Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947

1. Thế trận chiến tranh toàn dân trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947
( trích Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), để đánh thắng một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn, có đạo quân viễn chinh xâm lược nhà nghề, được tổ chức tốt, trang bị hiện đại, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân, dân ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân đoàn kết. Quân dân một lòng. Kháng chiến khắp nơi. Triệt để dùng chiến thuật du kích. Mỗi phố là một mặt trận. Mỗi làng là một pháo đài”, hình thành thế trận chiến tranh toàn dân trên từng khu vực, chiến trường và trên địa bàn cả nước, thực hiện đánh bại từng bước chiến tranh xâm lược của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông 1947 không chỉ là chiến dịch phản công đầu tiên của quân dân ta trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng chống Pháp và Mỹ xâm lược. mà còn đánh dấu sự hình thành và phát triển nghệ thuật tổ chức xây dựng và chuyển hoá thế trận chiến tranh toàn dân trong chiến dịch của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ta có thể nghiên cứu khái quát những nội dung cơ bản, diễn biến chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 để thấy rõ vấn đề này.
Về địch, trước Thu Đông 1947, sau khi chiếm được các thành thị, phần lớn vùng đồng bằng, một phần vùng trung du và Tây Bắc, Đông Bắc Bắc Bộ, thực dân Pháp ra sức củng cố vùng đã chiếm; đồng thời, xúc tiến việc chuẩn bị một cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta bằng chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.
Để thực hiện kế hoạch tiến công Việt Bắc, địch sử dụng 12.000 quân tinh nhuệ (cả hải, lục, không quân) gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, một thuỷ đội 40 tàu và một số lính thuỷ đánh bộ, do tướng Xa-lăng (Salan), Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương, chỉ huy, hình thành ba mũi tiến công chính. Hai mũi tiến công theo hướng đường số 4 và sông Lô, bao vây toàn bộ căn cứ Việt Bắc. Mũi thọc sâu nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn và vùng xung quanh - nơi được coi là “Thủ đô kháng chiến” - để “bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh”. Sau đó, càn quét tiêu diệt lực lượng kháng chiến và chiếm đóng cả vùng Việt Bắc. Phạm vi chiến dịch đã mở rộng tới 12 tỉnh với những gọng kìm dài ba, bốn trăm ki-lô-mét, hình thành thế bao vây lớn và mũi thọc sâu bất ngờ bằng quân dù vào ngay sau lưng ta.
Sáng 7 - 10 - 1947, địch bắt đầu cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn. Trong hai ngày 7 và 8 tháng 10, gần 2.000 quân địch nhảy dù xuống khu vực Thị xã, Chợ Mới, Chợ Đồn. Sau đó, từ thị xã Bắc Cạn chúng kéo lên chiếm Phủ Thông rồi chiếm đóng huyện lỵ Chợ Rã. Đồng thời, binh đoàn bộ binh thuộc địa theo đường số 4, từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, vòng xuống Bắc Cạn, bao vây Việt Bắc ở phía đông và phía bắc.
Binh đoàn hỗn hợp bộ binh thuộc địa và lính thuỷ đánh bộ từ Hà Nội ngược sông Hồng và sông Lô lên Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Chiêm Hoá, bao vây Việt Bắc ở phía tây.
Địch còn cho một lực lượng quân nhảy dù xuống Thái Nguyên để bao vây Việt Bắc từ phía nam.
Với ưu thế về binh lực và vũ khí, phương tiện chiến tranh, với một kế hoạch hoàn bị và bất ngờ, Bộ chỉ huy chiến tranh thực dân tin chắc vào thắng lợi.
Về  ta, yêu cầu chiến lược đặt ra lúc này là phải kiên quyết đánh bại cuộc tiến công chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến của cả nước, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và làm thất bại chủ trương “ đánh nhanh, giải quyết nhanh” của địch, buộc chúng phải chấp nhận đánh kéo dài theo đúng ý định chiến lược của ta đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta sang một giai đoạn mới. Để thực hiện yêu cầu, các trận đánh riêng lẻ không thể đảm đương nổi mà tất yếu phải tổ chức chiến dịch. Nhận rõ, lực lượng vũ trang tập trung là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến dịch, song nếu chỉ có bộ đội chủ lực mà không có bộ đội địa phương và dân quân, du kích phát triển cân đối thì nghệ thuật chiến dịch cũng không có điều kiện phát triển và hoàn thành tốt những nhiệm vụ do chiến lược đề ra. Nếu không hình thành được thế trận chiến tranh toàn dân trong chiến dịch, không có các lực lượng vũ trang địa phương tác chiến rộng khắp để phân tán và dàn mỏng lực lượng địch, thì bộ đội chủ lực khó có thể tập trung lực lượng đánh những đòn tiêu diệt địch ở nơi và vào lúc quyết định. Chính vì thế, từ tháng 9 - 1947, Trung ương Đảng đã dự báo về hoạt động quân sự của địch và chỉ thị “Sửa soạn phá những cuộc tấn công lớn của địch". Cả Việt Bắc hình thành thế trận toàn dân rộng khắp, vững chắc. Trong đó, các đơn vị bộ đội chủ lực là lực lượng chủ yếu, phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng dân quân, du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Cụ thể được bố trí như sau: ở Mặt trận đường số 3 có Trung đoàn 121, Trung đoàn 72, Trung đoàn 165; ở Mặt trận đường số 4 có Trung đoàn 74, Trung đoàn 11; ở Mặt trận sông Lô có Trung đoàn của Khu 10 và một tiểu đoàn chủ lực của Bộ. Các địa phương thành lập Uỷ ban bảo vệ cách mạng và các tổ chức Tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân. Tính đến giữa năm 1947, hầu hết các xã thuộc Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã xây dựng được những trung đội, đại đội dân quân, trong đó có cả đại đội nữ dân quân. Có huyện trọng điểm như Bạch Thông (Bắc Cạn) có tới 6 đại đội dân quân1. Địa phương nào cũng tổ chức các đội du kích thoát ly sản xuất. Dân quân, du kích được huy động canh phòng khu căn cứ, các địa bàn trọng điểm, các điểm xung yếu. Hệ thống giao thông liên lạc được tổ chức theo cách báo động dây chuyền xã nối xã, huyện nối huyện.
Nhân dân các địa phương, cả nông thôn và đô thị, theo chỉ thị “Tiêu thổ kháng chiến" của Chính phủ đã tiến hành “vườn không nhà trống”, cất giấu, tích trữ lương thực, thực phẩm, chuẩn bị đánh địch. Tại thị xã Bắc Cạn và vùng xung quanh, đề phòng địch nhảy dù, nhân dân đã cắm chông trên các ruộng, bãi trống trải. Mặc dù đời sống còn túng đói, nhưng trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc Việt Bắc vẫn hăng hái quyên góp tiền bạc, trâu, bò, lợn, gạo đóng góp cho kháng chiến. Chị em các dân tộc còn khâu túi đựng quân trang, quân dụng ủng hộ bộ đội.
Sáng 7 tháng 10, binh đoàn đổ bộ đường không do Sô-va-nhắc (Sauvagnac) chỉ huy nhảy dù xuống Bắc Cạn. Tối hôm đó, Thường vụ Trung ương Đảng đã điện ra lệnh cho các Khu uỷ, Quân khu uỷ chỉ huy bộ đội đánh mạnh để chia cắt lực lượng địch và phá kế hoạch của chúng. Ngày 8 tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi toàn thể đồng bào đoàn kết kháng chiến, ra sức giết giặc. Người phân tích, địch đánh ta tạo ra hai gọng kìm bao vây và hội quân ở Bắc Cạn, tạo cái ô cụp lấy Việt Bắc. Nhưng địch chỉ mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gẫy thì cái ô cụp xuống sẽ thành cái ô rách ...
Ngày 15 - 10 - 1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp". Chỉ thị nêu rõ: Cuộc tiến công này của địch không tỏ ra chúng mạnh, mà tỏ ra chúng yếu, chỉ ồ ạt lúc đầu. Chúng ta không sợ địch nhưng cũng không được khinh địch. Chỉ thị đề ra nhiệm vụ quân sự cho các chiến trường toàn quốc, trong đó nhấn mạnh phát động chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, giam chân, bao vây và đột kích các cứ điểm địch, khiến cho địch không thể tập trung quân đánh Việt Bắc; chặt đứt giao thông liên lạc, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế cho nhau; ra sức chế tạo vũ khí thô sơ cấp cho dân quân và các làng chiến đấu; củng cố các căn cứ địa về mọi mặt.
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, bản Chỉ thị đặt ra một yêu cầu quan trọng là xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ và phối hợp đánh giặc giữa bộ đội, dân quân du kích với nhân dân. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị của Trung ương Đảng và quyết tâm chiến dịch của Bộ Tổng chỉ huy, quân dân Việt Bắc với khí thế và ý chí quyết chiến, quyết thắng đã đồng loạt đánh địch trên tất cả các hướng tiến công của chúng.
Ở Bắc Cạn, ta có phần bị bất ngờ về chiến thuật của địch, nên gặp một số  tổn thất, nhưng khi địch vừa nhảy dù, bộ đội và dân quân du kích đã đổ ra đánh địch. Đoàn cảnh vệ Bắc Cạn, đại đội độc lập huyện Bạch Thông, dân quân du kích Thanh Mai, Yên Đĩnh, Cao Hoà, tự vệ chiến đấu các công binh xưởng C4, C6 toả đi chặn đánh các toán quân địch đi lùng sục, diệt những tên nhảy dù bị lạc, quấy rối các nơi giặc chốt lại. Trung đoàn Vệ quốc quân Cao Bằng bắn rơi tại chỗ máy bay địch, diệt quan năm Lăm-be (Lambert) cùng cơ quan tham mưu chiến dịch của địch. Toàn bộ bản kế hoạch tiến công của giặc Pháp rơi vào tay ta. Quân Pháp tuy chiếm được thị xã và một số huyện lỵ ở Bắc Cạn nhưng không đạt được mục tiêu “bắt gọn”  Chính phủ Hồ Chí Minh, diệt quân chủ lực Việt Minh, lại bị tiêu hao nặng nề và bị bao vây, cô lập giữa núi rừng trùng điệp trong khu căn cứ kháng chiến.
Trên Mặt trận đường số 4, binh đoàn bộ binh thuộc địa do Bô-phơ-rê (Beaufré) chỉ huy từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, đã bị các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp cùng dân quân du kích địa phương phục kích, tập kích đánh địch trên suốt đường hành quân của chúng, diệt hàng trăm tên, phá huỷ nhiều xe quân sự. Đường số 4 trở thành “con đường máu” của giặc Pháp.
Trên Mặt trận Sông Lô, binh đoàn hỗn hợp bộ binh thuộc địa và lính thuỷ đánh bộ do Com-muy-nan (Commuynan) chỉ huy, ngược sông Hồng, sông Lô tiến quân cũng bị bộ đội cùng dân quân, du kích phục kích, gây cho chúng thất bại nặng nề. Ta bắn chìm tàu chiến địch ở bến Bình Ca, Đoan Hùng, Khe Lau và đánh bộ binh địch trên bờ, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Hà Nội lên. Gọng kìm Sông Lô của chúng bị bẻ gãy.
Trên trục đường số 3, các đơn vị chủ lực đã phối hợp với tự vệ quân giới và dân quân địa phương tập kích nhiều vị trí đóng quân của địch, diệt hàng trăm tên. Đường tiếp viện của địch từ Cao Bằng xuống Bắc Cạn bị cắt đứt.
Chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông 1947 diễn ra và giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, cùng nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đảng ta, trong đó nổi bật là nghệ thuật xây dựng, tạo lập thế trận toàn dân đánh giặc rộng khắp, vững chắc ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh. Thế trận đó, đã tạo điều kiện có lợi cho các mặt trận và các lực lượng: cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích đều phát huy cao nhất khả năng tác chiến, phối hợp chặt chẽ với nhau để đánh địch, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chiến dịch. Chiến dịch cũng đã khơi dậy vai trò to lớn của nhân dân. Nhân dân không chỉ trực tiếp đánh giặc mà còn phục vụ chiến đấu hiệu quả,  góp hàng chục vạn ngày công phá đường, dựng vật chướng ngại ngăn cản bước tiến công của địch. Kết quả, trong chiến dịch, ta đã diệt, làm bị thương và bắt trên 7000 tên , bắn chìm 38 ca nô, 16 tàu chiến, hạ nhiều máy bay địch. Việt Bắc trở thành “mồ chôn giặc Pháp”.
 Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi to lớn. Đây là mốc khởi đầu sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa ta và địch, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới. Có được thắng lợi to lớn đó (trong điều kiện tương quan lực lượng quân sự bất lợi cho ta), điều căn bản là do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân ta xây dựng được thế trận toàn dân đánh giặc trên nền tảng vững chắc của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, để triệt phá thế trận áp đảo về quân sự của địch. Đây cũng là một bài học thắng lợi được vận dụng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Việt Bắc- Thu Đông 1947, bài học về xây dựng thế trận chiến tranh toàn dân vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Đại tá, PGS , TS. Vũ Như Khôi
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự

 (Trích Thư viện tỉnh Đồng Nai)
Chiến thắng Việc Bắc nhờ chủ trương đường lối sáng suốt của Đảng, tinh thần dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì đấu tranh ngoại giao để vãn hồi hoà bình. Mặc dù kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ nhưng Người vẫn kiên trì tìm cách ngoại giao với Quốc hội và Chính phủ Pháp nhằm chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp. Theo Người, nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn: “Tự do, hoà bình và độc lập”. Người kêu gọi nhân dân và binh lính Pháp, nhân dân các nước đồng minh hãy tìm cách ngăn chặn bàn tay của bọn thực dân hiếu chiến Pháp. Trong thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới 1947, Hồ Chí Minh viết: “Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hoà bình và tình hữu ái giữa nước  Pháp và nước Việt Nam”1
Từ ngày  1-1 đến ngày 1-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 21 lần trực tiếp hoặc gián tiếp đề nghị Chính phủ Pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh.
Ngày 1-10-1947, Hồ Chí Minh lại gửi điện trả lời chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn, đề nghị Chính phủ Pháp giữ “tinh thần hữu hảo, sự tin cậy và sự hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Pháp”. Đồng thời, chính phủ và nhân dân Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột”.
Đáp lại thực dân Pháp xua quân đánh vào căn cứ địa Việt Bắc. Vì vậy nhân dân Việt Nam buộc phải cầm súng chống lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Việt Bắc làm căn cứ kháng chiến hậu phương của cả nước. Trong lịch sử dân tộc ta có nhiều kinh nghiệm và xây dựng căn cứ địa hậu phương cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Tháng 5-1945 từ Cao Bằng về Tuyên Quang, Người đã chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm căn cứ để lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến trước thực dân Pháp sẽ quay lại xâm lược nước ta. Vì thế, trước khi về Thủ đô Hà Nội, Người đã chủ trương tiếp tục xây dựng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Tháng 11-1946, khi thực dân Pháp khiêu khích ở Hải Phòng và Hà Nội, Người gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc thì Hà Nội giữ được bao lâu? Đại tướng thưa rằng Giữ được một tháng, các thành phố khác ít khó khăn hơn, vùng nông thôn nhất định ta giữ được. Suy nghĩ trong giây lát, Người nói “Ta lại trở về Tân Trào”. Sau đó, Người đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Trong thời gian ngăn, các cơ sở chính trị của ta được củng cố, hoàn thiện. Hệ thống thông tin liên lạc, phòng gian bảo mật và lực lượng vũ trang cũng được xây dựng và củng cố đồng bộ. Hơn 42.000 tấn máy móc, nguyên liệu để sản xuất vũ khí và 20.000 tấn muối đã đưa lên Việt Bắc. Trước và sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ di chuyển lên Việt Bắc an toàn.
Sau khi vồ hụt cơ quan lãnh đạo của ta ở Hà Nội cuối năm 1946, thực dân Pháp vẫn nuôi mộng bắt bằng được cơ quan lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến. Ỷ vào binh hoả lực mạnh, sức cơ động cao thực dân Pháp định nhảy vào Việt Bắc bắt Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng núi rừng Việt Bắc đã trở thành mồ chôn giặc Pháp. Đúng như Hồ Chí Minh nhận định: Căn cứ địa Việt Bắc có thế chiến lược lợi hại, tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Nhờ vậy, mỗi chiến khu, mỗi tỉnh, thậm chí huyện cũng có thể xây dựng được căn cứ địa, căn cứ du kích. Tiêu biểu như các căn cứ Lang Tài (Bắc Ninh), Kim Môn (Hồng Quảng), Bác Ái (Ninh Thuận). Các làng chiến đấu như: Cự Nẫm, Cảnh Dương (Quảng Bình), Chi Lăng (Lạng Sơn), Xi Tơ (Tây Nguyên), Cao Pha (Tây Bắc), Nguyên Xá (Thái Bình). Căn cứ địa Việt Bắc là một đóng góp lớn của Hồ Chí Minh. Hậu phương Việt Bắc đã góp phần tạo lên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tư tưởng chiến lược chính trị, quân sự thiên tài Hồ Chí Minh toả sáng trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Thiên tài đó đã được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiêm nghiệm. Trước Cách mạng tháng Tám, Người đã quyết định nhiều vấn đề quân sự quan trọng như hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng, chỉ thị xây dựng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chỉ đạo tổng khởi nghĩa năm 1945.
Trong những năm củng cố chính quyền cách mạng sau tổng khởi nghĩa, Người lo tổ chức chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang và kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng BCHTƯ Đảng vạch ra đường lối Kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Lúc đầu thế địch mạnh muốn nhanh chóng bóp chết lực lượng vũ trang nhỏ bé, trang bị thô sơ của ta. Người chỉ đạo: Nhanh chóng tổ chức đánh du kích giam chân địch trong các thành phố, tiêu thổ kháng chiến tổ chức tản cư lên vườn không nhà trống; chuyển toàn bộ đất nước từ thời bình sang thời chiến.
Mùa hè 1947 từ khu V trở ra ta có 12 vạn quân trong đó chỉ có 1/4 chiến sĩ được trang bị súng. Riêng chiến trường Việt Bắc, ta chỉ có 20 tiểu đoàn quân chủ lực. Trong khi đó thực dân Pháp tập trung gần 30 tiểu đoàn tinh nhuệ có phi pháo mạnh yểm trợ. Người phân tích: Âm mưu của địch là hội quân ở Bắc Cạn tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, hai cánh quân tạo thành hai gọng kìm. Một theo đường số 4 ở phía Đông; hai theo đường sông Hồng, sông Lô ở phía Tây kẹp chặt lấy Việt Bắc. Chúng chỉ mạnh ở hai gọng kìm Đông và Tây. Nếu ra cùng lực lượng bao vây chặt và tiêu hao quân dù ở Bắc Cạn tập trung lực lượng kiên quyết phản công tiêu diệt các cánh quân địch ở Đông và Tây thì cái ô sẽ cụp xuống thành cái ô rách.
Ta không chủ trương đem quân chủ lực ra chọi nhau với địch mà dùng lực lượng nhỏ thực hiện phương châm: “đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung”, phục kích đánh địch trên các địa hình hiểm trở. Bằng phương thức đó, ta đã vô hiệu hoá sức mạnh phi pháo và đội quân vừa đông vừa thiện chiến của địch. Rừng Việt Bắc trở thành “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Cuộc tấn công lên Việt Bắc của Pháp bị thất bại nặng nề làm cho chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng bị phá sản. Buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta – đánh lâu dài.
Kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “…bọn quân phiệt thực dân khoe miệng rằng chóng thì dăm tuần, chậm th2i ba tháng chúng sẽ chinh phục được ta”. Đến nay, “Lực lượng của chúng cũng như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ… lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhóm, chỉ có tiến, không có thoái”2
Thắng lợi Việt Bắc, Thu – Đông 1947 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta, thể hiện rực rỡ nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc bén, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi này của quân và dân ta đã làm cho quân Pháp từ chủ động sang thế bị động.
Tìm hiểu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến thắng Việt Bắc, Thu – Đông 1947, chúng ta càng thấy: Tư tưởng quân sự của Người, một trong những nền tảng tư tưởng quân sự của Đảng ta, đã được phát triển trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 1995, T.5, tr.3, 313.
Nguồn Lịch sử Đảng. -1997. –Số 11. –Tr. 25-26, 32.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét