Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Bài học lớn: Độc lập, tự chủ đi đôi với đoàn kết quốc tế

Bài học lớn: Độc lập, tự chủ đi đôi với đoàn kết quốc tế
Ông Trần Quang Cơ, thứ hai từ trái sang.
Dù tuổi đã cao lại đang mang trọng bệnh, nhưng ông Trần Quang Cơ, người đã tham gia nhiều cuộc gặp công khai và bí mật tại Paris vẫn muốn nhắc lại một trong những bài học lớn rút ra từ thời kỳ này trong bài viết dưới đây được biên tập lại dựa theo tinh thần tham luận của ông tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Paris.
Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc nổi lên trong bối cảnh quốc tế của cuộc Chống Mỹ cứu nước của ta khiến cho nhiệm vụ đối ngoại của ta là tập hợp các nhân tố cách mạng bên ngoài hỗ trợ cho dân tộc ta chống Mỹ tưởng chừng như không thể thực hiện được.
Đường lối đấu tranh chống Mỹ cứu nước của ta có mặt phù hợp với chiến lược của Liên Xô và Trung Quốc, nhưng có mặt không phù hợp. Ta cố gắng khắc phục mọi trở ngại để phát huy các nhân tố tích cực, hạn chế các nhân tố tiêu cực trong đường lối của bạn nhằm tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ cao nhất của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, phá âm mưu của Mỹ lợi dụng chính sách hòa hoãn Xô - Mỹ, Trung - Mỹ hòng chia rẽ ta với Liên Xô, Trung Quốc, làm suy yếu chỗ dựa chính của ta trên quốc tế. Mỹ mưu đồ lợi dụng triệt để những nhân tố tiêu cực trên để phục vụ chiến lược toàn cầu của họ. Việt Nam khi đó là nơi duy nhất trên thế giới trực tiếp có mặt vai trò của ba nước lớn Mỹ-Xô-Trung. Cả ba đều muốn qua vấn đề Việt Nam để phục vụ lợi ích của mình, gây sức ép và kiềm chế lẫn nhau, trong điều kiện cố tránh khỏi bị lôi cuốn vào một cuộc đụng độ trực tiếp nhau.
Ông Trần Quang Cơ sinh năm 1927, quê gốc tại Nam Định, sinh sống từ lâu tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên thành viên Đoàn đám phán Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris.     
Đảng ta cũng nắm được những nhân tố hạn chế mặt tiêu cực của tình hình đó. Mặc dù có chính sách thỏa hiệp hòa hoãn với Mỹ, song mặt mâu thuẫn đấu tranh với Mỹ của Liên Xô, Trung Quốc với Mỹ vẫn là cơ bản, lâu dài. Bạn có thể bất đồng với ta về phương pháp cách mạng, về đường lối đấu tranh với Mỹ, nhưng không thể không tán thành ta làm yếu Mỹ. Liên Xô cũng như Trung Quốc đều muốn tập hợp lực lượng cách mạng về phía mình. Lợi ích của bạn là kéo cho được lá cờ Việt Nam phất về phía mình hoặc chí ít thì cũng đừng phất cờ về phía đối phương. Cho nên bên nào cũng sợ đối phương tố cáo là "kém mặn mà đối với Việt Nam" nên phải tự kiềm chế mặt tiêu cực và luôn phô bày chứng cứ là vẫn ủng hộ Việt Nam hơn đối phương.
Sự thức tỉnh chính trị và ý thức độc lập tự chủ của các dân tộc trên thế giới cũng là một nhân tố quan trọng hạn chế những nhân tố có phần tiêu cực trong thái độ đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của ta. Đối với nhân dân thế giới, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ đã thành "hòn đá thử vàng", thành tiêu chuẩn cụ thể nhất để đánh giá thực chất tiến bộ cách mạng của một người, một chính phủ. Việt Nam còn là tiền đề cho các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của mình. Cho nên các nước không thể coi thường nhân tố này mỗi khi có ý định gây sức ép quá lộ liễu đối với ta.
Trong Chống Mỹ cứu nước của ta, Liên Xô và Trung Quốc là đồng minh chiến lược của ta, song lợi ích riêng có chỗ không khớp nên đường lối chủ trương không thể nhất trí. Vì vậy ta phải có đường lối độc lập tự chủ của ta, tuy vẫn xuất phát từ chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Nói cô đọng lại, đường lối quốc tế của ta là giữ vững độc lập tự chủ đồng thời đoàn kết quốc tế. Không thể thiếu một vế nào. Hai vế bổ sung cho nhau. Bởi vì có đoàn kết quốc tế mới quyết định được thắng lợi, địch mạnh hơn ta một trời một vực. Đoàn kết quốc tế tức là kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ. Nhưng đoàn kết quốc tế phải trên cơ sở độc lập tự chủ. Đây chính là điểm sáng tạo của Đảng ta. Trong khi phong trào cách mạng thế giới đang có khủng hoảng về đường lối, không nhất trí về quan điểm, về đường lối tiến lên của cách mạng, thậm chí có mâu thuẫn về tổ chức. Trong tình thế đó, muốn hay không muốn, ta phải có cách nhìn nhận sự việc, phân tích sự kiện một cách khách quan theo quan điểm đúng đắn của ta, phải độc lập tự chủ trong đường lối cách mạng của ta. Có chiến lược, có cách đánh, cách thắng của ta thì mới giành thắng lợi được. Bởi vì trong hoàn cảnh quốc tế lúc đó, cách đánh giá Mỹ thế nào, cách đối xử với Mỹ ra sao cũng khác nhau chứ không phải nhất trí với quan điểm của ta.
Những quan điểm trái ngược đối chọi nhau thể hiện ngay trong việc đánh giá đế quốc Mỹ thế nào? Đối xử với Mỹ ra sao? Lúc đầu khi ta mới chống Mỹ, Khroutchov nói: Một tia lửa có thể làm nổ ra chiến tranh thế giới, nổ ra chiến tranh hạt nhân, chết hàng triệu người, không những tiêu diệt Việt Nam mà còn tiêu diệt các nước khác nữa. Như thế là Việt Nam làm hại cả các nước khác! Ngược lại, có quan điểm cho Mỹ chẳng qua chỉ là con cọp giấy, thực chất không có gì đáng sợ. Còn Đảng ta đã nhận định Mỹ là con cọp thật, có nanh vuốt nguy hiểm chết người nhưng là con cọp trong thế bị bao vây săn đuổi. Ngay chính phía Mỹ cũng thấy mặt trái của sức mạnh Mỹ. Năm 1966, thượng nghị sĩ Fulbright nói: Nước Mỹ đang có dấu hiệu của sự ngạo mạn về sức mạnh. Đó là điều tác hại, làm suy yếu, đôi lúc đã hủy hoại các nước lớn trong lịch sử, nguyên nhân của những khó khăn của chúng ta ở Đông Nam Á không phải là thiếu sức mạnh mà là sử dụng quá đáng loại sức mạnh sai lầm. Điều đó đưa đến kết quả là gây nên một cảm giác về sự bất lực khi sức mạnh đó không thực hiện đúng những mục tiêu mong muốn. Henry Kissinger, năm 1969, cũng phải thú nhận: Điều bất hạnh là sức mạnh quân sự của Mỹ lại không có một hệ quả chính trị.
Vì vậy ta phải đường lối độc lập tự chủ, đánh cũng đánh theo kiểu của ta, mà đàm cũng đàm theo kiểu của ta. Quan điểm của ta về đánh- đàm thể hiện đường lối độc lập tự chủ. Khác với quan điểm chỉ đánh mà không đàm, cho là đàm cản trở đánh, cho là ta chưa thắng địch đủ mức để đi vào nói chuyện với Mỹ, chỉ dùng đấu tranh quân sự-chính trị là đủ buộc Mỹ chấp nhận những mục tiêu của ta. Cũng khác với quan điểm chỉ đàm mà không đánh, coi nhẹ đấu tranh lâu dài, cho là đánh sẽ phá vỡ đàm, cho là Việt Nam không thể thắng Mỹ, phải sớm đi vào một giải pháp thỏa hiệp với Mỹ.
Độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, hai vế đi với nhau. Có độc lập tự chủ mới đoàn kết quốc tế được. Thoạt nghe tưởng chừng như hai vế đối lập nhau, tưởng như độc lập tự chủ là không cần đến ai, không đoàn kết được với ai. Nhưng trong thực tế tình hình thế giới lúc đó thì đúng là có độc lập tự chủ mới đoàn kết quốc tế được. Trên thế giới lúc đó có ít nhất là hai quan điểm trái ngược nhau. Nếu không độc lập tự chủ, không có quan điểm rành mạch đúng đắn của riêng ta mà lại ngả theo quan điểm này hoặc quan điểm kia thì sẽ bị coi là "nhất biên đảo" theo phe này hoặc phe kia, dễ gây mất lòng với một bên, không đoàn kết được. Phải thấy đường lối của ta là độc lập chứ không cô lập, đoàn kết chứ không lệ thuộc. Mấy điều đó tưởng chừng như đơn giản nhưng đem vận dụng trên thực tế lại vô cùng phức tạp, vô cùng khó khăn cực nhọc.
Tất nhiên, Mỹ không khi nào bỏ qua mà không khoét sâu mâu thuẫn Xô-Trung, trước mắt là để gỡ khỏi thế bí ở Việt Nam. Theo nhận định của Kissinger: Việt Nam có chỗ mạnh và có chỗ yếu. Bản thân Việt Nam rất nghèo, rất yếu. Việt Nam sống được, chiến đấu được, chống Mỹ được là do trông nhiều vào viện trợ bên ngoài, chủ yếu là của Liên Xô, Trung Quốc. Nay giữa hai nước đó quan hệ xấu đi, nếu Mỹ khai thác được mâu thuẫn Xô - Trung, chia rẽ được họ với Việt Nam dù kiên cường đến mấy cũng không thể đánh Mỹ được. Còn chỗ mạnh lớn của Việt Nam là về chính trị, được lòng người, được dư luận thế giới đồng tình ủng hộ.Do đó Việt Nam có sức mạnh rất lớn. Nhưng nếu trên thế giới có vấn đề gì đó lớn hơn, thu hút được sự chú ý của thế giới hơn vấn đề Việt Nam thì Việt Nam sẽ mất chỗ dựa tinh thần. Vì vậy nhiệm vụ của ngoại giao Mỹ thời kỳ chính quyền Nixon là bằng mọi cách cô lập cách mạng Việt Nam, dùng những thủ đoạn mạnh bạo, bất ngờ để làm yếu sự chi viện, sự ủng hộ của hai đồng minh chiến lược của ta, Liên Xô và Trung Quốc.Trước đây Johnson đã cố chia rẽ ta với Liên Xô bằng cách đề nghị Liên Xô giảm viện trợ cho Việt Nam. Nhưng Liên Xô ở trong tình thế khó có thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Vì nếu Liên Xô không ủng hộ Việt Nam mà lại bắt tay với kẻ thù của nhân dân Việt Nam, người đang phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tất sẽ bị dư luận quốc tế tố cáo, nguy cơ mất vai trong lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Nay Nixon - Kissinger quyết định một nước cờ táo bạo mà chính quyền Jonhson trước đây không dám làm: bắt tay với Trung Quốc. Nixon dám chuyển hẳn thế cờ vì y đã có nhãn hiệu là lực lượng cánh hữu của Mỹ. Phe đối lập không dám phê Nixon là "tả" được. Để dễ bề cô lập Việt Nam, chính quyền Nixon đi vào hòa hoãn với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Dùng hòa hoãn với Trung Quốc để kích Liên Xô, làm cho Liên Xô đỡ vướng trong việc gợi ý ta sớm tìm giải pháp thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề Việt Nam, đồng thời từ đó Liên Xô sẽ giảm bớt viện trợ giúp đỡ ta hòng buộc ta đi vào con đường thỏa hiệp vô nguyên tắc.
Để ép ta đi vào một giải pháp có lợi cho Mỹ, Mỹ đã gặp Liên Xô và Trung Quốc, tranh thủ hai nước này nhận giảm giúp đỡ Việt Nam xuống mức thấp nhất hòng ta đánh mạnh ở miền Nam.
Ngoại viện giảm, song ta vẫn mở cuộc tấn công năm 1972, giải phóng một thành phố và một thị trấn, đánh bại một bước chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, buộc Mỹ phải đi vào đàm phán thực chất bản dự thảo Hiệp định tại Paris.
Rút cục với quyết tâm giữ vững đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, trong tình hình quốc tế như vậy, ta đã vượt qua được mọi thử thách, kết thúc đánh-đàm thắng lợi, đưa cuộc Chống Mỹ cứu nước đến thành công.
Trần Quang Cơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét