Nhằm đủ sức đáp ứng cuộc chiến đang ngày càng lan rộng, chính quyền hai tỉnh Long Xuyên- Châu Đốc tăng cường thu gom các loại thuế, phạt vạ, sưu dịch điều tăng; hàng hóa thiết yếu như dầu lửa, thuốc trị bệnh…hết sức khan hiếm đã đưa cuộc sống nhân dân càng thêm điêu đứng. Cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng bị khám xét, lùng sục truy bắt hằng ngày.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy về việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đồng chí Lương Văn Cù Bí thư Liên tỉnh ủy Long Xuyên triệu tập cuộc họp tại nhà ông Nguyễn Văn Bội ở xã Kiến An, quận Chợ Mới Hội nghị đề ra kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng và phát triển các đoàn thể phản đế: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ…và quyết định thành lập Ban khởi nghĩa.
Sau hội nghị, các tỉnh ủy Long Xuyên - Châu Đốc mở rộng và phát triển đoàn thể để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa, thành lập Ban Liên lạc giữa tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên. Các đoàn thể quần chúng phát triển nhanh về số lượng, mở rộng và phát triển về tổ chức. Mặt trận ngoài lực lượng công nhân, nông dân còn tập hợp rộng rãi các tầng lớp khác. Các đội du kích tuyên truyền vận động, luyện tập võ nghệ ngày đêm, nhiều lò rèn Chợ Mới, Tân Châu làm việc suốt ngày đêm ,cung cấp vũ khí cho du kích. Quần chúng kẻ góp gạo, người góp tiền, góp tầm vông, góp sắt để rèn giáo, mác và dao găm …Phong trào đã lôi cuốn đông đảo quần chúng, cá biệt hội tề, địa chủ cũng tham gia, mạnh nhất là quận Chợ Mới, Tân Châu, Tịnh Biên.
Đêm 22 rạng 23/11/1940, Sài Gòn và các nơi khởi nghĩa. Liên tỉnh ủy Long Xuyên nhận được lệnh trễ 7 ngày. Liên tỉnh ủy cấp tốc triệu tập cuộc họp vào ngày 28-29/11/1940. Hội nghị đã thảo luận và phân tích tình hình thống nhất tiến hành khởi nghĩa toàn tỉnh vào lúc 0 giờ ngày 2/12/1940, phân công cán bộ Liên tỉnh ủy và Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc trực tiếp triển khai kế hoạch và phụ trách các hướng tấn công.
Do cơ sở Đảng trong tỉnh phát triển không đều, hội nghị chọn điểm tấn công chính của Long Xuyên là Chợ Mới; Châu Đốc là Tân Châu. Cánh quân đánh vào vùng điểm Chợ Mới do Nguyễn Ngọc Quang chịu trách nhiệm tiến công vào dinh quận, lực lượng các xã chung quanh hợp đồng với vùng điểm nhất loạt nổi dậy. Điểm Tân Châu do Võ Quang Hẳng, …chỉ huy lực lượng xã Phú Lâm và Long Sơn đánh vào dinh quận. Lực lượng xã Hòa Hảo, Phú Thuận, Phú An do Lê Minh Quang lãnh đạo giành chính quyền. Ở vùng diện, cánh quân Long Xuyên do Nguyễn Văn Cự (Chà) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh phà Vàm Cống chặn đường tiếp viện của địch, đốt phá trụ sở tại tỉnh lỵ. Ở Tịnh Biên, Phạm Văn Thừa lãnh đạo lực lượng Nhơn Hưng, Thới Sơn, Xuân Tô kéo ra phá rối tỉnh lỵ Châu Đốc để căng kéo lực lượng địch cho Tân Châu. Quận Hồng Ngự huy động lực lượng các xã Thường Thới, An Bình do chi bộ lãnh đạo đánh vào dinh quận.
Đúng giờ pháo lệnh nổ, vùng điểm ở Chợ Mới, đội du kích do Nguyễn Giáp chỉ huy tiến thẳng vào đốt cháy một góc Nhà dây thép (bưu điện), đập phá máy móc, triển khai đội hình chuẩn bị đánh dinh quận thì bị địch bắn chặn dữ dội không thể tiến tới được nữa, nên phải rút lui. Hai cánh quân Long Điền, Kiến An do Mai Văn Tần chỉ huy tập kết tại bãi cồn Chín Dư triển khai thành hai mũi: từ mé lộ đánh vào và từ bãi sông đánh lên đã bị phục kích, không thể đột nhập vào dinh quận được.
Các đồng chí lãnh đạo liền triển khai dọc theo lộ Long Điền Mỹ Luông phối hợp với lực lượng Mỹ Luông, Long Điền…do Huỳnh Văn Hoành (Tám Hoành) phụ trách, cắt dây thép, đào lộ, đốn cây cản đường nhiều đoạn, đốt phá cầu Kinh Thầy Cai, kinh Cựu Hội, kinh Trà Thôn, mương Ông Cha, mương Quản Bèn, đồng thời treo cờ Đảng, cờ đỏ sao vàng trên cột dây thép và các cây lớn dài theo đường giao thông. Tại Kiến An lực lượng du kích giải tán tề xã tịch thu một súng lửa. Đồng bào các xã lân cận nổi trống mõ, đốt pháo đại, hô khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Đả đảo chính quyền thực dân Pháp và tay sai, chính quyền về tay nhân dân”. Truyền đơn bươm bướm rải khắp nơi.
Trong khi đó, cánh quân Long Xuyên lại hoàn toàn bất động do Nguyễn Văn Cự không hạ lệnh hành động.
Mũi đánh vào Nhà dây thép và dinh quận Tân Châu, địch đã phát hiện đề phòng nên cũng không thực hiện được kế hoạch. Riêng lực lượng xã Hòa Hảo dưới sự chỉ huy của Lê Minh Quang đã vận động hương sư Vàng giao nộp một súng lửa và 5 viên đạn, rồi tổ chức tuyên truyền khắp xóm làng. Chi bộ các xã Long Sơn, Phú Thuận lãnh đạo nhân dân hưởng ứng nỗi dậy đốt pháo, treo băng, cờ, rải truyền đơn, đốn cây, phá lộ…
Tại Hồng Ngự, chi bộ Thường Thới tập trung lực lượng bắt đầu từ Mương Kinh băng đồng đến một điểm cách dinh quận 200 mét chờ lệnh. Nhưng được tin mũi đánh vào Tân Châu đã bị lộ nên lực lượng phải rút lui.
Từ Tịnh Biên, Trung đội du kích Thới Sơn, Nhơn Hưng dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Thừa tiến ra tỉnh lỵ Châu Đốc, nhưng trong đêm nhận được lệnh tạm dừng cuộc khởi nghĩa nên phải rút về.
Hưởng ứng cuộc nổi dậy với các điểm chính, nhiều xã ở Châu Thành, vùng ven Châu Đốc phá cấu, treo băng cờ, nổi trống mõ, đốt pháo, rải truyền đơn làm cho bọn tề xã và binh lính hoang mang, có tên nằm im, có tên chạy trốn, hoặc ra thú tội; một số xã ta đã làm chủ hoàn toàn như: Kiến An, Hòa Hảo, An Phong…Thanh thế của Đảng và sức mạnh của nhân dân lao động được biểu dương mạnh mẽ.
Không đánh chiếm được mục tiêu đã định, lực lượng khởi nghĩa ở Chợ Mới rút vào giồng Bánh Lái (nơi giáp ranh 3 xã Kiến An,Nhơn Mỹ,Mỹ Hội Đông) tính cách đối phó. Bọn lính Pháp huy động lực lượng đến vây chặt, nhiều đồng chí đã hy sinh và bị bắt. Trong đó có Bí thư Liên Tỉnh ủy Lương Văn Cù và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Long Xuyên, Quận ủy Chợ Mới.
Từ ngày 10-14/12/1940, địch huy động lính tập, lính Khmer cùng lính địa phương mở cuộc ruồng bố khắp các xã thuộc quận Chợ Mới, Tân Châu, An Phong (Phong Thạnh Thượng) do chính tên Tỉnh trưởng Long Xuyên Legeat chỉ huy. Trên 200 căn nhà bị chúng đốt phá, cướp giựt, hàng trăm người bị vây bắt…Theo báo cáo của Thống đốc Nam kỳ, thì đến cuối tháng 12/1940, vùng Long Xuyên đã bắt giam 227 người, Châu Đốc 88 người, nhưng kỳ thực còn cao hơn con số đó nhiều. Hầu hết cơ sở Đảng của Long Xuyên, Châu Đốc bị tan rã. Gần như chi bộ nào cũng có đảng viên bị bắt. Nặng nhất là Chợ Mới, luôn có từ khoảng 500-700 người bị giam ở các trại tạm giam. Nhiều đồng chí lãnh đạo trong Liên tỉnh ủy và Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc bị kêu án tử hình như Lương Văn Cù bị xử tử tại Hóc Môn (28/8/1941), Nguyễn Lương Dược, Lê Minh Ngươn, Huỳnh Văn Hây bị bắn ở núi Sam (6/6/1941), Lê Minh Quang bị xử tử ở Cần Thơ (10/6/1941). Hầu hết những người bị bắt đều bị kêu án ít nhất 5 năm tù. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Lê Duy Hinh, Mai Văn Tần, Nguyễn Giáp, Chi…bị tù chung thân, đày đi Côn Đảo.
Khởi nghĩa nổ ra đã biểu dương tinh thần chiến đấu, ý chí thống nhất, kiên cường của người cộng sản với tấm gương trung can tiết liệt mà ai ai cũng cảm phục. Những người cộng sản và quần chúng yêu nước ở Long Xuyên, Châu Đốc đã góp máu của mình cùng với 19 tỉnh Nam kỳ viết lên những trang sử vẻ vang, làm cho những địa danh như Long Điền, Kiến An, Mỹ Luông, Nhơn Mỹ, Phú Lâm…đi vào lịch sử hào hùng để người sau luôn tự hào về mảnh đất mà mình đang sống. Cuộc khởi nghĩa còn giúp cho Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc những kinh nghiệm quý báu về vấn đề thời cơ, lực lượng.v.v…để tổ chức khởi nghĩa và lãnh đạo nhân dân giành chính quyền cách mạng tháng Tám thắng lợi không đầy năm năm sau.
Tinh thần chiến đấu anh dũng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ mãi mãi sống trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc và của Đảng bộ An Giang.
Kim Huê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét