Mùa thu rồi, ngày 23
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
…
Nóp với giáo mang ngang vai,
Nhưng thân trai nào kém, oai hùng… (*)
Lời bài hát gợi nhớ về mùa Thu tháng Chín năm 1945. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp mở đầu với những ngày gian khổ và quyết tâm như vậy. Trong khúc ca hùng tráng ấy có hình ảnh của chiếc nóp, cây giáo là thứ vũ khí và vật dụng không thể thiếu nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ trong những cuộc hành quân ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Nhưng chiếc nóp có mặt ở Nam Bộ không phải trong những ngày đầu khói lửa ấy mà ở Long An nó gắn liền với nghề đan đệm bàng khi lưu dân người Việt, đến khai phá vùng đất Đồng Tháp Mười và ven sông Vàm Cỏ Đông vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII. Đó là quá trình khẩn hoang, mở đất tạo dựng cuộc sống trên vùng đất mới với muôn vàn gian truân và khắc nghiệt, cùng với hành trang văn hóa mang theo bên mình là những ngành nghề truyền thống, với nguồn nguyên liệu bàng sẵn có tại chỗ, họ đã tạo ra những sản phẩm đơn giản để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Có nhiều truyền thuyết chung quanh về chiếc nóp thật lý thú: người ta kể rằng vào thời Thiên Hộ Dương lập chiến khu kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười, có rất nhiều nghĩa quân về tụ nghĩa nơi đây vì quân số quá đông nên không có khả năng sắm mùng màn, đêm đến để bảo vệ sự tấn công của lũ muỗi, mỗi người chỉ được phát một chiếc đệm bàng để vừa nằm, vừa đắp. Vì đệm có hai đầu trống nên không tránh được muỗi đốt, còn nếu un khói thì sợ bị địch phát hiện… Trong hòan cảnh ấy, một nghĩa quân đã nghĩ ra cách xếp đôi chiếc đệm, dùng dây dừa nước để may kín ở hai đầu, chui vào nằm lật úp lại thế là không còn chú muỗi nào có thể tấn công. Sau sáng kiến ấy, chiếc đệm bàng được đặt một cái tên nôm na là chiếc xếp. Từ đó, chiếc xếp lan tràn khắp vùng Đồng Tháp Mười, theo các ghe thương hồ, những người làm thuê, làm mướn đến khắp miền Lục tỉnh. Sau đó, chiếc xếp được nói trại thành nếp vì người ta sợ phạm tội trịch thựơng với quan lớn khi nói đến từ xếp có âm trùng với chữ chef (thường để chỉ những quan Tây). Chiếc nếp lại được gọi là chiếc nốp để tránh gọi trùng với tên tục của một viên đội kiểm soát đồn ở Đồng Tháp Mười. Và cuối cùng, gọi nốp nghe khó khăn quá, dần dần người ta nói trại ra thành nóp cho tới ngày nay.
Quá trình thay đổi ấy thật ra là những câu chuyện vui, vì nó không có cơ sở khoa học. Nhưng có một điều chắc rằng thời chiến, ở vùng Đồng Tháp Mười - Long An đã có những người mẹ, người vợ, người yêu, người chị, người em gái hậu phương, tất cả không kể ngày đêm gian khó, thâu đêm giã bàng, đương đệm, đan chiếc nóp, gởi ra tiền tuyến, tặng các anh chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn. Ngày nay, hình ảnh ấy vẫn còn ẩn hiện qua làn điệu dân ca Nam Bộ:
Chiếc nóp
|
Nóp này em gởi tặng anh
Xuồng em bơi tận trong kinh Tháp Mười
…Gởi ba nó ngủ ấm lòng
Để đi giết giặc lập công thật nhiều
Trở lại với chiếc nóp nó được xem là sản phẩm vật chất của nghề đan đệm bàng. Trước khi được mang tên nóp nó là chiếc đệm có chiều dài 2m, ngang 1m, được may hai đầu lại, chừa miệng để chui ra chui vào. Đây là vật dụng rất cần thiết và gắn bó một thời với đời sống của người nông dân Nam Bộ, là vật bất ly thân đối với cán bộ, chiến sĩ từng tham gia kháng chiến ở Đồng Tháp Mười. Nó có thể thay cho chiếc ba lô đựng những vật dụng cần thiết, thay cho chiếc mùng để chiến sĩ ta nghỉ ngơi sau những đêm dài hành quân và trong chiến đấu, nó có thể làm bệ tì súng, làm gối gối đầu… nóp che chở cho người lính nhiều như vậy đó và còn hơn thế nữa, nếu chẳng may, chiến sĩ hy sinh, chiếc nóp thủy chung còn thay cho quan tài đưa người xuống mộ…
Dấu ấn một thời chiếc nóp đã đóng vai trò lịch sử của nó, như một biểu tượng của Đồng Tháp Mười. Nhắc đến nó như nhắc đến một người bạn tri ân, theo anh chiến sĩ trong những ngày mưa bom, khói lửa… Nó là những kỷ vật mang theo bên mình, đồng hành cùng chiến sĩ ta trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.
Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau khi mà hoàn cảnh sống của con người ngày càng thay đổi, chiếc nóp không còn được sử dụng trong đời sống cộng đồng, nhưng người ta vẫn luôn trân trọng, nhớ về nó với vị trí xứng đáng trong chặng đường lịch sử nhất định. Hai thập kỷ đã trôi qua, chiếc nóp - người bạn đồng hành thủy chung gắn bó với nhân dân Nam Bộ, với anh chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn đã lùi vào dĩ vãng, nay chỉ lưu lại trong ký ức như một kỷ niệm. Điều đó không có gì lạ, chẳng ai trách nhưng chỉ mong sao đừng quên quá khứ, đùng quên chiếc nóp - kỷ vật của chiến sĩ ta thời chín năm kháng chiến ở chiến khu Đồng Tháp Mười mà nó được tạo ra từ cọng bàng của quê hương anh nước mặn đồng chua và một thời anh đã mang nặng ơn nghĩa với nó, nhờ nó mà anh sống, chiến đấu và trưởng thành./.
Bài, ảnh: Đỗ Thị Lan
(Bảo tàng Long An)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét