Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

CUỘC TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968 – MỘT THẮNG LỢI BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC


CUỘC TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968 – MỘT THẮNG LỢI BƯỚC NGOẶT
CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC

Dương Thành Thông


Trận tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một trong những sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta – cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là thắng lợi mang tính chiến lược của quân và dân ta. Đồng thời đó cũng là thất bại chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhìn nhận vấn đề này có không ít ý kiến đánh giá trái ngược nhau. Bài viết này xin trình bày một số ý kiến xoay quanh vấn đề « thắng – thua » của hai bên tham chiến trong sự kiện có ý nghĩa chia đôi cuộc chiến này.
Thắng lợi to lớn nhất và quan trọng nhất của Mậu Thân 1968 là ta đã làm đảo lộn hoàn toàn chiến lược chiến tranh xâm lược, đánh sập những nổ lực cao nhất của đế quốc Mĩ. Thắng lợi đó đã vượt lên khỏi tầm vóc của một chiến thắng quân sự đơn thuần, tạo một sự chuyển biến lớn, thay đổi cục diện chiến trường. Thắng lợi đó đưa đến nguy cơ lần đầu tiện trong lịch sử 200 năm của nước Mĩ, quân Mĩ bị đánh bại trong một cuộc chiến với một dân tộc thuộc địa nhỏ bé cách nước Mĩ nửa vòng trái đất.
Trước hết cần phải nói tới hoàn cảnh, tình thế của cả hai phía ta và Mĩ trước khi diễn ra cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Sau hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Lợi dụng tình hình đó, đế quốc Mĩ nhanh chóng thay chân thực dân Pháp thực hiện cái gọi là « ngăn chặn làn sóng cộng sản », biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ. Cách mạng Việt Nam đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh giải phóng ở miền Nam, thống nhất đất nước.
Với ưu thế hơn hẳn chúng ta về kinh tế, quân sự, đế quốc Mĩ nhanh chóng xây dựng ở miền Nam một chính quyền tay sai sống bằng những đồng đôla viện trợ của Mĩ. Chúng cũng tiến hành xây dựng một đội quân tay sai, do Mĩ trực tiếp huấn luyện. Với đạo quân đó, Mĩ và tay sai hi vọng có thể giữ vững « an ninh » ở miền Nam, chống lại phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam và xa hơn là tiến ra tiêu diệt miền Bắc, ngăn chặn làn sóng của chủ nghĩa cộng sản có nguy cơ tràn xuống Đông Nam Á như những quân cờ Đôminô bị đổ.
Thực hiện triệt để và tích cực âm mưu đó, Mĩ ngụy tổ chức ngay các phong trào « tố cộng », « diệt cộng », tiến hành các cuộc càn quét quy mộ lớn vào các căn cứ kháng chiến cũ, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng còn lại ở miền Nam. Chúng còn ra sức dồn dân, lập ấp chiến lược, khu dinh điền, khu trù mật...để tách nhân dân khỏi cách mạng.
Trong khi đó, về phía ta, trong giai đoạn đầu còn bị động trong việc tổ chức lực lượng sau Hiệp định Genève nên lực lượng bị tổn thất. Nhưng sau đó với những chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Bộ, lực lượng của ta đã nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là lực lượng chính trị. Một cao trào cách mạng sâu rộng – cao trào Đồng khởi năm 1960 – đã nổ ra mạnh mẽ trên toàn miền Nam, giáng một đòn bất ngờ vào chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, làm thất bại bước đầu âm mưu của Mĩ. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế phản công tiêu diệt địch trên phạm vi toàn miền Nam.
Với sự thất bại của lực lượng ngụy quân và những yếu kém của chính quyền Sài Gòn, Mĩ bắt đầu tính tới chuyện trực tiếp đem quân vào miền Nam. Trong những năm 1961-1968, Mĩ tăng cường lực lượng cố vấn quân sự cao cấp cùng với vũ khí tranh thiết bị chiến tranh cho Sài Gòn và thực hiện chiến lược « chiến tranh đặc biệt » (Special War) và sau đó là trực tiếp đem quân đội Mĩ vào chiến trường miền Nam thực hiện nốt nấc thang cao nhất «chiến tranh cục bộ» (Local War), nhằm tìm lấy một chiến thắng quân sự bằng cách sử dụng những lực lượng quân sự khổng lồ với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất (trừ vũ khí hạt nhân). Đi đối với đó là cuộc « chiến tranh phá hoại » (War of destruction) ở miền Bắc (1965-1968).
Những « cố gắng » đó của Mĩ chứng tỏ một điều là Mĩ đang từng bước thua ta trên chiến trường. Cụ thể nhất là thất bại của Mĩ trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, tiêu biểu là thất bại trong ba cuộc hành quân lớn: Attleboro, Cedar Falls và Junction City. Đó là những thất bại đánh dấu « sự chuyển hướng từ thế phản công chiến lược sang thế phòng ngự bị động về chiến lược. Đó là một bước thụt lùi về chiến lược của đế quốc Mĩ trên chiến trường Nam Bộ »
Đánh giá về thất bại chiến lược của Mĩ trong cuộc chiến ở Việt Nam giai đoạn 1965-1968, Robert Thompson, cha đẻ của mô hình « ấp chiền lược » nhận xét : « Chính sách của Mĩ ở Việt Nam là ngu đần. Nó nhân đôi hỏa lực và làm phình to sai lầm. Mỗi viên đạn mà Mĩ bắn vào Việt Nam có thể giết được một Việt cộng nhưng chắn chắn sẽ làm cho nông dân Việt Nam xa lánh họ » . Henry Cabot Lodge thì nhận xét : « Westmoreland đang áp dụng chiến thuật thời chiến tranh thế giới thứ hai đối phó với một cuộc chiến tranh du kích hiện đại và ông ấy không có khả năng kết hợp những biến đổi chính trị vào trong tư duy chiến thuật của mình »
Chính trường và nhân dân Mĩ ngày càng hoài nghi về cuộc chiến. Nước Mĩ muốn nhanh chóng kết thúc một cuộc chiến mà họ tham gia nhưng chẳng biết để làm gì. Tổng thống Johnson quyết định chuyển từ chiến lược « chiến tranh đặc biệt » sang chiến lược « chiến tranh cục bộ » hòng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến trong thắng lợi. Theo đó, quân đôi Mĩ được điều động đến chiến trường miền Nam – nơi mà sau đó, phải khó khăn lắm họ mới thoát được. Ngay cả khi ấy, một viễn cảnh sa lầy, không thoát ra được tại Việt Nam vẫn lẩn quẩn trong đầu những nhà cầm quyền của quốc gia số một thế giới.
Từ năm 1965, với sự thất bại của cuộc « chiến tranh đặc biệt », nguy cơ sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày càng hiện rõ đối với nước Mĩ. Sự thất bại của cuộc hành quân Junction City, « cuộc hành quân lớn nhất, đỉnh cao nhất về tập trung lực lượng phương tiện chiến tranh của Mĩ trong cuộc chiến trannh xâm lược Việt Nam » , cùng với sự thất bại của Mĩ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, bước vào mùa mưa 1967 Mĩ đã lùi dần về thế phòng ngự và đã ở vào tình thế « tiến hóa lưỡng nan ». Thế nhưng thắng lợi đó chưa đủ sức làm phá sản hoàn toàn cuộc « chiến tranh cục bộ », chưa thể buộc Mĩ phải « xuống thang » chiến tranh. Trước những tình hình đó, tháng 6-1967, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp và nhận định : Mĩ đã thất bại một bước rất cơ bản trong cuộc chiến tranh cục bộ, hiện chúng đang lúng túng bị động về cả chiến lược, chiến dịch. Khả năng tăng cường thêm quân của Mĩ không có nhiều. Còn về phía ta « cả thế và lực đã có nhiều tiến bộ », « chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn » . Trên cơ sở đó, Đảng ta quyết tâm « chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kì mới, thời kì giành thắng lợi quyết định » .
Cùng với những thắng lợi trong những năm 1965-1967 của quân và dân ta, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Đó thật sự là đòn nặng nề giáng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ, làm rung chuyển cả nước Mĩ và chấn động cả thế giới.
Trong những năm 1965-1967, Mĩ đổ vào chiến trường miền Nam khoảng nửa triệu quân Mĩ và chư hầu (khoảng 548.000 quân), hàng chục tỉ đôla, hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân nhất. Cùng với khoảng nửa triệu quân ngụy, tưởng chừng đó là một đạo quân có thể nghiền nát bất kì thế lực nào chống đối.
Chính phủ Mĩ nghĩ rằng với lực lượng hùng hậu và sức tàn phá ác liệt của bom đạn, họ sẽ chiến thắng dù trong bất kì tình thế nào. Sau thất bại trong hai cuộc tiến công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Tướng Westmoreland vẫn tin tưởng rằng, chừng nào tổn thất của đối phương còn lớn hơn tổn thất của « đồng minh » thì cuộc chiến cuối cùng cũng sẽ kết thúc với phần thắng thuộc về Mĩ.
Ấy vậy mà, chỉ sau những ngày Tết, cái viễn cảnh về một chiến thắng đã sụp đổ hoàn toàn trước mắt người Mĩ. Cuộc tiến công của « Việt Cộng » vào dịp Tết năm 1968 đã làm họ bàng hoàng thức tỉnh.
Đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968 – đêm giao thừa và mùng một Tết, quân ta đồng loạt tiến công vào 5 trên 6 thành phố, 37 trên 41 thị xã, 64 trên 242 thị trấn, quận lị. Hầu hết các cơ quan đầu não của Mĩ đều bị tấn công từ trung ương đến địa phương. Quân giải phóng đánh vào 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trên 11 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mĩ, 30 sân bay...Tại Sài Gòn, quân giải phóng tấn công và làm chủ nhiều giờ nhiều cơ quan đầu não của Mĩ ngụy như Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, Dinh tổng thống, và đặc biệt là Đại sứ quán Mĩ – nơi được coi là « bất khả xâm phạm », « an ninh nhất », biểu tượng của nước Mĩ ở Việt Nam. Tết năm đó, miền Nam đón Tết không phải bằng tiếng pháo mà bằng tiếng súng đạn của một cuộc tiến công thần tốc, vang xa đến tận nửa Tây của bán cầu.
Trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1968 nổ ra, trong dư luận nhân dân Mĩ và ngay trong nội bộ Nhà Trắng cũng đã nổi lên những lo ngại về một sự sa lầy, không thoát ra được ở Việt Nam và cho việc đưa quân Mĩ vào chiến trường là một sai lầm. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mĩ Mc Namara – vốn là một người ủng hộ việc đưa quân vào miền Nam Việt Nam và ném bom miền Bắc – từ tháng 8-1966, ông đã tỏ ra « nản chí trước sự hủy diệt Việt Nam bằng sức mạnh khổng lồ của sắt thép, chất nổ và tỏ ra lo lắng trước tổn thất về phi công và máy bay, không lạc quan đối với kết quả của việc ném bom và quan trọng hơn hết là lo lắng rằng cuộc tăng cường cuộc tiến công trên không và trên mặt biển sẽ dẫn đến các cuộc chiến tranh mở rộng với Trung Quốc và Liên Xô » . Và cho đến mùa xuân 1967, ông đã kiến nghị ngừng ném bom phía trên vĩ tuyến 20. Ngày 1-11-1967, trong một bị vong lục gửi tổng thống Johnson, Mc Namara tiếp tục ý kiến đó : « ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Tuyên bố Mĩ không tiếp tục gửi quân sang miền Nam Việt Nam và xem xét những cuộc hành quân quân sự của Mĩ nhằm giảm bớt thương vong, giảm bớt sự tàn phá đất nước Việt Nam và chuyển vai trò ngày càng lớn cho lực lượng quân sự miền Nam Việt Nam » . Song Johnson đã không tán thành với những ý kiến đó, ông ta vẫn tin vào một chiến thắng quân sự bằng lực lượng áp đảo sẽ buộc Hà Nội rút khỏi miền Nam và lực lượng cách mạng Nam Việt Nam sẽ bị tiêu diệt. Westmoreland tuyên bố hùng hồn trước Quốc hội Mĩ rằng : « Chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam và sẽ chiến thắng bằng quân sự » . Tổng thống Johnson cũng tỏ ra lạc quan và hết lời « ca ngợi chương trình bình định ở miền Nam Việt Nam đang tiến triển một cách thật đáng hài lòng. Cứ theo con số thống kê ghi nhận được thì đã có đến 67% dân số ở Nam Việt Nam sống tại các cùng tương đối an ninh ; và con số phần trăm này có khuynh hướng ngày một gia tăng »
Trong lúc Tổng thống đang tin tưởng vào một chiến thắng đang gần kề và nhân dân Mĩ đang được ru ngủ bởi những báo cáo khả quan từ giới truyền thông và chính phủ thì bất ngờ tin tức về cuộc tấn công của những người Cộng sản ở Việt Nam dội về như những tin sét đánh vào nước Mĩ, làm choáng váng cả hệ thống chính quyền và toàn bộ xã hội nước Mĩ. Những hình ảnh về chiến thắng được Westmoreland và Johnson vẽ ra không lâu trước đó giờ đây đã hoàn toàn sụp đổ trước mắt nhân dân Mĩ, làm cho « toàn bộ chiến lược đang lên của Hoa Kì bị lật nhào » .
Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra vào một thời điểm nhạy cảm của nước Mĩ. Người Mĩ đang lo âu về một cuộc chiến tranh mà họ có thể bị thua lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của họ. Sau 3 năm trực tiếp tham chiến, họ đã phải huy động gần nửa nửa triệu người Mĩ vào cuộc chiến, sử dụng tới 40% số sư đoàn bộ binh của nước Mĩ, khoảng 1/3 lực lượng hải quân và chi hơn 70 tỉ đôla vào cuộc chiến (tính đến 1968). Hằng ngày, hằng giờ, số lính Mĩ thiệt mạng tại miền Nam Việt Nam càng tăng lên, làm cho đa số người dân Mĩ lo ngại và đòi chấm dứt cuộc chiến. Gánh nặng chiến tranh cũng gây không ít đau đầu cho chính phủ Mĩ. Họ phải chi quá nhiều cho cuộc chiến mà thành quả đạt được thì chẳng bao nhiêu. Đồng thời đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của các ứng cử viên Tổng thống. « Tết Mậu Thân » thật sự đã làm dấy lên một cuộc chiến giữa lòng nước Mĩ, đó là biểu hiện của sự chia rẽ ngay chính trong nội bộ chính trường nước Mĩ, về sự khủng hoảng, bế tắc trong đường lối chiến tranh ở Việt Nam, là biểu hiện của những mâu thuẫn giữa nhân dân Mĩ với chính phủ về một cuộc chiến phi nghĩa .
Nếu như trước đây, người dân Mĩ còn hoài nghi về cuộc chiến và vẫn trông chờ vào một thắng lợi của nước Mĩ dù có xứng đáng hay không, thì với « Tết », thay vào đó là sự thất vọng, phẫn nộ bởi những báo cáo, tuyên bố đầy khả quan từ chính phủ và những bình luận thiên lệch của báo chí truyền thông. Họ đang đối mặt với việc nước Mĩ đang thua và con em họ đang trở thành vật hi sinh trên chiến trường Việt Nam. Bầu không khí nước Mĩ sau « Tết » ở nước Mĩ vô cùng căng thẳng và ảm đạm. Một Hạ nghị sĩ viết : « Tôi không nhớ lại thời nào mà những người dân Mĩ xem ra lại u sầu, chán nản và hỗn loạn đến thế và có những sự chia rẽ, thiếu tin tưởng và cả sự thù ghét đến thế »
Phong trào phản đối chiến tranh diễn ra trong mõi tầng lớp nhân dân Mĩ, từ công nhân cho đến trí thức. Hàng chục các cuộc đình công, biểu tình chống chiến tranh nổ ra làm cho tình hình kinh tế - xã hội Mĩ vô cùng bất ổn. Tháng 4-1968, sinh viên trường Đại học Columbia biểu tình phản đối lãnh đạo nhà trường nhận tiền tài trợ của Bộ Quốc Phòng để nghiên cứu các đề tài quân sự. Tháng 8-1968, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra để phản đối Đại hội của Đảng Dân Chủ Mĩ, đòi chấm dứt chiến tranh và rút quân đội về nước...Trong hàng ngũ quân đội, nhiều binh lính « thà chịu phạt tù chứ không tham chiến tại Việt Nam », nhiều binh lính khác đào ngũ. Cơn thịnh nổ của nhân dân Mĩ đã thật sự làm bùng lên « một cuộc chiến trong lòng nước Mĩ », như Kissinger phải thừa nhận : « Các thế hệ tương lai có thể khó hình dung được cơn biến động trong nước mà cuộc chiến tranh Việt Nam gây ra...Chính cơ cấu của chính phủ bị tan rã. Ngành hành pháp bị choáng váng »
Giới truyền thông Mĩ vốn trước đây vẫn cố đưa ra những tin tức đầy lạc quan kiểu « tình hình đang chuyển biến tốt » và « chúng ta sẽ thắng »...giờ đây, với những gì mà người ta đã nhìn thấy từ cuộc chiến, họ đã nói thẳng là nước Mĩ đang sa lầy tại Việt Nam : « Chúng tôi nghĩ rằng nhân dân Mĩ cần phải chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận, nếu họ chưa sẳn sàng, triển vọng là toàn thể nổ lực ở Việt Nam có thể bị kết tội, nó có thể tan rã dưới chân chúng ta. Trước hết tình hình quân sự có thể làm cho những lí luận có tính chất triết lí về sự can thiệp của Mĩ trở thành lí thuyết suông » . Tạp chí Time, số ra ngày 13-3-1968 bình luận : « Cuộc bàn cãi đầy thông minh không ngừng diễn ra trong nước liên quan đến những công thức sẽ đưa đến một hình thức giải kết nào đó...Việc này ngụ ý cho thấy là đối với Hoa Kì, năm 1968 đã làm cho trong nước nhận thấy được là chiến thắng ở Việt Nam – hoặc ngay cả một cuộc dàn xếp thuận lợi – có thể hoàn toàn vượt quá tầm tay của cường quốc thế giới lớn nhất » .
Theo Gabriel Kolko thì nếu như « những cảm nghĩ của công chúng về chiến tranh có tính chất trở nên phê phán từ 1966 thì vào cuối 1967, dư luận hai phía ngang nhau. Cuộc tiến công Tết làm cho phe chống đối mạnh lên. Mùa hè 1968, những người Mĩ nghĩ rằng gửi quân sang Việt Nam là một sai lầm đã vượt xa những người ủng hộ » . Nói về tác động của những biến cố năm 1968, Richard Nixon đã viết : « Cuộc chiến tranh đã làm cho dư luận trong nước chia rẽ trầm trọng và ngày càng có thêm nhiều người đã áp dụng các biện pháp cực đoan: hoặc leo thang hoặc giải chiến ngay » . Còn theo nhận xét của Kissinger thì « Trận tấn công Tết Mậu Thân khiến đưa tới những suy yếu phức tạp » và « đánh dấu một giới hạn chót cho các nổ lực của Hoa Kì. Từ đấy trở đi, không còn vấn đề các hoạt động của ta hữu hiệu đến đâu nữa, cái chiến lược đang được áp dụng không còn thực hiện được những mục tiêu của nó trong một giai đoạn hoặc với các mức độ chính trị có thể chấp nhận được đối với dân chúng Hoa Kì » .
Sự chia rẽ và hoài nghi không chỉ diễn ra trong nhân dân Mĩ mà còn ở ngay trong nội bộ Nhà Trắng.
Herry Mc Pherson, cố vấn đặc biệt chuyên viết diễn văn cho Tổng thống viết : « Tôi đã chán ngấy với các lối giải thích « ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm », tôi đã chán ngấy với cái lạc quan không ngớt tuôn từ Sài Gòn về » . William Bundy cũng không kém phần bi quan : « Quan niệm của tôi về tính hình đã hình thành theo các báo cáo của những người có mặt tại chỗ ở Việt Nam. Tôi còn nhớ đặc biệt về một quan điểm đã làm cho tôi lưu ý. Leroy Kearle đã có thời phục vụ tại văn phòng của cơ quan phát triển quốc tế (AID) tại Washington là một người đáng tin cậy có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam. Ông đã viết một tài liệu ngày 5-2 (1968) cho rằng Nam Việt Nam đã hết thời rồi, rằng trong xã hội của họ có quá nhiều tệ trạng nên khó mà vượt qua khỏi trận đòn này. Đây là một tài liệu thấm thía đã nói hẳn ra rằng « họ đã tới số rồi ». Bản tài liệu ấy đã phản ánh được quan điểm của tôi trong một thời gian » .
Robert Kennedy (người từng tuyên bố « chúng ta sẽ thắng ở Việt Nam và chúng ta sẽ sẽ ở lại đó cho đến bao giờ làm được điều đó ») trong một bài diễn văn đọc ngày 8-2-1968 đã công khai thừa nhận : « ...trong 20 năm qua, chúng ta đã sai lầm, lịch sử của các cuộc xung đột giữa các dân tộc chưa bao giờ ghi nhận một sai lầm kéo dài và dai dẳng như vậy...Nếu chúng ta tiếp tục chiều hướng hiện nay, cuộc xung đột sẽ kéo dài nhiều năm, và hàng chục năm nữa trên lục địa châu Á – và cuộc xung đột đó, như các nhà chỉ huy quân sự tài ba của chúng ta biết đến một bi kịch dân tộc » .
Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã đặt Nhà Trắng vào việc phải lựa chọn một trong hai con đường :
Một là tiếp tục tăng cường lực lượng cho chiến trường Việt Nam như yêu cầu của Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mĩ tại miền Nam Việt Nam Westmoreland (khoảng 200.000 quân) nhằm trả đũa cuộc tấn công của « Việt Cộng ». Tiếp tục ném bom đe dọa và phá hoại miền Bắc, kể cả dùng vũ khí hạt nhân. Thậm chí, Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Mĩ tại miền Nam từng kêu gào đòi sử dụng « hạt nhân chiến thuật » : « Nếu các quan chức ở Washington có ý định gửi một thông điệp cho Hà Nội chắc chắn là những cũ khí chiến thuật nhỏ sẽ là cách để nói với Hà Nội điều gì đó, giống như hai quả bom nguyên tử đã nói một cách thuyết phục với các quan chức Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tôi cảm thấy lúc này...mà không xem xét khả năng lựa chọn đó là một sai lầm » .
Thực tế nước Mĩ năm 1968 đã chứng minh Mĩ không có khả năng để theo đuổi con đường này. Sự tăng quân chẳng khác nào công khai trước thế giới và nhân Mĩ rằng họ đang thua, rằng những thông tin lạc quan từ chiến trường chỉ là bịa đặt và lừa bịp. Nước Mĩ đang thắng, vậy tại sao phải tăng quân ? Đó là câu hỏi và bất kì ai cũng có thể đặt ra đối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Yêu cầu tăng quân bị nhân dân Mĩ và dư luận thế giới lên án mạnh mẽ. Những chi phí chiến tranh kể cả vật chất và con người mà người dân Mĩ phải gánh chịu đã không thể thuyết phục được nhân dân Mĩ, ngay cả trong nội bộ chính phủ.
Hai là, Mỹ rút quân khỏi miền Nam, ngừng đánh phá miền Bắc, « xuống thang chiến tranh » để tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng.
Thực chất của việc lựa chọn con đường thứ hai là thừa nhận thất bại của Mĩ, nhưng có thể xoa dịu được mâu thuẫn trong lòng nước Mĩ đang nổ ra gay gắt. Đồng thời đánh lạc hướng nhân dân Mĩ, nhân dân thế giới về một « nổ lực hòa bình » mà Mĩ mang lại cho cuộc chiến.
Cuối cùng thì dưới sức ép của dư luận, Tổng thống Johnson buộc phải thực hiện giải pháp thứ hai để cứu vãn một nhiệm kì Tổng thống thất bát. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân buộc Johnson phải « phi Mĩ hóa » và « xuống thang chiến tranh ».
Trong khi những nổ lực tăng quân trên chiến trường khó lòng thực hiện được trong lúc chính trường Mĩ đang bất đồng và dư luận Mĩ đang phẫn nộ thì một giải pháp tối ưu nhất lúc này là buộc Mĩ phải « bắt đầu và dần dần thay đổi chiến lược đóng quân ở biên giới, để chuyển sang tập trung những nổ lực vào việc bảo vệ cho các vùng đông dân cư »
Tất cả những tình hình trên đã dẫn đến những kết quả tất yếu : ngày 25-26/3/1968, « phần đông nhóm cố vấn cấp cao tán thành chấm dứt leo thang và có những biện pháp đi đến tách ra khỏi chiến tranh, đi từ bớt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến giảm các lực lượng Mĩ và chuyển giao nhiều trách nhiệm chiến tranh hơn cho Việt Nam Cộng hòa » đã trở thành những cơ sở cho những quyết định cuối cùng của Tổng thống. Trong bài diễn văn đọc ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson chính thức tuyên bố cách thức giải quyết vấn đề Việt Nam của mình :
- Ngừng ném bom bắn phá hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.
- Sẳn sàng đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đi đến kết thúc chiến tranh.
- Mở rộng lực lượng quân sự của Việt Nam cộng hòa để họ có thể dần dần gánh phần chiến đấu lớn hơn và đi đến thay thế vai trò của quân đội Mĩ.
- Johnson không ra tranh cử trong nhiệm kì thứ hai.
Cùng với sự ra đi của Johnson còn có Bộ trưởng quốc phòng Mc Nammara (1-3-1968) và tướng Westmoreland (9-3-1968), kết thúc một thời kì khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong lịch sử nước Mĩ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mĩ rơi vào tình trạng khủng hoảng đen tối, không lối thoát như lần này. Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo nên một bước ngoặt thật sự cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đồng thời tạo nên bước rẽ trong chiến lược toàn cầu (Global strategy) của Mĩ. Như Gabriel Kolko, nhà sử học nổi tiếng nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đánh giá : « Tết là sự đối đầu với thực tế...Tết trở thành điểm ngoặc trong tính toán của chính quyền Mĩ...Tết cho thấy rằng, đã đến lúc phải tập trung vào những hạn chế của chế độ. Nếu theo đuổi một quy mô leo thang với mức độ cao hơn nữa thì sẽ gây thiệt hại không kể siết cho vị trí kinh tế của Mĩ ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cho sức mạnh quân sự của Mĩ ở những nơi khác và cho cả đời sống chính trị của Mỹ nữa. Đó là cái giá mà ít ai nghiêm chỉnh muốn trả » .
Như vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã đánh đấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó đã buộc Johnson phải « xuống thang chiến tranh », ngồi vào bàn thương lượng và chấp nhận thất bại của chiến lươc « chiến tranh cục bộ » và thực hiện « phi Mĩ hóa » cuộc chiến. Đồng thời, đó cũng là sự kiện tác động mạnh mẽ đến những hoạch định chiến lược của chính quyền Nixon trong năm 1969. Nó tiếp tục tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng nước Mĩ, buộc chính quyền Nixon phải tiếp tục « Phi Mĩ hóa » chiến tranh bằng chiến lược « Việt Nam hóa chiến tranh ». Về tất cả những phương diện này, có thể khẳng định rằng, chúng ta đã thắng và Mĩ đã thua, tính đến thời điểm đó.
Mười lăm năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà sử học người Mĩ David W.P Elliott cũng thừa nhận về về thất bại của Mĩ trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân : « Trong năm 1968, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã đánh dấu sự thất bại của chiến tranh cục bộ, một sự lựa chọn nhằm chiến thắng bằng thắng lợi quân sự trực tiếp của Mĩ ở Việt Nam, và buộc phải lựa chọn giữa rút quân hoặc leo thang chiến tranh xa hơn ra khỏi biên giới của Việt Nam với những nguy cơ và chi phí kèm theo mà Tổng thống Johnson lúc đó đã tìm cách lẫn tránh »
Mặc dù cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân không thể tiêu diệt một lực lượng vũ trang lớn của kẻ thù và thiệt hại nặng về lực lượng, nhưng những hạn chế ấy không thể che lấp được thắng lợi chiến lược của sự kiện lịch sử này. Staley Karnow, trong tác phẩm « Việt Nam – một lịch sử » đã nhắc lại ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà tác giả cho là « nhà kiến trúc chính » của cuộc tổng tấn công Tết, về việc cần phải hiểu chiến lược của ta một cách tổng hợp, cả về chính trị, quân sự và ngoại giao : « Trong tính toán của ông Giáp, ngõ cụt biệt đãi những người Cộng sản. Mĩ không thể leo thang chiến tranh mà không tính đến sự bổ sung nhân lực và vật lực, không thể nâng sự đầu tư của Mĩ mà không cắt giảm trách nhiệm phòng thủ toàn cầu và những chương trình kinh tế - xã hội của họ. Cuộc tổng tấn công Tết không có ý định là một hồi trong cuộc chiến tranh lâu dài « năm năm, mười năm hay hai mươi năm ». Về thực chất, ông Giáp đang lặp lại với Mĩ cái mà Hồ Chí Minh đã cảnh báo với người Pháp một thế kỉ trước : « Anh có giết 10 người của tôi so với 1 người của anh bị giết. Nhưng ngay sự chênh lệch như thế, anh sẽ thua và tôi sẽ thắng » . Không phải tự nhiên và vô cớ mà vào tháng 3-1968, ngay sau đợt tổng tấn công đầu tiên của ta, Mĩ đã có sự thay đổi hẳn chiến lược chiến tranh.
Đòn tấn công Tết Mậu Thân với tính chất của một chiến thắng có giá trị chia đôi cuộc chiến, dẫn đến sự ngã ngũ thắng lợi của cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và thất bại rõ ràng của cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ. Đánh giá thắng lợi to lớn này, Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 đã chỉ rõ: “đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kì quan trọng tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mĩ, buộc Mĩ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris, chấm dứt chiến tranh không điều kiện, chủ trương phi Mĩ hóa chiến tranh, mở đầu thời kì xuống thang chiến tranh” .
“Ở vào thời điểm cụ thể Mậu Thân 1968, Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược chính xác; tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam và hướng chính là đánh vào các thành phố, trung tâm đầu não của địch. Đó là đòn đánh độc đáo, hiểm hóc, táo bạo, bất ngờ có hiệu lực lớn về chiến lược, về quân sự và chính trị như thực tiễn đã chứng minh, về thực chất, đó là một bước phát triển cao, đầy chất sáng tạo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, của bạo lực cách mạng với hai lực lượng; chính trị, quân sự, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, trên cả ba vùng nông thôn đồng bằng, đô thị và rừng núi; kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh Mĩ và thắng Mĩ” .
Tuy nhiên “chúng ta cũng đã mắc một số khuyết điểm: chủ quan trong việc đánh giá tình hình cho nên ta đã đề ra yêu cầu chưa thật sự sát với tình hình thực tế lúc đó, nhất là sau đợt đầu; ta đã không kịp thời kiểm điểm và rút ra kinh nghiệm…để có chủ trương chuyển hướng kịp thời” . Nhưng không vì thế mà chúng ta đánh giá thấp thắng lợi của Mậu Thân. Đó là thắng lợi cực kì quan trọng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, xứng đáng được ghi vào lịch sử những trang chói lọi nhất về tầm vóc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là thắng lợi của lòng quả cảm, trí thông minh và anh dũng tuyệt vời của quân và dân ta. Đó là kết quả của quá trình huy động sức mạnh toàn dân tộc cho một sự kiện có tầm vóc lịch sử và thời đại to lớn.
Đánh giá về chiến thắng vĩ đại này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến quyết thắng, quyết giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất tổ quốc” .
Chiến thắng Mậu Thân 1968 chứng tỏ khả năng to lớn của dân tộc có thể đánh thắng một đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Đó là những tiền đề, niềm tin chiến thắng của đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.
40 năm đã trôi qua kể từ ngày dân tộc ta làm nên một “Mậu Thân” chấn động địa cầu, nhưng những dư âm và tầm vóc của nó vẫn chứng tỏ đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.





TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1) Ban chỉ đạo tổng kết cuộc chiến tranh – trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước: thắng lợi và bài học kinh nghiệm, NXB Chính trị quốc gia, H. 1995.
2) Bộ quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954-1975, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, 2001.
3) Don Oberdoifer, Tết, NXB Tổng hợp An Giang, 1988.
4) Hoàng Dũng, Tết Mậu Thân, bước ngoặc quyết định, Tạp chí lịch sử quân sự, số 1-2/1998
5) Gabriel Kolko, Giải phẩu một cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, H. 2003.
6) Giôdép A-Amtơ, Lời phán quyết về Việt Nam, (bản dịch của Nguyễn Tấn Cưu), NXB Quân đội nhân dân, H. 1985.
7) H.Y Schandler, Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ - L. Jonhson và Việt Nam, NXB TPHCM, 1999.
Cool Lê Mậu Hãn (CB), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, NXB Giáo dục, H. 1998.
9) Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968 tại Miền Nam Việt Nam, NXB QĐND, H. 1998.
10) Cao Văn Lượng, “Về vấn đề đánh giá đúng địch, ta và thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1 (297), 1998.
11) Cao Văn Lượng, Về cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1868, tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1-1993.
12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, NXB Sự thật, H. 1989.
13) Một số văn kiện của Đảng về kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tập 2 (1965-1970), NXB Sự thật, H. 1986.
14) Nhiều tác giả, Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, NXB Quân đội nhân dân, H. 1998.
15) Richard Nixon, Chính sách đối ngoại của Hoa Kì trong thập niên 1970, Thông điệp về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nixon ngày 9/2/1972.
16) PGS.TS Võ Văn Sen, “Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một cái nhìn về phía Mĩ”, Những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn, chuyên đề lịch sử, NXB ĐHQG TPHCM,2007.
17) Nguyễn Văn Tạo, Sài Gòn Mậu Thân 1968, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1990.
18) Trần Khắc Tuấn, “Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 – sự ngã ngũ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”, Kỉ yếu hội thảo khoa học “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, những vấn đề khoa học và thực tiễn”, NXB ĐHQG TPHCM, 2005.
19) Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954-1975), NXB Chính trị quốc gia, H. 1995.
20) Nguyễn Khắc Viện, Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ (Diệu Bình dịch), NXB Trí thức, 2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét