Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Tết cổ truyền và vấn đề tái tạo, phát triển vốn văn hóa nông thôn


Tết cổ truyền và vấn đề tái tạo, phát triển vốn văn hóa nông thôn

báo Văn hóa Nghệ An
TẾT hãy còn Thiêng
Khởi nguyên, Tết là một nghi lễ chuyển mùa, rồi dần được nâng lên thành một thứ siêu lễ hội của nhiều xã hội nông nghiệp trên thế giới, đặc biệt là ở các cộng đồng làm lúa nước vùng châu Á gió mùa. Từ một sinh hoạt mang đậm màu sắc tín ngưỡng nông nghiệp cổ truyền - trong đó con người tìm cách giao cảm với các lực lượng siêu nhiên đặng kiếm tìm một sự bảo trợ cho đời sống thế tục, theo thời gian, các chức năng của Tết ngày càng trở nên đa dạng. Tết trước hết là dịp để con người hướng về tổ tiên, cội nguồn. Tết là sự kiện để con người làm mới và gia cố các quan hệ cộng đồng trước khi trở lại với chu kỳ vận hành quen thuộc. Tết còn là thời điểm để con người cộng thông với vũ trụ trong bước chuyển mình hứa hẹn những điều mới mẻ của nó. Và, khi cuộc mưu sinh còn chồng chất khó khăn thì con người cũng mong ngóng Tết để được “cải thiện” nhu cầu áo cơm.
Trong quá khứ, sự hội tụ của tất cả các chức năng nói trên khiến cho Tết mang một ý nghĩa đặc biệt. Tết đồng nghĩa với cái thiêng, cái mới, cái hi vọng. Người Việt Bắc bộ cổ truyền xem Tết là biểu tượng của niềm vui (vui như Tết) và dành cả tháng Giêng để vui xuân (Tháng Giêng là tháng ăn chơi). Trong khi đó, với người Việt vùng cao, chẳng hạn Tây Nguyên, người ta dành hẳn ba tháng đầu năm (mùa Ninh Nong) để mặc sức chơi Tết. Cách ngày nay chưa lâu lắm, vào mùa Ninh Nong, theo tục lệ cổ truyền, nhiều cộng đồng ở Tây Nguyên sẽ tạm bỏ buôn làng, theo bước thủ lĩnh vào tận con nước đầu nguồn để sống lại cuộc sống nguyên thủy hồng hoang giữa một thiên nhiên trần trụi, nguyên sơ, phóng khoáng. Thẳm trong sinh hoạt nguyên thủy ấy là một minh triết tế vi: đôi khi, con người cần trở về đằm mình giữa thế giới tự nhiên để rũ bỏ những váng cặn, làm lành những tật nguyền, phục chế những năng lực mà nó đã mất đi trong quá trình vật vã tách khỏi tự nhiên để đi vào xã hội loài người, xã hội văn hóa.
Bước sang thời kì hiện đại, các chức năng của Tết dần thay đổi. Với quá trình thế tục hóa toàn bộ đời sống xã hội (kể cả đời sống tôn giáo tư tưởng) và sự tiến bộ của điều kiện vật chất, vai trò của Tết chủ yếu biểu lộ trên bình diện tinh thần. So với quá khứ, con người hiện đại trở nên duy lí, tự chủ và sung túc hơn. Nhưng cuộc sống con người vẫn luôn cần đức tin, cộng đồng, nguồn cội. Nghịch lí của cuộc sống hiện đại là cá nhân trở nên cô đơn, lạc lõng và có nguy cơ tha hóa giữa một xã hội ngày càng tối tân nhưng cũng đầy rủi ro, bất trắc. Trước tình thế này, con người phải nương vào sự bổ trợ của các nguồn lực ngoại tại. Các phương pháp tu tập, các lễ hội hay các sự kiện cộng đồng chính là các loại vốn xã hội đặc biệt, một thứ “của kho vô tận” mà cá nhân có quyền sử dụng để chữa trị những chấn thương tâm lí hay kích hoạt sức đề kháng tinh thần. Do vậy, ngay tại các khu vực có trình độ phát triển cao như châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á, con người vẫn háo hức chờ đợi các lễ hội thấm đẫm tinh thần cộng đồng và nhân văn.
Ở Việt Nam - một quốc gia nông nghiệp đang trên đà chuyển đổi, tính chất phức tạp, khắc nghiệt, khó lường của cuộc sống hiện tại càng thúc đẩy con người (đa phần trong số họ còn duy trì liên hệ với thế giới làng xã) tìm lấy một chốn an trú tinh thần trong các sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn, mà Tết là tâm điểm của những sinh hoạt đó. Tết lay thức những phức cảm đặc biệt trong mỗi người: ý thức hướng nguồn (tổ tiên, bản quán), tình cảm cộng đồng hay ước vọng tái tạo - chuyển tiếp - hồi sinh. Rõ ràng, với một cộng đồng duy cảm như người Việt, Tết hãy còn là một thực tại hiện hữu. Trong một chừng mực nào đó, Tết hãy còn Thiêng.
Tái sinh các giá trị của Tết cổ truyền: nhu cầu và kì vọng
Tuy nhiên, có một thực tế khác đang khiến nhiều người băn khoăn: sinh hoạt Tết cổ truyền ngày một trở nên nghèo nàn, tẻ nhạt. Vấn đề nên được “đọc” như thế nào? Theo chúng tôi, diện mạo đương đại của Tết cổ truyền là hệ quả của một vấn đề lớn - một vấn đề đang chứa đựng những điểm bất cập: cách thức khai thác, quản lí Tết - kì thực là quản lí, khai thác một thứ siêu lễ hội, một biểu trưng của vốn văn hóa cộng đồng trong khung cảnh hiện đại hóa nông thôn - không gian cổ truyền và đặc trưng của Tết Việt.
 Đặc điểm cơ bản của Tết nông thôn hiện nay là sự thiếu vắng một không gian văn hóa để con ngườichơi Tết theo nghĩa sang trọng nhất của từ này. Ở đa phần nông thôn Việt Nam, trong ngày Tết, ngoài một vài công việc quen thuộc (tân trang nhà cửa, tảo mộ, sắm Tết, chúc Tết và... bù khú), người ta gần như không tìm thấy bất cứ hình thức sinh hoạt nào cho phép thỏa mãn nhu cầu chơi xuân và thưởng xuân. Nghĩa là, bản thân môi trường nông thôn đang trở nên bất lực trong việc đáp ứng các nhu cầu văn hóa của những chủ thể tồn tại trong đó. Cho nên, con người cảm thấy tẻ nhạt và nhàm chán dù đang nhập thân vào một sự kiện đặc biệt như Tết và đang đón Tết ngay giữa quê hương. Không đủ sức tái sinh, sáng tạo và phát triển các giá trị của riêng mình, nông thôn đành đi theo và bắt chước đô thị. Thành ra, Tết nông thôn hiện nay là sự gá lắp tự phát giữa những tập quán cũ còn sót lại với các kiểu sinh hoạt mang hơi hướng thị thành. Đoạn kí họa Tết ở một làng miền Trung được dẫn ra dưới đây sẽ giúp hình dung rõ hơn bức tranh Tết hiện đại:
...“Nhưng Tết quê giờ đã khác xưa. Người làng đã có tiền để ăn Tết cho thật đàng hoàng. Không mấy người rủ bố tôi lên núi chặt đào phai nữa. Một chậu quất trĩu quả hay một cành đào đất Bắc tuy đắt nhưng sang hơn nhiều. Hàng xóm đã thôi giã thịt, quây bột làm giò. Bánh chưng gói ít thôi, vì gói nhiều cũng không ai ăn, hoài của... Bạn bè tôi, mỗi đứa một phương, nhờ Tết mới hội ngộ. Nhưng gặp nhau thật không dễ. Muốn tìm bạn, chỉ còn cách đến quán café. Bạn đến thăm nhà, ngồi chưa ấm chỗ đã rủ tôi “đi quán”... Đêm xuống, làng vắng hẳn. Không còn những cảnh chúc Tết thân mật như thuở trước. Có chăng chỉ người lớn đi thăm nhau. Thanh niên dồn lại trong các tụ điểm café, karaoke. Cha mẹ muốn tâm tình với con cái cũng chịu, lặng lẽ ngồi bó gối xem ti vi và chờ điện thoại những đứa ăn Tết ở xa gọi về. Trẻ con miễn cưỡng xách bánh trái đi mừng tuổi người quen. Vì tiền lì xì không hấp dẫn bằng phim hoạt hình, nhạc Xuân Mai, quán nét. Chiều mồng Bốn Tết, không khí được hâm nóng chút ít nhờ trận bóng giao lưu giữa kẻ ở người về. Nhưng tan bóng thì tan vui, ai về nhà nấy. Mấy người xa xứ lâu ngày, gặp bố tôi phàn nàn: “Tết bây giờ khác quá anh ạ. Chẳng hơn gì cuộc giỗ, ngày rằm. Biết thế, bọn em đã không về”(1).
Về bản chất, bộ mặt Tết phản chiếu tình trạng xuống cấp của đời sống văn hóa nông thôn. Thực tế, sau những biến động dồn dập diễn ra suốt một thời gian dài, cơ tầng văn hóa - xã hội nông thôn đã bị xáo trộn mạnh. Nông thôn đã mất đi nền tảng vô cùng vững chắc của nó đúng vào thời điểm Mở Cửa, để rồi nếm trái đắng sau một quá trình cộng sinh với vô số thượng vàng hạ cám tràn về từ thế giới bên ngoài. Tỉnh giấc sau viễn mộng đô thị hóa - công nghiệp hóa, ngoài một vài thành quả an ủi (điện khí hóa, bê tông hóa, viễn thông hóa) nông thôn đã thôi không còn là bệ đỡ dồi dào, vững chãi mà chỉ còn là sân sau để mua vui và bị động tiêu thụ những hạ phẩm của văn hóa đô thị.     
Như vậy, thực tế nông thôn đang đặt ra đòi hỏi và nhu cầu tái tạo, phát triển các giá trị của Tết cổ truyền theo một cách hiệu quả và hợp lí hơn. Nếu nhìn trên bình diện tổng quát thì đó còn là nhu cầu tái tạo, phát triển một nguồn vốn cộng đồng trong bối cảnh tập trung các nguồn lực nhằm hiện đại hóa nông thôn. Quá trình ấy cần được bắt đầu bằng việc xác lập một không gian sinh hoạt cho toàn thể cộng đồng. Có thể chấm phá các đường nét chính của không gian đó như sau: Tái tạo sinh hoạt lễ hội và các sự kiện cộng đồng - bao hàm các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các khu vực nông thôn từ lâu đã tắt ngấm các sinh hoạt lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng theo đúng nghĩa của nó; Phát triển mạng lưới tổ chức cộng đồng (gồm những người có chung sở thích, nhu cầu hay quyền lợi) nhằm hình thành quan hệ gắn kết giữa các thành viên với nhau và giữa họ với cộng đồng, từ đó thúc đẩy tính năng động xã hội ở từng cá thể; Phục chế các không gian công cộng chuyên trách các chức năng văn hóa - xã hội bên cạnh các không gian hành chính của nhà nước (đình làng, chùa làng...); Và, điều quan trọng nhất, nhân dân phải là chủ thể đích thực của quá trình đổi mới các giá trị của Tết cổ truyền, trong đó giới trẻ là lực lượng nòng cốt. Nghĩ cho cùng, nhân dân mới là người hiểu hơn ai hết nhu cầu và tâm tính của mình, và cũng biết hơn ai hết những hình thức sáng tạo nhằm gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa tập thể của họ.  
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các đường nét vừa nêu chính là con đường khả dĩ giúp nông thôn dần tái tạo nền tảng văn hóa và sức sáng tạo muôn đời của nó. Điều này không những giúp nông thôn giữ được thế cân bằng trước làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra như một xu hướng khó cưỡng, mà còn giúp cho sự phát triển thuần thục của con người nông thôn trong quá trình nhập thân vào môi trường bên ngoài. Trong chiều hướng ấy, công năng của Tết cổ truyền, với tư cách là một thứ siêu lễ hội của cộng đồng, sẽ còn được phát huy nhiều hơn nữa trong sinh hoạt nông thôn.
Có thể nói rằng, đã đến lúc cần phải nghĩ về Tết theo một cách khác với những gì chúng ta vẫn quan niệm lâu nay. Ăn Tết hay đón Tết không đơn thuần là thực hiện một tập quán xưa cũ, mà còn là nghệ thuật tổ chức một sự kiện văn hóa nhằm tái tạo, phát triển một nguồn vốn cộng đồng vẫn đang thực sự hữu dụng cho cuộc sống đương đại. Vậy nên, câu chuyện Tết cổ truyền vừa được xới lên không chỉ giới hạn trong phạm vi thảo luận của giới “làm” văn hóa; mà cần được chuyển hóa thành những suy tư và thao tác cụ thể của toàn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét