Hình tượng rắn trong tín ngưỡng dân gian ở Bắc Giang
Mỗi loài vật đã đi vào đời sống văn hóa
của con người bằng nhiều hình thức và sự biểu hiện khác nhau. Chúng mang
những ý nghĩa biểu trưng nhất định tiêu biểu cho văn hóa, tín ngưỡng,
tập tục, lối sống hay đặc tính của một dân tộc, một vùng miền, một con
người. Trong số những loài vật ấy có lẽ con rắn mang ý nghĩa biểu trưng
phong phú nhất và từ lâu đã đi vào đời sống tâm linh của loài người.
Trong tín ngưỡng dân gian ở Bắc Giang nhiều làng quê có hình tượng rắn
qua tục thờ gắn liền với nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao với dân
với nước.
Tục thờ ông Cộc ông Dài ở đền Hang Non và đền
Nhẫm Lũng, huyện Lục Nam: Tương truyền thời Hùng Vương có người con
gái ở thôn An Phú đã ướm thử bàn chân vào dấu chân trên đá bên giếng
Trúc, dưới chân núi Khám bờ bắc sông Lục Nam. Thời gian sau nàng thụ
thai và sinh được một bọc ba trứng nở ra ba con rắn. Nàng vẫn lầm lũi
nuôi con mặc dù con mình là rắn. Thật kỳ lạ mỗi khi mẹ vắng nhà, ba con
rắn lại lột xác thành hoàng tử khôi ngô tuấn tú giúp mẹ việc nhà. Thấy
làm lạ một hôm bà mẹ cố tình về nhà sớm thì thấy ba hoàng tử đang làm
việc nhà giúp mình. Do bị lộ, ba hoàng tử hốt hoảng vội chui vào lốt rắn
và bỏ chạy lên núi Khám. Bà mẹ liền chạy theo gọi con trở lại nhưng ba
con của bà vẫn chạy miết lên rừng chui vào một hang lớn. Bà mẹ tìm cách
lôi con trở lại, không may dẫm phải đuôi một con. Tuy đứt đuôi nhưng con
rắn ấy vẫn chui được vào hang và người đời đã gọi con rắn đó là ông Cộc
và hai con kia là ông Dài. Về truyền tích này sách Lục Nam địa chí ghi:
Ở bờ sông Lục Nam thuộc xã Khám Lạng có ngôi miếu thờ tam vị Đại vương,
phía trước có nhiều vực sâu bên dưới thì lắm thủy tộc, trên có thạch
bàn. Tương truyền thời Hùng Vương có một ngư phủ cầu thần núi Yên Phú,
sinh được một người con gái, năm hai mươi tuổi ra sông tắm bị rồng cuốn
rồi có mang sinh một bọc được ba con trai, lớn lên họ rất khôi ngô. Vào
canh ba đêm nọ, mưa gió nổi lên, họ biến thành ba con rắn chui vào núi
Lãm Sơn biến mất. Người mẹ thương khóc đi tìm chỉ thấy hai đuôi, vì thế
sau gọi một ông Dài hai ông Cộc. Chỗ hang núi các con hóa thông ra sông
Lục Nam thành ba cái vực, còn chỗ bà mẹ mất gọi là vực Dẫm. Bên cạnh núi
Khám hiện còn cả một quần thể di tích gồm đền Trung, đền Thượng và đền
Hạ, cạnh sông Lục Nam có đền Nhẫm Lũng thờ bà Mẹ hang Non và tam vị Đại
vương. Đây là ngôi đền cổ phản ánh khá rõ về hình tượng rắn qua tục thờ
trong tín ngưỡng dân gian của vùng đất này. Đền Nhẫm Lũng được xây dựng
từ lâu đời và đã được tu sửa tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Giá trị nổi
bật nhất của di tích là các tài liệu, hiện vật và tín ngưỡng về người
được thờ ở đền. Theo truyền lại đền Nhẫm Lũng xưa có đến 36 đạo sắc
phong từ đời Lê đến thời Nguyễn ban tặng cho các vị thần. Do sự biến
lịch sử nay nhà đền chỉ còn lưu giữ được bốn đạo sắc, bốn tấm bia đá
thời Lê và thời Nguyễn và nhiều đồ thờ tự khác có giá trị lịch sử văn
hóa. Hàng năm tại quần thể di tích này mở hội vào các ngày 13 đến 15
tháng Ba âm lịch với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa
dân tộc, độc đáo nhất vẫn là đám rước rầm rộ diễn tả cảnh bà Mẹ hang Non
đến tìm con.
Tục thờ đức Thánh Tam Giang ở các làng dọc ven
sông Cầu và sông Thương: Theo thần tích của các làng thờ đức Thánh
Tam Giang tập trung ở Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam...và dọc
ven sông Cầu, sông Thương từ “thượng chí Đu Đổm, hạ chí Lục Đầu giang”
(có hơn 300 làng thờ) thì đức thánh Tam Giang vốn xuất thân từ loài thủy
tộc. Tương truyền có người con gái họ Phùng, hiệu Từ Nhan đêm nằm mộng
tắm ở sông Lục Đầu thấy rồng quấn quanh mình mà có thai, rồi sinh ra một
bọc 5 con gọi là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và
Trương Đạm Nương. Sự tích của đức thánh Tam Giang gắn liền với thời kỳ
lịch sử cụ thể thời Triệu Quang Phục đánh giặc Lương ở nửa cuối thế kỷ
VI. Đến thời Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt năm
1076, thánh Tam Giang đã âm phù giúp nhà Lý đánh thắng quân Tống trên
phòng tuyến sông Như Nguyệt, lại âm phù giúp nhà Trần đánh thắng quân
Nguyên thế kỷ XIII. Vì có nhiều công lao với dân tộc nên nhân dân dọc
theo sông Cầu, sông Thương và các nơi các ông từng đóng quân đánh giặc
đã lập đền thờ làm Thần và phong các ông là thành hoàng làng. Các triều
vua về sau đời Lê, Nguyễn đều có sắc phong cao nhất cho Thần là “Tam
Giang thượng đẳng thần”.
Hình tượng rắn và huyền thoại trong tín ngưỡng
thờ Mẫu: Trong tín ngưỡng thờ Mẫu hình
tượng rắn được biểu hiện rõ nhất khi được đồng nhất với Quan tam Phủ và
Quan đệ ngũ Tuần Tranh. Theo bản văn dẫn sự tích các vị quan lớn vốn là
con vua cha Bát Hải động đình có nguồn gốc sinh ra từ hình hài một con
rắn, thủy thần gắn với sông nước. Những nhân vật này đều có cuộc đời
huyền thoại trải qua các thế hệ được dân gian phủ lên nhiều lớp văn hóa
trong đó có lớp văn hóa cốt lõi gắn liền với hình tượng rắn và đã được
đồng nhất với nhân vật lịch sử cụ thể dưới triều Hùng Duệ Vương. Họ là
những người rất tài giỏi có công giúp vua Hùng đánh dẹp quân Thục mang
lại nền hòa bình cho đất nước. Các triều đại Lê- Nguyễn sau này đều có
sắc phong cho các vị thần và lập đình, đền tôn thờ. Trong văn hóa thờ
Mẫu, quan lớn Đệ Tam là một trong ba vị đại vương vốn là ba con rắn được
sinh ra từ một cái bọc sau được dân gian đồng nhất với nhân vật lịch sử
cụ thể. Vì có công trong việc chống Thục nên ngài được vua Hùng phong
là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, lại gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ
Linh ứng thái thượng đẳng thần. Có bản thần tích do Bát phẩm thư lại
Nguyễn Hiền, tuân theo bản cũ triều trước, chép lại vào năm Vĩnh Hựu thứ
2 (1736) lưu ở đền Lảnh Giang (Hà Nam) nơi thờ ngài. Quan đệ ngũ Tuần
Tranh cũng có xuất thân từ một bào thai có hình hài từ một con rắn sau
được đồng nhất với nhân vật lịch sử cụ thể dưới thời vua Hùng, ngài có
nhiều công lao đánh giặc cứu nước, danh tiếng lẫy lừng, được nhân dân
tôn kính phụng thờ. Đền thờ chính ở Ninh Giang (Hải Dương).
Như vậy nhìn vào tục thờ qua tín ngưỡng dân gian ở
Bắc Giang có thể thấy rõ xuất xứ của các vị thần sinh ra từ sự hoài
thai của thủy thần trong hình hài của một con rắn, đến tên hiệu của các
vị thần cũng thấy rất rõ bản chất là một vị thần sông nước. Đó là lớp
nghĩa cổ nhất mà truyền thuyết được phủ lên nhiều tầng lớp văn hóa dân
gian sau này cũng không làm mờ đi lớp nghĩa cổ ban đầu. Gạt bỏ đi yếu tố
huyền thoại xung quanh các nhân vật qua tín ngưỡng dân gian sẽ còn lại
lớp giá trị truyền thống lịch sử văn hóa mà ở đó có những nhân vật lịch
sử cụ thể, có công lao với dân với nước. Qua đó còn khẳng định chân giá
trị lịch sử của dân tộc nhằm tôn vinh ghi nhớ công ơn những người đi
trước có công lao mở mang bờ cõi gìn giữ chủ quyền độc lập dân tộc.
Đồng Ngọc Dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét