Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

TÌNH HÌNH GIẢNG DẠY LỊCH SỬ BẬC PHỔ THÔNG TRUNG HỌC Ở PHÁP VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG VÀO VIỆT NAM


TÌNH HÌNH GIẢNG DẠY LỊCH SỬ BẬC PHỔ THÔNG
 TRUNG HỌC Ở PHÁP VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG VÀO VIỆT NAM

           TS. Nguyễn Thị Hạnh
                                           Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Lời mở đầu
Pháp là nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu trên thế giới ở cả hệ thống những trường đại học danh tiếng lẫn sự đa dạng của những ngành đào tạo. Trong đó, khoa học xã hội là ngành có thế mạnh hàng đầu ở cả những yếu tố truyền thống, lịch sử (LS) lẫn hiện đại. Môn LS là môn học luôn được chú trọng trong hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học đến Sau đại học, thể hiện rõ thông qua mục tiêu, chương trình, nội dung và cách thức đào tạo trong nhà trường lẫn thái độ của xã hội đối với môn học. Trong nội dung đào tạo ở bậc Phổ thông, môn LS là một trong những môn thi được lựa chọn cố định trong các kỳ thi hết cấp, là môn học đựơc định hướng nhằm phát triển tư duy logic, khả năng phân tích, đánh giá và trình bày vấn đề. Do đó, một bài luận LS luôn là yêu cầu được đặt ra sau mỗi phần học ở bậc PTTH, có vai trò giáo dục về mặt tư tưởng nhằm định hướng cho thế hệ trẻ thái độ bảo vệ nền dân chủ và chế độ Cộng hoà Pháp.
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, trong những thập niên gần đây, nền giáo dục nước Pháp cũng bị ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của xu thế “toàn cầu hoá” và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Các ngành khoa học ứng dụng thuộc lĩnh vực công nghệ cao ngày càng phát triển và càng thu hút đông đảo giới trẻ theo học và lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Ngành khoa học xã hội nói chung và LS nói riêng đứng trước những khó khăn và thách thức to lớn bởi giới trẻ Pháp ngày càng thờ ơ với các môn học xã hội và số lượng thí sinh đăng kí vào các ngành xã hội ở các trường đại học công ngày càng giảm. Thêm vào đó, những khó khăn về kinh tế khiến chính phủ Pháp phải cắt giảm phần lớn nguồn ngân sách dành cho đào tạo và nghiên cứu thuộc khoa học cơ bản ở các trường Đại học càng làm các ngành học thuộc khoa học xã hội ở Pháp đối mặt với những vấn đề nan giải[1].
Bên cạnh đó, xu thế “toàn cầu hoá” cũng mở ra những thời cơ mới cho nền giáo dục nước Pháp. Pháp là một trong những nước có số lượng du HS hàng đầu trên thế giới, trong đó, số lượng du HS đến từ khắp các châu lục đăng kí học các ngành học thuộc khoa học xã hội trong đó có ngành Sử tăng đáng kể. Đứng trước tình hình đó, Bộ GD - ĐT  Pháp đã những chính sách lớn thay đổi thông qua những dự án cải cách giáo dục từ bậc Tiểu học đến Sau đại học. Một trong những thay đổi lớn của chương trình cải cách này tập trung vào các bộ môn thuộc khoa học xã hội trong đó có môn LS với mục tiêu vừa đưa nền giáo dục Pháp nhanh chóng thích nghi đựoc với xu hướng phát triển mới của thế giới, vừa giữ đựơc thế mạnh truyền thống của một nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Những kết quả bước đầu của chương trình cải cách giáo dục Pháp đã mang lại những kết quả khả quan.
Ngày nay, giáo dục Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn và thử thách to lớn. Sự thờ ơ của thế hệ trẻ đối với những môn học xã hội, ngành học xã hội đang ở trong tình trạng đáng báo động. Lịch sử, môn học nền tảng của khoa học xã hội, đang trở nên bị xem nhẹ cả ở trong nhà trường lẫn ngoài xã hội. Nhiều biện pháp cải cách giáo dục cũng đã được đưa ra trong những năm qua song vẫn không cải thiện được tình hình. Nhiều mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng được Việt Nam học hỏi và áp dụng. Song, câu trả lời cho một giải pháp phù hợp và thoả đáng để có thể nâng cao chất lượng đào tạo nhất là đối với những ngành khoa học xã hội vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn vấn đề “Tình hình giảng dạy LS bậc phổ thông Trung học ở Pháp và khả năng ứng dụng tại Việt Nam” cho bài viết này với mong muốn đóng góp một góc nhìn đa chiều về tình hình giảng dạy LS trên thế giới và đưa ra những gợi ý ban đầu cho khả năng học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm của thế giới vào Việt Nam.
2. Nội dung
2.1. Tình hình giảng dạy LS bậc PTTH ở Pháp.
Trong hệ thống giáo dục của Pháp, bằng tốt nghiệp PTTH (bằng Tú tài) rất có giá trị bởi nó được sử dụng để đăng kí vào học ở các trường đại học công cũng như được sử dụng để đăng kí vào các trường cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề[2]. Do đó, có được bằng tú tài không phải là điều dễ dàng đối với những học sinh (HS) cuối cấp, bởi họ phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp gắt gao và tỉ lệ trượt tốt nghiệp THPT ở Pháp hàng năm không nhỏ. Với mục tiêu trang bị cho HS tốt nghiệp phổ thông trung học ở Pháp một mặt bằng kiến thức xã hội rộng, khả năng phân tích và và định hướng tốt cho tương lai, chương trình học cuối cấp THPT ở Pháp tương đối “nặng” về mặt kiến thức. Chương trình giáo dục của Pháp duy trì hệ thống đào tạo Phân ban ở bậc PTTH nhằm định hướng cho sự lựa chọn nghề nghiệp và lựa chọn ngành học ở bậc cao hơn. Do đó, sách giáo khoa (SGK)  ở năm cuối thuộc các môn học phân ban cũng được chia thành 2 loại. Ví dụ như môn LS, thuộc chuyên ban Xã hội, thì SGK môn LS cũng gồm 2 quyển: một dành cho chuyên ban Xã hội và một dành cho các chuyên ban khác, với lượng kiến thức khác nhau. Chúng tôi lấy ví dụ SGKLS lớp 12[3] của Pháp do Nxb Nathan ấn hành (2004) gồm 02 quyển. Quyển dành cho chuyên ban Xã hội (Manuel de Terminale L/ES) gồm 14 chương với 384 trang; trong khi Quyển dành cho các chuyên ban khác (Manuel de Terminale S) chỉ gồm 10 chương với 288 trang[4]. Mặc dù khác nhau về thời lượng kiến thức song cấu tạo bài học của hai cuốn SGKLS này lại tương đối thống nhất. Mục tiêu đề ra của môn học LS bên cạnh việc cung cấp kiến thức là hướng tới rèn luyện nhiều kỹ năng cho người học. Do đó, cấu trúc của một bài học LS cũng chia ra làm nhiều phần để hướng tới việc rèn luyện các kỹ năng đó. Chúng tôi xin làm rõ nội dung trên bằng dẫn chứng cụ thể cấu trúc bài học LS trong SGK lớp 12 của Pháp.
- Nội dung giảng dạy LS nằm trong chương trình lớp 12 của Pháp được chia thành các chương khác nhau. Mỗi chương giải quyết một nội dung cơ bản lớn đã được lựa chọn trong chương trình. Cấu tạo mỗi chương gồm 2 nội dung: Phần 1 là nội dung bài học và Phần 2 là phần luyện tập chuẩn bị cho thi Tốt nghiệp.
Phần 1: Cấu trúc của nội dung bài học LS bao gồm 4 mục:
Mục 1- Mở đầu : Giới thiệu nội dung cơ bản của toàn bài học và hệ thống "câu hỏi định hướng "(les questions clés) Phần này được viết rất ngắn gọn (khoảng 4 đến 5 dòng), chủ yếu là nêu những sự kiện LS quan trọng của bài học một cách hệ thống cùng với việc đưa ra khoảng từ 2 đến 3 câu hỏi định hướng mang tính khái quát nhằm giúp HS hình dung được những nội dung chính sẽ triển khai trong bài và những nội dung cơ bản cần phải nắm được khi kết thúc bài học;
Mục 2- Nội dung bài học và tài liệu bổ trợ. Trong phần này, những sự kiện cơ bản của bài học được lựa chọn và trình bày một cách hệ thống, ngắn gọn. Để làm rõ hơn nội dung những sự kiện đó, hệ thống các nguồn tài liệu bổ trợ được giới thiệu kèm theo. Nguồn tài liệu này thường là những đoạn trích từ các tài liệu gốc (như: các điều khoản của hiệp định, bài phát biểu của các nguyên thủ quốc gia, bản ghi nhớ của các hội nghị…vv). Nhiệm vụ của người học là phải đọc, phân tích và đưa ra nhận xét về nội dung của các tài liệu đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Để hỗ trợ cho HS dễ dàng hiểu và nắm được nội dung chính của bài học, một hệ thống các khái niệm và các từ vựng mới mà trong bài học có đề cập tới thì được lựa chọn ra và chú giải rõ ràng. Cách lựa chọn nội dung và biên soạn SGK như thế giúp nguời học có thể chủ động tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng phân tích, nhận xét.
Mục 3 - Hồ sơ tư liệu. Thực tế, đây là một nội dung mới nằm trong chương trình cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục Pháp bắt đầu được triển khai từ năm 2004 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc PTTH. Đứng trước một thực trạng giới trẻ Pháp ngày càng thờ ơ với các môn khoa học xã hội trong đó có môn LS, tình trạng “lười tư duy” ngày càng phổ biến do ảnh tác động ngày càng mạnh mẽ của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, Bộ Giáo dục Pháp đã quyết định tăng cường nội dung luyện kỹ năng phân tích, tư duy sáng tạo vào trong bài học LS thông qua mục Hồ sơ tư liệu. Trong phần này, SGK đưa ra một sự kiện thuộc kiến thức cơ bản của bài học với tiêu chí là sự kiện đó có . nghĩa sâu sắc đối với nội dung của toàn bài, đồng thời sự kiện đó cũng có tác động và . nghĩa lớn đối với cả một giai đoạn LS sau đó. Để giải thích cho sự kiện đó, SGK lựa chọn giới thiệu từ 4 đến 5 đoạn trích từ các nguồn tài liệu khác nhau như trích từ các văn bản gốc, các cuốn chuyên khảo, các bài báo… và cùng với đó là hệ thống các câu hỏi hướng dẫn. Nhiệm vụ của HS là đọc các đoạn trích tài liệu, trên cơ sở đó phân tích, đưa ra nhận xét về sự kiện đó theo định hướng của hệ thống câu hỏi hướng dẫn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đó, HS phải thể hiện sự hiểu biết và quan điểm riêng của mình về vấn đề vừa tìm hiểu thông qua một bài luận ngắn. Mục tiêu của phần học này nhằm rèn luyện cho người học kỹ năng làm việc độc lập với tư liệu, kỹ năng phân tích tư liệu và phê phán tư liệu đồng thời rèn luyện khả năng thể hiện ý tưỏng thông qua bài luận[5].
Mục 4: Ôn tập: Ở phần này, SGK đưa ra những nhận xét được rút ra trên cơ sở nội dung chính của bài học đã được đề cập đến ở các phần trước, nhấn mạnh các "các từ khoá" (les mots clés) của bài, các nhân vật LS và các sự kiện tiêu biểu. Đồng thời, trong mục này, SGK giới thiệu những công cụ học tập nhằm giúp HS có thể đi sâu tìm hiểu thêm về các nội dung đã học bao gồm: tài liệu tham khảo, các bảo tàng, các bộ phim tư liệu và một số trang web. Bên cạnh đó là hệ thống các bài tập dưới nhiều dạng khác nhau như: câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận, vẽ sơ đồ, biểu đồ… Các loại bài tập đó đựợc áp dụng một cách đa dạng tuỳ vào từng nội dung với mục tiêu giúp HS ghi nhớ được các kiến thức cơ bản của bài học.
Phần 2 : Là phần luyện tập chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp được đưa vào sau mỗi bài học. Phần này bao gồm các mục hướng dẫn cách đọc tài liệu, cách phân tích tài liệu, cách trả lời câu hỏi… và một bài kiểm tra thử. Ở mỗi một mục lại có những hướng dẫn hết sức chi tiết cho HS cách làm theo đúng yêu cầu, gợi . về mặt thời gian dành cho mỗi nội dung và cách đánh giá cho điểm.
- Bên cạnh nội dung hết sức chi tiết trong từng bài học, SGK LS của Pháp còn sử dụng một cách tối đa các kênh hình và các màu sắc để thể hiện các nội dung khác nhau với mục đích là nhằm gây hứng thú cho người học, giúp người học dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức đồng thời với việc phát huy khả năng phân tích và tư duy. Bản đồ, tranh ảnh, bảng biểu…được sử dụng với mức độ dày đặc trong mỗi nội dung bài học và chứa đựng rất nhiều thông tin. Bên cạnh đó, việc sự dụng đa dạng các màu sắc để diễn các nội dung các sự kiện LS hoặc để phân loại mức độ quan trọng của các sự kiện cũng giúp người học ghi nhớ thông tin một cách dễ dàng và lưu giữ thông tin lâu hơn (ví dụ: chữ màu đỏ được sử dụng ở các nội dung cơ bản nhất của bài, sau đó tầm quan trọng của nội dung bài học được minh hoạ lần lượt bằng các màu sắc khác nhau: màu vàng, màu tím, màu xanh.....) Nhìn vào cuốn SGKLS của Pháp, người ta thường hay liên tưởng tới một cuốn truyện tranh với cách trình bày đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn mà ở đó, người học có hứng thú để tiếp nhận kiến thức cũng như có cơ hội để phát huy tính tích cực và chủ động trong học tập. Với một cấu trúc bài học như đã trình bày ở trên, trong các giờ học LS cấp PTTH ở Pháp, người thầy thực sự đóng vai trò là người giúp đỡ, hướng dẫn cho HS chủ động tiếp thu kiến thức. Thông qua các hoạt động của mình, người thầy giúp HS hiểu rõ hơn các câu hỏi hướng dẫn được nêu ra trong bài học, tổ chức cho HS thảo luận, giải thích các vấn đề mà HS thắc mắc và định hướng cho HS hiểu đúng bản chất của các sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, người học cũng thực sự phát huy được tính tích cực và chủ động, sự hứng thú trong việc khám phá, tiếp thu kiến thức. Điều này khiến người học có thể ghi nhớ các sự kiện LS một cách dễ dàng hơn, hiểu các sự kiện này một cách sâu sắc hơn.
2.2. Một vài nhận xét và kiến nghị
Một vài nhận xét
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng, cấu trúc chương trình và nội dung SGK LS PTTH ở Pháp hoàn toàn phù hợp với l. luận dạy học hiện đại đó là “lấy người học làm trung tâm” song cũng không làm giảm đi vai trò quan trọng của người thầy, mà ngược lại, vị trí của người thấy càng được đề cao hơn trong vai trò là người dẫn dắt, định hướng, khuyến khích lòng say mê và sự sáng tạo của HS trong quá trình học tập. Chương trình và nội dung đó cho phép cả người dạy và người học phát huy được hết tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong quá trình dạy học.
Thứ hai, một bài học LS ở Pháp đòi hỏi HS phải nắm được một lượng kiến thức tương đối rộng và phải rèn luyện được nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, đòi hỏi này không làm cho cả người dạy lẫn người học cảm thấy nặng nề hoặc “quá tải”. Sự phân bố hợp lý và khoa học của lượng kiến thức cũng như quá trình rèn luyện các kỹ năng từ dễ đến khó khiến cho người học có được cảm giác thích thú, say mê khám phá kiến thức và khả năng của bản thân. Điều này đựoc thể hiện rất rõ trong 4 mục của nội dung bài học đã được giới thiệu ở phần trên. Do đó, việc dạy và học LS trong các trường PTTH ở Pháp không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức và tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện cho HS đựợc kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận xét và thể hiện quan điểm của mình đối với các sự kiện LS.
Thứ ba, ở mỗi một nội dung, SGK đều đưa được ra hệ thống các câu hỏi với mục tiêu định hướng cho HS tìm hiểu bài học, ghi nhớ sự kiện, hiểu sự kiện và phân tích, đánh giá được sự kiện. Một điểm đáng lưu ý là trong hệ thống câu hỏi đó, những câu hỏi kiểm tra sự ghi nhớ sự kiện một cách máy móc, đơn thuần chỉ cần "học vẹt" của HS là không có. Đểkiểm tra sự ghi nhớ sự kiện của người học, các câu hỏi đều kết hợp giữa kiểm tra sự ghi nhớ đó trong một bối cảnh mà người học phải lựa chọn sự kiện và phải lí giải tại sao lựa chọn sự kiện đó. Như vậy, hệ thống câu hỏi trợ giúp người học không phải ghi nhớ sự kiện một cách máy móc mà buộc người học phải hiểu sự kiện. Do đó, người học sẽ ghi nhớ sự kiện lâu hơn, dễ dàng hơn trên cơ sở “hiểu”.
Thứ tư, sau khi kết thúc mỗi bài học, phần ôn tập kiến thức, kiểm tra đánh giá và luyện tập để chuẩn bị cho bài thi Tốt nghiệp trong SGKLS lớp 12 của Pháp thực sự đã giúp người học chủ động trong việc học tập và tạo một tâm lí thoải mái cho người học khi được biết trước những yêu cầu mà mình phải đạt đựơc. Yêu cầu của một kiểm tra LS ở Pháp không đòihỏi người học nhớ và nhắc lại một cách máy móc các sự kiện đã được nhắc đến trong nội dung bài học. Bài kiểm tra luôn yêu cầu người học phân tích một vấn đề hoặc thể hiện sự hiểu biết của mình về một chủ đề nào đó mà có liên quan đến nội dung cơ bản của bài học. Bài kiểm tra chỉ sẽ được đánh giá đạt yêu cầu khi người học phải đảm bảo thực hiện được 3 yêu cầu: diễn đạt và ngữ pháp đúng, nắm được các sự kiện cơ bản và thể hiện được sự hiểu biết cá nhân.
Thứ năm, hệ thống kênh hình đa dạng trong các bài học LS ở SGK của Pháp đã khiến cho bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người học ; góp phần rèn luyện nhiều kỹ năng cho người học và hoàn thành tốt nhiệm vụ “tạo biểu tượng”, giúp người học ghi nhớ các sự kiện một cách dễ dàng hơn.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, SGK là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định cách thức dạy và học. Cấu trúc chương trình và nội dung của SGK LS PTTH ở Pháp đã quy định một cách thức dạy và học LS tích cực, chủ động và sáng tạo. Cách thức đó khiến môn LS trở nên hấp dẫn người học, là một môn học “hay” và thực sự nhận được sự coi trọng ở cảtrong nhà trường lẫn ngoài xã hội.
* Một vài kiến nghị.
Trên thực tế, sẽ là không phù hợp nếu đem so sánh nền giáo dục của Pháp - một nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới với nền giáo dục Việt Nam. Việc đem áp dụng một cách dập khuôn và máy móc mô hình giáo dục Pháp vào Việt Nam cũng sẽ là điều không thể. Tuy nhiên, việc học hỏi có chọn lọc những mô hình giáo dục tiên tiến, áp dụng nó một cách phù hợp vào thực tiễn Việt Nam lại là điều hết sức cần thiết, nên làm ngay. Đứng trước thực tế đó, chúng tôi bước đầu đưa ra một số gợi ý về khả năng học hỏi, áp dụng mô hình giáo dục đó ở Việt Nam như sau:
Một là, việc tiến hành cải cách lại chương trình giáo dục, đặc biệt là viết lại SGK LS bậc PTTH ở Việt Nam là hết sức cần thiêt và cấp thiết. Trên thực tế, SGKLS của Việt Nam, so với SGK LS của Pháp và nhiều quốc gia khác trên thế giới là rất “nhẹ” cả về nội dung kiến thức lẫn yêu cầu rèn luyện các kỹ năng. Nếu so sánh cụ thể một bài học LS được trình bày trong SGK LS lớp 12 của Việt Nam với một bài học LS được trình bày trong SGKLS lớp 12 của Pháp sẽ thấy rõ điều đó. Nếu một bài học LS của Pháp đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí : cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, ôn tập và kiểm tra sự nắm vững kiến thức và kỹ năng, chuẩn bị cho bài thi hết cấp, thì toàn bộ nội dung của một bài học LS của Việt Nam mới đáp ứng được một trong số các tiêu chí: đó là mới chỉ cung cấp kiến thức. Những câu hỏi ít ỏi sau mỗi phần học thường tập trung vào việc bắt HS phải nhắc lại các sự kiện đã nêu trong bài, nghĩa là buộc người dạy phải nhắc lại sự kiện và buộc HS phải học theo kiểu nhớ kiến thức một cách máy móc. Cấu trúc bài học LS của Việt Nam không tạo cơ hội cho cả người dạy và người học thực hiện PP giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học trong quá trình học tập. Việc tiến hành “giảm tải kiến thức” của Bộ GD - ĐT nước ta hiện nay đối với môn LS ở trường PTTH là một bước đi sai lầm, không phù hợp với xu thế chung của giáo dục thế giới. Chúng ta đang giảm đi những thứ đã vốn đã “quá nhẹ” so với mặt bằng chung của giáo dục thế giới. Và với định hướng sai lầm đó, việc hướng nền giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục tiên tiến, định hướng đào tạo các công dân Việt Nam đáp ứng đựoc tiêu chí của “công dân toàn cầu” trong tương lai sẽ là điều không tưởng. Do vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải thay đổi lại chương trình, nội dung của SGKLS bậc PTTH. Cách cấu tạo nội dung chương trình của SGKLS Pháp có thể học hỏi và áp dụng được ở Việt Nam.
Hai là, để có thể áp dụng PP dạy học hiện đại “nêu vấn đề”, kích thích tư duy sáng tạo của HS thì cần phải có hệ thống câu hỏi định hướng chính xác và phù hợp trong mỗi bài học. Với hệ thống câu hỏi này, người thầy có thể dễ dàng định hướng cho HS chủ động tìm hiểu các sự kiện LS và trình bày sự hiểu biết của mình bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh hệ thống câu hỏi định hướng, việc xây dựng một kế hoạch hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho HS phương pháp, cách thức làm việc với từng nội dung khác nhau trong bài học để đạt được mục tiêu rèn luyện từng kỹ năng khác nhau, đưa ra được hướng dẫn cụ thể về mặt thời gian dành cho từng nội dung đó sẽ giúp HS chủ động được trong việc tự học của mình và điều đó tạo hứng thú cho HS khi học một bài học LS. SGKLS bậc PTTH ở Pháp thể hiện rất tốt yêu cầu này. Do đó, việc học hỏi cách thức xây dựng một hệ thống câu hỏi và chương trình hướng dẫn chi tiết trong việc biên soạn SGKLS ở Việt Nam là điều cần thiết và có thể làm được.
Ba là, để việc dạy và học LS ở THPT đạt chất lượng cao, để người học không có cảm giác “sợ” môn LS và có thể phát triển tư duy sáng tạo của mình thì cần phải có một công cụ kiểm tra đánh giá rõ ràng, chính xác, phù hợp. Về mặt nguyên tắc, hình thức kiểm tra đánh giá sẽ quyết định cách thức tiến hành hoạt động của cả người dạy và người học. Nếu yêu cầu của bài kiểm tra chỉ tập trung chủ yếu vào việc đòi hỏi người học phải liệt kê các sự kiện, người học sẽ buộc phải học một cách máy móc và thụ động để chỉ có thể ghi nhớ sự kiện mà không “hiểu” bản chất của sự kiện. Mặt khác, nếu yêu cầu của bài kiểm tra đòi hỏi người học phải thể hiện được sự hiểu biết của mình thông qua việc nhớ sự kiện, người học sẽ có thể chủ động tìm hiểu sự kiện theo cách thức và sự hiểu biết riêng của mình. Một bài kiểm tra LS bậc PTTH ở Pháp được chấm điểm không đơn thuần chỉ căn cứ vào các sự kiện được trình bày theo cách học thuộc lòng. Đòi hỏi bắt buộc để một bài kiểm tra được đánh giá đạt là người học phải thể hiện đựợc khả năng tư duy và hiểu biết về vấn đề mà mình trình bày.
Như vậy, hình thức kiểm tra đánh giá của môn học LS ở Pháp đã không cho phép tồn tại hiện tượng “học vẹt”. Chính vì vậy, có thể học tập cách thức xây dựng công cụ đánh giá “chuẩn” như trong SGKLS bậc PTTH ở Pháp trong việc đổi mới nội dung và chương trình giảng dạy môn LS ở Việt Nam.
Bốn là, cách thức biên soạn SGKLS và việc lựa chọn thành phần tham gia biên soạn SGK LS ở bậc Phổ thông của Pháp cũng là điều đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập. SGK LS của Pháp được “biên soạn” theo đúng nghĩa của nó, đó là : nhóm tác giả lựa chọn và tập hợp những sự kiện LS tiêu biểu theo từng nội dung cụ thể, sắp xếp theo một trật tự logic, chọn lọc một khối lượng tư liệu vừa đủ để làm rõ cho sự kiện đó, xây dựng hệ thống câu hỏi định hướng giúp cho HS hiểu rõ sự kiện và phát triển khả năng lực tự học cũng như năng lực tư duy, đưa ra một hệ thống các bài ôn tập và kiểm tra nhằm củng cố kiến thức và kiểm tra kết quả nhận thức. Toàn bộ những nội dung đó được đặt trong một chỉnh thể bài học hoàn chỉnh, có trật tự logic, mang tính sư phạm với việc định hướng tự học và phát triển tư duy cho HS từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Thành phần tham gia biên soạn SGK bậc PTTH ở Pháp thường được lựa chọn là 7 người. Trong đó, chỉ có một đại diện duy nhất đến từ trường Đại học, còn lại đều là những giáo viên giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy ở trường Phổ thông. Đặc biệt, những giáo viên từng đựơc đào tại Trường Đại học Sư phạm Cao cấp Paris (Ecole Normale Supérieure de Paris) được đánh giá rất cao và là những hạt nhân trong nhóm biên soạn.
3. Kết luận
Trong bối cảnh “toàn cầu hoá” với xu hướng hội nhập quốc tế đóng vai trò chủ đạo, để có thể hoà nhập với thế giới, nền giáo dục Việt Nam cần phải có những bước đột phá. Đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy ở tất cả các cấp học thông qua việc học tập và áp dụng có chọn lọc những mô hình giáo dục phù hợp của các nước có nền giáo dục tiên tiến vào Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Là một nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới với thế mạnh là các ngành khoa học xã hội, Pháp cũng là một trong những nước đi tiên phong trong việc cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học, đặc biệt đối với cấp PTTH. Xuất phát từ yếu tố truyền thống LS và văn hoá cộng với những chính sách quản l. đúng đắn của chính phủ Pháp, các bộ môn khoa học xã hội trong đó có môn LS ở Pháp luôn được chú trọng và đề cao cả ở trong nhà trường lẫn ngoài xã hội. Việc đặt môn LS vào đúng vị trí của nó có tác dụng to lớn trong việc gìn giữ vàbảo tồn những yếu tố truyền thống của dân tộc, duy trì một nền tảng xã hội bền vững.
Ngày nay, giáo dục Việt Nam đang đứng trước những nhiệm vụ và thách thức to lớn. Sự thơ ơ, chán nản, coi thường đối với các bộ môn khoa học xã hội mà trong đó có môn LS của đa số giới trẻ đang nằm trong một tình trạng đáng báo động. Tình trạng này một mặt là do ảnh hưởng của xu thế "công nghệ hoá" chung của toàn thế giới, mặt khác, là hệ quả của những chính sách không phù hợp của nền giáo dục Việt Nam trong cả một thời kỳ dài. Giáo dục Việt nam đã qua rất nhiều lần cải cách và hiện vẫn đang tìm kiếm một hướng đi thích hợp. Một thực trạng đáng buồn không thể phủ nhận là càng tiến hành cải cách, nền giáo dục Việt Nam càng bộc lộ những bất cập. Chính vì vậy, việc học hỏi những mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, chọn lọc những yếu tố thích hợp để áp dụng vào Việt Nam là một nhu cầu bức thiết của nền giáo dục Việt Nam ngày nay.


[1]  Năm 2006, nước Pháp phải đối mặt với những cuộc biểu tình với quy mô lớn và kéo dài hàng tháng trời của giới sinh viên, giảng viên và các nghiên cứu viên thuộc các trường đại học và các viện nghiên cứu trên toàn nước Pháp nhằm phản đối quyết định của chính phủ Pháp cắt giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học. Trong đó, tham gia đông đảo hơn cả là những sinh viên và giảng viên, nghiên cứu viên của các ngành học thuộc khoa học xã hội bởi nguồn đầu tư chính của ngành này là được rót từ ngân sách nhà nước.
[2]  Pháp không tổ chức các kỳ thi đại học mang tính chất quốc gia. Ở hệ thống đại học công lập, thí sinh nộp hồ sơ đăng kí vào các ngành học. Tuỳ vào chỉ tiêu của các ngành học và tuỳ vào hồ sơ học tập của bậc PTTH cũng như kết quả kỳ thi tốt nghiệp mà hồ sơ của thí sinh đựoc chấp nhận vào học ngay hoặc phải chờ đợi 01 năm, thậm chí vài năm. Với hệ thống các trường danh tiếng (Grands Ecoles) và các trường đại học dân lập, tuỳ vào mức độ khác nhau, các trường tổ chức kỳ thi đầu vào để nhận học viên của trường mình. Những kỳ thi này thường là rất khó bởi số hồ sơ nộp nhiều và số lượng tuyển sinh hạn chế. Chính phủ Pháp hỗ trợ 90% học phí và bảo hiểm xã hội cho sinh viên ở các trường đại học công lập.
[3]  Tác giả bài viết tạm gọi các cấp học ở Pháp theo cách gọi của Việt Nam.
[4]  Histoire, Term L/ES et Term S, Sous la Direction de Guillaume Le Quintrec, Nathan, 2004
[5] Chúng tôi xin làm rõ nội dung này bằng một dẫn chứng cụ thể đựoc trích dẫn từ SGK LS lớp 12 (ngoài chuyên ban Xã hội): Bài 1 : “Tình hình Quốc tế năm 1945”. Trong bài này, mục “Hồ sơ tư liệu”, SGK lựa chọn sự kiện: “Toà án Nuyrămbéc : bài học gì đối với nhân loại ?” làm chủ đề cho HS đọc tài liệu và thảo luận. Bốn tài liệu được lựa chọn trích dẫn được đưa vào cho HS tìm hiểu vấn đề bao gồm: Một bức ảnh tư liệu chụp phiên toà xét xử tội phạm chiến tranh với những chú giải rất rõ ràng về các thành phần tham dự phiên toà ; một tài liệu trích dẫn từ bản cáo trạng của toà án cụ thể những tội trạng mà toà án cáo buộc đối với những kẻ lãnh đạo cấp cao của chính phủ phát xít Đức ; một bản danh sách gồm 21 người giữ các chức vụ cấp cao trong chính phủ phát xít bị đưa ra xét xử và bị kết án với những mức độ khác nhau ; một đoạn bình luận về quan điểm xét xử phiên toà của một nhà sử học Ba Lan. Trên cơ sở 4 tài liệu đó, một hệ thống câu hỏi (4 câu) được đưa ra nhằm định hướng cho HS cách đọc và hiểu tài liệu. Bốn câu hỏi đều yêu cầu người học phải phân tích, lí giải các sự kiện, trả lời cho các câu hỏi tại sao, đưa ra những lời nhận xét cá nhân về những nội dung được nêu trong bốn tài liệu, đặc biệt là những câu hỏi có tính chất liên hệ tới hiện tại. Trên cơ sở phân tích các tài liệu đó, HS phải viết một bài luận ngắn để thể hiện sự hiểu biết của mình về nội dung bài học với chủ đề: “Cơ sở nào để cho rằng toà án Nuyrămbéc tạo nên một mốc quan trọng đối với luật pháp quốc tế?”. Như vậy, mục tiêu của câu hỏi đặt ra hoàn toàn không phải là kiểm tra kiến thức theo kiểu “học vẹt” mà đòi hỏi người học phải hiểu được bản chất của sự kiện lịch sử, biết cách phân tích sự kiện và thể hiện được sự hiểu biết bằng lập luận của mình. Đồng thời đòi hỏi HS phải biết liên hệ với sự kiện hiện tại để đánh giá LS [2; tr.26-27].

Tài liệu tham khảo
1. Bộ GD - ĐT , Chương trình giáo dục phổ thông môn LS. Nxb Giáo dục Việt Nam, 2006
2. Histoire, Term L/ES et Term S, Sous la Direction de Guillaume Le Quintrec, Nathan, 2004
3. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), PP dạy học LS, tập 1 và 2, Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2009
4. Phan Ngọc Liên (Tổng chủ biên), LS 12 (chương trình Chuẩn và Nâng cao), Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét