Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Ngọn cờ hiệu triệu hòa bình

Ngọn cờ hiệu triệu hòa bình

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt, không chỉ vạch mốc thời đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc bị nô dịch, phụ thuộc trên thế giới, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu của thời đại mới, thời đại đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Ngọn cờ hiệu triệu hòa bình của thời đại mới

Cách mạng Tháng Mười nổ ra khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bước vào giai đoạn quyết liệt, hai phe đế quốc đang xâu xé nhau dữ dội. Cách mạng Tháng Mười đã "chặn lại những bàn tay chém giết" và chấm dứt chiến tranh đúng với mong muốn của nhân loại. Một trong những khẩu hiệu mà Cách mạng Tháng Mười giương cao là: hòa bình, phản đối chiến tranh, chấm dứt chiến tranh đế quốc. Bởi vậy, Cách mạng Tháng Mười đã giành được thiện cảm sâu sắc của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở châu Âu và cả nhân loại tiến bộ, tạo ra phong trào phản chiến ngày càng lớn ở châu Âu lúc bấy giờ.

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Nhà nước Xô-viết đã thực hiện những nguyên tắc mới trong quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia. Hành động đầu tiên của chính quyền Xô-viết là thông qua Sắc luật về hòa bình của V. I. Lê-nin (đăng trên báo Sự thật, số 171, ngày 28-10-1917).

Trong Sắc luật về hòa bình, V. I. Lê-nin không chỉ lên án những hành động xâm chiếm của các nước đế quốc, mà còn kịch liệt phê phán sự cưỡng bức dân tộc, coi đó cũng như "một cuộc xâm chiếm và một hành vi bạo lực"(1). Tiếp tục tiến hành chiến tranh để phân chia quyền lợi của giai cấp tư sản, theo V. I. Lê-nin, đó là "một tội ác lớn nhất đối với nhân loại"(2). Trong Sắc luật về hòa bình, V. I. Lê-nin kêu gọi tất cả các nước tham gia chiến tranh tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hòa ước dân chủ và công bằng, không có thôn tính (không xâm chiếm đất đai, không cưỡng ép sáp nhập các dân tộc khác). V. I. Lê-nin khẳng định: "Chính phủ Nga rất sẵn sàng tiến hành ngay không chút chậm trễ tất cả các bước quyết định, cho đến khi các hội nghị đại biểu toàn quyền do nhân dân tất cả các nước và các dân tộc cử ra phê chuẩn cuối cùng tất cả các điều kiện của hòa ước đó"(3).

Sắc luật về hòa bình nói lên bản chất của chủ nghĩa xã hội là yêu chuộng hòa bình, đối lập với bản chất của chủ nghĩa đế quốc là chiến tranh, xâm lược. Sắc luật về hòa bình đã nêu những nguyên tắc của một kiểu quan hệ quốc tế mới, được đề ra không phải trên cơ sở các dân tộc lớn áp bức các dân tộc nhỏ, yếu, mà là trên nền hòa bình của tất cả các dân tộc và sự bình đẳng của các quốc gia, dân tộc. Chính sách ngoại giao của chính quyền Xô-viết cũng được trình bày rõ trong văn kiện ấy. Với niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa của hòa bình và dân chủ, V. I. Lê-nin kết luận: "Phong trào công nhân sẽ giành được phần thắng và sẽ vạch ra con đường đi tới hòa bình và chủ nghĩa xã hội"(4). 
Cách mạng tháng 10 Nga, vô sản, người lao động
Cách mạng Tháng Mười Nga - ngọn cờ hiệu triệu hòa bình cho nhân loại
Không chỉ dừng lại ở Sắc luật có tính chất văn bản pháp lý, chính quyền Xô-viết đã kiên trì phấn đấu trong thực tiễn để đạt tới mục tiêu hòa bình, kể cả việc phải ký hòa ước, trong đó nước Nga Xô-viết phải chấp nhận những thiệt thòi về đất đai, kinh tế như Hòa ước Brét Li-tốp đầu năm 1918. Thực tế cho thấy, việc công bố Sắc luật về hòa bình và toàn bộ nỗ lực của Nhà nước Xô-viết đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc. Lập lại nền hòa bình, nước Nga có điều kiện thuận lợi để củng cố chính quyền nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội, tập trung lực lượng đập tan sự phản kháng của bọn phản cách mạng. Chiến thắng trong cuộc nội chiến ác liệt bốn năm, chính quyền Xô-viết được củng cố. Nhân dân lao động Nga và nhân dân các dân tộc thuộc Nga một lần nữa thoát khỏi thảm họa chiến tranh, thoát khỏi nguy cơ trở lại ách bóc lột của địa chủ, tư sản phản động. Về sau, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã giương cao, giữ vững ngọn cờ hòa bình ấy.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô-viết mà từ ngày 30-12-1922 là Liên Xô, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa cách mạng và phản cách mạng bước sang một giai đoạn mới, quyết liệt hơn. Chủ nghĩa tư bản buộc phải điều chỉnh, không thể "làm mưa làm gió" như trước được nữa. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng vô sản mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười và phong trào giải phóng dân tộc đã thu hẹp "hậu phương" của chủ nghĩa đế quốc, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc sụp đổ từng mảng lớn. Các dân tộc từng bị thực dân nô dịch nay "hiên ngang bước lên vũ đài quốc tế", trở thành lực lượng đưa thế giới phát triển theo xu hướng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, do chủ nghĩa phát-xít gây ra. Nhiều quốc gia trên các châu lục bị cuốn vào cuộc chiến tàn khốc. Để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cứu nhân dân thế giới khỏi họa diệt chủng, giương cao ngọn cờ hòa bình của Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã hy sinh nhiều người, nhiều của, đóng góp lớn nhất trong lực lượng Đồng minh để làm nên chiến thắng chung của thế giới. "Việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã mở ra những khả năng mới cho cuộc đấu tranh của các dân tộc và hòa bình dân chủ, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội"(5).

Sự phát triển mạnh mẽ và thần kỳ của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa Liên Xô trở thành biểu tượng, trụ cột của nền hòa bình thế giới, ghi những dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Đất nước Xô-viết đã đạt những thành tựu kỳ diệu trên mọi lĩnh vực, chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học - kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, vấn đề đặt ra nóng bỏng trước nhân loại là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân mới đã thực thi chính sách giành giật thị trường, ngăn cản các quốc gia thực hiện nền độc lập tự chủ, ngăn cản phong trào giải phóng dân tộc, kìm hãm xu hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc (mà họ gọi là "ngăn chặn làn sóng đỏ"), kìm giữ nhân dân các nước trong quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa đế quốc đã sử dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những thành tựu của loài người vào cuộc chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí giết người hàng loạt; theo đuổi các chính sách, tư duy hiếu chiến, xâm lược nhiều quốc gia độc lập có chủ quyền. Thế giới trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh cục bộ đẫm máu bắt nguồn từ bản chất hiếu chiến và dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc: chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Triều Tiên,... Nhưng xu thế phát triển của thế giới là không thể đảo ngược: sự lớn mạnh của các quốc gia độc lập trẻ tuổi; sự tăng lên về vai trò, vị trí của các nước đang phát triển; sự hình thành và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ngăn chặn sự áp bức, bóc lột, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc trên một phạm vi rất lớn của thế giới, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội đạt được những thắng lợi to lớn. Nhờ sự hợp lực đấu tranh của các nước xã hội chủ nghĩa, của loài người tiến bộ, chiến tranh thế giới đã không xảy ra, hòa bình thế giới về cơ bản vẫn được giữ vững. Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới với bản chất yêu chuộng hòa bình, đã trở thành thành trì vững chắc của hòa bình thế giới, người bảo vệ kiên quyết nhất các nguyên tắc công bằng, hòa bình, dân chủ trong quan hệ quốc tế và là trở lực chủ yếu đối với các thế lực phản động quốc tế.

Có thể khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử, chủ nghĩa xã hội đã xây dựng thành công một kiểu mẫu về quan hệ quốc tế hoàn toàn mới: Đó là mối quan hệ quốc tế dựa trên tình đoàn kết giai cấp, tình hữu nghị giữa các dân tộc, sự hợp tác và tương trợ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ xã hội mới, vì hòa bình, an ninh quốc tế và tiến bộ xã hội, sự bình đẳng và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước. Chính mối quan hệ này là tác nhân tích cực thúc đẩy các nước trong cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn trong quá trình phát triển, phong trào hòa bình thế giới đã hình thành được những lực lượng hùng hậu.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, sau khi nhà nước xã hội chủ nghĩa được khai sinh từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đặc biệt là từ sau năm 1945, khi nhiều nước giành được độc lập, đã lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Hệ thống này đã có vai trò rất quan trọng và cống hiến to lớn đối với tiến trình thực hiện các mục tiêu nóng bỏng của nhân loại là: hòa bình, an ninh và phát triển. Hòa bình vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội đã khai sinh ra một kiểu quan hệ quốc tế mới, sớm nêu lên và thực hiện một cách mẫu mực nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau. Nguyên tắc này còn bao hàm sự phủ nhận chiến tranh với tư cách là phương tiện thực hiện chính sách đối ngoại của các nước đế quốc, đồng thời thừa nhận quyền của tất cả các dân tộc được tự mình giải quyết vận mệnh của mình, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển sự hợp tác bình đẳng giữa các nước. Mặt khác, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã nâng cuộc đấu tranh cho hòa bình thế giới lên tầm cao mới khi gắn hòa bình với các mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Như vậy, có thể thấy, chủ nghĩa xã hội "sinh thành" từ nước Nga Xô-viết đã trở thành một thực thể quan trọng cấu thành nền chính trị thế giới và tác động sâu rộng đến quan hệ quốc tế, đến sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã nhân lên sức mạnh của phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, sự sống và nền văn minh nhân loại, chống chiến tranh và nguy cơ chiến tranh, góp phần củng cố, phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các dân tộc.

Tiếp tục phất cao ngọn cờ hòa bình của Cách mạng Tháng Mười

Kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, sau khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, thế giới đã có những biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trong trật tự thế giới mới đã diễn ra xu hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hòa hoãn, bình thường hóa, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và phát triển, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, chiến tranh cục bộ, khu vực. Các vấn đề toàn cầu ngày càng gay gắt, đòi hỏi sự hợp sức của tất cả các quốc gia. Mỗi quốc gia đều phải tham gia đấu tranh để tiến tới thiết lập một trật tự quan hệ quốc tế công bằng hơn, trong đó, mỗi nước đều có vai trò, đóng góp cần thiết trong việc giải quyết các công việc chung của thế giới, trên nền tảng Hiến chương của Liên hợp quốc và các cam kết khu vực, quốc tế. Khi những sự việc xảy ra gần đây xung quanh vấn đề Xy-ri, từ nước Nga, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã có bài viết gửi tờ New Yorks Times (Mỹ), nhấn mạnh một trong những nguyên tắc để giải quyết vấn đề khủng hoảng chính trị cũng như xung đột vũ trang là phải tôn trọng Hiến chương của Liên hợp quốc, tôn trọng những giá trị dân chủ của mỗi quốc gia, dân tộc, trên nguyên tắc bình đẳng, đề cao giải pháp chính trị và giương cao ngọn cờ hòa bình: "Những người sáng lập Liên hợp quốc hiểu rõ rằng những quyết định về chiến tranh và hòa bình cần phải đạt được sự nhất trí,... Điều đúng đắn này chính là nền tảng cho sự ổn định trong mối quan hệ quốc tế suốt hàng thập niên qua". Và rằng, khi giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu, "Chúng ta phải dừng ngay việc sử dụng vũ lực để trở lại với con đường ngoại giao và giải pháp chính trị"; "Có nước lớn, nước nhỏ, có nước giàu nước nghèo, có nước có truyền thống dân chủ lâu dài, và có nước mới chỉ đang đi trên con đường hướng tới dân chủ. Chính sách của mỗi nước cũng sẽ khác nhau. Chúng ta đều khác nhau, nhưng khi mỗi chúng ta nhận ơn từ Tạo hóa, chúng ta không được phép quên rằng Tạo hóa đã sinh ra chúng ta bình đẳng"(6).

Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, suốt gần 7 thập niên qua (1945 - 2013), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã làm hết sức mình để hiện thực hóa những tuyên ngôn về hòa bình của Cách mạng Tháng Mười và của Tuyên ngôn độc lậpngày 2-9-1945 trên đất nước mình và cho những mục tiêu cao cả của thời đại. Với khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và củng cố hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước đã có tiếng vang lớn, được sự ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều vận hội, thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức, nguy cơ không thể xem thường. Đại hội XI của Đảng nhận định: "Nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu, như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp... Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo ngày càng gay gắt"(7). Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng sự nghiệp đổi mới, tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế cũng là quá trình Việt Nam nhận thức sâu sắc phải thực thi có hiệu quả, tích cực hơn nữa việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới bằng chính thực lực của đất nước được tạo ra sau gần 30 năm đổi mới, bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.

Từ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định, để bảo vệ vững chắc nền hòa bình, giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu không chỉ là trách nhiệm của riêng một quốc gia nào, mà đòi hỏi sự hợp sức, nỗ lực của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế: cùng tồn tại hòa bình, tương trợ, giúp đỡ nhau nhưng không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không phân biệt đối xử trong các quan hệ quốc tế; bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết những bất đồng, xung đột bằng con đường ngoại giao, đàm phán hòa bình với tinh thần thiện chí, nhân văn; đề cao độc lập, tự chủ, nhưng không biệt lập trong quan hệ quốc tế. Đó cũng chính là sự tiếp nối và phất cao ngọn cờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Cách mạng Tháng Mười Nga trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại./.
TS Đỗ Xuân Tuất (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)
TheoTạp chí Cộng Sản
--------------------------------------

(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 35, tr. 15

(2) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 35, tr. 15

(3) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 35, tr. 14

(4) V. I. Lê-nin: Sđd, t. 35, tr. 19

(5) Cương lĩnh, Điều lệ Đảng Cộng sản Liên Xô (được Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua), Nxb. Sự thật - Nxb. Thông tấn Nô-vô-xti, Mát-xcơ-va, 1986, tr. 10-11

(6) Xem Bài viết của V. Pu-tin trên New York Times: vnexpress.net/.../bai-viet-cua-putin-tren-new-york-times-2879043.html, ngày13-9-2013

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 27-29

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét