Nam Kỳ khởi nghĩa 1940- Tranh: Huỳnh Văn Gấm
Để bảo vệ chủ quyền thống trị thuộc địa, toàn quyền Đông Dương G.Catroux tuyên bố: “Trong cuộc đấu tranh này, phải tiêu diệt cộng sản thì xứ Đông Dương mới được yên ổn và mới trung thành với nước Pháp”. Cùng với lời tuyên bố, G. Catroux ra lệnh cho bọn cai trị thuộc địa thực thi hàng loạt chính sách phản động, đánh vào Đảng Cộng sản Đông Dương và những người có tư tưởng yêu nước, chống phát xít; tổng động viên mọi mặt để phục vụ chiến tranh đế quốc.
Với chính sách vơ vét của thực dân Pháp, nhân dân Nam kỳ, trong đó có MT, phải sống trong cùng cực. Còn nước Pháp thì thua trận, phải đầu hàng, để cho Đức chiếm Paris. Người dân Nam kỳ chế nhạo:
“Nước mẹ nhà ta nước mẹ gì
Khoe khoang quân đội nữa mà chi
Chiến tranh một tháng mà thua thế
Danh dự ngàn năm cũng vứt đi”.
Khoe khoang quân đội nữa mà chi
Chiến tranh một tháng mà thua thế
Danh dự ngàn năm cũng vứt đi”.
Trong bối cảnh ấy, Hội nghị Trung ương lần 6 vào tháng 11 năm 1939 khẳng định: làm cách mạng giải phóng dân tộc bằng hình thức “bạo động” để giành chính quyền. Lúc này Trung ương Đảng đang đóng tại Bà Điểm, sát nách Sài Gòn. Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Võ Văn Tần, ủy viên Trung ương Đảng kiêm xứ ủy cũng đóng tại đây. Ngày 21 tháng 4 năm 1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt, trong lúc chủ trương khởi nghĩa đang được hình thành. Đồng chí Tạ Uyên thay đồng chí Võ Văn Tần, triệu tập hội nghị xứ ủy mở rộng tại Tân Hương (Mỹ Tho) vào tháng 7 năm 1940 bàn việc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Mỹ Tho, nơi diễn ra hội nghị quan trọng ấy, đã ráo riết chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 12 tháng 08 năm 1940, tỉnh thành lập Ban quân sự, do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng ban, có các bộ phận: tham mưu, quân báo, phá hoại, hậu cần. Đây là tỉnh thành lập lực lượng vũ trang sớm của cả nước.
Cuối tháng 9 năm 1940, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, đứng đầu là đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên, bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, nhiều xã ở Cai Lậy và Châu Thành tổ chức diễn tập khởi nghĩa, như Cẩm Sơn, Mỹ Hạnh Đông, Tam Hiệp, Long Hưng… Khu căn cứ Ba U (nay thuộc xã Tân Lý Đông) được Tỉnh ủy chia làm 3 khu: Mạc-xây (nơi sản xuất vũ khí), Pa-ri (nơi dự trữ lương thực, in ấn, may cờ), Đà Lạt (nơi nhận chỉ thị và đón tiếp cán bộ từ ngoài vào); các huyện cũng lập căn cứ, chủ yếu là trong vùng Đồng Tháp Mười. Các đội du kích phát triển rất nhanh. Đến tháng 10 năm 1940, tỉnh Mỹ Tho đã có trên 3.000 du kích được huấn luyện bài bản. Cả tỉnh có 114 làng thì có 70 chi bộ, với 456 Đảng viên, tăng gấp 8 lần so với tháng 2 năm 1939. Sáng 22.11.1940, thực dân Pháp nhận được tin mật báo là có cuộc khởi nghĩa. Đối với ta, mệnh lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đến Mỹ Tho lúc 22 giờ. Mệnh lệnh nêu rõ: 0 giờ ngày 23.11.1940 sẽ đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các đồn, nhà việc, thị trấn, thị xã.
Đình Long Hưng (thuộc làng Long Hưng, quận Châu Thành) được Ban khởi nghĩa tỉnh chọn làm trụ sở. Tại đây, lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng được cắm trên cây bàng sân đình. Khẩu hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” được treo tại mặt tiền ngôi đình.
Trong đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 đồng loạt các xã nổi dậy. Du kích, thanh niên, thậm chí người già và phụ nữ tham gia vào đội quân khởi nghĩa. Trống, mõ, gậy tầm vông, giáo, mác… đều trở thành vũ kh1i, tất cả đều nhắm vào đồn bót, công sở, các cơ sở hạ tầng, đường xe lửa, bưu điện, cầu cống, cột điện… để triệt phá. Mỹ Tho sống trong không khí của một cuộc “tiến công trời”. Kẻ thù mặc dù được biết trước vẫn không sao chống đỡ. 74 xã (làng) của Mỹ Tho hừng hực trong không khí khởi nghĩa. Đặc biệt, hầu hết các tầng lớp trong xã hội đều tham gia. Không chỉ bần nông, trung nông, phú nông, thợ thủ công, tiểu chủ, mà cả trí thức (250 người), địa chủ (77 người), hội tề (212 người), … cũng tham gia.
Cuộc khởi nghĩa đã giáng vào chính quyền cai trị của thực dân Pháp những đòn chí tử. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho thành lập chính quyền cách mạng. Tại đình Long Hưng ngay trong ngày 23.11.1940, trước hơn 3.000 đồng bào đến dự, chính quyền cách mạng tỉnh ra mắt nhân dân. Đồng chí Phan Văn Khỏe, bí thư tỉnh, trưởng ban khởi nghĩa được cử làm chủ tịch, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách thường trực; đồng chí Nguyễn Văn Thường phụ trách quân sự. Hội đồng tòa án tỉnh cũng được thành lập và đặt trụ sở tại đình Long Hưng.
Chính quyền cách mạng tỉnh tồn tại 49 ngày, thực thi các thiết chế dân chủ cộng hòa. Trong khởi nghĩa Nam kỳ, Mỹ Tho là một trung tâm lớn, tiêu biểu nhất ở Nam kỳ, nơi chính quyền cách mạng tỉnh tồn tại lâu nhất, nơi địch khủng bố ác liệt nhất. (Đến cuối tháng 12 năm 1940, thực dân Pháp đã bắt bỏ tù 2981 người trong tổng số 6.000 người của toàn Nam kỳ), nơi ghi lại tên tuổi của 4 vị anh hùng: Lê Văn Giác, Nguyễn Văn Ghè, Lê Văn Quới, Nguyễn Hữu Huân tại Gò Me (xã Long Hưng) khi 4 đồng chí bị địch bao vây và tuẫn tiết, nơi địch gieo nhiều tội ác, đặc biệt là vụ ném bom thảm sát tại chợ Giữa của làng Vĩnh Kim, làm chết và bị thương hơn 100 người vào ngày 3 tháng 12 năm 1940.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại Mỹ Tho là một cuộc diễn tập toàn diện, để trong tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, Mỹ Tho là nơi giành chính quyền có thể nói sớm nhất cả nước (ngày 18 tháng 8 năm 1945) - theo số liệu ngày giành chính quyền các tỉnh thành hiện nay.
Lê Ái Siêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét