Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Tình hình kinh tế An Giang thời nhà Nguyễn (1802-1858)


Tình hình kinh tế An Giang thời nhà Nguyễn (1802-1858)
Trần Hoàng Vũ
(Bài đăng trên e-news Đại học An Giang)
 
Dưới thời các vị chúa Nguyễn, vùng đất Nam Bộ liên tục được mở rộng, dân cư đến sinh sống ngày một đông hơn từ các chính sách khuyến khích khai hoang của chúa Nguyễn. Đến thời trị vị nhà Nguyễn (1802 – 1858), đất nước được thống nhất từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, riêng đối với vùng Nam Bộ ngày càng trở thành vùng đất trù phú, có lợi thế về kinh tế qua những chính sách khẩn hoang của nhà Nguyễn. An Giang là một vùng đất nằm ở cực Tây Nam của Tổ Quốc, tuy là vùng đất mới nhưng đời sống nhân dân luôn được đảm bảo ấm no, sung túc.
Vùng đất An Giang ở Nam Bộ ngày nay. (Nguồn: dayhoctructuyen.org)

1. Nông nghiệp.
Trước khi có những công trình trị thủy quan trọng, nông nghiệp An Giang chỉ phát triển ở những vùng đất cao hoặc ven chân núi: phía đông núi Ca Âm, chân núi Khê Lạp, núi Đài Tốn, ven sông Vàm Nao, bãi Năng Gù. Nông sản làm ra có lúa tẻ, lúa nếp, ngô, khoai, đậu xanh, đậu vàng, đậu ván, đậu đen, dưa bở, dưa gang, dưa hấu, mướp, hành, tỏi, kiệu, củ cải, gừng, thạch lựu, mãng cầu, chuối. Lúa (ruộng chằm) gieo vào tháng sáu âm lịch đến tháng giêng năm sau thì thu hoạch. Khoai, đậu và ngô đều gieo vào tháng tư âm lịch. Khoai thì 6 tháng cho thu hoạch, đậu 2 tháng, ngô 3 tháng. Bên cạnh lương thực còn có trồng bông, mà bông thậm chí còn sinh lợi nhiều hơn cây lúa và quan trọng hơn lúa.
Toàn tỉnh An Giang xưa có tổng cộng 88.336 mẫu ruộng. Mỗi năm đóng góp cho triều đình 55.560 hộc thóc.
2. Thủ công nghiệp.
Đại Nam hội điển sự lệ cho biết tại An Giang có nghề dệt lụa và dệt vải. Các thợ làm nghề này được quản lý thống nhất trong các hộ và phải nộp thuế. Hộ dệt lụa mỗi người một năm phải nộp một tấm lụa dài 15 thước, ngang 7 tấc; thuế thân và dây xâu tiền đều 1 quan 5 tiền. Dân đinh già cả và người tàn tật chỉ nộp một nửa. Hộ dệt vải mỗi năm nộp 2 tấm vải dài 15 thước; thuế thân và dây xâu tiền cũng đều 1 quan 5 tiền. Đến năm 1810, thuế vải được đổi thành một tấm dài 30 thước, ngang 7 tấc.
Tài liệu ấy không nói rõ các hộ dệt lụa, dệt vải này ở huyện nào. Năm 1835, số nhân đinh của hộ dệt lụa tại An Giang là 53 người, đến năm 1840 tăng lên 58 người nhưng đến năm 1850 thì giảm sút nhiều do “lần lượt trốn, chết, chết dịch”. Tự Đức phải cho xóa số thuế lụa còn thiếu và hạ lệnh chiêu mộ thêm người.
Ngoài nghề dệt, các ngành thủ công chế biến thủy sản cũng phát triển. Theo Gia Định thành thông chí, ven sông Đàm Giang có nghề ướp mắm và làm khô.
3. Ngư nghiệp.
 Ngành ngư nghiệp An Giang thời Nguyễn đặc biệt phát triển do có nguồn thủy sản ở sông Hậu cùng nhiều chằm, hồ và sông nhỏ. Chỉ riêng ở Náo Khẩu Ca Âm mà “cá mú không thể xiết ăn”. Theo Hội điển sự lệ, ở An Giang có nhiều hình thức khai thác thủy sản như: trại lưới tới đáy nước (vó gạt), giăng lưới, chứa và bắt cá ruộng (tát đìa). Riêng trại lưới tới đáy nước trong diện nộp thuế có 27 sở rưỡi nhưng có 4 sở bỏ hoang. Còn lại 23 khẩu rưỡi nộp thuế bằng tôm gạo phơi khô, trong đó 19 khẩu mỗi năm một khẩu nộp 20 cân tôm khô; 2 khẩu mỗi năm nộp 30 cân tôm khô một khẩu và 1 sở rưỡi nộp thuế 200 cân tôm khô một năm. Các hộ dăng lưới thì mỗi năm nộp tổng cộng 400 quan tiền thuế. Các nhánh sông, chằm, hồ có thể đánh bắt cá được thì đều có thuế. Tại An Giang thường xuyên có từ 10-17 sở thuế thủy lợi nhưng chỉ riêng 2 sở ở Châu Đốc là Châu Đốc thượng và Châu Đốc hạ mỗi năm đã đem về không dưới 3 vạn quan tiền thuế.
Gia Định thành thông chí chỉ ra một số địa điểm có dân cư làm ngư nghiệp. Dân ở Ba Thê “có nghề đánh cá ở chằm”. Dân quanh Náo Khẩu Ca Âm cũng “chài lưới”, “có chằm đánh cá”. Hai sản phẩm nổi bật là cá lẹp khô và tôm nõn (tôm phơi khô rồi cho vào cối giã, gạc bỏ hết vỏ gọi là tôm nõn). Giá hai mặt hàng này thuộc loại rẻ nhất so với các tỉnh Nam Kỳ khác.
Việc khai thác thủy sản ở một số nơi đã được tổ chức quy củ. Nhân dân ở Cù lao Giêng cứ 15 người họp thành một đoàn để đánh bắt cá, làm mắm, phơi khô rồi đẵn nứa làm bè tre đem bán các nơi.
4. Lâm nghiệp.
Thời Nguyễn, rừng núi An Giang có nhiều lâm sản quý. Núi Tượng có đá thủy tinh. Núi Ca Âm có giáng hương, tốc hương. Núi Nam Vi có gỗ sao, gỗ bời lời, gỗ huện. Núi Đài Tốn có trầm hương, tốc hương, sa nhân, gỗ sao, giáng hương, xam, trúc. Mặc dù vậy, việc khai thác gỗ không phát triển do nhân lực ít và nhu cầu còn thấp. Các núi Thoại Sơn, Ba Thê, Nam Vi hoàn toàn cấm chặt cây. Trầm hương, tốc hương, sa nhân hình như cũng không được khai thác. Các sản phẩm từ việc săn bắn vẫn là nổi bật. Trịnh Hoài Đức cho biết cư dân dưới núi Ba Thê “có nghề săn bắn ở núi”. Các sản phẩm có thể tìm mua ở An Giang là da tê tê, da hươu, dai nai, gân hươu và đều rẻ hơn so với các tỉnh khác.
5. Thương nghiệp.
Trong thời Nguyễn, hoạt động thương nghiệp An Giang không đáng kể. Gia Định thành thông chí cho biết chỉ có hai địa điểm họp chợ ở chân núi Ngật Sum và Chân Sum nhưng có lẽ chỉ là những chợ có quy mô nhỏ nên không được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí. Tài liệu này chỉ ghi nhận trên địa bàn An Giang hiện nay có một chợ là “chợ Tú Điền ở huyện Đông Xuyên, họp gần bờ sông”. Có thể đoán rằng do dân cư còn thưa thớt và nhu cầu thấp nên thương nghiệp diễn ra phân tán, chủ yếu là do các ghe buôn mang hàng đến tận nơi bán cho người dân. Các sản phẩm làm ra như lúa gạo, cá mắm cũng do người sản xuất tự đem đi tiêu thụ.
Về ngoại thương, tuyến đường sông Hậu được nhà Nguyễn chỉ định là dành riêng cho thuyền buôn Chân Lạp. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho mở sở buôn bán ở thượng du đồn Đa Lộc, định kỳ một tháng hai lần, mỗi lần hai ngày để các dân cư người Việt, Hoa, Chăm, Khmer đến mua bán.
Các hàng hóa mua bán tại An Giang được Đại Nam nhất thống chí liệt kê bao gồm: vải, lụa, trừu, sáp ong, da nai, gân hươu, nhung hươu, ngà voi, gạc hươu, bóng cá, da tê, sừng tê, hạt sen và tôm khô. 
Nhìn chung cơ cấu kinh tế An Giang thời Nguyễn thiên về ngư nghiệp rồi mới đến nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đó là một nền kinh tế dựa nhiều vào tự nhiên và nặng tính tự cung tự cấp nhưng lại đảm bảo cho người dân một đời sống đủ đầy, thoải mái và không kém phần phong lưu.                                                                  
Hoàng Vũ – 6SU 
Tham khảo:
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí.
Quốc sử quán triều Nguyễn.
Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ.
Cao Xuân Dục. Quốc triều chính biên toát yếu.
Nội các triều Nguyễn. Đại Nam hội điển sự lệ.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét