Lào
Tết đón năm mới của người Lào có tên là Bunpimay (còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay lễ hội “Hốt Nậm” - Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc). Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Trong ngày Tết nước Lào thường có tục biếu vải, biếu khăn cho người già. Ban ngày người ta đến đền chùa cầu nguyện. Vào buổi tối, mọi người tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vong. Nếu làng nào đặt tượng Phật trong hang núi thì lễ tắm Phật gọi là Song Namphaphou. Các nhà sư và dân làng ăn trưa ngay tại núi sau khi làm lễ. Đặc biệt, người Lào sử dụng hoa trong ngày tết để cầu may, có hai loại hoa: hoa muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cài trên xe, trang trí trong nhà. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành. Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa người ta chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người khác thì đem nước đến lau rửa hoa.
Campuchia
Trong dịp Tết, các đền chùa Campuchia thường treo cờ ngũ sắc và cờ Phật giáo. Trước khi đón năm mới, mọi nhà đều dựng bàn thờ để đón ông bà tổ tiên, trên bàn thờ thường thắp 5 nén nhang và 5 cây nến. Các gia đình cũng đắp 5 núi cát, có nơi đắp bằng trái cây, các loại bánh hoặc những chẽn lúa... Đêm giao thừa, dân nước bạn tổ chức rước thần Thê-vê-đa cũ đi, mời thần Thê-vê-đa mới về ngự trị. Mồng một làm thức ăn ngon vào chùa dâng Phật và bày cho sư sãi ăn. Các nhà sư phải gắp mỗi phần ăn một miếng để ai cũng được phước như nhau. Ngày mồng hai họ cũng dâng cơm vào chùa, làm lễ đắp 9 ngọn núi và cầu siêu cho những linh hồn siêu thoát. Mồng ba thì làm lễ tắm Phật, sau đó đua thuyền do một sư trưởng dẫn đầu cuộc thi. Ngày Tết ở Campuchia có màn múa Lân – môn truyền thống rất vui nhộn. Ngày tết cuối cùng, người ta căng một sợi dây ngang sông cho người đứng đầu địa phương chặt dây ra lệnh cho nước rút ra biển để dân cày cấy. Ngày đầu năm mới, mọi người trong nhà đều ngồi trước bàn thờ, chắp tay cầu nguyện Trời Phật để xin tận hưởng phúc lộc. Sau đó họ “diện” những bộ quần áo mới chỉnh tề đến viếng chùa, nghe sư đọc kinh cầu nguyện, tưới nước thơm vào tượng Phật, sư sãi. Ở nhà, người Campuchia dâng các loại bánh ngon lên ông bà cha mẹ, để chúc thọ và báo hiếu. Người dân mang hoa tươi, đồ lễ lên chùa nghe giảng kinh từ sáng sớm, rồi thực hiện nghi thức tắm Phật, cắm cờ hoa lên bảo tháp bằng cát và đổ ra đường phố, lấy nước tạt nhau chúc mừng năm mới.
Thái Lan
Tết cổ truyền của đất nước Thái Lan có tên gọi là Songkran được tổ chức từ ngày 13-15/4 hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Họ dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ, té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... những người càng được té nhiều nước càng may mắn. Lễ hội này có nét giống Lào và Campuchia, tuy nhiên mỗi nước có nghi thức lễ và hội có vài chi tiết khác nhau. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Tiếp đó là Wan Nao - ngày dành riêng để chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ sắp tới. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Ngày Wan Nao tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam. Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee - ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già, tổ tiên và rắc nước thiêng. Songkran là Tết mọi người nghĩ tới người đã khuất nên họ thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên rồi tiếp đó mới vui chơi thỏa thích.
Myanmar
Tết truyền thống của Myanmar có tên gọi là tết Thingyan trùng vào dịp lễ Phục Sinh của các nước phương Tây. Thingyan là thời điểm của ngày Bố Tát (hay Trai Giới), tương tự như ngày Sabbath (ngày Yên Nghỉ) của đạo Chúa. Của bố thí và các mâm lễ vật được dâng lên các nhà sư trong các nơi thờ tự, và một loại lễ vật gồm dừa non và thân dừa còn nguyên vẹn được kết thành vòng tròn và bó trong lá chuối xanh và các nhánh tha byay hoặc jambul đặt trước các di ảnh của đức Phật Thích Ca; di ảnh này sẽ được đổ nước thơm từ phía trên xuống trong nghi lễ tắm Phật. Trước khi trời tối, những cuộc vui thật sự bắt đầu với âm nhạc, hát múa, các trò hề và các trò bói toán… Những thiếu nữ địa phương đều mặc váy áo sặc sỡ, đầu đội vòng hoa và gắn kim tuyến. Họ bôi lên mặt loại phấn thơm từ vỏ cây Murraya paniculata, có công dụng như là một loại kem chống nắng và se lỗ chân lông, và cài hoa giáng hương có màu vàng rực, mùi thơm ngọt ngào lên tóc. Hoa giáng hương chỉ nở một ngày mỗi năm vào Tết Thingyan nên được gọi là “hoa Thingyan”. Ngày Tân Niên của Tết Thingyan là thời điểm mọi người viếng thăm người lớn tuổi và quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính cũng như dâng nước đựng trong các nồi đất nung và xà phòng thơm. Người nhỏ tuổi sẽ gội đầu cho người lớn tuổi, theo cách thức truyền thống là với hạt và vỏ của cây keo Acacia rugata. Cũng vào ngày này, người Myanmar quyên góp thức ăn ở nhiều nơi, đặc biệt là phát thức ăn miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.
Philippines
Tại Philippines, dù Giáng sinh là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm nhưng Tết dương lịch lại là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Ở nơi đây, Giáng sinh là ngày để mọi người hồi tưởng quá khứ. Còn ngày tết thì có sự khác biệt. Đó là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về tương lai với những hi vọng tươi sáng. Đối với người Philippines, ngày tết biểu tượng cho sự thay đổi, hi vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp. Cách chào mừng ngày tết của người dân Philippines vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây lẫn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng mang những nét truyền thống đặc trưng. Những ngày giáp tết, hầu hết các gia đình Philippines đều thu dọn nhà cửa, kiểm lại đồ đạc, dẹp bớt những thứ không sử dụng hoặc vô giá trị. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác, trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới. Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ. Làm như vậy, họ mong muốn cả năm sẽ không phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Sau bữa ăn, tất cả mọi người cùng làm mọi cách để gây ra những tiếng động rộn rã nhất và đốt pháo với niềm tin tiếng động sẽ xua đi ma quỉ. Những đứa trẻ sẽ chơi trò nhảy lên nhảy xuống, vì người Philippines tin rằng làm như vậy sẽ giúp bọn trẻ cao hơn. Những năm gần đây, Chính phủ Philippines hạn chế đốt pháo, do đó nhiều gia đình chỉ ở trong nhà ngắm pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời. Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới... Mặc dù là quốc gia Đông Nam Á nhưng Philippines chịu ảnh hưởng của châu Âu. Đa số dân Philippines đều theo đạo Công giáo, tin lành nên ngôn ngữ chính của họ là tiếng Anh. Dân Philippines đón Tết cổ truyền từ trước lễ Giáng sinh. Ở vùng nông thôn, người Philippines leo lên các ngọn núi cao để cầu phúc kéo dài trong 9 ngày và chỉ chấm dứt vào ngày Noel. Trẻ con Philippines vào ngày Tết cũng được mặc quần áo mới, người lớn thì ca hát, ăn nhậu. Mỗi khu phố, bản làng đều có những cuộc chơi tập thể. Vùng quê đám thanh niên đeo mặt nạ giả thần núi nhảy múa chung với cả làng để cầu phúc, cầu may, cầu mùa màng bội thu và một năm mới tốt lành.
Indonesia
Indonesia là một quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó cách chào đón tết cũng rất đa dạng và khác biệt. Đó là tết của người Hồi giáo (Tahun Baru Hijriah), tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Saka) và tết cổ truyền theo kiểu Trung Quốc (Tahun Baru Imlek). Thông thường, nói chung các thành phố lớn đều bắn pháo hoa đón mừng năm mới. Thanh thiếu niên trên xe máy hoặc ôtô đổ ra đường đi diễu hành xung quanh thành phố, thổi kèn, đánh trống rất rộn rã. Những sân khấu ngoài trời mở cửa với hàng loạt hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa rối... Tết truyền thống của người Hồi giáo Indonesia được gọi là Tết Hijriah hoặc Hijra. Trong năm 2007, ngày lễ tết này rơi vào 20. Vào đêm Hijra, người dân tại Indonesia thường đến nhà thờ Hồi giáo nghe các giáo sĩ giảng đạo, đọc và lắng nghe kinh Koran, nghe những bài hát đạo Hồi. Một số tổ chức Hồi giáo mở cửa các chợ, cung cấp thực phẩm, tiền, dịch vụ y tế miễn phí cho dân nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em. Nói chung, ngày lễ tết của người dân Indonesia theo đạo Hồi khá trầm lắng chứ không sôi động như ngày kết thúc tháng Ramadan. Khi đó, mọi người thường xin lỗi lẫn nhau vì những va chạm trong quá khứ và đi thăm cha mẹ. Phần lớn người theo đạo Hindu tại Indonesia sống tại đảo Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng. Ngày tết ở đây còn được gọi là Nyepi, được tổ chức vào ngày 19-3-2007. Ngày bắt đầu năm mới tại Bali vô cùng náo nhiệt và rộn rã. Tất cả dân làng cùng tập trung ở một khu vực để ăn mừng. Thức ăn được chuẩn bị trong hai ngày để phục vụ số lượng người tham gia đông đảo. Năm 2000, tết âm lịch Trung Quốc, hay còn được gọi là Imlek, chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia tại Indonesia. Trong những ngày này, múa lân trở thành hoạt động thường nhật tại nhiều thành phố, đặc biệt là các trung tâm mua sắm. Đối với người dân Indonesia, chứng kiến múa lân là một hoạt động vô cùng thú vị. Vào dịp Tết Imlek, các cuộc thi thể thao, biểu diễn thời trang liên tục diễn ra. Các khu chợ cung cấp thực phẩm, tiền cho người nghèo. Nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm tràn ngập màu đỏ và hình trang trí kiểu Trung Quốc. Những người gốc Trung Quốc tại Indonesia cũng hay có thói quen gửi thiếp mừng năm mới tặng bạn bè và người thân.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét