Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

chuyên đề: chiến thắng Điện Biên Phủ 5

16. Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn báo chí quốc tế

(Petrotimes) - Ký giả người Hungary Salgó László đã từng có những dòng rất hay, rất sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông viết: “Sáng 7/5, rồi những chiếc loa cũng im lặng. Tiếng súng nhấn chìm giọng ca của người ca sĩ”.
Tạp chí The Diplomat - tạp chí chuyên sâu về chính trị châu Á bình luận: “Điện Biên Phủ là một chiến thắng thay đổi lịch sử. Trước hết, nó đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương Tây là bất bại. Chiến thắng đó còn cổ vũ cho những cuộc chiến chống chế độ thực dân trên khắp thế giới”.
Thật vậy, đã gần 6 thập kỷ trôi qua, nhưng âm vang Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một dấu ấn đáng tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm Việt Nam, có sức cổ vũ lớn lao với phong trào chống chủ nghĩa thực dân của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Thời điểm bấy giờ, báo chí Pháp không khỏi “lạc quan”, hào hứng khi nghĩ về Điện Biên Phủ. Trên một loạt các tờ nổi tiếng như France-Soir hay L’Aurore, Le Monde, người Pháp “giật title” như thể họ chỉ còn ngồi chờ sẵn để ăn mừng chiến thắng. Nào là “khắp nơi chúng ta đã giành lại thế chủ động”, nào là “mưa dù xuống Điện Biên Phủ”, nào là “cú đánh điếng người của Navarre vào quân Việt”, thậm chí tờ Le Monde còn đăng tải bức thư chúc mừng năm mới của Navarre gửi binh lính Pháp, trong đó tràn đầy niềm tin chiến thắng: “Năm 1954 là năm chiến thắng của chúng ta”.
Quân Pháp dường như đã quá tin tưởng vào một chiến thắng mù quáng, bởi vậy khi thất bại, họ trở nên thảm hại hơn bao giờ hết. Hãng AFP nổi tiếng tỏ ý kinh ngạc, hay nói đúng hơn là báo chí phương Tây, dư luận phương Tây kinh ngạc khi quân đội gồm phần đông là những người nông dân của tướng Giáp lại giành chiến thắng trước quân đội thực dân trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Để rồi, 5 thập kỷ sau, AFP vẫn không quên ca ngợi tướng Giáp là “vị anh hùng của cách mạng Việt Nam, một trong những nhà chiến lược quân sự tài ba nhất trong lịch sử thế giới” – nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Ký giả người Hungary Salgó László đã từng có những dòng rất hay, rất sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông viết: “Sáng 7/5, rồi những chiếc loa cũng im lặng. Tiếng súng nhấn chìm giọng ca của người ca sĩ”.
Đã lặng rồi bản hành khúc của người Pháp, chỉ còn lại tiếng súng nổ giòn của những người chiến sĩ quân giải phóng Việt Nam, những du kích kiên cường người Việt. Người Pháp đã thất bại ê chề ở một chiến trường mà họ không ngờ tới, trước những con người nhỏ bé với sức mạnh kiên cường mà họ cũng không ngờ tới: Điện Biên Phủ và Việt Nam.
Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu C.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc: “Thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ khiến Pháp phải mau chóng chấm dứt sự cai trị ở Đông Dương cũng như sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á”. Ông cũng cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ gửi đi một thông điệp: Việt Nam sở hữu một nghệ thuật quân sự có thể đánh bại bất kỳ đạo quân xâm lăng nào và lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Hương Mai

17. Thế giới ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ

(Bqp.vn) - Sau chín năm kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sức mạnh của dân tộc ta và của thời đại đã hội tụ về Ðiện Biên Phủ để làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đuổi quân đội viễn chinh Pháp ra khỏi bán đảo Ðông Dương, mở đầu sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Bởi lẽ đó, chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam được thế giới hết lòng ca ngợi. 
Khách du lịch quốc tế thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. (ảnh: Vũ Lợi)
Khẳng định tình đoàn kết chiến đấu trước sau như một với nhân dân Việt Nam, khi cuộc chiến đấu của quân và dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt tại chiến trường Ðiện Biên Phủ, ngày 26/4/1954, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, có bài viết trên báo Quân đội nhân dân khẳng định: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào và đối với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới, đặc biệt đối với Pa-thết Lào, nhất là đối với Thượng Lào... Ðiện Biên Phủ được giải phóng sẽ mở thông hoàn toàn biên giới giữa Thượng Lào với Bắc Bộ Việt Nam, làm cho tình đoàn kết Việt - Lào càng được thắt chặt thân thiết hơn nữa.
Với nhân dân Cam-pu-chia, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Khmer đã có điện gửi các cán bộ và chiến sĩ Việt Nam tại Mặt trận Ðiện Biên Phủ, nhấn mạnh: Nhân dân Khmer chúng tôi rất phấn khởi được biết tin thắng lợi liên tiếp của các anh em tại Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Nhân dân Khmer chúng tôi đang theo dõi từng giờ, từng phút với lòng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng của các anh em. Thắng lợi của các anh em ở Mặt trận Ðiện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt một số quan trọng sinh lực địch mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khmer chúng tôi nữa.
Ngày 30/11/1961, Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Héc-to Rô-đri-ghết Lom-pác, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng nước Cộng hòa Cu-ba nhân dịp sang thăm Việt Nam đã phát biểu: Lịch sử của nhân dân Việt Nam, trải qua hơn một nghìn năm đấu tranh quyết liệt chống sự bất công của những chế độ xã hội khác nhau, chống ách thống trị nước ngoài, đã rèn luyện nên tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nêu gương cho nhân dân các nước đấu tranh giành tự do và giành quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử. Tác giả A. Phi-líp-pốp trong bài viết Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trên báo Sự thật (Liên Xô), ngày 8/5/1964, khẳng định: Chữ Ðiện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam.
Cùng sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam, thắng lợi của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ còn bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ðảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi sang tham dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Ðảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960, đồng chí Ði-mi-tơ-rơ Ði-mốp, Trưởng đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Bun-ga-ri phát biểu: Nhân dân Bun-ga-ri đã rất chú ý theo dõi với mối cảm tình sâu sắc cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Lao động Việt Nam... Chúng tôi cũng đã rất chú ý theo dõi cuộc đấu tranh vũ trang chín năm ròng của nhân dân Việt Nam kết thúc năm 1954, bằng chiến thắng thực dân Pháp trong trận chiến đấu oanh liệt Ðiện Biên Phủ.
Nhân dịp Ðoàn đại biểu Ðảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm Cu-ba năm 1974, đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô phát biểu: Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường, vạch ra chiến lược, chiến thuật và đã không tính toán quá nhiều về những vũ khí mà nhân dân Việt Nam có trong tay. Người biết rằng Việt Nam có một đảng, có một tổ chức quần chúng, có lòng yêu nước và có lẽ phải. Vì vậy, năm 1946, lúc đế quốc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Người đã nói ai có súng thì dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy mà... kết thúc với chiến thắng hết sức quan trọng ở Ðiện Biên Phủ.
Ca ngợi sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, báo Thế giới trí thức ngày 20/5/1954 viết: Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã giải phóng hoàn toàn Ðiện Biên Phủ, cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược ở Tây Bắc... Chiến công vĩ đại và sáng chói như vậy thực chưa từng thấy trong lịch sử chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Ðiều đó chứng minh rằng, một quân đội nhân dân anh hùng do Ðảng tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, có kinh nghiệm dày dạn, có tổ chức, có kỷ luật, lại được nhân dân Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ là một quân đội chỉ có thể chiến thắng, không thể chiến bại, một quân đội mà không một sức mạnh nào có thể phá vỡ nổi.
Ủng hộ quan điểm đó, tám năm sau ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tháng 5/1962, Ðại tướng Ba-tốp, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Liên Xô thăm Việt Nam đã xúc động để lại những dòng cảm tưởng: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là một thành tích tuyệt vời của nghệ thuật chiến đấu cao, sự trưởng thành về quân sự, lao động tích cực của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn Ðại tướng Kim Sang Bông, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thăm Việt Nam tháng 12/1964 một lần nữa khẳng định: Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã biểu thị sức mạnh vĩ đại vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam được sự giáo dục của Ðảng Lao động Việt Nam.
Báo Tiếng nói nhân dân (An-ba-ni), ngày 7/5/1964 từng viết: Thắng lợi vĩ đại Ðiện Biên Phủ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn nhân dân Việt Nam và trong phong trào giải phóng dân tộc và chống đế quốc Mỹ ở Ðông - Nam Á. Một dân tộc dù nhỏ bé vẫn có thể đánh bại kẻ thù dù lớn mạnh và hung bạo, nếu dân tộc đó có tinh thần cách mạng, được sự lãnh đạo của một đảng cách mạng, biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân và được nhân dân thế giới ủng hộ. Báo Lao động Tân văn, cơ quan trung ương của Ðảng Lao động Triều Tiên, số ra ngày 7/5/1961 viết: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ không những chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng chung của tất cả các dân tộc bị áp bức, bị bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, giành độc lập và tự do...
Gần 60 năm trôi qua, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 vẫn mãi trong lòng bè bạn thế giới. Sự ngợi ca của nhân dân thế giới về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ không chỉ khẳng định sự đồng tình ủng hộ của họ đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, mà trên hết đó là lòng ngưỡng mộ, sự khâm phục và tự hào về chiến công của dân tộc Việt Nam. Việc phát huy bài học kinh nghiệm về tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cần được vận dụng sáng tạo trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời.

Lê Văn Phong
Báo Nhân dân



18. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mắt các nhà quân sự thế giới

(VTC News) - Với tài thao lược, chỉ huy quân đội Việt Nam chiến thắng cả Pháp và Mỹ, các tướng lĩnh thế giới xem ông là huyền thoại văn võ song toàn.

Không chỉ các nhà sử học, tác giả viết sách, phóng viên quốc tế nhắc đến ông như một huyền thoại, thủ lĩnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong mắt các tướng lĩnh quốc tế, thậm chí là những người từng đối đầu trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự.

'Ông luôn nhận ra những bài học quý giá trong những thất bại của mình và không bao giờ để nó lặp lại', Tướng Marcel Bigeard của Pháp, người khi đầu hàng ở Điện Biên Phủ năm 1954 mới là thiếu tá lính dù, nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngoài tướng Marcel Bigeard, một tướng Pháp khác là Raoul Salan, và ngay cả tướng Mỹ Westmoreland đều có những nhận xét đầy cảm tình và trân trọng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
đại tướng võ nguyên giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara tại Hà Nội năm 1995 

Tướng Mỹ Westmoreland thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền thông phương Tây coi là người đã làm thất bại tham vọng tại Đông Dương của hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới là Pháp và Mỹ trong thời điểm từ 1945 đến 1975.

Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại.

nghị sĩ mỹ
Lời chia buồn và ca ngợi tướng Giáp trên tài khoảng Twitter của Nghị sĩ John McCain 

Sau khi có thông tin Đại tướng qua đời chiều 4/10, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã có lời chia buồn và ca ngợi ông.

Trên tài khoản Twitter của mình, John McCain viết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời. Ông là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc, người từng nói với tôi rằng chúng ta là 'kẻ thù danh dự'".

Máy bay của ông McCain bị bắn trên bầu trời Hà Nội năm 1967 và ông trở thành tù nhân chiến tranh trong vòng 5 năm rưỡi.

Năm 1985, ông gặp Tướng Giáp trong một chuyến thăm Hà Nội, ngay sau khi được bầu vào Quốc hội Mỹ. Vào cuối buổi gặp mặt đó, Đại tướng nói với McCain rằng người Mỹ là một kẻ thù "danh dự".

"Câu nói đưa ra từ ông ấy, điều đó phải có ý nghĩa nào đó", McCain sau đó nói với các tờ báo ở Mỹ. 
Thượng nghị sĩ MacCain đã ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Mỹ bấy giờ là Bill Clinton trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995. 
Theo BBC, ít nhất đã có trên 120 quyển sách nói về Tướng Giáp, hay được chính Đại tướng viết ra được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài (Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật, Ả Rập... và được phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, các tướng Raoul Salan, Christian de La Croix de Castries và rất nhiều tướng tá khác đều hết lời ca ngợi và kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đây là một trường hợp hy hữu trong lịch sử quân sự của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Hầu như các cấp lãnh đạo quân sự của châu Âu đều có cùng nhận định như các đồng sự Pháp. 
Các sử gia và dư luận phương Tây nể trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và cũng không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan nào", nhưng đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ"

19. Võ Nguyên Giáp - hiện tượng quân sự đặc biệt trong mắt quốc tế

 - Với những chiến công hiển hách trong nghiệp cầm binh, trong con mắt của người phương Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là một “hiện tượng đặc biệt” trong thế giới quân sự.

Là vị tướng cầm vô lăng chiếc xe tăng vũ trang dân tộc khắp các mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người hùng lịch sử trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một vị tướng huyền thoại được thế giới công nhận.

Bản lĩnh quân sự và lý tưởng cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thu phục được cộng đồng quốc tế. Ngay cả các nước phương Tây, thậm chí là những quốc gia từng là kẻ thù của Việt Nam, cũng phải "ngả mũ nghiêng mình" trước tượng đài bất khuất này.
Marcel Bigeard, vị tướng danh tiếng từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ nhận xét: “Tướng Giáp đã chỉ huy quân đội của ông thành công trong hơn 30 năm. Điều này tạo thành một sức mạnh chưa từng có...”.
Nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland cũng tuyên bố: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”.
Từng là kẻ thù của nhau trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – Đại tướng Marcel Bigeard vẫn phải thừa nhận: “Hồi ấy, nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Điều đó cho thấy sức thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là không thể chối cãi.
“Ông Giáp đã lãnh đạo quân đội nước Việt Nam giành được chiến thắng trong một thời hạn thật đặc biệt kéo dài suốt 30 năm, đó là một kỳ tích chưa từng thấy! Đúng vậy, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”, ông Bigeard nói thêm.
Ở Mỹ, Thống tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương, nhận xét: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một thống soái vĩ đại”.
Thống tướng Westmoreland cũng cho rằng: “Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã cho thấy vai trò quyết định của các nhân vật kiệt xuất của đối phương (Quân đội Việt Nam) mà vai trò cao nhất là tướng Giáp - người lão luyện trong việc tổng chỉ huy thực hiện chiến tranh du kích”.
Trên thế giới, cũng đã có không ít những cuốn sách lịch sử, những thước phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và tài cầm quân thiên bẩm của Tướng Giáp.
Đại tướng Anh Peter Macdonald, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn "Giap an assessment" có viết: "Võ Nguyên Giáp đã có 30 năm làm tổng tư lệnh quân đội và gần 50 năm tham gia vào những suy tính chính trị ở cấp cao nhất: đó là hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử thế giới. Vả lại, khó so sánh ông với những tướng lĩnh khác, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở một trình độ như vậy trước đây cũng chưa từng có. Tướng Giáp đã chứng tỏ những phẩm chất hiếm có trong tất cả những lĩnh vực chủ yếu của chiến tranh”.
Sử gia Stanley Karnow đã xếp tướng Giáp ngang với những danh nhân quân sự lừng lẫy thế giới: “Ông là người ngang hàng với các nhà lãnh đạo quân sự vang dội như Grant, Lee, Rommel và MacArthur”.
Cùng với đó là những lời ca ngợi trong hàng nghìn, hàng vạn bài báo của giới truyền thông quốc tế khi viết về cụ Giáp. Võ Nguyên Giáp chính là tên vị tướng châu Á được phương Tây và thế giới nhắc tới nhiều nhất sau Thế chiến II bằng cả sự kiêng nể, kính trọng và ngưỡng mộ.











chuyên đề: chiến thắng Điện Biên Phủ 4

14. Ảnh chưa từng công bố về miền Bắc Việt Nam năm 1954
Một triển lãm của nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng vừa được mở với rất nhiều bức ảnh đắt giá về Nam Định, Thái Bình (Việt Nam). Năm 1954, nhiếp ảnh gia này đã bị thương và qua đời khi di chuyển từ Nam Định tới Thái Bình.
Phóng viên ảnh chiến trường người Hungary - Robert Capa là một trong những tay máy huyền thoại trong lịch sử ảnh báo chí nói chung và ảnh chiến trường nói riêng. Những khuôn hình của ông trung thực, sâu sắc, nên thơ và quả cảm
Bất kể những thay đổi trong cách chụp ảnh suốt những thập kỷ qua, ảnh của Robert Capa vẫn không lỗi thời và luôn được coi là những tác phẩm mẫu mực.
Trong sự nghiệp kéo dài hai thập kỷ của mình, ông đã ra chiến trường và đưa tin về 5 cuộc chiến tranh, trong đó có cuộc chiến tranh Đông Dương. Robert Capa sau này đã qua đời năm 1954 ở tuổi 40 tại tỉnh Thái Bình trong khi đang tác nghiệp.
Người ta biết nhiều tới Robert Capa qua những bức ảnh đen trắng đầy chiều sâu, ít người biết rằng ông cũng từng thực hiện nhiều bức ảnh màu ấn tượng. Một chương trình triển lãm có tên “Capa in Color” (Ảnh màu của Capa) sẽ diễn ra từ 31/1 tới 4/5 tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế ở thành phố New York, Mỹ.
Tại đây, hơn 125 bức ảnh màu chưa từng được công bố của Robert Capa sẽ được đem triển lãm, trong đó có một số bức được thực hiện trong những ngày tháng cuối đời khi ông đang ở Việt Nam.
Binh lính Pháp trên đường chuyển quân từ Nam Định tới Thái Bình tháng 5/1954. Lúc này Robert Capa đang đưa tin về cuộc chiến tranh Đông Dương. Bức ảnh lần đầu được công bố tại triển lãm.
Hiện tại, gia sản để lại của Robert Capa có hơn 4.000 bức ảnh màu. Đương thời, mỗi khi ra ngoài tác nghiệp, ông thường mang theo 2 thậm chí là 3 chiếc máy ảnh, treo quanh cổ.
Nếu những bức ảnh đen trắng chụp ngoài chiến trường sâu sắc và đúng chất Capa thì những bức ảnh màu mà ông thực hiện đề cập tới những đề tài nhẹ nhàng hơn như văn hóa, chân dung, thời trang…
Người ta không rõ khi nào thì ông sẽ chụp ảnh đen trắng và khi nào thì chụp ảnh màu, đó vẫn là một bí mật của tư duy Capa. Đôi khi ông chụp một khuôn hình bằng cả ảnh màu và ảnh đen trắng, đơn giản bởi các tờ báo khi đó thường trả nhiều tiền hơn cho những bức ảnh màu.
Triển lãm những bức ảnh màu của Capa chắc chắn sẽ gây nhiều bất ngờ cho những ai am hiểu về nhiếp ảnh và quen thuộc với những bức ảnh của Robert Capa. Khi đem so sánh với những bức ảnh đen trắng chụp ngoài chiến trường của ông, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi thấy một Capa rất khác trong những bức ảnh màu vui vẻ, nhẹ nhàng.
Những bức ảnh màu sẽ được trưng bày trong triển lãm “Capa in Color”:
Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway và cậu con trai Gregory ngồi chơi ở thung lũng Mặt trời, bang Idaho, Mỹ tháng 10/1941.
Một nghĩa trang của quân Đức nằm gần sân bay El Ouina ở Tunisia tháng 5/1943.
Cưỡi lạc đà trên sa mạc ở Tunisia năm 1943.
Binh lính Anh đang xem thi đấu quyền anh trên một chuyến tàu thủy chuyển quân từ Anh tới Nam Phi năm 1943.
Những binh lính Mỹ chụp hình bên một chiếc xe tăng bị bắt của quân Đức tại Tunisia tháng 5/1943.
Ít ai biết rằng Capa cũng từng chụp ảnh thời trang. Bức ảnh này được chụp bên bờ sông Seine ở thành phố Paris, Pháp năm 1948.
Danh họa Pablo Picasso chơi với cậu cháu trai Claude ở xã Vallauris, Pháp năm 1948.
Đua thuyền ở quần đảo Lofoten, Na Uy năm 1951.
Capucine, một nữ diễn viên kiêm người mẫu của Pháp. Bức ảnh được chụp tại Rome, Ý tháng 8/1951.
Một gia đình người Na Uy năm 1951.
Những đứa trẻ chơi ở công viên trong thành phố Oslo, Na Uy năm 1951.
Một phụ nữ Pháp đang tắm biển ở xã Deauville tháng 8/1951.
Khu phố Montmartre tập trung nhiều nghệ sĩ ở thành phố Paris, Pháp năm 1952.
Giới thiệu một số bức ảnh chiến trường ấn tượng Robert Capa từng thực hiện tại Việt Nam:
Năm 1954, tạp chí Life của Mỹ đã nhờ Capa tới đưa tin ảnh về chiến tranh Đông Dương. Dù trước đó vài năm, Robert Capa đã tuyên bố sẽ không chụp ảnh chiến trường nữa nhưng vì một lý do nào đó, ông đã nhận lời và đến Việt Nam để đưa tin.
Ngày 25/5/1954, khi một trung đoàn của Pháp đang băng qua một khu vực nguy hiểm, Robert Capa quyết định không ngồi trên xe ô tô nữa mà xuống đi bộ để chụp hình. Chỉ 5 phút sau, Capa giẫm phải một quả mìn và bị thương nặng. Vài tiếng sau, ông qua đời tại một bệnh viện dã chiến, trên tay vẫn còn giữ chiếc máy ảnh.
Một nghĩa trang tại tỉnh Nam Định ngày 21/5/1954.
Ảnh chụp ven đường khi Robert Capa cùng quân Pháp di chuyển từ Nam Định tới Thái Bình ngày 25/5/1954. Đây là những bức ảnh cuối cùng mà Robert Capa thực hiện ngay trước khi thiệt mạng.
Theo Dân Trí

Điện Biên Phủ và một thế kỷ thực dân Pháp ở Đông Dương

Cảnh quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ năm 1954.
Cảnh quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ năm 1954.
Musée de l'Armée

Thụy My
Nhật báo Libération hôm nay 27/11/2013 giới thiệu cuộc triển lãm tại Bảo tàng Quân đội, tái hiện lại một thế kỷ hiện diện của Pháp tại Đông Dương với những trang phục, bản rập, tài liệu bằng văn bản và nghe nhìn. Khách tham quan có thể hình dung một trăm năm đô hộ của Pháp ở vùng Viễn Đông và cuộc chiến Điện Biên Phủ đã chấm dứt chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương.

Tờ báo nhận định, sau Algérie năm ngoái, nay đến lượt Đông Dương: Bảo tàng Quân đội nằm ở quảng trường Invalides, Paris tiếp tục lật lại những trang sử đau thương của quá trình thuộc địa và phi thực dân hóa của Pháp. Gần sáu mươi năm sau thất bại ở Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954 dẫn đến hồi kết của cuộc viễn chinh tại Đông Dương, cuộc triển làm này vẽ lại quá trình chinh phục Nam Kỳ, giai đoạn đô hộ (1856-1954) rồi việc Pháp phải rút quân trong tiếng đùng đoàng của súng đạn.
Tuy cuộc chiến Đông Dương ít gây tranh cãi hơn so với cuộc chiến Algérie, nhưng tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhân sự kiện tướng Võ Nguyên Giáp qua đời cũng đã gây ra một số phản ứng tại Pháp.
Tháng 10 năm nay, khi biết tin tướng Giáp từ trần, thọ 103 tuổi, Ngoại trưởng Fabius đã vinh danh « một người Việt Nam yêu nước vĩ đại ». Lời tuyên bố này không những gây giận dữ cho các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, mà cả một bộ phận trong quân đội Pháp vốn không quên những đối xử tệ hại của Việt Minh với tù binh. Bằng chứng của việc chủ đề này vẫn còn nhạy cảm, theo Libération, đó là có những người có trách nhiệm của Việt Nam đã lặng lẽ đến Invalides để kiểm tra xem liệu đại sứ của Hà Nội ở Paris có thể đến xem triển lãm mà không gây phản ứng gì.
Phần thứ nhất của triển lãm pha trộn những trang phục, bản rập, văn bản, giúp người xem hình dung lại cuộc chinh phục bằng họng súng đại bác, rồi đến việc đô hộ mảnh đất nằm cách nước Pháp đến 15.000 km. Công cuộc đô hộ này vào cuối thế kỷ 19 đã làm dấy lên những cuộc tranh luận tại Quốc hội thời đó. Nếu Jules Ferry nêu ra « nghĩa vụ của các chủng tộc thượng đẳng » với các « dân tộc hạ đẳng », thì Georges Clémenceau tố cáo « các tội ác khủng khiếp » do quân Pháp phạm phải.
Triển lãm càng thu hút hơn với những tài liệu nghe nhìn. Từ những đòi hỏi độc lập tại Đông Dương ngày càng tăng, cho đến thời kỳ chiếm đóng, rồi cuộc chiến trước Việt Minh, việc Thống chế Pétain hợp tác với Nhật để duy trì kiểm soát. Sau khi kháng chiến thành công, người ta nghe giọng nói vừa nhỏ nhẹ vừa kiên quyết của Hồ Chí Minh, ca ngợi « dân tộc Pháp vĩ đại » đã« giương cao ngọn cờ của giá trị tự do, bình đẳng và bác ái ». Theo Libération, đây là một lời ca ngợi dưới dạng một nụ hôn thần chết, để biện minh cho cuộc chiến sắp tới.
Sau nỗ lực thương lượng không thành công giữa Paris và các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam năm 1946, bán đảo Đông Dương chìm vào cuộc chiến. Ngược lại với cuộc chiến Algérie, Chú Sam hỗ trợ cho đồng minh Pháp vì xem Đông Dương là một con cờ domino phải giữ bằng mọi giá cho một thế giới tự do. Trong một cuộn phim quay vào thời đó, có một Phó tổng thống Mỹ đến thăm lòng chảo Điện Biên Phủ : đó là Richard Nixon, người mà hai thập kỷ sau đã ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Một bộ phim khác được quay năm 1953, bởi một người lính trẻ có tương lai điện ảnh đầy hứa hẹn là Pierre Schoendoerffer, cho thấy những hình ảnh chiến tranh mà ngày nay không còn trông thấy nữa. Những loạt pháo kích, tiếng vang động đinh tai của những khẩu đại bác, những xác chết không nguyên vẹn của những người lính…trên nền nhạc sầu thảm.
Ở gian cuối triển lãm, Libération chú ý đến cuộc đàm thoại đáng kinh ngạc giữa hai sĩ quan cao cấp được ghi lại ngay trước khi Điện Biên Phủ thất thủ. Bên cạnh đó là một cuộn phim nghiệp dư do một hạ sĩ quan quay sau khi ký hiệp định Genève năm 1954, với cảnh quân Pháp chen chúc xuống tàu về nước, dưới cái nhìn dửng dưng của những người chiến thắng – những anh lính Việt Minh trẻ tuổi.
Thái Lan trước cơn sốt Áo Vàng
Nhìn sang Thái Lan, nhật báo Le Figaro có bài viết : « Tại Bangkok, cơn sốt màu vàng đe dọa chính quyền ». Phe đối lập hứa hẹn sẽ lật đổ chính phủ do em gái của cựu Thủ tướng đang lưu vong Thaksin lãnh đạo.
Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh Suthep Thaugsuban, người đại diện cho đợt sóng Áo Vàng mới đang thách thức Thủ tướng Yingluck Shinawatha từ cuối tuần qua, đang xướng lên qua micro bài ca của hoàng gia, và hàng ngàn người biểu tình trước Bộ Tài chính cùng đồng thanh hát theo. Ông Thaugsuban hứa hẹn trong vòng ba ngày sẽ kết thúc chính phủ.
Nguyên nhân của « cơn sốt màu vàng » này là một dự thảo luật ân xá, có thể giúp cho nhà lãnh đạo lưu vong Thaksin quay lại Thái Lan. Phong trào phản kháng quy mô nhất từ cuộc khủng hoảng 2010 đến nay, đã tập hợp được trên 100.000 người hôm Chủ nhật. Đa số người biểu tình thuộc tầng lớp trung lưu ở Bangkok, số khác đến từ miền nam.
Theo Le Figaro, bóng ma của cuộc khủng hoảng đã làm 90 người chết năm 2010 hãy còn xa. Sự cứng rắn của Suthep làm những người ôn hòa e ngại, họ tích cực vận động trong hậu trường để tìm ra một lối thoát hòa bình. Những ngày sắp tới, người ta mới biết được chính quyền có thành công trong việc tái lập trật tự mà không đổ dầu vào lửa hay không vì nếu những người Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin ở nông thôn kéo về, thì tình hình sẽ lại bùng nổ.
Mại dâm : Pháp dự định trừng phạt khách mua dâm
Nhân sự kiện dự luật chống mại dâm hôm nay 27/11/2013 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Pháp, nhiều tờ báo lớn xuất bản tại Paris đã đưa lên trang nhất vấn đề này.
Nhật báo Le Monde chạy tựa : « Mại dâm : Việc trừng phạt khách hàng gây chia rẽ các chính đảng ». Tương tự, trang bìa tờ báo cánh tả Libération đăng ảnh cận cảnh một đôi chân phụ nữ mang đôi giày gót nhọn với tựa đề « Mại dâm, cuộc tranh luận xưa nhất thế giới » và đặt câu hỏi : « Trừng phạt khách mua dâm ? Dự luật được đưa ra trước Hạ viện gây chia rẽ tẩt cả các đảng ». Nhật báo cộng sản L’Humanité đăng ảnh một cô gái bán dâm đang đứng chờ khách với dòng tựa lớn « Hủy bỏ » và nhận định, việc thông qua dự luật trên sẽ là một bước tiến đầu tiên về hướng chấm dứt dạng nô lệ này.
Bài xã luận của nhật báo Le Monde mang tựa đề « Luật pháp, giới tính, đạo đức » cho rằng mại dâm là một vấn đề triết lý phức tạp và là một thực tế xã hội xót xa.
Được 120 đại biểu ký tên ủng hộ, dự luật này bãi bỏ việc phạt vạ gái mại dâm vì tội níu kéo khách, thay thể bằng việc trừng phạt khách mua dâm ở mức 1.500 euro. Đây là lần đầu tiên giải pháp phạt vạ khách mua dâm được đưa ra tại Pháp, kèm theo việc giúp đỡ các nạn nhân của bọn buôn người và nô lệ tình dục ra khỏi nghề mại dâm.
Trừng phạt « cầu » để giảm « cung », đó là mục tiêu của dự luật, một cách ngăn cấm việc buôn bán thân xác. Tuy nhiên theo Le Monde, không phải người bán dâm nào cũng là nạn nhân của bạo lực, và không thể quy cho tất cả là quan hệ cưỡng ép. Luật pháp cần làm tất cả để truy lùng bọn ma cô và giúp đỡ cho các nạn nhân bị buộc phải bán thân. Nhưng khi nhắm vào khách mua dâm để trừng phạt, những người bán dâm có thể sẽ phải rút vào bí mật và chịu nhiều rủi ro hơn.
Công dân mạng và dân chủ
Nhân Diễn đàn Dân chủ Thế giới tổ chức tại Strasbourg từ ngày 23 đến 29/11, Le Monde dành nguyên một phụ trang cho đề tài này, trong đó có bài viết « Tư cách công dân trong kỷ nguyên kỹ thuật số ». Câu hỏi đặt ra là các mạng xã hội, truyền thông mạng và blog cũng như việc được tự do tham khảo các dữ liệu, có mang lại quyền lực cho công dân trước các định chế cầm quyền hay không ?
Theo tờ báo, các công cụ kỹ thuật số hẳn sẽ đóng góp vào việc tạo ra một cộng đồng ảo, một nền dân chủ có sự tham gia tích cực của công dân, nhưng đây chỉ mới là điều kiện ban đầu mà thôi. Trong bài « Internet tăng cường quyền lực của xã hội dân sự », nhà nghiên cứu Amanda Clarke chuyên về quan hệ giữa internet và dân chủ cho rằng các định chế chính trị nếu muốn đáp ứng những mong đợi của người dân, không thể bỏ qua các kênh thông tin trong thời đại kỹ thuật số

chuyên đề: chiến thắng Điện Biên Phủ 3

11. Hai trận chiến thắng “Điện Biên Phủ” vang dội


(HNM) - Có một sự trùng hợp như là sắp đặt của lịch sử về hai mốc son chói lọi, hai chiến thắng lừng lẫy: Bính Ngọ 1426 - nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã làm nên trận chiến Ninh Kiều - Tốt Động - Chúc Động, một trong những thắng lợi có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế kỷ XV. Giáp Ngọ 1954 - quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kỳ tích Bính Ngọ 1426


“Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép lại sự kiện lịch sử đáng nhớ: Đầu tháng 11 năm Bính Ngọ 1426, hơn 9.000 quân Lam Sơn do 8 danh tướng chỉ huy chia làm ba đạo quân hùng dũng tiến ra Bắc. Tướng của giặc Minh là Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông trực tiếp làm Tổng binh mở chiến dịch lớn với 10 vạn quân (đông gấp 10 lần quân ta) thực hiện kế hoạch “khép gọng kìm” và chiến thuật “dĩ chính hợp, dĩ kỳ thắng” (chính binh đánh vỗ mặt đối phương, kỳ binh từ phía sau bất ngờ đánh úp) để “dọn” sạch quân Lam Sơn ở Chương Mỹ, mở đường thẳng tiến vào Thanh Hóa hòng thực hiện tham vọng bóp chết toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn.

“Tương kế tựu kế”, theo phương châm lấy ít địch nhiều, “lấy trí nhân thay cường bạo”, các cánh quân của Lam Sơn bài binh bố trận, dùng chiến thuật tập trung “đánh giập đầu tiền quân của chính binh địch”. Trận địa mai phục của nghĩa quân Lam Sơn đặt chủ yếu ở Tốt Động (làng Tụy Động xưa - tên nôm là làng Rét, ở vùng rốn chảo của Chương Mỹ). Trung tâm trận địa là Đồng Giả, phía Bắc trận địa là suối Ninh Kiều, phía Tây giáp sông Bùi, phía Đông - Nam là cánh đồng lầy thụt (chính là khu vực phía trước đình làng Tốt Động ngày nay). Ngày 6-11-1426, đạo quân của Vương Thông sa vào trận địa của quân Lam Sơn; đến ngày 7-11-1426 hơn sáu vạn tên giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống ở Ninh Kiều, Tốt Động...

“Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm...”. “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã mô tả về chiến thắng Chúc Động, Tốt Động, Ninh Kiều như thế! Qua lời giới thiệu của cụ từ Nguyễn Đăng Dỹ và các ông Hà Hữu Tiến, Nguyễn Văn Lân về những dấu tích liên quan đến “bản doanh giả” của nghĩa quân Lam Sơn - nơi tử địa của hơn sáu vạn quân, có thể hình dung một trận “Điện Biên Phủ” thời Lê cách đây gần 7 thế kỷ. Cánh đồng mênh mông phía trước đình làng Tốt Động là nơi nghĩa quân Lam Sơn năm xưa đã “quần” nhau với giặc Minh suốt ba ngày đêm. Đồng Gàn kia là nơi bắn pháo hiệu của Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn. Gò Trống, gò Kèn- nơi phát lệnh thúc quân, cổ vũ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ. Đồng Giả, nơi nghĩa quân dựng bản doanh giả để nhử địch vào tử địa. Đồng Vỡ, nơi giặc Minh bị vỡ trận. Đồng Gạo, nơi nhân dân cất giữ lương thảo thu được của giặc. Bãi Mả Dù là mồ chôn xác giặc bị chết trận Ninh Kiều; bãi Ma Hè là mồ chôn xác giặc chết trận Tốt Động. Còn dinh đồng Mồ, theo sách chỉ của nhà vua, sau chiến thắng, nhân dân đã thu gom xác chết đem chôn ở gò cao và xây tường bao quanh. Trong dinh hiện còn một tấm bia ghi rõ việc đóng góp của dân làng để làm nghĩa chủng và một bài văn tế cô hồn đậm chất nhân văn. Hằng năm, vào ngày 24 tháng Chạp, dân làng tổ chức lễ tế “nghĩa chủng” (cúng ma khách) cho các vong hồn. Khi giáp hạt tháng tư âm lịch, dân làng làm lễ “cúng cháo cầu” với tâm niệm chia sẻ đói no, thể hiện lòng nhân ái, vị tha sâu sắc của dân tộc Việt Nam...

Về Tốt Động hôm nay, có thể hình dung ra những tên đồng tên đất ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân ta từ thời Lê - thế kỷ XV. Đó như một bảo tàng di tích chiến tranh, phong phú và đa dạng. Đình làng Tốt Động do nhân dân quyên góp xây dựng từ thế kỷ XV để tưởng nhớ nhị vị Thành hoàng làng là Đỗ Bí và Lê Ngân. Trước năm 2010, di tích xuống cấp nghiêm trọng, nay đã được thành phố Hà Nội cấp kinh phí thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích. Đại bái đình đã trùng tu về cơ bản, nhưng các hạng mục khác như tả - hữu mạc và sân đình thì chưa có kinh phí thực hiện; đặc biệt, quán Bến, quán Đừn - nơi thờ phụng các danh tướng (nằm trong quần thể di tích) đến nay vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử... Ông Hà Hữu Tiến bày tỏ, nhiều địa danh có ý nghĩa lịch sử nhưng đang bị lãng quên, hoặc chưa được nhìn nhận đúng với giá trị đích thực của nó. Ví dụ, suối Ninh Kiều - nơi xác giặc làm tắc nghẽn hàng chục cây số, nay chỉ còn một đoạn nhỏ đổ ra cống Yên Duyệt. Cửa suối Ninh Kiều đổ ra sông Bùi cũng đã bị lấp, dấu tích mang tên Ninh Kiều còn lại chỉ là đầm nhỏ tên gọi đầm Ruột Gà...

Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động là chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn, góp phần kết thúc gần chín năm trường kỳ kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Chiến thắng đó được xem như một “Điện Biên Phủ” thời Lê - một thiên anh hùng ca bất hủ ở thế kỷ XV.

Kỳ tích Giáp Ngọ 1954 

Năm Giáp Ngọ 2014 là tròn 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954- 2014). Sẽ có những chương trình kỷ niệm như mít tinh, diễu binh, diễu hành trọng thể, sinh động, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng hòa bình và khẳng định những thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 


Năm 1954, nắm vững thế chủ động chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được trực tiếp chỉ huy Chiến dịch. Bằng cuộc chiến đấu kéo dài 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, chiến đấu cực kỳ anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17h30 ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của bộ đội ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Tướng Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị ta bắt sống. Gần 1 vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng ra khỏi hầm xin hàng.

75 ngày sau Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Như vậy, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của quân và dân ta. Chiến thắng được ghi vào lịch sử “như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX - thời đại Hồ Chí Minh và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, phá tan thành trì của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ”.

Trong cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn và giành chiến thắng vang dội, trong đó nổi bật nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Đại tướng từng nói: Bài học của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dù kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn thế nào chăng nữa, điều đó cũng không đủ để đánh bại một dân tộc đoàn kết trong cuộc chiến đấu...

Hai kỳ tích - hai bản Anh hùng ca bất hủ của thời Lê và thời đại Hồ Chí Minh đều diễn ra vào những năm Ngọ, đã đi vào trang sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.