Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Mỹ đã thua ngay từ khi ngồi vào bàn đàm phán

Mỹ đã thua ngay từ khi ngồi vào bàn đàm phán
Ông Đặng San, người đứng sau Cố vấn Lê Đức Thọ.
Có mặt trong Đoàn 37 với vai trò chuyên viên theo dõi tình hình và soạn dự thảo cho các bài phát biểu công khai, Đại sứ Đăng San nhớ lại quãng thời gian làm việc hết sức căng thẳng trong CP50 và CP80. Ông nhận định: "Anh đang đánh mà anh phải dừng lại để đàm phán tức là anh bắt đầu thua. Mỹ đã thua ta ngay từ phút ngồi vào bàn đàm phán".
Ông Đặng San được phân công nhiệm vụ là chuyên viên của Đoàn 37 khi đang công tác tại Vụ I (Bộ Ngoại giao) - tiền thân là Vụ Miền Nam. Ngay khi có chủ trương đàm phán, Bộ Chính trị đã lập ra CP50 - cơ quan chuyên trách nghiên cứu tư vấn để Bộ Chính trị chỉ đạo Hội nghị Paris và CP80 - cơ quan theo dõi, giám sát việc thực thi Hiệp định sau khi ký kết. Thời gian đầu, ông Đặng San làm việc trong CP50 và sau đó chuyển sang CP80.
Theo ông Đặng San, mục đích của Đoàn Việt Nam trong cuộc đàm phán là đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tuy nhiên, từ đầu đến cuối, Mỹ luôn tránh chữ "đàm phán" mà chỉ gọi là "cuộc nói chuyện chính thức". Thời gian đầu, trong các phiên đàm phán, phía Mỹ biểu thị thái độ ở thế mạnh rất rõ ràng: Một mực đòi phía Việt Nam rút quân khỏi miền Nam thì Mỹ mới nói chuyện. Trên bàn Hội nghị, sau mỗi cuộc họp, Trưởng đoàn phía Mỹ là Harriman chỉ bắt tay một mình ông Xuân Thủy. Tuy nhiên, dù phía Mỹ muốn tránh chữ "đàm phán" nhưng "khi anh đang đánh mà anh phải dừng lại để đàm phán tức là anh đã bắt đầu thua" - ông San nhận định.
Ông Đặng San sinh ngày 1/4/1928 tại Ninh Bình. Ông công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 1960 và là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại hai cơ quan CP50 và CP80, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris, ông đảm nhiệm vị trí Vụ phó Vụ Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lybia.
28 phiên họp tại Paris trôi qua, chúng ta ngày càng thắng lợi trên các chiến trường, vùng giải phóng liên tục được mở rộng. Và chỉ đến khi Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc thì Harriman mới đứng lại bắt tay từng người trong đoàn, từ Trưởng đoàn cho đến thư ký.
Đoàn 37 có người chủ biên dự thảo các phát biểu công khai là ông Nguyễn Minh Vỹ và các chuyên viên gồm ông Đặng San, ông Phạm Lâm và ông Trần Hoàn chịu trách nhiệm soạn dự thảo phần nội dung mà mình phụ trách. Chẳng hạn như ông Đặng San chuyên theo dõi tin về Chính quyền VNCH thì soạn các vấn đề liên quan đến Ngụy quyền; Hay ông Phạm Lâm chuyên theo dõi mảng quân sự thì soạn vấn đề liên quan đến các động thái của Mỹ... Ngay sau các cuộc đàm phán diễn ra vào thứ 5 hàng tuần, các thành viên trong Đoàn sẽ tập trung bàn bạc và nhận định xem trong quá trình đàm phán, địch tiết lộ những điều gì cần chú ý và trên cơ sở đó, anh em sẽ chuẩn bị hướng đối phó cho phiên sau.
Ngoài ra, các cố vấn và chuyên viên trong Đoàn cũng dành thời gian tới dự các cuộc nói chuyện với các đoàn thể, các hội Việt kiều hay với sinh viên các trường Đại học. Trong suốt thời gian ở Paris, Đoàn đã tham dự nhiều cuộc nói chuyện tại Pháp và cả ở vài nước Bắc Âu. Hầu hết các buổi nói chuyện của lãnh đạo, cố vấn và chuyên viên của Đoàn đều được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Họ đặt rất nhiều câu hỏi về chiến tranh Việt Nam, về các vấn đề trên bàn đàm phán và những câu trả lời của Đoàn Việt Nam nhận được sự tán dương hết sức nồng nhiệt. Ấn tượng nhất đối với ông Đặng San là khi tới nói chuyện tại Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp Paris, tiếng vỗ tay của các sinh viên tại đây dường không thể dứt sau mỗi câu trả lời của Đoàn.
Ấn tượng đậm nét nhất đối với các thành viên đoàn đàm phán chính là sự giúp đỡ nhiệt tình và hết sức vô tư của Đảng Cộng sản Pháp. Họ không chỉ di dời cả một Trường Đảng của mình để dành địa điểm cho Đoàn 37 ăn ở mà còn để lại cho Đoàn toàn bộ nhân viên phục vụ. Ngoài ra, mỗi khi Đoàn có yêu cầu gì đều có thể đề xuất với Đảng Bộ thành phố Choisy-le-Roi và họ sẽ lập tức báo cáo cấp trên để giúp đỡ Đoàn.
Đoàn đàm phán cũng hết sức cảm động trước tấm lòng hướng về quê hương, đất nước của bà con Việt kiều tại đây. Hội trưởng Hội Việt kiều tại Pháp khi đó là anh Huỳnh Trung Đồng và các hội viên chủ chốt là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Trân và anh Nguyễn Ngọc Giao... đã giúp Đoàn nhiều việc khác nhau, trong đó quan trọng nhất là công việc dịch văn bản.
Vừa đảm bảo công việc được giao tại CP50 - ông Đặng San vừa cùng các thành viên trong Đoàn 37 tham gia vào các phong trào vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế yêu tự do, dân chủ và hòa bình. Qua đó, Việt Nam đã có được sự ủng hộ nhiệt liệt của tất cả các phong trào hòa bình dân chủ trên thế giới. Rất nhiều phong trào đã cử đại diện tới Paris để gặp gỡ Phái đoàn và ông Xuân Oanh (nhạc sĩ - tác giả ca khúc 19 tháng Tám) đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp lên kế hoạch tiếp đón các đoàn khách đến từ các phong trào. Thậm chí, Đoàn 37 còn có cả một đội đồng ca để phục vụ các buổi gặp mặt, liên hoan, chiêu đãi...
Ông Đặng San cũng như các thành viên trong Đoàn 37 còn nhớ rõ câu chuyện về thái độ của ông Lê Đức Thọ trong một cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ Kissinger. Từ những cuộc đàm phán đầu tiên, thái độ của Mỹ luôn tỏ ra ở thế mạnh và coi thường Đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, với những chiến thắng liên tiếp trên chiến trường của quân dân Việt Nam, thái độ của Mỹ trên bàn đàm phán đã chuyển sang thế yếu. Mỹ bắt đầu cởi mở với Đoàn Việt Nam. Đặc biệt, sau 12 ngày đêm không quân Mỹ đánh phá miền Bắc và đón nhận thảm bại, trong cuộc tiếp xúc với Kissinger ngay sau đó - ông Lê Đức Thọ tỏ rõ thái độ và không thèm bắt tay ngoại giao mà lẳng lặng đi vào bàn ngồi. Mọi người trong Đoàn đều hiểu ông Lê Đức Thọ đang biểu thị thế mạnh - đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, bằng cách không bắt tay gì cả.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết - Mỹ phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ngay sau đó, các thành viên của CP50 được chuyển sang CP80 làm việc. Ông Đặng San được phân công làm Tổ trưởng Tổ đấu tranh hằng ngày, công việc mà ông thường nói vui là "suốt ngày chỉ tuyên bố với phản đối".
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông San là lần cắp cặp theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân sang thảo luận 2 đêm với Chánh án TAND Tối cao Phạm Văn Bạch cùng 2 luật sư Phạm Thành Vinh và Nguyễn Trọng Vĩnh về nội dung: "Những quy định bảo đảo quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris". Ngay sau đó, nội dung này trên được đăng tải tràn 2 trang báo Nhân dân. Nội dung này lập tức được gửi vào Trung ương Cục miền Nam để chỉ đạo đấu tranh chống đàn áp, bảo vệ quyền tự do dân chủ.
Với kinh nghiệm tham gia trực tiếp vào quá trình đấu tranh ngoại giao vừa đánh, vừa đàm, ông Đặng San nhận định, bài học rút ra cho ngoại giao hiện đại cũng giống như Việt Nam thắng Mỹ trên bàn đàm phán trong tư thế của người đang chiến thắng trên chiến trường, đó là: Chỉ đàm phán trên thế mạnh - nhất định không đàm phán trên thế yếu.
Thiên Đức (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét