Đối diện hay lảng tránh sự thật?
Hiểu biết lịch sử cũng chính là giáo dục cho các em lòng yêu nước, hiểu cái mạnh yếu của dân tộc, để có ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước. Tạo nên một nội lực, một tâm thế cần thiết phù hợp để đối diện thực tiễn...
Sự thật vẫn phải là... sự thật
Gần đây, nhiều nhà sử học, nhà giáo đã lên tiếng ủng hộ việc đưa "cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 vào sách giáo khoa" sửa đổi năm 2015 với mức độ và phạm vi sâu rộng hơn. Người viết đồng tình với đề xuất này và cho rằng đây không chỉ là câu chuyện riêng của một sự kiện lịch sử mà còn đặt ra vấn đề lớn lao hơn.
Đó là sự cần thiết phải thay đổi cách viết và cách dạy môn Lịch sử trong bối cảnh hiện nay.
Đa số các ý kiến đưa ra đều thống nhất rằng cần tôn trọng sự thật lịch sử. Đây là nguyên tắc tối thượng mà những người viết sử và dạy sử luôn phải đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn có những ý kiến cho rằng, khi nghiên cứu và truyền bá lịch sử, chỉ nên chọn lọc những sự kiện phù hợp với định hướng chính trị.
Chính vì thế SGK Lịch sử hiện nay chưa đưa ra được cái nhìn đa chiều về những sự kiện và nhân vật lịch sử. Chúng ta nói nhiều tới những chiến thắng mà không đề cập tới những thất bại. Môn Lịch sử na ná trở thành môn... chính trị tự lúc nào.
Trong lối tư duy đó, nhiều sự kiện đã trở thành đề tài nhạy cảm, cấm kị, hầu như không được nhắc đến hoặc chỉ đề cập tới rất ngắn gọn trong chương trình trung học phổ thông, và chưa được phổ biến đầy đủ tới người dân. Sự kiện 1979 chỉ là một trong số đó.
Người viết cho rằng điều này không những không phù hợp mà còn phạm phải điều nguyên tắc tối cao của ngành lịch sử như đã nói ở trên.
Xin được nhắc lại một câu chuyện nổi tiếng được ghi lại trong Sử ký. Tướng quốc nước Tề thời Xuân Thu là Thôi Trữ giết vua Trang Công để giành ngôi. Quan thái sử chép lại sự việc này vào quốc sử. Thôi Trữ bắt ông chép khác đi, ông không chịu nên bị giết. Người em quan thái sử được bổ nhiệm thay anh cũng vẫn chép như vậy.
Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Người em thứ hai, thứ ba của quan thái sử cũng vì thế mà bị giết. Chỉ tới khi người em thứ tư thà chết không chịu thay đổi cách chép sử theo lệnh của Thôi Trữ, ông ta đành thôi không giết quan thái sử nữa.
Câu chuyện này cho thấy để giữ gìn sự trung thực và tôn nghiêm của lịch sử, các sử gia suốt hàng ngàn năm nay luôn phải giữ lòng trong sáng, công tâm. Thậm chí có người phải hi sinh cả tính mạng để sự thật không bị bẻ cong và vùi lấp.
Lịch sử trên hết và trước hết phải là sự thật. Người làm sử phải ghi chép lại trung thực những gì diễn ra chứ không thể chỉ chọn lọc những chi tiết được cho là "có lợi" hay "phù hợp".
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị tàn phá tháng trong chiến tranh biên giới năm 1979. Ảnh tư liệu
|
Lịch sử được trao thêm nhiệm vụ tuyên truyền?
Từ lâu ở Việt Nam, vấn đề này đã được lưu ý tới nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ngành lịch sử của chúng ta chưa có sự độc lập cần thiết. Bên cạnh nhiệm vụ truyền đạt tri thức, ngành lịch sử, mà cụ thể là những cuốn SGK Lịch sử, còn được trao thêm nhiệm vụ tuyên truyền, ca ngợi.
Cách tiếp cận này đã dẫn đến rất nhiều hạn chế mà điển hình hơn cả là hạn chế trong cách đặt trọng tâm của chương trình học tập môn Lịch sử hiện nay.
Kết quả là học sinh không tìm được niềm đam mê với môn Lịch sử, thiếu cái nhìn tổng quát về tiến trình lịch sử dân tộc và kiến thức lịch sử của học sinh đang giảm sút nghiêm trọng.
Sách giáo khoa Lịch sử hiện nay chưa đưa ra được cái nhìn đa chiều về những sự kiện và nhân vật lịch sử. Chúng ta nói nhiều tới những chiến thắng mà không đề cập tới những thất bại. Môn Lịch sử na ná trở thành môn... chính trị tự lúc nào.
|
Tư duy viết và dạy Lịch sử theo lối mòn lâu nay sẽ được giải quyết ra sao khi tiếp cận với cuộc chiến tranh biên giới 1979? Cần có sự nhất quán trong phương pháp tư duy, coi cuộc chiến này giống như những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc khác mà lịch sử đã ghi nhận, hay chúng ta sẽ e dè khi đề cập tới nó, vì những nguyên nhân khác?
Thực ra sự công khai và công bằng khi nhìn nhận về cuộc chiến này sẽ góp phần xây dựng đối sách phù hợp cho Việt Nam với Trung Quốc, không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Đặt một cuộc chiến tranh mới diễn ra cách đây 34 năm trong chuỗi những cuộc chiến tranh suốt hàng ngàn năm lịch sử giữa hai nước, sẽ góp phần làm sáng rõ mối quan hệ hợp tác và xung đột hết sức phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc mà chúng ta đã và đang phải đối diện.
Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 khẳng định rằng sự tương đồng về thể chế chính trị chưa bao giờ là điều kiện cần và đủ để có được hòa bình.
Thế hệ trẻ sẽ nhận thức được rằng những xung đột đó không phải chỉ là chuyện của thời Lý, Trần, Lê... Nhưng hiểu biết lịch sử cũng chính là giáo dục cho các em lòng yêu nước, hiểu cái mạnh yếu của dân tộc, để có ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước. Tạo nên một nội lực, một tâm thế cần thiết phù hợp để đối diện thực tiễn, thay vì lảng tránh.
Hơn nữa, đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi mà hợp tác, phát triển trở thành xu hướng tất yếu, thì việc nhìn thẳng vào cuộc chiến này càng có ý nghĩa hơn nữa.
Bởi lẽ, đặt bên cạnh những thành tựu mà hai nước đã đạt được trong mối quan hệ song phương thì những tổn thất do cuộc chiến tranh này gây ra lại càng có ý nghĩa cảnh tỉnh. Do đó, việc đưa nội dung cuộc chiến tranh này vào SGK không những không khơi gợi hận thù mà sẽ góp phần củng cố nỗ lực gìn giữ và xây dựng quan hệ bình đẳng, hữu nghị giữa hai nước.
Việc đưa sự kiện lịch sử năm 1979 vào SGK mới sao cho đúng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó là một yêu cầu hết sức thiết thực. Nó cũng đặt ra một vấn đề mà các nhà sử học, các nhà giáo cần nghiêm túc khi đánh giá, nhìn nhận về lịch sử đất nước. Cần có cái nhìn trung thực, tôn trọng hiện thực khách quan, với phương pháp luận đúng đắn, vì lịch sử cũng là một bộ môn khoa học.
Chỉ có như vậy lịch sử mới thực sự là tấm gương để các thế hệ người Việt có thể soi vào đó để "ôn cố, tri tân", và hậu thế có cách hành xử đúng đắn, mềm dẻo. Bảo vệ hòa bình, hợp tác và hữu nghị nhưng trên nguyên tắc đặt lợi ích chủ quyền, độc lập dân tộc lên trên hết.
Khương Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét