Tường Duy - Công an nhân dân
Là người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam, đối với giới văn nghệ sĩ nước ta, vị Đại tướng mang họ Võ nhưng thường được gọi bằng cái tên thân mật, trìu mến là “Anh Văn” đã có những mối quan hệ, kỷ niệm đặc biệt chí nghĩa, chí tình. Để cùng đồng bào cả nước chia sẻ nỗi đau thương, mất mát trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, VNCA xin được cùng bạn đọc ôn lại những kỷ niệm giữa Đại tướng và một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Mặc dù được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm viện đã lâu, và ở tuổi 103, ông là vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước Việt Nam thọ nhất từ trước tới nay, song tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vẫn gây bàng hoàng, xúc động đối với toàn thể đồng bà ta cũng như với đông đảo bạn bè, người dân trên toàn thế giới. Là người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam, đối với giới văn nghệ sĩ nước ta, vị Đại tướng mang họ Võ nhưng thường được gọi bằng cái tên thân mật, trìu mến là “Anh Văn” đã có những mối quan hệ, kỷ niệm đặc biệt chí nghĩa, chí tình. Để cùng đồng bào cả nước chia sẻ nỗi đau thương, mất mát trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, VNCA xin được cùng bạn đọc ôn lại những kỷ niệm giữa Đại tướng và một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Với nhà thơ Huy Cận
Trong cuốn “Hồi ký song đôi” (tập 2) của nhà thơ Huy Cận được NXB Hội Nhà văn ấn hành cách đây một năm, tôi đặc biệt thú vị khi được tiếp xúc với những bức ảnh nhà thơ Huy Cận chụp kỷ niệm với bạn bè, đồng nghiệp, người thân in ở phần cuối sách. Đây quả là những tư liệu quý, giúp ta hiểu thêm không khí một thời. Trong số các bức ảnh, tôi hơi ngạc nhiên thấy có bức ảnh nhà thơ Huy Cận chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với dòng ghi chú: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Huy Cận trong lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I tại Phủ chủ tịch - 30/11/1996”. Sở dĩ tôi nói hơi ngạc nhiên vì khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thôi giữ các chức vụ trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Vậy việc Đại tướng có mặt tại một địa điểm như thế, trong một buổi lễ như thế hẳn là để chúc mừng, chia vui cùng những người bạn văn nghệ sĩ mà ông trân trọng, yêu quý, trong đó có nhà thơ Huy Cận.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các văn nghệ sĩ cựu chiến binh. |
Thật ra, như chúng ta đã biết, Huy Cận không chỉ là nhà thơ. Cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông từng giữ cương vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời của Nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa (khi ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Như vậy, giữa hai người, ngoài tình cảm, chắc chắn họ còn có những gắn bó, liên hệ trong công việc. Đọc bài viết “Tham gia hội nghị trù bị Đà Lạt” của nhà thơ Huy Cận, tôi đã bắt gặp những dòng kỷ niệm nồng thắm mà tác giả “Lửa thiêng” dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại Hội nghị này, Huy Cận được ban tổ chức bố trí ngủ chung phòng với Võ Nguyên Giáp. Nhà thơ Huy Cận nhớ lại: “Mở đầu, hai trưởng đoàn (của phía chính phủ ta và Pháp lúc ấy - TD) Nguyễn Tường Tam và Max André nói lời khai mạc. Vào cuộc là vấn đề Nam bộ đầy sôi nổi, căng thẳng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp phát biểu mạnh mẽ, khẳng định Nam kỳ là bộ phận không thể chia tách của Việt Nam. “Máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”; có lúc quá xúc động, anh ràn rụa nước mắt, cả hội nghị im lặng, tôn trọng tình cảm dân tộc của anh. Trong lúc giải lao, Mesmer đến bắt tay anh Giáp tỏ vẻ khâm phục và nói: “Lúc nãy tôi muốn đứng về phía anh”. Anh Hoàng Xuân Hãn và các anh khác trong đoàn ta nói bồi thêm về lập trường “Nam bộ là đất Việt Nam”. Nhân nhắc tới học giả Hoàng Xuân Hãn, cũng liên quan tới sự kiện này chúng tôi lại nhớ tới bài hồi ký “Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt” của ông. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn, ghi dấu ấn sâu đậm nhất tại hội nghị trù bị Đà Lạt là hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luật sư Nguyễn mạnh Tường. Điều đó cho thấy, những tình tiết mà nhà thơ Huy Cận ghi lại là rất đáng trân trọng. Đặc biệt, với trái tim giàu rung cảm của một nhà thơ, ông đã lắng nghe và ghi lại được một hình ảnh tuyệt đẹp, đầy ấn tượng về một vị tướng cầm quân nhưng có trái tim rất dễ xúc động.
Với nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu là một nhà thơ lớn, đồng thời cũng là một nhà hoạt động chính trị dày dạn. Có thời kỳ, cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trên cương vị một nhà thơ, ông từng viết bài ca ngợi các chiến công cùng những con người làm nên lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh. Với các vị tướng trong quân đội ta, bạn đọc ấn tượng với bài thơ ông viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đặc biệt, những câu thơ ca ngợi tài chỉ huy thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài tráng ca “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Chúng ta hẳn còn nhớ những câu mở đầu rất ấn tượng ở khổ thơ thứ hai của bài thơ:
Hoan hô chiến sĩ Điện BiênHoan hô đồng chí Võ Nguyên GiápSét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên được nhắc tới trong bài thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể nói đây là một sự…táo bạo nhưng hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự ghi nhận chính xác của nhân dân ta cũng như cộng đồng quốc tế về vai trò cá nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là chuyện trong thơ, còn ở ngoài đời và trong hồi ký, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra sao?
Trong hồi ký “Nhớ lại một thời” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2000, Tố Hữu có nhắc tới chuyện những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông có nguyện vọng được đầu quân. Khi ông đề đạt ý kiến này với Tổng bí thư Trường Chinh, đồng chí Trường Chinh rất hoan nghênh, nhưng để đúng nguyên tắc, đồng chí yêu cầu Tố Hữu phải viết thư cho Anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) đề nghị ông chấp nhận việc này. Và rồi, trong quá trình Tố Hữu sáng tác bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” - theo như nhà thơ Tố Hữu đã kể lại với nhà thơ Trần Đăng Khoa (trong bài viết “Tố Hữu và bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” in trong tập “Chân dung và đối thoại”, NXB Thanh niên, 1999) thì - suốt ngày ông chỉ “hong hóng chờ tin tức từ chỗ anh Trường Chinh, hoặc lại chạy sang Bộ Tổng, Quân ủy Trung ương, chỗ anh Văn, hỏi xem có đánh nhau ở đâu thì viết bài tuyên truyền”. Cũng theo lời ghi lại của Trần Đăng Khoa, Tố Hữu tỏ ra rất thích thú với mấy chữ “hoan hô” ông dùng để hoan hô chiến sĩ Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mình hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hoan hô ông Giáp. Lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp oanh liệt lắm. Người ra trận cơ mà. Một ông Tổng tư lệnh ra trận…”.
Với nhà văn Nguyễn Đình Thi
Trong những dòng lưu bút ở sổ tang nhà văn Nguyễn Đình Thi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể lại một kỷ niệm: “Nguyễn Đình Thi đã từng tham gia bộ đội, có mặt ở nhiều chiến dịch. Tôi đã có những dịp gặp anh trao đổi ý kiến, đặc biệt tại Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ”.
Đọc bài bút ký “Một quyết định khó khăn nhất” của nhà văn Nguyễn Đình Thi (đã in trong tập “Tiểu luận bút ký” của ông do NXB Văn học ấn hành năm 2001), bạn đọc có thể biết được câu chuyện về lần gặp gỡ ấy giữa nhà văn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sau:
Một ngày, khi tới cơ quan chính trị của Mặt trận, Nguyễn Đình Thi được thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi ông lên gặp Đại tướng. Ông cấp tốc đi theo người giao liên. Bước vào căn phòng rộng của cơ quan tham mưu, ông thấy Đại tướng ngồi ghế chủ tọa. Hai bên chiếc bàn lớn là 7, 8 cố vấn Trung Quốc. Sắc mặt Đại tướng nghiêm nghị. Trông thấy nhà văn, Đại tướng vui vẻ: “Xin giới thiệu với các đồng chí, đây là một văn nghệ sĩ của chúng tôi”. Rồi quay sang Nguyễn Đình Thi, Đại tướng hỏi: “Anh hát bài Người Hà Nội được chứ. Anh hát đi”. Mặc dù bỡ ngỡ chưa hiểu sự thể thế nào, song vâng lệnh Đại tướng, Nguyễn Đình Thi đã cất tiếng hát khúc mở đầu bài “Người Hà Nội”. Một tràng vỗ tay nổi lên, xen lẫn tiếng cười vui. Đại tướng tới bên Nguyễn Đình Thi, bảo: “Đại đoàn 316 sẽ làm đường, anh đến sớm ở đó, theo dõi và viết bài cho tờ báo của Mặt trận”.
Theo Nguyễn Đình Thi phân tích, hẳn là trong phút căng thẳng thay đổi kế hoạch đánh địch (khác với ý của các cố vấn Trung Quốc), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi ông lên “làm văn công tạm, cho buổi họp nhẹ nhõm đi một chút”. Riêng yêu cầu “theo dõi và viết bài cho tờ báo của Mặt trận”, Nguyễn Đình Thi đã hoàn thành xuất sắc. Sau này bạn đọc đã hiểu thêm về không khí chiến đấu của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ qua loạt bài “Một quyết định khó khăn nhất”, “Mùa xuân của chiến sĩ Điện Biên Phủ” của ông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét