Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam 1968-1973

Hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam 1968-1973
Nửa tháng sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 15/5/1975, buổi lễ mừng Việt Nam toàn thắng được tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (đợt I) đã giành được thắng lợi quan trọng. Một bộ phận lớn quân Mỹ và quân đội VNCH bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nhưng thắng lợi lớn nhất là về chính trị, tinh thần. Cuộc tổng tấn công đồng loạt của quân ta Xuân Mậu Thân đạt được nhiều cái nhất: Một là, cuộc tiến công có quy mô lớn nhất từ trước đến lúc đó vào 4 thành phố lớn nhất và 37 thị xã ở miền Nam; hai là đánh vào chính nơi mạnh nhất của kẻ thù là các trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế; ba là, cuộc tiến công vào thời điểm bất ngờ nhất, đồng loạt vào đêm giao thừa; bốn là cuộc tiến công được chuẩn bị bí mật nhất, đem lại hiệu quả cao nhất mặc dù không tiêu diệt được nhiều sinh lực kẻ thù. Chính vì thế, cuộc Tổng tiến công đã làm lung lay dữ dội ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Chính phủ Mỹ phải thừa nhận một sự thật là với gần nửa triệu quân Mỹ có mặt ở miền Nam tính đến thời điểm đó, đã tiến hành liên tiếp hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 với ý đồ tìm và diệt chủ lực Quân Giải phóng, giành lại quyền chủ động chiến trường, nhưng Mỹ đã không đạt được mục tiêu đề ra, không thể thắng được về mặt quân sự. Trái lại, lại bị giáng một đòn quân sự chí tử. Thêm nữa, Chính quyền Mỹ còn cay đắng nhận ra một sự thật khác là phần đông người dân miền Nam đã giúp đỡ cộng sản, bảo vệ, giữ bí mật cho cả một quá trình chuẩn bị hàng tháng trời cho cuộc Tổng tiến công. Chính vì thế, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải lên đài truyền hình tuyên bố 3 điểm quan trọng: Hạn chế ném bom bắn phá miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra Bắc; chấp nhận đàm phán tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh; không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ hai.
Nhà sử học Nguyễn Mạnh Hà sinh năm 1956 tại Hà Nội, sống tại Hà Nội. Từ năm 2006 đến 2011, ông là Đại tá, Phó Giáo sư-Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng,  từ 1/2012 là Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của nhiều bài viết và tham luận tại các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về cuộc đàm phán Paris.  
Điều đáng tiếc là sau thắng lợi của đợt I, các lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam lại liên tiếp cố mở đợt tiến công thứ hai (5/1968) và thứ ba (tháng 8/1968), khi tính bí mật bất ngờ không còn và lực lượng đã bị tổn thất nặng nề. Ta đã phạm sai lầm lớn về chỉ đạo chiến lược là tiếp theo đó đã không kịp thời chuyển hướng tiến công, vẫn tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh cách mạng vào thành thị, chủ quan trong việc đánh giá tình hình nên đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó, không đánh giá hết âm mưu địch trong kế hoạch bình định nông thôn. (1)
Chính do sai lầm đó mà chỗ đứng chân của bộ đội chủ lực trên nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam bị thu hẹp, nhiều đơn vị sau khi rút ra khỏi các thành thị, đã không còn chỗ đứng chân ở nông thôn đồng bằng, phải rút lên vùng rừng núi, rút sang bên kia biên giới Việt Nam-Campuchia, rút ra miền Bắc. Có thể nói, tình hình khó khăn về thế và lực của cách mạng, đặc biệt là về quân sự, kéo dài sang cả năm 1969, đầu năm 1970.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/1968 đã đưa đến thắng lợi cho Nixon thuộc Đảng Cộng hòa. Nixon đã triển khai Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh - một chiến lược toàn diện về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế để rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ về nước, mà chính quyền, quân đội Sài Gòn vẫn đứng vững và mạnh lên. Công thức của Việt Nam hóa chiến tranh là: Quân đội Sài Gòn cộng với vũ khí trang bị, hậu cần, tiền của của Mỹ, do Mỹ chỉ huy để tiếp tục chiến tranh bằng chủ trương chiến lược quét và giữ, phòng ngự có chiều sâu, đẩy mạnh chương trình bình định.
Về phía ta, từ nửa cuối năm 1968 trở đi, cách mạng miền Nam gặp những khó khăn gay gắt cả về lực lượng, vũ khí trang bị, đảm bảo hậu cần, đứng trước những thử thách rất nghiêm trọng. Đây là thời điểm có thể nói là khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, Đảng ta đã phân tích tình hình thực tế diễn biến ở cả hai miền Nam, Bắc, chỉ ra những mâu thuẫn cơ bản khó có thể khắc phục được của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Đó là việc Mỹ rút quân, xuống thang chiến tranh không thể làm cho quân đội Sài Gòn mạnh lên vì đây là chỗ dựa cơ bản, sống còn của quân đội, chính quyền Sài Gòn.
Đó là Mỹ muốn rút càng sớm càng tốt để giảm bớt thương vong và chi phí chiến tranh, nhưng muốn tăng cường khả năng và lực lượng cho quân đội Sài Gòn thì phải kéo dài chiến tranh; chưa kể sẽ gây ra mâu thuẫn giữa Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Đó là nếu Mỹ chỉ rút quân nhỏ giọt để hỗ trợ cho Việt Nam Cộng hòa thì sẽ lại làm tăng mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ, trong nội bộ giới cầm quyền và làm cho phong trào phản chiến càng lên cao…
Vì thế, Đảng ta nhận định: tuy cách mạng miền Nam gặp khó khăn, nhưng Mỹ cũng đang đứng trước sự bế tắc về chiến lược tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh vì đã có những nỗ lực quân sự cao nhất nhưng cũng hứng chịu thất bại rất nặng nề.
Chủ trương của Đảng ta trong năm 1969 là đẩy mạnh tiến công cả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn để buộc Mỹ phải rút quân và quân đội Sài Gòn không thể đảm đương nhiệm vụ thay thế quân Mỹ trên chiến trường; phá kế hoạch bình định của kẻ thù. Các đơn vị chủ lực Quân giải phóng được lệnh củng cố quân số, vũ khí, trang bị, điều chỉnh tổ chức biên chế cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Các lực lượng của miền Bắc tiếp tục được đưa vào miền Nam.
Trong năm 1969, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã mở nhiều chiến dịch và nhiều cuộc hành quân trên các chiến trường nhằm mục tiêu quét và giữ, củng cố vùng kiểm soát, bắt đầu quá trình rút quân Mỹ về nước.
Hoạt động quân sự nổi bật của quân và dân miền Nam diễn ra ngay đầu năm 1969. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, đêm 22 rạng sáng 23/2/1969, quân và dân ta đồng loạt mở cuộc tiến công mùa Xuân, đánh vào hơn 400 mục tiêu quân sự của địch tại 36 thành phố, thị xã, 100 quận lỵ, thị trấn, 35 sở chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên, 38 sân bay, 17 căn cứ hậu cần… (2) Tuy đây là một nỗ lực quân sự lớn của ta, là một đòn đánh bồi vào ý chí xâm lược, vào chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, nhưng trong bối cảnh thế và lực của cách mạng miền Nam lúc đó, kết quả của đợt tiến công rất hạn chế, một số địa phương ở Nam Trung Bộ và Khu 9 không thực hiện được mục tiêu đề ra.
Sau đợt tiến công mùa Xuân, quân và dân ta vẫn cố gắng duy trì các hoạt động tiến công quân sự trong mùa Hè, mùa Thu tại các chiến trường ở miền Đông Nam Bộ, Khu 5, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Trị Thiên bằng các chiến dịch nhỏ nhưng hiệu quả đạt được không cao.
Tháng 1/1970, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 18, chỉ ra những cố gắng của quân và dân ta trong năm 1969, đồng thời vạch rõ: mặc dù ta đã nhận định được âm mưu và thủ đoạn mới của địch, nhưng chưa tìm ra được biện pháp đối phó một cách phù hợp… chưa giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ tiêu diệt địch với nhiệm vụ giành dân, giữa duy trì và đẩy mạnh chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị với xây dựng lực lượng vũ trang và chính trị ở cơ sở. Từ nhận định tình hình, âm mưu, hành động của Mỹ và tay sai trong năm 1970, Hội nghị Trung ương lần thứ 18 đề ra nhiệm vụ cho Cách mạng miền Nam năm 1970 và những năm tiếp theo là: động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân trên cả hai miền, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị kết hợp với tiến công ngoại giao, vừa tiến công vừa xây dựng lực lượng, đánh bại âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Trong tiến công quân sự, cần đẩy mạnh tác chiến chính quy của bộ đội chủ lực, đồng thời phát triển chiến tranh du kích ở địa phương, lấy hướng hoạt động chính là nông thôn đồng bằng.
Trong năm 1970, cùng với việc triển khai hoạt động quân sự trên các chiến trường ở miền Nam, bộ đội chủ lực đã phối hợp chặt chẽ với quân dân Lào, Campuchia, từng bước đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ ra cả bán đảo Đông Dương. Phối hợp với bạn Lào mở chiến dịch phản công 139, khôi phục vùng giải phóng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (4/1970), đập tan cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ và đồng minh ở Lào, giáng đòn nặng vào âm mưu mở rộng chiến tranh đặc biệt ở Lào.
Đầu tháng 5/1970, chủ lực Quân giải phóng đã phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Cămpuchia đánh bại cuộc hành quân của 10 vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn sang đất Cămpuchia nhằm phá hủy khu vực "đất thánh" của Trung ương Cục miền Nam tại khu vực Mỏ Vẹt, Móc Câu, khiến cho cơ quan lãnh đạo cao nhất và các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam mất đất đứng chân và bị tiêu diệt. Cuộc tiến công quy mô này kéo dài tới hai tháng (từ 30/4 đến 30/6/1970), với tổng cộng 23 cuộc hành quân đánh ồ ạt sâu vào đất Cămpuchia và diễn ra trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, là cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn, đã bị thất bại, không đạt được các mục tiêu đề ra. Các cơ quan Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền vẫn an toàn; hệ thống căn cứ, kho tàng, bệnh viện, các tuyến tiếp tế hậu cần của cách mạng miền Nam cơ bản được giữ vững. Quân Mỹ và quân đội Sài Gòn phải rút về miền Nam với 7.450 lính Sài Gòn và 2.765 lính Mỹ thiệt mạng.
Ngày 19/6/1970, Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng họp ra Nghị quyết về "Tình hình mới ở bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ của chúng ta", xác định phải "kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, kết hợp chặt chẽ hơn nữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, tiếp tục xây dựng thế thế tiến công chiến lược mới ngày càng mạnh mẽ, tiêu diệt thật nhiều lực lượng quân sự của Mỹ - ngụy, tập trung lực lượng đập tan kế hoạch bình định và âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh, làm thất bại chiến lược phòng ngự và kéo dài chiến tranh của chúng.(3)
Tiếp đà giành thắng lợi quân sự trên chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia trong Đông Xuân 1970-1971, quân và dân miền Nam phối hợp với quân dân Lào, Campuchia tiếp tục đánh bại ba cuộc hành quân Lam Sơn 719 ra Đường 9 - Nam Lào, Toàn thắng 1-71 ở Đông Bắc Cămpuchia và Quang Trung 4 ở vùng Ngã ba Biên giới thuộc Bắc Tây Nguyên.
Đặc biệt là bộ đội ta đã mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào trong tháng 2 và tháng 3 /1971, tại khu vực Bản Đông, Sê pôn, Nam Lào, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của 45.000 quân đội Sài Gòn, có một bộ phận quân Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 20.000 tên, đánh bại cố gắng cao nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong vai trò là lực lượng chủ yếu của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Chiến thắng to lớn này đã chấm dứt quá trình tiến công phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - Ngụy, mở ra triển vọng sáng sủa, tốt đẹp cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sang đầu năm 1973, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương họp và đề ra chủ trương kiên quyết đánh địch bằng 3 đòn chiến lược: Đẩy mạnh tiến công của bộ đội chủ lực ở những hướng và chiến trường có lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng; Đẩy mạnh đòn tiến công và nổi dậy ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng, kết hợp tiến công quân sự, chính trị, binh vận; Đẩy mạnh đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân ở thành thị. Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị thông qua phương án của Quân ủy Trung ương, quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lấy Trị Thiên làm hướng tiến công chủ yếu. Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hướng phối hợp.
Ngày 30/3/1972, quân ta nổ súng ở Trị Thiên, mở màn cho cuộc tiến công chiến lược 1972. Ngày 2/5/1972, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Đây là thắng lợi quân sự rất quan trọng, có ý nghĩa trong năm bản lề 1972 có nhiều sự kiện quân sự, ngoại giao lớn đan xen. Đó là hai chuyến thăm Trung Quốc (2/1972), Liên Xô (5/1972) của Tổng thống Mỹ Nixon gây chia rẽ và bất lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đó là việc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, thả mìn, thủy lôi phong tỏa các cảng, cửa sông, cửa biển của miền Bắc từ 6/4/1972 với quy mô và cường độ ác liệt hơn trước, gây khó khăn cho vận chuyển tiếp tế cho miền Nam cả đường bộ và đường thủy.
Cuộc tiến công chiến lược ở Trị Thiên và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã giành được những thắng lợi rất quan trọng song cũng chịu nhiều tổn thất hy sinh (đặc biệt là trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, từ 25/6 đến 16/9/1972), đã tạo điều kiện cho đấu tranh ngoại giao thu được kết quả. Đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Pari đã chủ động có bước đột phá, đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (10/1972), đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng, phải đi vào đàm phán thực chất.
Đặc biệt, quân và dân miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của Mỹ, làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không". Đây là thắng lợi quân sự lớn nhất, góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ về nước, mở ra thời cơ chiến lược để quân và dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào" vào mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh HàViện Lịch sử Đảng

(1) Ban Tổng kết chiến lược trực thuộc Bộ Chính trị. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học. NXB Chính trị quốc gia, H, 1996, tr. 117, 118
(2) Bộ Quốc phòng. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, NXB CTQG, 2003, tập 5, tr. 91.
(3) Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập 5, Sđd, tr. 243

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét