Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 95 năm
Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2012) và 165 năm “Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản” (24/2/1848 - 24/2/2013)
I.
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA THỂ HIỆN SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN
NÊU TRONG “TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”
1.
Những giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”:
- “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” đã phân tích, làm rõ quá trình ra đời và sự diệt vong
tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển là một tất
yếu lịch sử, giai cấp tư sản đã từng đóng vai trò là giai cấp tiến bộ của thời
đại và thống trị xã hội, đã “tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ
hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”1. Nhưng chính
sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra mâu thuẫn không thể điều hòa giữa
giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai
cấp tư sản với giai cấp vô sản. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn chế độ tư bản đến
chỗ sụp đổ. Giai cấp vô sản, đại diện cho lực lượng sản xuất mới, là giai cấp
tiến bộ của thời đại sẽ giành quyền thống trị xã hội.
- “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, người “đào
huyệt” chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới; chỉ rõ Đảng Cộng sản là nhân
tố quyết định hàng đầu để giai cấp vô sản và nhân dân lao động hoàn thành sứ
mệnh lịch sử thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ
nghĩa, tiến tới cộng sản chủ nghĩa. Giai cấp vô sản là lực lượng tiêu biểu cho
sức sản xuất xã hội mới, là đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến của
thời đại, là đại biểu chân chính duy nhất cho lợi ích của toàn xã hội, là một
giai cấp cách mạng và duy nhất chỉ có giai cấp vô sản mới có tính triệt để cách
mạng, tự giải phóng cho mình và giải phóng cho toàn xã hội loài người. Đảng
Cộng sản là bộ phận tự giác nhất và không thể tách rời của giai cấp vô sản,
luôn đại biểu cho giai cấp vô sản về lợi ích và do đó, đại biểu cho quyền lợi
của nhân dân lao động. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng Cộng sản phải
không ngừng nâng cao trình độ lý luận và nắm bắt thực tiễn, đủ khả năng lãnh
đạo giai cấp vô sản và toàn thể nhân dân lao động đấu tranh thắng lợi trong công
cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Mục đích của Đảng Cộng sản là thực
hiện chủ nghĩa cộng sản, gồm hai giai đoạn: thứ nhất, Đảng Cộng sản lãnh đạo
giai cấp vô sản và nhân dân lao động giành chính quyền “bằng cách lật đổ giai
cấp tư sản bằng bạo lực”2; thứ hai, Đảng Cộng sản lãnh đạo giai cấp vô sản và
nhân dân lao động sử dụng công cụ chính quyền để cải tạo xã hội cũ, xây dựng
chính quyền mới. Nguyên lý cơ bản trên đây về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai
cấp vô sản và vai trò của Đảng Cộng sản đã được Đảng Bôn-sê-vích Nga và
Vla-đi-mia I-lich Lênin vĩ đại vận dụng thành công trong Cách mạng Tháng Mười
Nga năm 1917.
- “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” đã chỉ ra những vấn đề trọng yếu về chiến lược, sách
lược của cách mạng vô sản; khái quát những nguyên lý cơ bản về con đường giải
phóng giai cấp vô sản và xây dựng xã hội tương lai cộng sản chủ nghĩa. Tuyên
ngôn khẳng định tinh thần cách mạng không ngừng và triệt để của cách mạng vô
sản; trình bày tư tưởng về hai cuộc cách mạng; về sự chuyển biến từ cuộc cách
mạng thứ nhất sang cuộc cách mạng thứ hai. Do đó Tuyên ngôn có ý nghĩa chỉ đạo
thực tiễn to lớn đối với các cuộc cách mạng vô sản. Tuyên ngôn vừa khẳng định
tính tất yếu phải tiến hành cách mạng vô sản, nhưng không nhất thiết phải sử
dụng các biện pháp như nhau và tiến hành nhất loạt ở tất cả các nước. Tuyên
ngôn cũng phác họa mô hình xã hội cộng sản trong tương lai.
- “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” đã vạch trần thực chất phản động, bảo thủ, lỗi thời của
các trào lưu tư tưởng phi mác-xít, trá hình dưới chiêu bài khác nhau về chủ
nghĩa xã hội để chống chủ nghĩa xã hội.
Qua 165 năm
lịch sử thế giới đón nhận tác phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của
Các-Mác và Ăng-ghen, vượt qua bao thử thách của những biến cố lịch sử, những
thăng trầm của phong trào cộng sản và công nhân thế giới đã khảo nghiệm và minh
chứng cho những giá trị bền vững vượt thời đại của những nguyên lý cơ bản trong
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đối với giai đoạn hiện nay và đối với công cuộc
đổi mới ở Việt Nam, tư tưởng của Các-Mác và Ăng-ghen trong “Tuyên ngôn của Đảng
Cộng sản” và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn nguyên giá trị chỉ
lối, soi đường trong thế kỷ XXI đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động
toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
2.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là bước phát triển tất yếu của lịch sử nhân
loại, là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản nêu trong “Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản”:
- Vào những
năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai
đoạn chủ nghĩa đế quốc, tăng cường bóc lột nhân dân lao động chính quốc, biến
các nước Á, Phi và Mỹ La tinh thành thuộc địa và phụ thuộc, gây chiến tranh để
phân chia lại thế giới. Những mâu thuẫn cơ bản trên thế giới giữa giai cấp vô
sản với giai cấp tư sản, mâu thuẫn giữa các nước thuộc địa với chủ nghĩa đế
quốc, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau, ngày càng tăng lên. Thế giới
xuất hiện những điều kiện khách quan làm bùng nổ cách mạng xã hội.
- Nước Nga
bước vào giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc ở
nước Nga ngày càng gay gắt. Giai cấp công nhân Nga trưởng thành, có chính đảng
lãnh đạo là Đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga. Nước Nga tham gia đại chiến thế
giới I (năm 1914 - 1918) và chịu thất bại về quân sự, suy sụp về kinh tế, làm
cho đời sống nhân dân ngày càng cực khổ, sự bất đồng xã hội ngày càng gay gắt.
Nước Nga trở thành nơi tập trung tất cả các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới, là
khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, tạo ra tình thế cách mạng trực tiếp.
- Đảng Công
nhân Xã hội dân chủ Bôn-sê-vich Nga đã được chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng và tổ
chức lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản. Được thành lập tháng 8 năm 1903, Đảng Công
nhân Xã hội dân chủ Bôn-sê-vích Nga trung thành với học thuyết Mác - Ăng-ghen,
xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, có tổ chức chặt chẽ, chủ trương
đấu tranh cách mạng giành chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản. Đảng Công
nhân Xã hội dân chủ Bôn-sê-vích Nga qua đấu tranh cách mạng đã trưởng thành
toàn diện, đủ sức lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành sự
nghiệp cách mạng vĩ đại nhằm thực hiện mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô
sản.
- Lênin,
lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã phân tích sâu
sắc thực tiễn nước Nga, chỉ rõ nước Nga đã bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa
và nhiệm vụ của những người cộng sản Nga là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng tư
sản kiểu mới, lật đổ ách thống trị của Nga hoàng và giai cấp tư sản, tiến tới
cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin phân tích sâu sắc tình hình chủ nghĩa đế
quốc, đã phát hiện ra quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc và
rút ra kết luận quan trọng: “ Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng vô
sản có thể thắng lợi trong một số ít nước, thậm chí trong một nước, không phải
là nước phát triển nhất, nhưng là khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ
nghĩa tư bản”3. Kết luận của Lênin về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản
đã cổ vũ những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga và
thế giới kiên trì mục tiêu cách mạng. Trong tác phẩm “Làm gì”, Lênin đã thể
hiện sự chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức, đề ra nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới
của giai cấp công nhân và các vấn đề về phương pháp tiến hành cuộc cách mạng vô
sản nước Nga.
- Phong
trào cách mạng và kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động châu Âu và thế giới, nhất là cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận của những
người cộng sản chống các trào lưu xét lại, cải lương, cơ hội… nhằm bảo vệ và
phát triển Học thuyết Mác cũng là cơ sở rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi
cho Cách mạng Tháng Mười Nga.
- Cuộc cách
mạng tư sản Nga Tháng Hai năm 1917 do giai cấp công nhân lãnh đạo giành thắng
lợi, chế độ phong kiến Sa hoàng sụp đổ, chính quyền được trao vào tay giai cấp
tư sản. Từ tháng 02 đến tháng 7 năm 1917, ở Nga có hai chính quyền song song
tồn tại. Chính phủ lâm thời trong tay giai cấp tư sản, các Xô viết đại biểu
công nhân và binh lính thuộc về nhân dân. Tình thế giành chính quyền bằng biện
pháp hòa bình kết thúc ngày 04 tháng 7 năm 1917 khi Chính phủ lâm thời tư sản
đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân. Tình thế cách mạng Nga chuyển hướng
hành động, chuẩn bị tích cực cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
- Ngày 25
tháng 10 năm 1917 (ngày 07 tháng 11 dương lịch), Cách mạng Tháng Mười Nga thành
công, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Đại hội II - Xô viết toàn Nga ban bố
Sắc lệnh về hòa bình kêu gọi các nước ngừng chiến tranh để đàm phán; Sắc lệnh
về ruộng đất cho nông dân; Tuyên bố về chính quyền của các dân tộc Nga, thừa
nhận quyền phát triển tự do và quyền bình đẳng của các dân tộc sống trên lãnh
thổ Nga. Những Sắc lệnh và Tuyên bố nêu trên thể hiện bản chất của Chính quyền
Xô viết là chính quyền của nhân dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, đáp ứng
yêu cầu, nguyện vọng, chính đáng của toàn thể nhân dân lao động.
- Sau khi
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nước Nga phải đương đầu với cuộc chiến
tranh can thiệp của 14 nước đế quốc câu kết với các lực lượng phản cách mạng
trong nước. Cuộc chiến tranh can thiệp của chủ nghĩa đế quốc vào Nga thất bại,
nội chiến kết thúc. Chính quyền Xô viết được bảo vệ. Ngày 30 tháng 12 tháng
1922, Đai hội các Xô viết toàn liên bang lần thứ nhất đã ký tuyên bố thành lập
Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, gọi tắt là Liên Xô. Trong 69 năm
tồn tại, Liên Xô đã trở thành cường quốc trên thế giới, đóng góp to lớn vào
phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ.
3.
Ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười:
Cách mạng
Tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử và thời đại to lớn, là sự kiện vĩ đại nhất
của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, báo
hiệu sự sụp đổ của chế độ người bóc lột người đã tồn tại hàng ngàn năm và mở ra
một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên
phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh các giai cấp, các
dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới và đã vạch ra con đường giải phóng cho các
giai cấp, các dân tộc bị áp bức trên hành tinh.
Thắng lợi
của Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm nổi bật tinh thần cách mạng triệt để và
tính khoa học sâu sắc là bản chất và nguồn sức mạnh vô địch của Chủ nghĩa Mác -
Lênin. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trong dịp Kỷ niệm 50 năm Cách mạng
Tháng Mười Nga: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng
khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất.
Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và
sâu xa như thế”4.
- Cách mạng
Tháng Mười Nga phá vỡ khâu yếu nhất của dây chuyền chủ nghĩa đế quốc, xây dựng
và bảo vệ thành công nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Từ đây, trên thế giới
dần hình thành hai hệ thống chế độ xã hội: xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội tư
bản chủ nghĩa, chấm dứt thời kỳ độc quyền thống trị của chủ nghĩa tư bản và chế
độ phong kiến. Tiếp sau Liên Xô, nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ La tinh đã
lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển, hình thành hệ thống xã
hội chủ nghĩa thế giới.
- Cách mạng
Tháng Mười Nga đã mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa
trên toàn thế giới. Vào đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc
khỏi ách nô dịch, bóc lột của các nước đế quốc là nhu cầu cấp thiết của các
quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và quan điểm
của Lênin trong “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đã chỉ cho các
dân tộc bị áp bức con đường đấu tranh để đạt các mục tiêu của dân tộc. Dưới ảnh
hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô vĩ
đại, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ, trở
thành dòng thác cách mạng của thời đại, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất
bại chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập
dân tộc, hướng tới chủ nghĩa xã hội.
- Cách mạng
Tháng Mười Nga thành công, sự ra đời Nhà nước Xô viết và bước phát triển to lớn
của Liên Xô sau cách mạng, thể hiện đầy đủ sức mạnh và tính ưu việt của chủ
nghĩa xã hội. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sự ra đời Nhà nước Xô
viết đầu tiên trên thế giới. Liên Xô đã là thành trì của chủ nghĩa xã hội, là
chỗ dựa vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu
tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sức mạnh toàn diện và tính ưu
việt của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười
đã tác động lớn đến sự phát triển của các phong trào cách mạng trên thế giới
trong thế kỷ XX. Trải qua 95 năm, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có những cống
hiến vô giá cho nhân loại, giải phóng 1,5 tỷ người thoát khỏi chế độ áp bức,
bóc lột; tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi họa diệt chủng; đánh
bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, giải phóng hàng chục quốc gia thoát khỏi cảnh
nô lệ và buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh; là chỗ dựa vững chắc, là lực
lượng tiên phong đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển,
giúp các dân tộc, quốc gia ngăn chặn các thế lực phản động quốc tế gây chiến
tranh xâm lược, tạo thêm tiền đề cho các quốc gia, dân tộc tăng cường xây dựng
mối quan hệ theo hướng bình đẳng, hợp tác, phát triển.
- Cách mạng
Tháng Mười Nga thành công và sự ra đời Nhà nước Xô viết là sự kết hợp giữa
những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin với việc vận dụng sáng tạo
vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước Nga, đã cung cấp cho các cuộc cách mạng
sau đó những bài học kinh nghiệm quý báu. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công
là sự thể nghiệm thắng lợi Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn, đã cung cấp
những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội của các quốc gia, dân tộc. Đó là những bài học về xây dựng đảng
của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, tổ chức lực lượng cách mạng, nắm vững
thời cơ cách mạng, phát động khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền thật sự về
tay nhân dân; bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chống thù trong, giặc
ngoài; thiết lập hình thái kinh tế - xã hội mới.
II.
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
1.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam:
- Đầu thế
kỷ XX, giữa lúc phong trào yêu nước Việt Nam đang khủng hoảng sâu sắc về đường
lối thì ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga rọi chiếu đến nước ta. Lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân
tộc và thuộc địa” của Lênin đã nhận ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng
dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”5; “Chỉ có chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các giai cấp bị áp bức và
những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”6 và “Mãi mãi đi theo con
đường của Lênin vĩ đại”. Từ đó, Chủ nghĩa Mác - Lênin truyền vào Việt Nam, kết
hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đưa đến sự ra đời của Đảng
Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt quyết định cho cách mạng Việt Nam.
- Sự ra đời
Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 cùng với phong trào cách mạng đã đưa đến thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, chống đế quốc
Mỹ thắng lợi năm 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã
hội và ngày nay đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới để xây dựng, bảo vệ, phát triển
đất nước. Đó là những cột mốc quan trọng thể hiện cách mạng Việt Nam đã kế tục
vẻ vang sự nghiệp Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhân dân Việt Nam rất tự hào
tiếp tục giương cao ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười Nga. Là một dân tộc tiên
phong trên tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc, Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng cho
các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập dân tộc trên toàn thế giới noi theo.
2.
Cách mạng Tháng Mười Nga khởi đầu sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của
Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam:
- Trong sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô. Tình
đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Liên Xô được nảy nở từ Cách mạng Tháng
Mười Nga, không ngừng được củng cố và phát triển.
- Cách mạng
Tháng Mười và Nhà nước Xô viết đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc, những người cộng sản và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đồng chí Tôn Đức Thắng là
người Việt Nam
đầu tiên kéo cờ đỏ trên chiến hạm của Pháp để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Quốc
tế Cộng sản và Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều nhà lãnh đạo cách mạng
tiền bối như Đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh
Khai… Thắng lợi quân sự của Hồng quân Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít tạo điều
kiện vô cùng thuận lợi cho Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thành công.
- Đảng, Nhà
nước và nhân dân Liên Xô luôn đi đầu, cùng với các nước xã hội chủ nghĩa, phong
trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân
dân lao động toàn thế giới đã dành cho cách mạng Việt Nam sự cổ vũ to lớn, trực
tiếp, hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây
dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải
phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ
nghĩa xã hội, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về chính trị, quân
sự, ngoại giao, góp phần quan trọng vào chiến thắng đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu
của nhân dân Việt Nam trên tuyến đầu chống chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ thắng lợi đã góp phần mở đường cho phong trào độc lập dân tộc, tạo điều kiện
thuận lợi để Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em xây dựng và phát triển
đất nước, tạo ra cân bằng về chiến lược quân sự với các nước tư bản chủ nghĩa,
ngăn chặn âm mưu gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, góp phần quan trọng vào
sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới.
- Đảng, Nhà
nước và nhân dân Liên Xô đi đầu trong việc giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả
chiến tranh, cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội: Viện trợ nhiều
hàng hóa, vật tư, thiết bị; cử nhiều đoàn chuyên gia giúp phát triển các lĩnh
vực kinh tế quan trọng; đào tạo các thế hệ cán bộ, xây dựng nhiều công trình
kinh tế - xã hội quan trọng.
- Tình đoàn
kết, hữu nghị, hợp tác, phát triển Việt Nam - Liên Xô trong nhiều thập kỷ
đã là mẫu mực của quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa quốc tế vô sản giữa hai dân
tộc cùng chung lý tưởng, trong sáng, thủy chung. Mỗi bước đường thắng lợi của
cách mạng Việt Nam
đều ghi lại dấu ấn quan trọng sự đóng góp nhiều mặt của nhân dân Liên Xô anh
em. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tôn vinh, biết
ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, to lớn, toàn diện, hiệu quả của Liên
Xô. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô đã được lý tưởng Cách mạng Tháng Mười và tư
tưởng Lênin vĩ đại soi sáng; được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công
xây dựng, vun đắp trở thành truyền thống quý báu, có tác dụng thiết thực đối
với các bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam.
III.
KIÊN ĐỊNH, VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA “TUYÊN
NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”; TRUNG THÀNH VỚI LÝ TƯỞNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA,
TĂNG CƯỜNG CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN TRONG THỜI
KỲ MỚI
- Sau năm
1991, tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc có lợi cho chủ
nghĩa tư bản. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại diễn ra mạnh mẽ,
cuốn hút tất cả các nước ở những mức độ khác nhau. Xu thế toàn cầu hóa vừa tạo
thời cơ hội nhập và phát triển nhanh cho các nước, vừa đặt ra những thách thức
gay gắt, nhất là đối với những nước đang và kém phát triển. Hiện tại, chủ nghĩa
tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức,
bốc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất
là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với
chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà
ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục
xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của
nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Trong giai đoạn
hiện nay, cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung
đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can
thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh
tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp. Chủ nghĩa xã hội
đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước
quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đó
là quy luật tiến hóa phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xu thế hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là khát vọng của nhân
loại và là nhân tố quyết định làm thất bại làm mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ
nghĩa đế quốc.
- Sau năm
1991 là thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và phong trào cộng sản quốc
tế khắc phục khủng hoảng, thoái trào để tiếp tục phục hồi và phát triển trên
một trình độ mới thông qua cải cách, đổi mới để phát triển. Chủ nghĩa xã hội
trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và
sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển
mới. Với tư tưởng gắn cải cách, đổi mới với sự nghiệp giải phóng, sáng tạo và
phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa; Việt Nam, đã vận dụng sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin phù hợp với tình hình đất nước, đề ra các biện pháp đột phá
để giải quyết các vấn đề của mình trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng, con
đường xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn của Việt Nam và một số nước
trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; sự phục hồi của các đảng cộng sản,
đảng cánh tả ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Âu; xu hướng cánh
tả và hướng theo chủ nghĩa xã hội của nhiều nước châu Mỹ La tinh… đã khẳng định
sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Cách mạng Tháng Mười; khẳng
định sức sáng tạo và tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội.
- Từ năm
1991 đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đứng trước những thử thách mới nghiêm
trọng. Hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đang bị tiến công, xuyên tạc, bôi nhọ từ
nhiều phía. Lý tưởng cộng sản và Đảng Cộng sản đang bị công kích thô bạo, bỉ ổi
từ các thế lực chống cộng cuồng tín, hận thù. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và
các lực lượng phản động quốc tế đang dấy lên chiến dịch kết tội chủ nghĩa cộng
sản. Với Việt Nam, chúng gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc;
đồng thời cấu kết với các phần tử cơ hội chính trị trong nước lợi dụng việc
chống tham nhũng và dân khiếu kiện để chống phá chế độ ta. Trong bối cảnh đó,
việc Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và 165 năm “Tuyên ngôn của Đảng
Cộng sản” là việc làm hết sức thiết thực, có ý nghĩa nhiều mặt. Chúng ta đã
nhận thức rõ rằng: Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga là cội nguồn sâu xa
dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, thắng lợi của
hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thắng lợi của công cuộc đổi mới
đất nước hiện nay. Những thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong
95 năm qua, nhất là thành tựu cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa và
Việt Nam thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sức sáng tạo,
năng lực tự đổi mới và những đóng góp của các nước xã hội chủ nghĩa cho hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội. Công cuộc đổi mới
nước ta trong hơn 26 năm qua là minh chứng sinh động về sự trung thành và vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn,
những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, những kinh nghiệm từ sự
thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực vào thực tiễn xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười
Nga và 165 năm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” cũng là dịp để chúng ta triển
khai mạnh mẽ cuộc đấu tranh ý thức hệ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và
kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đi tới
xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực
thù địch chống phá cách mạng của Đảng và nhân dân ta là độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội; củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo ra
động lực mới trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY BÌNH TÂN - TP. HỒ CHÍ MINH
___________________________________________
1:
Mác-Ăngghen, Tuyển tập, T1, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1980, trang 547.
2. Mác-Ăngghen,
Tuyển tập, T1, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1980, trang 555.
3. V.I
Lênin: Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản.
4. Hồ Chí
Minh toàn tập, tập 12, trang 300.
5. Hồ Chí
Minh toàn tập, tập 9, trang 314.
6. Hồ Chí
Minh toàn tập, tập 10, trang 128.