Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Truyền thuyết và hình tượng rắn thần Nagar trong văn hóa người Khmer Mỗi ngôi chùa Khmer là một bảo tàng về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tượng pháp bích họa trang trí trên trần, trên cửa, cột, hàng hiên, bệ tượng, thân tượng,…Và đến bất cứ ngôi chùa Khmer nào chúng ta cũng đều có thể nhìn thấy biểu tượng con rắn nhiều đầu được trang trí ở các góc mái, cổng rào, lan can, cột cờ....Với hình thể độc đáo gần giống với hình tượng rắn hổ mang với cái mang phình ra rất to, che phủ nhiều cái đầu, thường là số lẻ 5, 7, 9 đầu nhưng phổ biến nhất là 7 đầu. Nagar là một sinh vật có nguồn gốc Ấn Độ giáo. Nagar trong tiếng Phạn có nghĩa rắn hổ mang chúa tể của loài rắn, có nọc độc có thể giết chết một con voi trưởng thành. Người Ấn độ quan niệm Nagar là linh hồn thiên nhiên, bảo vệ các con suối, giếng nước và các con sông.


Truyền thuyết và hình tượng rắn thần Nagar
trong văn hóa người Khmer

     Mỗi ngôi chùa Khmer là một bảo tàng về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tượng pháp bích họa trang trí trên trần, trên cửa, cột, hàng hiên, bệ tượng, thân tượng,…Và đến bất cứ ngôi chùa Khmer nào chúng ta cũng đều có thể nhìn thấy biểu tượng con rắn nhiều đầu được trang trí ở các góc mái, cổng rào, lan can, cột cờ....Với hình thể độc đáo gần giống với hình tượng rắn hổ mang với cái mang phình ra rất to, che phủ nhiều cái đầu, thường là số lẻ 5, 7, 9 đầu nhưng phổ biến nhất  là 7 đầu.
      Nagar là một sinh vật có nguồn gốc Ấn Độ giáo. Nagar trong tiếng Phạn có nghĩa rắn hổ mang chúa tể của loài rắn, có nọc độc có thể giết chết một con voi trưởng thành. Người Ấn độ quan niệm Nagar là linh hồn thiên nhiên, bảo vệ các con suối, giếng nước và các con sông.
Hình tượng rắn thần Nagar biểu tượng trang trí tại chùa Sà Lôn
     Đối với đồng bào dân tộc Khmer, rắn Nagar được gọi là Niệk, biểu trưng cho nghệ thuật điêu khắc và văn hóa tín ngưỡng bản địa thờ rắn. Có rất nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc ra đời của rắn Nagar. Trong đó, có truyền thuyết lập quốc của người Khmer khi xưa kể rằng, vị vua đầu tiên sáng lập ra vương quốc Chân Lạp là Kampu. Ngài là một quốc vương tài giỏi, được nhân dân yêu thương, tôn sùng và kính trọng. Một lần, trên đường du hành sang đất nước Indonesia, ngài gặp một nàng công chúa xinh đẹp, thông minh, lại dịu hiền, và có tài quyết đoán. Nàng là con gái của vua rắn Nagar. Trước sắc đẹp và tài hoa của công chúa, vị vua đã đem lòng yêu mến và quyết cưới nàng làm vợ. Để cưới được công chúa, vua Kampu phải dùng sức mạnh và tài năng của mình trổ tài qua các kỳ thi thử sức đầy gay go, quyết liệt của vua rắn Nagar. Cuối cùng, vua Kampu cũng giành chiến thắng và cuới được vợ. Quốc vương Kampu và Hoàng hậu Nagar cùng nhau sáng lập và xây dựng nên đất nước Campuchia ngày nay. Từ đó, hình tượng rắn Nagar được xây dựng khắp nơi tại các ngôi chùa, cổng chùa và đền thờ, với ý nghĩa là vị thần canh giữ chốn thiêng liêng và là loài có khả năng bảo vệ nguồn nước.
Phù điêu rắn thần Nagar được trang trí trước cổng sau chùa Dơi
     Trong sự tích kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có liên quan đến hình tượng rắn Nagar. Lúc hoàng hậu Maya hạ sinh ngài tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được một vua rắn Nagar chín đầu phun nước tắm, điển tích này được người Trung Hoa mô tả bằng đề tài điêu khắc là hình tượng chín con rồng bao quanh Đức Phật sơ sinh, mà người ta quen gọi là “Tượng Cửu Long”. Một câu chuyện khác lại kể rằng, rắn Nagar chính là vị thần Hộ pháp canh giữ viên ngọc của mọi điều ước, viên ngọc ấy cũng tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Buddha: Phật; Dahma: Pháp, Sangha: Tăng). Đặc biệt nhất, là câu chuyện kể về sự tích “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”. Trong thời gian tu khổ hạnh Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng cao ngập cả chỗ ngồi thiền của Đức Phật. Khi ấy, có một vị vua rắn Nagar liền bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, lấy thân cuốn lại thành bảy vòng tròn như bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước và vươn cao 7 chiếc đầu phình to ra tạo thành cái táng che chở cho Đức Phật. Do vậy, rắn Nagar là hình tượng cực kỳ phổ biến trong văn hóa Khmer, biểu hiện ý nghĩa đức Phật đã cảm hóa được rắn độc và thần rắn đã phát nguyện tùng phục, theo hầu đức Phật khi mưa to gió lớn.
     Nét đẹp văn hóa tôn thờ rắn Nagar xuất phát từ sự giao thoa gịữa tín ngưỡng Phật giáo và điều kiện môi trường sống của người Khmer. Trước đây, người Khmer vào khai hoang vùng đất Nam bộ, họ sống trên vùng đất ẩm thấp, nhiều rừng rậm, nước ngập quanh năm do chưa có hệ thống trị thủy. Đây cũng chính là điều kiện môi trường thích hợp với các loài bò sát: rắn, cá sấu,... chim, cò quy tụ về sinh sống. Riêng về loài rắn, vốn có tính chất nguy hiểm nhất là rắn hổ mang. Rắn hổ mang tuy độc nhưng người Khmer đã sớm biết cách thuần hóa. Bởi  từ lâu, đạo Phật luôn thể hiện rõ sự nhân đạo và rắn Nagar đã được đức Phật cảm hóa và từ đó đưa vào kiến trúc điêu khắc tại các ngôi chùa với ý nghĩa giáo lý, đức Phật đã cảm hóa được cái ác. Chùa là nơi để học đạo, cải hóa người không tốt thành người tốt, có ích cho đạo cho đời. Con rắn vốn có nọc độc gây chết người, nhưng vẫn được cảm hóa trở nên hiền từ và có ích vì nó biết tu theo Phật. Đây được xem là tư tưởng mang đậm truyền thống văn hóa tốt đẹp, có giá trị nhân văn sâu sắc của người Khmer nói riêng, của cộng đồng Phật tử theo truyền thống văn hoá đạo Phật giáo nói chung.\
Rắn thần Nagar 5 đầu ở chân cột cờ tại chùa Sà Lôn
     Rắn Nagar cũng là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Khmer Nam bộ. Tại các ngôi chùa Khmer, hình tượng rắn Nagar ngự trị trên các mái chùa, các đầu đao, cổng rào với ý nghĩa để xua đuổi tà ma và bảo vệ đức Phật. Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Nagar được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu, tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn.
     Theo quan niệm của người Khmer, mỗi hình ảnh điêu khắc về rắn Nagar có kết cấu, họa tiết số lượng đầu, cũng có ý nghĩa khác nhau như rắn Nagar 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân, 5 đầu theo thuyết ngũ hành kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng. Trong đó, hình tượng rắn Nagar 7 đầu còn biểu trưng cho năng lực của người nam, sự vĩnh hằng, sự vô tận và sự bất tử, biểu trưng cho 7 sắc cầu vồng. Cũng có nơi thể hiện rắn Naga có 6 đầu để tượng  trưng cho người nữ, trái đất, thể xác và sự chết
Tượng rắn thần Nagar được dùng trang trí tại hàng rào chùa Dơi
     Xuất phát từ nhận thức trên, rắn đã trở thành một giá trị của biểu tượng đầy ý nghĩa, vừa mang giá trị tinh thần cao, mang lại sự bình an trong cuộc sống của đồng bào Khmer, vừa có vai trò như một họa tiết hoa văn được thể hiện trong điêu khắc kiến trúc chùa chiền, trên các phù điêu đền tháp hoặc trên những nông cụ, với ý nghĩa được xem là niềm tin và sự may mắn./.
                                                                                      Tân Trang

Tài liệu tham khảo:  
- Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hóa Khmer và rắn thần Naga và thủy quái Makara trong văn hóa Campuchia, Lào và Thái Lancủa Thạc sĩ Phan Anh Tú, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
 
- Truyền thuyết loài rắn của Thạc sĩ Hứa Sa Ni của Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh.
 
- Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại của Trần Minh Hường,Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 311 (tháng 5), 312 (tháng 6) -2010.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét