Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

quan hệ Việt Nam - Cuba


Sau khi cách mạng Cu-ba thành công (ngày 1-1-1959), ngày 2-12-1960, Cộng hòa Cu-ba đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH). Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt không chỉ đơn thuần trong quan hệ hai nước mà cả trong đời sống quốc tế đương đại. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Cu-ba là nước Mỹ La-tinh duy nhất lúc đó, bất chấp khoảng cách địa lý và hoàn cảnh khó khăn, đã đến với nhân dân Việt Nam với tư cách một người bạn chân thành, một người đồng chí tin cậy nhất, sẵn sàng chia sẻ với chúng ta theo tinh thần qua câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtrô: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sự kiện này còn có ý nghĩa to lớn hơn trong bối cảnh toàn bộ Mỹ La-tinh đang chịu sự chi phối và bị coi là khu vực “sân sau” của Mỹ. Cu-ba cũng là nước Mỹ La-tinh đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) và thành lập ủy ban toàn quốc đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam (năm 1963); là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng là nước đầu tiên đặt “Đại sứ quán trong rừng” ở Tây Ninh (năm 1969) v.v.. Nhân dân Cu-ba đã kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường chống đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới tác động của Cu-ba, một mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam đã hình thành và phát triển rộng khắp toàn Mỹ La-tinh, thậm chí đã gây tác động không nhỏ tới cả nhân dân Mỹ và góp phần không nhỏ vào thành công của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtrô đã sang thăm chính thức Việt Nam, ông cũng là vị lãnh tụ nước ngoài duy nhất tới vùng giải phóng Quảng Trị (tháng 9-1973). Chính phủ Cu-ba đã quyết định viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 5 công trình kinh tế và phúc lợi xã hội với tổng giá trị khoảng 80 triệu USD. Cũng trong chuyến thăm lịch sử này, Chính phủ Cu-ba cũng quyết định chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại từ Nhật Bản và cử một số sĩ quan, chuyên viên quân sự về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1). Cu-ba cũng là nước có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ La-tinh (12/19 nước ủng hộ, không một nước nào bỏ phiếu chống) ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại Khóa họp 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977. Trong suốt thập niên 80 thế kỷ XX, khi cả hai nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Cu-ba cũng là nước Mỹ La-tinh duy nhất còn lại luôn kề bên Việt Nam cùng chống lại chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ.
Khoảng cách địa lý quá xa đã không còn ý nghĩa trong sự hình thành và phát triển nhanh chóng mối quan hệ gắn bó, thủy chung giữa Việt Nam và Cu-ba. Điều này chỉ có thể lý giải bởi một số lý do: Một là, hoàn cảnh tương đồng của hai nước cùng chống một kẻ thù là đế quốc Mỹ (đồng minh “tự nhiên”). Hai là, đồng cảm về lý tưởng khi cả hai nước cùng hướng tới sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ba là, tình cảm chân thành mà nhân dân và lãnh tụ hai nước dành cho nhau trong quá trình cùng sống và chiến đấu. Một thứ tình cảm hết sức “vi diệu” đã nảy sinh giữa hai dân tộc mà bất cứ một lý thuyết nào về quan hệ quốc tế cũng không thể giải thích nổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét