Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Tết cổ truyền - Tết uống nước nhớ nguồn

Tết cổ truyền - Tết uống nước nhớ nguồn


                       
Mỗi năm, dân ta được hưởng hai Tết: Tết dương lịch và Tết âm lịch thường được gọi là Tết Nguyên đán. Với người dân Việt, Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc.
Có một nhà Việt Nam học người phương Tây nói rằng: Muốn hiểu văn hoá Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu rõ tục thờ cúng tổ tiên gắn với truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và nếu có điều kiện thì nên đến sống với họ trong những ngày Tết cổ truyền, vì ở đó lưu giữ những giá trị cơ bản, độc đáo của nền văn hoá nước này. Ý kiến của ông cũng được nhiều người đồng tình.
Đã sống mấy chục Tết rồi, cũng thấy rõ những phong tục trong dịp Tết ngày nay đã gọn nhẹ hơn không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng sự thiêng liêng và những nét đẹp văn hoá cổ truyền trong ngày Tết vẫn được lưu giữ, có mặt còn sâu sắc hơn trong mỗi gia đình và trong lòng mỗi người.
Tục thờ cúng tổ tiên thì không chỉ riêng có ở nước ta, nhưng tục này lại gắn với truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" trong Nhà - Làng - Nước. Trong từng gia đình là thờ cúng tổ tiên; trong từng làng tôn vinh các vị Thành hoàng là những người có công, có sự nghiệp gắn với cộng đồng; với cả nước là thờ Vua Hùng dựng nước. Cuối năm ngoái (2012), tổ chức UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là di sản văn hoá phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại. Thờ cúng tổ tiên và thờ cúng Vua Hùng tiêu biểu cho tinh thần "uống nước nhớ nguồn", là nét đặc sắc trong hệ giá trị thuần Việt đã trở thành một bộ phận trong di sản văn hoá tiêu biểu của nhân loại.
Người dân ở thành thị hay nông thôn cho đến ngày nay đều nhớ rõ, không khí Tết bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo (23 tháng 12 âm lịch) lên tâu Thượng đế về công việc làm ăn, cư xử của từng nhà trong năm để "Thiên đình" đánh giá và chăm lo chuyện êm ấm của từng nhà ở hạ giới và cũng để nhắc nhở gia chủ phải chăm lo săn sóc cho gia đình ấm no, hạnh phúc dưới sự theo dõi của ông "vua bếp" ghi chép hàng ngày.
Rồi trước đây, chuẩn bị Tết, nhà nào cũng dựng cây nêu để mời tổ tiên về vui Tết với con cháu và mời bạn tới thăm nhà với gói trầu cau "mời bạn" treo trên cây nêu. Hiện nay, ít nơi còn trồng cây nêu nhưng tục thắp hương, viếng mộ mời tổ tiên về ăn Tết vẫn được giữ gìn.
Trong dịp Tết, mọi người cố giữ gìn không để sai sót để khỏi "dông" cả năm; mọi vướng mắc đều được gỡ bỏ, và nếu có giận nhau thì cũng không to tiếng trong ba ngày Tết để mong trong ấm ngoài êm cả năm.
Chúc Tết cũng là một phong tục cầu mong điều tốt đẹp cho từng người. Con cháu thăm hỏi, chúc Tết ông bà, cha mẹ, chú bác. Học trò (cả học trò đã bạc đầu) chúc Tết thầy, cô giáo. Bạn bè, láng giềng thân thiết chúc Tết nhau. Với gia đình thì đã có lệ thành câu ca "mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy". Theo phong tục cũ thì sáng mùng một Tết, sau lễ gia tiên, người con cùng gia đình đến chúc Tết ông bà, cha mẹ; sáng mùng hai Tết, cha mẹ dẫn con cháu về quê ngoại chúc Tết ông bà và người thân; mùng ba Tết đến chúc các thầy cô giáo đã có công giáo dục đạo đức, tư cách, mở mang trí tuệ cho mình. Ngày nay không còn lệ thuộc theo thứ tự thời gian như thế, nhưng các gia đình vẫn còn giữ lễ để nhớ "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy", bên nội, bên ngoại đủ lễ. Con cháu chúc người lớn tuổi khoẻ mạnh, trường thọ; người già chúc con cháu ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, làm ăn thành đạt. Kèm theo lời chúc là những phong bao màu đỏ để lấy may mắn cho cả năm.
Ngày xưa "ăn Tết", ngày nay không chỉ ăn Tết mà còn "chơi Tết", cho nên, xuất hành vui xuân, viếng chùa, nhà thờ, danh lam thắng cảnh... Một số người có đời sống khá giả thì đưa cả nhà đi du lịch trong nước, ngoài nước trong dịp Tết và xem ra xu hướng này ngày càng phát triển. Nhưng có người lại nói: "Ngày Tết là những ngày quần tụ gia đình, người đi làm xa cũng về quê, bà con người Việt ở nước ngoài còn lặn lội về quê đón Tết, sao lại bỏ gia đình đi chơi?". Nhưng họ lại nói: "Chăm sóc, quần tụ gia đình không cứ gì phải ru rú ở trong nhà mà kéo nhau đến công viên hoặc những danh lam thắng cảnh cũng là nét mới vui xuân cả nhà!".
Xem ra ăn Tết, vui Tết cổ truyền bây giờ cũng khác, không thể rập khuôn cách làm như xưa, nhưng ý thức chăm nom các gia đình nghèo, những người cơ nhỡ để mọi nhà đều có Tết lại sâu sắc hơn xưa, phù hợp với bản chất nhân văn của xã hội ta. Ngày xuân vui bạn nhưng không sa vào rượu chè, cờ bạc, chuốc phiền muộn. Vui Tết kiểu gì nhưng nét đẹp văn hoá coi trọng sự an lành, coi trọng sự êm ấm trong gia đình gắn liền với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy và những người có công dựng nước và giữ nước... vẫn là những nét đẹp văn hoá được gìn giữ như hồn cốt của dân tộc trong ngày Tết cũng như trong cả cuộc đời.../.
  Hữu Thọ - Tạp chí Ban tuyên giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét