Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Mậu thân 1968


Mậu thân 1968


Bài 1: Tất cả sẵn sàng cho trận đánh lớn

Dưới sự lãnh đảo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã khiến kẻ thù kinh hoàng, khiếp sợ. Đó là hình ảnh sinh động về chiến tranh nhân dân, về ý chí quật cường của dân tộc và khẳng định tư tưởng chiến lược tiến công đúng đắn của Đảng. Dù đã 45 năm trôi qua, nhưng vẫn còn đó những con người, những khu căn cứ chứa vũ khí bí mật trong nội thành Sài Gòn… làm nên lịch sử.

F100 ra đời

Việc chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân 1968 đã được bắt đầu từ mùa thu 1964. Để đón lấy thời cơ chiến lược tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào cuối giai đoạn chiến tranh đặc biệt, Trung ương Cục miền Nam đã vạch ra “kế hoạch X”, nội dung thực hiện một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong các đô thị toàn miền Nam, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định. Việc thành lập Đoàn Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định nằm trong kế hoạch đó.

Các chiến sĩ Quân Giải phóng trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN
Theo kế hoạch, ta phải xây dựng lực lượng biệt động đủ mạnh, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cần thiết để có thể cùng một lúc đồng loạt tập kích bất ngờ chiếm lĩnh cơ quan đầu não và các mục tiêu trọng yếu của địch. Lực lượng này lấy tên là đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (phân hiệu F100). Theo đó, lực lượng biệt động không nhất thiết là bộ đội chính quy, không nhất thiết được trang bị vũ khí và huấn luyện để chiến đấu, có thể chỉ đơn giản là ông già, trẻ con, nữ sinh... với nhiều nhiệm vụ khác nhau (tác chiến, liên lạc, điều tra địch tình, vận chuyển và cất giấu vũ khí...). Vì biệt động hoạt động trong lòng địch, mọi thành viên đều phải có vỏ bọc, giấy tờ hợp pháp để sống công khai.

Ông Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn), nguyên Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cho biết: “F100 có nhiệm vụ tập hợp, củng cố, điều chỉnh các lực lượng biệt động hiện có của quân khu, các lực lượng trinh sát công khai của đơn vị quân báo… Tất cả tổ chức thành 11 đội chiến đấu, đứng chân tại các vùng ven. Riêng bộ phận nòng cốt nằm trong nội thành”.

Sau khi F100 được hình thành, đã có những trận đánh vang dội đánh vào một số mục tiêu trọng yếu của địch, gây chấn động trong trung tâm Sài Gòn. Ngày 25/8/1964, lực lượng F100 dùng 40 kg thuốc nổ đánh vào tầng 5 của khách sạn Caravell. Vụ nổ làm 43 căn phòng bị hư hại nặng, một số sỹ quan Mỹ bị thương vong. Ngày 24/12/1964, F100 lại dùng chất nổ đặt trong xe đâm thẳng vào cư xá Brink, diệt và làm bị thương 142 sỹ quan cấp tá của Mỹ, 24 xe quân sự bị phá hủy. Ngày 30/3/1965, F100 dùng 150 kg thuốc nổ đánh vào Đại sứ quán Mỹ trên đường Hàm Nghi làm chết và bị thương 194 tên.

Đến tháng 10/1967, Trung ương Cục quyết định giải tán quân khu 7 và quân khu Sài Gòn - Gia Định (F100) để tổ chức lại thành 6 phân khu, đồng thời tổ chức lại thành 3 cụm biệt động 6-7-9 gồm các đội 6,7,9; cụm 3-4-5 gồm các đội 3,4,5 và cụm 1-2-8 gồm các đội 1,2,8. Ngoài ra còn các đội lẻ 90C và sau đó có thêm đội 11 để đánh Tòa đại sứ Mỹ.

Theo đó, nhiệm vụ của các đơn vị biệt động là khi được lệnh sẽ tập kích, đánh chiếm và giữ mục tiêu chờ lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng để tăng cường sức đề kháng tại chỗ, bảo đảm giữ được 2 giờ, tạo điều kiện cho các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu tiến vào chiếm giữ mục tiêu.
Các mục tiêu đã sẵn sàng

Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chỉ với 88 người, vào 00h sáng mùng 2 Tết, đánh vào 9 mục tiêu như: Dinh Độc lập (đội 5), Đài phát thanh (đội 4), Bộ Tư lệnh hành quân Ngụy (đội 3), Bộ Tổng tham mưu Ngụy (đội 6), Tổng nha Cảnh sát (đội 2), Biệt khu Thủ đô (đội 8), cổng Phi Long sân bay Tân Sơn Nhất (đội 9), khám Chí Hòa (đội 90C), Tòa Đại sứ Mỹ (đội 11). Trong đó, 5 mục tiêu trọng yếu nhất phải đánh chiếm là: Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô và Tòa Đại sứ Mỹ.

Ông Bảy Sơn cho biết: “Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lực lượng và vũ khí đã rải đi các mục tiêu. Đồng thời tất cả các mục tiêu đều hợp đồng giữ mục tiêu trong hai tiếng để chờ tiếp ứng của đại quân. Trong tất cả các mục tiêu, Dinh Độc Lập được coi là mục tiêu quan trọng nhất bởi nơi đây là thủ phủ của Tổng thống Ngụy và bọn tay sai của Mỹ. Mục tiêu này được giao cho đội 5, do đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) chỉ huy 14 chiến sỹ có nhiệm vụ tiến đánh chiếm lĩnh các cổng ra vào, mở cổng để đón đại quân ta về chiếm thủ phủ, giải phóng Sài Gòn. Mỗi mục tiêu có một cơ sở cung cấp vũ khí. Theo đó, hầm chứa vũ khí bí mật nằm ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 10, quận 3 hiện nay) là hầm ém chứa nhiều loại vũ khí như súng ngắn, AK, B40, bộc phá… để đánh Dinh Độc Lập”.

Mục tiêu thứ hai là đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn, với 11 chiến sĩ biệt động do đồng chí Trần Phú Cương (bí danh Năm Mộc) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm và giữ Đài phát thanh trong vòng 2 giờ, đồng thời phát đi lời hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó sẽ chờ đại quân tiếp viện. Theo đó, khu vực chuẩn bị vũ khí cho mục tiêu này là căn hầm số 1 nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Đây là căn nhà của đồng chí Năm Mộc, người chỉ huy trận đánh này.

Bên cạnh đó, các mục tiêu như đánh Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân, khám Chí Hòa, Tổng nha Cảnh sát và biệt khu Thủ đô… cũng đã được chuẩn bị hoàn chỉnh về mọi mặt và chỉ còn chờ lệnh của cấp trên là tổng tiến công.

Bài 2: Những trận đánh vang dội

Mặc dù những trận đánh trong cuộc tổng tiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn đã bị tổn thất lớn về lực lượng nhưng về mặt chính trị những trận đánh này đã “giáng” cho địch một đòn “xiểng liểng”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.

Đánh vào đầu não của ngụy

Giờ G trên toàn miền được quy định là 00 giờ đến 2 giờ ngày 31/1/1968, tức rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân. Do đó, từ ngày 29 đến ngày 30/1/1968 (tức ngày 30 và mùng 1 Tết Mậu Thân), theo kế hoạch, các chiến sĩ biệt động, từng người, từng tốp, bằng mọi phương tiện, xe đò, xe hơi nhà, xe lam, xe gắn máy... dưới dạng người đi làm về, người đi ăn Tết... lần lượt vào các vị trí ém quân ở nội thành, gần các mục tiêu.

Lính Mỹ gác trước Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của Quân Giải phóng (31/1/1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Lúc 0 giờ mùng 2 Tết Mậu Thân, các mục tiêu nội thành Sài Gòn đồng loạt tấn công. Khắp Sài Gòn rung chuyển dữ dội bởi tiếng B40, tiếng bộc phá và các loại súng đồng loạt khai hỏa.

Dinh Độc Lập là trung tâm đầu não của ngụy vì vậy được canh phòng và bảo vệ với quy mô rất chắc chắn. Mục tiêu này được giao cho Đội 5, đây là đội từng đánh những trận lớn ác liệt và có tiếng vang nhất tại Sài Gòn như: khách sạn Caravelle, cư xá Brink, Tổng nha Cảnh sát... dưới sự chỉ huy tài tình dũng cảm của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê và anh đã không may bị bắt năm 1967). Vì vậy, trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thận năm 1968, đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) làm chỉ huy trưởng của Đội 5 với 14 chiến sỹ. Theo đó, các chiến sỹ trong đội có nhiệm vụ chiếm lĩnh các cổng ra vào, mở cổng để đón đại quân ta về chiếm thủ phủ giải phóng Sài Gòn.

Theo kế hoạch tấn công Dinh Độc Lập, ta sẽ tiếp cận mục tiêu từ bên trái, xuất phát từ đường Nguyễn Du. Sau một tràng AK, Đội 5 đã hạ gục những tên lính gác cổng, đồng thời sử dụng khối bộc phá để mở cổng nhưng do khối bộc phá lâu ngày ẩm mốc không nổ đã khiến đội 5 lâm vào thế bất lợi.

Bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) - giao liên và là 1 trong những chiến sĩ Đội 5 đánh vào Dinh Độc Lập, nhớ lại: “Trong thế trận giằng co với địch, ta đã sử dụng B40 để tiêu diệt hết lính Mỹ trên xe khi chúng đến tiếp viện cho bọn tay sai ngụy. Từ đó, trận địa im tiếng súng, địch kinh hoàng khiếp sợ vì B40. Lúc này tôi nghĩ không biết nơi khác có quân tiếp viện vào không chứ nơi này nguy cấp lắm rồi mà không thấy đại quân tiếp viện của ta đâu. Mặc dù đã bị thương rất nặng nhưng đồng chí Chỉ huy trưởng Ba Thanh vẫn dặn dò anh em: “Các đồng chí phải chiến đấu đến cùng, hãy dũng cảm lên, không được rút lui khỏi trận địa, chờ quân tiếp viện vào. Rồi đồng chí Ba Thanh tắt thở và ngã xuống trong cánh tay của tôi”.

Tuy nhiên, do lực lượng liên đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống ngụy mạnh, lại có xe bọc thép yểm trợ, các chiến sỹ biệt động dù đánh trả quyết liệt nhưng vẫn có 8 đồng chí hy sinh, 7 đồng chí bị bắt và bị thương.

Đánh vào đầu não của Mỹ

Chiều 23 Tết, Bộ Tư lệnh thành phố lên thông qua kế hoạch với Bí thư Võ Văn Kiệt. Tất cả những mũi tấn công đều đã chuẩn bị rất kỹ và sẵn sàng cho trận đấu. 
Ông Bảy Sơn kể lại: Sau khi đã nghe báo cáo và hài lòng về các mục tiêu thì bỗng nhiên anh Sáu - tên thường gọi của đồng chí Võ Văn Kiệt, nghiêm mặt hỏi“Tại sao Đại sứ quán Mỹ các anh không đánh? Nếu không đánh Đại sứ quán Mỹ đồng nghĩa là đợt tấn công trong thành phố lần này coi như lực lượng biệt động không đánh”. Anh Sáu khẳng định: “Bằng mọi giá các anh phải đánh cho bằng được mục tiêu này vì nhiều lý do về đối nội, đối ngoại, quốc tế”.

Thiếu tướng Trần Hải Phụng (Hai Phụng) lúc đó ra về với nỗi lo âu vì toàn bộ lực lượng đã được bố trí vào vị trí chiến đấu, quân số cũng không còn và các hầm vũ khí đã được phân chia, chỉ còn chờ được lệnh nổ súng tấn công. Lúc đó, anh Hai Phụng đã gọi đồng chí Bảy Sơn (Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn) đến cùng giải quyết về vấn đề nan giải này. Ông Bảy Sơn nhớ lại: “Sau khi nghe anh Hai Phụng nói về tình hình, tôi cũng cảm thấy rối bời nhưng tôi lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ và tìm ra giải pháp cấp bách đó là cho gọi đồng chí Ba Đen - là người giữ chìa khóa của 12 hầm vũ khí trong nội thành đến. Khi trao đổi với Ba Đen anh đã đồng ý tham gia vào trận đánh này với quyết tâm và hứa sẽ đánh được với yêu cầu: cho 200.000 USD để ngụy trang và hối lộ các trạm kiểm soát của địch; đồng thời trang bị súng mạnh và chuyển súng cặp quốc lộ 22 từ An Tịnh - Trảng Bàng - Tây Ninh đến Bầu Mây - Củ Chi với yêu cầu phải xong đúng ngày 25 Tết. Yêu cầu cuối cùng của Ba Đen là cung cấp quân và nhờ tham mưu huấn luyện gấp rút cho anh em kịp chiến đấu. Với yêu cầu thứ 3 này thì rất khó bởi các lực lượng đã ém trong nội thành chỉ chờ lệnh tổng tiến công”.

Để huy động quân cho Ba Đen, Bảy Sơn đã phải giải tán cơ quan tham mưu của mình rồi tập hợp lại huấn luyện chiến đấu nhanh để giao cho Ba Đen. Theo đó, có 15 đồng chí bao gồm thư ký quân lực, liên lạc bảo vệ, y sỹ… Đây đều là lính văn phòng, chưa ra trận mạc nhưng được thông suốt tư tưởng, tập trung lên Thạnh An - Bắc Bến Cát huấn luyện và tập bắn súng các loại của ta và của địch, để khi xung trận, loại súng nào cũng sử dụng được.

Với tài thao lược và thông thạo thành phố, Ba Đen đã xuất sắc tổ chức hoàn chỉnh lực lượng và đột nhập vào thành phố Sài Gòn bằng đường công khai. Sáng 28 Tết, Ba Đen đã có mặt ở các nơi ém quân. Tối 29 Tết, Ba Đen đến nghe hiệu triệu và khai lệnh ở số 7 Yên Đổ (tiệm Phở Bình). Các xe vũ khí vào ngày 29 Tết mới đưa vào các điểm hẹn.

Y như kế hoạch, lúc 0 giờ mùng 2 Tết, các toán biệt động rải rác các nơi tiếp cận gần mục tiêu và khi đến liền dỡ bỏ vật ngụy trang, nhanh chóng trang bị vũ khí tiến đến mục tiêu tấn công. Địch canh gác tại chỗ chống trả yếu ớt, sau loạt súng đầu và vài trái B40 là quân ta đã lọt vào Đại sứ quán Mỹ và lần lượt tấn công dần lên lầu 1 và lầu 2. Tờ mờ sáng, trực thăng địch đổ quân trên nóc tòa Đại sứ và ném lựu đạn liên tục vào các tầng phía dưới nơi quân ta đã chiếm. Tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ lúc hửng sáng tiếp viện từ dưới đánh lên và từ trên đánh xuống. Cuộc tiến công kéo dài đến sáng mùng 2 Tết, tất cả các chiến sỹ biệt động đã hy sinh hết, chỉ còn Ba Đen bị thương nặng và bị địch bắt.

Ông Bảy Sơn nhìn nhận: “Trận đánh lần 2 vào Đại sứ quán Mỹ, các chiến sỹ biệt động đã cảm tử hy sinh nhưng chiếm giữ được mục tiêu một cách ngoạn mục, giữ vững trận địa đến giây phút cuối cùng và chết vinh quang, ghi danh bất tử cho thành phố thân yêu. Trận tấn công oanh liệt này đã tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện của ta từ trong đến ngoài nước”.

Bài 3: “Bông hoa” duy nhất của đội biệt động “Chiến sỹ tên lửa”

Chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm ngay giữa trung tâm đầu não của chính quyền Mỹ - Ngụy, bà đã phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó chính là nữ Biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa).

Cô “chiến sỹ tên lửa” năm xưa giờ đây có cuộc sống an nhàn, vui vẻ bên gia đình.
Để hoạt động được trong lòng địch, những nữ Biệt động Sài Gòn phải gan dạ, nhanh nhẹn, khéo léo và phải hết sức bình tĩnh xử lý trong mọi tình huống. Chính những điều đó, đã giúp cho những nữ Biệt động Sài Gòn qua mắt địch trong tất cả các đồn bốt để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Với khuôn mặt hiền từ và giọng nói ấm áp, ít ai có thể nghĩ rằng bà Vũ Minh Nghĩa - với bí danh Chính Nghĩa, là một chiến sỹ biệt động năm xưa. Sinh ra trong cái nôi cách mạng của vùng đất Củ Chi, ngay từ năm 12 tuổi, cô bé Nghĩa đã phụ má nuôi cán bộ nằm hầm, dẫn đường cho cán bộ và chạy tin liên lạc các vùng căn cứ. Năm 18 tuổi, Chính Nghĩa đã là thành viên cứng cỏi của Đội 5 Biệt động Sài Gòn với nhiệm vụ liên lạc đưa thư và vận chuyển vũ khí vào thành phố.

Bà nhớ lại: “Với công việc giao liên, vận chuyển vũ khí vào thành, có những ngày tôi chạy liền hai ba chuyến từ căn cứ Củ Chi vào thành phố, lên Thủ Đức lại ra Củ Chi. Những chuyến đi như vậy thì phải luôn luôn được đảm bảo đúng giờ giấc. Cũng chính vì vậy mà tôi được cấp trên đặt cho cái tên là “chiến sỹ tên lửa”.

“Sau những trận đánh lớn, địch càng kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Trong một lần đi từ Củ Chi về thành phố, tới trạm kiểm soát của địch tôi được đưa vào phòng kiểm tra. Lúc đó, trong cặp xách là giấy tờ tài liệu của đơn vị giao cho. Nữ kiểm soát này lấy hết những tờ giấy trong cặp xách của tôi bỏ ra ngoài. Lúc đó, tôi sợ bị chúng lấy hết tài liệu thì lấy đâu đem về cho đơn vị. Nhân lúc chúng kiểm soát mấy người kia, tôi nhanh tay chộp lấy mấy tờ giấy cầm trên tay. Cũng may lần đó tôi thoát nạn và giao được tài liệu đến tay tổ chức” - bà Chính Nghĩa kể lại.
Người nữ chiến sĩ duy nhất

Với mong muốn được trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng do nhiệm vụ làm giao liên trinh sát địa bàn nên Chính Nghĩa không có cơ hội. Tuy nhiên, trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, với mục tiêu đánh vào đầu não của Ngụy, lúc này Ban chỉ huy đã quyết định dồn hết lực lượng Đội 5 cho trận đánh lớn, cuối cùng ước nguyện cầm súng của bà đã thành hiện thực. Bà cũng là người nữ duy nhất của Đội 5 tham gia đánh vào mục tiêu Dinh Độc Lập.

Bà Chính Nghĩa hồi tưởng: “Khi nghe chỉ huy trưởng phân công nhiệm vụ tham gia chiến đấu tôi rất mừng. Không ngờ lần xung trận đầu tiên của mình lại đánh lớn, giải phóng Sài Gòn. Lúc đó máu trong người tôi sôi lên rạo rực, đầu nao nao như có tiếng vang reo: Tấn công xông lên giải phóng, sắp giải phóng rồi. Sáng Mùng một Tết, tôi được anh Ba Thanh giao nhiệm vụ mua bông băng, thuốc men mang theo vì trong đợt này tôi còn được anh em giao nhiệm vụ cứu thương khi cần thiết”.
Gần tới giờ G, cả đơn vị Đội 5 hành quân vào trận. Trong số 15 người trên 3 chiếc xe tải nhỏ và 2 chiếc Honda, duy nhất có một người phụ nữ là Chính Nghĩa, xuất phát từ hai hướng đánh vào Dinh. “Trong thời gian giằng co với địch chờ quân tiếp viện, hai bên bắn nhau rất dữ dội. Bỗng có hai ánh đèn pha rọi đến mà không có ánh đèn tín hiệu, tôi đã hoảng hốt kêu lên: không phải quân ta anh Ba ơi, địch đấy". Chờ tên lính trong xe trước tới gần chừng 100 thước, tôi đã bóp cò và tên lính gục ngã. Tôi rất sướng vì lần đầu tiên tôi đã tiêu diệt được lính Mỹ”.

Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, Chính Nghĩa bị thương và bị bắt. Mặc dù bị tra tấn rất tàn bạo, dã man nhưng người con gái Đất Thép anh hùng vẫn không khai nửa lời. Vì vậy chúng đã nhốt bà từ nhà tù Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo. Năm 1973, trong đợt trao trả tù binh, bà được thả tự do. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một lần nữa, Chính Nghĩa được lệnh đánh vào dinh Độc Lập. Tuy nhiên, chưa kịp hành quân đến Dinh thì hay tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã đầu hàng.

Với những đóng góp của bà trong thời gian tham gia chiến tranh giải phóng đất nước, Chính Nghĩa đã được nhà nước phong tặng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều bằng khen khác. Trở về thời bình, bà luôn sống gương mẫu trong công tác, cuộc sống và vẫn phát huy được vai trò của người cán bộ cách mạng, nhất là vẫn giữ được nét rắn rỏi của một người chiến sỹ biệt động.

H.Tuyết-Đ.Phương
Bài 4: Những địa chỉ đỏ trong lòng địch
Bên cạnh các chiến sỹ biệt động chiến đấu dũng cảm, mưu trí lập được nhiều kỳ tích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, không thể không nhắc tới những đóng góp vô cùng to lớn của hệ thống hầm vũ khí trong nội thành. Đó là những cơ sở bí mật để cất giấu vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu và che chở cho các chiến sĩ biệt động hoạt động trong lòng địch.

Hầm chứa vũ khí bí mật

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Bộ Tư lệnh đã lên kế hoạch xây dựng các hầm bí mật trong nội thành để cất giấu vũ khí và nơi liên lạc của cán bộ, chiến sỹ biệt động, phục vụ cho các mục tiêu chiếm đánh của ta.

 
Hiện nay, căn hầm chứa vũ khí vẫn còn trưng bày nhiều loại súng đạn để phục vụ cho khách tham quan.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm ngôi nhà từng là căn hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Thành năm xưa ở nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 10, quận 3). Nhìn phía trước, đây là căn nhà phố có hai mặt tiền nằm kẹp giữa đường Nguyễn Đình Chiểu (trước đây là Phan Đình Phùng) và Võ Văn Tần (trước đây là Trần Quý Cáp) với cánh cửa sắt kéo màu xanh. Năm 1967, đồng chí Trần Văn Lai (Năm Lai) đã mua căn nhà này theo sự thống nhất với người chỉ huy đơn vị để làm cơ sở giấu vũ khí phục vụ cho các mục tiêu xung quanh và trận đánh vào đầu não của Ngụy - Dinh Độc Lập.

Ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên thiếu tá đặc công, hội viên Hội Cựu chiến binh phường 10, đồng thời là người được ông Năm Lai tin cậy giao trông coi căn hầm này, đã bồi hồi kể: “Sau khi mua xong căn nhà, anh Năm Lai tiến hành sửa sang, xây dựng hầm bí mật chứa vũ khí. Anh Năm Lai đã biến phần dưới đất 3 căn nhà thành căn hầm bí mật 2 tầng, sâu 3 m, mỗi chiều 2,5 m có lỗ thông hơi và nắp đậy bí mật liên thông nhau. Hầm xây xong, tổ chức bố trí cho ông tiếp nhận chuyến hàng thứ nhất”.

 
Chú Nguyễn Quang Vinh đang giới thiệu về sơ đồ hầm bí mật trong căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu- nơi chứa vũ khí phục vụ cho trận đánh vào Dinh Độc Lập.

Theo đó, để vận chuyển vũ khí về hầm, các chiến sỹ Biệt động Thành đã che giấu vũ khí khéo léo trong bộ ván, cuộn cà tăng, dưới sọt trái cây... để qua mắt địch. Đồng thời, để tránh sự chú ý của láng giềng, xe chở vũ khí từ Củ Chi đến căn nhà này thường đi vào những lúc nhá nhem tối, khi thì đi cửa trước, lúc đi cửa sau để vào nhà bốc dỡ. Vũ khí được chuyển xuống hầm lúc đó trên 2 tấn gồm các loại súng AK, súng ngắn, bộc phá, lựu đạn, đạn các loại…
Ngày 29 Tết Mậu Thân, tại xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Đội 5 biệt động đã thực tập chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công. Tới đêm mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết, 15 chiến sỹ Đội 5 biệt động tập trung tại căn hầm này nhận vũ khí. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), cả đội đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, sau khi bị phản công và không có chi viện, các chiến sỹ biệt động của Đội 5 sống sót bị bắt, địch cho lính đến bắn phá căn nhà này vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động.

Ngày nay căn hầm chứa vũ khí năm xưa mà Đội 5 Biệt động Thành đã sử dụng đánh mục tiêu Dinh Độc Lập đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ông Nguyễn Quang Vinh trở thành người trông nom di tích và hướng dẫn khách tham quan di tích. Ông cho biết: “Sau trận đánh, Năm Lai bị đày ra Côn Đảo, căn nhà rơi vào tay địch nhưng hầm vũ khí mãi là bí mật với địch. Chỉ sau khi giải phóng, căn nhà được thu hồi trả về cho chủ cũ, lính Ngụy mới té ngửa vì không ngờ căn nhà ấy lại có căn hầm chứa vũ khí của biệt động thành. Hiện nơi đây đang lưu dấu những kỉ vật, sự kiện về trận đánh oanh liệt của Đội 5 biệt động Sài Gòn vào cơ quan đầu não của Ngụy. Đây cũng là một trường học lớn, là địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chiến đấu của thế hệ cha anh”.

Nơi đọc lệnh Tổng tiến công

Bên cạnh căn hầm 287/70 Nguyễn Đình Chiểu làm nên kì tích vì giữ được bí mật, sử dụng đúng lúc và đúng kế hoạch mà cấp trên đề ra, căn nhà bí mật có tên Phở Bình ở số 7 đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3) cũng trở thành một nơi lưu dấu kí ức lịch sử hào hùng. Tiệm phở này, với địa thế nằm trung tâm khu dân cư rộng thoáng nên được cấp trên chọn làm cơ sở chỉ huy tiền phương của Biệt động Thành trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Đây cũng là nơi phát lệnh cho các trận đánh “long trời lở đất” vào Dinh Độc Lập, Đại Sứ quán Mỹ, Tổng Nha cảnh sát… Để ngụy trang, tại tiệm phở này, các chiến sỹ trong đội biệt động đã vào vai người giúp việc của tiệm.

Ông Bảy Sơn kể lại: “Từ 1967 đã có nhiều cán bộ đến trú tại tiệm Phở Bình để công tác và hội họp. Khoảng 1 tháng trước Tết Mậu Thân, người chỉ huy đơn vị là ông Nguyễn Văn Trí (Hai Trí), chính trị viên đơn vị Biệt động 159 (sau đổi tên là J9/T700), thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định đến chỉ thị cho ông Ngô Toại - chủ tiệm Phở Bình gấp rút dự trữ lương thực cho khoảng 100 người dùng trong một tháng.

Chấp hành chỉ thị, ông Ngô Toại đã tích lũy một số lương thực, thực phẩm. Trong thời gian này, một trung đội nữ cũng lần lượt đến, bí mật trụ lại tại phòng phía sau lầu 1 của tiệm phở. Đây là các chiến sỹ của nhiều đơn vị, điện đài, y tế, giao liên… thuộc Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6. Càng đến gần ngày cao điểm, càng có nhiều cán bộ chỉ huy đến tiệm phở để nghiên cứu tình hình, kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Mặt khác, Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6 quyết định chọn Phở Bình làm trụ sở tập kết các chiến sỹ, cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Đúng 23 giờ kém 15 phút, ngày mùng 1 Tết, tại tiệm phở này, đồng chí Võ Văn Thạnh (bí danh Ba Thắng) nhân danh Chính ủy Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6 đã trịnh trọng đọc lời hiệu triệu của Ủy Ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông nhắc lại lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích tiến công vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy”.

Nhưng sau khi ta nổ súng đồng loạt tấn công địch ở các mục tiêu, tiệm Phở Bình cũng bị địch bao vây bắt được một số chiến sỹ chưa kịp thoát. Chủ tiệm Phở Bình - ông Toại và vợ bị bắt vào Tổng nha. Dù bị địch tra tấn dã man qua 20 ngày đêm chết đi sống lại, nhưng trước sau ông vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo nửa lời. Không khuất phục được ông, chúng đã đưa ông ra tòa kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Pari năm 1973, ông được trao trả tù binh tại Lộc Ninh (Bình Phước).

Dù thời gian đã qua, nhưng những căn hầm chứa vũ khí, cơ sở chỉ huy được hình thành bí mật trong lòng địch đã cho thấy sự dũng cảm, kiên trung với Đảng, với cách mạng của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Đây cũng là minh chứng cho tình đồng chí, đồng bào sâu nặng. Hơn nữa, những cơ sở này đóng góp rất nhiều cho cuộc kháng chiến, nhất là góp phần quan trọng làm nên các trận đánh lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét