Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa trong nghệ thuật tạo hình Đại Việt

Với phương Tây hay Trung Quốc láng giềng, hình tượng ngựa trong nghệ thuật tạo hình truyền thống khá phổ biến, do đó là vật nuôi gần gũi thân quen, đồng thời cũng là con vật được sử dụng chủ yếu trong các cuộc chinh phạt, giao tranh vốn lợi thế ở những địa hình đồng cỏ thảo nguyên xứ lạnh.

Đại Việt, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đồng bằng hẹp, sông suối nhiều, xe ngựa dường như không phải là một phương tiện vận chuyển và con ngựa cũng không thích hợp trong những trận chiến được sắp đặt theo trận đồ mà ta thường thấy trong các phim ảnh vùng Trung Nguyên. Chiến tranh dựng nước, giữ nước và mở rộng bờ cõi của Đại Việt gắn liền với thuyền bè, sông nước và sức mạnh nhân dân, nên con ngựa, cùng lắm cũng chỉ làm nhiệm vụ đưa tin. Ngay cả ở chốn cung cấm Hoàng thành hay nơi đô hội phồn hoa, vua và quý tộc, quan lại và những người giàu sang cũng thường dùng kiệu để thể hiện vị thế của mình, chứ không phải ngựa xe như quý tộc hoàng gia các nước, dẫu rằng, tài liệu khảo cổ học cho biết rằng, từ thời đại đồ đồng, cách ngày nay hơn 2000 năm, người Việt cổ đã sử dụng ngựa, ăn thịt ngựa mà những tàn tích xương răng còn để lại trong những tầng văn hóa nói rõ, ngựa không phải là loài du nhập vào ta quá muộn.
 Hình ngựa trên thạp gốm hoa nâu thế kỷ 14.
Ngựa cũng chưa từng bao giờ được phản ánh trong nghệ thuật Đại Việt với tư cách là 12 con giáp, trong khi ở Trung Hoa, nó đã từng tìm thấy trong phức hợp này, ở một số ngôi mộ, có niên đại từ thời Tây Hán đến Đông Hán, cách ngày nay trên dưới 2000 năm.
Vậy thì, ngựa trong nghệ thuật tạo hình Đại Việt được thể hiện ở đâu và trong những bối cảnh nào?
Cho đến nay, hình tượng ngựa sớm nhất được biết, đó là trên một chiếc thạp gốm hoa nâu, thế kỷ 14. Nghệ nhân trang trí một người đội mũ quan cưỡi ngựa, với dáng vẻ khoan thai nhưng hùng dũng, mà đằng sau có một kẻ theo hầu cùng một người đeo vác và một người gánh lương thực. Đi trước là người dắt ngựa với vẻ khúm núm, kính cẩn trong tâm thế của một đầy tớ trung thành. Có lẽ đây là một tác phẩm hiếm hoi, diễn tả một trường cảnh sinh động, trên một đồ gốm hoa nâu, có niên đại sớm, thời Trần. Người ta giải mã trường cảnh này là lễ vinh quy bái tổ của một trạng nguyên – vốn là đề tài quen thuộc, hay thấy trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, nhưng với tôi, đó là hình ảnh của một vị quan đang trên đường công cán.
Cũng niên đại này và cũng trên gốm hoa nâu, chúng ta còn gặp hình tượng ngựa đang phi nước đại – dường như không mấy gặp trong nghệ thuật Đại Việt, do nghệ sĩ tạo hình quan tâm nhiều hơn tới yếu tố tĩnh, vốn là một đặc điểm của cư dân làm nông vùng châu thổ, theo đó ngựa, voi, hổ…rất hiền lành đứng song hàng với quan văn, quan võ ở hai bên thần đạo trong các lăng tẩm của vua, quan các thời đại từ Lê sơ đến Nguyễn.
Đến thời Mạc, ngựa lại được khoác thêm yếu tố thần thoại mà ta gặp trên những viên gạch đất nung chùa Sổ Hà Nội ngày nay, hay trên những đồ gốm hoa lam vùng Chu Đậu, Cậy, Ngói vùng xứ Đông xưa. Ngựa có cánh bay vào không trung với tư thế huyền ảo trong mây vần vũ tạo nên một vẻ đẹp khác lạ mà tôi cho rằng, nó đã chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Phương Tây. Ảnh hưởng của nghệ thuật Tây Phương, không chỉ thấy ở loại đề tài này mà kể cả trên những tượng Phật, tượng chân dung…thời Lê Trung Hưng, ngay sau đó không lâu.
Có thể nói, hình tượng ngựa trong nghệ thuật tạo hình Việt không phong phú và cũng không diễn tả trong bối cảnh chiến tranh, hay trong tư thế dũng mãnh như Quan Công, Trương Phi của tích cổ Tam Quốc, nhưng nó đã xuất hiện trong đời sống cộng đồng với tư cách là những con vật ở chốn thâm nghiêm của tôn giáo, tín ngưỡng nên với người dân, nó vừa gần gũi, vừa xa lạ, vừa tôn kính để rồi trở thành một hiện tượng của nghệ thuật tạo hình Đại Việt, dẫu không đậm đặc và liên tục như rồng, voi, hổ…nhưng cũng không ít ỏi như mèo, rắn, mà người ta thường nhắc đến trong mỗi độ xuân về, tết đến khi mỗi năm ứng với những con vật tương đồng, gần thiêng hòa trộn.
Năm Ngọ này, xin có vài lời về con ngựa, dẫu chẳng liên quan gì tới “thập nhi chi”, nhưng gợi mối dây liên hệ để bạn đọc có thêm thông tin về quan niệm của người Việt xưa.
TS. Phạm Quốc Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét