Những bài học kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vận dụng ở Việt Nam
- 1. Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Ngày 07-11-1917, tức ngày 25-10 lịch Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (B) Nga đứng đầu là V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới, đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn, đã để lại những phương pháp cũng như những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội:
Một là, "trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi" (1) . Đảng đó là Đảng Cộng sản, "Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động..."(2). "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bản chỉ nam" (3). Hai là, liên minh công nông và trí thức là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho thắng lợi của cách mạng. Ba là, sử dụng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền và bảo vệ chính quyền.Bốn là, nghệ thuật chọn đúng thời cơ khởi nghĩa còn hết sức quan trọng vì thời cơ đó có thể qua đi rất mau. Lê-nin trong buổi chiều 24/10/1917 đã viểt rõ: “Rõ ràng hơn ban ngày là hiện nay nếu khởi nghĩa thì thật là xuống hố… lịch sử sẽ không tha thứ cho các nhà cách mạng nếu chậm trễ, họ có thể thắng ngày hôm nay (và nhất định sẽ thắng ngày hôm nay) nếu chậm đến ngày mai thì sẽ mất nhiều và có thể mất hết”. Tháng 6 -1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô tận mắt chứng kiến những thành tựu vĩ đại do Cách mạng Tháng Mười mang lại trên đất nước Xôviết. Người đã rút ra kết luận: Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và đã thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật; không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Bởi vậy, muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Nguyễn Ái Quốc coi Cách mạng Tháng Mười Nga, coi chủ nghĩa Mác-Lênin, là “cẩm nang thần kỳ” nhưng không phải theo nghĩa đơn giản rằng trong đó đã chứa sẵn những công thức, những khuôn mẫu, những ''đơn thuốc'' kê sẵn... mà phải biết vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước: “Mác đã xây dựng một học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải toàn thể nhân loại…Xem lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(4).
2. Nguyễn Ái Quốc vận dụng những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam (8-1945)
- Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo
Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công phải có: “… sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”(5). Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Mác, Ăng ghen, Lê-nin khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga Lênin đã vận dụng rất thành công. Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(6). Rời nước Nga, ngày 11-11-1924, Hồ Chí Minh về đến Quảng Châu (Trung Quốc), mang theo những khát vọng về giải phóng, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về tình đoàn kết quốc tế của Lê-nin vĩ đại để thực hiện ở Việt Nam. Từ Quảng Châu - trung tâm cách mạng của Châu Á, Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính Đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít Lê-nin nít. Người đã gặp tại đây “vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi năm nay... Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng”(7).Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc cho rằng để xây dựng Đảng Cộng sản, trước hết phải giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng chính trị và phương pháp tổ chức cho những người yêu nước; phải giác ngộ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam theo lập trường cách mạng vô sản… Trong quá trình huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc không chỉ truyền bá lý luận Mác-Lênin vào công nhân mà còn truyền bá vào các tầng lớp trí thức yêu nước. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.Tuy nhiên, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia là nguy cơ dẫn đến chia rẽ trong phong trào công nhân, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Yêu cầu bức thiết lúc đó là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Thay mặt cho Quốc tế Cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, đưa đến thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 30 của thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời phản ánh sự kết hợp giữa cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX. Sự ra đời của Đảng chứng tỏ sự sáng tạo của Người trong việc kết hợp 3 nhân tố: Phong trào yêu nước, phong trào công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin. Nó chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối yêu nước và là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
- Tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng
Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười Nga: “ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất nước. Thành lập mặt trận dân tộc thống nhất, để huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Công nông là gốc, liên minh với các giai tầng khác phải chú ý đến lợi ích của giai cấp công - nông và của dân tộc. Chủ trương tập hợp lực lượng của Nguyễn Ái Quốc phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người. Năm 1942, Người chủ trương già, trẻ, gái, trai, dân, lính đều tham gia đánh giặc. Năm 1944, Người viết: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân”. Thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc với việc thành lập Mặt trận dân tộc mà thời kì trước đó đã tiến hành với nội dung hình thức thích hợp, Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp lớn vào việc quyết định và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho “Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và lời Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc, ngày 6.6.1941, đã làm dấy lên phong trào cách mạng trong cả nước. Mọi người ra sức thực hiện Nghị quyết của Đảng và lời kêu gọi của Người: “Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng các bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”(8).
- Tự chủ và sáng tạo, tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại.
Sau khi phát xít Đức đầu hàng 9.5.1945, quân Đồng minh tiến hành phản công trên mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 8.8.1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 6.8 và 9.8, Mĩ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima và Nagasaki; cũng trong ngày, Hồng quân Liên Xô mở cuộc tổng công kích vào đạo quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 14.8.1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Tin Nhật đầu hàng đã nhanh chóng lan truyền trong nhân dân. Khắp nơi trên đất nước ta, Việt Minh tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang, có tới hàng nghìn quân tham gia. Hàng triệu quần chúng sẵn sàng đứng lên giành chính quyền. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Nhiều lính trong quân đội phát xít và lính bảo an, cảnh sát, các công chức trong chính quyền bù nhìn ủng hộ Việt Minh giành độc lập.
- Nắm vững nghệ thuật chọn đúng thời cơ để khởi nghĩa
Trước tình hình như vậy, mặc dù đang ốm nặng Hồ Chí Minh vẫn quyết định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(9). Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi to lớn, cách mạng cũng đứng trước những khó khăn không nhỏ. Mặc dù chính phủ Nhật đã đầu hàng Đồng minh nhưng mãi đến 21.8 quân Nhật ở Đông Dương mới được lệnh ngừng bắn. Vì thế quân Nhật ở Hà Nội vẫn đi tuần, canh gác nghiêm ngặt. Ngay 16.8, Nhật tuyên bố trao trả Nam Kỳ cho chính phủ bù nhìn vào ngày 18.8, bày trò “trao trả độc lập cho Việt Nam”. Các tổ chức phản động cũng tìm cách phá phong trào cách mạng của nhân dân ta. Trong khi đó các nước lớn như Mĩ, Anh, Pháp, Trung Hoa Quốc dân Đảng cũng có mưu đồ riêng đối với Đông Dương. Chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch ráo riết chuẩn bị “Hoa quân nhập Việt” và ngày 9.8.1945 đã ra thông báo sẽ đưa quân vào giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Đông dương theo thỏa thuận giữa các nước Đồng minh chống phát xít. Trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, ngày 12.8.1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa. Ngày 13.8, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Vào 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh khởi nghĩa toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và các nhà nước dân chủ khác, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lê-nin vĩ đại … là vô cùng sâu sắc”(10).
Ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đang tiếp tục chiến đấu để bảo vệ, xây dựng và phát huy những thành quả tốt đẹp và vô cùng quý báu do Cách mạng Tháng 10 và Tháng 8 mang lại. Đường đi tuy vẫn còn không ít chông gai nhưng không có gì có thể cản lại sự phát triển tất yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có nhiều sự kiện lịch sử, khoa học, có nhiều dấu hiệu cho thấy Chủ nghĩa xã hội nhân đạo, ưu việt sẽ chiến thắng.
____________________
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1995, T 2, tr 267-268
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 6, tr175
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 2, tr268
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 1, tr465
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 12, tr303
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 12, tr267-268
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 2, tr8
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T 3, tr198
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, tr. 421-422.
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T12, tr309
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét