân sự, chiến tranh của dân tộc Việt Nam dưới sự hướng dẫn của người thầy Hồ Chí Minh, đã trở thành một nhà lý luận quân sự Mác-xít - Lê-nin-nít, mang dấu ấn Hồ Chí Minh đồng thời là Tổng chỉ huy một quân đội nhân dân đánh bại, ít ra cũng là “hai đế quốc to”.
Clau-giơ-vít không phải mang trách nhiệm nặng nề là Tổng chỉ huy quân đội của một quốc gia. Ông cũng không phải gánh vác sứ mệnh phải chỉ huy, lãnh đạo một cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, ngoại trừ thời gian ngắn hợp tác với quân Nga dưới sự chỉ huy của Ku-tu-dốp đánh bại Na-pô-lê-ông trên đất Nga.
Có thể chấp nhận là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc, đã “chú ý” đến nhiều điểm trong “Bàn về chiến tranh”, đến những lý giải, ý kiến, quan điểm của Clau-giơ-vít “phù hợp với chiến tranh cách mạng Việt Nam”. Võ Nguyên Giáp không hoàn toàn đồng ý với tất cả luận điểm về chiến tranh của Clau-giơ-vít. Và công lao, cống hiến của Võ Nguyên Giáp không phải chỉ mang tính chất Clau-giơ-vít, mà còn là của nhân loại, của Tôn Tử, cả của Na-pô-lê-ông, của Xu-vô-rốp, Ku-tu-dốp, Xta-lin, Giu-cốp, Mao Trạch Đông, Chu Đức… kết hợp với di sản tri thức quân sự của dân tộc Việt Nam, dưới ánh sáng của duy vật biện chứng - duy vật lịch sử, theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ở một góc nhìn đó, Võ Nguyên Giáp có phần “khác” Clau-giơ-vít. Đại tướng đã “gộp” được và “vượt” qua nhiều nhà lý luận quân sự cũng như chỉ huy quân đội.
(Đầu đề do NangluongVietnam đặt lại)
Nguồn: TS NGUYỄN VĂN KHOAN (QĐND)

Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới

Alexander Đại đế, Napoleon, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... là những vị tướng chỉ huy có tài năng quân sự kiệt xuất lẫy lừng thế giới.
Chiến tranh là một phần của lịch sử. Nhiều người coi đó là thảm họa gây ra chết chóc, nhưng chính chiến tranh cũng là cái nôi sản sinh ra các anh hùng - những vị tướng chỉ huy làm thay đổi cả thế giới.
Cùng tìm hiểu và khám phá cuộc đời của một số danh tướng lừng lẫy trong lịch sử, chia theo 4 thời kỳ cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

1. Thời cổ đại: Alexander Đại đế

Hầu hết chúng ta đều biết rằng, trong 12 năm trị vì vương quốc của mình, Alexander Đại đế (356-323 TCN) đã lãnh đạo đế chế Macedonia (336 - 323 TCN), chinh phục gần như toàn bộ lãnh thổ thế giới vào thời điểm ấy.
Sự vĩ đại của Alexander thể hiện ngay từ sự ra đời của ông. Hoàng đế của Macedonia cất tiếng khóc chào đời vào ngày thứ Sáu trong tháng Sáu, đúng vào thời điểm đền thờ thần Artemis ở Ephesus bị cháy rụi. Nhiều truyền thuyết cho rằng, ông là con của một vị thần rắn còn các nhà tiên tri thời cổ đại tiên đoán, ông sẽ có một tương lai "bách chiến bách thắng".
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Ngay từ thời trẻ, Alexander đã nổi tiếng với dũng khí của một mãnh sư
Sự thật đã chứng minh tính đúng đắn của điều tiên tri ấy. Trong suốt thời gian cầm quyền, Alexander Đại đế thường xuyên dẫn quân đi chinh phạt và gần như bách chiến bách thắng, nổi bật nhất là chiến dịch chinh phục đế quốc Ba Tư - chiến dịch đầu tiên trong đời của vị hoàng đế 20 tuổi.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Chân dung Alexander dẫn quân đi chinh phạt Ba Tư được thêu trên một tấm thảm
Trận đánh thể hiện nhiều nhất tài năng quân sự của Alexander Đại đế chính là trận Gaugamela diễn ra năm 331 TCN khi ông giao tranh với hoàng đế Darius III nhà Achaemenes - lúc đó đang cai trị Ba Tư.
Theo các nguồn tư liệu lịch sử cổ đại, người ta ước tính hơn 40.000 quân Macedonia đã đánh thắng hàng vạn quân Ba Tư. Trong trận chiến, Alexander đã quan sát rất tinh tường, nhận ra những sai lầm của quân Ba Tư để điều chỉnh chiến thuật tiến đánh. Cuối cùng, Alexander đã buộc chủ soái Darius III của địch phải tháo chạy, quân đội bị đánh tan tác, tán loạn.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Bức điêu khắc trận đại thắng Gaugamela của Alexander
Sau trận chiến, quân của Alexander chỉ mất có vài trăm người, so với gần 4 vạn quân lính Ba Tư. Chỉ 3 năm sau trận Gaugamela, Alexander đã thống nhất Ba Tư.

2. Thời trung đại: Thành Cát Tư Hãn

Trong số các vị anh hùng người châu Á, Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) được coi là người có dã tâm xâm lược và tài năng lớn bậc nhất. Dưới triều đại của mình, từ chỗ thống nhất các bộ lạc người Mông Cổ, ông đã đưa đất nước mình mở rộng lãnh thổ từ châu Á sang tới tận châu Âu.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Bức tượng chân dung Thành Cát Tư Hãn uy nghi, bệ vệ
Tài năng quân sự của ông là điều được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. Thành Cát Tư Hãn tổ chức quân đội mình thành các nhóm theo cơ số 10 (thập hộ, bách hộ, thiên hộ, vạn hộ) và chủ yếu là các kỵ binh nhẹ rất giỏi bắn cung. Cách tổ chức này cho phép quân đoàn của ông tấn công ồ ạt, dễ bao vây và dẫn kẻ địch vào vùng mai phục.
Mặt khác, Thành Cát Tư Hãn còn là một bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh tâm lý. Trước khi tấn công các thành trì địch, ông thường cho loan báo những lời đe dọa gây hoang mang, nếu địch không chấp nhận ông sẽ cho tấn công tiêu diệt toàn bộ thành. Tuy nhiên, sau đó ông thường cố tình thả vài người sống sót để lan truyền sự sợ hãi tới với những thành trì tiếp theo.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Kỵ binh nhẹ của Thành Cát Tư Hãn vượt trội hẳn so với kỵ binh châu Âu nặng nề, chậm chạp
Triết lý quân sự mà cả đời Thành Cát Tư Hãn tuân theo đó là làm sao chiến thắng kẻ thù nhanh nhất, ít thiệt hại nhất nhờ tâm lý chiến và sức mạnh, sự linh hoạt của các kỵ binh.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Đặc biệt, trong các trận chiến, ngay cả khi đối thủ bỏ chạy, Thành Cát Tư Hãn cũng sẽ không buông tha. Ông ra lệnh cho đội quân của mình đuổi theo, giết cho tới khi nào chắc chắn kẻ địch đã chết.

3. Thời cận đại: Napoleon

Sẽ không sai khi nhiều người coi thời cận đại là thời kỳ của hoàng đế Pháp - Napoleon (1769-1821). Cả thế giới khiếp sợ, kính phục ông bởi tài năng quân sự và khả năng lãnh đạo thiên tài.
Người ta gọi Napoleon là thần chiến tranh, bởi ông đã tạo ra những chiến thắng chớp nhoáng cùng cách dụng binh khó lường. Và lý tưởng nhất có lẽ là những việc làm phi thường mà không vị tướng nào dám thực hiện.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Một trong những chiến thắng thể hiện rõ tài năng ấy của Napoleon là trận chiến Ba Hoàng đế - Austerlitz vào năm 1805. Sở dĩ có cái tên này là bởi quy mô của trận đánh rất lớn, với sự tham gia của ba vị hoàng đế của các cường quốc châu Âu: Napoleon của Pháp, Franz II của Áo và Sa hoàng Nga Alexander I.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Napoleon và các thống chế của mình đang bàn luận chiến thuật đánh địch
Cùng với các thống chế tài năng như Lannes, Ney, Davout, Murat… Napoleon đã chỉ huy thành công 73.000 quân Pháp, chiến thắng hơn 80.000 quân liên minh Áo - Nga năm 1805.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng, Napoleon đã đích thân xung trận để nhận định tình hình, phán đoán ý đồ của địch và lặng lẽ ra lệnh điều pháo binh, tăng hỏa lực mạnh nhằm chiếm các điểm, hỗ trợ tốt cho trận chiến. Ông đồng thời còn lợi dụng rất tốt địa hình, cho đại bác nã vào hồ băng và làm hàng nghìn quân địch chết đuối trong sự lạnh giá.

4. Thời hiện đại: Võ Nguyên Giáp

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) được mệnh danh là bậc thầy số 1 về chiến tranh du kích. Báo chí, truyền thông nước ngoài gọi ông là "Napoleon của Việt Nam".
Không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng Võ Nguyên Giáp đã trở thành "vị tướng 5 sao" đầu tiên của Việt Nam khi mới chỉ 37 tuổi.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Chân dung cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh hùng của dân tộc Việt Nam
Điểm khác biệt của Tướng Giáp mà hiếm có vị tướng nào trên thế giới làm được, đó là sự nể phục và quý trọng của các bại tướng dưới tay ông. Tướng De Castries thất bại trước tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Trong buổi gặp gỡ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997, tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với cố Đại tướng Việt Nam:“Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục”. Và ngay cả một cựu lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là James G.Zumwalt đã phải thốt lên: “Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - bậc thầy về chiến tranh du kích trên thế giới
Với tài thao lược của mình, ông đã chỉ huy thành công chiến dịch Điên Biên Phủ, tiêu diệt “pháo đài bất khả xâm phạm” của Pháp, tổ chức chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại, chính thức giành lại độc lập cho dân tộc ta.
Cũng từ đây, biệt danh “Napoleon của Việt Nam” bắt đầu xuất hiện. Sở dĩ nhiều người gọi ông như vậy là bởi cách dụng binh của Tướng Giáp có nhiều điểm tương đồng với hoàng đế Pháp.
Ông chỉ huy những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện. Đặc biệt, Tướng Giáp rất giỏi khi tổ chức, bố trí những trận đánh du kích lấy ít địch nhiều.
Điển hình trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngay sát giờ nổ súng, ông hạ lệnh rút hết quân đội, pháo binh ra khỏi vị trí, lùi thời điểm tiến đánh, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Chân dung những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới
Tướng Giáp cùng các lãnh đạo thống nhất kế hoạch tiến đánh Điện Biên Phủ năm 1954
Trong kháng chiến chống Mỹ, cố Đại tướng đã ra lệnh cho mở đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyết mạch, cực kỳ quan trọng và đem về thắng lợi toàn cục cho dân tộc ta