Với tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn, hơn nửa thế kỷ qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quân sự, các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh của nhiều nước trên thế giới, kể cả các tướng lĩnh Pháp đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường Đông Dương ở thời kỳ này. Cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhiều sách, báo được công bố có liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ.
TCCSĐT – Với tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn, hơn nửa thế kỷ qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quân sự, các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh của nhiều nước trên thế giới, kể cả các tướng lĩnh Pháp đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường Đông Dương ở thời kỳ này. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhiều sách, báo được công bố có liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ.
Dưới đây, chúng tôi xin lược dẫn đánh giá của một số nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu quân sự, chính trị, nhà sử học, nhà báo… ở các nước, đặc biệt là sự đánh giá của một số sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp đã từng tham chiến trên chiến trường Đông Dương nói chung và mặt trận Điện Biên Phủ nói riêng.
Sự tính toán sai lầm, chủ quan, khinh thường đối phương của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ
Theo quan điểm của các nhà quân sự phương Tây, Quân đội nhân dân Việt Nam khó có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ. Một mặt, vì quân đội Việt Nam lúc đó không có các phương tiện tiến công tương ứng như máy bay, xe tăng, xe bọc thép và lực lượng phòng không đủ mạnh bảo vệ đội hình chiến dịch. Mặt khác, chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong thời gian dài, trên một địa bàn rừng núi rất hiểm trở, xa hậu phương; việc đảm bảo vận tải, tiếp tế lương thực, vũ khí, trang bị rất khó khăn… Không ít sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp, Mỹ lúc đó đã thách thức rằng: “Điện Biên Phủ quả là một pháo đài “bất khả xâm phạm”… Ngay cả trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ xây dựng được một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ…”.
Dựa vào hệ thống công sự vững chắc trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh quân đội Pháp và Mỹ tỏ ra rất chủ quan, khinh thường đối phương. Họ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của chúng; rằng, “Một dân công mang 30 ki-lô-gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô-tô vận tải chuyển được 2 tấn rưỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Như vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Da-cô-ta mang 5 tấn bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng rưỡi đồng hồ?”.
Họ không thể ngờ rằng, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, quân và dân ta đã chuyên chở hàng nghìn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch; với cái cuốc, cái xẻng, quân ta đã tạo ra cả một hệ thống giao thông hào, địa đạo “khổng lồ” ngày càng bao vây, xiết chặt cứ điểm Điện Biên Phủ, góp một phần quyết định vào thắng lợi, mà sau này một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”.
Việt Nam có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, có Lãnh tụ vĩ đại lãnh đạo, có Tổng Chỉ huy tài giỏi
Trong cuốn sách “Thời điểm của sự thật”, tướng Na-va, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam, đã thừa nhận sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là sự sụp đổ của những tư tưởng thực dân, mà nguyên nhân là do có sự mâu thuẫn giữa đường lối chính trị với đường lối quân sự của Chính phủ Pháp đương nhiệm và các thế lực thực dân, đế quốc ở Đông Dương. Trong khi đó, đối thủ của ông ta lại có một đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tướng Na-va nhận xét: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị – quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một uỷ ban trung ương mà người tổng chỉ huy đồng thời là bộ trưởng quốc phòng là một uỷ viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”(1). Trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, tướng Na-va còn thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó dân tộc ta không hiểu được ý nghĩa của nó đã hoàn toàn không tham dự..”(2).
Nói về đường lối chính trị và nội bộ Chính phủ Pháp ở thời kỳ đó, Na-va phải cay đắng thốt lên: “Nhưng than ôi!, tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối… Để lãnh đạo chiến đấu từ bảy năm nay thì 19 chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra năm thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương (ông Dejsean là người thứ 6) và sáu tổng chỉ huy (tôi là người thứ 7). Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: chúng ta chẳng có một chính sách nào cả…”(3). Na-va thừa nhận: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự. Thật vậy, uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát, họ cũng có một quyền uy bí mật đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được những nguồn tài nguyên bổ sung rất quan trọng…”(4).
Nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở Đông Dương những năm 1953-1954, Báo Rivaron, số ra ngày 8-7-1954, viết: “Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của kẻ chiến thắng… Mặt khác cũng phải nói rằng, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh. Dân chúng sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở” để theo Cụ Hồ, theo Việt Minh. Ngược lại, “tinh thần của quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt (nguỵ) sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng”.
Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày”, tác giả Michael Maclear đã phân tích sâu sắc và thuyết phục, đưa ra bức tranh toàn cảnh khá chân thực, trong đó nêu ra một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, đó là Việt Nam có Tổng Chỉ huy rất tài giỏi. Michael Maclear viết: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Na-pô-lê-ông về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe… Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”. Điều đó cũng được tướng Na-va viết trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, thể hiện rõ sự khâm phục đối với “đối thủ đáng kính trọng”, “một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh và một lãnh tụ quân sự duy nhất – Giáp…”(5).
Quân và dân cùng nêu cao ý chí quyết thắng
Ngay sau khi nhân dân Việt Nam giành toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Báo Sao Đỏ của Liên Xô (trước đây) bình luận: “Việc giải phóng cứ điểm (Điện Biên Phủ) chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình”(6).
Ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân Việt Nam được tác giả Gi-uyn Roa viết trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ”, xuất bản năm 1963 tại Pa-ri (Pháp); trong đó có đoạn: “Bất chấp hàng tấn bom đạn đã được ném xuống đường giao thông, con đường bảo đảm cho quân lính đối phương tiếp nhận được vũ khí, trang bị ấy không bao giờ bị cắt đứt. Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô của Pháp thồ được từ 200 đến 300 ki-lô-gam, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm ni lông trải trên mặt đất. Tóm lại, tướng Na-va không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”(7).
Tác giả Đa-vít Hôn-béc-xtơn, trong cuốn sách Hồ (Nhà xuất bản Random Hause – New York, năm 1971) đã viết về cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó có đoạn: “Quân địch ở khắp nơi, ai cũng có thể là địch thủ. Mỗi cần vụ, mỗi người hầu trong nhà, mỗi thư ký là người Việt Nam đều có thể là tay chân Việt Minh cộng sản. Mỗi phụ nữ trong các làng đều có thể là một điệp viên báo cho Việt Minh biết một đội tuần tra Pháp đã đến chỗ nào, bao nhiêu lính, mang súng gì, nhưng không hề nói cho quân Pháp biết điều gì…”(8). Trong cuốn sách “Chiến tranh cách mạng của cộng sản”, tác giả Gioóc-giơ K.Te-ni-hen viết: “Các chiến thuật này được thực hiện một cách xuất sắc, thường xuyên bởi một quân đội gồm những sĩ quan và binh lính tận tuỵ và gan dạ. Họ sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng và chia sẻ với nhau những gian khó. Nhìn bề ngoài khó phân biệt được binh lính với sĩ quan, họ thật sự chung sức với nhau để thực hiện mọi lý tưởng”(9).
Trong khi đó, “Tướng lĩnh Pháp sang chỉ huy Đông Dương có nghĩa là đến sống ở những biệt thự lộng lẫy, ô tô, gái đẹp, hưởng thụ, và xoay sở. Chiến tranh phải kèm theo những bàn giấy, những máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, những Bộ tham mưu và những phương tiện mà nhờ đó Bộ tham mưu mới có thể di chuyển, mới có thể ngồi, ăn và ngủ thoải mái. Liệu có bao nhiêu cấp sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn của Pháp dám sống kham khổ với quân lính của mình, sống một cuộc sống như kẻ thù đang bao quanh họ, đi bộ trong các cuộc hành quân, vô hình, lặng lẽ và đáng sợ”(10).
Những nhận xét trên của các tác giả phương Tây chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ là do quân và dân Việt Nam có “sự thông minh và ý chí quyết thắng”. Sức mạnh chính trị – tinh thần, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” biểu hiện trong quyết tâm và hành động anh hùng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu ở “lò lửa Điện Biên Phủ”; biểu hiện ở hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong vượt qua núi cao, rừng rậm, vượt qua bom đạn kẻ thù để vận chuyển, tiếp tế cho bộ đội tham gia chiến dịch; biểu hiện ở đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng…”.
Một quân đội có kỷ luật tự giác, nghiêm minh, có tấm lòng nhân văn cao cả
Tác giả Đa-vít Hôn-béc-xtơn viết: “Nhưng sau tiếng súng cuối cùng một chốc, tôi thấy một sự chu đáo kỳ lạ – lập lại trật tự hoàn toàn. Các sĩ quan của họ lượn khắp trận địa, không hề tự phụ là những người chiến thắng mà chỉ như thể là một cuộc hành quân vừa mới kết thúc và một cuộc hành quân khác đang bắt đầu. Không thể nhận ra, một nét khoe khoang nào ở họ – không có lễ chiến thắng. Họ để mắt tới mọi thứ, họ ghi chép, ra lệnh cho binh lính của họ. Ở chỗ kia binh lính mang tiểu liên dồn tù binh lại, tập hợp họ thành hàng ngũ và dẫn họ đi. Mọi việc được tiến hành không có một hành động dã man nào và cũng không có sự thương hại. Như vậy, mọi sự phải làm với lòng nhân đạo”(11). Trực tiếp mục sở thị những hình ảnh chiến trường Điện Biên Phủ và thấy được việc chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh của người chiến thắng, Đavít Hôn-béc xtơn đã viết với sự khâm phục: “Thế là họ đang ở trong một thế giới với những giá trị mới. Tôi đang đối diện với những người địa phương thuộc trật tự của cộng sản. Đây là một cái gì có bản chất tuyệt đối một nghìn lần hơn bất cứ cái gì mà chúng tôi gọi là kỷ luật. Đáng lẽ họ đánh vào đầu mọi người, Việt Minh lại săn sóc những người bị thương khi tiếp nhận tù binh”(12). Tác giả nêu ra nhận xét: “Đó là một chính sách không thể thất bại được, không thể chống lại được, mà kết quả lại càng tốt hơn khi áp dụng vào những kẻ địch xấu nhất, ác độc nhất, kể cả thực dân. Đó là việc giáo huấn để cải tạo những tâm hồn xấu xa…”(13).
Cảm phục về một quân đội anh hùng
Trong cuốn sách “Đông Dương đỏ”, xuất bản tại Pa-ri, năm 1975, tướng Xa-lăng của Pháp phải thừa nhận: Quân đội nhân dân Việt Nam đã “trở thành bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp”(14). Sức mạnh cơ bản của “bộ máy chiến tranh” đó không phải là sức mạnh của đội quân nhà nghề, không phải nằm ở vũ khí, trang bị, mà là ở chính trị – tinh thần, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc trước thế lực ngoại xâm.
Một ký giả phương Tây đã phải thừa nhận, đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam không dừng ở mức đánh vận động mà “… đã nổi bật lên trong hình thái chiến tranh trận địa: họ đã sử dụng cả vũ khí tối tân lẫn cổ điển, kể cả pháo binh, họ đã biết kết hợp tài tình những phương thức tác chiến độc đáo khiến cho tổn thất của họ thấp hơn nhiều so với đối phương. Hơn 200km đường hào được đào và lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hiện đại, những con đường hào đã được sử dụng như một thứ vũ khí tiến công chủ yếu”(15).
Nhà báo U.Bớc-sét, trong cuốn “Bắc vĩ tuyến 17”, đã nhận xét: “Mức độ chính xác và uy lực tác xạ của pháo binh và súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến cho những quân nhân nhà nghề của Pháp phải kinh ngạc… Tuy nhiên, lại chẳng phải là pháo binh và những khẩu đội phòng không đã quyết định thắng lợi. Chính là ở cái dũng khí tuyệt vời của một đội quân chiến đấu cho chính nghĩa, cho khát vọng thiêng liêng: độc lập dân tộc và giải phóng khỏi ách áp bức nô lệ của nước ngoài”(16).
Giáo sư sử học Wiljried Lulei (Cộng hòa dân chủ Đức), khẳng định: “Quá trình của chiến dịch đã thể hiện các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp. Chiến dịch này cũng thể hiện sự hơn hẳn về đường lối quân sự của Đảng Lao động Việt Nam”(17). Nhận định về mục tiêu chiến đấu và tinh thần xả thân vì niềm tin chiến thắng của quân đội Việt Nam, nhà văn Jules Rot viết: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và biết rằng họ chiến đấu vì nền độc lập của mình chống lại một chủ nghĩa thực dân đang bị xoá sổ trên toàn thế giới. Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự do”. Tướng Xa-lăng cũng thừa nhận: “một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội … rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của Chính phủ…, là “đối thủ đáng kính trọng”…, là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”(18).
Nhận xét về mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ trong quân đội Việt Nam, dưới đầu đề “Tại sao người ta chiến thắng, lỗi tại ai?”, tác giả Jules Roy (Pháp) đã viết trong cuốn sách “Labataille de Dien Bien Phu”, xuất bản năm 1964, như sau: “Tướng lĩnh quân đội, họ không hề có sự phân biệt với người lính, trừ tuổi tác… Quần áo cùng một thứ vải thô, giầy dép giống nhau, đại tá cũng đi bộ như binh lính. Họ cùng sống bằng gạo trồng trên ruộng, bằng củ trồng ở trên rừng, bằng cá đánh ở sông suối…”.
Như vậy, sự nhìn nhận, đánh giá của người nước ngoài về quân đội và nhân dân ta càng làm sáng tỏ và tôn lên ý nghĩa to lớn, giá trị trường tồn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày nay, cụm từ “Điện Biên Phủ – Hồ Chí Minh” được coi như một biểu tượng của sự khát vọng độc lập, tự do của nhân loại trong đấu tranh để xóa bỏ mọi sự xâm lược, nô dịch, áp bức, bất công./.
(1) Hăng-ri Na-va: Thời điểm của sự thật, Nxb Pờ-lông, Pa-ri,1979, tr 225
(2) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 108
(3) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 113
(4) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 112
(5) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 113
(6) Điện Biên Phủ mốc vàng lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 133-134
(7) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 173
(8) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 171
(9) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 174
(10) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 172-173
(11) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 171-172
(12) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 172
(13) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 172
(14) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 176
(15) Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr 108
(16) Tiếng sấm Điện Biên Phủ,sđd, tr 387-388
(17) Wiljried Lulei: Điện Biên Phủ 1954, thất bại có tính chất quyết định của Pháp ở Đông Dương, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 41, 5-1989, tr 6
(18) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 175-176
Đức Thắng sưu tầm và giới thiệu