Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam

Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam




Quá trình “khai hoá văn minh” ở các nước nhược tiểu và ra sức bóc lột chính quốc, chủ nghĩa đế quốc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặt nhân loại trước khó khăn, thách thức lớn và con đường chung tất yếu của các dân tộc bị áp bức là giải phóng khỏi chế độ bóc lột, áp bức, bất công, thực hiện mục tiêu hoà bình, độc lập, tự do và phát triển. Đáp ứng yêu cầu trên, nhiều tư tưởng, mô hình, phương án để thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa đã lần lượt xuất hiện, trong đó có tư tưởng Hô-xê Mác-ti (Cuba, 1853-1895) chủ trương chống đế quốc, xây dựng một chế độ xã hội của tất cả và cho mọi dân nghèo trên thế gian; tư tưởng tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc, 1866-1925); tư tưởng dân chủ - xã hội cách mạng châu Âu; tư tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc của đông đảo quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh... Kết tinh của mọi tư tưởng giải phóng và phát triển tiến bộ của thời đại, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra, đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu bức bách của lịch sử đặt ra, xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, đưa “một bóng ma ám ảnh châu Âu” trở thành hiện thực ở nước Nga, mở ra chân trời mới cho mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Cuộc cách mạng 10 ngày làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây truyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng, đó là lần đầu tiên liên minh công nhân - nông dân - binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân nước Nga đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga Hoàng, lập ra nhà nước Nga Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đồng thời mở ra thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây là chế độ tốt đẹp nhất trong lịch sử và chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại.
Thành công của cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đến Việt Nam thông qua vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, cuối năm 1917, Người trở lại Pháp hoạt động. Như tiếng sấm mùa xuân, cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vừng dậy đấu tranh, giải phóng dân tộc và gây sự chú ý đối với Nguyễn Ái Quốc!
Sau sự kiện này, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1919, Quốc tế thứ ba được thành lập, đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với khuynh hướng cơ hội hữu khuynh và chủ nghĩa sô-vanh của Quốc tế thứ hai cũng gây ảnh hưởng lớn đối với Nguyễn Ái Quốc. Tiếp đó, tháng 7-1920, Người đã đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang tìm kiếm bấy lâu nay. Luận cương Lênin như luồng ánh sáng mới đầy hy vọng và tin tưởng! Về sau Người nhớ lại:“Luận cương của Lênin là cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biêt bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:“Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! đây là cái cần thiết của chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, đi theo con đường cách mạng mà Lênin đã lựa chọn. Người đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nới, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[2]. Người còn khẳng định: Cách mạng Tháng Mười như tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mơ hàng thế kỷ, trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa lớn và sâu xa như thế. Đồng thời, Người cũng chỉ ra: Cách mạng Tháng Mười như một mẫu mực tuyệt vời về khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền; về phương pháp cách mạng - phương pháp dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và chế độ phong kiến địa chủ, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới - xã hội không còn người bóc lột người...
Từ nhãn quan chính trị thiên tài cùng với những nhận định, cách nhìn biện chứng, trên cơ sở phân tích đánh giá khoa học và những trải nghiệm thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cách mạng vô sản. Đây là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người, mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN.
Từ ngọn lửa cách mạng Tháng Mười Nga thắp sáng và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời. Với đường lối đúng đắn ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả dân tộc Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chế độ phát xít, thực dân và phong kiến tay sai gần thế kỷ, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1945, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược năm 1954-1975. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sức công phá của dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra đã làm hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa thực dân đế quốc thiết lập trong suốt 5 thế kỷ (từ 1492) đã bị sụp đổ hoàn toàn trong vòng chưa đầy 5 thập kỷ. Lịch sử thế giới hiện đại không thể không khắc ghi công lao và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga!

Sau năm 1975, cả nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước Đông Âu vẫn là “tấm gương lớn” để nước ta học tập và noi theo. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, một tổn thất nặng nề trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và CNXH thế giới. Nhận thức sâu sắc được nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm sau sự sụp đổ của CNXH hiện thực và sự tan rã của các Đảng Cộng sản cầm quyền ở Đông Âu và Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong xây dựng CNXH ở Việt Nam, Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước và lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới với bước đi cụ thể và nguyên tắc chỉ đạo sát hợp với điều kiện cụ thể nước ta.

Tiếp tục quán triệt đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội mà Đại hội lần thứ VII của Đảng đã xác định mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng gồm 6 đặc trưng và bảy phương hướng. Trong đó xác định kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì định hướng XHCN và chính thức đưa vào văn kiện “Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI, Đảng ta xác định ngày càng sáng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tiếp tục bổ sung phát triển mô hình xã hội XHCN mà Đại hội VII đã đưa ra. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang nỗ lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa gần 30 năm đổi mới đất nước, hiện trạng và vị thế của nước ta trong khu vực và thế giới là minh chứng con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc ta đồng tâm lựa chọn. Đây cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa và giá trị hiện thực của Cách mạng Tháng Mười, của Lênin vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Kiên định theo con đường và phát huy bài học sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ cuối thế kỷ XX đến nay, các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cộng sản thế giới tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và cải cách chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực. Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức đúng đắn hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của chủ nghĩa xã hội được xác định một cách chân thực hơn; xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, khách quan hơn. Cách mạng Tháng Mười - ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực đã ăn sâu vào tâm thức và trở thành biểu tượng thiêng liêng của nhiều thế hệ người Việt Nam. 

Phạm Thị Nhung, Trần Bá Đồng
Trường sĩ quan Lục quân 2



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t10, tr.127.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.280

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét