1. BƯỚC CHUYỂN TƯ TƯỞNG CỦA PHAN BỘI CHÂU TỪ BẠO ĐỘNG CÁCH MẠNG SANG ĐẤU TRANH ÔN HÒA
ĐỖ MINH TỨ (*)
HOÀNG THỊ THU HUYỀN (*)
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến sự chuyển biến trong tư tưởng Phan Bội Châu từ bạo động cách mạng sang đấu tranh ôn hòa; làm rõ quá trình chuyển biến tư tưởng đó của Phan Bội Châu. Đồng thời, tác giả cũng đề cập tới hai khuynh hướng ủng hộ và phê phán - trong thái độ của người đương thời trước bước chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu, nêu ra một số ý nghĩa trong bước chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu từ bạo động cách mạng sang đấu tranh ôn hòa.
Sau Chiến tranh thế giới thứ I, tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp đã tác động làm biến chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu - nhà cách mạng yêu nước mang trong mình khuynh hướng bạo động, khiến ông có sự thay đổi trong tư tưởng, đi theo con đường cách mạng ôn hòa.
1. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu từ bạo động cách mạng sang đấu tranh ôn hòa
Chiến tranh thế giới thứ I kết thúc, Hòa ước Vécsai – Oasingtơn (1919) đã công nhận độc lập của một số nước trước đây thuộc đế quốc áo – Hung và đế quốc ốttôman, một số nước thuộc địa của Đức cũng được đặt dưới quyền ủy trị của Hội quốc liên. Những điều này đã khiến Phan Bội Châu cho rằng, các chính khách cầm đầu các nước lớn đã bắt đầu biết “lẽ phải” và Cụ tin một ngày nào đó “họ sẽ tranh độc lập giúp ta”. Bên cạnh đó, đường lối cách mạng “bất bạo động, bất hợp tác” của Đảng Quốc đại ấn Độ cũng đã lan đến Việt Nam và Phan Bội Châu thấy đó là một đường lối hay, vì không đổ máu mà cũng có hy vọng giành được độc lập nên đã đi theo.(*)
ở Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện chính sách hai mặt: một mặt, chúng tăng cường đàn áp, làm cho phong trào yêu nước gặp phải những tổn thất nặng nề, khiến các nhà yêu nước theo con đường bạo động tỏ ra dao động và Phan Bội Châu cũng không phải là một ngoại lệ. Mặt khác, Pháp thi hành một số cải cách xã hội có tính chất nhỏ giọt để che đậy cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của chúng. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà yêu nước Việt Nam, trong đó có Phan Bội Châu không thể không nghĩ đến việc thay đổi đường lối để thích nghi với thời cuộc.
2. Sự chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu từ bạo động cách mạng sang đấu tranh ôn hòa
Là người chủ trương con đường bạo động nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ I, Phan Bội Châu đã rẽ sang con đường đấu tranh “ôn hòa”. Sự chuyển biến này được GS. Trần Văn Giàu đánh giá là “xu hướng kém đi” và ít nhiều gây ngỡ ngàng cho mọi người, vì đó là phương pháp mà trước đây Cụ hoàn toàn phản đối. Nhưng, có lẽ với Phan Bội Châu đây chỉ là điểm dừng tạm thời trên con đường tìm kiếm cách thức cứu nước mới mà thôi.
Điểm mốc đánh dấu sự chuyển biến này là năm 1917, khi Cụ viết tác phẩm Pháp – Việt đề huề luận ở Hàng Châu (Trung Quốc) và được xuất bản công khai năm 1929. Nói về sự thay đổi đột ngột này, trong Tự phê phán viết sau đó, Phan Bội Châu cho rằng mình bị Lê Dư lừa. ở Hàng Châu, Cụ đã nghe Lê Dư kể về một loạt chính sách tiến bộ của chính quyền thuộc địa, như lập trường học, sửa đổi luật pháp… Do đó, Cụ nghĩ “nên tương kế tựu kế, chưa chắc không có đất xoay sở”(1). Sau đó, Cụ nghe lời Phan Bá Ngọc (con Cụ Phan Đình Phùng) “viết bài lý luận chuyên nói về “Pháp – Việt đề huề” thì hai bên đều có lợi, người Pháp xem sách này cho là ý chí đảng ta đã hòa hoãn, họ không chú ý đến đảng ta nữa; ta có thể phái người trong nước cùng với Pháp trao đổi ý kiến làm gián điệp cho đảng ta”(2).
Những giải thích trên của Cụ có phần không hợp lý. Là một người yêu nước chân chính, chẳng lẽ Cụ không dõi theo tình hình trong nước hay sao mà lại dễ dàng bị lừa, dễ dàng tin theo một tên bán nước như Lê Dư? Phải chăng sự ra đời của Pháp – Việt đề huề luận đã gây quá nhiều dư luận không đồng tình nên Phan Bội Châu phải tự bào chữa. Vì sau đó, khi bị giam lỏng ở Huế, Cụ đã nhiều lần khẳng định rằng mình có ý thức, có tính toán thay đổi phương châm, thay đổi chủ nghĩa và cho rằng như vậy là hợp thời, là đúng, là phải. Điều này thể hiện rõ trong bài Tuyên ngôn thông cáo cả toàn quốc đăng trên báo Khai hóa ngày 12/1/1926. Cụ viết: “Tôi đã từng thí nghiệm trong 12 năm, biết rằng hậu thuẫn không nương tựa vào đâu thì chắc tiền đồ chỉ những là thất bại. Dục tốc bất đạt, lẽ ấy đã rành rành… Vì vậy tính đổi phương châm, chú lực về cái phương diện làm sao cho quốc dân ngày thêm tiến bộ; nhưng nghĩ rằng nếu muốn cho trình độ quốc dân ngày thêm tiến bộ, thì phải bắt tay lo về giáo dục mới được, mà muốn cải lương giáo dục không có thợ hay thầy giỏi thì cậy ai chỉ vẽ. Người Pháp chính là những bậc thầy tình cờ gặp gỡ trời đưa sang cho ta... Tôi ở ngoài thiên vạn lý chưa tỏ thực giả (về những sự cải cách của chính phủ bảo hộ), đói đã lâu ngày, nom thấy cơm mà mừng cuống, phương châm không thay đổi còn đợi lúc nào. Bởi vậy năm 1917 xướng ra bài luận Pháp – Việt đề huề”(3).
Như vậy, sự chuyển hướng của Phan Bội Châu được toan tính trước, không chỉ có Pháp – Việt đề huề luận mà tác phẩm Cụ viết sau đó cũng thể hiện rất rõ sự chuyển hướng này. Sự chuyển hướng đó đã tác động không nhỏ đến xu hướng phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Vậy, tư tưởng ôn hòa được thể hiện trong các tác phẩm của Phan Bội Châu như thế nào?
Trước hết, trong tác phẩm Pháp – Việt đề huề luận Cụ đoán trước rằng một ngày nào đó, nước Nhật trở nên hùng cường sẽ tiến hành đánh chiếm Đông Nam á, trong đó có Đông Dương. Đó là điều không thể tránh khỏi. Và, khi đối đầu với Nhật thì chắc chắn Pháp sẽ thất bại, bởi Nhật ở ngay sát Đông Dương có thể “sáng đi chiều về”, trong khi đó Pháp lại ở quá xa và không thể đưa toàn bộ quân đội sang phòng giữ Đông Dương được. Phan Bội Châu cho rằng, muốn giữ được Đông Dương thì Pháp phải hợp tác, nhưng vấn đề là hợp tác với ai? Nước Anh đã không thể giữ nổi quyền lợi của họ ở Đông Nam á, nên Pháp chỉ còn cách hợp tác với người Việt Nam mà thôi! Như vậy, xét ở góc độ dự báo thời cuộc, Phan Bội Châu không những đã có dự báo chính xác, mà còn vạch ra con đường đi tất yếu cho Pháp cũng như Việt Nam. Theo Cụ, một khi Đông Dương rơi vào tay Nhật, người Việt chẳng những mất chỗ làm ăn, mà còn mắc vào họa mất nòi. Do vậy, cách duy nhất để bảo vệ lợi ích của hai bên, như Phan Bội Châu chỉ ra, là “Pháp–Việt” phải “đề huề” với nhau.
Vậy, hợp tác như thế nào? Cụ cho rằng, “lấy lẽ thổ địa, nhân dân nguyên cớ mà bàn, thì người Nam là chủ mà người Pháp là khách. Lấy lẽ thế lực quyền hạn hiện tại mà bàn thì người Pháp là anh mà người Nam là em. Chủ khách biết hợp sức cùng lo thì dẫu trước mặt lửa bừng cháy chiếu, không sợ không thể dập được! Anh em đồng lòng cứu nạn thì dầu nửa đêm kẻ cướp vào nhà không sợ không đánh nổi”(4).
ở tiền đề thứ nhất thì có vẻ hợp lý, nhưng ở tiền đề thứ hai thì như chúng ta biết (và chính Cụ cũng đã từng nói trước đó), chúng ta đâu có chỗ làm ăn, trái lại đang bị hủy hoại giống nòi bằng rượu cồn, thuốc phiện, bằng chính sách ngu dân. Có lẽ vì tiền đề này thiếu thuyết phục nên đã gây ra những dư luận không đồng tình và Cụ mới nói là bị Lê Dư, Phan Bá Ngọc lừa để làm dịu dư luận chăng? Nhưng, nếu xét kỹ, chúng ta vẫn thấy ở Pháp – Việt đề huề cái cốt lõi yêu nước, tuy không quyết liệt như trước nhưng cũng đủ để phân biệt nó với cái gọi là chủ nghĩa cải lương: “Tôi muốn từ nay về sau, người Pháp chớ coi người Nam như tôi tớ, như trâu ngựa, mà coi người Nam như bạn bè, như thân thích. Người Pháp mà thật lòng coi người Nam như bạn bè thân thích… mà mình lại không biết coi người ta như bạn bè thân thích hay sao? Trong lúc vô sự thì dạy nuôi gồm đủ, đến lúc có sự thì họa phúc cùng nhau. Đem tất cả bọn con em khỏe mạnh hai nghìn năm trăm vạn người Việt Nam mà cùng bọn tướng tài quân giỏi của nước Pháp, cùng hợp sức chống giữ cửa ngõ, thì người Nhật có muốn cắn nuốt e cũng không sao trôi vào cổ họng được. Nếu không như thế mà trái lại, cứ hằng ngày coi người Nam như tôi tớ, trâu ngựa. Ô! tai không cần phải sáng, mắt không cần phải tỏ, tay chân không cần phải nhanh nhẹn, ăn miếng cơm thừa, nuốt giọt nước dãi, hành hạ sai khiến, làm những việc hèn, sớm theo Tấn được thì tối cũng có thể theo Tần…”(5), tội gì mà chịu quăng đầu bỏ xác “để giữ gìn cho cái chủ quyền của nước Pháp đó ru”?(6).
Như vậy, tuy có vẻ như cầu khẩn nhưng chúng ta cũng thấy ở đó có những nguyên tắc của sự đề huề, dù rằng chúng có thể không bao giờ được Pháp thực hiện. Dẫu sao những nguyên tắc đó cũng có vẻ rất cứng rắn và kiên quyết, đó là cái mà ta gọi là yêu nước, cái khác với cải lương chăng? Cụ hy vọng, khi thấy được những lợi ích thì Pháp sẽ dễ dàng chấp nhận và đời sống của dân ta sẽ bớt đi phần khổ cực. Và, có lẽ đoạn cuối của Pháp – Việt đề huề luận dẫn trên đã giúp chúng ta phần nào thấy được cái nhiệt huyết của Phan Bội Châu, do đó Cụ đã không bước sang ranh giới của cải lương mà dừng lại ở ôn hòa, đấu tranh từng bước với Pháp.
Tuy nhiên, so với tư tưởng “lấy máu rửa nhục”, “dị tộc bất tương dung” trước kia thì những gì mà Cụ thể hiện trong giai đoạn này quả là khác rất xa, đến nỗi người ta suýt không nhận ra Phan Sào Nam nữa. Để lý giải cho những thay đổi đó, Phan Bội Châu cho rằng, “suốt đời đã mưu tính việc gì cốt nhằm mục đích thắng lợi cuối cùng, dù phải thay đổi thủ đoạn, phương châm cũng không ngần ngại”(7). Theo GS. Trần Văn Giàu thì “câu nói này có phần có lý ở chỗ người yêu nước có thể đổi chiến thuật tùy thời thế nhưng lại chứa đựng cơ hội chủ nghĩa. Có những phương châm mà nếu thay đổi hẳn, thì mục đích cũng thay đổi. Người ta có thể xướng ra cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế, từng phần, công khai hợp pháp, không bạo động để động viên, tổ chức, giáo dục nhân dân mà không chủ trương “Pháp - Việt đề huề”… Trái lại, khi chủ trương “Pháp – Việt đề huề” thì ấy là vứt bỏ đường lối cách mạng rồi đó”(8). Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét này, nhưng ở vào vị trí của Cụ, khi con đường bạo động Cụ từng theo đuổi không còn nhiều hy vọng, con đường mới chưa tìm ra, mà nhiệt huyết cứu nước vẫn chưa ngừng chảy, thì sự thoái lui cũng là điều dễ hiểu.
Tư tưởng ôn hòa còn được thể hiện trong tác phẩm Dư cựu niên lai sở tri chi chủ nghĩa của Phan Bội Châu viết năm 1920. Theo GS. Trần Văn Giàu, đây là bước lạc thứ hai của Phan Bội Châu. Trong tác phẩm này, Cụ tiếp tục chủ trương “cách mạng văn minh”, “cách mạng hòa bình”, coi đó là phương pháp đấu tranh duy nhất với mục đích làm cho trình độ dân trí nước ta ngang bằng với trình độ của người Pháp và “tới lúc ấy, người Pháp tử tế tất sẽ vui lòng làm anh em với ta, còn những người nào không tốt chắc cũng sẽ không dám khinh bỉ, chà đạp ta, không dám đặt ta vào vòng trâu ngựa nữa”(9). Bên cạnh việc cổ vũ cho cái gọi là “cách mạng văn minh”, Cụ bắt đầu phê phán phương pháp bạo động, dù không gay gắt như Phan Chu Trinh nhưng cũng coi đó là những “phương pháp cũ kỹ”, là “dã man cách mạng”, chẳng khác nào “lượm đá mà ném, cầm gươm mà khua” chứ không thể nhờ nó mà đạt mục đích cuối cùng. Theo Phan Bội Châu, bạo động chỉ là phương pháp bất đắc dĩ phải thực hiện khi đồng bào chưa thức tỉnh, nay đồng bào đã thức tỉnh thì đó là “việc của trẻ con”. Cụ viết: “Về mặt cách mạng văn minh mà nói thì cốt tinh thần sao cho mạnh bạo, quả quyết, chí khí sao cho bền bỉ lâu dài, hai thứ đó còn mạnh hơn, chẳng phải võ lực có thể sánh kịp được”(10).
Tuy nhiên, với chính sách ngu dân của thực dân Pháp mà Phan Bội Châu cũng biết, thì làm sao có thể thực hiện được cái gọi là “văn minh cách mạng”? Điều này Cụ cũng từng nói, từng viết trước đó. Cụ đã từng chủ trương dựa vào Nhật mà không thành công, nay dựa vào chính kẻ đang đô hộ mình thì sao thành công được? Phải chăng Phan Bội Châu quá tin tưởng vào những gì diễn ra ở Hội nghị Vécsai – Oasinhtơn và không biết rằng đó chỉ là sự kiềm chế, làm suy yếu lẫn nhau của các nước đế quốc? Có lẽ đó cũng là hạn chế thời đại của một nhà cách mạng xuất thân trong chế độ phong kiến, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục và tư tưởng phong kiến. Bởi vào lúc này, Nguyễn ái Quốc - lớp hậu bối của Cụ, sau nhiều năm bôn ba cũng đã tìm ra con đường mới cho cách mạng Việt Nam, mà đó cũng lại là một con đường bạo động.
Biểu hiện của tính ôn hòa trong tư tưởng Phan Bội Châu còn thể hiện trong Cam địa (Gandhi) viết năm 1922. Trong tác phẩm này, Cụ đã hết sức ca ngợi chủ trương “bất hợp tác, bất bạo động” của Đảng Quốc đại ấn Độ, ca ngợi Cam địa “là một bậc thánh hùng có tài, có trí hơn đời” và coi Đảng đó là đảng cách mạng “nhưng theo chủ nghĩa hòa bình chớ không làm những cách mạng bạo động”(11). Cụ viết: “Cam địa một mặt bài xích bạo động, một mặt thì chủ trương việc độc lập, là Cam địa tự có cái phương pháp mới, không dùng đến sự chém giết, chỉ dùng cách hòa bình mà thành hiệu rất lớn”(12). Ca ngợi và ngụ ý noi gương Cam địa nhưng dường như Phan Bội Châu vẫn chưa nhận ra cái cốt lõi của phương pháp cách mạng mà Cam địa đang theo đuổi. Cam địa chủ trương “bất hợp tác” cùng với “bất bạo động” chứ không phải là “Pháp – Việt đề huề”, mang tính van xin và hợp tác với kẻ thù như Cụ. Cam địa đã thành lập được một chính đảng có chương trình, cương lĩnh, được tổ chức quy củ và quan trọng hơn, họ đã huy động được đông đảo nhân dân đi theo để thực hiện chủ trương của mình.
Cuối cùng, tính ôn hòa trong tư tưởng Phan Bội Châu còn thể hiện trong Thiên hồ! Đế hồ! (Trời ơi! Chúa ơi!) viết năm 1923. Tác phẩm này thể hiện sự chuyển biến của Phan Bội Châu từ mục tiêu độc lập sang yêu sách bộ phận. “Người Việt Nam chỉ yêu cầu lấy lại một phần cỏn con trong cái quyền làm người mà trời đất đã phú cho. Phần cỏn con ấy là gì? Xin thưa: Chúng tôi mong mỏi người Pháp thả mắt chúng tôi ra cho chúng tôi nhìn, thả tai chúng tôi ra cho chúng tôi nghe, cởi tay chân chúng tôi ra cho chúng tôi co duỗi, buông đầu óc chúng tôi ra cho chúng tôi được thỏa mãn…”(13). Về thực chất, đó là việc đòi quyền tự do dân chủ, nhưng tính ôn hòa có vẻ cao hơn và dường như Cụ sắp bước sang cái ranh giới của cải lương.
Tóm lại, dù không quên mục tiêu độc lập nhưng đường lối “nuôi giống chờ thời”, lấy giáo dục làm đầu của Phan Bội Châu nếu không thận trọng sẽ trở thành liều thuốc ru ngủ quần chúng và ảnh hưởng không tốt đến phong trào cách mạng.
Có điều là, tại sao đến đây tư tưởng của hai Cụ Phan dường như đã gặp gỡ nhau, nhưng hai Cụ vẫn không có một sự hợp tác? Có lẽ, đó chỉ là bước thụt lùi, điểm dừng chân tạm thời chăng? Và sự thoái lui đó, theo chúng tôi, cũng là hợp lý, bởi con đường cũ không thể tiếp tục, con đường mới chưa tìm ra. Vậy, cứ thử đi vào một con đường khó thành công nhưng chưa chắc đã là thất bại. Phải chăng đó là suy nghĩ của Phan Bội Châu và điều đó đã dẫn dắt Cụ đi theo một con đường không mới lúc bấy giờ, nhưng lại rất mới và rất khác với con đường mà Cụ đã từng đi.
3. Thái độ của người đương thời với tư tưởng ôn hòa của Phan Bội Châu
Những người ủng hộ cho rằng, “chuyện Pháp – Việt đề huề chính kiến thư mà Cụ đã thổ lộ ra đó chúng tôi nhận là phải, mà trước khi Cụ về nước, những trí thức trong nước cũng đã đề xướng lên rồi, những báo chương cũng đã từng cổ động”, “còn đôi điều chúng tôi nghĩ ngợi là muốn cho “Pháp – Việt đề huề” thì phải Pháp – Việt bình đẳng, có bình đẳng mới mong đề huề…Chúng tôi còn lo sợ không biết cái thuyết Pháp – Việt đề huề của Cụ có thực hành một cách chính đáng không?”(14).
Như vậy, tin thì có tin, theo thì có theo nhưng không phải không có hoài nghi và nó cũng tác động không tốt tới cách mạng Việt Nam. Trong bài Xin quan toàn quyền ghé mắt đăng trên Đông Pháp thời báo ngày 19/5/1926 đã hô hào “dân đảng” Việt Nam hãy bám vào quan toàn quyền Varen và yêu cầu Varen hãy dựa vào “dân đảng” Việt Nam cho “công việc làm có hiệu quả” và tuyên bố “quốc dân ta không xu hướng về sự bạo động nữa” để đi theo “cách mạng tinh thần” mà nội dung của nó là “hết lòng nâng cao cái trình độ lên, một mai giỏi bằng người Pháp, khéo bằng người Pháp thì hẳn cũng được cái địa vị tự chủ như người Pháp, cái giá trị làm người như người Pháp”(15). Con đường này “dẫu chậm một chút, song lần lần rồi cũng đến nơi”.
Những người phản đối thì cho rằng, “Pháp – Việt đề huề” là “chưa có thể được” và đó chỉ là “mộng tưởng” mà thôi. Bởi lẽ, “người Pháp sang đây chỉ biết lấy trịch lấy bề mà đối với ta, đem lòng kỳ thị… không bao giờ lại muốn giải phóng cho được mở mặt, mở mày, muốn cho ngu để dễ khiến, muốn cho dốt để dễ sai. Khi nào lại chịu đề huề cho kém mất cái oai quyền thần thánh?… Một dân thống trị và một dân bị thống trị, cái tư cách đã khác nhau như một vực một trời, như thầy với trò, như chủ nhà với đầy tớ, thì khi nào thầy lại đề huề với trò, chủ nhà lại đề huề với đầy tớ?”(16).
Ngoài ra còn có những tranh luận về cái không thể và chưa thể của “Pháp – Việt đề huề” trên các báo Chuông rè số 107, L’Annam số 119, 121… Các tờ báo này đã đưa ra những bằng chứng để chứng minh cho cái không thể và chưa thể của “Pháp – Việt đề huề”, cũng có nghĩa là chứng minh tính không khả thi của con đường ôn hòa mà Phan Bội Châu ghé sang.
4. Ý nghĩa bước chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu từ bạo động cách mạng sang đấu tranh ôn hòa
Bước chuyển từ tư tưởng đấu tranh bạo động sang đấu tranh ôn hòa nhưng không ly khai hẳn với con đường bạo động đã tạo ra hai khuynh hướng cách mạng song song tồn tại trong Phan Bội Châu. Mặc dù cái ôn hòa dường như lấn át cái bạo động nhưng hai xu hướng đó vẫn song song tồn tại, để rồi sau những trải nghiệm không thành trong những năm 1918 – 1923, Cụ lại quay về với con đường bạo động; song, bước chuyển không thành công ấy cũng chứng minh cho cái triết lý mà Cụ hằng theo đuổi trong suốt cuộc đời cách mạng của mình là “đã mưu tính việc gì cốt nhằm mục đích thắng lợi cuối cùng…”(17), đồng thời sự chuyển biến này cũng góp phần làm cho toàn bộ quá trình tư tưởng của Phan Bội Châu trở nên phong phú, đa dạng mà hiếm một nhà cách mạng đương thời nào có được. Cùng với các bước chuyển khác trong cuộc đời, bước chuyển sang chủ nghĩa ôn hòa khiến tư tưởng của Cụ dường như là sự tổng hợp tư tưởng của cả một thời kỳ - thời kỳ chuyển mình của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.(16)
Sự chuyển biến này cũng đã tác động không nhỏ đến tư tưởng cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó có cả những tác động tích cực và những tác động tiêu cực. Cái tích cực ở đây là nó đã để lại cho chúng ta một bài học, trong những điều kiện lịch sử nhất định, cần phải có những phương pháp nhất định để đạt được mục đích. Và trong mục tiêu cách mạng, cần phải xác định được mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, khi nào cần đề cao mục tiêu trước mắt, khi nào cần đề cao mục tiêu lâu dài. Điều này đã được Đảng ta vận dụng triệt để trong quá trình lãnh đạo của mình, tùy vào đặc điểm, tình hình từng thời kỳ mà Đảng đề ra những mục tiêu trước mắt và lâu dài, với những phương pháp đấu tranh phù hợp để đạt mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc.
Sự thể nghiệm không thành công của Phan Bội Châu cũng chỉ ra cho lớp hậu bối đi tìm một con đường mới, khác với những con đường mà Cụ đã đi và bước hẳn sang con đường mới một cách quả quyết, không do dự.
**************
(*) Thạc sĩ, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
(**) Giảng viên, Bộ môn Mác - Lênin, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II - Tp. Hồ Chí Minh).
(1) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, t.II – Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr.417.
(2) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sđd., tr.417-418.
(3) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sđd., tr.418.
(4) Phan Bội Châu. Toàn tập, t.3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.461 - 462.
(5) Phan Bội Châu. Sđđ., tr.462 – 463.
(6) Phan Bội Châu. Sđd., tr.463.
(7) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, t.II – Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Sđd., tr.422.
(8) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sđd., tr.422.
(9) Phan Bội Châu. Toàn tập, t.3, Sđd., tr.466.
(10) Phan Bội Châu. Sđd., tr.484.
(11) Phan Bội Châu. Sđd., tr.493.
(12) Phan Bội Châu. Sđd., tr.497 - 498.
(13) Phan Bội Châu. Sđd., tr.563.
(14) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, t.II – Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử. Sđd., tr.462.
(15) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sđd., tr.462.
(16) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sđd., tr.463 – 464.
(17) Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sđd., tr.422.
http://vientriethoc.com.vn/?vientriet=articles_deltails&id=1392&cat=57&pcat=
2. Tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu
Ts. Trần Thị Ái Thi, Khoa Sư phạm Khoa học xã hội - nhân văn trường Đại học Hà Tĩnh
Trong các chí sỹ yêu nước sống vào thời kỳ sơ bộ Pháp thuộc ở nước ta, Phan Bội Châu là một con người đầy nhiệt tình cách mạng, ông là một sỹ phu dám vượt qua ý thức hệ phong kiến, hạn chế của giai cấp vươn lên tiếp thu ư tưởng tư sản và đề xướng ra phong trào giải phóng dân tộc mang tính chất tư sản ở đầu thế kỷ XX. Con đường của Phan Bội Châu đi là con đường tích cực nhất lúc bấy giờ, nó đã đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc về nội dung và hình thức.
Phan Bội Châu sinh năm 1867 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một vùng đất có truyền thống đấu tranh chống Pháp. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, quê hương ông là nơi từng chứng kiến quá trình phát sinh, phát triển và thất bại của phong trào Cần Vương suốt hai mươi năm của thế kỷ XIX, ông hiểu rất rõ cảnh khổ của người dân mất nước:
“ Thân ta sở dĩ vinh là vì ta có nước
Thân ta sở dĩ nhục là vì ta không còn có nước nữa”
(Việt Nam vong quốc sử)
Vì thế, Phan Bội Châu đã đề ra mục đích chính cho mình là: “ Cốt sao khôi phục được nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác” và cụ luôn tâm niệm: “ Suốt đời đã mưu tính việc gì cốt nhằm mục đích giành được thắng lợi trong phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn, phương châm cũng không ngần ngại”. Trái với quan niệm của cụ Phan Châu Trinh:
- Bất cầu nhân, cầu nhân giả ngu (Không nhờ người, nhờ người là ngu)
- Bất bạo động, bạo động tắc tử (không bạo động , bạo động là chết) (1)
Tư tưởng của Phan Bội Châu là tư tưởng bạo động nhưng không đối lập với cải cách. Khi nhắc đến ông chúng ta nghĩ ngay đến đó là một con người kiên định chủ trương đưa việc đánh đuổi Pháp lên hàng đầu và chủ trương bạo động chống Pháp. Tư tưởng đó xuất phát từ việc ông nhận thấy sự tàn bạo của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong hơn nữa thế kỷ qua. Từ thực tế đó, Phan Bội Châu nhận thấy chỉ có một con đường là đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc. Theo ông “ Nợ máu phải trả bằng máu”, “ Phải đổ máu ra mà mua lại tự do”…Quan niệm bạo lực của ông là bạo lực có vũ trang để giành lại chính quyền trong tay thực dân Pháp. Ông cũng biết trong điều kiện bấy giờ bạo động là phiêu lưu và dễ bị tổn thất nhưng “ Cứ bạo động may ra còn trông được chỗ thành công trong muôn một”. Trong điều kiện kẻ thù đã thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ tối thiểu, thậm chí “ Muốn lấy văn tự để cổ động quốc dân... nhưng khốn thay văn tự cũng không có chỗ đặt vào để gieo rắc, tuyên truyền nó được” cho nên, chỉ có thể dùng bạo lực mới dành được độc lập. Vì vậy, Phan Bội Châu phản đối quyết liệt những người lấy con đường cải lương làm con đường duy nhất để nhằm giải phóng đất nước. Ông cho rằng những chủ trương cách mạng hòa bình, chủ trương cải cách “ chẳng qua chưa từng trải nhiều mà thôi, phải qua nhiều biến cố mới thêm khôn, mới biết hối hận về những điều sai lầm trước kia. Muốn bắt tay vào việc mở mang dân trí bằng con đường huấn luyện mà ở dưới một chế độ hà khắc. nghiêm cấm đủ đường thì sự huấn luyện cũng trở thành tuyệt vọng mà thôi” (2)
Tư tưởng bạo động của Phan Bội Châu dần dần được bổ sung, phát triển. Buổi đầu ông chưa vượt qua được tư tưởng bạo động ở thời kỳ Cần Vương, của những anh hùng lục lâm và của những người trong đảng Cần Vương nhưng dần dần Phan Bội Châu đã nhận ra một điều “ Việc làm cho nước nhà độc lập, vững mạnh không phải một sớm một chiều mà thành công được, cũng không phải một tay một chân mà làm nên mà do tâm huyết của nghìn vạn anh hùng vô danh...”(2). Cùng với quá trình thấm nhuần tư tưởng dân chủ, ông đã dần dần nhận thức ra vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, có nghĩa là ông đã bước đầu nhận thức được “ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và đoàn kết toàn dân sẽ tạo nên sức mạnh. Sức mạnh của bạo động mà Phan Bội Châu quan niệm là sức mạnh của nhiều người, vì vậy ông đã tìm mọi cách để thu phục nhân tâm, mở mang dân trí, đề cao dân quyền...có như vậy mới thức tỉnh được nhân dân đánh đuổi giặc Pháp.
Phan Bội Châu sớm có tinh thần yêu nước thương dân. Năm 17 tuổi tức năm Tự Đức thứ 36, Bắc Kỳ rơi vào tay Pháp. Từ Ninh Bình trở ra, “nghĩa quân nổi dậy như ong”, khi đó, ông đã đêm khuya chong đèn viết “ Bình Tây thu Bắc” kêu gọi nhân dân nổi dậy. Tuy nhiên chưa được sự hưởng ứng như mong muốn. Năm 19 tuổi, khi kinh thành Huế thất thủ 1885, ông tập hợp các bạn học ở quê, lập hội “thí sinh quân” chống Pháp. Những hoạt động cứu nước đầu tiên có tính chất tự phát đó bước đầu thất bại làm cho Phan Bội Châu nhận ra một điều phải có danh vọng mới dễ dàng tập hợp được dân chúng đánh giặc cứu nước. Năm 1890, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở Nghệ An. Cũng năm đó cụ thân sinh mất, ông hăng hái dấn thân vào con đường hoạt động cứu nước. Phan Bội Châu chủ trương dùng bạo động đánh đuổi thực dân Pháp để khôi phục độc lập dân tộc và tích cực chuẩn bị cho công cuộc bạo động. Năm 1903, sau khi mưu đánh úp thành Nghệ An không thành, ông lên đường vào Huế, vào miền Trung , rồi vào tận Nam kỳ Lục tỉnh để tìm người cùng chí hướng, ông đã đọc tân thư, tân báo. Tháng 5/1904, tại Quảng Nam, Phan Bội Châu cùng với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Đỗ Tuyển....đã tuyên bố thành lập Duy Tân Hội “ Cốt sao khôi phục Việt Nam độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác”. Thực ra tư tưởng chính trị của hội cũng khá rõ với việc tôn Cường Để làm hội chủ. Ý tưởng về một chế độ quân chủ lập hiến đã lộ ra. Duy Tân hội đề ra 3 nhiệm vụ : Phát triển hội viên, tài chính, chuẩn bị cho bạo động vũ trang và xuất dương cầu viện ( Sau đó gọi là phong trào Đông Du, hướng sang Nhật Bản). Đây là những năm tháng Phan Bội tự cho là “đắc ý nhất”. Từ sau chuyến đi Nhật đầu tiên năm 1905 cùng Đặng Tử Kính, được sự giúp đỡ của Lương Khải Siêu, Khuyến Dưỡng Nghi, Đại Ôi Trọng Tín - những nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa và Nhật Bản , ông đã cùng Duy Tân hội dấy lên phong trào Đông Du, tuyển chọn 200 học sinh Việt Nam bí mật xuất dương qua Nhật Bản học khoa học kỹ thuật và quân sự. Trong nước, Phan Bội Châu cũng tích cực hoạt động. Đây cũng là lúc trường Đông Kinh nghĩa thục bắt đầu xuất bản nhiều tác phẩm của Phan viết ở Nhật Bản như Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử....Năm 1908, diện hoạt động của phong trào Đông Du đã lan rộng khắp nước, cùng những hoạt động quyên góp về kinh tế công khai, điều đó không tránh khỏi sự phát hiện của mật thám Pháp. Tháng 9/1908 Thực dân Pháp đã thương lượng với chính phủ Nhật ra lệnh giải tán những tổ chức chống Pháp trên đất Nhật, trục xuất số du học sinh Việt Nam. Khi phong trào Đông Du thất bại, ông từ Nhật quay về Trung Quốc, rồi Xiêm. Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công mở ra một trang mới cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Mô hình “ Trung Hoa dân quốc” và đảng cách mạng đã lôi cuốn ông và ông đã hoàn toàn vứt bỏ những gì còn lại của tư tưởng phong kiến thực sự trở thành người cộng hòa. Năm 1912, ông hối hả về Quảng Đông tập hợp lực lượng cách mạng. Tháng 2/1912, tại nhà Lưu Vĩnh Phúc, ông đã tuyên bố thành lập Việt Nam Quang phục hội. Đây thực sự là một đảng chính trị kiểu hiện đại, với tôn chỉ chống Pháp dành độc lập, lập ra nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam. Phan Bội Châu được đánh giá là một nhà văn hóa lớn, là một nhà hoạt động chính trị, hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết, trước khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện, Phan Bội Châu được đánh giá là “ Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời cách mạng Việt Nam”.
Cách mạng Tháng mười Nga như một luồng ánh sáng làm thay đổi quan điểm cách mạng của Phan Bội Châu. Đầu những năm 1920, Phan Bội Châu dần dần tìm đến với nguồn ánh sáng của Cách mạng Tháng mười Nga của Lê Nin. Giao thiệp với sứ quán nước Nga ở Bắc Kinh, Phan Bội Châu hứa gửi cán bộ sang đào tạo ở Mátxcơva. Ông đã dịch sách ca ngợi Cách mạng Tháng mười và Liên Xô. Đặc biệt khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Quảng Châu cuối tháng 12/1924, ông đã liên hệ và hứa bàn bạc với các nhân vật trẻ tuổi của phong trào cách mạng mới. Ý định tốt đẹp đó chưa kịp thực hiện thì tháng 6/1925, ông bị Thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải (Trung Quốc) đem về nước và đưa ra xử ở tòa đề hình Hà Nội. Ông bị tòa án Thực dân Pháp kết án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, Thực dân Pháp buộc phải tha bổng và đưa ông về quản thúc tại Huế đến khi mất ( 29/10/1940 ). Từ 1926, tuy bị cách li với thực tế đấu tranh sôi động ở bên ngoài nhưng ông vẫn cố gắng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng sáng tác văn thơ của mình.
Phan Bội Châu không chỉ là linh hồn của phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn hóa lớn. Ít ai có thể viết nhiều sách đủ thể loại và có giá trị như ông ở thời điểm đó : Việt Nam vong quốc sử, Tự phán, Xã hội chủ nghĩa, Khổng học đăng, Phạm Hồng Thái truyện...và nhiều tác phẩm văn, thơ đủ thể loại, viết chủ yếu bằng chữ Hán.
Nhận định về cuộc đời của mình, Phan Bội Châu nói: “ Lịch sử đời tôi là lịch sử 100 thất bại không một thành công, cuộc đời tôi thất bại”. Nhưng trên thực tế, tư tưởng, con đường cứu nước không mệt mỏi của ông đã có những đóng góp to lớn với lịch sử dân tộc trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục, quân sự. Hồ Chí Minh đã đánh giá: “ Phan Bội Châu đấng anh hùng, vị thiên sứ dám xả thân vì độc lập tự do dân tộc, được trên 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
----------------------------------
(1) Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, Thu Trang- Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề tựa.
(2) Phan Bội Châu, Truyện Phạm Hồng Thái, NXBVH, 1967.
3. Hình ành Nhật Bản trong trước tác của Phan Bội Châu thời kỳ ở Nhật (1905-1909)
Nguyễn Tiến Lực[1]
Mở đầu
Trong cuộc đời hoạt đông cách mạng của mình, Phan Bội Châu cho rằng thời kỳ ở Nhật là thời kỳ đắc ý nhất. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã phát động được phong trào Đông Du nổi tiếng, có dịp tiếp xúc với nhiều chính khách lớn của Nhật, được giao lưu liên kết với các nhà trí thức, các nhà hoạt động dân tộc châu Á. Đặc biệt, ông có được một thời gian sáng tác sung sức, để lại một số lượng trước tác lớn, góp phần tạo nên diện mạo mới của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Trong các trước tác đó, Phan Bội Châu đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau về Nhật Bản, lấy Nhật Bản làm đối sánh khi luận bàn về những vấn đề của Việt Nam, coi Nhật Bản là tấm gương để cỗ vũ Việt Nam noi theo .
Trong bài viết này, qua các trước tác của Phan Bội Châu trong quá trình hoạt động ở Nhật, chúng tôi muốn khảo sát xem hình ảnh Nhật Bản được vẽ lên trong trước tác của ông như thế nào?
1.Trước tác của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật (1905-1909)
1.1. Khi sang hoạt động ở Nhật, Phan thấy rằng, Nhật Bản là mảnh đất tốt cho các hoạt động sáng tác của mình.
Những vấn đề của Nhật Bản là nguồn cảm hứng lớn lao cho hoạt động sáng tác của Phan Bội Châu. Lịch sử Nhật Bản, những bài học của sự nghiệp Minh Trị duy tân và hiện thực cuộc sống của đất nước Nhật Bản văn minh và hiện đại…là những đề tài để ông miêu tả, phân tích và chuyển tải cảm xúc thông qua các sáng tác của mình.
Đương thời, trong khu vực châu Á thì Nhật Bản là nước có điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động sáng tác và in ấn. Nơi đây, cùng với hoạt động rầm rộ của của các nhà cải cách và cách mạng Trung Quốc, các loại báo chí của họ được in ấn và phát hành công khai, rộng rãi.
Nhật Bản có nền công nghiệp in ấn có kỹ thuật cao, có thể in số lượng sách báo lớn. Việc in ấn bằng chữ Hán tiến hành khá dễ dàng. Các báo chí như Tân dân Tùng báo,Vân Nam Tạp chí bằng chữ Hán đều in ấn và phát hành thuận lợi ở Nhật. Vì vậy, Phan có thể tin rằng việc sáng tác và in ấn các ấn phẩm Việt Nam ở Nhật.
Dựa trên nhận thức Nhật Bản là nơi có điều kiện để hoạt động trước tác và cũng vì đòi hỏi cấp bách của phong trào cách mạng Việt Nam nên trong thời kỳ hoạt động ở Nhật, Phan đã trước tác, in ấn và gửi về nước một số lượng lớn các ấn phẩm tuyên truyền cách mạng, góp phần cổ vũ phong trào thanh niên du học và thức tỉnh tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của nhiều thế hệ nước ta. Trong Ngục trung thư, ông viết: “Bởi vậy một mặt tôi cổ vũ thanh niên du học, một mặt muốn mở mang tư tưởng ái quốc, tôi bèn viết ra Tân Việt Nam, Kỷ niệm lục, Việt Nam sử khảo và tập Hải ngoại huyết thư tục biên…” [2].
Các tác phẩm mà Phan sáng tác trong thời kỳ ở Nhật bao gồm nhiều thể loại khác nhau: các bài văn kêu gọi, các tác phẩm có tính lịch sử, các truyện về nhân vật lịch sử… chủ yếu là để tuyên truyền cách mạng. Và đó là “những ấn phẩm tuyên truyền đầu tiên của cách mạng nước ta”[3] .
1.2. Thời kỳ hoạt động ở Nhật là thời kỳ Phan đắc ý nhất và tương đương với nó là thời kỳ Phan trước tác nhiều nhất, với tinh thần lạc quan nhất và có nhiều tác phẩm có giá trị lớn về nội dung và nghệ thuật, có chỗ đứng trong dòng văn học mới, co tính cách mạng của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Việt Nam vong quốc sử, viết khoảng tháng 6 năm 1905, được Lương Khải Siêu cho in ở xưởng inTân dân tùng báo, sau đó được đăng thành nhiều kỳ trên Tân dân tùng báo. Đó là “tác phẩm có tính cách mạng đầu tiên ở Việt Nam”[4]. Tác phẩm này được Phan trực tiếp chuyển về nước trong chuyến về nước đầu tiên. Nó được tuyền bá trong các nhà yêu nước và được dùng làm tài liệu học tập ở Đông Kinh nghĩa thục.
Khuyến quốc dân tư trợ du học văn viết vào cuối năm 1905 và in ấn vào đầu năm 1906, in lần đầu 3000 bản sớm được chuyển về nước để cổ vũ phong trào du học Nhật Bản và phong trào ủng hộ du học của quốc dân ta. Phan rất tâm đắc với bài văn này.
Ai Việt điếu Điền viết năm 1906, nêu lên những lợi ích của tình đoàn kết Việt Nam với các tỉnh giáp biên giới của Trung Quốc. Tác phẩm này được viết ra nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của lưu học sinh và các nhà hoạt động tỉnh Vân Nam đối với hoạt động của người Việt Nam ở Nhật.
Hải ngoại huyết thư (Sơ biên, Tục biên) viết năm 1906, in ở Yokohama (xưởng in Tân dân tùng báo?) vạch rõ nguyên nhân mất nước ta vào tay thực dân Pháp không chỉ vì vua quan không quan tâm đến dân mà còn do dân không có ý thức trách nhiệm đầy đủ với nước. Hải ngoại huyết thư còn cổ vũ tinh thần yêu nước và đoàn kết toàn dân. Tác phẩm này được Lê Đại dịch ra thơ, bằng chữ quốc ngữ, làm tăng thêm tính thống thiết của nó và có sức phổ biến rộng lớn. David Marr bình thêm rằng: “Về nội dung, giữa nguyên tác và bản dịch thơ không khác nhau, nhưng bản dịch thơ trở thành một ấn phẩm tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân có sức phổ biến rộng rãi vào đầu thế kỷ XX”[5]. Tác phẩm này được in lại ở Tokyo, một số được chuyển về nước tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Vào năm 1908, tác phẩm này được tái bản, nhưng phần lớn bị cảnh sát Nhật tịch thu, đem đốt vì bị liệt vào tác phẩm “kích động nguy hiểm”[6].
Kính cáo toàn quốc phụ lão viết năm 1906, kêu gọi các bậc phụ lão trong nước tích cực vận động ủng hộ du học sinh Nhật Bản. Tác phẩm này cũng sớm được chuyển về tuyên truyền trong nước.
Ai cáo Nam Kỳ phụ lão văn, viết năm 1907, dưới danh nghĩa của Cường Để, vận động phụ lão Nam Kỳ ủng hộ tài chính cho phong trào du học, mà theo Phan Bội Châu là để “mượn kim tiền Nam Kỳ nuôi nhân tài Trung Bắc”.
Hòa lệ cồng ngôn viết năm 1907, đăng ở Vân Nam tạp chí kêu gọi tinh thần yêu nước của tầng lớp sĩ (trí thức), đề cao vai trò của sĩ trong sự nghiệp cứu nước.
Tân Việt Nam viết năm 1907, nói về Mười điều sung sướng và Sáu điều hy vọng đối với nước Việt Nam mới. Hình ảnh nước Việt Nam mới được miêu tả trong tác phẩm này là hình ảnh Nhật Bản đương thời. Đây là tác phẩm được viết với tinh thần lạc quan nhất của Phan Bội Châu.
Đề tỉnh quốc dân hồn viết năm 1907, kêu gọi các tầng lớp: sĩ, nông, công, thương noi gương Nhật Bản, hiểu biết vai trò bổn phận của mình, tương trợ lẫn nhau, xây dựng một nước Việt Nam phú cường.
Kỷ niệm lục viết năm 1907, kể về hai nhà hoạt động đương thời, đồng chí của Phan Bội Châu là Tăng Bạt Hổ và Vương Thúc Quý.
Hoàng Phan Thái truyện viết năm 1907, ca ngợi hành động chống lại triều đình Tự Đức của nhà nho Hoàng Phan Thái. Phan coi Hoàng Phan Thái là nhà tiền khu chống chế độ phong kiến trong lịch sử cận đại Việt Nam. Tác phẩm này biểu hiện tư tưởng phủ nhận chế độ quân chủ chuyên chế của Phan Bội Châu.
Sùng bái giai nhân viết năm 1907, ca ngợi những tấm gương nghĩa liệt của phong trào Cần Vương như Mẹ Lân, Cao Thắng, Lê Báo…
Việt Nam sử liệt, viết năm 1908, không rõ nội dung. Vẫn chưa xác định rõ tác phẩm này có liên quan gì đến tác phẩm Việt Nam nghĩa liệt sử, được Chấn Á Xã xuất bản ở Thượng Hải năm 1918 do Đặng Đoàn Bằng viết Phan Thị Hán (Phan Bội Châu) hiệu đính, lại đề Thành Thái Mậu Ngọ năm. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản như Goto Kinpei, Kawamoto Kunie coi Việt Nam nghĩa liệt sử là tác phẩm của Phan Bội Châu. Còn ở Việt Nam coi đó là của nhiều tác giả như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền…
Trần Đông Phong truyện viết 1908, kể về chí sĩ Đông Du Trần Đông Phong. Tuy việc giải thích về cái chết của Trần Đông Phong còn cần phải bàn thêm nhưng tác phẩm này là biểu thị thái độ phản kháng của Phan Bội Châu đối với hành động của nhà đương cục Pháp, Nhật.
Việt Nam quốc sử khảo viết vào cuối năm 1908, được Soransha, Tokyo phát hành vào đầu năm 1909. Đây là cuốn lược khảo viết theo cách mới về lịch sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, Phan Bội Châu đưa ra nhiều khái niệm mới về quốc gia-quốc dân, dân quyền, văn minh… phản ánh một bước phát triển mới trong nhận thức và tư tưởng của ông.
Ngoài ra trong thời kỳ ở Nhật, Phan còn viết một số bức thư rất quan trọng phản ánh nhận thức của ông về phong trào dân tộc Việt Nam và về quan hệ quốc tế như thư gửi Phan Châu Trinh, thư gửi Okuma Shigenobu và gửi Komura Jutaro[7].
Có thể thấy một đặc trưng của hoạt động sáng tác của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật là ông viết rất nhiều, viết do sự đòi hỏi cấp bách của cách mạng, viết trong sự thôi thúc muốn khai sáng dân trí, chấn dân khí, vì vậy các tác phẩm của Phan mang tính chiến đấu, tính cổ vũ rất cao. Hơn nữa sau khi đến Nhật, Phan có điều kiện đọc các tác phẩm khai sáng, đặc biệt là các tác phẩm của Lương Khải Siêu, nên các trước tác của Phan trong thời kỳ này chứa đựng nhiều tư tưởng mới, đặc biệt là lý luận về quốc gia-quốc dân, về quá trình phát triển của lịch sử xã hội. Những tư tưởng này đánh dấu bước phát triển mới về tư tưởng của Phan Bội Châu nói riêng và của tư tưởng Việt Nam nói chung.
2. Hình ảnh Nhật Bản trong trước tác của Phan Bội Châu ở Nhật
Khi mới đặt chân lên đất Nhật, Phan Bội Châu đã bày tỏ sự cảm kích với một nước Nhật phát triển và tiến bộ: “Trong khoảng mấy tháng cơm hàng ngụ trọ ở Đông Kinh, tôi được nhân dịp biết rõ câu chuyện Nhật-Nga đánh nhau và thấy được cái hiện trạng của Nhật Bản về chính trị, giáo dục, ngoại giao, thực nghiệp...
Thấy người ta rồi, mình hết sức hổ thầm cho mình lúc trước kia chỉ ngồi co ro trong nước, hèn nào mà chẳng kiến văn mù mờ, tư tưởng bế tắc không biết gì cả. Hết thảy anh em đồng chí với tôi cũng đều như tôi cả. Tôi nghĩ thấy tiếc làm sao không dời được tất cả bà con mình qua ở Anh Hoa tam đảo để cho khối óc và tầm mắt thay đổi mới lạ hẳn đi.”[8]
Ở đây, Phan Bội Châu chưa đề cập trực tiếp đến sự phát triển của Nhật Bản như thế nào nhưng ông chỉ ra rằng Nhật Bản đã là một đất nước phát triển, hiện đại, các xa với thực trạng Việt Nam đương thời. Được tận mắt chứng kiến thực trạng phát triển của Nhật Bản, khi so sánh với Việt Nam ông “hết sức hổ thầm” bởi người Việt Nam lúc bấy giờ “kiến văn mù mờ, tư tưởng bế tắc”, ít hiểu biết về Nhật Bản và mong muốn đưa người Việt Nam sang Nhật để “khối óc và tầm mắt thay đổi”.
Phan Bội Châu biểu thị tầm kiến văn sâu sắc của mình về lịch sử Nhật Bản khi ông phân tích chính sách mở cửa, duy tân của Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX và coi đó là cội nguồn của sự phát triển và tiến bộ của Nhật Bản đương thờ.
“Nước Nhật Bản trước khi Duy tân, các liệt cường Âu Mỹ cũng đã từng chú mục vào ba hòn đảo đó. Lúc bấy giờ trong đám chí sĩ Cần vương, những kẻ ngoan cố cứ một mực chủ trương khoá cảng không phải là ít. May nhờ có các bậc hiền sĩ như Cát Điền Tùng Âm, Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi), Hậu Đằng Tượng Thứ Lang (Goto Shojiro) lớn tiếng hô to thủ xướng việc học tập phương Tây, cho việc bài xích người Tây là thất sách, cho việc mở mang cửa biển là thức thời. Do đó tân học lên cao, tân trí thức tiến mạnh, làm thành cái cơ sở cho việc Duy tân, đến nay họ đã phú cường hơn cả Âu Mỹ.... Lúc đầu Bakufu ký điều ước Mã Quan (tên chính thức là Shimonoseki-Hạ Quan) với các nước, việc thiệt thòi về quyền lợi không phải là không có nhưng cái cơ hội xoay chuyển lại thế cục còn là ở người của họ. Cho nên điều ước này không hề gây tổn thất gì cho Nhật Bản cả”[9].
Ở một chỗ khác, Phan Bộ Châu phân tích về một trong những nguyên nhân thành công của sự nghiệp duy tân: “Do từ lúc đầu họ biết cho người đi học nước ngoài, để mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài nên mới có được sự nghiệp vĩ đại rực rỡ như thế”[10].
Phan Bội Châu đã nhận thức được vai trò của tầng lớp trí thức khai sáng đối với sự nghiệp duy tân Nhật Bản và ông ca ngợi: “Ôi, đọc sách sáng lẽ ra chỉ có kẻ sĩ, tư tưởng lớn lao ra chỉ có kẻ sĩ. Các anh em hãy đọc rộng những sách của liệt truyện vĩ nhân mới của Âu Á như các ông Ái Tô Sĩ, Lư Thoa, Cát Điền Tùng Âm (Yoshida Shoin), Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu)... Đổi mới để tạo ra thời thế, lẽ nào không phải sức của kẻ sĩ”.[11]
Trong các tác phẩm của mình, Phan Bội Châu cũng đã lý giải con đường phát triển của kinh tế Nhật Bản và Nhật Bản đương thời đã là một quốc gia công nghiệp hóa, có nhiều tập đoàn kinh tế hiện đại như là biểu tượng của đất nước phồn vinh, văn minh: “Nhật Bản là nước địa sản rất kém, chỉ có đường buôn bán là rộng rãi. Người nước họ đã biết dựa vào các bến cảng, các phụ đầu coi đó là kho báu trời ban cho. Buôn bán với nước ngoài muốn có vốn to họ đều phải nhóm góp nhiều cổ phần lại. Hội xã châu thức (kabushiki kaisha) của họ rất phát triển.”[12]
Tuy nhiên, hình ảnh Nhật Bản mà Phan Bội Châu vẽ ra không chỉ là một nước Nhật Bản duy tân, phát triển, hiện đại, tức là một nước có “văn minh vật chất” phát triển cao mà còn là một đất nước cũng có “văn minh tinh thần” phát triển cao. “Văn minh tinh thần” mà Phan Bội Châu dùng ở đây, trước hết có nội dung gì? Đó chính là lòng yêu nước, biết đoàn kết, biết phụng sự công việc xã hội. Ông viết: “May nhờ có đại hiền giúp đỡ mà đã thấy được một nước yên vui, thấy những phường nhân sĩ ở kinh đô, thấy từ trên công hầu dưới đàn bà con trẻ về tinh thần yêu nước mà nói thì đốt lòng nhiệt thành lên bể có thể khô, về tinh thần lo công việc mà nói, thì đoàn kết lại có thể vá được trời”[13]. Trong Hải ngoại huyết thư, Phan coi ý thức trách nhiệm đối với xã hội của mỗi người dân Nhật là biểu hiện của trình độ “văn minh tinh thần” cao của họ: “Tôi đây đã từng đi lại ở nước Phù Tang, thấy trong nước không có chỗ nào là không ảnh hưởng tới xã hội, không có người nào là không có tinh thần xã hội, không có việc gì là không có hiệu quả xã hội”[14].
(Lê Đại phóng dịch thơ đoạn này như sau:
“Kìa xem nước đông châu Nhật Bản,
Tàu với xe đưa đón hành nhân,
Đãi nhau tử tế muôn phần,
Khi ngồi, khi đứng, chỗ ăn, chỗ nằm,
Lúc đau yếu nom thăm đi lại,
Lấy đạo người mà đãi giống người.”[15])
Như vậy, Nhật Bản trong nhận thức của Phan Bội Châu là một nước không chỉ đã đạt tới “văn minh vật chất” mà cao hơn, xa hơn là đã đạt tới “văn minh tinh thần”. Theo cách nói của Fukuzawa Yukichi thì “văn minh vật chất” là sự phát triển của kỹ thuật, còn “văn minh tinh thần” là sự tiến bộ của dân trí, của tinh thần phụng sự xã hội của nhân dân[16]. Nhận thức về văn minh Nhật Bản của Phan như vậy đã vượt qua nhận thức của những nhà tư tưởng cải cách châu Á cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, vốn chỉ chú trọng vào “văn minh vật chất”.
Vể thể chế chính trị và xã hội Nhật Bản, Phan miêu tả quan hệ giữa Thiên Hoàng (Tenno) với dân chúng như sau. “Vua Nhật Bản kính dân như thầy, như cha, thương dân như mẹ thương con, nuôi nấng con nuôi, giúp cho người bệnh tật; bệnh viện, bệnh viện trường học không có cái gì là không dành phần trước cho dân, rồi sau mới đến phần mình. Ngay việc giảng hòa khai chiến, hành quân, thu thuế, điều binh… không việc gì là không do nghị viên nhân dân quyết định”[17].
(Lê Đại phóng dịch thơ đoạn này như sau:
Kìa xem Nhật Bản người ta,
Vua dân như thể một nhà kính yêu.
Chữ bình đẳng đặt đầu chính phủ,
Bấy lâu nay dân chủ cộng hòa.[18] )
Vua dân như thể một nhà kính yêu.
Chữ bình đẳng đặt đầu chính phủ,
Bấy lâu nay dân chủ cộng hòa.[18] )
Ở đây, chúng ta có thể thấy là Phan Bội Châu đã mỹ hóa xã hội Nhật Bản và Thiên Hoàng. Nếu chỉ dừng lại ở đoạn trích trên, chúng ta dễ lầm tưởng là Phan Bội Châu không nhìn thấy mặt trái của xã hội Nhật. Mục đích chính của ông khi “mỹ hóa” xã hội Nhật Bản là muốn đem đối lập những điều tốt đẹp của Nhật với những điều xấu xa, tệ hại của Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp để thức tỉnh ý thức nhân dân, làm cho họ thấy rõ hơn thực chất của chế độ thực dân-phong kiến và cổ vũ họ noi theo Nhật Bản để xây dựng nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh.
Một cách tiếp cận lý thú khác của Phan Bội Châu là ông lấy dân quyền mà tiêu chuẩn để phân chia “đẳng cấp” của các nước. Trong Việt Nam quốc sử khảo, ông coi Nhật Bản thuộc nhóm các cường quốc vì ở Nhật Bản dân quyền được tôn trọng: “Nhật, Anh, Đức, Pháp, Mỹ đều là những cường quốc, tức là đều là những nước mà dân quyền được đề cao. Hình pháp, chính lệnh, thuế khoá, tiêu dùng đều do nghị viện quyết định, mà nghị viện thì đều do nhân dân tổ chức nên, Chính phủ không được can thiệp vào. Hàng năm đến kỳ nghị viện họp, các nghị viên tụ tập đông đủ, Chính phủ phải trình bày dự án trước nghị hội. Nghị hội tức là nhân dân. Những điều nhân dân cho là phải, chính phủ không thể không làm; những điều nhân dân cho là trái, chính phủ không được làm”[19].
Trong các tác phẩm mà Phan Bội Châu sáng tác trong thời kỳ ở Nhật thì Tân Việt Nam được viết với tinh thần lạc quan nhất, biểu hiện của thời kỳ đắc ý nhất trong hoạt động cách mạng của ông. Trong tác phẩm đó, ông vẽ ra tương lai của Tân Việt Nam “sau khi duy tân” theo hình ảnh Nhật Bản hiện tại: “Sau khi duy tân rồi thì tư cách nội trị, quyền lợi ngoại giao đều do ta nắm giữ. Sự nghiệp văn minh ngày càng tiến bộ, phạm vi thế lực ngày càng mở mang. Sau khi duy tân rồi dân trí sẽ được mở mang, dân khí sẽ lớn mạnh, dân quyền sẽ phát đạt, vận mệnh nước ta do dân ta nắm giữ. Nước Nhật Bản bây giờ cũng như nước Việt Nam sau này vậy”[20]. Nếu hình ảnh Nhật Bản được Phan miêu tả trước khi ông sang Nhật là hình ảnh của một cường quốc quân sự do ánh hào quang của những chiến thắng trong chiến tranh Nga-Nhật tạo ra, thì trong tác phẩm này ông vẽ ra một nước Nhật văn minh, có nền công nghiệp phát triển cao, có nếp sống xã hội cao, một tinh thần dân tộc cao. Trong mơ ước xây dựng một nước Việt Nam mới của Phan Bội Châu thì hình ảnh đất nước văn minh, dân quyền, dân chủ chiếm ưu thế.
Mặc dầu vào giai đoạn cuối thời kỳ ở Nhật, Phan Bội Châu đã mất lòng tin vào chính phủ Nhật do chính sách của họ đối với những nhà hoạt động Việt Nam ở Nhật nhưng trong các tác phẩm viết vào thời kỳ đó, ông vẫn ngưỡng mộ Nhật Bản. Đây không phải là sự ngưỡng mộ chính phủ Nhật mà sự ngưỡng mộ một đất nước châu Á phát triển và văn minh. Ông kêu gọi học tập Nhật Bản chủ yếu là muốn học tập tinh thần văn minh của họ.
Kết luận
Các tác phẩm của Phan Bội Châu sáng tác trong thời kỳ hoạt động ở Nhật vì mục đích trước hết là tuyên truyền cách mạng nên có giá trị như là bản cáo trạng tội ác của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, có tác dụng khai sáng tư tưởng cho nhân dân trong sự nghiệp khôi phục độc lập dân tộc và xây dựng nước Việt Nam mới.
Một số tác phẩm của Phan Bội Châu được các đồng chí của ông dịch ra thơ, bằng chữ quốc ngữ nên nó càng được phổ biến rộng rãi hơn trong nhân dân. Đặc biệt các tác phẩm của Phan Bội Châu viết trong thời kỳ ở Nhật được trường Đông Kinh Nghĩa Thục, các trường học ở Trung Kỳ dùng làm giáo khoa giảng dạy trong trường nên có sức phổ biến và tác dụng giáo dục lòng yêu nước, “khai dân trí, chấn dân khí” mạnh mẽ hơn.
Cần phải có công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn xem xét các tác phẩm của Phan Bội Châu sáng tác ở Nhật Bản trong thời kỳ 1905-1909 được phổ biến vào trong nước đến mức nào, bằng cách thức nào và có tác dụng như thế nào đối với phong trào cách mạng nước ta. Và cũng cần phải nghiên cứu nhiều hơn để xác định vị trí của các trước tác của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật trong sự nghiệp văn học đồ sộ, đa dạng của ông cũng như trong nền văn học nước nhà đầu thế kỷ XX. Song có một điều chắc chắn là những sáng tác của Phan Bội Châu trong giai đoạn ở Nhật Bản (1905-1909) vừa có đóng góp to lớn cho văn học trong buổi giao thời từ văn học truyền thống đến văn học cận đại, vừa có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc buổi giao thời từ kiểu cũ mang tính truyền thống đến kiểu mới mang tính cách mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương Thâu, 1982: Phan Bội Châu – Con người và sự nghiệp, NXB Nghệ Tĩnh.
2. Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, 10 tập, NXB Thuận Hóa, Huế.
3. Chương Thâu, Trần Ngọc Vương (Sưu tầm, biên soạn), 2001: Phan Bội Châu: Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Marr David G, 1971: Vietnamese Anti-Colonialism 1885 -1925, University of California Press, Berkely.
5. Nguyễn Văn Kiệm, 1979: Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
6. Nguyễn Tiến Lực, 2008: Những hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật Bản 1905-1909, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
7. Nhiều tác giả, 2006: Quan hệ văn hóa giáo dục Việt Nam-Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Shiraishi Masaya, 2000: Phong trào dân tộc Việt nam và quan hệ của nó với Nhật Bản-Châu Á-Tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới-, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Trần Văn Giàu, 1975: Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, T.2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
10. Viện Văn Học, 1970: Nhà yêu nước, nhà văn Phan Bội Châu, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[1] PGS.TS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM
[2] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.3, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.192.
[3] Nguyễn Văn Kiệm, 1979: Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 79.
[4] Theo Chương Thâu, 1962: Ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc đối với sự chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu, Nghiên cứu Lịch sử, Số 43, tr. 15.
[5] David, G.. Marr, 1971: Vietnamese Anti-colonialism, 1885-1925, University of california Press, Berkely, tr.189.
[6] Dẫn theo Nguyễn Tiến Lưc, 2008: Những hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật Bản 1905-1909, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 195.
[7] Trong Phan Bội Châu Toàn tập, bản 1990, có dịch là Thư gửi Phan Chu Trinh, Kính gửi Ngài Bá tước Đại Ôi Trọng tín và KÍnh gửi Ngài Tiểu Thôn Thọ Thái Lang.
[8] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.3, Sđd, tr.184.
[9] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.472-473.
[10] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, tr. 35-36.
[11] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, tr.55.
[12] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, tr.90. Trong sách người dịch viết là “xã hội châu thức”, theo tôi có lẽ người dịch đã nhầm. Đúng ra dịch theo kiểu Hán-Việt là “châu thức hội xã” tức là Kabushiki Kaisha, nghĩa là công ty cổ phần thì có lý hơn.
[13] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, tr.25.
[14] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, tr.191.
[15] Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, Lê Đại dịch thơ, Tư liệu nguồn mở: vi.wikisource.org/
[16] Nguyễn Tiến Lực, 1995: Fukuzawa Yukichi và tư tưởng khai sáng của ông, Tạp chí Triêt học, Số 2, tr. 74.
[17] Phan Bội Châu, 1990: Hải ngoại huyết thư, Sđd, tr. 198.
[18] Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, Lê Đại dịch thơ, Tư liệu nguồn mở: vi.wikisource.org/
[19] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, tr.387.
[20] Chương Thâu (Biên tập), 1990: Phan Bội Châu Toàn tập, T.2, Sđd, 273.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét