Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

ĐIỂM LẠI MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ VỀ CHIẾN THẮNG CỦA BARACK OBAMA TRONG CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ NĂM 2008


ĐIỂM LẠI MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ VỀ CHIẾN THẮNG CỦA
 BARACK OBAMA TRONG CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ NĂM 2008

PGS. TS Văn Ngọc Thành
                                                            Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Ngày 4/11/2008, hầu như cả thế giới hướng vào nước Mỹ hồi hộp, xen lẫn lo âu để rồi vỡ òa ra trong cảm xúc hoan hỉ pha lẫn yên tâm, chia sẻ cùng cử tri Mỹ khi Thượng nghị sĩ phe Dân chủ Barack Obama - người Mỹ da màu gốc Phi 47 tuổi chiến thắng áp đảo với 338 phiếu đại cử tri và hơn 5.270 số phiếu bầu. Đây là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ, cả dưới góc độ lịch sử, văn hóa lẫn chính trị của quốc gia mạnh nhất hành tinh này. Việc Barack Obama thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 là một vấn đề mà thế giới sẽ còn tốn rất nhiều giấy bút để nghiên cứu, vì suy cho cùng, nguồn gốc của hiện tượng thắng cử của Obama là những vấn đề cơ bản của nước Mỹ. Đây là lúc nước Mỹ bộc lộ những vấn đề rất căn bản của nó.
1. Sơ lược về cuộc bầu cử Tổng thống  năm 2008 ở Mỹ:
Kể từ đầu năm 2008 cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2009 - 2013 bước vào giai đoạn quyết liệt. Các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tung hàng triệu Đôla cho cuộc vận động để được đảng đề cử là ứng cử viên của đảng ra tranh Tổng thống. Cuối cùng chỉ còn John McCain và Barack Obama là hai ứng cử viên duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đã đạt tới phí tổn cao nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. Số cử tri đi bầu 64,5%, con số cao nhất kể từ năm 1908 (65,7%). Có 136,6 triệu cử tri và chi phí trung bình cho mỗi cử tri là 8 USD Mỹ, có nghĩa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 tốn 1.088.000.000 USD (1,88 tỷ USD). Trong khi Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, hàng ngàn người mua nhà và nhiều ngân hàng tín dụng bị phá sản, mà hai úng cử viên đã chi phí hơn 300 triệu USD cho cuộc tranh cử Tổng thống. Kết quả của cuộc bầu cử được đài truyền hình CNN công bố khi 99% số phiếu đã được xác nhận ngày 7/11/2008 như sau:
Barack Obama đạt được 349 đại biểu bầu cử, với 64.975.682 phiếu, tỷ lệ:  53% 
- John McCain đạt được 163 đại biểu bầu cử, với 57.118.380 phiếu, tỷ lệ: 46%
Theo thống kê thì đa số cử tri tuổi từ 18 tới 65, đặc biệt nữ giới và tuổi trẻ, bầu cho Barack Obama. Sự kiện này cho thấy mầu da không còn là vấn đề kỳ thị, tự do phá thai hay đồng tính luyến ái được lấy nhau và sự thay đổi chính quyền là khuynh hướng đang có ảnh hưởng mạnh trong xã hội Mỹ ngày nay.
John McCain chỉ được đa số phiếu của cử tri già trên 65 tuổi. Sự kiện này cho thấy người già còn tư tưởng bảo thủ về mầu da cũng như sự tôn trọng các giá trị luân lý đạo đức gia đình.
2. Nhìn nhận cuộc bầu cử dưới góc độ lịch sử, văn hóa và chính trị:
B. Obama trúng cử trong một bối cảnh đặc biệt của nước Mỹ, đó là những khó khăn cả về đối nội lẫn đối ngoại. Có thể nói, thắng lợi của B. Obama không đơn giản là vinh quang, mà phía trước ông là vô vàn thách thức. Cử tri Mỹ, nhân loại tiến bộ kỳ vọng vào Obama và những thách thức đang đón đợi ông. Nước Mỹ đã qua cơn say chiến thắng của cuộc cạnh tranh thời “chiến tranh lạnh”, đang đứng trước những khó khăn, thách thức với cả thế giới “không phải Mỹ”,
Đây là thời điểm mà kinh tế Mỹ suy giảm hơn 5%, 530.000 người bị mất việc làm, đẩy con số thất nghiệp Mỹ lên tới 10,6 triệu người. Muôn vàn công việc, muôn ngàn khó khăn trước mắt Obama song nhân loại vẫn giàu lòng tin rằng ông sẽ dựa vào các cội nguồn uyên bác đa năng, nhân ái của mình, dựa vào gia đình bạn bè, dựa vào trụ cột lớn - niềm tin của tuổi trẻ Mỹ và cử tri Mỹ, dựa vào hy vọng, hòa đồng của nhân loại để hoàn thành sứ mệnh: hòa giải trong lòng nước Mỹ, hòa giải với thế giới đồng nghĩa với việc đào mồ chôn chặt, làm phá sản Chủ nghĩa đơn phương của Học thuyết Bush mà G.Bush toan tính chủ trương để "chiến tranh giữa các vì sao" trong chiến tranh sắc tộc, cách mạng những mớ chiến tranh phi lý, phi nghĩa, vô nhân đạo không có cơ hội xảy ra.
Nước Mỹ là một vấn đề của thế giới, nó ảnh hưởng một cách trực tiếp, sống còn trước hết đến nền kinh tế thế giới và sau đó là ảnh hưởng đến các khuynh hướng chính trị của thế giới. Đấy là một thực tế khách quan, bất chấp việc chúng ta thích hay không thích nước Mỹ, thích hay không thích Tổng thống mới của Mỹ.
Xét về cương lĩnh bầu cử, ta thấy: Khẩu hiệu của Thượng Nghị sĩ John McCain “Tổ quốc trên hết” (Country first) là khẩu hiệu không hợp thời. Một nhà phân tích đã có lý khi cho rằng với khẩu hiệu đó, chính McCain đã góp phần làm cho mình thua ít nhất là 25 – 30%. Khi nước đã ngập đến tầng một rồi thì người ta không nói đến tổ quốc mà người ta nói đến chuyện trong nhà người ta, chuyện thân phận, chuyện cuộc sống của người ta. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Obama có cương lĩnh tranh cử hay hơn. Obama chỉ không sai chứ cương lĩnh tranh cử của ông ấy cũng không hay hơn, một cương lĩnh rất chung chung là“Chúng ta cần sự thay đổi” (Change – We can believe in). Sự xuất hiện song song của hai cương lĩnh tranh cử này và sự thắng cử của cương lĩnh của Obama phản ánh một thực trạng rất thú vị của xã hội Mỹ là cái gì cũng được, miễn là phải thay đổi, tức là không cần phải đưa ra bất kỳ lời hứa gì cụ thể.
Hai cương lĩnh này một cái đề cao việc nước Mỹ phải giữ địa vị như thế nào trên thế giới và còn cái kia đề cao việc người Mỹ phải sống như thế nào trong giai đoạn sắp tới, và kết quả là người Mỹ sống như thế nào trong giai đoạn sắp tới là cương lĩnh thắng cử. Thậm chí, chưa biết là sẽ sống như thế nào nhưng chỉ cần thay đổi thì đã thắng cử rồi, và thắng cử với một tỷ lệ rất ngoạn mục, thắng cử bằng sự nhạy cảm của đội ngũ trung lưu, tức là những nhà chính trị Hoa Kỳ.
Cần hiểu rằng: ưu thế chính trị của Tổng thống Hoa Kỳ đối với dư luận nước Mỹ lớn đến mức là nó được hướng dẫn một cách chắc chắn bằng một tỷ số áp đảo của tầng lớp trung lưu. Việc thắng cử này thể hiện sự bế tắc của nước Mỹ về lý luận phát triển, tức là cả hai cương lĩnh tranh cử ấy đều không có nội dung cụ thể. Đây không phải là sự tranh cãi những nội dung cụ thể mà tranh cãi giữa hai khuynh hướng, khuynh hướng xem quyền lợi quốc gia, xem quyền lợi cộng đồng, xem danh dự của nước Mỹ là số một, và cương lĩnh ấy thất bại trước cương lĩnh là chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta cần phải thay đổi thì cũng chỉ là lời hứa chứ chưa có chất lượng gì rõ ràng cả, nhưng nó thể hiện sự không chấp nhận tiếp tục duy trì những quan điểm chính trị bảo thủ hoặc truyền thống nữa mà cần phải để ý đến con người thật, cần phải giải quyết những vấn đề thật, vấn đề con người chứ không còn là vấn đề quốc gia nữa.
Khái quát lại, bức tranh tổng thể của cuộc bầu cử được thể hiện rõ qua những đặc điểm chính sau đây:
Thứ nhất, nhìn vào số lượng cử tri của cuộc bầu cử chúng ta thấy, đây là lần đầu tiên có một cuộc tranh cử với một số lượng người tham gia bầu cử đông đúc và nhộn nhịp như thế. Điều ấy thể hiện số lượng người Mỹ quan tâm đến bầu cử, quan tâm đến sinh hoạt chính trị này tăng đột ngột. Nhiều tờ báo nói rằng nó ngang với thời kỳ 1960, tức là lúc Chiến tranh lạnh đang ở đỉnh cao, khi mà Khrushchev đưa tên lửa vào Cuba, lúc bấy giờ thế giới hoảng loạn trước triển vọng của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Người Mỹ quan tâm đến chính trị vào thời điểm ấy như thế nào thì bây giờ cũng quan tâm đến vấn đề chính trị của nước Mỹ như vậy, nhưng vấn đề đối nội được quan tâm hơn vấn đề đối ngoại.
Đặc điểm thứ hai của quá trình bầu cử là cũng giống như hầu hết những cuộc bầu cử trước đó, xét về phiếu phổ thông thì hai ứng cử viên chênh nhau không đáng kể, nhưng tỷ lệ phiếu đại cử tri thì lại có sự chênh lệch rất lớn. Chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử tổng thống của nước Mỹ lại có một tỷ lệ kỳ lạ như thế. Như thế có nghĩa là tính cấp tiến của đời sống chính trị của Mỹ hay của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ thể hiện một cách cực kỳ rõ rệt so với dân chúng nói chung, tức là các nhà chính trị Hoa Kỳ năng động hơn dân chúng, nhạy cảm hơn dân chúng. Đấy là một trong những tiêu chí cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đấy là một hướng dẫn chính trị cực kỳ quan trọng đối với xã hội và chiếm một tỷ lệ cực kỳ quan trọng trong việc Thượng Nghị sĩ Obama trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.
Đặc điểm thứ ba là sự thống lĩnh của các vấn đề đối nội, vấn đề kinh tế. Có một thời kỳ rất dài, các tổng thống của Hoa Kỳ vẫn xem các vấn đề đối ngoại là vấn đề cơ bản, tức là địa vị của nước Mỹ trên thế giới quan trọng hơn là vấn đề của người Mỹ. Cuộc bầu cử này ngược hẳn với cuộc bầu cử trước đó gần một năm của người Nga. Trong cuộc bầu cử này, những vấn đề đối nội, những vấn đề thuộc về đời sống của con người ở Mỹ trở thành vấn đề chính trị hàng đầu. Nhưng trong cuộc bầu cử của nước Nga thì địa vị của nước Nga ở trên thế giới trở thành tiêu chí chính trị quan trọng nhất quyết định ai trúng cử.
Đặc điểm thứ tư là sự đồng thuận, sự ủng hộ quốc tế đối với các ứng cử viên. Biểu hiện về thái độ của tất cả các nước được chia ra các nhóm như sau: Nhóm đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ ủng hộ Obama một cách cực kỳ rõ rệt. Nhóm những nước là đối thủ cũ của Hoa Kỳ thì phân hoá và cũng có thái độ tương đối rõ rệt đối với từng ứng cử viên. Và xã hội ở các nước là cựu địch thủ của nước Mỹ hay những nước đang có vấn đề với nước Mỹ cũng phân hoá trong thái độ đối với các ứng cử viên. Sự khác nhau giữa các nhà chính trị và người dân ở các nước có truyền thống không thân thiện với Mỹ thể hiện rất thú vị. Quan điểm của dân chúng và thế hệ trẻ là ủng hộ Obama, kể cả ở Trung Quốc cũng như ở Nga. Còn các nhà cầm quyền thì thận trọng hơn và không bộc lộ một cách rõ rệt. Trong nhóm các nước đối đầu với nước Mỹ có những nước đối đầu trực tiếp và đang có vấn đề nóng với nước Mỹ như Iran, các nước thuộc vùng Trung Đông, các nước châu Phi có vấn đề với Hoa Kỳ thì thái độ của dân chúng cũng như của nhà cầm quyền là có thiện cảm hơn đối với Obama. Phải nói rằng họ đã mệt mỏi trong việc phải đối mặt với tính cứng rắn của những người Cộng hoà. Họ đi tìm một cách tiếp cận mềm hơn và do đó, hy vọng giảm nhịp điệu va chạm của xung đột xuống. Còn dân chúng ở đó thì về cơ bản ủng hộ Obama. Còn nhóm thứ ba là những nước không có quan hệ, không có mối liên hệ trực tiếp đến vấn đề chính trị của Hoa Kỳ hay đến quan hệ với chính phủ Hoa Kỳ một cách thật gay gắt thì thế hệ trẻ nói chung là ủng hộ Obama. Qua phân tích những khía cạnh như vậy thì chúng ta thấy rằng, Obama không có lý do gì không thắng cử.
Thứ năm, một ẩn số cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là người Mỹ có vượt lên trên tâm lý chủng tộc, di chứng của tâm lý phân biệt chủng tộc kéo dài từ khi có nước Mỹ cho đến lúc bấy giờ. Có thể nói, ngày 4/11/2008, Barack Obama là người gốc gác da đen đầu tiên đã thực hiện được ước mơ của Mục sư Martin Luther King (1929-1968), một lãnh tụ da đen đầu tiên dấn thân cho cuộc đấu tranh đòi dân quyền và việc làm cho người da đen. Nhờ thấm nhuần tư tưởng đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi, cha già dân tộc của Ấn Độ, Mục sư King đã công khai dẫn đầu cuộc hành trình từ miền Nam tiến lên Thủ đô Washinton biểu tình nhằm đòi cho người da đen được tự do, bình đẳng và việc làm, những quyền lợi đã được ghi trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776. Năm 1963, Mục sư King đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng trong cuộc biểu tình có hơn 200.000 người tham dự trước đài kỷ niệm cố Tổng thống Abraham Lincoln, (người anh hùng giải phóng nô lệ vào năm 1863), tại Washington D.C. Bài diễn văn có câu Tôi có một ước mơ’’ (I have a dream) đã đi vào lịch sử và được coi như lời ước nguyện của dân Mỹ da đen trong hơn 40 năm qua.
Giấc mơ của Martin Luther King nay trở thành sự thật!
Không chỉ người Mỹ da đen gốc Phi được tự do và phát triển mạnh trong các lĩnh vực, đặc biệt nổi tiếng thế giới trong ngành thể thao bóng rổ, quyền Anh, quần vợt, âm nhạc, phim ảnh v.v… mà còn dấn thân trên chính trường và trở thành các nhân vật nổi danh trong chính quyền như: Tướng Colin Powell, GS.TS. Condoleezza Rice, v.v… Nay giấc mơ đó đã vươn tới đỉnh cao nhất là chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, một chức vụ đầy quyền lực không chỉ trong nước Mỹ mà có ảnh hưởng bao trùm thế giới.
Phân tích năm đặc điểm này thì chúng ta sẽ có một bức tranh toàn diện về việc trúng cử của Obama và những vấn đề mà ông ấy phải đối đầu từ tháng 1/2009 khi chính thức lên cầm quyền. Rõ ràng là tất cả những vấn đề nêu trên đều có sự hòa quyện chặt chẽ của những nhân tố lịch sử văn hóa lẫn chính trị Mỹ. Nói một cách khác, các nhân tố lịch sử, văn hoá, chính trị hòa quyện đan xen lẫn nhau, cùng thể hiện mối quan hệ tương tác chặt chẽ trong cuộc bầu cử này.
Giới trẻ Mỹ đã hậu thuẫn Obama. Họ không chỉ tuyên bố sẽ bầu Obama mà còn vận động phụ huynh họ bầu cho Obama. Trong lịch sử hơn 200 năm nước Mỹ, Obama không chỉ là người da màu gốc Phi đầu tiên ứng cử chức Tổng thống được đón chào đến thế, Obama còn là nhân vật tranh cử Nguyên thủ đầu tiên vận dụng thành tựu công nghệ tin học vào chính trị một cách đắc lực. Cũng chính Obama là người đạt kỷ lục về gây quỹ tranh cử. Nhiều người vốn đang đứng về phe McCain thất vọng về ông ta liền quay sang ủng hộ Obama. Trường hợp cựu Ngoại trưởng C.Powel là một điển hình. Phe Cộng hòa đã sử dụng đến cả lá bài xấu chơi là: đánh vào Syri để ghi điểm cho McCain nhưng vô hiệu vì nhân dân Mỹ đang mơ giấc mơ “thay đổi”. Họ quá thất vọng về chính quyền đương nhiệm, không muốn tồn tại sự "kéo dài của G.Bush" trong Nhà Trắng. Họ hoang mang vì sự sụp đổ nền tài chính Mỹ. Tất cả những suy nghĩ ấy, tình cảm ấy, tâm nguyện ấy còn lớn hơn gấp bội sự phân biệt chủng tộc, kì thị sắc tộc màu da. Nhân dân Mỹ quyết tâm tung hê barrie chủng tộc. Tâm lý ấy cố kết thành một khối lập nên kỷ lục: chưa bao giờ cử tri Mỹ đi bầu Tổng thống sớm như thế, đông như thế với một tinh thần thái độ nghiêm mật cẩn trọng như thế. Những trường học, những cơ sở công cộng dùng làm điểm bỏ phiếu đông nghịt người nhưng sự việc diễn ra hết sức trật tự, nhiệt thành tới mức đáng kính. Đó là không khí, là quang cảnh bao trùm nước Mỹ ngày 4/11/2008. Ngày này nước Mỹ trở thành tâm điểm chú ý của cả hành tinh, còn khắp hành tinh từ chính khách đến người bình dân, từ các bậc tuổi cao vọng trọng đến những đầu xanh tuổi trẻ với phương tiện thông tin đã dõi vào nước Mỹ để rồi càng hoan hỉ reo vui khi biết ứng viên Obama đã chiến thắng áp đảo, ngoạn mục, đầy thuyết phục. Có một ý kiến cho rằng, với cuộc bầu cử năm 2008, nước Mỹ đã dạy cho thế giới một bài học về dân chủ. Thế giới thật khó để chấp nhận tư tưởng đó nhưng ở cấp độ nước Mỹ thì nó không phải không có lý!
Ngày 4/11/2008, ngày Obama chiến thắng, ngày đi vào lịch sử với chiến tích vĩ đại lớn lao chưa từng có. Song cần phải nhận thức nghiêm túc, sâu sắc rằng có được ngày lịch sử ấy, có được kỳ tích về lương tâm nước Mỹ, lương tâm thế giới quy về một mối và ông Barack Obama- người chạm tới được tâm thức nhân dân Mỹ là chạm tới được tâm thức cộng đồng toàn nhân loại, chạm vào lịch sử, trở thành nhân vật trung tâm của nước Mỹ. Ngày 4/11/2008 cũng có thể gọi là ngày Obama - ngày hội lớn của nhân dân Mỹ và thật khó để chúng ta tách bạch các nhân tố lịch sử, văn hóa và chính trị trong thắng lợi của cuộc bầu cử này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét