Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Từ ý tưởng chiến lược đến bước ngoặt lịch sử


Từ ý tưởng chiến lược đến bước ngoặt lịch sử
TP - Xuân Mậu Tý 2008, cả nước kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ôn lại sự kiện lịch sử này nhân dân ta, thanh niên ta càng tự hào với truyền thống võ công mưu lược, nghệ thuật quân sự sáng tạo độc đáo Việt Nam.
Là những sĩ quan tại Tổng hành dinh 40 năm trước trong thời điểm ấy, qua lưu bút công tác tham mưu, nay chúng tôi ghi lại về chiến thắng đặc biệt này.
Tình huống chiến lược
Sau những thắng lợi liên tiếp của quân và dân cả hai miền Nam Bắc trong mùa khô Đông – Xuân 1966 – 1967, ta đã tạo ra thế chủ động mới trên chiến trường.
 Bởi vậy trong giới quân sự chóp bu ở Lầu năm góc – từ Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara, cố vấn quân sự đặc biệt của Nhà Trắng tướng 4 sao Taylor, đến Tư lệnh chiến trường tướng 5 sao Westmoreland, đã đưa ra nhiều phương án khác nhau về cuộc chiến tranh này cho năm 1968. Trong đó 4 phương án được họ chọn lựa để đặt lên bàn Tổng thống:
Một là Tung ra tất cả tức mở rộng chiến tranh không giới hạn tại bán đảo Đông Dương. Washington chính thức tuyên chiến với Việt Nam.
Hai là Bám chặt đến cùng tức giữ nguyên trạng, tiếp tục chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” để chiếm đóng miền Nam lâu dài.
Ba là Thoái lui từng bước tức xuống thang chiến tranh, dần chấm dứt ném bom miền Bắc, mở ra điều kiện để thương lượng với Hà Nội.
Bốn là Rút ra khỏi cuộc tức Mỹ phải nhanh chóng đưa ngay quân viễn chinh về nước, thay mầu da xác chết của quân Mỹ bằng lính ngụy Sài Gòn.
Bản đồ ở Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Cầm đầu nhóm hiếu chiến là cố vấn quân sự Taylor đã kiến nghị với Tổng thống Johnson thực thi phương án Bám chặt đến cùng, còn Mc Namara thì lơ lửng – tiến lui đều khó, nhưng thiên về phương án thoái lui để thương lượng với đối phương (Bắc Việt Nam), Westmoreland thì ngả theo phương án với Taylor.
Hành trình quyết tâm và kế hoạch Tổng tiến công
Nắm thóp được sự lúng túng, bế tắc, phân hóa về chiến lược của Mỹ tại cơ quan đầu não Washington, từ đầu năm 1967, theo chỉ đạo của Bác Hồ và Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng nghiên cứu soạn thảo kế hoạch quân sự Đông – Xuân 1967 – 1968, thực hiện một đòn chiến lược bất ngờ, tạo ra bước ngoặt lịch sử để buộc đối phương phải chịu thua theo ý định chiến lược của ta mà chính giới quân sự Mỹ đã nghĩ tới trong phương án Thoái lui từng bước, hoặc Rút ra khỏi cuộc.
Vấn đề cốt lõi của kế hoạch chiến lược này của Tổng hành dinh ta là tấn công tiêu diệt địch về chiến lược kết hợp với nổi dậy rộng khắp của quần chúng, tạo ra sự đột biến về cuộc diện chiến tranh theo ý định của ta.
Những tài liệu được giải mật của Tổng hành dinh quân đội ta cho thấy để thực hiện mục tiêu chiến lược này, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị phương châm, phương  án tác chiến để Quân ủy Trung ương báo cáo Bộ Chính trị và Bác Hồ:
Phát huy mọi sức mạnh tiến công tổng hợp lớn nhất của lực lượng vũ trang và quần chúng; bảo đảm tuyệt đối bí mật để tạo ra sự bất ngờ lớn nhất cả về không gian, thời gian và quy mô lực lượng mà đối phương không thể lường tới được; thực hiện những đòn đánh hiểm hóc, táo bạo, quyết liệt nhất, khiến đối phương không kịp trở tay.
Mục tiêu của cuộc tập kích chiến lược này là hướng vào các đô thị, nhất loạt đánh thẳng vào các thành phố, thị xã, thị trấn, vào trung tâm đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng của địch. Kết hợp tổng tiến công quân sự với nổi dậy của nhân dân.
Đây là một cách đánh với nghệ thuật dụng binh chưa từng áp dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ cho tới thời điểm này mà Lầu năm góc ở Washington cũng như Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn không thể nghĩ tới.
Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã trình bày khái quát khi báo cáo dự thảo kế hoạch này với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuẩn bị trình ra Hội nghị Bộ Chính trị.
Vào giữa tháng 5/1967, Bộ Chính trị đã họp với sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn để nghe Bí thư Quân ủy Trung ương – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp báo cáo kế hoạch Đông – Xuân 1967 – 1968.
Qua bàn thảo, Hội nghị đặt vấn đề chủ yếu về tư tưởng chỉ đạo Đông – Xuân này ta phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn nữa, giáng cho địch một đòn mãnh liệt cả quân sự và chính trị với sự khôn khéo về sách lược, giành thắng lợi với mức độ thích hợp, khiến cho Washingtơn từ chỗ do dự, ngập ngừng muốn thoát ra đến chỗ buộc phải nghĩ tới phương án “Thoái lui” qua đó ta mở cho đối phương một lối thoát, mà họ có thể chấp nhận được.
 Tháng 6/1967, Hội nghị Trung ương Đảng đã nhất trí với quyết định của Bộ Chính trị: Nhân lúc nước Mỹ bước vào cuộc vận động tranh cử Tổng thống, ta cần nỗ lực giáng cho chúng những đòn mạnh hơn để thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh.
Trên cơ sở quyết tâm ấy, từ Bộ Chính trị đến Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu đã vạch ra mục tiêu cụ thể để triển khai kế hoạch chiến lược này.
Đó là đánh thẳng vào sào huyệt, vào đầu não Trung tâm chỉ huy cuộc chiến tranh tại 3 thành phố lớn nhất miền Nam: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố, thị xã, thị trấn khác, vào các kho tàng dự trữ trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất hậu cần, sân bay trên khắp miền Nam.
Trong đó Đại sứ quán Hoa Kỳ – Lầu năm góc phương Đông ở Sài Gòn là một trong những mục tiêu trọng yếu của cuộc tập kích chiến lược.
Chỗ dựa của ta để triển khai lực lượng ém sát vào các mục tiêu trước khi nhất loạt nổ súng vào giờ G. là “trận địa lòng dân” có tổ chức ngay trong hậu phương giữa lòng địch. Đó là bí quyết “lấy dân làm gốc” vận dụng trong chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Từ tháng 9 đến tháng 12/1967 và trung tuần tháng 1/1968, theo triệu tập của Trung ương, Tư lệnh và Chính ủy các chiến trường Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ, Khu 5, Tây Nguyên, Trị – Thiên, Mặt trận Đường 9, lần lượt ra Tổng hành dinh Hà Nội báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ.
Trong đó Trung ương Cục miền Nam đã ra làm việc ba lần với Hồ Chủ tịch, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng để tiếp nhận sự chỉ đạo của Trung ương và nhận kế hoạch cụ thể của Bộ Tổng tham mưu.
Đầu tháng 12/1967, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp để hạ quyết tâm “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới – Thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.
Tại Hội nghị, để chỉ đạo thực hiện quyết tâm chiến lược này, Bộ Chính trị đã bàn thảo xác định: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ này là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng nước ta tiến lên một bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, nhằm đạt các mục tiêu:
1. Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân;
2. Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được ý đồ chiến lược của chúng ở Việt Nam;
3. Trên cơ sở đập tan ý chí xâm lược của Mỹ buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối miền Bắc.
Về tình huống, Bộ Chính trị dự kiến tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa này có thể diễn ra một trong ba khả năng.
Một là, ta giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, thành công ở các đô thị lớn và đập tan được các cuộc phản kích của địch, làm cho địch bị thất bại đến mức không gượng lại được nữa, đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, bắt chúng phải chịu thua, phải thương lượng và phải kết thúc chiến tranh theo ý đồ của ta.
Hai là, giành được thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng địch tập trung và tăng cường thêm lực lượng từ bên ngoài vào để giành  lại và giữ vững những vị trí quan trọng, ổn định được các thành thị lớn, nhất là Sài Gòn – Gia Định, và dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục chiến tranh.
Ba là, Mỹ động viên tăng thêm nhiều lực lượng mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc Việt Nam, sang Lào và Campuchia,  hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh.
Trong ba khả năng này, Bộ Chính trị cho rằng ta cần nỗ lực giành cho kỳ được thắng lợi cao nhất theo khả năng thứ nhất, đồng thời phải sẵn sàng đối phó với khả năng thứ hai, với khả năng thứ ba tuy ít hơn, nhưng phải luôn cảnh giác.
Chuẩn bị và cài thế
Với những nội dung cơ bản trên của Nghị quyết Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) vào cuối tháng 1/1968 đã nhất trí thông qua.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, để bảo đảm thống nhất lãnh đạo chỉ huy trong chiến dịch này ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền (B2) đã quyết định thành lập 2 Bộ Tư lệnh tiền phương: Bộ Tư lệnh tiền phương cánh Bắc do các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh phụ trách các hướng Bắc, Tây Bắc và Đông thành phố Sài Gòn.
Bộ Tư lệnh tiền phương cánh Nam do đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng phụ trách các hướng phía Nam, Tây Nam, các lực lượng biệt động  và chỉ đạo quần chúng nổi dậy ở nội thành Sài Gòn.
Ở Quân khu 5, Trung ương cử đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Quân khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu, đồng chí Chu Huy Mân làm Tư lệnh. Ở mặt trận Huế, Trung ương chỉ định đồng chí Lê Minh làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Chưởng làm Chính ủy (lúc này đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Quang là Tư lệnh Quân khu Thị - Thiên).
Ở mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị do đồng chí Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.
Trước khi chính thức mở màn cuộc tập kích chiến lược vào Tết Mậu Thân, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở mặt trận Đường 9 – Khe Sanh nhằm vừa tiêu diệt lớn, vừa giam chân phần lớn quân địch ở Đường 9, vừa nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho các chiến trường phía Nam thực hiện kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy.
Ta tập trung tại mặt trận Đường 9 – Khe Sanh 4 sư đoàn bộ binh và 10 trung đoàn các binh chủng chủ lực của Bộ để mở đầu cuộc tấn công địch trên mặt trận này từ đêm 20/1/1968, là một bộ phận của cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân của toàn miền Nam.
Bị rơi vào bẫy, lãnh đạo Mỹ nghĩ Khe Sanh là chiến trường chính của ta trong Đông - Xuân 1968 và tập trung lực lượng để giữ.
Nổ súng
Đêm 30 rạng 31/1/1968 vào giờ giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân, từ Thủ đô Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát băng Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào chiến sĩ cả nước. Lời Người vang vọng khắp non sông:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta”
Lời thơ chúc Tết của Bác, đồng thời là “hiệu lệnh” mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Các lực lượng vũ trang và đồng bào miền Nam đã nhất loạt tấn công và nổi dậy – trước hết là đánh thẳng vào 3 thành phố lớn nhất miền Nam – Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Tại Tây Nguyên ta đồng loạt tấn công vào Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum.
Ở đồng bằng Quân khu 5 ta tấn công căn cứ liên hợp Đà Nẵng, thị xã Hội An, Quy Nhơn, Sông Cầu, Nha Trang. Các tỉnh cực Nam Trung Bộ, đồng bằng Nam Bộ cũng đã khởi đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy cùng với Sài Gòn theo sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chỉ huy Miền.
Qua suốt 2 tháng đầu Tết Mậu Thân đến cuối tháng 3/1968, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ, ngụy và làm tan rã từng mảng lớn ngụy quyền.
Trong đó 150.000 quân ngụy, 43.000 quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu, 200.000 quân ngụy đào rã ngũ trong những ngày Tết. Bắn rơi 2.370 máy bay, phá hủy 1.700 xe tăng, xe bọc thép, 250 tàu xuồng.
Một khối lượng lớn với 1,36 triệu tấn vật tư chiến tranh– bằng 34% dự trữ của địch đã bị phá hủy. Ta đã phá 1.500 ấp chiến lược, bức hàng, bức rút 700 đồn bót, giải phóng thêm 1,2 triệu dân.
Với cuộc tập kích chiến lược không gian bao trùm toàn miền Nam, tiến hành đồng loạt với quy mô rộng lớn chưa từng có, ta đã giành thắng lợi to lớn toàn diện, với tầm chiến lược quan trọng, tạo nên cục diện mới trên chiến trường, địch lâm vào thế thảm bại nặng nề.
Ngày 31/3/1968, từ Washington, Johnson phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận cử đại diện tới Paris để đàm phán với ta, và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara thì đã từ chức trước đó, Taylor bị cách chức, Westmoreland bị triệu hồi. Có thể nói đó là sự thừa nhận công khai sự phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà trắng bị giáng một đòn thối động làm lung lay tận gốc.
Bùi Đình Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét