TRẦN VĂN SÁNG
Biểu tượng (symbol) là một thành tố không thể thiếu trong mỗi nền văn hóa. Xét về một phương diện nào đó, văn hóa là một hệ biểu tượng.
Biểu tượng (symbol) là một thành tố không thể thiếu trong mỗi nền văn hóa. Xét về một phương diện nào đó, văn hóa là một hệ biểu tượng.
Rắn và các danh xưng trong Việt ngữ
Rắn là một loại động vật có thật, được gọi tên trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Nó là “giống động vật thuộc lớp bò sát, thân dài, có vảy, không chân, di chuyển bằng cách uốn thân”. Từ biểu niệm về loài động vật này, người Việt, trong thực tế, liên tưởng và gọi tên bằng nhiều danh xưng khác nhau. Tiếng Việt có nhiều từ ngữ để định danh loài rắn: rắn hổ, hổ mang, rắn lục, rắn nước, rắn mãng xà, rắn nập nống, rắn lồng, rắn học trò, hổ lác, hổ hèo, hổ hành, hổ ngựa, hổ sậy, hổ mây, hổ bướm, rắn cạp nia, rắn cạp nong, … Trong ngôn ngữ văn hóa dân gian, người Việt ý niệm hóa về loài rắn qua các danh xưng: rắn, trăn, chằn tinh, giao long, thuồng luồng, mãng xà, rồng. Chỉ các danh xưng này mới trở thành biểu tượng văn hóa. Các danh xưng này có tính chất trừu tượng, mơ hồ ở những mức độ khác nhau. Trăn được xem là loài rắn lớn sống ở rừng nhiệt đới, không có nọc độc, còn di tích chân sau, có thể bắt ăn cả những thú khá lớn. Thuồng luồng được tri nhận như giống vật dữ ở nước, trông bề ngoài giống như con rắn to, theo truyền thuyết nó hay hại người. Còn giao long lại được ý niệm hóa như con thuồng luồng. Chằn tinh được người Việt tưởng tượng như một loài yêu quái trong các truyền cổ tích thần kì. Mãng xà được giải thích như một loài trăn sống thành tinh chuyên làm hại người trong các truyện cổ. Rồng được ý niệm hóa một cách tưởng tượng là loài vật mình dài, thân có vảy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật trên thế gian, thường được cụ thể hóa qua hình tượng con rắn. Trong các danh xưng trên, rắn, trăn được gọi tên một cách cụ thể, trực quan, còn rồng, thuồng luồng, giao long, mãng xà,… đều được ý niệm hóa bằng các danh xưng mơ hồ, trừu tượng. Xét ở góc độ ngôn ngữ - văn hóa học, rõ ràng có một mối tương quan nào đó giữa các danh xưng vừa nói trên. Điều này phản ánh quá trình tri nhận thế giới khách quan về loài rắn của người Việt truyền thống qua cách gọi tên. Về mặt ngôn ngữ, chúng ta có thể lí giải sự biến âm của các tên gọi, chẳng hạn, trăn, rắn có thể được phục nguyên bằng quá trình biến đổi ngữ âm: *thlăn/tlăn > trăn > rắn > thằn lằn, chằn,… và có thể chỉ là sự biến âm của rắn mà thôi. Về mặt văn hóa, tất cả các con vật trên đều giống nhau về hình dáng và tính khí (thân dài, hung dữ), môi trường cư trú (thường gắn với nước) và đặc biệt thường được ý niệm hóa bằng hình tượng “thủy quái”, gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Điều này phản ánh tín ngưỡng thờ thủy thần - thần rắn của người Việt cổ.
Từ ngôn ngữ đến văn hóa hay từ danh xưng đến biểu tượng, các từ ngữ đó phải trở thành các word - symbols (từ - biểu tượng). Những từ - biểu tượng này không phải mang trong nó tất cả ý nghĩa của “mẫu gốc” của một nền văn hóa mà tùy theo sự tri nhận của mỗi dân tộc mà chỉ một số ý nghĩa biểu tượng của “mẫu gốc” được hiện thực hóa ở các từ - biểu tượng. Chính điều này tạo nên một sự khác biệt về cấp độ trong sự chuyển hóa của các “mẫu gốc” thành các biểu tượng ngôn ngữ - văn hóa ở các dân tộc khác nhau. Chẳng hạn như, cử động của đầu rắn làm cho người ta liên hệ đến cơ quan sinh dục, có lẽ đây là cơ sở biểu trưng cho sự mắn đẻ, các nghi lễ cầu thai. Hay loài rắn có đặc tính lột da, do vậy nó thường biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử, dù đó chỉ là quan niệm dân gian.
Rắn, một biểu tượng xuyên văn hóa
Phương Đông và phương Tây đều xem rắn là một trong những biểu tượng văn hóa gắn với nhiều hàm nghĩa khác nhau. Trong đó, sự “thiêng hóa” loài rắn gắn với niềm tin tôn giáo là phổ biến và có tính vĩnh hằng nhất. Người Ấn Độ có biểu tượng rắn Naga, gắn với niềm tin của Ấn Độ giáo. Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang lớn. Người Ấn Độ quan niệm Naga là linh hồn thiên nhiên và bảo vệ các con suối, giếng nước và các con sông. Chúng mang theo mưa và có khả năng sinh sản nhưng đôi khi cũng gây nên lũ lụt. Trong ý niệm về rắn Naga đối với người Ấn Độ, chúng là hiện thân cho sông ngòi, biển, các nguồn nước. Naga chỉ gây hại cho con người khi chúng bị ngược đãi. Rắn Naga là hình tượng cực kỳ phổ biến trong văn hóa Khmer và Phật giáo Nam Tông ở Việt Nam và Đông Nam Á. Như các biểu tượng kiến trúc khác, biểu tượng rắn đã hóa thành các mô típ rắn, thằn lằn, cá sấu, rồng... có mặt ở các yếu tố khác nhau của kiến trúc Đông Nam Á. Trong “Chân Lạp phong thổ kí”, có đoạn viết rằng: “Hàng đêm quốc vương đều có đến ngủ với một nàng tiên rắn”. Người Campuchia coi rắn Naga là vị thần canh giữ nơi vua chúa ngự.
Trong Kinh Thánh, thoạt kỳ thủy, rắn là con vật mang ý niệm tốt lành. Thế nhưng, rắn là con vật tinh ranh nhất trong các loài thú mà Thượng Đế tạo nên. Chính nó là nguyên nhân làm cho cặp vợ chồng đầu tiên là Ađam (người đàn ông đầu tiên) và Eva (người đàn bà đầu tiên) đang sống hạnh phúc trên Vườn Thiên Đàng phải nếm mùi đau khổ, hổ ngươi vì sự yếu đuối của bản thân. Con rắn tinh ranh mà Thượng Đế tạo nên đã cám dỗ Eva ăn trái cây ở giữa Vườn Thiên Đàng, để rồi “mắt cả hai đứa đã mở ra, và chúng biết là chúng trần truồng. Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình”. Khi biết con rắn đã cám dỗ Eva, Thượng Đế đã phán rằng: “Bởi ngươi đã làm thế, thì ngươi hãy là đồ chúc dữ, giữa mọi thú vật, cùng dã thú hết thảy! Ngươi hãy lê bụng và ăn đất bụi mọi ngày đời ngươi! Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” [Kn 3:14-15]. Từ đấy về sau, rắn bị coi là loài thú dữ, kẻ thù của con người. Con rắn ở đây tượng trưng cho Satan, là bộ mặt một địch thù của Thiên Chúa và loài người. Dấu chỉ này được lưu lại qua biểu tượng tôn giáo: tượng Đức Mẹ Ban Ơn đều được vẽ, tạc, đắp, bàn chân trần của Người đạp lên con rắn đang lè lưỡi cố cắn lại Người. Đó cũng là lí do vì sao trong văn hóa phương Tây, chúng ta tìm thấy hình tượng con rắn lửa được mô tả như một loài rắn có cánh hay một con rồng chuyên gây hại và cắn chết nhiều người; và hình tượng con rắn đồng được gương trên cán cờ của Môsê là biểu tượng cho sự chữa lành vết thương (tâm hồn và thể xác) cho loài người. Đó cũng là nguyên nhân tại sao ngày nay ngành y học lấy hình ảnh con rắn đồng trên cán cờ làm biểu tượng cho việc chữa bệnh. Từ Kinh Thánh đến tâm thức văn hóa, người phương Tây đã có phương châm sống cho riêng mình: hãy khôn ngoan như con rắn và hãy hiền lành như con chim bồ câu. Nghĩa là không phải để trở thành “tinh ranh” như con rắn trong Vườn Thiên Đàng, mà phải biết trườn đi, thoát thân khỏi những âm mưu thâm độc, những tấn công xảo quyệt của những điều xấu, kẻ xấu như con rắn có tài tránh né nguy hiểm và luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh khi gặp kẻ thù, nhưng trước hết, chúng ta hãy sống chân thực, đơn sơ và hiền lành như chim bồ câu.
Biểu tượng rắn trong tâm thức người Việt
Tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, hình tượng rắn đã được đồng hóa với nước, thủy thần và đi vào tâm thức dân gian từ rất sớm. Trước tiên, rắn là con vật có đời sống dưới nước, dưới đầm lầy. Hơn thế nữa, rắn “là thần của nước khởi nguyên, nó là thần của tất cả các loại nước [Jean Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tr.764]. Người Việt thường lập miếu, đền, đình ở gần nguồn nước như: các bến sông, cửa sông, các suối, khe để thờ rắn như một vị thủy thần. Người Việt không chỉ thờ rắn với tư cách là thủy thần, mà còn xem rắn là vật tổ. Ở một góc độ nào đó, xu hướng tôn vinh, linh thiêng hóa rắn trong tiềm thức lịch sử văn hóa, rắn được coi là tổ họ, là gốc, là tiền thân của rồng - giống nòi của cha ông. Từ đó rắn rồng, rồng rắn luôn đi đôi thành một cặp trong văn hóa Việt. Huyền thoại “Con rồng cháu tiên” chính là huyền thoại chim tổ và huyền thoại rắn bố để trở thành mẹ tiên Âu - bố rồng Lạc sinh ra bọc trứng, nở ra trăm con - cội nguồn của người Việt ngày nay. Rồng, rắn là hai phạm trù, hai khái niệm phản ánh những mối quan hệ tình cảm của con người trong gia đình, xã hội. Chẳng hạn: “Vóc rồng thì để phần vua, bao nhiêu vải rắn thì lừa cho dân”, “Lấy chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo”, “Rồng rắn lên cây, có cây núc nác, có nhà hiển vinh”.
Rắn là biểu tượng đa nghĩa, đa diện trong văn hóa Việt Nam. Trong nó luôn đồng hành tồn tại các mặt đối lập như những thuộc tính bản thể tự nhiên nhất. Jean Chevalier cũng cho rằng: “rắn vừa là hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tâm tăm tối”, với tính dữ dằn, hung hãn lại vừa là hiện thân cho cái thiện, cái đẹp với những biểu hiện nhân tính, biết trả ơn, có tình có nghĩa. Những mặt đối lặp của biểu tượng rắn được thể hiện rất rõ trong các truyền thuyết dân gian. Hình tượng con rắn hung tợn hoặc ác tâm, chuyên làm hại dân lành, phá phách đời sống của nhân dân trong Rắn báo oán, Ông Dài ông Cộc hay là sự tích thần sông Kỳ Cùng, Rắn cụt đuôi, Cây đa và cây lội. Chúng ta cũng bắt gặp hình tượng con rắn với bản thể thiện nhân từ, xả thân cứu dân lành, đầy tiết nghĩa trong truyền thuyết trong Sự tích đầm Mực, Họ Hà và con chim quốc, Bà Khó (Thằng nghèo), Sự tích lễ hội Bưa Lừa.
Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, rắn thường được liên tưởng đến cái xấu xa.Thành ngữ về rắn trong tiếng Việt thường mang hàm ý xấu: “Ngoằn ngoèo như rắn bò”, “Thẳng như rắn bò”, “Lừ đừ như hổ đất”, “Len lét như rắn mùng năm”, “Oai oái như rắn bắt nhái”,… Biến thể của rắn là “chằn” thì cũng chẳng mang hàm ý gì tốt đẹp. Nó thường được liên tưởng đến một thứ lực gây hại, xấu xa. Người Việt thường nói “Dữ như chằn” hay “Dữ như bà chằn” để chỉ những người phụ nữ có tính khí dữ dằn, không được dịu dàng trong cách ứng xử. Những kẻ hay bịa đặt, ba hoa, chẳng được tích sự gì lại bị ví von qua hình ảnh “Vẽ rắn thêm chân”, “Vẽ rồng vẽ rắn”; những người tâm địa xấu xa, giả tạo lại bị ám chỉ qua các hình ảnh “Hang hùm, miệng rắn”, “Ấp rắn trong lòng”, “Khẩu Phật tâm xà”, “Rắn đổ nọc cho lươn”,… Những kẻ phản bội, vô liêm sỉ, quên mất cội nguồn bị người Việt coi là kẻ “Cõng rắn cắn gà nhà”, phản bội dân tình, giết hại đồng bào, đồng chí.
Những người hung ác, hiểm độc như rắn rết thì nên tránh xa, không thể cùng chung sống như một quy luật điều hiển: “Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra”. Đối phó với cái xấu giống như cách đối phó với rắn dữ. “Đánh rắn đánh bằng đầu”, những người biết sử dụng đòn chí mạng đối với kẻ hung ác như ta đánh rắn phải đánh đúng chỗ, trúng huyệt để khỏi bị báo thù. Người xấu thường được che đậy bằng những mánh khóe tinh vi như con rắn tinh ranh biết che cái đầu của mình vậy. Vì chỉ khi “Rắn mất đầu” thì cơ thể của nó mới không hoạt động được nữa, chẳng khác nào tướng lãnh ra trận bị thương, binh sĩ hoảng loạn không ai chỉ huy. Sống ở đời đừng có nuôi dưỡng kẻ xấu, bởi “Rắn đến nhà không đánh thành quen”, có ngày “Rắn đổ nọc cho lươn”, đổ lỗi, gán ghép trách nhiệm cho người khác. Đó cũng là điều người xưa muốn dạy hậu thế: mình làm sai thì nhận, chớ nên theo kiểu rắn đổ nọc cho lươn, như những kẻ vô lương tâm, lọc lừa. Người xưa từng nói “sống gửi, thác về”, “rắn lột da, người lột xác”, đời người không ai vĩnh viễn, sống làm sao đó mà để lại tiếng thơm ngàn đời cho hậu thế.
Nghĩ về biểu tượng rắn trong tâm thức văn hóa nhân loại, chúng ta càng thấy rõ đặc trưng văn hóa, lối tư duy của mỗi dân tộc, mỗi tộc người khác nhau trên địa cầu. Trong tâm thức Việt, rắn vừa là biểu tượng văn hóa hiện thân của cái xấu, điều dữ, vừa ẩn chứa trong nó sự bao dung, cái nhân tình nhân tính. Con rắn, một con vật thấp hèn, được người Việt gọi là “ông”, là “bà” trong “Rắn ông rắn bà”, “Ông Dài ông Cộc”; là “ngài” trong “ngài rắn”, là “thần” trong “thần xà”, là “vương” (vua) trong “mãng xà vương”. Phải chăng đó cũng là lối tư duy “nước đôi” đầy tính nhân văn và khoan dung của người Việt truyền thống tự ngàn xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét