Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

CON NGỰA TRONG NỀN VĂN HÓA TRUNG QUỐC

Hiếu Trang Văn Thái hoàng Thái hậu là mẹ của Vua Thế Tổ Thuận Trị nhà Mãn Thanh, và là bà nội của Vua Thánh Tổ Khang Hi. Bà là người đã trực tiếp dạy dỗ Vua Khang Hi từ khi ông còn bé. Mặc dù họ là người Mãn tộc và là dân tộc đi thống trị, bà vẫn khuyến khích nhà Vua trong việc học tập để hấp thu những tinh hoa của Văn hóa Hán tộc, bởi vì bản thân bà cũng rất chuộng Văn hóa của người Hán, là dân tộc bị trị. Trước khi mất, Thái hậu dặn dò nhà Vua rằng: “Tổ tiên chúng ta ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ, cho nên phải nhất thiết coi trọng việc võ bị. Nhưng muốn giữ được thiên hạ thì phải chăm lo việc chính sự và noi theo đạo đức của thánh hiền”. Ở đây, khi nhắc đến cái công nghiệp khai quốc to lớn của triều đại Mãn Thanh, bà Thái hậu Hiếu Trang đã đề cao hai yếu tố: thứ nhất là “tổ tiên chúng ta”, và thứ hai là “ngồi trên lưng ngựa”.
Nhìn vào Lịch sử Trung Quốc, chúng ta thấy hầu hết các vị Hoàng đế khởi nghiệp của các triều đại lớn như Hán Cao Tổ Lưu Bang, Đường Cao Tổ Lý Uyển và Đường Thái Tông Lý Thế Dân, như Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, đều là những bậc anh hùng cái thế. Tất cả những con người ấy đều đã phải trải qua nhiều năm rong ruổi trên lưng ngựa, xông pha lằn tên mũi đạn để đi chinh nam phạt bắc, thống nhất thiên hạ, trung hưng đất nước và lập nên những Triều Đại vô cùng hiển hách. Qua đó, chúng ta thấy con Ngựa đã đóng một vai trò rất quan trọng, vừa mang tính chiến thuật vừa mang tính chiến lược, trong sự hình thành và phát triển của nền Văn minh Trung Quốc.
Ngựa đời Tây Hán (Tượng đất nung – Viện bảo tàng Guimet, Paris)
Con ngựa đã xuất hiện ở Trung Quốc từ bao giờ? Câu hỏi này đã được nêu ra trong một cuộc hội thảo và triển lãm với chuyên đề “Des Hommes et des Chevaux” (tôi tạm dịch là “Người và Ngựa trong nền Văn minh Trung Quốc”) do Viện bảo tàng Mỹ thuật Đông Phương Emile Guimet tổ chức tại Paris (Pháp) vào mùa thu năm 1996. Thực ra không ai trả lời được một cách chính xác, nhưng phần đông các học giả đều đồng ý với nhau rằng con ngựa thuần hóa đã xuất hiện ngay từ buổi đầu của thời kỳ đồ đá ở Trung Quốc cách chúng ta đã hơn 4 nghìn năm, nghĩa là vào đầu thời kỳ Tam Đại theo cách nhìn của các sử gia Trung Quốc.
Ở Trung Quốc từ xưa đã có 3 giống ngựa chính. Giống thứ nhất là giống Hoa Hạ, còn gọi là con ngựa thuần Hán, gốc ở vùng Tây Nam Trung Quốc, thuộc tỉnh Tứ Xuyên hiện nay. Loại ngựa này tuy nhỏ con nhưng thân hình cân đối, cổ và chân thon gọn, rất nhanh nhẹn và có sức chịu đựng bền bỉ. Giống ngựa thuần Hán này vốn đã được sử dụng rộng rãi trên đất Trung Nguyên từ các đời Thương, Chu qua đến Tần, Hán. Khi đến Tây An và đi thăm lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, chúng ta nhìn thấy ở dưới các hầm tùy táng hàng trăm con ngựa bằng đất nung thuộc giống Hoa Hạ này đứng xếp hàng cùng với hàng nghìn chiến binh trong đội quân bách chiến bách thắng của vị Hoàng đế nhà Tần. Người ta còn trưng bày cho du khách xem hai chiếc xe của Tần Thủy Hoàng, một xe mùa hè và một xe mùa đông, đều do loại ngựa này kéo. Trong các lăng mộ nhà Hán được khai quật gần đây ở trong vùng Thiểm-Cam-Ninh, các nhà khảo cổ còn tìm thấy rất nhiều tượng ngựa bằng đồng hoặc bằng đất nung, cũng như rất nhiều tranh bích họa vẽ ngựa, với thần khí linh hoạt, bay bổng. Tất cả những con ngựa ấy đều thuộc giống thuần Hán nói trên.
Ngựa của giới quý tộc Bắc Tề (Tranh của Dương Tử Hoa [TK thứ 5] – Viện bảo tàng Mỹ-thuật Boston)
Giống ngựa thứ hai là giống Kazakh-Fergana, gốc ở miền Tây Bắc Trung Quốc, thuộc hai tỉnh Cam Túc và Tân Cương. Nhưng “nguyên quán” thật sự của chúng là ở tận vùng thảo nguyên Trung-Á, phía bắc dãy núi Altai, thuộc các nước Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan hiện nay. Nhiều học giả tin rằng giống ngựa Kazakh này đã du nhập vào đất Trung Nguyên của người Hán bằng “Con đường Tơ lụa” nổi tiếng do các Vua nhà Tây Hán mở ra từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên để thông thương và giao lưu văn hóa với thế giới Phương Tây. Con ngựa Kazakh người thấp lùn mà lưng dài, chân thì ngắn, cổ to khỏe với bờm cổ rất dài, đầu to, trán rộng và đôi mắt xếch (!), tuy không nhanh nhẹn nhưng sức rất dẻo dai. Giống ngựa này được sử dụng rộng rãi từ đời Ngụy-Tấn, qua các đời Tùy-Đường cho đến hết thời kỳ Ngũ Đại. Những vị nào đã đi thăm Trung Quốc với tôi chắc vẫn còn nhớ hình ảnh của những con ngựa tạc bằng đá, có dáng thấp lùn và chân rất ngắn, đứng chầu ở hai bên đường linh đạo dẫn đến cửa Càn Lăng, nơi hợp táng của Vua Đường Cao Tông và bà vợ khét tiếng của ông là Võ Tắc Thiên. Những con ngựa “giữ cửa” ở Càn Lăng ấy chính là giống ngựa Kazakh-Ferghana nổi tiếng, mà tôi đã có dịp giải thích cho quý vị nghe tại chỗ về lai lịch và vai trò của nó trong nền Văn hóa rực rỡ của triều đại nhà Đường.
Trong lịch sử nghành chăn nuôi của nhân loại, hầu hết các loại gia súc đều trải qua hai giai đoạn phát triển để thâm nhập vào đời sống xã hội loài người: giai đoạn thứ nhất là khi chúng được con người thuần hóa, và giai đoạn thứ hai là khi chúng được lai tạo để cải thiện giống. Con ngựa ở Trung Quốc cũng không thoát khỏi cái quy luật ấy, và trong suốt nhiều thế hệ, hai giống ngựa Hoa Hạ và Kazakh đã được người Hán cho lai tạo với nhau, với mục đích tạo nên một giống ngựa mới khỏe mạnh hơn và nhanh nhẹn hơn, với sức chịu đựng bền bỉ hơn, nhằm sử dụng chúng trong nông nghiệp, trong vận tải, cũng như trong chiến tranh. Đặc biệt là trong chiến tranh, bởi vì lịch sử Trung Quốc, nhìn dưới một góc độ nhất định, là lịch sử của những cuộc chiến tranh triền miên. Giai cấp quý tộc nhà Đường, đặc biệt các bà trong giới phi tần, rất ưa chuộng giống ngựa lai này. Tại hai kinh đô Trường An và Lạc Dương, chúng được sử dụng làm phương tiện di chuyển trong các sinh hoạt Cung đình, từ nghi lễ cho đến giải trí và thể thao.
Trong chúng ta không ai là không từng ít nhiều nghe kể về Đệ nhất Đại-mỹ-nhân Dương Quý Phi, người đàn bà đã làm nghiêng ngửa triều đại nhà Đường. Bà quý phi họ “dê” này nổi tiếng trước hết là nhờ vào sắc đẹp “khuynh quốc khuynh thành” (“nghiêng nước đổ thành”) của bà, nhưng bà còn nổi tiếng do tính khí rất bất thường, thí dụ như cái bệnh đỏng đảnh hay làm nũng với ông chồng bà là Vua Đường Minh Hoàng. Hàng năm cứ đến cuối mùa xuân là bà lại lên cơn thèm ăn trái lệ chi (vải). Mà nhất định đòi cho bằng được giống vải Lĩnh Nam trái to, cùi dày, nhiều nước, vừa chua vừa ngọt trồng ở Quảng Châu thì mới chịu! Và trái vải đem về phải tươi nguyên và vừa chín tới thì mới chịu! Tội cho ông chồng già si tình của bà phải cho lập một hệ thống vận chuyển hỏa tốc đường dài, gọi là “đường giây cống vải”, sử dụng toàn ngựa tốt, giống ngựa lai Hán-Kazakh khỏe mạnh và dẻo dai, để đem trái vải tươi từ Quảng Châu trong miền Hoa Nam xa xôi về tận kinh đô Trường An cho bà quý phi vừa đồng bóng vừa tai ác của ông. Những binh phu phải ngồi ngựa phi nước đại suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, đến mỗi trạm thì đổi cả người lẫn ngựa để chạy tiếp, làm sao để bảo đảm rằng vải Lĩnh Nam khi về đến Trường An vẫn còn tươi nguyên như vừa mới hái trên cây xuống! Và mặc dù người ta tuyển chọn toàn ngựa tốt để hàng năm chạy cống vải cho Dương Quý Phi, nhưng vẫn có những con ngựa không chịu nổi lối chạy tiếp sức đường dài này nên kiệt sức lăn ra chết ở dọc đường. Nhà thơ Đỗ Mục thời Vãn Đường, khoảng gần một thế kỷ sau khi Dương Quý Phi mất, đã làm câu thơ trách móc cái thói đỏng đảnh của bà: “nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu”, ý nói là bao nhiêu gió bụi từ vó ngựa rong ruổi chỉ cốt để đổi lấy nụ cười của bậc phi tử! Ai bảo đẹp như Dương Quý Phi là “đẹp chết người”, chứ riêng tôi thì tôi thấy sắc đẹp ấy rõ ràng là thứ sắc đẹp chết ngựa!
Ngựa Kazakh, trong tỉnh Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh của tác giả, 2003)
Giống thứ ba là giống ngựa Mông Cổ, gốc ở vùng phía Bắc và Đông Bắc Trung Quốc, thuộc các tỉnh Nội Mông và Hắc Long Giang hiện nay. Giống ngựa này vốn xuất phát từ miền thảo nguyên rộng lớn mênh mông của Mông Cổ, nơi có khí hậu và môi trường sinh thái vô cùng khắc nghiệt. Chính các yếu tố ấy đã hun đúc nên những đặc tính ưu việt của chúng. Con ngựa Mông Cổ, tuy không phải là giống ngựa lớn, nhưng có hình thể khỏe mạnh và vóc dáng quý phái. Thân của nó hơi ngắn, vai và ngực rộng, bụng thóp, cổ lớn, hàm vuông, bốn chân thon dài, lưng và dùi nổi bật những bắp thịt vạm vỡ và rắn chắc. Tôi cho rằng đây là giống ngựa đẹp nhất trên thế giới. Người Mông Cổ, sau đó là người Mãn tộc đã thuần hóa giống ngựa này ngay từ buổi đầu của xã hội Công xã-Thị tộc mà họ xây dựng. Những chiến công hiển hách của họ vào những thời kỳ mà họ tràn xuống phương nam và lấn chiếm đất đai của người Hán chủ yếu là nhờ vào tính cơ động của giống ngựa Mông Cổ này. Khi bà Thái hậu Hiếu Trang Văn mẹ Vua Thuận Trị nhà Mãn Thanh trối trăn với cháu bà là Vua Khang Hi rằng “Tổ tiên chúng ta từng ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ...”, thì chính là bà nhắc đến giống ngựa Mông Cổ nói trên.
Ngựa đời Sơ Đường (Tượng gốm – Sưu tập tư nhân, Hong Kong)
Từ các đời Tần-Hán đến các đời Tùy-Đường, người Trung Quốc chưa sử dụng giống ngựa Mông Cổ là bởi vì lúc ấy họ chưa biết đến giống ngựa này. Chúng chỉ bắt đầu du nhập vào đất Trung Nguyên cùng với đoàn quân viễn chinh của người Kim, khi nhà Kim đánh nhà Tống vào đầu thế kỷ thứ 12 (người Kim thuộc Tộc Nữ Chân, một tộc người Mãn). Ngựa Mông Cổ là giống ngựa chiến rất hung hãn, cho nên chúng đã góp một phần công trạng không nhỏ trong việc người Kim chiến thắng nhà Bắc Tống và chiếm được một nửa nước Trung Hoa. Về sau, cũng chính giống ngựa này đã giúp người Mông Cổ diệt cả Kim lẫn Nam Tống để xây dựng đế quốc Nguyên Mông và thống trị Trung Quốc trong gần một thế kỷ (1280-1368). Khi con cháu của Thành Cát Tư Hãn vào cai trị Trung Quốc, họ đã tịch biên đất đai canh tác của người Hán và khoanh vùng tổ chức chăn nuôi các loại gia súc, trong đó việc chăn nuôi ngựa được họ đặc biệt coi trọng và nâng lên hàng quốc sách. Việc làm thất nhân tâm này khiến cho người Hán càng tăng thêm lòng oán ghét đối với chế độ thống trị Nguyên Mông, nhưng mặt khác nó đã giúp cho giống ngựa Mông Cổ có cơ hội phát triển rất mạnh và dần dần được lai tạo với các giống ngựa khác ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu bảo rằng con ngựa Mông Cổ chỉ mới du nhập vào đất Trung Nguyên từ thế kỷ thứ 12 với những cuộc chiến tranh xâm lược của người Kim, thì trước đó 700 năm, vào thời kỳ Nam Bắc Triều, khi các dân tộc du mục ở phía Bắc sa mạc Gobi tràn xuống xâm chiếm vùng Hoa Bắc và thiết lập những nhà nước phong kiến hùng mạnh, trong số đó có các nhà Bắc Ngụy và Bắc Tề, thì họ đã sử dụng giống ngựa gì để tiến hành những cuộc chiến tranh của họ? Câu trả lời, theo thiển ý của tôi, là những bộ tộc du mục ấy đã sử dụng giống ngựa Kazakh, hoặc giống ngựa lai Kazakh và Mông Cổ. Sở dĩ tôi nghĩ như vậy là do tôi căn cứ vào các di chỉ khảo cổ mà Trung Quốc đã tìm thấy trong các cuộc khai quật tiến hành trong thập niên 1970. Trong các lăng mộ của giới quý tộc Bắc Ngụy và Bắc Tề người ta tìm thấy rất nhiều tượng ngựa bằng đất nung, hầu hết đều được thắng yên cương đầy đủ, với hình dáng thấp lùn và lưng dài chân ngắn, đặc trưng cho chủng loại Kazakh-Fergana. Hơn nữa, cho dù giống ngựa thuần Mông Cổ đã được các bộ tộc du mục đưa vào vùng lưu vực sông Hoàng Hà từ trước thế kỷ thứ 5 thì thực ra sau đó nó cũng chưa được người Hán ưa chuộng và sử dụng một cách phổ biến, kể cả sau khi nhà Tùy diệt nhà Bắc Chu và tái thống nhất Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ 6, một phần do tâm lý tự tôn và kỳ thị của người Hán đối với các dân tộc du mục ở phương Bắc, phần khác do họ chưa nhìn thấy tính ưu việt của giống ngựa Mông Cổ.
Ngựa đời Bắc Ngụy (Tượng đất nung – Sưu tập tư nhân, Hong Kong)
Trong những chuyến du lịch thăm Trung Quốc, nhiều người thường hỏi tôi: “Ngày xưa, ở Trung Quốc người ta tiến hành các cuộc chiến tranh như thế nào?”. Câu hỏi này khiến tôi nghĩ ngay đến vai trò của con ngựa trong lịch sử chiến tranh của Trung Quốc. Vào thời cổ đại, người ta dùng những cỗ xe bốn ngựa kéo để đi đánh nhau. Quân đội dùng những cỗ chiến xa này làm đoàn quân chủ lực, gọi là “Xa binh”, trong khi Bộ binh chỉ đóng vai trò yểm trợ. Xa binh mà mạnh và phối hợp tác chiến tốt là có thể thắng luôn cả trận đánh, có khi thắng luôn cả một cuộc chiến tranh. Tôi đọc sách Giản Truyện thì thấy kể rằng: Vua Thành Thang chỉ dùng “bẩy mươi cỗ xe tốt” mà thắng được người Hạ, và tiêu diệt luôn nhà Hạ để lập nhà Thương. Còn đọc trong Tả Truyện thì, khi nói về mấy cuộc chiến tranh lớn thời Xuân Thu, thấy chép rằng: “Chiến xa không hơn ngàn cỗ, đánh nhau không quá một ngày” là chiến trận đã kết thúc, thắng bại đã rõ ràng. Về sau, đến đời Chiến Quốc người ta mới thấy xuất hiện Kỵ binh, tức là người lính ngồi hẳn trên lưng ngựa để đi đánh nhau. Và vào năm 307 trước Công Nguyên, vua Vũ Linh Vương của nước Triệu là người đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ở Trung Quốc đã tổ chức và phiên chế quân đội thành nhiều binh chủng khác nhau, trong đó có Xa binh, Kỵ binh và Bộ binh, lấy Kỵ binh làm quân chủ lực. Phiên chế này đã được Tần Thủy Hoàng sử dụng để tiến hành cuộc chiến tranh thống nhất Trung Quốc và lập nên nhà Tần. Đến Tây An, khi đi thăm các hầm tùy táng trong lăng mộ của vị Hoàng đế nhà Tần, do có điều kiện minh họa tại chỗ, tôi thường kể chuyện một cách chi tiết hơn cho khách hàng của tôi về đề tài “Văn minh Trung Quốc, văn minh của những cuộc chiến tranh”.
Bây giờ xin bàn đôi chút về con ngựa trong Hội họa Trung Quốc. Trong Mỹ thuật Tạo hình của thế giới nói chung, Hội họa Trung Quốc có một chỗ đứng rất riêng biệt, và là một trường phái mỹ thuật độc đáo và đặc thù. Đối với các họa sĩ Trung Quốc, vẽ ngựa là một trong những đề tài khó nhất, khó hơn cả vẽ Sơn Thủy tức là vẽ cảnh thiên nhiên sông núi, vẽ Hoa Điểu tức là vẽ các loại chim và hoa, và vẽ Nhân Vật tức là vẽ người. Do đó mà, nếu chỉ tính từ đời Đông Tấn, tức là từ thế kỷ thứ 4, khi xuất hiện họa phẩm đầu tiên vẽ trên giấy và lụa cho đến đầu thế kỷ thứ 20, thì trong hơn 1,500 năm ấy, người ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay những họa sĩ vẽ tranh ngựa xuất sắc, với những tác phẩm được xem là kiệt tác trong nền Quốc họa của Trung Quốc.
Con “thần mã” của vua Đường Minh Hoàng (Tranh của Hàn Cán [TK thứ 8] – Viện bảo tàng Mỹ-thuật New York)
Người đầu tiên không thể không nhắc tới, đó là Hàn Cán (706-783). Họ Hàn sống ở Trường An, và là họa sĩ cung đình dưới thời trị vì của vua Đường Huyền Tông. Ông đã để lại hai bức tranh ngựa nổi tiếng. Trong bức thứ nhất họ Hàn vẽ một đôi ngựa, một con trắng một con đen, trên lưng con trắng có một người đàn ông ngồi, tay cầm cương đang ghì chặt con ngựa đen đứng sát bên cạnh. Đôi ngựa này trông hiền lành và thông minh, và nhìn vào cách buộc và trang sức yên cương thì có thể đoán rằng đây là đôi ngựa của giới quý tộc thời Thịnh Đường. Bức tranh thứ hai ông vẽ con Thần mã của Vua Đường Minh Hoàng, và có thể gọi bức tranh ngựa này là một kiệt tác xưa nay chưa từng có đối thủ trong Hội họa Trung Quốc. Trong bức tranh mang tên “Chiếu dạ bạch đồ” này, người ta thấy con Thần mã quả là không hổ danh với cái tên gọi của nó: dáng của nó gọn gàng và vạm vỡ, tuy bị cột chặt vào một chiếc cọc nhưng nó vẫn lồng lên như muốn quẫy thoát, đôi mắt trợn ngược giận dữ, đầy khí thế. Con ngựa trắng dũng mãnh này quả không hổ danh với cái tên gọi “thần mã”, và có lẽ nó vốn được yêu chuộng nhất trong chuồng ngựa hơn bẩy trăm con của vua Đường Huyền Tông.
Mỗi khi đến Tây An tôi thường đưa khách hàng của tôi đi xem bức tranh (phiên bản) “Quắc Quốc phu nhân du xuân đồ”, vẽ cảnh Quắc Quốc và Hàn Quốc Phu nhân cùng các cung nhân và thị nữ cưỡi ngựa đi chơi dã ngoại vào mùa xuân ở bên ngoài thành Trường An. Hai bà này là hai bà chị ruột của Dương Quý Phi, và đồng thời cũng là Phi tần được Vua Đường Huyền Tông sủng ái. Trong bức tranh này chúng ta nhìn thấy bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ngựa, cả người lẫn ngựa đều phục sức và được trang sức hết sức sang trọng, nhìn vào đó chúng ta có thể mường tượng được phần nào nếp sinh hoạt cự kỳ xa hoa hưởng lạc của giới quý tộc thời Thịnh Đường. Cương ngựa thì bằng bạc hoặc vàng có nạm ngọc, yên ngựa thì được bọc gấm thục tố nhiều màu và thêu thùa cầu kỳ, bờm ngựa được thắt thành ba chùm có trang sức gọi là Tam-hoa, còn đuôi ngựa thì được tết thành bím chung với những sợi tơ óng ả nhiều màu, có khi được cột lại phía dưới như kiểu búi tó. Tương truyền rằng nguyên bản của tranh này do Trương Huyên (713-755) vẽ vào thời kỳ Thịnh Đường, về sau được vua Huy Tông nhà Tống vẽ lại (tôi không rõ bản được lưu giữ tại Viện bảo tàng Liêu Ninh là tranh gốc của Trương Huyên hay là phiên bản của Tống Huy Tông).
Một họa phẩm nổi tiếng khác là của họa gia Tiền Tuyển đời Nguyên, vẽ cảnh Dương Quý Phi tập cưỡi ngựa. Trong bức tranh này người ta thấy bà sủng phi của vua Đường Minh Hoàng đang được hoạn quan Cao Lực Sĩ cùng các cung nhân và thị nữ đỡ lên ngựa. Họ Tiền vẽ Dương Quý Phi chẳng những mát da mát thịt - như từng được mô tả trong bài thơ “Trường Hận Ca” nổi tiếng của Bạch Cư Dị - mà còn có phần hơi dềnh dàng và nặng nề, phải chăng vì thế mà trong tranh người ta thấy bà trèo lên lưng ngựa một cách hết sức khó nhọc. Mà con ngựa dành cho bà cưỡi cũng tròn trịa béo tốt không khác gì nữ chủ nhân của nó!
Quắc Quốc và Hàn Quốc phu nhân đi dã ngoại mùa xuân (Tranh của Tống Huy Tông [TK thứ 12]
vẽ dựa theo tranh gốc của Trương Huyên [TK thứ 8] – Viện bảo tàng tỉnh Liêu Ninh)
Đời nhà Thanh thì có họa sĩ cung đình là Lương Thế Ninh (1688-1766) vẽ tranh ngựa rất đẹp, với đường nét hiện thực và màu sắc sáng tối, hài hòa. Họ Lương vốn là một linh mục dòng Tên người Ý tên thật là Giuseppe Castiglione đến Trung Quốc vào đời vua Ung Chính, có công du nhập hội họa Ý vào Trung Quốc, và do biết cách kết hợp một cách tài tình hai trường phái hội họa Đông và Tây nên được vua Càn Long nhà Mãn Thanh trọng dụng và đặc biệt sủng ái. Trong số rất nhiều tranh với thể loại đa dạng (sơn thủy, hoa điểu, nhân vật) do ông sáng tác, nổi tiếng nhất là bức tranh lớn “Bách mã đồ” vẽ một trăm con ngựa vô cùng sinh động, hiện được trưng bày tại Cố Cung Bảo tàng viện ở Đài Loan. Bất cứ ai yêu tranh ngựa đều không thể không thưởng lãm họa phẩm kiệt tác này. Trong tranh, Castiglione vẽ ngựa giống như vẽ chân dung người, bao nhiêu con ngựa là bấy nhiêu tính cách khác nhau, con đứng, con ngồi, con đang chạy, con lội qua sông…, hình tướng, màu sắc và thần thái đều khác nhau.
Ngựa (Tranh của Lương Thế Ninh – Cố Cung Bảo tàng viện, Bắc Kinh)
Sang đến nửa đầu thế kỷ 20 lại có Từ Bi Hồng (1895-1953) vẽ ngựa bằng mực tàu với lối phóng bút điêu luyện, nét mạnh mẽ phóng khoáng đầy thần thái, khiến cho ngựa của ông vẽ dường như lúc nào cũng như muốn bay ra khỏi tranh. Nhìn ngựa trong tranh của họ Từ, chúng ta hiểu ngay tại sao trong chữ Hán và ngay cả trong tiếng Việt người ta không bảo ngựa chạy mà lại nói ngựa bay (phi)!
Cách đây không lâu, trong chuyến du lịch thăm Trung Quốc vào mùa xuân và trên đường đi Mã Ngôi Pha để thăm nấm mộ bên đường của Dương Quý Phi, khi tôi chỉ cho các du khách thấy cảnh tượng của những người nông dân dùng những con ngựa lùn với chân ngắn để tải nông phẩm và hàng hóa vừa nặng nề vừa cồng kềnh, nhiều người trong đoàn đã lấy làm ngạc nhiên một cách thích thú. Cũng chính giống ngựa ấy đã được ông Mao Trạch Đông và những người cộng sản Trung Quốc dùng làm phương tiện di chuyển và chuyên chở trong chiến khu Diên An ở vùng Thiểm Bắc, vào thời kỳ khốc liệt của cuộc đấu tranh Quốc-Cộng.
Ngựa (Tranh của Từ Bi Hồng – Viện bảo tàng Mỹ-thuật Boston)
Con ngựa đã đóng một vai trò rất lớn trong Lịch sử và Văn minh Trung Quốc, và thông qua hình ảnh quen thuộc của nó, cũng như nhiều hình ảnh sinh động khác trong nếp sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân Trung Quốc, chúng ta có thể hiểu được phần nào hai nét đặc trưng trong nền Văn hóa tuyệt đẹp của đất nước có lịch sử hàng nghìn năm ấy: đó là tính liên tục và tính kế thừa của những giá trị vật chất cũng như tinh thần.
TRẦN CHÍNH.
(California, Jun 1998)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét