Những năm lừng lẫy võ công
Năm Canh Ngọ 550, quân khởi nghĩa của dân ta do tướng Triệu Quang Phục chỉ huy đã tung quân phản công đánh bại đội quân xâm lược nhà Lương do tướng Dương Sàn chỉ huy.
Trước đó vào năm 540 Lý Bí đã lãnh đạo dân ta khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương về nước lập ra nước Vạn Xuân độc lập của người Việt. Nhưng sau đó, tháng 5/545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh. Lý Nam Đế không địch lại được quân địch phải lui về động Khuất Lão ủy thác mọi công việc cho Triệu Quang Phục.
Triệu Quang Phục bèn cho lui quân về giữ đầm Dạ Trạch ở ven sông Hồng (nay thuộc huyện Khoái Châu – Hưng Yên). Địa thế đầm Dạ Trạch xung quanh đều là đầm lầy, cây cỏ um tùm bụi rậm che kín. Quân của Triệu Quang Phục đóng ở một bãi đất cao nằm giữa đầm.
Trần Bá Tiên đóng quân bên ngoài nhưng không cách gì tiến công vào được. Trong khi đó, đêm đêm, quân của Quang Phục lại đi thuyền độc mộc ra tập kích bất ngờ rồi rút lui. Trần Bá Tiên đánh mãi không được định bụng cầm cự lâu dài cho quân của Triệu Quang Phục hết lương sẽ phải mệt mỏi thì sẽ đánh vào. Nhưng năm 550, nhà Lương gọi Trần Bá Tiên về dẹp loạn trong nước, việc quân ở đây giao lại cho tì tướng Dương Sàn. Nhân cơ hội ấy, Triệu Quang Phục tung quân ra đánh lớn. Dương Sàn thua trận bị giết. Quân Lương tan vỡ chạy về nước. Nền độc lập của nước Vạn Xuân được bảo vệ.
Trong 3 lần quân dân nhà Trần chiến thắng Nguyên Mông cũng có một năm rơi vào năm Ngọ. Đó là năm Mậu Ngọ 1258.
Nhằm phục vụ cho kế hoạch chiếm Nam Tống, năm 1257, nhà Nguyên sai sứ sang Đại Việt dụ hàng vua tôi nhà Trần để lấy bàn đạp đánh Tống từ phía Nam. Vua Trần Thái Tông không chịu khuất phục bèn xuống chiếu đem quân thủy bộ ra chặn biên giới và truyền cho cả nước sắm sửa vũ khí chuẩn bị đánh giặc.
Đầu năm 1258, không dụ hàng được ta, quân Nguyên hùng hổ kéo sang định một phen “nuốt chửng” Đại Việt bằng vũ lực vừa làm bàn đạp đánh Tống vừa làm đầu cầu để đi xuống các nước Đông Nam Á sau này. Vua Thái Tông nghe tin giặc đến thân chinh cầm quân đi chặn giặc.
Trận đầu tiên hai quân đội giáp mặt nhau ở Bình Lệ Nguyên (nay ở địa phận huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc). Giao tranh dữ dội đã xảy ra nhưng quân Trần không chặn được địch phải lui về Phù Lỗ lập phòng tuyến ở phía nam sông Cà Lồ.
Ngày hôm sau (18/1/1258) hai bên đụng độ một trận quyết liệt nữa tại Phù Lỗ. Quân Trần một lần nữa bất lợi phải rút đi. Người Nguyên vào được Thăng Long nhưng gặp phải một tòa thành trống không vì từ trước triều đình đã ra lệnh làm kế thanh dã (vườn không nhà trống) nên không có lương thực.
Quân Trần lui về sông Thiên Mạc. Sau khi củng cố lại lực lượng và biết tin địch đang khó khăn ở Thăng Long vì thiếu lương, vua Trần quyết định tập kích bất ngờ quân địch vào đêm 28/1/1258.
Vì tưởng quân Trần đã kiệt quệ sau hai trận đánh nên quân Nguyên bị bất ngờ không kịp trở tay khi bị tập kích. Bị quân Trần đánh cho vỡ trận tại Đông Bộ Đầu, quân Nguyên tháo chạy về phía Bắc dọc theo sông Thao. Vì chúng rút quá nhanh nên quân Trần không kịp truy kích nhưng trên đường rút chúng cũng bị tù trưởng Hà Bổng ở trại Quy Hóa (vùng Lào Cai, Yên Bái ngày nay) chặn đánh.
Theo những sử liệu của người Nguyên, đạo quân Mông Cổ khi đi sang nước ta có khoảng 3 đến 4 vạn thì khi về đến đất Tống chỉ còn khoảng 5.000 lính Nguyên cùng khoảng 1 vạn quân người Trung Quốc. Vậy là “keo” đầu giữa Đại Việt và Mông Cổ, ta đã thắng chỉ sau nửa tháng chiến đấu.
Lịch sử hiện đại của dân tộc cũng có một năm Ngọ không thể bỏ qua. Đó là năm Giáp Ngọ 1954, quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ trước đội quân xâm lược nhà nghề của Pháp.
Chiến thắng này đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng này đưa đến việc Pháp phải ký Hiệp định Geneve công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam nói riêng, 3 nước Đông Dương nói chung.
Cao hơn nữa, chiến thắng Điện Biên cho thấy một dân tộc thuộc địa có chính nghĩa, có đường lối đúng đắn, biết đoàn kết toàn dân tộc thì có thể đánh bại quân đội đế quốc với trang bị vũ khí hiện đại để giành lại độc lập. Bởi thế, sau Điện Biên, nhiều nước thuộc địa đã vùng lên giành độc lập và đã thành công. Bởi thế, chiến thắng Điện Biên còn là chiến thắng báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Những năm Ngọ ý nghĩa về nội trị
Ngoài những chiến công đuổi ngoại xâm, lịch sử Việt Nam có mấy năm ngựa rất ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Đó là năm đổi quốc hiệu thành Đại Việt, năm Quang Trung thống nhất đất nước sau mấy trăm năm bị chia cắt và năm ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tính đến năm Giáp Ngọ 2014, chúng ta kỷ niệm 960 năm ngày cái tên Đại Việt trở thành thiêng liêng với người Việt. Vào năm cũng là Giáp Ngọ 1054, triều Lý dưới sự trị vì của vị vua anh minh Lý Thánh Tông đã quyết định đổi quốc hiệu nước ta thành Đại Việt.
Ý nghĩa của việc đổi quốc hiệu này nhằm tỏ rõ lòng tự hào dân tộc và cũng tỏ là ngang hàng với các lân bang mà đặc biệt là nước Đại Tống ở phương Bắc.
Quốc hiệu Đại Việt tồn tại tổng cộng 723 năm từ 1054 đến khi vua Gia Long đổi thành Việt Nam vào năm 1804. Trong giai đoạn đó trừ một thời gian nhà Hồ dùng quốc hiệu là Đại Ngu, còn lại các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Mạc, Đàng ngoài, Đàng trong và cả Tây Sơn với mấy năm đầu thời Nguyễn đều dùng quốc hiệu Đại Việt.
Trong thời phong kiến, nhà hậu Lê là triều đại mà việc xây dựng quản lý đất nước đạt được nhiều tiến bộ. Nhưng chỉ được 100 năm đầu thời Lê, từ năm 1527 khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê thì đất nước ta bắt đầu rơi vào cảnh phân ly vì các thế lực cát cứ.
Khi thì Nam Bắc triều (đối đầu của họ Mạc với họ Trịnh phù vua Lê). Rồi đến Đàng trong Đàng ngoài là cuộc đấu tranh mấy trăm năm giữa chúa Trịnh với chúa Nguyễn cùng danh nghĩa phù vua Lê.
Nội chiến liên miên khiến nhân dân lầm than ly tán, đời sống khổ cực. Dân khổ thì sinh loạn. sang thế kỷ 18, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân đã bùng nổ ở cả Đàng trong lẫn Đàng ngoài. Nổi bật trong đó là cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ ở Tây Sơn, Bình Định.
Được dân ủng hộ, lại có tài năng quân sự lỗi lạc của Nguyễn Huệ nên chẳng mấy chốc thế lực của chúa Nguyễn ở Đàng trong bị đánh bại. Năm Bính Ngọ 1786, Nguyễn Huệ dẫn quân ra Bắc dưới danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, chỉ trong thời gian ngắn đã tiêu diệt thế lực họ Trịnh mục ruỗng. Lần đầu tiên sau mấy trăm năm bị chia cắt, non sông nước ta lại quy về một mối.
Cho đến lịch sử hiện đại, cũng vào năm Ngọ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân Việt Nam cũng như bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930 (Canh Ngọ), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản đã chính thức hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản ở 3 miền thành Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng ra gánh lấy sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngay năm đầu tiên Đảng đã vận động công nhân và nông dân thổi bùng lên cao trào Xô viết Nghệ tĩnh. 15 năm sau, tranh thủ thời cơ thuận lợi, mặc dù chỉ có 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành lại được độc lập cho dân tộc sau hơn 80 năm bị Pháp đô hộ.
Sau ngày độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng chống lại 2 đội quân xâm lược của Pháp và Mỹ trong 30 năm liền (1945-1975). Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại độc lập cho nửa đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc bằng đại thắng mùa xuân 1975 thu non sông về một mối. Những chiến công vẻ vang ấy tất nhiên thuộc về nhân dân, vinh quang là của cả dân tộc nhưng phải thẳng thắn thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cực kỳ quan trọng.
(Kiến Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét