Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

tài liệu về vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ


Diễn biến ngày đen tối nhất lịch sử nước Mỹ

Người Mỹ sẽ không bao giờ quên ngày 11/9/2001 khi nước Mỹ bị tấn công. Toàn bộ diễn biến của ngày đen tối nhất trong lịch sử cường quốc số một thế giới được cô đọng trong 22 sự kiện chính sau đây.
Nhiệm vụ lịch sử của phi công Mỹ ngày 11/9
Công trình đặc biệt tưởng niệm vụ 11/9

Abdulaziz al-Omari và Mohammed Atta (áo xanh). Ảnh: FBI
5h45: Nhóm không tặc bắt đầu kế hoạch tấn công của chúng. Tại sân bay quốc tế Portland, thuộc bang miền đông bắc Maine, hai trong số 19 kẻ tấn công làm thủ tục lên máy bay. Hình ảnh của Abdulaziz al-Omari và kẻ cầm đầu Mohammed Atta bị camera an ninh ghi được khi chúng đi qua cổng kiểm tra an ninh sân bay, để từ đây bay tới Boston, nơi chúng sẽ lên chuyến bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines. Ba tên không tặc khác đã chờ sẵn tại đó để cùng al-Omari và Atta cướp chiếc máy bay.
7h18: Tại sân bay quốc tế Dulles ở ngoại ô thủ đô Washington, hình ảnh của nhóm không tặc thứ hai gồm 5 tên được ghi nhận bởi camera an ninh, khi chúng trải qua các thủ tục kiểm tra an ninh trước khi lên chuyến bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines có đích đến là Los Angeles. Khalid al-Midhar và Nawaf al-Hazmi là những kẻ bị nhận mặt rõ nhất. Trong vài ngày trước đó, cả hai kẻ này đều nằm trong danh sách theo dõi, nhưng an ninh sân bay lại không biết điều này.
5 tên không tặc
5 tên không tặc cướp chiếc máy bay số hiệu 11 của American Airlines và sơ đồ cho thấy chiếc phi cơ bị đổi hướng để lao tới New York. Đồ họa: BBC
8h14: Chuyến bay số hiệu 11 của American Airlines bị tấn công. Khoảng 15 phút sau khi máy bay cất cánh, nhóm không tặc dùng dao đâm ít nhất hai thành viên phi hành đoàn và một hành khách khi tìm cách giành quyền kiểm soát chiếc phi cơ. Báo động được phát đi 5 phút sau đó bởi tiếp viên hàng không Betty Ong. Cô dùng điện thoại trên máy bay để gọi về cho hãng American Airlines, thông báo: "Buồng lái của phi công không trả lời. Ai đó đã bị đâm tại khoang thương gia, và tôi e rằng đang có một cuộc tấn công."
8h38: Kiểm soát không lưu liên lạc với giới chức quân sự sau khi nhận được một thông tin từ chuyến bay số hiệu 11, được cho là nhằm vào các hành khách: "Nếu các người hòng tạo ra bất cứ cản trở nào, các người sẽ tự gây nguy hiểm cho bản thân và chiếc máy bay này. Hãy ở nguyên vị trí." Một cuộc bắt cóc máy bay rõ ràng đang xảy ra. Hai chiến đấu cơ F-15 cất cánh 5 phút sau đó.
Nhóm không tặc cướp chiếc phi cơ số hiệu 175 của hãng United Airlines và sơ đồ hành trình bị đổi hướng của chiếc máy bay này. Đồ họa: BBC
8h46: Chuyến bay số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines bị cướp. Các phi công bị giết trong khi nhóm không tặc đe dọa đánh bom khi giành quyền kiểm soát chiếc máy bay. Khoảng 12 phút sau, nó được hướng tới New York. Một hành khách gọi cho cha của mình và nói: "Con không nghĩ là các phi công đang lái máy bay. Con cho là những kẻ tấn công định lái máy bay tới Chicago, hoặc đâu đó khác, rồi lao vào một tòa nhà. Nhưng cha đừng lo, nếu điều đó xảy ra, nó sẽ rất nhanh thôi."
8h46: Chiếc máy bay số hiệu 11 của American Airlines lao vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), tại Manhattan, New York, với tốc độ 700 km/giờ. Toàn bộ 92 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn có mặt trên chiếc Boeing 767 đều thiệt mạng. Rất nhiều người đang làm việc tại Tháp Bắc cũng cùng chung số phận. Những người ở phía trên tầng 92 của tòa tháp 110 tầng, nơi chiếc máy bay lao vào, bị mắc kẹt vì không thể xuống phía dưới để thoát thân. Nhiên liệu từ chiếc Boeing bốc cháy và tạo nên một quả cầu lửa khổng lồ. Sức nóng từ lửa lan nhanh xuống tận các tầng thấp nhất của tòa tháp.
8h52: Ngay sau đó, rất nhiều lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường vụ cháy ở Tháp Bắc. Họ tìm thấy rất nhiều cửa sổ bị thổi tung và nhiều người bị bỏng. Lính cứu hỏa bắt đầu một sứ mệnh giải cứu và đi dần lên các tầng cao hơn bằng cầu thang bộ. Vào khoảng 9h00, người đứng đầu lực lượng cứu hỏa New York có mặt tại hiện trường, trong khi tổng cộng 235 lính cứu hỏa được điều động.
Nhóm không tặc cướp chiếc máy bay số 77 của American Airlines
Nhóm không tặc cướp chiếc máy bay số 77 của American Airlines và sơ đồ hành trình bị đổi hướng của nó. Đồ họa: BBC
8h54: Chuyến bay mang số 77 của American Airlines bắt đầu đổi hành trình khi những kẻ không tặc giành được quyền kiểm soát. Đây là chiếc phi cơ thứ ba bị cướp. Hệ thống thu phát tín hiệu của chiếc Boeing 757 bị ngắt chỉ hai phút sau đó. Hành khách bắt đầu gọi cho người thân của họ bằng điện thoại đi động, để thông báo về tình hình khẩn cấp trên máy bay. Họ nói rằng những tên không tặc dùng dao để tấn công.

8h58: Lực lượng cảnh sát New York (NYPD) huy động gần 1.000 nhân viên để đối phó với thảm họa đang diễn ra. Hai máy bay trực thăng được điều động tới WTC. Các nhân viên cảnh sát có mặt tại Tháp Bắc khi chiếc Boeing 767 lao vào tòa tháp này trực tiếp giúp đỡ người dân thoát thân. Cho tới 9h00, cảnh sát yêu cầu toàn bộ dân thường tại WTC đi di tản.
9h04: Nhưng khi việc sơ tán người dân còn đang diễn ra, Tháp Nam của WTC đã bị chiếc máy bay số hiệu 175 của United Airlines đâm vào theo kịch bản tương tự cú đâm ở Tháp Bắc. Vận tốc của máy bay khi lao vào Tháp Nam là 870 km/giờ. Nó tạo ra một lỗ thủng lớn từ tầng 77 tới tầng 85 của tòa tháp. Toàn bộ 65 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng ngay khi đó. Một cầu thang dẫn tới các tầng phía trên vẫn còn có thể sử dụng được, và đây chính là lối đi mà nhiều người sử dụng để chạy lên tầng thượng, với hy vọng được giải cứu.

9h05: "Chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp còn lại. Nước Mỹ bị tấn công", Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card nói với Tổng thống George Bush. Trong vòng 5 tới 7 phút sau đó, ông Bush vẫn nán lại phòng học ở trường tiểu học Emma E Booker, tại Saratosa, bang Florida. Ông tới thăm các trẻ em ở đây trong một giờ đọc sách.
Nhóm
Nhóm không tặc cướp chiếc máy bay mang số hiệu 93 của hãng United Airlines và hành trình bị đổi hướng của nó. Đồ họa: BBC

9h28: Giới chức hàng không lúc này đã biết việc 3 chiếc máy bay chở khách bị cướp. Một nhân viên điều hành của hãng United Airlines cảnh báo chuyến bay số hiệu 93 của hãng này về an ninh buồng lái, nhưng thông điệp này tới quá muộn. Những tên không tặc đã hành động trước đó. Các nhân viên kiểm soát không lưu nghe được những tiếng động tại buồng lái của chiếc máy bay và cả tiếng la thất thanh: "Ra khỏi đây ngay, ra khỏi đây ngay, ra khỏi đây ngay."
9h30: Trong tuyên bố đầu tiên về các cuộc tấn công trên đất Mỹ, Tổng thống Bush thề sẽ "tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm cho hành động tấn công". "Chủ nghĩa khủng bố chống lại đất nước của chúng ta sẽ không thể tồn tại", ông Bush nói. Sau đó, cựu tổng thống Mỹ nghĩ tới việc từ Florida trở về Washington.

9h37: Lo sợ nguy cơ chiếc máy bay số hiệu 77 của American Airlines đang hướng tới Nhà Trắng, Cơ quan Mật vụ Mỹ quyết định đưa Phó tổng thống Dick Cheney vào hầm trú ẩn. Sau đó, ông Cheney khuyên Tổng thống Bush quay trở về thủ đô Washington ngay lập tức.

9h38: Nhưng mục tiêu của chiếc phi cơ số hiệu 77 của American Airlines không phải là Nhà Trắng, mà lại là Lầu Năm Góc - trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nó đã lao vào tòa nhà này với tốc độ cao nhất, khiến toàn bộ 64 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. 125 nhân viên dân sự và quân sự làm việc tại Lầu Năm Góc cũng cùng chung số phận.
Những đám khói bụi bốc cao sau khi Tháp Nam sụp đổ hoàn toàn. Ảnh: NY
Những đám khói bụi bốc cao sau khi Tháp Nam sụp đổ hoàn toàn. Ảnh: NY Police Authority

9h59: Chưa đầy một giờ sau khi bị đâm phải, tòa Tháp Nam 110 tầng của WTC đổ sụp hoàn toàn chỉ trong vòng 10 giây. Không một ai có mặt trong tòa tháp khi đó còn sống sót. Những đám bụi lớn bốc cao tại phía nam của Manhattan, New York. Khoảng 600 người ở trong và quanh tòa nhà thiệt mạng. Hầu hết trong số này là những người làm việc tại tòa tháp hoặc quanh khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ Tháp Nam đổ sụp.
10h04: Chiếc máy bay số hiệu 93 của hãng United Airlines lao xuống một cánh đồng ở Shanksville, bang Pennsylvania. Nhiều giả thiết được đưa ra về nguyên nhân dẫn tới việc này, trong đó nhiều người tin rằng nhóm không tặc bị mất quyền kiểm soát chiếc máy bay khi đụng độ với các hành khách.
Trước khi chiếc phi cơ lao xuống mặt đất, các hành khách và phi hành đoàn đã gọi cho những người thân yêu của họ, và được cho biết về những vụ tấn công ở New York. Có lẽ đây là lý do dẫn tới việc họ quyết định giành quyền kiểm soát chiếc máy bay để ngăn chặn thảm kịch tiếp theo xảy ra, nhưng phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Sau này, một bộ phim mang tên "Chuyến bay số 93" đã được làm, với nội dung thuật lại các diễn biến trên chiếc máy bay của hãng United Airlines vào cái ngày định mệnh ấy.
Lính cứu hỏa New York đang làm việc ở hiện trường đổ nát của hai tòa tháp WTC. Ảnh: AP
Lính cứu hỏa New York đang làm việc ở hiện trường đổ nát của hai tòa tháp WTC. Ảnh: AP
10h29: Tòa Tháp Bắc của WTC đổ sụp với tốc độ nhanh đến bất ngờ, giống như điều đã xảy ra với Tháp Nam. Khoảng 1.400 người thiệt mạng trong và xung quanh tòa nhà. Chỉ có 16 người tại cầu thang B của Tháp Bắc sống sót sau khi cả tòa kiến trúc hơn 100 tầng này sụp xuống.
12h30: Hơn 4 giờ sau khi các vụ tấn công bắt đầu xảy ra, nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử phải đóng không phận. Tất cả các máy bay dân sự không ở trong tình thế khẩn cấp đều bị buộc phải hạ cánh. Hàng trăm nghìn người vì thế bị kẹt lại tại khắp các sân bay trên toàn nước Mỹ.
18h54: Tổng thống George Bush về tới Washington, khoảng 9 giờ sau khi ông rời bang Florida. Ông dành phần lớn thời gian ngày hôm đó để di chuyển giữa các địa điểm an toàn khác nhau trên siêu chuyên cơ Air Force One.
20h30: Tổng thống Bush đọc bài diễn văn từ Nhà Trắng, với nội dung về ngày đen tối nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Ông nói: "Những hành động giết người hàng loạt được thực hiện nhằm mục đích khiến chúng ta sợ hãi và đẩy đất nước của chúng ta vào hỗn loạn. Nhưng chúng đã thất bại."
21h00: Sau khi đọc bài diễn văn nói trên, ông Bush tổ chức một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông nói rõ ý định trừng phạt những tổ chức đã lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công, cũng như bất cứ quốc gia nào chứa chấp những tổ chức này.Hà Giang (Theo BBC

2. 


10 sự thật ít biết về vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ

Thứ ba, 06 Tháng 9, 2011
Phía sau vụ tấn công khủng bố gây hậu quả tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ là những sự thật mà không phải ai cũng được biết.
Một người đàn ông đứng giữa đống đổ nát sau sự sụp đổ của tòa tháp đôi WTC. Ảnh: AFP
1. Có tới 3.051 trẻ em bị mất cha hoặc mẹ sau vụ 11/9. Bên cạnh đó, có 17 em bé đang nằm trong bụng mẹ khi những người cha của chúng thiệt mạng trong các vụ tấn công. Khoảng 9 tháng sau vụ khủng bố, số ca sinh ở thành phố New York tăng tới 20% so với cùng thời điểm điều tra vào năm 2000.
2. Tổng giá trị của các tác phẩm nghệ thuật bị mất đi sau khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ đã vượt quá 100 triệu USD. Trong số này có cả những bức tranh của danh họa Pablo Picasso.
3. Người ta ca ngợi những chú cảnh khuyển tham gia tìm kiếm người còn sống sau thảm họa mà quên mất một chú chó phi thường khác. Đó là Roselle, một chú chó săn dòng Labrador chuyên làm nhiệm vụ dẫn đường cho người chủ bị mù là Michael Hingson. Roselle đã đưa Hingson đi thang bộ từ tầng 78 của Tháp Bắc WTC xuống đường và tới nhà một người bạn một cách an toàn.
4. Các công nhân đã phải thu dọn khoảng một triệu tấn vật liệu vụn nát để tìm kiếm những người còn mắc kẹt và tư trang của những nạn nhâu xấu số. Họ đã tìm thấy khoảng 65.000 vật dụng, trong đó có 437 đồng hồ và 144 nhẫn cưới.
5. Ba giờ trước khi các vụ tấn công xảy ra, một chiếc máy có tên gọi Máy phát sinh Sự kiện Ngẫu nhiên đặt tại trường đại học Princeton đã tiên đoán được một sự kiện khủng khiếp sắp xảy ra.
6. Trong một cuộc tập trận mang tên "Người bảo vệ cẩn mật", Trung tâm Chỉ huy Phòng vệ Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ không phận Mỹ, đã giả định ít nhất 4 vụ cướp máy bay trong tuần trước khi xảy ra vụ 11/9, và thậm chí còn dự định tiến hành một cuộc giả định nữa vào buổi sáng mà nước Mỹ bị tấn công.
7. Có tới 5 trong số 19 không tặc tham gia vụ tấn công 11/9 đã nghỉ lại tại một khách sạn ngay gần cổng dẫn vào Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong những ngày trước khi tiến hành cướp 4 máy bay chở khách.
8. John Patrick O’Neill, một đặc vụ từng lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và tham gia điều tra về liên hệ của Al-Qaeda trong vụ đánh bom WTC năm 1993, đã rời FBI vì những bất đồng về chính sách. O'Neill đảm nhận công việc mới trong vai trò người phụ trách an ninh tại WTC, và mất trong ngày định mệnh 11/9.
9. Chỉ có 291 thi thể được tìm thấy nguyên vẹn tại hiện trường đổ nát của hai tòa tháp WTC. Cha mẹ của Lisa Anne Frost, 22 tuổi và là một hành khách trên chuyến bay số hiệu 175 của hãng United Airlines lao vào Tháp Nam, đã phải chờ gần một năm mới được nhận lại những gì thuộc về con gái họ.
10. Lính cứu hỏa mất tới 100 ngày mới có thể dập tắt hoàn toàn các đám cháy bị gây ra bởi các vụ tấn công nhằm vào hai tòa tháp WTC.
 
Theo VNE




)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét