Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Vai trò của Phan Đăng Lưu trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940)

Phan Đăng Lưu, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Những đóng góp của ông đối với cách mạng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) đã thể hiện tầm vóc, trí tuệ và bản lĩnh của Phan Đăng Lưu với những cống hiến to lớn mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị với lịch sử dân tộc.
1. Hoàn cảnh Hội nghị Trung ương 7
Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đã phát xít hóa bộ máy cai trị, tiến hành những cuộc bắt bớ, khám xét, tước bỏ những quyền lợi mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936-1939. “Chính sách kinh tế chỉ huy” của thực dân Pháp làm cho đời sống của nhân dân thêm cơ cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông Dương với chính quyền thực dân càng trở nên gay gắt. Yêu cầu giải phóng dân tộc được đặt ra một cách trực tiếp.
 Sau Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939), ở Nam Kỳ, phong trào cách mạng phát triển mạnh. Một cuộc khởi nghĩa đang được khẩn trương chuẩn bị. Đánh hơi thấy điều đó, thực dân Pháp tìm đủ mọi cách để đàn áp. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng lần lượt rơi vào tay giặc. “Trong Ban chấp hành Trung ương chỉ còn lại đồng chí Phan Đăng Lưu. Một trách nhiệm khó khăn thật lớn đặt lên vai đồng chí Phan Đăng Lưu”(1). Tình hình lúc này cần thiết phải có sự lãnh đạo của tập thể. Vì vậy, đầu tháng 11/1940, Phan Đăng Lưu ra Bắc để bàn với các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ tái lập lại Ban chấp hành Trung ương lâm thời(2). Tháng 11/1940, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khoá I) họp tại làng Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh.
2. Vai trò của Phan Đăng Lưu
Đồng chí Phan Đăng Lưu có vai trò quan trọng đối với thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, được thể hiện trong các vấn đề sau:
2.1. Triệu tập và chủ trì Hội nghị
 Ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt, Ban chấp hành Trung ương chỉ còn lại đồng chí Phan Đăng Lưu, một mình chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua bao sóng gió(3)Hơn bao giờ hết, việc tái lập Ban chấp hành Trung ương là một nhiệm vụ cấp bách. Muốn vậy cần phải triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương nhưng ai sẽ là người có đủ tư cách triệu tập hội nghị này? Đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Chỉ có một mình đồng chí Phan Đăng Lưu mới đủ tư cách để triệu tập Hội nghị Trung ương”(4).Trong một cuốn sách khác, đồng chí Trần Quốc Hương khẳng định: “Hội nghị Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) họp 3 ngày (từ mồng 6 đến mồng 9/11/1940) do chính đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trì, sau này được gọi là Hội nghị Trung ương lần thứ 7”(5). Như vậy, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 tháng 11/1940 do đồng chí Phan Đăng Lưu triệu tập và chủ trì.
2.2. Tái lập lại Ban chấp hành Trung ương lâm thời và chuyển Trung ương từ miền Nam ra miền Bắc
Lúc này, ở Bắc Kỳ còn có các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hạ Bá Cang, Trần Đăng Ninh chỉ đạo công tác của Đảng nhưng thực tế là làm công việc của Xứ ủy Bắc Kỳ. Bởi vậy, trong chuyến ra Bắc lần này, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bàn về việc tái lập lại Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Hội nghị Trung ương 7 đã đạt được kết quả to lớn là cử ra Ban chấp hành Trung ương và Ban chấp hành đã bầu Tổng bí thư. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành có ghi lại: “Có ý kiến đề nghị Phan Đăng Lưu làm Tổng bí thư. Anh xin rút với lý do là về đại diện của Trung ương trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đã ít nhiều nắm được tình hình”(6). Đồng chí Hoàng Tùng cũng khẳng định: “Phan Đăng Lưu được đề cử làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Ông không nhận, nói: Tôi sớm muộn cũng bị địch bắt. Vả lại trong tình hình hiện nay, Ban chấp hành Trung ương cần phải ở miền Bắc, gần Hà Nội, trung tâm chính trị của chính quyền thực dân.”(7). Đồng chí Trần Quốc Hương cũng nhớ lại: “Đồng chí Phan Đăng Lưu lúc đó ở miền Nam ra họp, được hội nghị đề cử làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương lâm thời nhưng đồng chí không nhận. Đồng chí nói, tình hình như thế này Trung ương nên ở ngoài Bắc, tôi trở về miền Nam, sớm muộn cũng sẽ bị địch bắt”(8). Là một người hoạt động gắn bó với Nam Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu nhận thấy từ khi thành lập Đảng đến nay (năm 1940), Ban chấp hành Trung ương đóng ở Sài Gòn đều bị thực dân Pháp bắt. Bởi vậy, ông đề nghị chuyển Trung ương từ miền Nam ra miền Bắc. Đây cũng là một đóng góp của ông đối với cách mạng Việt Nam. Như vậy, công lao của Phan Đăng Lưu là đã góp phần tái lập lại Ban chấp hành Trung ương lâm thời và chuyển Trung ương từ miền Nam ra miền Bắc, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quyết định này.
2.3. Góp phần quyết định đối với chủ trương của Đảng: Hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
Một đóng góp to lớn nữa của Phan Đăng Lưu tại Hội nghị Trung ương 7 là chính tại Hội nghị này, sau khi nghe ông báo cáo và phân tích tình hình, Trung ương đã quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Sau khi nước Pháp rơi vào tay phát xít Đức (22/06/1940), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Kỳ, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng dâng cao. Các cuộc đấu tranh biểu tình, bãi công, bãi thị ngày một nhiều hơn. Cờ, khẩu hiệu luôn luôn phấp phới trên các đường phố. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương hốt hoảng, hoang mang. Lợi dụng thực dân Pháp suy yếu, phát xít Nhật đã gây sức ép với Pháp, tìm mọi cách để xâm chiếm Đông Dương. Phan Đăng Lưu tổ chức kêu gọi chính quyền thực dân Pháp liên kết với Đảng Cộng sản Đông Dương và nhân dân Việt Nam chống lại phát xít Nhật. Nhiều viên chức các công sở, kể cả Sở nhà binh Pháp cũng tìm cách liên lạc với cách mạng. Ngoài các cuộc đấu tranh biểu tình ngày càng rầm rộ của nhân dân, Đảng ta còn tranh thủ lôi kéo tầng lớp binh lính người Việt trong quân đội Pháp hoặc đào ngũ hoặc đứng về phía cách mạng. Binh lính ngày càng đồng tình ủng hộ cách mạng. Song thực dân Pháp đã không đáp lại lời kêu gọi của Đảng ta cùng hợp tác chống phát xít Nhật mà còn thẳng tay đàn áp những tổ chức cách mạng, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Tình hình chính trị ở Nam Kỳ trở nên căng thẳng ngột ngạt.
Lúc này, phát xít Nhật vừa gây chuyện rắc rối làm áp lực ở biên giới phía Bắc Đông Dương, vừa xúi giục Thái Lan đưa quân đội, tàu chiến tới biên giới Lào và Campuchia khiêu khích và chuẩn bị khiêu chiến với Pháp. Thực dân Pháp đã điều động quân đội ra biên giới Tây Nam. Lính người Việt đóng ở Nam Kỳ không muốn ra trận chết thay cho Pháp. Anh em binh lính rất hưởng ứng khẩu hiệu: “Không đi làm bia đỡ đạn chết thay cho Pháp!”, muốn nổi dậy khởi nghĩa, thà chết cho cách mạng còn hơn chết vì quyền lợi của đế quốc! 
Trong hoàn cảnh đó, tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập Đại hội toàn xứ tại nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, quận Châu Thành (Mỹ Tho) với sự tham dự của 24 đại biểu thuộc 19 tỉnh trong số 21 tỉnh Nam Kỳ. Phan Đăng Lưu đã tham dự cuộc họp với tư cách là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách Đảng bộ Nam Kỳ. Trong tình trạng bị đàn áp căng thẳng, đông đảo binh lính, cán bộ và quần chúng đã ủng hộ chủ trương khởi nghĩa. Nhà văn Sơn Tùng nhớ lại cuộc gặp gỡ với ông già Năm Thái ở “bệnh viện Bà Thuý đen” trong cánh rừng miền Đông Nam Bộ năm nào. Ông già Năm Thái, người tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ tâm sự: “Sáu Phong à (Sáu Phong là tên của nhà văn Sơn Tùng lúc đó)! Lúc mọi người bàn đánh tao khoái lắm. Tao muốn đánh một trận cho thật đã”(9). Tuy nhiên, lúc bấy giờ cũng có ý kiến là chưa đủ điều kiện khởi nghĩa. Tác giả Trần Giang trong“Nam Kỳ khởi nghĩa 23 tháng 11 năm 1940” cho biết: “Cũng có ý kiến cho rằng mâu thuẫn giữa nhân dân ta và địch tuy sâu sắc, nhưng ta chưa có đủ điều kiện để khởi nghĩa, tức là chưa có thời cơ khởi nghĩa”(10)Năm 1999, khi tìm thấy mộ đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Dương Quang Đông, cán bộ lão thành cách mạng, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ năm 1940, mới cho biết ý kiến sáng suốt đó là của đồng chí Phan Đăng Lưu. “Đồng chí Phan Đăng Lưu không đồng ý khởi nghĩa vì thời cơ chưa tới, lực lượng ta chưa đủ. Muốn khởi nghĩa thắng lợi còn phải có sự liên kết hưởng ứng của Trung Kỳ và Bắc Kỳ”(11). Lúc này Pháp đã đầu hàng Đức, vì vậy mọi người cho là Pháp đã suy yếu. Tuy nhiên không phải như vậy. Với tầm nhìn của một người lãnh đạo, Phan Đăng Lưu đã nhận thấy rằng, mặc dù Pháp đầu hàng Đức nhưng bọn thực dân Pháp ở Đông Dương vẫn mạnh. Hơn nữa, việc khởi nghĩa là một vấn đề rất trọng đại, không thể chủ quan, xem nhẹ. Chính vì vậy, tại Đại hội toàn Xứ, trong không khí sục sôi muốn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền của đông đảo thành viên, ông luôn bình tĩnh nhắc nhở mọi người:“Nguyên tắc khởi nghĩa là phải chuẩn bị đầy đủ, phải có quyết tâm cao. Chúng ta không thể đùa với khởi nghĩa, không thể đưa quần chúng vào chỗ hy sinh vô ích”(12).
Mặc dù ý kiến của Phan Đăng Lưu là sáng suốt nhưng để trở thành quyết định của Xứ ủy Nam Kỳ là một quyết định khó khăn. “Trong Hội nghị Xứ ủy, chỉ một mình đồng chí Phan Đăng Lưu dám nói mạnh là không tán thành chủ trương khởi nghĩa”(13) và không được ủng hộ. Sau đó, tại Hội nghị Trung ương 7, đồng chí Phan Đăng Lưu đã mạnh dạn trình bày tình hình thực tế và đã góp phần quyết định đối với chủ trương hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ của Đảng cũng như những kinh nghiệm chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ. Tuy nhiên sau đó, khi vừa trở về Sài Gòn thì Phan Đăng Lưu bị địch bắt. Vì vậy, quyết định hoãn khởi nghĩa đã không đến được với các cơ sở cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Mặc dù vậy, không thể không đánh giá cao tầm nhìn và nỗ lực của Phan Đăng Lưu trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Như vậy có thể khẳng định, những đóng góp của Phan Đăng Lưu đối với cách mạng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) đã thể hiện tầm vóc, trí tuệ và bản lĩnh của ông với những cống hiến có giá trị lịch sử to lớn./.


Tài liệu tham khảo
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội-2000, tr.536.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia  Hà Nội-2000, tr.539.
(3) Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb Chính trị Quốc gia  Hà Nội-2002, tr.94.
(4) Theo đồng chí Nguyễn Đức Dương trên đường ra Bắc đầu tháng 11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu có gặp đồng chí Dương ở Huế (Xem chú thích ở trang 74 sách “Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ” của Hội đồng chỉ đạo lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb Chính trị Quốc gia , Hà Nội, 2002).
(5) Nguyễn Thành, Phan Đăng Lưu - tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hoá, tr.55: “Đến giữa năm 1940, các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng lần lượt rơi vào tay địch, chỉ còn lại Phan Đăng Lưu một mình chèo chống với phong ba bão táp”.
(6) Băng ghi hình phỏng vấn đồng chí Trần Quốc Hương do Trần Danh Thuỷ thực hiện, tư liệu do gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu cung cấp.
(7) Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội -2003, tr.33.
(8) Nguyễn Thành, Phan Đăng Lưu - tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hoá, tr.57-58.
(9) Hoàng Tùng, Trường Chinh - thân thế và sự nghiệp (trong sách: Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt suất của cách mạng Việt Nam), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2002, tr.118.
(10) Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội -2003, tr.37.
 (11) Băng ghi âm phỏng vấn nhà văn Sơn Tùng tại nhà riêng do Phan Đăng Thuận thực hiện.
(12) Trần Giang, Nam Kỳ khởi nghĩa 23 tháng 11 năm 1940, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.36.
(13) Băng ghi âm phỏng vấn đồng chí Dương Quang Đông do Trần Công Lý thực hiện, tư liệu do gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu cung cấp.
    Xem thêm Hoàng Thanh Đạm, Phan Đăng Lưu với Nam Kỳ khởi nghĩa, Tạp chí Lịch sử quân sự số 1 (128) năm 2001, tr.17-19.
(14) Ngô Nhật Sơn, Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh năm 1987, tr.52.
(15) Băng ghi âm phỏng vấn đồng chí Dương Quang Đông do Trần Công Lý thực hiện, tư liệu do gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu cung cấp.

■   Th.s Nguyễn Thị Bình Minh
      Th.s Phan Đăng Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét