Ba chuyện đáng suy ngẫm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(GD&TĐ) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài về quân sự, là một nhân cách lớn nên các học giả Việt Nam và thế giới đã viết hàng trăm pho sách về ông. Trong những ngày này, lại có hàng ngàn người nói về ông, viết về ông. Tôi chỉ xin nói về ba câu chuyện rất đáng suy ngẫm liên quan đến ông.
Chuyện thi trượt và quyết tâm học tập
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con của bà Nguyễn Thị Kiên và ông Võ Khắc Nghiêm, quê ở làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình. Đây là một gia đình nhà Nho; hai bên nội ngoại đều là những chí sĩ yêu nước, tham gia phong trào Cần Vương. Ông Võ Khắc Nghiêm được xem là người hiểu nhiều, biết rộng, hay chữ nhưng đi thi không đỗ đạt gì. Điều này được lý giải là ông không phục, không trọng chính quyền lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế, ông rất kỳ vọng vào người con là Võ Nguyên Giáp.
Ngay từ khi còn là cậu bé 4, 5 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã được cha cho học chữ Nho. Ông Nghiêm dùng kẹo để thưởng khi con học tập chăm chỉ, tiến bộ; dùng roi để phạt khi con chểnh mảng. Vốn là cậu bé thông minh nên Võ Nguyên Giáp được hưởng khá nhiều kẹo. Nhưng là đứa trẻ hiếu động nên cũng không ít lần Giáp bị phạt, thậm chí có lần chui xuống gầm bàn trốn roi và xin tha tội.
Là người hiểu rõ thời thế, ông Nghiêm nhanh chóng chuyển sang dạy chữ quốc ngữ cho các con và học trò. Cậu bé Giáp là người học giỏi nổi bật trong vùng, khi nào cũng đứng đầu lớp, nhất trường. Và khác với cha, Võ Nguyên Giáp thi đỗ đầu tỉnh ngay trong kỳ thi tốt nghiệp sơ học. Điều này không chỉ mang lại cho cậu bé Giáp sự nổi tiếng, mà khiến cả họ hàng, làng xóm được thơm lây.
Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 13 tuổi, Võ Nguyên Giáp thi vào Trường Quốc học Huế, nhưng trượt. Không gỡ thể diện bằng cách viện dẫn câu nói “học tài, thi phận”, mà ngay lập tức, Võ Nguyên Giáp vào Huế để học ôn. Năm sau (hè 1925) Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào Quốc học Huế, đứng thứ nhì. Người đỗ đầu năm đó là Nguyễn Thúc Hào (sau này là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, thầy của những người nổi tiếng như Văn Như Cương), kể: “Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm “major”, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai… Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi”. Nhà giáo trác việt Nguyễn Thúc Hào đã nói như vậy chứng tỏ ngày đó Võ Nguyên Giáp học tập vô cùng xuất sắc.
Qua chuyện này, có thể thấy, lần thi trượt vào Trường Quốc học Huế đã tác động rất sâu sắc tới Võ Nguyên Giáp, khiến ông quyết tâm hơn trong chuyện học tập. Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, có lẽ đây là lần duy nhất trong đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ quan. Ông đã rút được ra bài học quan trọng về tác hại của sự chủ quan, do đó khi cầm quân đánh giặc, không bao giờ ông chủ quan. Rất có thể điều này góp phần tạo nên một vị tướng huyền thoại.
Tổng tư lệnh không “ra lệnh” cho con
Những cái bắt tay thật chặt với đồng bào địa phương trong lần trở về Điện Biên cuối cùng của Đại tướng |
Trong số những người con thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu quý Võ Hồng Anh hơn cả. Có ba lý do để Đại tướng làm điều này: 1. Võ Hồng Anh là con gái đầu; 2. Mẹ của Võ Hồng Anh là Nguyễn Thị Quang Thái, em gái Nguyễn Thị Minh Khai, tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, đã hi sinh trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi Võ Hồng Anh còn rất bé; 3. Võ Hồng Anh luôn luôn phải sống xa Đại tướng, ngay từ những năm năm mươi của thế kỷ XX, Võ Hồng Anh đã sang học tập ở Trung Quốc, Liên Xô.
Khi lớn lên, Võ Hồng Anh là một cô gái xinh đẹp và thông minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn gả con gái mình cho con một nhà cách mạng hoạt động cùng thời với mình. Nhưng Võ Hồng Anh lại yêu một người bạn học là Phan Long – con trai của Luật sư Phan Anh. Khi hai người từ Liên Xô về ra mắt và “báo cáo” Đại tướng, ông không vui, thậm chí là thất vọng vì “kế hoạch” của ông bị đổ vỡ. Tuy nhiên, ông không phản đối gay gắt, dần dần ông vui vẻ chấp nhận. Hơn nữa, Phan Long cũng là một chàng trai thông minh, lịch lãm, hiểu biết sâu rộng nhiều vấn đề.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nói vì sao ông xử sự như vậy. Nhưng căn cứ vào những gì đã xảy ra, có thể phán đoán. Thứ nhất, ông rất tôn trọng sự lựa chọn của con gái, mặc dù nó trái với mong muốn của ông. Thứ hai, ông soi vào chính bản thân mình và trung thành với ý niệm “Tình cảm là chuyện của con tim”: Thời trẻ ở quê, một gia đình giàu có muốn gả con gái cho ông; bố ông mong muốn điều này, còn mẹ ông thì để cho ông tự quyết định. Kết quả là ông không làm đám cưới với cô gái mà bố ông mong muốn trở thành con dâu của mình.
Điều đáng nói là lúc này ông là Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, mệnh lệnh của ông được hàng triệu người thừa hành răm rắp, nhưng ông đã không “ra lệnh” cho con gái làm theo ý mình. Đây là cách xử sự rạch ròi của một con người đầy tình thương, trách nhiệm, đầy tính nhân văn.
Tết Mậu Thân 1968 – Chuyện bây giờ mới kể
Đầu năm 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa ra nước ngoài chữa bệnh. Cụ thể là ông được đưa tới Hungary để nghỉ ngơi, an dưỡng. Vì không biết tiếng Hungary, mà bên ấy cũng không có người thân, bạn bè nên Đại tướng ngỏ ý muốn về Nga. Lãnh đạo Nhà nước Liên Xô lúc bấy giờ đáp ứng ngay nguyện vọng của Đại tướng.
Tuy không phải là khách mời chính thức, nhưng Chính phủ Liên Xô cũng bố trí để Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ ở khu biệt thự cao cấp trên đồi Lenin, gần Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Khung cảnh nơi đây vừa hoành tráng, vừa thơ mộng với những cánh rừng chạy dọc bờ sông Moskva. An ninh ở đây được bảo đảm tuyệt đối. Và điều tuyệt vời là Đại tướng có thể tiếp chuyện, đàm đạo với người thân, bạn bè ở nơi này.
Tuy là được tiếp khách thoải mái, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ mời tới đây những người thân tín nhất đang học tập và làm việc tại Moskva lúc bấy giờ. Gần đến Tết Nguyên đán của Việt Nam nên những câu chuyện, những con người càng trở nên gắn bó, thân thiết. Và sáng kiến cùng nhau đến Nhà Hát Lớn xem vở ba lê “Hồ Thiên Nga” vào đêm giao thừa được Đại tướng nồng nhiệt hưởng ứng. Tuy nhiên, khi đến gần Nhà Hát Lớn, Đại tướng nói với những người đi cùng: “Các cậu vào trước đi! Mình sẽ vào sau”.
Dẫu có chút băn khoăn, nhưng những người đi cùng Đại tướng thực hiện đúng yêu cầu của ông. Mãi đến khi đèn tắt được một lúc, Đại tướng mới xuất hiện. Ông thì thầm nói: “Mình là Đại tướng của một quân đội đang tham gia chiến đấu. Một chiến dịch lớn chuẩn bị mở màn, mà có một phóng viên hay một quan chức quân sự nào đấy thấy mình ở đây thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi vậy mình phải chờ đèn tắt rồi mới vào...”.
Đây là cách ứng xử tinh tế và đầy trách nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn chiến dịch Tết Mậu Xuân 1968 diễn ra như thế nào, cả thế giới biết rồi. Nhưng để phân tích, đánh giá cho đúng thì các nhà sử học, nhất là sử học quân sự còn tốn nhiều công sức. Chuyện nhỏ này về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể giúp cho họ đôi điều trong nghiên cứu. Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có thể viết rất nhiều nhưng trong giờ phút đau thương này, tôi chỉ chia sẻ thông tin và suy nghĩ của mình một cách ngắn gọn. Chắc chắn sẽ còn có dịp trở lại viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Biểu tượng đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Hồ Bất Khuất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét