Congly.vn - 1 giờ sáng 23-11-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ tại Mỹ Tho, Tiền Giang bùng nổ. Với lòng căm thù sôi sục bọn cướp nước, nhân dân Mỹ Tho, Gò Công đã hạ hoặc bức rút đồn bót, với sự xuất hiện lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.
Chỉ trong vài ngày, lực lượng cách mạng đã giải phóng được 54 xã. Uỷ ban nhân dân cách mạng được thành lập, trụ sở đóng tại Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Việc làm đầu tiên của chính quyền cách mạng là thành lập Hội đồng TAND cách mạng để xét xử bọn phản cách mạng. Với sự kiện đó, lần đầu tiên ở Nam bộ và cũng là lần đầu tiên trong cả nước, một TAND cấp tỉnh được thành lập là TAND Mỹ Tho…
Hội đồng TAND cách mạng Mỹ Tho gồm có bà Nguyễn Thị Thập (sau này là Đại biểu Quốc hội Việt Nam và là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam từ năm 1956-1974), ông Lê Văn Giác (Bí thư Chi bộ Long Hưng), ông Lê Văn Quới (Quận ủy viên Châu Thành), ông Đặng Văn Hiệp, ông Nguyễn Hữu Thường, ông Trương Văn Ti... Trụ sở Tòa án cách mạng được đóng tại đình Long Hưng. Hội đồng xét xử thường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các xã. Nhiều vụ án nổi tiếng đã được xét xử kịp thời như vụ án tên Hương quản Sâm ở Long Định. Với tội ác gây ra cho nhân dân và cách mạng, Tòa án đã tuyên bản án tử hình đối với Hương quản Sâm. Nhiều đối tượng phản động, chống phá cách mạng bị trừng trị nghiêm khắc với những phiên tòa xét xử công khai với sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân. Đã bao nhiêu năm, người dân phải chịu sự cai trị bất công, tàn bạo của những kẻ áp bức, bị xử tù dưới Tòa án thực dân phong kiến, nay cách mạng bước đầu thành công, nhân dân không khỏi tự hào khi có chính quyền nhân dân, Tòa án nhân dân. Nhân dân có người đại diện tham gia luận tội những kẻ phản quốc, áp bức bóc lột.
Bà Nguyễn Thị Thập, một thành viên Hội đồng TAND cách mạng Mỹ Tho
Bên cạnh việc trừng trị những kẻ bán nước, Tòa án cách mạng đã cảm hóa những đối tượng lầm đường lạc lối, trong đó có bản án cảnh cáo Cai Vi ở xã Vĩnh Kim, cảnh cáo Cai Trí ở xã Long Hưng… Cai Trí còn gọi là Bùi Văn Trí, giữ chức đồn trưởng Thạnh Phú (Châu Thành), Bếp Khương, tức Lê Văn Khương bị bắt trong ngày 23-1940 tại đồn Tam Hiệp. Phiên tòa xét xử Cai Trí diễn ra vào ngày 30-11-1940 tại đình làng xã Long Hưng, với sự tham dự của cả ngàn người dân. Họ chờ phiên tòa với ánh mắt háo hức. Dưới lá cờ Tổ quốc treo trên mái đình, một cán bộ cách mạng bước ra long trọng tuyên bố Hội đồng Tòa án tỉnh Mỹ Tho mở phiên tòa xét xử những tên tay sai của giặc Pháp có tội với nhân dân. Người dân ai cũng háo hức muốn nhìn cho rõ “Tòa” là những ai. Từ trong đình, các đồng chí được cử làm HĐXX bước ra gồm bà Nguyễn Thị Thập, ông Nguyễn Văn Quới, ông Lê Văn Giác, ông Đặng Văn Hiệp, ông Nguyễn Văn Thòng, ông Trương Văn Ty. Họ đều hồi hộp và cảm động trước những lời động viên của bà con. Họ đã luận tội Cai Trí, Bếp Khương về hành vi đi lính, làm tay sai cho giặc áp bức nhân dân. Các bị cáo đã nhận thức được tội lỗi và được nhân dân tha chết, cho một cơ hội “cải tà quy chính”. Sau khi được bà con tha tội, Cai Trí òa khóc: “Tôi đời đời đội ơn Tòa án cách mạng, đội ơn bà con”.
Mặc dù Tòa án nhân dân Mỹ Tho trong giai đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa chưa được tổ chức và hoạt động quy củ nhưng thực sự là một Tòa án cách mạng. Hội đồng Tòa án đã căn cứ vào các chính sách cụ thể của Xứ ủy đề ra trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Cụ thể là “Khoan hồng với người lầm lạc; Bảo vệ quyền lợi nhân dân; Tôn trọng tự do tín ngưỡng; Hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức nhân dân; Tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án”. TAND Mỹ Tho đã thực hiện đúng chính sách của Đảng đề ra trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thể hiện rõ sự công bằng và nhân đạo. Hoạt động xét xử công khai của Tòa án cách mạng có sự tham dự của đông đảo quần chúng và người dân lần đầu tiên trong đời mình được trực tiếp tham gia luận tội đã thể hiện rõ tính dân chủ của chính quyền cách mạng. Các phiên tòa đều như những buổi huấn luyện chính trị, có tác dụng tốt và có ảnh hưởng lâu dài đến thời kỳ kháng chiến sau này.
Trước hoạt động của chính quyền cách mạng tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã điên cuồng đàn áp. Ngày 30-11-1940, Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh tiểu đoàn 3 cùng 2 đại đội mật thám và hơn 1.000 lính được trang bị vũ khí hiện đại, mở cuộc hành quân càn quét nhằm dìm cuộc khởi nghĩa tại Mỹ Tho vào biển máu. Chúng khủng bố nhân dân hết sức dã man, xóa sổ cả vùng cù lao Ngũ Hiệp và ném bom vào chợ Giữa (Vĩnh Kim) trong lúc nhân dân đang họp chợ. Ngày 4-1-1941, địch tập trung bao vây lực lượng cách mạng tại vùng đồng Cây Me, gần gò Trâm Bầu. Biết khó có thể chống lại quân địch, các cán bộ lãnh đạo chủ trương cho anh em du kích phân tán rút ra khỏi vòng vây, chỉ còn lại hai người từng tham gia hội đồng Tòa án cách mạng là ông Lê Văn Giác, ông Lê Văn Quới và các ông Nguyễn Văn Ghè, Tỉnh ủy viên, ông Nguyễn Văn Quân, cán bộ Quận ủy Châu Thành. Bốn người đã rút lên gò Cây Me dũng cảm chiến đấu đến cùng. Khi hết đạn, ông Quới cùng các đồng đội tự sát để tránh rơi vào tay địch. Tuy nhiên, ông Giác, ông Ghè và ông Quân chỉ bị thương nặng nên bị thực dân Pháp bắt. Bọn chúng kết án tử hình đối với ông Giác và ông Ghè. Còn ông Huân địch kết án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo.
Mặc dù bị đàn áp dã man nhưng qua hoạt động của chính quyền cách mạng và Tòa án cách mạng trong “bão lửa” Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhân dân Mỹ Tho đã vững vàng niềm tin, nhiệt huyết tham gia cách mạng để giành chính quyền trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
An Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét