1. Sự hình thành trật tự thế giới hai cực Ianta
Tháng 9 năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự thắng lợi của phe
Đồng minh chống phát xít và sự thất bại của phe phát xít. Kể từ thời điểm lịch sử trọng đại này, lịch sử thế giới và quan hệ quốc tế chuyển sang một thời kỳ mới với nhiều biến chuyển to lớn và chưa từng có tiền lệ.
Đồng minh chống phát xít và sự thất bại của phe phát xít. Kể từ thời điểm lịch sử trọng đại này, lịch sử thế giới và quan hệ quốc tế chuyển sang một thời kỳ mới với nhiều biến chuyển to lớn và chưa từng có tiền lệ.
Đầu năm 1945, trong bối cảnh Hồng quân Liên Xô đang truy quét bọn phát xít ra khỏi biên giới đất nước và chuẩn bị tác chiến trên lãnh thổ các nước Đông Âu đang chịu sự chiếm đóng của Đức quốc xã và quân đội Đồng minh Mỹ - Anh cũng giành được thắng lợi trong nỗ lực mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu và mặt trận Thái Bình Dương, nguyên thủ của ba cường quốc giữ vai trò nòng cốt trong phe Đồng minh (Liên Xô, Anh, Mỹ) đã gặp nhau tại thành phố Ianta/Yanta (bán đảo Crưm, Liên Xô) để nhằm đưa ra các biện pháp quan trọng nhằm đánh bại nhanh chóng các nước phát xít Đức và Nhật, kết thúc chiến tranh, đồng thời thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên trái đất. Cuộc gặp thượng đỉnh tam cường diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945 với sự tham gia của Stalin, Roosevelt và Churchill. Do liên quan đến lợi ích của mỗi cường quốc thắng trận mà hội nghị tại Ianta đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và sự tranh giành quyết liệt. Tuy nhiên, vì lợi ích chung có liên quan trực tiếp tới nền hòa bình, an ninh và trật tự thế giới mới sau chiến tranh nên cuối cùng các bên tham gia hội nghị cũng đã đạt được sự đồng thuận trên một số vấn đề chủ yếu sau:
Về vấn đề Đức, Liên Xô, Anh và Mỹ đã thống nhất với nhau rằng, cần phải đánh bại hoàn toàn và tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức. Sau khi Hitler bị đánh bại, nước Đức sẽ bị lực lượng Đồng minh chiếm đóng. Theo thỏa thuận giữa ba cường quốc, Liên Xô sẽ chiếm đóng vùng Đông Đức, Anh chiếm đóng vùng Tây-Bắc, còn Mỹ sẽ chiếm đóng vùng Tây – Nam của nước Đức. Do sự ủng hộ của Mỹ nên Pháp cũng có thể tham gia vào việc chiếm đóng nước Đức ( đại diện Mỹ từng cho rằng: “không thể tưởng tượng một châu Âu ổn định mà không có một nước Pháp mạnh và có ảnh hưởng”[1] ). Thủ đô Béclin (Berlin) của Đức cũng bị phân chia thành những vùng chịu sự chiếm đóng và kiểm soát của bốn cương quốc (Liên Xô, Anh, Mỹ và Pháp). Nhằm phối hợp hành động và thi hành những chính sách đã thỏa thuận áp dụng cho nước Đức, một Ủy ban kiểm soát Trung ương sẽ được thành lập ở Béclin. Cơ quan này đảm nhiệm chức năng là Chính quyền tối cao ở Đức, với sự tham gia của những người đứng đầu các lực lượng vũ trang ba cường quốc (Liên Xô, Anh và Mỹ) trên lãnh thổ Đức. Pháp cũng được mời tham gia vào ủy ban này (sau đổi tên thành Hội đồng kiểm soát của Đồng minh).
Tại Hội nghị, Ianta, ba cường quốc giữ vai trò nòng cốt trong phe Đồng minh chống phát xít đã đạt được thỏa thuận nhiều vấn đề liên quan đến nước Đức phát xít như, nước Đức sau khi bị đánh bại sẽ bị giải giáp vũ trang, thủ tiêu Bộ Tổng tham mưu, thủ tiêu nền công nghiệp chiến tranh, loại bỏ các đảng phái và tổ chức phát xít, trừng trị tội phạm chiến tranh, vấn đề bồi thường chiến tranh…
Một văn kiện quan trọng liên quan tới châu Âu cũng đã được nguyên thủ Liên Xô, Mỹ và Anh thông qua tại Ianta, đó là “Tuyên ngôn giải phóng châu Âu”. Tuyên ngôn có nội dung cơ bản là ba cường quốc cam kết phối hợp hành động để giúp tất cả các quốc gia dân tộc bị chủ nghĩa phát xít Đức, Italia xâm lược và chiếm đóng tiến hành cuộc đấu tranh tự giải phóng. Đồng thời, sau khi châu Âu được giải phóng, quân đội của các cường quốc Đồng minh sẽ tiếp tục ở lại trên lãnh thổ các nước châu Âu theo thỏa thuận nhằm tiến hành giải giáp quân đội phát xít, giúp đỡ các nước này xây dựng một chế độ mới theo lựa chọn của chính họ.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh tại Ianta, ba cường quốc đã cùng nhau phân chia khu vực ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á sau chiến tranh[2]. Cụ thể:
Ở châu Âu: Quân đội Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát Đông Đức và Đông Béclin. Quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng và kiểm soát Tây Đức, Tây Béclin, Italia và một số nước Tây Âu khác; vùng Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô; vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ, trong đó Áo và Phần Lan trở thành những nước trung lập.
Ở châu Á: Do việc Liên Xô chấp nhận tham chiến chống Nhật, Mĩ và Anh đã chấp nhận những yêu cầu của Liên Xô: duy trì nguyên trạng của CHND Mông Cổ; trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin bị Nhật chiếm từ sau chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905); quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản; trả lại cho Trung Quốc quần đảo Bành Hồ và Mãn Châu bị Nhật chiếm từ sau năm 1895; quân đội Liên Xô và Mĩ rút khỏi Trung Quốc; Trung Quốc tiến tới thành lập một chính phủ liên hiệp có sự tham gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Mĩ có quyền lợi ở Trung Quốc; Triều Tiên sẽ trở thành một nước độc lập, nhưng trước mắt quân đội Liên Xô và Mĩ chia nhau kiểm soát Bắc và Nam vĩ tuyến 38; các vùng lãnh thổ còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á) vẫn thuộc phạm vi truyền thống của các nước phương Tây.
Có thể thấy, những kết quả đạt được giữa Liên Xô, Anh và Mỹ tại Ianta vào tháng 2 năm 1945 không chỉ thiết lập một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nước thuộc phe Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa phát xít ở giai đoạn cuối cùng mà còn đặt những cơ sở có tính chất nền tảng cho việc hình thành một trật tự thế giới mới sau chiến tranh mà lịch sử gọi là Trật tự hai cực Ianta do Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi cực với các khu ảnh hưởng của mỗi nước.
Sau hội nghị Ianta, cả ba cường quốc đều đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm nhanh chóng đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức. Tuy quân đội Đức đã kháng cự điên cuồng song vẫn không thể ngăn cản được bước tiến của lực lượng Đồng minh. Đến ngày 26 tháng 4 năm 1945, Hồng quân Liên Xô và Mĩ đã gặp nhau ở Torgau trên bờ sông Elbe của Đức. Ngày 2 tháng 2 năm 1945, quân Đức bảo vệ Béclin đã buộc phải đầu hàng[3]. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, tại Karlshorst thuộc ngoại ô Béclin, dưới sự chủ tọa của Nguyên soái Liên Xô Jukov và sự tham dự của đại diện các lực lượng vũ trang Liên Xô, Mĩ, Anh và Pháp, tướng Đức là Keitel (người đứng đầu Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang Đức) đã phải ký vào Hiệp ước đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Như vậy, với văn kiện quan trọng này, chủ nghĩa phát xít Đức chính thức bị đánh bại hoàn toàn. Kể từ đây, sự thất bại của chủ nghĩa phát xít Nhật cũng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sau nhiều tranh cãi về địa điểm tổ chức cuộc họp cấp cao giữa ba cường quốc liên quan đến các vấn đề của nước Đức phát xít và nước Nhật bại trận, cuối cùng Liên Xô và Mĩ cũng đạt được thỏa với Anh về việc tiến hành Hội nghị thượng đỉnh Xô - Mĩ - Anh tại thành phố Potsdam (Đức). Trong các ngày từ 17 tháng 7 đến 25 tháng 7 và từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Potsdam. Vấn đề trung tâm của Hội nghị Potsdam là vấn đề Đức, với các vấn đề chính như: tương lai của nước Đức, về việc chiếm đóng và kiểm soát nước Đức, trừng trị tội phạm chiến tranh và bồi thường chiến phí chiến tranh.
Theo quyết định của Hội nghị Potsdam, nước Đức phải trở thành một quốc gia thống nhất, dân chủ và hòa bình, tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít. Diện tích khu vực chiếm đóng của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp tại Đức đã được công bố vào ngày 6 tháng 6 năm 1945. Theo đó, Liên Xô chiếm đóng khu vực phía đông có diện tích 107.500 km2 với số dân là 18,5 triệu người; Anh phía bắc (98.826 km2, 22 triệu dân); Mỹ phía nam (113.164 km2, 15,7 triệu dân) và Pháp chiếm phía tây giáp với Pháp (39.152 km2, 5,9 triệu dân). Trong khoảng thời gian gần một năm (từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 8 năm 1946) một Tòa án quốc tế cũng đã được tổ chức tại Nuyrămbe (Đức) để xét xử và trừng phạt các tội phạm chiến tranh. Liên quan đến việc bồi thường chiến tranh của Đức, Hội nghị Potsdam đã quyết định cả Liên Xô và ba nước đoòng minh phương tây đều được nhận tiền bồi thường khấu trừ trong các tài sản tịch thu của Đức ở khu vực chiếm đóng củamình và trích trong số đầu tư của Đức ở nước ngoài[4].
Về vấn đề Nhật Bản, Tuyên bố Potsdam đã chỉ rõ: Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện; chủ quyền của Nhật chỉ giới hạn trên đất Nhật chính thống (4 đảo Honshu, Hokkaido, Honshu và Shikoku) và một số đảo phụ lân cận; trừng trị các tội phạm chiến tranh; dân chủ hóa nước Nhật và thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa quân phiệt; thủ tiêu lực lượng vũ trang của Nhật Bản; Nhật Bản chỉ được phát triển công nghiệp hòa bình.
Có thể thấy, những nghị quyết của Hội nghị Potsdam vừa tiếp tục khẳng định, vừa bổ sung, đồng thời cụ thể hóa những quyết định của Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên Xô, Mỹ và Anh tại Ianta về việc phối hợp hành động kết thúc chiến tranh (đánh bại Nhật Bản) và thiết lập một trật tự thế giới mới sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, điều cần chú ý là đây cũng là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng giữa ba cường quốc giữ vai trò nòng cốt trong phe Đồng minh. Ở giai đoạn chót của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, do những lợi ích của mỗi cường quốc, đã nảy sinh những mầm mống của sự bất đồng và chia rẽ giữa Liên Xô và Mỹ, Anh. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Tổng thống Mỹ Truman đã tuyên bố riêng rẽ rằng chỉ có quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật Bản[5].
Nhờ sự hợp sức của quân đội các nước Đồng minh, sự sụp đổ của nước Nhật phát xít là không thể tránh khỏi. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên thiết giáp hạm Missouri, trong vịnh Tokyo, đại diện Chính phủ Nhật Bản đã gặp tướng Mỹ Mac Arthur và các sĩ quan Đồng minh chính thức ký văn bản đầu hàng không điều kiện[6]. Trong những ngày tiếp theo, các đạo quân của Nhật lần lượt hạ vũ khí, chiến tranh đã chấm dứt, đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa phát xít Nhật.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tình hình thế giới đã có những chuyển biến to lớn, tác động mạnh mẽ tới tất cả các quan hệ quốc tế và trật tự thế giới vừa mới được thiết lập.
Trước tiên, từ chỗ là đồng minh, hợp tác với nhau để cùng đối phó và đánh bại chủ nghĩa phát xít, sau chiến tranh, hai cường quốc Liên Xô và Mỹ đã nhanh chóng chuyển sang đối đầu. Hệ quả là, trên thế giới đã dần hình thành hai phe đối lập – phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa – và mỗi phe đều tập hợp chung quanh một cực siêu cường của mình. Sự đối đầu đó bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân (sự khác biệt về hệ tư tưởng, sự khác nhau về bản chất chế độ, tham vọng của mỗi cường quốc, những mục tiêu và lợi ích căn bản mà mỗi phe theo đuổi…). Thực trạng đó đã đưa đến sự ra đời của Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ và giữa hai phe. Mặc dù vậy, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan, Liên Xô và Mỹ tuy đối đầu và cạnh tranh quyết liệt với nhau song vẫn phải chung sống hòa bình, tránh nguy cơ đụng đầu trực tiếp giữa hai siêu cường, tránh một cuộc đối đầu mang tình hủy diệt. Đúng như Thomas L. Friedman trong tác phẩm của mình có nhan đề “Chiếc Lexus và cây ô liu” đã nhận xét khá chính xác về mối quan hệ giữa hai cường quốc vốn là bạn bè và liên minh với nhau trong chiến tranh, giờ lại là những đối thủ cạnh tranh của nhau: “Khi Mỹ trổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cưỡi trên lưng thế giới như một siêu cường vô địch, có trọng trách toàn cầu và tham gia tranh giành quyền lực với Liên Xô…Bỗng nhiên, cả thế giới trở thành sân chơi của Hoa Kỳ, và cả thế giới chỗ nào cũng quan trọng, vì mọi ngõ ngách trên thế giới đều có sự tranh giành với Liên Xô”[7]. Có thể nói, trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của trật tự hai cực Ianta, một đặc điểm lớn của tình hình thế giới là giữa Liên Xô và Mỹ, giữa hai phe vừa đấu tranh gay gắt với nhau lại vừa chung sống hòa bình và hợp tác với nhau thông qua diễn đàn của tổ chức quốc tế Liên Hợp Quốc. Việc Giáo sư Michael Mandelbau, môn Quan hệ đối ngoại, Đại học Hopkins ví Chiến tranh Lạnh giống như môn vật Sumo của Nhật Bản đã khắc họa chính xác mối quan hệ giữa hai siêu cường Xô – Mỹ: “Sẽ có hai anh béo đứng trên đài, múa may lễ bái đủ đường, giậm chân huỳnh huỵch, nhưng rất ít khi chạm vào nhau… cho tới cuối trận thì có chút ít xô đẩy và có một tay bị thua do bị đẩy ra khỏi đài, nhưng rốt cuộc chẳng có anh nào chết cả”[8].
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước (Liên Xô trước trước Chiến tranh thế giới thứ hai) trở thành một hệ thống thế giới với hơn 10 quốc gia trải rộng từ châu Âu qua châu Á tới khu vực Mỹ latinh. Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, với sự tăng trưởng nhanh chóng về mọi mặt, hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã trở thành một lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế hùng hậu, và là một nhân tố tác động có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chiều hướng phát triển của tình hình thế giới. Hệ thống XHCN đã trở thành chỗ dựa tin cậy đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Một thực tế là, trong các kế hoạch của mình, Mỹ và chủ nghĩa tư bản không thể không tính đến nhân tố Liên Xô và hệ thống XHCN thế giới.
Thứ ba, cuộc Chiến tranh lạnh (hình thành năm 1947 và kéo dài đến 1989) đã có tác động mạnh mẽ tới chính sách đối nội, quan hệ đối ngoại và mậu dịch của hầu hết mọi nước trên thế giới. Chiến tranh lạnh “không tạo lập tất cả nhưng lại định hình rất nhiều thứ”[9]. Nhà nghiên cứu Mỹ,Thomas L. Friedman, đã chỉ ra rằng: “Với vai trò là một hệ thống quốc tế, Chiến tranh lạnh có cấu trúc quyền lực riêng: cán cân lực lượng giữa Hoa Kỳ và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết. Chiến tranh lạnh có những luật lệ riêng: trong quan hệ đối ngoại, không một siêu cường nào muốn xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của một siêu cường khác; trong kinh tế, những nước kém phát triển chú tâm vào việc phát triển những ngành công nghiệp quốc gia của riêng họ, các nước đang phát triển chú tâm tăng trưởng trên cơ sở xuất khẩu, các nước xã hội chủ nghĩa tập trung thắt lưng buộc bụng và phương Tây thì chăm chăm vào việc buôn bán có điều tiết. Chiến tranh lạnh có hệ tư tưởng riêng của nó: cuộc chạm chán giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giai đoạn hòa hoãn, không liên kết hay cải tổ (perestroika). Chiến tranh lạnh có khuynh hướng về dân số riêng: di cư từ Đông sang Tây bị bức màn sắt ngăn trở, nhưng di cư từ miền Nam lên phía Bắc thì đều đặn hơn. Chiến tranh lạnh có cái nhìn toàn cầu riêng: thế giới được chia thành phe XHCN, phe TBCN và phe trung lập; nước nào cũng thuộc về một trong những phe này. Chiến tranh lạnh sinh ra những công nghệ định hình riêng: chủ đạo là vũ khí hạt nhân và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai, nhưng đối với dân chúng ở các nước đang phát triển thì búa liềm vẫn là công cụ gần gũi. Chiến tranh lạnh có thước đo riêng: số lượng tên lửa hạt nhân của mỗi bên. Và sau cùng, Chiến tranh lạnh tạo ra mối lo riêng: sự hủy diệt hạt nhân”[10]. Không chỉ có vậy, Thomas L. Friedman đã đúng khi khẳng định: “Trước hết, nói về Chiến tranh lạnh là nói đến sự chia cắt. Thế giới bị chia cắt ngang dọc thành nhiều cánh đồng vụn vặt manh mún”[11].
Thứ tư, những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong lúc hầu hết các nước tư bản dù thắng trận hay thua trận đều bị suy sụp, kiệt quệ thì Mỹ là nước duy nhất được hưởng lợi từ chiến tranh, vươn lên trở thành đế quốc giàu mạnh nhất trong phe tư bản chủ nghĩa. Tuy vậy, tình hình này chỉ kéo dài trong hơn một thập niên. Kể từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, sức mạnh và địa vị của Mỹ bắt đầu bị giảm sút, các nước tư bản bại trận như Tây Đức, Nhật Bản đã vươn lên, tìm lại vị thế của mình, cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng năng lượng đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, các nước tư bản đều tiến hành tự điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới của thế giới, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.
Thứ năm, ngay vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai sắp sửa kết thúc, cao trào giải phóng dân tộc đã diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở hầu hết các châu lục. Chính điều này đã giáng những đòn tấn công mạnh mẽ vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, làm tan rã từng mảng lớn trong thập niên 50 của thế kỷ XX và tới giữa thập niên tiếp theo thì sụp đổ về cơ bản. Sự xuất hiện trở lại trên bản đồ chính trị quốc tế của hơn 100 quốc gia độc lập trẻ tuổi đã có ảnh hưởng to lớn tới trật tự hai cực Ianta, khiến cho cả Mỹ lẫn Liên Xô không thể bỏ qua vai trò của họ trong các tính toán chiến lược của mình.
Thứ sáu, từ sau năm 1945, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên khắp thế giới. Với quy mô to lớn, nội dung toàn diện và sâu sắc, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, đưa lại nhiều tác động đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ và thành tựu kỳ diệu, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng đem lại những hạn chế mà hậu quả lâu dài của nó không dễ gì giải quyết ngày một ngày hai.
Chiến tranh lạnh gần như là một hệ quả tất yếu của tình hình đối đầu, căng thẳng giữa hai phe thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là kết quả tất yếu của trật tự hai cực Ianta.
2. Chiến tranh lạnh là kết quả tất yếu của trật tự hai cực Ianta
2.1. Nguồn gốc của Chiến tranh lạnh
Cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mĩ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không phải chỉ bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà nó nảy sinh ngay từ sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917) với sự ra đời của nước Nga Xô viết. Lúc bấy giờ, các nước tư bản phương Tây đã tập trung lực lượng và tìm mọi cách để xóa bỏ sự tồn tại của nước Nga Xô viết: 14 nước tư bản đã đưa quân can thiệp chống nước Nga (1918 – 1920), các nước tư bản đã bao vây kinh tế, cô lập chính trị nước Nga trong thập niên 20 – 30 của thế kỷ XX, đặc biệt trong cuộc xâm lược Liên Xô của nước Đức phát xít trong những năm 1941 – 1945. Mặc dù vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên vẫn đứng vững, tồn tại và ngày càng phát triển. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp đều là nạn nhân của cuộc xâm lược phát xít và họ đã trở thành đồng minh của nhau để cùng nhau đánh bại chủ nghĩa phát xít. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước tư bản này vẫn không hề mất đi ngay cả khi họ đã cùng chung một chiến hào. Ngay khi chiến tranh sắp sửa kết thúc, chủ nghĩa phát xít sắp bị tiêu diệt, thì mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp lại nổi lên do lợi ích và tham vọng của mỗi bên. Các nước này từ quan hệ đồng minh chuyển sang quan hệ đối đầu. Đó là một trong những nguồn gốc sâu xa của cuộc Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, ngay từ Hội nghị Ianta (2/1945), Liên Xô và Mĩ, Anh đã thỏa thuận với nhau phân chia phạm vi ảnh hưởng đối với các khu vực trên phạm vi thế giới. Cũng vì thế,Chiến tranh lạnh là kết quả tất yếu của các cuộc chiến tranh giành và mở rộng phạm vi thế lực giữa Liên Xô và Mĩ, mà thường được gọi là hai cực trong trật tự thế giới hai cực được xác định từ Hội nghị Ianta.
Tuy nhiên, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tình hình thế giới chuyển biến mau lẹ ngày càng có lợi cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, bất lợi cho Mĩ và các đồng minh của Mĩ. Đầu năm 1947, ở các nước Đông Âu, khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, chính quyền lần lượt chuyển vào tay nhân dân lao động, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp phong trào đấu tranh vũ trang do Đảng Cộng sản lãnh đạo phát triển mạnh mẽ. Ở Pháp, Bỉ và Italia đại diện của Đảng Cộng sản đã tham gia Chính phủ, ở các nước này đã diễn ra một loạt những cải cách kinh tế - xã hội có lợi cho người lao động. Còn ở khu vực Đông Âu, với sự trợ giúp tích cực của Liên Xô, các Đảng Cộng sản đã giành được ưu thế trong bộ máy chính quyền, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ở châu Á, cách mạng Trung Quốc phát triển mạnh, so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho Đảng Cộng sản. Trong bối cảnh như thế, Mỹ đã đẩy mạnh chiến lược toàn cầu chống lại phong trào cách mạng thế giới. Tổng thống Mỹ Truman đã khẳng định rõ tham vọng bá chủ của Mỹ: “Dù muốn hay không muốn, chúng ta phải công nhận thắng lợi mà chúng ta đạt được đã đặt lên nhân dân Mỹ gánh nặng là tiếp tục trách nhiệm lãnh đạo thế giới”[12].
Tháng 3 – 1947, Tổng thống Mĩ Truman đã đọc diễn văn tại Quốc hội Mĩ, chính thức đưa ra học thuyết của mình. Theo Truman thì các nước Đông Âu “vừa mới bị cộng sản thôn tính” và những đe dọa tương tự đang diễn ra nhiều nước khác ở châu Âu, ở Italia, Pháp và cả Đức nữa. Vì vậy, Mĩ phải đứng ra “đảm nhận sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do” phải giúp đỡ các dân tộc thế giới chống lại “sự đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự “bành trướng” của nước Nga, giúp đỡ bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Tổng thống Mĩ đã phát động cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, học thuyết Truman đã mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh này đã diễn ra theo tư tưởng và mục tiêu của Mĩ mà học thuyết Truman đã vạch ra. Cuộc chiến tranh này chính là sự đe dọa sử dụng bạo lực quân sự, bao vây kinh tế, phá hoại chính trị, chạy đua vũ trang và chuẩn bị chiến tranh, làm cho tình hình thế giới luôn luôn căng thẳng. Mục tiêu của chiến tranh lạnh do Mĩ phát động là Mĩ tiến tới lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội không cho lan ra các khu vực khác. Từ năm 1947 đến năm 1949, Mỹ và các nước phương Tây ráo riết đẩy mạnh Chiến tranh lạnh với ba khúc dạo đầu, đó là Chủ nghĩa Truman, Kế hoạch Macsan và Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
2.2. Những biểu hiện chính của Chiến tranh lạnh
Mĩ tìm cách lôi kéo các nước đồng minh về phía mình bằng các biện pháp kinh tế, chính trị và quân sự vừa để thao túng, vừa để tạo ra khối các nước đối lập với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 05 – 06 – 1947, ngay sau khi học thuyết Truman ra đời, ngoại trưởng Mĩ Macsan liền đưa ra kế hoạch của mình bằng “Phương án phục hưng châu Âu”. Theo Macsan, chỉ cần một bộ phận hoặc toàn bộ các nước các nước châu Âu cùng nhau xây dựng một kế hoạch “phục hưng” thì Mĩ sẽ mở rộng “viện trợ” đến châu Âu. Thực hiện kế hoạch của Macsan, ngày 12 – 07 – 1947, các nước Anh – Pháp triệu tập ở Pari hội nghị bàn về kế hoạch này của Mĩ với 16 nước tư bản châu Âu tham gia. Hội nghị đã yêu cầu Mĩ viện trợ hàng chục tỉ đô la cho châu Âu. Tháng 4 – 1948, Quốc hội Mĩ thông qua “Đạo luật viện trợ nước ngoài” với những quy định: nước nhận viện trợ phải kí với Mĩ hiệp ước tay đôi có lợi cho Mĩ, phải thi hành chính sách kinh tế tài chính do Mĩ yêu cầu, phải cung cấp nguyên liệu cho Mĩ, phải ngừng buôn bán với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, hủy bỏ kế hoạch quốc hữu hóa và gạt bỏ các lực lượng tiến bộ ra ngoài chính phủ… Kế hoạch Macsan được thực hiện từ ngày 9 – 4 – 1948 đến ngày 31 – 12 – 1951, thực tế Mĩ đã bỏ ra khoảng gần 13 tỉ đô la[13]. Với kế hoạch này, Mỹ đã giữ vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế châu Âu vốn bị chiến tranh tàn phá nặng nề, qua đó Mỹ thực thiện thành công mưu đồ khống chế các nước tư bản Tây Âu về chính trị, kinh tế, chuẩn bị cơ sở cho sự ra đời một liên minh quân sự ở châu Âu.
Phản ứng lại đối với “Học thuyết Truman” và “Kế hoạch Macsan”, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng cộng sản châu Âu đã xúc tiến thành lập Cơ quan Thông tin Cộng sản (KOMINFORM) vào tháng 10 năm 1947. Đại diện của Đảng Cộng sản các nước, Liên Xô, Ba Lan, Nam Tư, Bungari, Rumani, Hungari, Tiệp Khắc, Italia và Pháp đã tham dự cuộc họp thành lập tổ chức trên tại Vacsava. Hội nghị đã ra bản tuyên bố, trong đó phân tích tình hình thế giới chia làm hai phe, phe đế quốc – tư bản do Mĩ đứng đầu và phe chống đế quốc – tư bản do Liên Xô đứng đầu. Cơ quan thông tin cộng sản có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thông tin, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hành động đấu tranh giữa các đảng cộng sản một cách tự nguyện, nhằm thống nhất về mặt tư tưởng. Để trao đổi thông tin, hội nghị đã quyết định xuất bản tạp chí ở Bêôgrat bằng tiếng Pháp và tiếng Nga mang tên “Vì một nền hòa bình vững chắc, vì nền dân chủ nhân dân”. Hơn một năm sau, vào ngày 8 - 1 - 1949, Liên Xô và các nước Anbani Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Tiệp Khắc đã quyết định thành lập tổ chức kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa: Hội đồng tương trợ kinh tế (gọi tắt theo tiếng Nga là SEV). Như vậy, trên thế giới đã hình thành một giới tuyến đối lập về kinh tế giữa khối phương Tây tư bản chủ nghĩa và khối phương Đông xã hội chủ nghĩa.
Như một biểu hiện tất yếu của sự đối đầu giữa hai phe trong cuộc Chiến tranh lạnh, các khối quân sự đã lần lượt được thành lập, cho thấy tình hình căng thẳng của thế giới khi tồn tại trật tự hai cực Ianta. Với tham vọng bá chủ thế giới, chống lại Liên Xô và các nước XHCN, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc, Mỹ đã ráo riết thành lập các liên minh quân sự, kéo theo sự đáp trả của Liên Xô.
Để dọn đường cho việc chuẩn bị liên minh quân sự đầu tiên với các nước Tây Âu, tháng 6 năm 1948, Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định mang tên nghị sĩ Vanđebơ, trong đó cho phép Chính phủ Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử được ký kết những liên minh quân sự với các nước ngoài châu Mỹ trong thời bình, đồng thời có thể viện trợ cho các nước liên kết với Mỹ[14].
Gần một năm sau đó, vào tháng 4 năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra đời dưới sự lãnh đạo của Mỹ, với sự tham gia của 12 nước châu Âu và Bắc Mỹ.Việc thành lập khối NATO đánh dấu sự khống chế về quân sự của Mỹ đối với các nước Tây Âu, lập nên một liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây. Việc Tây Đức tham gia NATO đã khiến cho khối này thực sự trở thành một công cụ quan trọng của chính sách Chiến tranh lạnh chống phá các nước XHCN. Trước nguy cơ đó, tháng 5 năm 1955, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã quyết định thành lập Tổ chức Hiệp ước Vácxava - một liên minh quân sự - chính trị mang tính chất phòng thủ của các nước XHCN châu Âu. Có thể thấy, từ thời điểm này, sự đối đầu về quân sự giữa hai phe do Mỹ và Liên Xô đứng đầu đã khiến cho bầu không khí trong đời sống quan hệ quốc tế ở châu Âu và thế giới luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Sự ra đời của khối NATO và Tổ chức Hiệp ước Vácxava đã “đánh dấu sự xác lập cuối cùng cục diện chiến lược hai cực, với một đặc trưng nổi bật là việc đứng bên này hay bên kia đã mở rộng và tăng lên từ châu Âu sang các nước khác trên thế giới”[15].
Trong những năm 1947 - 1949, Mĩ thi hành “chính sách ngăn chặn” nhằm ngăn chặn “sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”, rồi tiến tới tiêu diệt nó. Mĩ cho rằng, Liên Xô bị suy yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kiệt quệ cả về vật chất và tinh thần, chỉ cần đặt trước Liên Xô một lực lượng mạnh trong vòng 10 – 15 năm, Liên Xô sẽ tự bị tiêu diệt và sẽ ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn được khuynh hướng xâm lược của người Nga.
Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản, Mĩ đã xúc tiến việc chia cắt nước Đức và Triều Tiên. Mĩ cùng các nước Anh, Pháp tiến hành chia cắt nước Đức, phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức, biến Tây Đức thành tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa xã hội không thể lan sang phía Tây châu Âu. Mĩ đã phá hoại những khóa họp của hội nghị ngoại trưởng Matxcơva (4 – 1947) và ở Luân Đôn (12 – 1947) bằng cách bác bỏ mọi đề nghị của Liên Xô trong việc giải quyết vấn đề kí hòa ước với Đức, vấn đề thành lập một chính phủ chung cho toàn Đức theo nghị quyết Potsdam và vấn đề những biện pháp nhằm tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt Đức. Ngay sau khi Hội nghị Luân Đôn đi đến chỗ bế tắc, các nước phương Tây liền tổ chức một hội nghị riêng rẽ khác ở Luân Đôn để bàn về việc chia cắt nước Đức. Hội nghị đã đề cập đến những nội dung sau: Tổ chức chính trị ở Tây Đức, chế độ khai thác vùng Rua, chế độ đóng chiếm ở Tây Đức, cải cách tiền tệ ở Đức. Hội nghị cho việc thành lập một quốc gia riêng rẽ ở Tây Đức có ý nghĩa đặc biệt. Ngày 2 – 6 – 1948, Hội nghị đã đưa ra bản tuyên bố nêu rõ ý định quyết tâm chia cắt nước Đức của các nước phương Tây. Sau hội nghị, ngày 18 – 6 – 1948, tại phía Tây nước Đức và Tây Béclin, Mĩ, Anh, Pháp tiến hành cải cách tiền tệ riêng rẽ, số tiền cũ họ đưa sang phía Đông Đức và Đông Béclin, gây rối loạn kinh tế - xã hội khu vực này.
Để bảo vệ nền kinh tế Đông Đức khỏi bị tan rã, Ban quân chính Liên Xô ở Đông Đức bắt buộc phải thi hành hạn chế vận tải trong việc thông thương giữa hai miền Đông và Tây Đức, giữa Tây Béclin và Đông Béclin. Sau đó, ở Đông Đức cũng tiến hành cải cách tiền tệ để ổn định và phát triển nền kinh tế. Lúc này, tình hình giữa miền Đông và miền Tây cũng như quan hệ giữa Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp trở nên căng thẳng. Các nước phương Tây lập cầu hàng không tiếp tế hàng hóa cho Tây Đức và Tây Béclin, họ cũng lợi dụng lý do nhân đạo để đưa thêm lực lượng vũ trang và vũ khí vào Tây Đức. Tình hình căng thẳng, nhưng xung đột đã không xảy ra, do Liên Xô đã chủ động đồng ý hủy bỏ những hạn chế vận tải giữa các khu vực ở nước Đức (5 – 1949) với điều kiện hội nghị ngoại trưởng phải họp lại để bàn giải quyết vấn đề Đức.
Sau cuộc khủng hoảng này, phía các nước phương Tây vẫn tích cực xúc tiến việc thành lập riêng rẽ nhà nước Đức ở phía tây. Bộ tư lệnh Mĩ, Anh, Pháp cùng với những lãnh đạo Đức ở phía Tây đã họp Hội nghị Phranphuốc (7 – 1948) đã quyết định triệu tập một quốc hội lập hiến riêng rẽ vào tháng 9 – 1948. Tiếp theo, Mĩ, Anh, Pháp đã tiến hành hội nghị riêng ở Oasinhtơn (8 – 4 – 1949) thông qua nhiều nội dung quan trọng về vấn đề Đức trái với tinh thần của hội nghị Potsdam. Tháng 5 – 1949, Hội đồng nghị viện họp ở Bon đã thông qua dự thảo Hiến pháp nước cộng hòa Liên Bang Đức (Tây Đức). Ngày 14 – 9 – 1949, ở các khu vực miền Tây, một cuộc bầu cử riêng rẽ đã được tiến hành. Ngày 12 – 9,nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) đã có Thủ tướng đầu tiên.
Như vậy, ở phía Tây Đức đã xuất hiện một quốc gia riêng rẽ, liên minh chặt chẽ với phương Tây. Đáp lại hành động của Mĩ và các nước phương Tây, ở Đông Đức vào tháng 5 – 1949, được sự giúp đỡ của Liên Xô, các đảng phái và tổ chức dân chủ của hai miền nước Đức đã họp Đại hội nhân dân, thông qua dự thảo Hiến pháp và bầu ra Hội đồng nhân dân Đức. Ngày 7 – 10 – 1949, Hội đồng nhân dân Đức tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Như thế trên nước Đức cũ đã xuất hiện hai nhà nước Đức đối lập nhau. Sự ra đời của Cộng hòa Dân chủ Đức là một đòn đánh vào kế hoạch “ngăn chặn” của Mĩ.
Ở châu Á, Mĩ cũng tích cực thực hiện chia cắt Triều Tiên, coi đó là việc làm cần thiết để “ngăn chặn” chủ nghĩa xã hội mở rộng ra khu vực Đông Bắc Á. Ngày 10 – 5 – 1948, Mĩ, các lực lượng thân Mĩ đã tổ chức tuyển cử riêng rẽ ở Nam Triều Tiên. Ngày 30 – 5 – 1948, Quốc hội được bầu cử ở phía nam đã họp ở Sơun, cử Lý Thừa Văn lên làm Tổng thống nước Đại Dân quốc (Hàn Quốc).
Để đối phó lại hành động của Mĩ ở bán đảo Triều Tiên, được sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 6 – 1948, các đảng phái và các tổ chức dân chủ ở miền Bắc Triều Tiên đã họp hội nghị liên tịch, quyết định bầu cử Quốc hội để tiến tới thành lập Chính phủ dân chủ. Ngày 21 – 8 – 1948, Quốc hội họp và tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Như vậy, trên bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện hai nhà nước đối lập nhau, đó là hậu quả khác của cuộc chiến tranh lạnh.
Đến thập niên 50 của thế kỷ XX, “Chính sách ngăn chặn” của Mĩ cũng thất bại ở nhiều nơi. Ở một số nước châu Á sau khi giành được độc lập đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt ở châu Á,sự kiện thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1 tháng 10 năm 1949 đã góp phần to lớn vào việc tăng cường ảnh hưởng của phe XHCN trên thế giới, đánh dấu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành từ từ Âu sang Á, làm cho so sánh lực lượng giữa hai phe thay đổi có lợi cho phe XHCN. Bên cạnh đó,Liên Xô không bị suy yếu như Mĩ mong đợi, mà ngày càng hùng mạnh, vững chắc hơn trước. Kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1946 – 1950) đã hoàn thành khôi phục kinh tế trước thời hạn (4 năm 3 tháng). Năm 1950, sản lượng công nghiệp Liên Xô tăng 73% so với trước chiến tranh; năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền thứ vũ khí này của Mỹ.
Ở các nước Đông Âu, trong những năm 1947 – 1949, với sự giúp đỡ tích cực của Liên Xô, nhân dân các nước này lần lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tất cả các mưu toan ngăn chặn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các nước này đều lần lượt thất bại.
Ở châu Á, tình hình cũng biến đổi nhanh chóng, làm thất bại “chính sách ngăn chặn” của Mĩ. Từ năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới và ngày càng thu được thắng lợi to lớn. Đến năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ đã cho thấy sự thất bại của Mĩ trong “chính sách ngăn chặn”. Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh từ sau năm 1945, Mĩ và các nước phương Tây đã tiến hành thành lập các khối quân sự và các căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới.
Châu Âu, lúc này, trở thành trọng điển trong chính sách bao vây, ngăn chặn của Mĩ. Vì vậy, Mĩ đã tiến hành đàm phán với Canađa và 5 nước trong tổ chức “Liên hiệp Châu Âu” (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Lucxămbua) để thành lập khối Bắc Đại Tây Dương. Mặc dù có những bất đồng, nhưng cuối cùng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã được 12 nước, kí kết ở Washington ngày 4 – 4 – 1949. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 4 – 8 – 1949, thời hạn hiệu lực 20 năm (có thể gia hạn thêm) khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời đánh dấu sự khống chế của Mĩ về quân sự đối với Tây Âu, lập nên một liên minh quân sự lớn nhất phương Tây, một công cụ quan trọng của chính sách chiến tranh lạnh của Mĩ chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Năm 1955, Tây Đức được kết nạp vào NATO làm cho quan hệ Đông – Tây càng trở nên căng thẳng. Trước tình hình đó, tháng 5 – 1955, Liên Xô và các nước Anbani (năm 1961, do bất đồng với Liên Xô nên Anbani đã rút ra khỏi khối), Bungari, Hungari, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Rumani và Tiệp Khắc đã tổ chức Hội nghị ở Vacsava và kí hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ (14 – 5 – 1955) với thời hạn 20 năm, nhằm gìn giữ an ninh của các hội viên, duy trì hòa bình ở châu Âu… Hiệp ước Vacsava còn quy định rằng khi hiệp ước an ninh tập thể toàn châu Âu được kí kết thì hiệp ước Vacsava sẽ hết hiệu lực. Điều đó nói lên tính chất phòng thủ của hiệp ước này.
Sự ra đời của hai khối quân sự lớn nhất toàn cầu do Mĩ và Liên Xô đứng đầu, đối địch nhau, đều chạy đua vũ trang, trang bị những vũ khí hiện đại để tăng cường sức mạnh của khối mình, đã làm cho tình hình thế giới càng căng thẳng.
Nhằm hỗ trợ cho khối NATO và tăng cường bao vây Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Mỹ và các đồng minh của mình đã thành lập một loạt các khối quân sự và căn cứ quân sự khácrải ráctrên thế giới. Ở Đông Bắc Á, tháng 9 năm 1951, Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật được kí kết; khối ANZUS được thành lập (9 - 1951) gồm Mỹ, Ôxtrâylia, Niu Di lân nhằm trấn ngự phía nam Thái Bình Dương và châu Đại Dương; ở Đông Nam Á, khối Liên minh quân sự Đông Nam Á (SEATO) bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Di lân, Pakixtan, Thái Lan và Philippin được thành lập vào tháng 9 – 1954 nhằm ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan tràn xuống khu vực này sau thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà tiêu biểu nhất là Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng năm năm 1954; ở Trung Cận Đông khối khối Trung Tâm (CENTO) gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Irắc được thành lập năm 1955. Những khối quân sự này cùng với trên 2000 căn cứ quân sự của Mĩ rải rác nhiều nơi trên thế giới hình thành một vành đai bao vây; cô lập và kiểm soát Liên Xô và và các nước xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, Mĩ còn đưa ra hàng chục vạn quân đóng ở nước ngoài. Những năm 1968 – 1969, Mĩ đưa 1,5 triệu quân đóng ở nước ngoài trong tổng số 3.499.000 quân thường trực của Mĩ, trong đó 60 vạn quân ở Đông Dương, 32 vạn quân ở châu Âu, 28 vạn ở Nhật Bản và nhiều đảo khác. Đáp lại những động thái của Mỹ và phương Tây, Liên Xô cũng đưa hàng chục vạn quân đóng ở các nước Đông Âu (tập trung ở Đông Đức), ở Mông Cổ và biên giới Xô – Trung.
Mĩ có bom nguyên tử vào năm 1945, lập tức 4 năm sau, vào khoảng tháng 9 – 1949, Liên Xô cũng chế tạo thành công loại bom này, phá thế độc quyền bom nguyên tử của Mĩ. Đến năm 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo thành công thì cũng đạt được sự cân bằng về vũ khí chiến lược với Mĩ.
Hai bên tiếp tục chạy đua vũ trang, cạnh tranh nhau trong nỗ lực chế tạo những vũ khí và trang thiết bị chiến tranh hiện đại. Cuộc chạy đua vũ trang lên tới đỉnh cao vào những năm 60 của thế kỷ XX. Cả Liên Xô và Mỹ đều sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Theo ước tính của những nhà quân sự thì chỉ cần phóng một nửa số kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước thì cũng đủ hủy diệt toàn bộ sự sống con người và nền văn minh nhân loại.
Từ khi hình thành trật tự hai cực Ianta đến khi nó sụp đổ đã xảy ra trên thế giới xấp xỉ 100 cuộc chiến tranh cục bộ, trong đó có khoảng 10 cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất[16] đã cho thấy tính chất “nóng” của cuộc Chiến tranh lạnh. Hai điểm nóng nhất trong số các cuộc chiến tranh đó đã diễn ra ở Đông Á và Trung Đông – những nơi có vị trí địa – chính trị, địa – chiến lược quan trọng hàng đầu trên thế giới mà không một cường quốc nào có thể bỏ qua trong chiến lược toàn cầu của mình. Ở Đông Á, cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra những năm 1950-1953, cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam (1955-1975) chính là những ví dụ minh họa cụ thể và sinh động về sự đối đầu giữa hai phe, trong đó “Cuộc chiến tranh của nhân dân Đông Dương chống đế quốc là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất giữa hai phe”[17].
Từ cuối thập niên 60-đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mĩ chuyển sang trạng thái hòa hoãn, hợp tác giải trừ quân bị. Động thái này có dấu hiệu từ năm 1969 khi cả hai siêu cường đều phải đối phó với rất nhiều khó khăn ( Mĩ đang sa lầy ở Việt Nam, muốn thoát khỏi tình trạng đó, nền kinh tế có những dấu hiệu sa sút; Liên Xô cũng có nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa hai miền của nước Đức; tác động của cuộc xung đột biên giới Liên Xô – Trung Quốc (từ tháng 3 đến tháng 6 - 1969). Tình hình đó buộc Liên Xô phải chuyển sang hòa hoãn, tìm sự nhân nhượng của nhau.
Tuy nhiên, sự hòa hoãn này bị chấm dứt khoảng cuối năm 1980, khi Rônan Rigân trúng cử Tổng thống Mỹ. Rigân lên cầm quyền trong bối cảnh tình hình thế giới có những sự kiện lớn và đang diễn ra bất lợi cho Mĩ: vừa thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam cách đó không lâu, đến năm 1979, Mỹ lại thất bại ở Iran và buộc phải rút ra khỏi nước này, mất đi một đồng minh chiến lược ở Trung Đông. Tình hình đó làm địa vị của Mỹ bị giảm sút trên thế giới. Về phía Liên Xô, nước này cũng đã đưa quân vào Apganixtan, hậu thuẫn cho Ba Lan để chính phủ nước này tuyên bố “tình trạng chiến tranh” nhằm trấn áp các thế lực đối lập ở Ba Lan vào cuối năm 1981.
Trước tình hình đó, Rigân phản ứng quyết liệt bằng việc thực hiện chạy đua vũ trang mạnh mẽ nhằm phá thế cân bằng về chiến lược quân sự với Liên Xô, khôi phục lại vị trí đứng đầu về quân sự. Từ năm 1980 đến năm 1987 đã diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử giữa hai phe. Tổng thống Mỹ khi đó là Rigân có tham vọng muốn phá vỡ thế cân bằng về chiến lược quân sự giữa Liên Xô và Mỹ đã được xác lập từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Từ năm 1981 đến năm 1988, ngân sách quân sự của Mỹ đã tăng lên tới 2.400 tỷ đô la. Không chỉ có vậy, từ tháng 3 năm 1988, Tổng thống Rigân còn đề ra kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” (SDI) với chi phí 26 tỷ đô la trong 5 năm.
Trong bối cảnh đang có những khó khăn ngày càng lớn về kinh tế, song Liên Xô vẫn phải gắng sức để đối phó với cuộc chạy đua vũ trang của Mỹ. Năm 1974 Liên Xô phải chi tiêu tới 109 tỷ đô la cho quân sự (trong khi Mỹ chi 85 tỷ đô la). Cũng trong năm này, chỉ riêng Liên Xô và Mỹ cũng đã sở hữu 5000 máy bay chiến đấu các loại[18]. Bảng so sánh dưới đây cho thấy rõ tiềm năng sử dụng vũ khí hạt nhân của hai siêu cường.
Bảng so sánh phương tiện phóng hạt nhân của Liên Xô và Mĩ
(vào những năm 70 của thế kỷ XX)
Mỹ
|
Liên Xô
| |
Tên lửa xuyên đại châu
Tên lửa tầm trung
Tên lửa đặt trên tàu ngầm
Máy bay ném bom tầm xa
Máy bay ném bom tầm trung
|
1.054
656
437
66
|
1.575
600
720
140
800
|
(Nguồn: Pôn Kennơđi, Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, NXB. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, trang 61)
Năm 1982, ngân sách quân sự của Mĩ chiếm 7,4% tổng sản phẩm quốc gia (GNP). Tháng 11 – 1983, Rigân cho triển khai tên lửa tầm trung “Pershing” và “Cruise” ở Cộng hòa Liên bang Đức, Bỉ, Hà Lan và một số nước châu Âu khác hướng vào Liên Xô và Đông Âu. Ngày 23 tháng 3 năm 1983. Để chống lại các hành động của Liên Xô, Rigân tiến hành giải tỏa các điều luật của Quốc hội về hạn chế quyền chủ động của Tổng thống. Nhờ vậy, Tổng thống Mỹ hoàn toàn chủ động tiền hành các chiến dịch ở Grênađa (1983), ở Libi (1986) và cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn ở Apganixtan. Ở vùng Trung Cận Đông, Rigân tiến hành một loạt những biện pháp để giữ vững vị trí của họ ở khu vực này: thiết lập một loạt căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ôman, thành lập “lực lượng phản ứng nhanh”(RDF) gồm 11 000 người…Để đối phó lại cuộc chạy đua vũ trang của Mĩ, Liên Xô cũng buộc phải tăng ngân sách quân sự lên tới 15% tổng sản phẩm quốc dân. Liên Xô cũng triển khai các tên lửa tầm trung SS4, SS5 và đặc biệt là SS20 ở các nước Đông Âu và ở lãnh thổ châu Á của mình.
Tuy nhiên, khi Goobachốp lên nắm chính quyền ở Liên Xô, quan hệ Xô – Mĩ bắt đầu có những biến chuyển khác trước, tình hình quan hệ giữa hai nước từng bước chuyển sang hòa dịu.
3. Sự chấm dứt Chiến tranh lạnh
3.1. Xu hướng hòa hoãn Đông-Tây và sự chấm dứt Chiến tranh lạnh
Sau hơn hai thập niên chạy đua vũ trang đầy tốn kém và hao tổn nhiều sức lực, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng so sánh trên thế giới đã có những thay đổi căn bản khác trước, từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, đã xuất hiện xu hướng hòa hoãn Đông – Tây, biểu hiện qua những cuộc thương lượng giữa Liên Xô và Mỹ.
Trước tiên phải kể đến xu hướng hòa dịu trong quan hệ giữa hai miền của nước Đức. Trên cơ sở những nguyên tắc đã được thỏa thuận giữa hai siêu cường, vào tháng 11 năm 1972, Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức đã kí kết tại Bon “Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức”. Theo đó, hai bên thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, bình thường với nhau trên cơ sở bình đẳng; hai nước sẽ giải quyết các vấn đề tranh chấp hoàn toàn bằng biện pháp hòa bình và sẽ tự kiềm chế việc đe dọa bằng vũ lực hay dùng vũ lực. Như vậy, sau nhiều năm căng thẳng, Mỹ, Cộng hòa Liên bang Đức và các nước phương Tây khác đã phải thừa nhận trên pháp lý sự tồn tại như một thực thể chính trị của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, thừa nhận đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức. Nhờ vậy, tình hình châu Âu đã không còn ngột ngạt như giai đoạn trước đó.Việc giải quyết vấn đề Đức là một biểu hiện cho xu thế hòa dịu trong quan hệ Đông – Tây.
Thứ hai, việc Liên Xô và Mỹ đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế vũ khí chiến lược có thể coi là một biểu hiện khác của sự hòa hoãn Đông - Tây. Sau 7 vòng đàm phán, ngày 26 tháng 5 năm 1972[19], Liên Xô và Mỹ đã kí kết “Hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa” (gọi là ABM), quy định mỗi bên được xây dựng hai hệ thống ABM, một ở chung quanh thủ đô, một ở chung quanh căn cứ tên lửa chiến lược, mỗi hệ thống có 100 tên lửa chống tên lửa. Ngày 3 tháng 7 năm 1774, Liên Xô và Mỹ đã ký tiếp Nghị định thư bổ sung Hiệp ước ABM, quy định mỗi bên chỉ triển khai một hệ thống ABM. Điều quan trọng là Hiệp ước ABM có giá trị vô thời hạn. Cũng trong ngày 3 tháng 7 năm 1974, hai siêu cường đứng đầu hai cực Đông, Tây còn ký “Hiệp định tạm thời về một số biện pháp trong lĩnh vực hạn chế vũ khí tiến công chiến lược” và quy định mức độ duy trì vũ khí chiến lược của mỗi bên (tên lửa vượt đại châu, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược, gọi tắt là SALT-1).
Trong những năm 1974 -1979, sau nhiều lần đàm phán và gặp gỡ ở cấp nguyên thủ, Liên Xô và Mỹ đã kí kết Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân có tính chất tấn công (Strategic Arms Limitation Talks - I, gọi tắt là SALT-1). Nghị định bổ sung Hiệp ước ABM, quy định mỗi bên chỉ triển khai một hệ thống phòng, chống tên lửa (7 – 1974), Hiệp ước SALT-II (6 – 1979) quy định giới hạn tổng số vũ khí chiến lược tấn công và phương tiện phóng vũ khí hạt nhân của mỗi bên. Năm 1982, Mỹ còn đàm phán với Liên Xô về cắt giảm tên lửa tầm trung (INF). Có thể thấy, việc hàng loạt các hiệp ước liên quan đến vũ khí chiến lược được kí kết đã giúp cho cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa hai cực Xô – Mĩ có xu hướng giảm dần, cho thấy thế cân bằng chiến lược quân sự chung giữa Liên Xô và Mỹ được xác lập trên phạm vi thế giới. Thực tế này góp phần làm giảm nguy cơ một cuộc chiến tranh hủy diệt không có người chiến thắng và kẻ chiến bại, củng cố nền hòa bình, an ninh của các dân tộc.
Tuy vậy, sau khi Rigân lên làm Tổng thống Mỹ, Rigân và các thế lực phản động lại tìm cách phá vỡ thế cân bằng chiến lược đã được thiết lập, ra sức tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang. Tháng 3 năm 1983, Rigân đã đề ra kế hoạch “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” nhằm xây dựng hệ thống tên lửa nhiều tầng, từ 200 km đến 1000 km trong không gian nhằm vô hiệu hóa tên lửa tấn công, tạo ra một thách thức đối với Liên Xô. Đáp lại, Liên Xô buộc phải tăng ngân sách quân sự lên tới 25% tổng sản phẩm quốc nội (GNP), triển khai hệ thống tên lửa tầm trung ở Đông Âu và khu vực châu Á thuộc lãnh thổ Liên Xô[20].
Do khó khăn về kinh tế của cả hai siêu cường nên quá trình cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược vẫn không bị bỏ rơi hoàn toàn. Nhờ vậy, ngày 13 tháng 7 năm 1991, Liên Xô và Mỹ đã ký “Hiệp ước nhằm hạn chế và giảm bớt vũ khí chiến lược” (Hiệp ước START-1), theo đó 30% kho vũ khí hạt nhân sẽ được phá hủy từ thời điểm đó đến năm 1998 và triệt phá hoàn toàn những đầu đạn có nhiều đầu đạn hạt nhân có căn cứ trên mặt đất. Đến năm 1993, Liên Xô và Mỹ lại đạt được thỏa thuận cắt thêm kho vũ khí chiến lược với việc ký Hiệp ước START-2, trong đó quy định trong vòng 10 năm loại bỏ 2/3 đầu đạn hạt nhân chiến lược, giảm từ 10.000 xuống còn 3000-5000.
Tuy còn bất đồng, nhưng hai nước đã từng bước nhượng bộ nhau, không làm cho tình hình căng thẳng hơn và đi đến kết thúc tình trạng đối đầu, gây tổn thất cho cả hai bên. Con số thống kê 19 cuộc gặp cấp cao giữa Liên Xô và Mỹ trong những năm 1972-1996[21] đã cho thấy thiện chí và nỗ lực giảm căng thẳng của từng siêu cường đứng đầu mỗi cực.
Từ cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thê kỷ XX, mối quan hệ giữa các nước TBCN Tây Âu và Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu cũng dần được cải thiện, cho thấy xu thế hòa hoãn giữa hai cực. Ngày 19 tháng 3 năm 1970, tại Erfurt (Đông Đức) đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Thủ tướng Tây Đức Brandt và người đứng đầu chính phủ Đông Đức Willy Stoph[22], mở ra một chương mới giữa hai quốc gia láng giềng vốn cùng chung một mái nhà quê hương sau hơn hai thập kỷ đối đầu. Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Brandt đã nhận được sự chào đón nồng ấm của nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức. Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa các nhà lãnh đạo hai nước Đức đã diễn ra vào ngày 16 tháng 5 năm 1970 tại Cassel (Tây Đức). Nhờ những cuộc tiếp xúc này mà một số hiệp định đã được ký kết, đưa lại sự cải thiện trong quan hệ giữa các nước Tây Âu với Liên Xô và các nước Đông Âu. Cụ thể, ngày 12 tháng 8 năm 1970, một Hiệp định Liên Xô – Cộng hòa Liên bang Đức được ký tại Matxcơva, trong đó hai bên khẳng định mục tiêu quan trọng hàng đầu là hòa bình và thừa nhận tính bất khả xâm phạm của các đường biên giới đang tồn tại ở châu Âu, bao gộp cả đường Oder-Neisse, duy trì các quyền của bốn cường quốc đang chiếm đóng Beclin[23]. Tiếp đó, vào tháng 11 năn 1970, tại Vacxava, một hiệp định đã được ký giữa Tây Đức và Ba Lan, trong đó tái khẳng định tính bất khả xâm phạm của đường biên giới Oder-Neisse.
Sau một thời gian dài thương lượng, cuối cùng một bằng chứng quan trọng khác của sự hòa hoãn Đông - Tây, sự tháo ngòi cho các cuộc xung đột có thể xảy ra ở châu Âu, cũng đã diễn ra đó là cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia châu Âu tại thủ đô Helsinki của Phần Lan trong các ngày 3-7 tháng 7 năm 1975. Những người đứng đầu ngành Ngoại giao của các nước châu Âu đã thành lập 3 ủy ban, trong đó có một ủy ban đảm trách về tự do và các quyền của con người. Cuộc gặp mặt trên là bước đi dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước châu Âu tại Helsinki vào cuối tháng 7 năm 1975. Văn kiện cuối cùng (thường được biết đến với tên gọi là Định ước Helsinki) được kí ngày 1 tháng 8 năm 1975 bởi nguyên thủ của Mỹ và 25 quốc gia châu Âu ở cả 2 khối liên minh, các nước trung lập, thậm chí cả các nước nhỏ bé (San Marino, Leichtenstein, Monaco, Vatincan), trong đó đáng chú ý nhất là sự hiện diện của người đứng đầu của Mỹ (Gerald Ford), Liên Xô (Leonid Brejnev) và Pháp (Valéry Giscard d’Estaing)[24]. Định ước Helsinki đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: sự bình đẳng giữa các quốc gia, việc loại trừ sự đe dọa hay sử dụng vũ lực trong quan hệ, tính bất khả xâm phạm của các tuyến đường biên giới, sự không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tăng cường phối hợp kinh tế, khoa học, kỹ thuật, trao đổi thông tin về các số liệu thống kê; tuân thủ quyền tự do và các quyền cơ bản của con người.
Có thể khẳng định rằng, Định ước Helsinki năm 1975 đã có một tầm quan trọng đặc biệt trong quan hệ quốc tế ở châu Âu khi đó. Văn kiện này đã chấm dứt sự đối đầu gay gắt giữa hai nhóm nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, tạo lập một cơ chế nhằm duy trì sự ổn định, an ninh, cũng như tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, chung sống hòa bình giữa Đông và Tây. Định ước Helsinki còn có một ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ quốc tế thế giới, bởi lẽ, châu Âu là nơi bùng nổ hai cuộc chiến tranh thế giới, là nơi diễn ra cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử và cũng là trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh đối đầu giữa hai cực Xô – Mỹ, giữa hai khối Đông – Tây. Một chương mới đã được mở ra trong quan hệ quốc tế ở châu Âu và thế giới. Rõ ràng, một châu Âu hòa bình, hợp tác và ổn định sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới xu thế hòa bình và hợp tác trên toàn thế giới.
Cùng với quá trình hòa hoãn Đông – Tây là quá trình tiến tới chấm dứt chiến tranh lạnh. Quá trình này được xúc tiến mạnh mẽ thông qua sự chấm dứt đối đầu và bình thường hóa quan hệ giữa các cường quốc: Mỹ - Trung và Xô – Mỹ. Sự kiện Tổng thống Mỹ R. Nixon thăm chính thức Trung Quốc năm 1972 và ký “Thông cáo Thượng Hải” đã mở đường cho thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao và chấm dứt sự đối đầu giữa hai nước bắt đầu từ năm 1949. Cũng trong năm 1972, Tổng thống Mỹ R. Nixon còn thăm Liên Xô, ký văn kiện “Cơ sở quan hệ Xô – Mỹ” và một số văn kiện khác. Mùa hè năm 1973, quan hệ Xô – Mỹ được sưởi ấm bằng chuyến thăm đáp lễ Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. Brejnev.
Cuối cùng, vào tháng 12 năm 1989, tại cuộc gặp gỡ không chính thức tại đảo Malta, người đứng đầu Liên Xô và Mỹ đã cùng nhau tuyên bố chấm dứt tình trạng cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài suốt từ năm 1947 đến năm 1989. Tuyên bố này đã củng cố thêm xu thế hòa hoãn trên thế giới và mở ra chiều hướng giải quyết các cuộc tranh chấp, xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới vào thời điểm đó.
3.2. Những nguyên nhân chấm dứt Chiến tranh lạnh
Thứ nhất, cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỷ và “bao” về chi tiêu quân sự hầu khắp thế giới (trong thời gian chiến tranh lạnh, hai nước Xô – Mỹ đã gánh chịu từ 50% đến 55% chi tiêu quân sự toàn cầu) làm cho hai nước Xô – Mỹ quá tốn kém và suy giảm “thế mạnh” của họ về nhiều mặt so với các cường quốc khác.
Thứ hai, hai nước Mỹ và Liên Xô đều đứng trước những khó khăn và thách thức rất to lớn trong một thế giới mà mọi chuyển biến diễn ra hết sức mau lẹ, bất lợi cho hai nước này: Hai nước Tây Đức và Nhật, vốn là những nước phát xít chiến bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, từ đống đổ nát của chiến tranh, nay họ vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại. Châu Âu đã liên minh với nhau thành “Khối thị trường chung châu Âu” (EEC) và ngày càng trở nên mạnh. Tất cả đều thoát khỏi sự kiềm chế của Mĩ và cạnh tranh với Mỹ và vượt Liên Xô về kinh tế.
Thứ ba, cuộc “chiến tranh kinh tế” mang tính toàn cầu mà cả thế giới đang ra sức chạy đua. Hơn nữa, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra sôi nổi mà tất cả các nước muốn vươn lên thì đều phải để tâm và tận dụng những thành tựu của nó.
Tình hình nêu trên đặt ra cho hai nước Liên Xô và Mỹ muốn lấy lại vị trí của mình như trước đây, muốn vươn lên đuổi kịp và vượt các nước khác thì cần phải thoát ra khỏi thế đối đầu và cục diện ổn định.
Ngoài ra, những vấn đề toàn cầu đang đặt ra trước nhân loại, trước hai nước Xô – Mỹ, nhân dân Mỹ và Liên Xô cùng nhân dân thế giới đòi hỏi phải có sự hợp tác chung để giải quyết, như vấn đề môi trường, môi sinh, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của loài người; chấm dứt các cuộc xung đột khu vực…Nếu tiếp tục đối đầu thì giải quyết những vấn đề chung này rơi vào bế tắc.
4. Sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của “Trật tự hai cực”
Năm 1973, cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đã nổ ra, tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia trên thế giới, đưa tới sự khủng hoảng toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính đến chính trị, xã hội. Từ khủng hoảng, nhiều vấn đề bức thiết được đặt ra cho mỗi quốc gia như: làm thế nào để theo kịp sự phát triển chóng mặt của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật; hội nhập như thế nào vào thị trường quốc tế ngày càng liên kết chặt chẽ; cần phải đối phó thế nào với nạn bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường…
Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô lại vẫn cho rằng “quan hệ sản xuất XHCN là ưu việt, không chịu sự tác động chung của cuộc khủng hoảng trên thế giới, hơn nữa các nguồn tài nguyên và nhiên liệu của đất nước Xô viết như quá dồi dào, do đó họ chậm trễ thích ứng và không đổi mới”[25]. Hệ quả là, khi những điều kiện phát triển đã đổi thay, mô hình của chủ nghĩa xã hội và những cơ chế của nó về kinh tế, chính trị, xã hội với nhiều khiếm khuyết, hạn chế, tích tụ trong một thời gian dài, đã bộc lộ ngày càng rõ nét sự không phù hợp, trở thành những rào cản kìm hãm sự phát triển mọi mặt của đất nước Xô viết. Cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ, thiếu công bằng và vi phạm nghiêm trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm nảy sinh nhiều tệ nạn. Kết quả là Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Trong nền kinh tế, tình trạng tăng trưởng âm kéo dài, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, sự tụt hậu về trình độ khoa học công nghệ của Liên Xô và các nước Đông Âu so với phương Tây thể hiện sự yếu kém về năng lực sản xuất của CNXH so với CNTB. Tình trạng nợ nước ngoài gia tăng, sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế đã khiến cho lạm phát trong nước gia tăng, tác động sấu đến đời sống của tất cả các tầng lớp nhân dân.
Để có thể khắc phục được tình trạng tồi tệ trên, bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước Liên Xô đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế theo chiều sâu, coi trọng vị trí của tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng các quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, kết quả của việc thực hiện thì rất thấp, không theo ý muốn.
Tháng 3 năm 1985, M. Goócbachốp được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của M. Goócbachốp, Đại hội 27 Đảng Cộng sản Liên Xô (diễn ra tháng 2 năm 1986) đã đề ra công cuộc cải tổ, được triển khai rộng khắp đất nước. Theo như tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên Xô, công cuộc cải tổ chính là một quá trình cách mạng nhằm đổi mới mọi mặt của đời sống xã hội Xô viết, sửa chữa những sai lầm thiếu sót trước đây, đưa Liên Xô thoát khỏi tình trạng trì trệ khủng hoảng và xây dựng CNXH theo đúng bản chất và ý nghĩa đích thực của nó, đồng thời mang tính hình thức hiện đại nhất phù hợp với những điều kiện và nhu cầu của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật đang diễn ra[26]. Để đạt được những mục tiêu đó, công cuộc cải tổ được chủ trương tiến hành trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội.
Công cuộc cải tổ từ khi khởi xướng đã được đông đảo nhân dân Xô viết chào đón và ủng hộ, hi vọng, chờ đợi. Tuy nhiên, sau gần 6 năm cải tổ, do ban lãnh đạo Liên Xô không lường hết được tính chất nặng nề và phức tạp của những khuyết tật, sai lầm vốn tồn đọng quá lâu. Bên cạnh đó, sự thiếu chuẩn bị và những sai lầm mắc phải trong quá trình thực hiện đã khiến cho cải tổ càng thực hiện lại càng bế tắc, gặp muôn vàn khó khăn, trượt xa mục tiêu XHCN. Hậu quả là, Liên Xô ngày một lún sâu vào khủng hoảng toàn diện. Sự suy sụp về kinh tế làm nảy sinh những rối ren về chính trị, gia tăng mâu thuẫn và xung đột giữa các dân tộc anh em, đưa đến hiện tượng ly khai của một số nước cộng hòa ra khỏi Liên bang Xô viết (ba nước vùng Baltic, Mônđôva…). Trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, sự chia sẽ và bè phái xuất hiện, ngày thêm sâu sắc, tạo cơ hội thuận lợi cho sự ra đời của một loạt đảng phái chính trị phi Cộng sản với nhiều xu hướng chính trị, xã hội khác nhau, các thế lực chống CNXH có điều kiện ngóc đầu dậy.
Những năm 1989 - 1990 là giai đoạn đen tối trong lịch sử tồn tại của Liên Xô, với sự diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị và xã hội. Tổng sản phẩm quốc dân giảm 4-5%, thâm hụt mậu dịch lên tới 5 tỉ đô la Mỹ, nợ nước ngoài là 58 tỉ đô la. Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng, suy sụp rồi tan rã của Liên Xô chính là sự kiện bùng nổ cuộc đảo chính do một số người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô tiến hành ngày 19 tháng 8 năm 1991. Tuy cuộc đảo chính bị thất bại, song nó đã gây ra những hậu quả rất tai hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô, tới Nhà nước Xô viết và công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô. Ngay sau khi quay trở lại cầm quyền, Goócbachốp đã tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và yêu cầu giải tán Ủy ban Trung ương Đảng (24-8); Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động (29-8); chính quyền Xô viết trong toàn liên bang bị giải thể; nhiều nước cộng hòa tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô; một làn sóng chống Đảng Cộng sản, chống CNXH bùng lên mạnh mẽ ở khắp nơi[27].
Cuối cùng, sau lời tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô của M. Goócbachốp tối ngày 25 tháng 12 năm 1991, lá cờ búa liềm trên nóc tròn điện Kremlin đã được hạn xuống, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự tan vỡ của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết sau 74 năm tồn tại.
Như vậy, với sự sụp đổ và biến mất trên bản đồ chính trị thế giới của Liên Xô - một cực trong trật tự hai cực Ianta, đồng nghĩa với việc trật tự thế giới được hình thành từ sau năm 1945 đã không còn, một trật tự thế giới mới sẽ hình thành. Sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình các nước Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1989 - 1991, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở khu vực này sụp đổ. Cùng với nó là sự giải thể Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV, 28 – 6 – 1991) và Tổ chức Hiệp ước Vacsava (1 – 7 – 1991) - những tổ chức lớn của khối xã hội chủ nghĩa, tồn tại trong thời kì chiến tranh lạnh, đối lập với các tổ chức của khối tư bản chủ nghĩa. Những sự kiện trên đây đã làm cho trật tự hai cực Ianta sụp đổ. Trật tự thế giới theo thể chế hai cực không còn nữa. Mỹ là cực duy nhất còn tồn tại, nuôi tham vọng thiết lập một thế giới đơn cực hòng thống trị thế giới. Thế giới bước vào một thời kì mới với các xu thế mới đang vận động.
[1] Dẫn theo, Jean – Baptiste Duroselle, Lịch sử Ngoại giao từ 1919 đến nay, Học viên Quan hệ quốc tế, 1994, trang 334.
[2] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, Quan hệ quốc tế thế kỷ XX, NXB. Giáo Dục, 2000, trang 50.
[3] Jean – Baptiste Duroselle, Lịch sử ngoại giao từ 1919 đến nay, Học viên Quan hệ quốc tế, 1994, trang 336.
[4] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, Quan hệ quốc tế thế kỷ XX, NXB. Giáo Dục, 2000, trang 51.
[5] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, Quan hệ quốc tế thế kỷ XX, NXB. Giáo Dục, 2000, trang 51.
[6] Jean – Baptiste Duroselle, s.đ.d, trang 345.
[7] Thomas L. Friedman,“Chiếc Lexus và cây ô liu”, NXB. Khoa học xã hội, 2005, trang 40-41.
[8] Dẫn theo, Thomas L. Friedman, s.đ.d, trang 51.
[9] Thomas L. Friedman, s.đ.d, trang 44.
[10] Thomas L. Friedman, s.đ.d, trang 44.
[11] Thomas L. Friedman, s.đ.d, trang 44.
[12] Dẫn theo, U.Z. Phôxtơ, Đại cương lịch sử chính trị châu Mỹ. NXB. Sự thật, Hà Nội, 1960, trang 245.
[13] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 59.
[14] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 61.
[15] Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 59.
[16] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 59.
[17] Nguyễn Cơ Thạch, Thế giới trong 50 năm qua (1945-1995) và thế giới trong 25 năm tới (1996-2020), NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 43.
[18] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 60.
[19] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 85.
[20] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 85-86.
[21] Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 86.
[22] Jean - Baptiste Duroselle, André Kapspi, Istoria relatiilor internationale 1948 până in zilele noastre, (Lịch sử quan hệ quốc tế từ 1948 đến nay), (Lịch sử quan hệ quốc tế từ 1948 đến nay), vol. II, Editura Stiintelor Sociale si Pilitice, Bucuresti, 2006, trang 243 (tiếng Rumani).
[23] Jean - Baptiste Duroselle, André Kapspi, s.đ.d, trang 244.
[24] Jean - Baptiste Duroselle, André Kapspi, s.đ.d, trang 263.
[25] Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 89.
[26] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 90.
[27] Dẫn theo, Nguyễn Quốc Hùng, s.đ.d, trang 92-93.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét