Đã 41 năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đánh giá sự kiện này có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng từ thực tiễn lịch sử cho phép ta khẳng định rằng: Ta giành thắng lợi lớn, tạo bước ngoặt quyết định của chiến tranh.
Thắng lợi liên tiếp trên chiến trường tạo ra sự chuyển biến về cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Từ thực tiễn cuộc đọ sức trong hai mùa khô cho thấy, ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng và luôn nắm quyền chủ động chiến lược. Mỹ, ngụy liên tiếp bị động, lúng túng đối phó trên khắp các chiến trường miền Nam .
Mặc dù bị thất bại, Mỹ tiếp tục tăng quân, tăng chi phí quân sự vào miền Nam . Năm 1968, số quân Mỹ trên chiến trường miền Nam lên tới 480.000 người, chưa tính đến lực lượng đóng ở xung quanh Việt Nam và Hạm đội 7 với khoảng 20 vạn quân.
Quân ủy Trung ương nhận định: “Những thắng lợi của ta trong đông xuân 1966-1967 đã tạo ra một tình thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Và nếu vươn lên thực hiện được một đòn quyết chiến chiến lược thật hiểm và mạnh thì buộc đế quốc Mỹ phải thua theo ý định chiến lược của ta”.
Tuy nhiên, nếu cứ áp dụng cách đánh cũ sẽ không tạo ra một bước ngoặt quyết định trong chiến tranh. Vì vậy, chúng ta phải tìm phương pháp đánh mới nhằm đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chuẩn bị kế hoạch theo cách đánh mới nhằm giáng cho địch một đòn bất ngờ, đạt tới hiệu lực chiến lược làm cho chúng bị lung lay ý chí xâm lược, dẫn đến chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Phương án tác chiến được xây dựng theo phương hướng kết hợp tiến công quân sự với khởi nghĩa của quần chúng; tập trung đánh mạnh vào các thành phố, thị xã, thị trấn, đánh vào trung tâm đầu não của Mỹ, ngụy. Chủ trương trên của Đảng là một bất ngờ lớn đối với Mỹ, ngụy.
Trung ương quyết định: “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miềnNam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Thực hiện chủ trương trên, Đảng quyết định dùng lực lượng vũ trang để “điều động”, kéo căng lực lượng của địch trên khắp các chiến trường; dùng chủ lực mạnh đánh tiêu diệt chủ lực của địch. Mặt khác, kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở các đô thị, phá hậu cứ, cơ sở hậu cần, trung tâm thông tin, phương tiện giao thông chiến lược của Mỹ, ngụy. Đây là đòn tiến công trọng yếu, đánh vào trung tâm chỉ đạo chiến tranh của Mỹ ở miền Nam , nhằm đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ.
Theo đó, quân dân ta đồng loạt nổ súng đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn và các căn cứ quân sự của địch trên khắp chiến trường miền Nam . Trong gần 2 tháng thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng quân giải phóng đã tiến công vào 4 trong 6 thành phố, 37 trong 42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ ở khắp miền Nam. Các cơ quan đầu não của địch hầu hết bị đánh trúng, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay… Chỉ tính 6 tháng đầu năm 1968, ta đã tiêu diệt 101.000 quân địch, phá hủy 1.368.000 tấn vật tư chiến tranh, chiếm 34% dự trữ chiến tranh của địch.
Đòn tiến công của quân dân ta buộc đế quốc Mỹ phải chuyển từ chủ trương “tìm diệt” sang thực hiện chủ trương “quét và giữ”, thế chiến lược của địch tiếp tục bị đảo lộn. Đánh giá về thắng lợi và ý nghĩa thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Duẩn viết: “Ta đã thắng rất to, địch đã thua rất nặng. Rõ ràng trận này đã mở ra một bước ngoặt chiến lược đánh dấu thời kỳ Mỹ phải xuống thang chiến tranh”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 BCHTƯ Đảng (7-1973) khẳng định: “Mặc dầu có khuyết điểm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 vẫn giữ một vị trí rất to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Sự thất bại của Mỹ, ngụy ở Việt Nam trong dịp Xuân Mậu Thân 1968, nhanh chóng lan truyền về nước Mỹ và tác động mạnh đến các tầng lớp nhân dân Mỹ, đến chính quyền Giôn-xơn. Gi.Am-tơ tiết lộ rằng “một cảm giác thất vọng u sầu bao trùm chính giới Oa-sinh-tơn. Chính phủ bị xúc động”. Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền Giôn-xơn xét lại chính sách, cách thức tiến hành chiến tranh. Uy tín của Giôn-xơn về điều hành chiến tranh và điều hành đất nước giảm mạnh. Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận “nếu leo thang thêm nữa sẽ gây ra những nguy cơ lớn làm nổ ra một cuộc khủng hoảng trong nước với quy mô chưa từng có”. Những thất bại to lớn trên, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn tuyên bố không tham gia tranh cử Tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo, đơn phương ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhận đàm phán với ta tại Pa-ri. J.Pimlott khẳng định đó “là một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ”.
Đánh giá về sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, Bộ Chính trị đã kết luận rõ: “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, mà lớn nhất là đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Nhưng sau đó ta chuyển chậm, chủ trương tiếp tục các đợt tiến công vào đô thị khi không còn điều kiện là sai lầm về chỉ đạo chiến lược, để địch gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968, cùng với những cú “đánh bồi” tiếp sau đó đã thực sự tạo ra một đòn đánh “đủ đô”, đủ sức nặng làm nhụt ý chí của đế quốc Mỹ, nhất là những chính khách trong phái diều hâu, tạo ra bước ngoặt mới về chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Pa-ri.
TS Nguyễn Văn Bạo - Báo Quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét