Những kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vào 19 giờ ngày 4 tháng 10 năm 2013, tôi được tin sét đánh: Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã từ trần lúc 18 giờ 9 phút!
Tin Đại tướng vĩnh biệt gia đình, quân đội, Đảng và nhân dân Việt Nam đã làm cho mọi người cảm thấy hụt hẫng. Riêng đối với tôi - người được Đại tướng dìu dắt trong thời gian dài kháng chiến - những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng lần lượt hiện về.
Lần đầu tiên tôi gặp Đại tướng là tại chiến trường Nha Trang (Khánh Hòa). Khi đó, Đại tướng đi kiểm tra mặt trận phía Nam khi quân Pháp tràn từ Nam Bộ ra nam Trung Bộ. Tôi đang chỉ huy Mặt trận khu B bao vây địch ở Nha Trang tại làng Phước Vinh tháng 10/1945 thì Đại tướng đến thăm trận địa.
Sau khi tìm hiểu tình hình địch - ta tại chỗ, Đại tướng chỉ thị quân ta không được đánh địch bằng phòng tuyến án ngữ chúng, mà phải tổ chức cùng nhân dân phân tán đánh du kích khi địch nống ra từ Nha Trang lên Diên Khánh. Tổng tư lệnh phê bình Ban chỉ huy Mặt trận Nha Trang có tư tưởng trận địa không phù hợp. Phải bỏ trận địa mà phân tán ngay trong nhân dân, nếu địch nống ra thì ta dùng "du kích chiến đánh địch, bảo vệ dân, tiêu hao địch". Đây là mệnh lệnh đầu tiên tôi nhận từ Đại tướng trong đời hoạt động quân sự của mình.
Lần thứ hai là trong thời kỳ tôi chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên. Tuy nhiều lần tôi nhận chỉ thị của Đại tướng nhưng không trực tiếp gặp. Đến đầu năm 1950, tôi được lệnh ra Việt Bắc để báo cáo tình hình địa phương và những kinh nghiệm chiến đấu với Bộ Tổng tư lệnh. Bài học tôi nhận được là du kích vận động chiến mà tôi có dịp báo cáo với Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu.
Đến ngày 19/5/1950, tôi được Đại tướng giới thiệu đến dự ngày mừng sinh nhật thứ 60 của Bác Hồ tại Việt Bắc. Do có chỉ thị của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng, nên tôi được sắp xếp ngồi bên trái Bác Hồ trong buổi tiệc mừng thọ Bác. Hai vị lãnh đạo thường nhìn tôi nhắc nhở bình tĩnh để báo cáo với Bác Hồ tình hình Bình Trị Thiên.
Sau lần đi Việt Bắc, về Bình Trị Thiên chuẩn bị tổ chức Sư đoàn 325, thì tôi nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh ra Việt Bắc nhận công tác mới.
Đây là dịp tôi được trực tiếp làm việc với cương vị Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu nên nhiều dịp làm việc với Đại tướng- nhất là trong dịp ta mở chiến dịch Hòa Bình. Tôi làm tham mưu chiến dịch thay Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.
Trời lạnh, Tổng tư lệnh lại đang bị cúm nên khi nghe tôi báo cáo tình hình chiến sự thì ngồi phải trùm chăn. Một sự kiện tôi vô cùng xúc động là khi nghe tin bộ đội ta tiêu diệt được đồn địch nhưng có nhiều thương vong thì Đại tướng đã lấy khăn lau nước mắt. Đồng chí bảo tôi mời Thông tấn xã đến để nhắc nội dung đưa tin chiến sự trong lúc vẫn còn lên cơn sốt.
Cho đến đầu năm 1954, theo quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 2/1954), thì tôi được lệnh tham gia đoàn đại biểu ta, do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, với tư cách chuyên gia quân sự, giúp đồng chí Tạ Quang Bửu, phụ trách quân sự, đàm phán với Pháp. Từ đó, tôi không trực tiếp công tác với Đại tướng Tổng tư lệnh.
Mãi đến sau khi kết thúc Hội nghị Genève, tôi trở lại Việt Bắc, để chuẩn bị thi hành Hiệp nghị Genève. Hội nghị thành lập Ủy ban Quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp nghị. Để cộng tác với Ủy ban Quốc tế, bên ta thành lập Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh, bên cạnh Ủy ban Quốc tế. Tôi được chỉ định làm Trưởng phái đoàn liên lạc bên cạnh Ủy ban Quốc tế. Trong khi phía Pháp còn lại tại Thủ đô Hà Nội (Pháp chỉ rút hết sau 300 ngày).
Trước khi lên đường đi Hà Nội, tôi gặp Đại tướng để nhận lệnh. Sau khi trao lệnh cho tôi, Đại tướng nói thêm: "Bác Hồ bận nên không tiếp được đồng chí nhưng Bác dặn đồng chí về Thủ đô thì phải giữ nâu sồng kháng chiến".
Tôi còn nhớ lúc về Thủ đô, đang còn địch chiếm đóng, một hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bí mật đến nhà làm việc của Phái đoàn để nắm tình hình Thủ đô trước khi ta vào tiếp quản. Cuộc đi khảo sát của Đại tướng đã hoàn thành, bí mật được giữ vững. Đại tướng đã trực tiếp chỉ thị công tác cho Phái đoàn và trở về chiến khu Việt Bắc an toàn.
Sau khi Thủ đô được giải phóng, thỉnh thoảng tôi được gặp Đại tướng để báo cáo tình hình và công tác, nhất là việc thi hành Hiệp nghị Genève ở miền Nam Việt Nam, và Đại tướng đã chỉ thị nhiều công tác đấu tranh thi hành Hiệp nghị cũng như đấu tranh trong Ủy ban Quốc tế.
Vì vừa công tác thi hành Hiệp nghị, vừa làm công tác Vụ trưởng Vụ miền Nam ở Bộ Ngoại giao, nên đến năm 1974 thì tôi được chuyển hẳn sang Bộ Ngoại giao, từ đó tôi ít khi được gặp Đại tướng.
Cho đến ngày về hưu (năm 1991) tôi vào ở miền Nam, thỉnh thoảng ra Hà Nội tôi lại đến thăm Đại tướng và gia đình. Mỗi lần tôi đăng ký xin gặp Đại tướng, tôi đều được chấp nhận, kể cả đưa gia đình tôi đến thăm gia đình Đại tướng. Khi trao đổi, Đại tướng nhắc tôi nên viết Hồi ký. Đây là điều tôi ân hận không thực hiện được. May mà đã có cuốn sách "Hà Văn Lâu - Người đi từ bến làng Sình" do nhà văn Trần Công Tấn viết về tôi, được nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, cũng coi như một cuốn hồi ký văn học.
Những năm gần đây, vì sức khỏe tôi cũng ngày càng yếu, nên chỉ có một lần tôi ra Hà Nội, được vào thăm Đại tướng tại Bệnh viện 108. Tuy nhiên, dịp Tết nào tôi cũng nhận được thiệp chúc Tết của Đại tướng và năm nào tôi cũng gửi hoa mừng thọ Đại tướng, mà lần cuối cùng là ngày 25/8 năm nay.
Vậy là Đại tướng đã ra đi! Vậy là từ nay, Cuốn sách tôi xây dựng để tôn vinh Đại tướng sẽ không có được nữa chữ ký của Đại tướng. Tôi đã lập bàn thờ có ảnh của Đại tướng để hàng ngày thắp nhang tưởng nhớ, noi gương Đại tướng và lời dặn của Bác Hồ "giữ vững nâu sồng kháng chiến", kể cả khi tôi đã nghỉ hưu.
Xin kính chúc Đại tướng Tổng tư lệnh an giấc ngàn thu!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/10/2013 .
Đại tá Hà Văn LâuNguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Kiều Mai Sơn ghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét