Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

“Cầu hàng không” Xuân Mậu Thân 1968 - Khúc tráng ca bất tử

“Cầu hàng không” Xuân Mậu Thân 1968 - Khúc tráng ca bất tử


QĐND - Thật kỳ diệu! Tôi đã thốt lên như vậy khi nghe trọn câu chuyện tái hiện ký ức thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật, thiết lập “cầu hàng không” chi viện cho chiến trường miền Nam Tết Mậu Thân 1968 của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tường Long, nguyên kỹ sư hàng không thuộc Trung đoàn 919, Quân chủng Phòng không-Không quân. Từ ký ức của Anh hùng Nguyễn Tường Long kết hợp với tư liệu của Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Không quân, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn những trang sử bi hùng của “cầu hàng không” Tết Mậu Thân 1968.
Kế hoạch quan trọng tối mật
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tường Long giờ đây đã yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Ông qua đời năm 2008. Cuộc gặp gỡ với tôi trước ngày định mệnh mấy tuần là lần cuối cùng ông tiếp xúc với báo chí. Dường như ông đã tiên liệu trước sự ra đi vĩnh viễn của mình vì tuổi già, bệnh tật, nên đã chủ động đến gặp tôi. Ông mang theo bản tư liệu chép tay được trình bày khá ngắn gọn nhưng đầy đủ. Đó là những gì ông nhớ được về nhiệm vụ tối mật, cải tiến máy bay vận tải IL-14 do Liên Xô sản xuất thành máy bay ném bom, thiết lập “cầu hàng không” chi viện chiến trường miền Nam Tết Mậu Thân 1968. “Đây là dấu ấn sâu sắc nhất trong đời quân ngũ của tui. Tui đã ghi tóm tắt tất cả vào đây. Cháu cần gì thêm thì cứ hỏi. Thời gian đã qua lâu rồi nhưng tui vẫn nhớ rành rẽ mọi việc. Tui sẽ kể hết cho cháu nghe, kẻo rồi không còn dịp để mà kể nữa”, ông đã nói với tôi như vậy.
Phi công Nguyễn Văn Bang, một trong những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Ảnh tư liệu.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu; Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ tư lệnh Không quân đã giao cho Trung đoàn 919, trực tiếp là Ban Kỹ thuật của Nguyễn Tường Long nhiệm vụ tối quan trọng và tuyệt mật: Nghiên cứu cải tiến một số loại máy bay hiện có phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, ném bom, chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuộc thử nghiệm được bắt đầu với loại máy bay vận tải IL-14. Ông là người lãnh trách nhiệm nghiên cứu, lập phương án cải tiến trình cấp trên phê duyệt. Thời gian gấp rút. Nhiệm vụ cấp bách. Nguyễn Tường Long hối hả tìm tài liệu kỹ thuật tiếng Nga về loại máy bay này để nghiên cứu, nhưng chẳng khác gì “mò kim đáy bể”. May mắn là sau đó, Tường Long tìm được một tài liệu quân sự tiếng Đức dịch từ tiếng Nga. Như vớ được vàng, người kỹ sư trẻ và các cộng sự chụm đầu, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, dồn tâm lực, trí tuệ nghiên cứu toàn diện đặc tính kỹ, chiến thuật của máy bay IL-14 để tìm phương án cải tiến. Lúc bấy giờ, những chiếc máy bay IL-14 của ta khi đưa từ Liên Xô về, phải gửi tại sân bay Tường Vân (Trung Quốc). Ngay lập tức, các phi công của Trung đoàn 919 đã sang Tường Vân lái ba chiếc về sân bay Gia Lâm phục vụ việc nghiên cứu, cải tiến.
Sau nhiều ngày đêm liên tục miệt mài, Nguyễn Tường Long và các kỹ sư đã tìm ra “mã khóa” để biến máy bay vận tải chở quân IL-14 thành chiến đấu cơ bắn pháo cối, ném bom. Trọng tâm của kế hoạch cải tiến là phần khoang bụng và hai cánh của máy bay. Các kỹ sư đã tháo dỡ hết các ghế ngồi và phụ kiện dùng để chở người, tính toán sức nâng, cân đối lực cản của gió và tính năng hoạt động trên không của phương tiện để gắn vào đó một khối lượng vũ khí tương ứng. Tận dụng phần gờ hai bên dãy ghế ngồi, Nguyễn Tường Long đã “chế” thành vị trí gắn vũ khí và lắp được 60 quả đạn cối 120mm. Tiếp đó là “mổ bụng” máy bay, tạo cửa cho đạn cối thoát ra khi phi công thao tác chiến đấu trên không. Hai cánh của máy bay cũng được nắn lại để gắn các giá treo bom, đủ khả năng mang theo ba quả bom loại 100kg.
Sau khi cải tiến, IL-14 trở thành chiến đấu cơ đa năng, vừa ném bom, vừa phóng đạn cối, vừa chở quân nhảy dù và hàng chi viện. Kế hoạch cải tiến, nâng cấp một loạt máy bay IL-14 và máy bay AH2 được triển khai gấp rút, kịp chuẩn bị cho chiến dịch chi viện. Riêng loại máy bay AH2, sau khi cải tiến, mỗi chiếc lắp được 10 quả cối 120mm.
Trong khúc tráng ca...
Nhật ký chiến tranh của Thiếu tướng Phan Khắc Hy có nhiều trang ghi chép tỉ mỉ diễn biến của nhiệm vụ thả dù tiếp tế bộ binh và tấn công một số mục tiêu mặt đất ở phía Nam Vĩ tuyến 17 trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, đúng ngày 27 Tết Mậu Thân (nhằm ngày 26-1-1968), thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Chính ủy Không quân Phan Khắc Hy và Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Nguyễn Văn Tiên trực tiếp xuống Trung đoàn 919 để phổ biến nhiệm vụ tuyệt mật, tổ chức cho các phi đội cất cánh chi viện bộ binh và tấn công mục tiêu của kẻ thù ở bên kia Vĩ tuyến 17. Các lực lượng bảo đảm cho “cầu hàng không” cũng được triển khai gấp rút, bí mật lập sở chỉ huy không quân ở Quảng Bình.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tường Long, người trực tiếp cải tiến máy bay IL-14 (chụp năm 2008).
Vào thời khắc miền Nam tổng tiến công, đêm Ba mươi rạng sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, lực lượng không quân Trung đoàn 919 gồm các phi đội thực hiện nhiệm vụ chi viện cũng đã sẵn sàng chờ lệnh cất cánh. Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại: “Vào thời điểm đó, thời tiết miền Bắc đột ngột chuyển biến rất xấu. Mây dày đặc, nhiệt độ xuống thấp, mặt khác hệ thống phòng ngự của địch cả trên đất liền và trên biển được tăng cường tối đa. Tình hình hết sức khó khăn”.
Nhiệm vụ cất cánh không thể chậm trễ hơn được nữa. Một phương án táo bạo nhưng cần thiết được thông qua. Các máy bay T.14 (ký hiệu chỉ máy bay IL-14 cải tiến) sẽ cất cánh từ sân bay Gia Lâm, bay ở tầm thấp vòng qua không phận Lào để vào Huế, nhằm tránh sự phát hiện của ra-đa đối phương. Tối Mồng 10 Tết Mậu Thân (nhằm ngày 7-2-1968), các chuyến bay lần lượt nhận lệnh cất cánh. Vì thời tiết xấu, tổ bay đánh đồn Mang Cá không tìm thấy mục tiêu. Hai chiếc đã bay trở ra cửa biển Cửa Việt (Quảng Trị) và bắn chìm một tàu chiến của địch, bắn hai tàu khác bị thương rồi về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn; còn chiếc của ông Chuyền trên đường quay về thì bị bắn thủng thùng chứa nhiên liệu nên phải hạ cánh khẩn cấp xuống Thanh Hóa. Riêng tổ bay do đồng chí Phan Kế làm cơ trưởng đã mãi mãi không trở về. 
Liên tiếp những ngày sau đó, các tổ bay thực hiện nhiều đợt xuất kích nữa. Theo lời kể của Thiếu tướng Phan Khắc Hy thì có tất cả 12 tổ bay cất cánh đi làm nhiệm vụ trong 4 đêm, bao gồm cả bay chiến đấu và bay tiếp vận.
Trong câu chuyện với chúng tôi lúc còn sống và tư liệu chép tay để lại, Anh hùng Nguyễn Tường Long nhắc nhiều đến người đồng đội gần gũi, thân thiết, đó là phi công Nguyễn Văn Bang (trong chiến dịch “cầu hàng không” nói trên, phi công Nguyễn Văn Bang là phi đội trưởng). Trong quá trình Ban Kỹ thuật nghiên cứu, cải tiến máy bay, trước nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại kế hoạch không thành công, làm hỏng máy bay, phi công Nguyễn Văn Bang là người động viên, ủng hộ Nguyễn Tường Long hết mình. Anh nói với Tường Long: “Cậu cứ làm đi. Nếu phải chết vì bay thử nghiệm máy bay cải tiến của cậu thì tớ cũng sẵn sàng”.
Sau một vài chuyến đầu cất cánh tìm diệt mục tiêu trên bộ không đạt kết quả như mong muốn, Nguyễn Văn Bang đã đề xuất và được cấp trên chấp thuận, chuyển hướng đánh mục tiêu trên biển, cụ thể là nhắm vào các chiến hạm của Mỹ. Nguyễn Tường Long và Nguyễn Văn Bang đã bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng phương án đánh sao cho mục tiêu phải bị tiêu diệt và máy bay phải an toàn. Cách đánh được thống nhất, đưa máy bay vào độ cao trên 100m, mục tiêu nằm trong tầm bắn thì cắt bom, phóng hỏa lực rồi nhanh chóng thoát lên cao. Tầm 11 giờ 30 phút đêm 12-2-1968, ba tổ bay lần lượt cất cánh nhưng sau đó chỉ có một tổ trở về. Hai tổ, trong đó có tổ bay của Nguyễn Văn Bang bị mất liên lạc. Các nguồn tin sau đó cho biết, các phi công của chúng ta sau khi đã trút bom và hỏa lực vào mục tiêu đối phương, đã anh dũng hy sinh. Nhưng hy sinh do va vào núi cao hay trúng hỏa lực địch bị rơi xuống biển, thì đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Không thấy đồng đội đưa máy bay trở về, lòng dạ Tường Long như có lửa đốt. Ngày hôm sau, Tường Long dò sóng ra-đi-ô, tình cờ nghe được một bản tin nước ngoài cho biết, có hai tàu trong hạm đội của Mỹ bị đánh phá hư hỏng nặng, phải gấp rút kéo sang vùng biển Phi-líp-pin để sửa chữa.
Chiến dịch “cầu hàng không” kết thúc. Chúng ta đã đưa được hàng chục tấn hàng đến địa điểm tiếp vận, phá hủy một số mục tiêu quan trọng của địch. 32 cán bộ, chiến sĩ của 4 tổ bay thuộc Trung đoàn 919 đã anh dũng hy sinh. Năm 2006, qua thông tin của quần chúng, cơ quan chức năng đã phát hiện được vị trí rơi của 1 trong 4 chiếc máy bay nói trên tại vùng rừng núi huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và đã tiến hành cất bốc được một phần hài cốt, làm lễ an táng cho các liệt sĩ. 3 chiếc máy bay còn lại cùng các cán bộ, chiến sĩ hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được tung tích.
Bài, ảnh: HOÀNG MAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét