Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Rắn Naga: yếu tố văn hóa Khơme trong điêu khắc Chăm tháp Dương Long

Rắn Naga: yếu tố văn hóa Khơme trong điêu khắc Chăm tháp Dương Long


Trong số di tích kiến trúc tháp cổ Chăm-pa còn lại trên đất Bình Định, Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) nổi bật không những ở kích thước đồ sộ nhất hiện nay mà còn ở hình dáng đặc biệt của từng kiến trúc. Đây là cụm tháp chịu ảnh hưởng nghệ thuật Khơme rõ nét nhất. Một trong những yếu tố thể hiện sự ảnh hưởng đó chính là hình tượng rắn Naga.
Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang, loài rắn có nọc độc rất nguy hiểm. Rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Siva, vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh. Do hoàn cảnh lịch sử, vào khoảng thế kỷ XII, XIII, đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giữa Chăm-pa với vương quốc Angkor của người Khơme và Chăm-pa từng bị Angkorxâm chiếm. Người Khơme vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn, nên có lẽ hình tượng này vốn đã hiện diện trong văn hóa Khơme trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Truyền thuyết lập quốc của người Khơme kể rằng: có một người Bà la môn tên là Kaudinya đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia, đến vùng đất của người Khơme, chiến thắng một nữ vương có tên là Soma hoặc Nagini, con của vua rắn Naga, và lấy người phụ nữ này làm vợ, sinh ra dòng dõi các vị vua.
Người Khơme tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Trong mỗi triều đại, các vị vua Khơme đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ bằng đá, mà rắn Naga là vị thần canh giữ những nơi thiêng liêng đó. Do vậy, chúng luôn xuất hiện trên các cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Chúng còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước và các công trình thủy nông của người Khơme cổ.
Trong Bà la môn giáo và Phật giáo Theravada, rắn Naga không những là vị thần mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết bàn. Trong các ngôi đền cổ, các kiến trúc sư Khơme luôn xây dựng nhiều chiếc cầu vồng có hình rắn Naga, tượng trưng cho chiếc cầu nối liền giữa cõi trần gian và niết bàn. Rắn Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu trải dài dưới chân những ngôi đền núi (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh).
Rắn Naga cũng là mô típ quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Khơme. Phật thoại mô tả cuộc đời của đức Phật từ khi ngài mới hạ sinh cho đến khi nhập cõi niết bàn đều có liên quan ít nhiều đến rắn Naga. Hình tượng rắn Naga bảo vệ cho đức Phật tọa thiền là một đề tài quen thuộc trong Phật giáo Nam tông của người Khơme. Trong các ngôi chùa Khơme, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đức Phật…
Rắn Naga ở tháp Dương Long được chạm khắc chi li, cầu kỳ, đa dạng, trang trí khá đậm đặc từ xung quanh chân tháp lên đến các cửa giả, cửa chính, các ô khám và viền xung quanh các tầng mái, được thể hiện bằng nhiều kích cỡ, nhiều bố cục khác nhau. Có rắn 5 đầu, rắn 3 đầu, 1 đầu… Hàng ngàn mảnh đá chạm thu được ở tháp Dương Long trong đợt khảo cổ học năm 2006, có từ 70% đến 80% chạm hình rắn. Trong hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị tìm được, thì hình tượng rắn cũng chiếm đa số. Thật ít có ngọn tháp Chăm nào trang trí nhiều hình tượng rắn đến như vậy. Có thể nói rắn Naga tháp Dương Long là một hiện tượng đặc biệt trong điêu khắc cổ Chăm pa.
Hình tượng rắn Naga trang trí nhiều ở tháp Dương Long đã nói lên quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người Chăm, người Ấn Độ và người Khơme. Và dù thể hiện dưới bất kỳ hình tượng nào, thì rắn Naga vẫn là biểu tượng của nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
  • Nguyễn Thanh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét